26/10/2024
Trong bóng tối ngột ngạt của những tháng năm biến động, con người không ngừng khắc khoải tìm kiếm một niềm tin vững chắc giữa những sự thật đắng cay và phức tạp của cuộc sống. Đối với người Việt Nam, một dân tộc trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nơi mà quyền lực áp đặt lên tinh thần và văn hóa dân tộc, hành trình tìm về chân lý, công lý và tự do dường như chưa bao giờ dứt.
Những nhân vật, biểu tượng và sự kiện thoáng qua trên màn ảnh truyền thông, từ những nhân vật lãnh đạo chính trị đầy uy lực, những nhà hoạt động tranh đấu giữa các tầng lớp nhân dân, thuộc mọi ngành nghề và địa vị, cho đến các bậc tu sĩ hay học sinh nhỏ tuổi, cũng có thể trở thành những điểm tựa, dù thoáng chốc, cho niềm khát khao thoát khỏi sự trầm uất. Mỗi hiện tượng là một tia hy vọng mỏng manh, nơi con người bám vào để giải thoát ức chế, nỗi đau và sự trầm thống về thân phận, về những điều sâu kín trong tâm hồn.
Và trong chừng mực nào đó, con người ta tự đeo bám, tự kiến tạo những biểu tượng, và thần tượng, rồi cũng tự mình tháo xuống những khi thực tế phũ phàng xóa tan mọi ảo mộng. Đó là một vòng luẩn quẩn đầy bi kịch, khi mà tất cả những tường thành tưởng chừng bất biến của đạo đức, văn hóa dần sụp đổ, niềm tin bị tan vỡ không chỉ bởi những lỗi lầm của người mà sâu xa hơn, bởi chính một hệ thống quyền lực đã cố tình gieo rắc nỗi sợ hãi. Khi sự đen tối này phủ trùm lên từng ngóc ngách của ý thức và sinh hoạt thường nhật, con người dường như bám víu vào cả điều thiện lẫn điều ác, chỉ để tìm một lối thoát khỏi cái hiện thực ngột ngạt ấy.
Vậy, giữa những hoang mang và sụp đổ của giá trị xã hội, liệu có còn nơi nào để con người có thể tìm thấy ánh sáng thật sự? Liệu chúng ta có thể giữ vững một niềm tin không bị lung lay trước những nghịch cảnh trần trụi của đời sống, từ đó kiến tạo một niềm hy vọng chân thành và bền bỉ cho thế hệ tương lai?
Cuộc hành trình tìm kiếm niềm tin vừa là hành trình cá nhân, vừa là hành trình tập thể của một xã hội đã và đang phải đối mặt với những tổn thương lâu dài. Niềm tin không thể đơn thuần chỉ đặt vào những biểu tượng tạm thời, vào những lời hứa hay sự xuất hiện thoáng qua của một vài cá nhân. Niềm tin đích thực, phải đến từ chính ý thức rõ rệt về trách nhiệm và tự do nội tại của mỗi người, và cả cộng đồng.
Đó là hành trình vượt qua bóng tối, xây dựng lại niềm tin từ sự kết nối, lòng can đảm và từ khát vọng tự do lâu dài. Đó là con đường không dễ đi, nhưng khi chúng ta có được sức mạnh của tình thương, lòng dũng cảm và sự sáng suốt, hành trình đó sẽ trở thành một vũ điệu không còn những khắc khoải, mà là một điệu nhạc hân hoan, hướng tới ánh sáng của hy vọng và hạnh phúc thật sự.
Giữa một xã hội dồn nén, những bước chân của tự do trở nên mơ hồ và mong manh, con người không chỉ đi tìm sự thật mà còn khao khát tìm về cội rễ vững chắc của chính mình. Những giá trị chân chính trong mỗi cá nhân dần bị bóp méo dưới sức ép của một hệ thống quyền lực, khiến con người ngày càng xa lạ với bản thân và với người xung quanh. Đó là bi kịch chung của những tâm hồn không có chỗ dựa, của những cuộc đời không có điểm tựa.
Bấy giờ, những biểu tượng, thần tượng mà mình xây dựng, dù chỉ là trong giấc mơ ngắn ngủi, vẫn là một cách để chống lại hiện thực. Chúng ta tìm thấy trong đó một sức mạnh vô hình – một sức mạnh mà ngay cả khi biết là ảo mộng, chúng ta vẫn sẵn sàng tin vào. Điều này phản ánh một nhu cầu bẩm sinh của con người về niềm tin, về một lẽ sống và một ánh sáng cho tương lai, ngay cả khi thực tại dãy đầy những đổ nát.
Trong sự quay cuồng ấy, từng cá nhân phải đối diện với chính bản thân và những niềm tin chồng chéo, đôi khi trái ngược. Sự hiện diện của niềm tin vừa là liều thuốc xoa dịu vừa là mũi tên sắc bén cắm vào nỗi đau sâu thẳm nhất trong lòng. Người ta dựng lên những tượng đài của lý tưởng, nhưng cũng chính tay mình kéo sập chúng khi hiện thực vượt quá sức chịu đựng. Đó là vòng luẩn quẩn của khổ đau và hy vọng, nơi mà con người tìm cách tự giải thoát, tự cứu rỗi khỏi cái hiện tại chật hẹp, ngộp thở của chính mình.
Và giữa những biến động, chúng ta bắt đầu tự vấn về lẽ thiện và ác, tìm kiếm một định nghĩa thật sự cho đúng và sai. Ở một nơi nào đó sâu kín trong tâm thức, là nỗi sợ về những gì vô hình nhưng ràng buộc, về những điều bất khả kháng nhưng hiện hữu từng ngày. Để từ đó, một xã hội bị cuốn vào dòng chảy không ngừng của nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, nơi mà niềm tin trở thành món hàng xa xỉ và lòng người phải chịu sự vùi dập của một hệ thống quyền lực.
Nhưng khi tất cả mọi thứ trở nên nhạt nhòa, con người khó phân biệt được thiện ác, đúng và sai. Đó là khi xã hội bắt đầu rơi vào một vũ điệu vô định, khi từng giá trị quý giá bị che lấp bởi những nỗi âu lo, ngờ vực và sự hoang mang. Những ai còn lại với một chút lương tri, một chút lòng can đảm sẽ thấy trách nhiệm nặng nề trên vai mình. Trách nhiệm không đơn thuần chỉ là chống lại cái ác, mà còn để gìn giữ từng giá trị chân chính, dù nhỏ bé đến đâu, cho đến khi nó có thể trỗi dậy và lan tỏa một lần nữa.
Trong tận cùng của bóng tối, có những ánh sáng lẻ loi không dễ dàng tắt đi, những ánh sáng mà con người phải gìn giữ như một phần máu thịt, như một phần bản chất thiêng liêng của chính mình. Dù cho thế giới có biến động ra sao, dù niềm tin có bị lung lay thế nào, luôn có những sinh linh dũng cảm vượt lên tất cả, đi ngược dòng để bảo vệ từng mầm sống của sự thật, của tình thương và hy vọng cho tương lai.
Con người vốn khao khát một cuộc sống có ý nghĩa, nơi mà giá trị đạo đức, tình thương và công lý được tôn vinh. Khi nhìn sâu vào tâm thức xã hội, chúng ta thấy một sự thiếu vắng, một khoảng trống bị phủ kín bởi những nỗi lo sợ vô hình. Những thế hệ nối tiếp nhau như đang bước đi trên một con đường mù mịt, nơi mà cái đúng và cái sai bị đảo lộn, giá trị chân chính dần dần mất đi chỗ đứng.
Ở đây, sự hoang mang không chỉ là một cảm giác thoáng qua mà nó đã thấm sâu vào từng ý niệm, từng tư tưởng của con người. Nơi một xã hội mà sự kiểm soát trở thành công cụ phổ biến, niềm tin của mỗi người, niềm tin vào điều tốt lành và chân thật, trở thành một thử thách khó khăn. Niềm tin ấy không còn đơn giản chỉ là niềm tin vào các giá trị đạo đức, mà còn là niềm tin vào khả năng được sống tự do, được tự do cảm nhận và tự do phát triển.
Điều đáng buồn là, thay vì tìm đến những giá trị tinh thần sâu sắc, chúng ta đôi khi sa vào sự đua chen, vào cái vòng quay hối hả của cuộc sống vật chất. Chúng ta tìm kiếm những thành công, những vị trí xã hội và danh vọng tạm thời mà quên mất rằng thực chất cuộc đời còn nhiều điều đáng giá hơn thế. Cái giá của việc sống trong một xã hội thiếu tự do và chân lý là sự đánh mất bản thân, một sự lãng quên đầy tiếc nuối.
Trong chiều sâu của tâm hồn, mọi người đều có một tiếng gọi, một tiếng vọng của sự thiện lành. Đó là tiếng gọi của lòng từ bi, của trí tuệ và của khát vọng tự do. Dù bị vùi lấp dưới những tầng lớp của khổ đau, bất mãn và hoang mang, tiếng gọi ấy vẫn vang vọng, vẫn thôi thúc con người tìm về chân lý. Trong cái ồn ào của những trào lưu, của những cơn sóng dữ, có những cá nhân dũng cảm sẵn sàng bơi ngược dòng, không phải để chứng tỏ mình mà để giữ lấy những giá trị cốt lõi của nhân loại.
Những sinh linh ấy, những con người ấy, có thể không nổi bật, không rực rỡ trong mắt đám đông, nhưng họ là những ngọn đuốc âm thầm soi sáng trên hành trình đi tìm sự thật và tự do. Chính họ là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, là động lực cho những ai đang lạc lối, giúp mọi người tìm thấy sự an ủi và niềm tin trong những lúc khó khăn nhất. Những người này không ngại hy sinh bản thân, không sợ bị hiểu lầm hay quên lãng, bởi họ biết rằng điều họ đang bảo vệ là điều sẽ cứu sinh con người khỏi sự chìm đắm trong bóng tối.
Đi sâu hơn, chúng ta nhận ra rằng, niềm tin thực sự không nằm ở bên ngoài, mà là ở bên trong mỗi người. Đó là sức mạnh của sự tỉnh thức, của sự can đảm nhìn vào chính mình và nhìn thấu sự thật. Đây không phải là một niềm tin mù quáng, mà là một niềm tin đã được mài giũa qua những thử thách, qua những đau thương. Nó là niềm tin vào khả năng vượt qua bóng tối, là sức mạnh tìm lại ánh sáng của lòng từ bi và trí tuệ.
Niềm tin này, khi được vun đắp và bảo vệ sẽ là nền tảng cho mọi cuộc cách mạng, mọi sự đổi thay lớn lao trong xã hội. Khi mỗi người dám sống thật với bản chất thiện lương của mình, dám đứng lên vì sự thật và công lý, bấy giờ sẽ trở thành những ngọn đèn sáng, một nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ sau. Và từ đó, một xã hội không còn chìm trong hoang mang và sợ hãi sẽ dần được hình thành – một xã hội mà con người được tự do yêu thương, được tự do tin tưởng và được tự do sống.
Yuma, ngày 26 tháng Mười Một, 2024
https://uyennguyen.net/2024/10/26/nguyen-viet-cai-gia-cua-mot-xa-hoi-mat-tu-do-danh-mat-ban-than/
Không có nhận xét nào