Header Ads

  • Breaking News

    Nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các thể chế chính trị

     Cùng với James Robinson, các giáo sư được vinh danh vì công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các thể chế chính trị


    CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC DARON ACEMOGLU VÀ SIMON JOHNSON CỦA MIT CÙNG NHẬN GIẢI NOBEL


    Người dịch: Nguyễn Thị Trà Giang


    Nguồn: Along with James Robinson, the professors are honored for work on the relationship between economic growth and political institutions, Massachusetts Institute of Technology, 


    Oct 14, 2024.


    Peter Dizikes | MIT News



    Daron Acemoglu (trái) và Simon Johnson

    Nguồn ảnh: Acemoglu, Adam Glanzman; Johnson, được cung cấp bởi MIT


    Các nhà kinh tế học của MIT, Daron Acemoglu và Simon Johnson (Tiến sĩ năm 1989), những người đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và tăng trưởng kinh tế, vừa được trao Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế nhằm tưởng nhớ Alfred Nobel năm 2024. Nhà khoa học chính trị James Robinson từ Đại học Chicago, người đã hợp tác chặt chẽ với họ, cũng chia sẻ giải thưởng này.


     “Những xã hội có pháp quyền yếu kém và các thể chế bóc lột dân chúng không tạo ra sự tăng trưởng hay thay đổi theo hướng tốt hơn”, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố trong bài phát biểu trao giải Nobel. “Nghiên cứu của các nhà khoa học được vinh danh giúp chúng ta hiểu lý do tại sao.”


    Sự hợp tác nghiên cứu dài hạn giữa Acemoglu, Johnson và Robinson kéo dài hơn hai thập kỷ đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng các nền dân chủ, nơi tuân thủ pháp quyền và đảm bảo các quyền cá nhân, đã thúc đẩy hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn trong 500 năm qua.

    “Tôi thực sự kinh ngạc và vô cùng vui mừng”, Acemoglu chia sẻ với MIT News sáng nay về việc nhận giải Nobel. Trong khi đó, Johnson cũng nói với MIT News rằng ông “bất ngờ và phấn khích” trước thông báo này.


    Hiệu trưởng MIT, Sally Kornbluth, đã chúc mừng cả hai giáo sư tại buổi họp báo của Viện vào sáng nay, nhấn mạnh rằng Acemoglu và Johnson “phản ánh một hình mẫu lý tưởng của MIT” về sự xuất sắc và tính nghiêm ngặt trong công việc, cũng như cam kết hợp tác của họ. Kornbluth còn nói thêm rằng nghiên cứu của họ thể hiện “mối quan tâm rất MIT về việc tạo ra tác động tích cực trong thế giới thực.”


    Trong công trình nghiên cứu của mình, Acemoglu, Johnson và Robinson đã phân biệt giữa các chính phủ “dung hợp” về mặt chính trị, mở rộng các quyền tự do chính trị và quyền sở hữu càng rộng rãi càng tốt, đồng thời thực thi pháp luật và cung cấp cơ sở hạ tầng công, với các hệ thống chính trị “tước đoạt”, nơi quyền lực tập trung vào tay một nhóm tinh hoa nhỏ.

    Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các chính phủ dung hợp đạt được sự tăng trưởng lớn nhất trong dài hạn. Ngược lại, các nước với chính phủ tước đoạt hoặc không thể tạo ra sự tăng trưởng trên diện rộng, hoặc chứng kiến sự tăng trưởng của mình suy giảm sau những đợt bùng nổ kinh tế ngắn ngủi.


    Cụ thể hơn, vì tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sự đổi mới công nghệ rộng rãi, nên những tiến bộ này chỉ được duy trì khi và nơi mà các nước thúc đẩy một loạt quyền cá nhân, bao gồm cả quyền sở hữu tài sản, từ đó tạo động lực cho nhiều người hơn phát minh ra nhiều thứ. Giới tinh hoa có thể chống lại sự đổi mới, thay đổi và tăng trưởng để giữ quyền lực, nhưng nếu thiếu pháp quyền và một tập hợp các quyền ổn định, sự đổi mới và tăng trưởng sẽ bị đình trệ.

    Acemoglu phát biểu trong buổi họp báo tại MIT rằng: “Sự dung hợp về cả chính trị lẫn kinh tế đều quan trọng, và chúng hỗ trợ lẫn nhau”.


    Các nghiên cứu của Acemoglu, Johnson và Robinson thường dựa trên nền tảng lịch sử, sử dụng việc áp dụng các thể chế dung hợp khác nhau, bao gồm pháp quyền và quyền sở hữu, để phân tích tác động của chúng lên tăng trưởng.

    Như Acemoglu chia sẻ với MIT News, các nhà nghiên cứu đã sử dụng lịch sử “như một loại phòng thí nghiệm, để hiểu cách mà các lộ trình thể chế khác nhau có những tác động dài hạn khác nhau lên tăng trưởng kinh tế.”


    Về phần mình, Johnson nói về giải thưởng: “Tôi hy vọng điều này sẽ khuyến khích mọi người suy nghĩ thấu đáo về lịch sử. Lịch sử rất quan trọng.” Ông nói thêm rằng điều này không có nghĩa là quá khứ quyết định tất cả, mà quan trọng là phải hiểu được các yếu tố lịch sử cốt lõi định hình nên sự phát triển của các quốc gia.


    Trong một hướng nghiên cứu liên quan được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trích dẫn, Acemoglu, Johnson và Robinson đã giúp xây dựng các mô hình để giải thích cho những thay đổi chính trị ở nhiều nước, phân tích các nhân tố định hình sự chuyển đổi lịch sử của chính phủ.


    Acemoglu là Giáo sư Viện tại MIT. Ông cũng đã có những đóng góp đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế lao động thông qua việc nghiên cứu mối quan hệ giữa kỹ năng và tiền lương, cũng như tác động của tự động hóa lên việc làm và tăng trưởng. Ngoài ra, ông còn xuất bản các bài nghiên cứu có ảnh hưởng về đặc trưng của các mạng lưới công nghiệp và tác động quy mô lớn của chúng lên nền kinh tế.


    Là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Acemoglu nhận bằng Cử nhân năm 1989 từ Đại học York, Anh. Ông lấy bằng Thạc sĩ năm 1990 và Tiến sĩ năm 1992, cả hai bằng đều từ Trường Kinh tế London. Ông gia nhập đội ngũ giảng viên của MIT năm 1993 và gắn bó với Viện cho đến nay. Hiện tại, Acemoglu là giáo sư tại Khoa Kinh tế của MIT, giáo sư kiêm nhiệm của Trường Quản lý MIT Sloan, và là thành viên cốt cán của Viện Dữ liệu, Hệ thống và Xã hội của MIT. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 120 bài báo được bình duyệt và xuất bản bốn cuốn sách. Ông cũng đã hướng dẫn hơn 60 nghiên cứu sinh tiến sĩ tại MIT.


    “MIT là một môi trường tuyệt vời đối với tôi,” Acemoglu chia sẻ với MIT News. “Đó là một nơi giàu trí tuệ và trung thực về mặt học thuật. Tôi không thể mong đợi một tổ chức nào tốt hơn thế.”


    Johnson là Giáo sư Ronald A. Kurtz về Tinh thần Kinh doanh tại MIT Sloan. Ông cũng đã viết nhiều về các chủ đề đa dạng, bao gồm các vấn đề phát triển, lĩnh vực tài chính và quy định, chính sách tài khóa, và cách công nghệ có thể thúc đẩy hoặc hạn chế sự thịnh vượng chung.

    Là người gốc Anh, Johnson nhận bằng cử nhân kinh tế và chính trị tại Đại học Oxford, bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Manchester, và bằng tiến sĩ kinh tế tại MIT vào năm 1989. Từ năm 2007 đến 2008, ông là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).


    “Tôi coi MIT là ngôi nhà trí tuệ của mình,” Johnson nói với MIT News. “Tôi vô cùng biết ơn Viện, nơi có bầu không khí đặc biệt và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề một cách chặt chẽ.”


    Acemoglu và Robinson lần đầu tiên công bố các bài viết về chủ đề này vào năm 2000. Bộ ba Acemoglu, Johnson và Robinson đã xuất bản nghiên cứu chung đầu tiên của họ vào năm 2001, một bài báo có ảnh hưởng trên tạp chí American Economic Review, trình bày chi tiết các phát hiện thực nghiệm của họ. Acemoglu và Robinson cũng đã xuất bản cuốn sách đầu tiên mà họ là đồng tác giả về chủ đề này, “Economic Origins of Dictatorship and Democracy” (Những nguồn gốc Kinh tế của Chế độ Độc tài và Dân chủ), vào năm 2006.


    Acemoglu và Robinson là đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Why Nations Fail” (Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại), xuất bản năm 2012, cuốn sách này tổng hợp nhiều nghiên cứu của bộ ba về các thể chế chính trị và tăng trưởng.


    Cuốn sách tiếp theo của Acemoglu và Robinson, “The Narrow Corridor” (Hành Lang Hẹp), xuất bản năm 2019, đã xem xét sự phát triển lịch sử của các quyền và tự do trong các nhà nước-dân tộc. Họ lập luận rằng tự do chính trị không có một khuôn mẫu phổ quát, mà bắt nguồn từ cuộc đấu tranh xã hội. Như Acemoglu đã nói vào năm 2019, điều đó đến từ “quá trình hỗn độn khi xã hội tự tổ chức, người dân bảo vệ quyền tự do của mình, và chủ động đặt ra các giới hạn về cách các quy tắc và hành vi được áp đặt lên họ.”














    Johnson cũng là đồng tác giả của cuốn “13 Bankers” (13 Nhà Ngân Hàng) xuất bản năm 2010, cùng với James Kwak, phân tích về quy định của Hoa Kỳ đối với lĩnh vực tài chính, và cuốn “Jump-Starting America” (Khởi Động Lại Nước Mỹ) xuất bản năm 2021, đồng tác giả với nhà kinh tế học Jonathan Gruber của MIT, kêu gọi tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học và đổi mới tại Hoa Kỳ.


    Gruber, với tư cách là trưởng khoa Kinh tế của MIT, đã khen ngợi cả hai học giả vì những thành tựu của họ.














    “Daron Acemoglu là nhà kinh tế học của các nhà kinh tế học,” Gruber nói. “Daron là một chuyên gia theo kiểu truyền thống nổi bật trong nhiều lĩnh vực, thành thạo từ kinh tế chính trị, kinh tế vĩ mô cho đến kinh tế lao động — và ông ấy có thể giành giải Nobel ở bất kỳ lĩnh vực nào trong số đó. Tuy nhiên, có lẽ đóng góp bền vững nhất của Daron là công trình nghiên cứu quan trọng về cách các thể chế quyết định tăng trưởng kinh tế. Công trình này đã thay đổi cơ bản lĩnh vực kinh tế chính trị và sẽ để lại di sản lâu dài, mãi mãi định hình cách chúng ta suy nghĩ về lý do tại sao các quốc gia thành công — và thất bại. Tại MIT, chúng tôi không chỉ công nhận Daron là một học giả vĩ đại mà còn là một đồng nghiệp tuyệt vời. Mặc dù là Giáo sư












    Viện, được miễn các trách nhiệm hành chính, ông vẫn giảng dạy nhiều khóa học mỗi năm và hướng dẫn một lượng lớn sinh viên sau đại học của chúng tôi.”


    Về Johnson, Gruber nói: “Simon Johnson là một nhà kinh tế học tuyệt vời, một đồng tác giả xuất sắc và một con người đáng mến. Không ai tôi biết có thể truyền đạt những hiểu biết chuyên sâu của lĩnh vực chúng ta một cách ngắn gọn, dễ hiểu để đưa kinh tế học đến với công chúng và các nhà hoạch định chính sách tốt hơn Simon. Simon không chỉ thực hiện những nghiên cứu nền tảng thay đổi cách tư duy của giới chuyên môn về các vấn đề mang tính bản chất — ông ấy còn chạm đến trái tim và khối óc của những người cần nghe thông điệp đó.”

    Agustin Rayo, hiệu trưởng trường Khoa học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội của MIT, nơi trực thuộc Khoa Kinh tế, cũng đã ca ngợi giải Nobel được trao hôm nay.

    “Giải thưởng này hoàn toàn xứng đáng,” Rayo nói. “Daron là kiểu nhà kinh tế học [có thể] thay đổi cách bạn nhìn nhận thế giới. Ông là một ví dụ phi thường về những công trình mang tính 

    đột phá được tạo ra bởi Khoa Kinh tế của MIT.”
















    “Tất cả chúng tôi tại MIT Sloan đều rất tự hào về những thành tựu của Simon Johnson và Daron Acemoglu,” Georgia Perakis, Quyền Hiệu trưởng John C. Head III của MIT Sloan, cho biết. “Công trình của họ cùng Giáo sư Robinson rất quan trọng trong việc hiểu rõ sự

    thịnh vượng trong các xã hội và mang lại những bài học giá trị cho tất cả chúng ta trong thời đại này. Nghiên cứu của họ là một ví dụ rõ ràng về công việc có tác động ý nghĩa. Tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành nhất đến cả Simon và Daron vì vinh dự tuyệt vời này.”














    Trước đây, đã có tám người giành được giải thưởng này khi đang giảng dạy tại MIT: Paul Samuelson (1970), Franco Modigliani (1985), Robert Solow (1987), Peter Diamond (2010),

    Bengt Holmström (2016), Abhijit Banerjee và Esther Duflo (2019), và Josh Angrist (2021).

    Tính đến năm 2022, 13 cựu sinh viên MIT đã giành giải Nobel Kinh tế; tám cựu giảng viên của MIT cũng đã nhận được giải thưởng này.


    Người dịch: Nguyễn Thị Trà Giang


    Nguồn: Along with James Robinson, the professors are honored for work on the relationship between economic growth and political institutions, Massachusetts Institute of Technology, 


    Oct 14, 2024.


    Không có nhận xét nào