Header Ads

  • Breaking News

    Ông Tô Lâm đã được bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Mỹ?

    Ls. Đặng Đình Mạnh


     Hão vọng về người có nghề "gia truyền"


    Ls. Lê Quốc Quân


    30/9/2024


     (VNTB) – Người phát ngôn của Đại học Columbia cam kết về quyền tự do ngôn luận và không tán thành quan điểm của diễn giả nào khi tổ chức buổi nói chuyện.

    Trước chuyến công du đến Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 21 Tháng Chín 2024, lịch trình làm việc chính thức của ông Tô Lâm được công bố chỉ vỏn vẹn 2 dòng:

    – Phát biểu trong cuộc họp thường niên lần thứ 79 của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc ; Và

    – Gặp gỡ một số doanh nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm Google và Meta;

    Qua truyền thông nước ngoài, công chúng trong nước mới biết về khả năng có thêm lịch trình làm việc của ông Tô Lâm tại trường Đại học Columbia tại Thành phố New York, nơi ông ấy được mời để phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường về chính sách, trước cử tọa là giới học thuật và sinh viên.

    Điều này đã dấy lên sự nghi vấn hư thực về buổi làm việc của ông ấy tại trường Đại học Columbia khi truyền thông trong nước lại không đề cập gì.

    Và đây mới là nguyên nhân: Một ngày trước ngày ông Tô Lâm rời Việt Nam, ngày 20 Tháng Chín 2024, dân biểu Mỹ Michelle Steel đã phản đối khi bà kêu gọi trường hủy bỏ sự kiện với nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Tô Lâm. Theo đó, bà Steel đã gửi một bức thư tới Chủ tịch tạm quyền của trường, bà Katrina Amstrong, để đề nghị trường rút lại lời mời ông Tô Lâm đến phát biểu.

    Bà Steel nhắc lại lần nữa bằng cách đưa ra một thông cáo ngay trước khi buổi nói chuyện diễn ra hôm 23 Tháng Chín để nhắc lại lời phản đối này.

    Nguyên, Dân biểu Mỹ Michelle Steel, người đại diện địa hạt 45, Tiểu bang California tại Quốc hội Hoa Kỳ – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất nước Mỹ, đã cho rằng: “Ông Tô Lâm là một nhà độc tài nguy hiểm, đã kìm hãm quyền tự do ngôn luận và bắt giữ nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam”. Vẫn theo vị dân biểu này, Đại học Columbia không thể thúc đẩy một môi trường học thuật có tự do ngôn luận và tự do biểu đạt khi tiếp đón một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài. Vẫn theo bà “một tổ chức thường xuyên tự nhận mình là người bảo vệ quyền công dân lại đang bỏ qua tình cảnh của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất”.

    Tuy vậy, Đại học Columbia đã không chấp thuận lời kêu gọi hủy bỏ sự kiện của Dân biểu Mỹ Michelle Steel.

    Trong email gởi đến giới truyền thông Hoa Kỳ, người phát ngôn của trường Đại học Columbia, cho rằng: Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường “Mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường” với mục tiêu “Hỗ trợ sứ mệnh học thuật lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức. “Sứ mệnh đó dựa trên cam kết cơ bản về quyền tự do ngôn luận, tìm hiểu cởi mở và tranh luận sôi nổi”.

    Vẫn theo lời người phát ngôn của Đại học Columbia cam kết về quyền tự do ngôn luận và không tán thành quan điểm của diễn giả nào khi tổ chức buổi nói chuyện.  Rằng: “Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào,”.

    Sự kiện phát biểu về chính sách của ông Tô Lâm bị dân biểu Mỹ phản đối và yêu cầu hủy bỏ, khi ấy sự chậm trễ lên tiếng để xác nhận sự kiện của trường Đại học Columbia đã khiến cho chế độ trong nước phải lựa chọn sự im lặng trước sự kiện, vì không chắc chắn nó sẽ được thực hiện.

    Được biết, các diễn giả trước đây đã từng được mời đến nói chuyện tại diễn đàn của Đại học Columbia bao gồm Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nhật Zhinzo Abe, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và Đức Dalai Lama.

    Trong đó, với ông Tô Lâm, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành lãnh đạo Cộng sản đầu tiên được mời tới trường đại học này.

    Cho thấy, với thế giới văn minh, cho dù ông Tô Lâm có là một nhà độc tài kìm hãm và đàn áp quyền tự do ngôn luận khốc liệt như thế nào đi nữa, kể cả cho bắt giữ, cáo buộc, xét xử và giam cầm hàng trăm  tù nhân lương tâm tại Việt Nam, thì quyền tự do ngôn luận của ông ấy vẫn được bảo đảm ở mức độ tối đa tại lãnh thổ công nhận quyền tự do ngôn luận từ Hiến pháp đến thực tế.

    Từ trước đến nay, Việt Nam bị các tổ chức quốc tế và cả chính phủ Hoa Kỳ đánh giá thấp về hồ sơ nhân quyền. Nhưng chính quyền của quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn luôn phản bác những cáo buộc về vi phạm nhân quyền của họ. Ông Tô Lâm, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp quốc ngày 22 Tháng Chín 2024 đã nói trong bài diễn văn “Lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta”.

    Lời nói không đi đôi với việc làm là một lời dối trá, kể cả là lời nói từ người đứng đầu cả một chế độ cũng vậy. Đó là câu chuyện muôn thuở và không hề có điểm dừng tại Việt Nam.

    DC, ngày 26 Tháng Chín 2024

    ________________________

    Nguồn:  Facebook Manh Dang 

    Hão vọng về người có nghề "gia tuyền"


    Ls. Lê Quốc Quân


    29/9/2024



    Gần đây ông Tô Lâm đăng một bài viết về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” làm dấy lên hy vọng về việc ông có thể thay đổi theo hướng tự do dân chủ hơn cho Việt Nam. 

    Nhưng đó là một hão vọng. 


    Bài báo kể trên và tất cả những sự kiện đã qua chứng minh dứt điểm rằng ông Tô Lâm đã, đang và sẽ theo đuổi một cách đầy trách nhiệm trong việc bảo vệ đảng cộng sản và bảo vệ chế độ hiện hành. Đổi mới là để Đảng lãnh đạo mạnh hơn, chặt hơn. 


    Việc ông gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng cộng sản Mỹ, các tổ chức cánh tả, và nhà hoạt động xã hội, chống chiến tranh VN, trao huân chương hữu nghị cho họ là một bằng chứng sống động. 


    Đây là việc làm thể hiện sự trung thành tuyệt đối, cổ võ và soi sáng cho hơn 5 triệu đảng viên của mình và những đồng chí khác trên toàn thế giới về lý tưởng cộng sản. 


    Ngoài ra, Ông còn là người đang rất “phát tài” trong nghề gia truyền của mình. 


    Bố ông là đại tá công an Tô Quyền, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Tô Lâm là bí danh ông Tô Quyền đã dùng trong suốt những năm hoạt động bí mật ở chiến trường Miền Nam. Ông Tô Quyền cũng rất giỏi trong việc đàn áp bắt bớ các nhóm “phản động” sau năm 1975. 

    Noi gương bố mình, Tô Lâm làm công an và là giáo sư tiến sỹ trong ngành an ninh, suốt đời ông làm việc về công tác an ninh và đang thực sự rất “phát tài với nghề gia truyền” của mình. 

    Bởi vậy, tôi không bao giờ nghĩ rằng ông TL sẽ bỏ nghề gia truyền, tiến hành xây dựng chính phủ kỹ trị, và đổi mới chính trị Việt Nam. 


    Giữa một xã hội đang có nhiều thách thức thì niềm hy vọng là điều rất tốt, nhưng căn cứ vào thực tế thì sự thay đổi xuất phát từ người đứng đầu đảng và nhà nước hiện nay là điều không thể xảy ra. 


    Mà dù ông có muốn cũng không thể.


    https://www.facebook.com/vietnamsolutions


    Không có nhận xét nào