Header Ads

  • Breaking News

    Mưu đồ chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và sức mạnh của Brics.

    Võ Thu Phương dịch từ Deutschlandfunk

    https://www.deutschlandfunk.de/brics-gipfel-tuerkei...


    23/10/2024



    Brics dưới quyền thống nhất của Putin có 3,5 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và Ấn Độ là nền kinh tế thứ 5. Các nước Brics chiếm hơn 30% sản lượng kinh tế toàn cầu.

    Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia Brics

    Susanne Güsten / Deutschlandfunk


    Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và là ứng cử viên thành viên EU từ nhiều thập kỷ. Bây giờ Tổng thống Erdogan muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào Brics, một liên minh chống lại sự thống trị của phương Tây.


    22/10/2024


    Ban đầu BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Hiện nay Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng là thành viên. Ả Rập Saudi vẫn đang lưỡng lự.


    Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên sáng lập NATO đầu tiên muốn tham gia liên minh Brics. Tổng thống Erdogan đang có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Brics ở Kazan, Nga, với mong muốn được Putin chấp thuận.


    Từ lâu, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã muốn đạt đến mục tiêu của liên minh Brics là tạo ra một thế giới đa cực, khi đó phương Tây - chẳng hạn như các nước G7 hùng mạnh – cần phải chia sẻ quyền lực của họ. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại hội nhập vào trật tự phương Tây trong nhiều thập kỷ, là thành viên sáng lập của NATO và là ứng cử viên thành viên EU. Erdogan tin chắc rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể thịnh vượng và tạo được quyền lực nếu nước này cùng lúc mở rộng quan hệ với phương Đông và phương Tây. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm khu vực và toàn cầu“.

    Ví dụ: Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập - họ đã là thành viên Brics và đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Brics sẽ tạo ra mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia này và từ đó có được ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.


    Nhưng đất nước này cũng quan tâm đến lợi thế kinh tế: chẳng hạn, họ muốn lôi kéo các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Các công ty xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường mới. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo nhập khẩu dầu khí. Thành viên sáng lập Brics là nước Nga, nhà cung cấp năng lượng quan trọng. Vào thời điểm này, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực với lạm phát quá cao.


    Các nước Brics và đặc biệt là Nga sẽ được lợi gì khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia?


    Tất cả các nước Brics có thể được hưởng lợi từ nền thương mại khắng khít hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước này có thể cung cấp một số thiết bị quân sự. Quốc gia nằm ở ranh giới giữa Tây và Đông này cũng khơi dậy sự quan tâm địa chính trị của các thành viên Brics - đặc biệt là Nga.

    Tổng thống Putin sẽ rất thích thú, khi một quốc gia thành viên NATO, lần đầu tiên tham gia liên minh Brics. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.


    Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lưng lại với phương Tây?


    Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Brics ở Kazan, Putin đã yêu cầu Ngoại trưởng Lavrov đưa ra các điều kiện để trở thành thành viên. Theo đó, một thành viên đầy đủ phải chia sẻ những giá trị chung. Nhưng đây không phải là những giá trị mà EU đang bảo vệ ở Ukraine, “những giá trị được cho là châu Âu của Ukraine”, ông Lavrov nói trên truyền hình nhà nước Nga vào mùa hè năm 2024. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế đi hai hàng. Đặc biệt là vì EU yêu cầu một quốc gia ứng cử viên chia sẻ các giá trị của mình và điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình phù hợp với các giá trị đó.


    Soner Cagaptay, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông của Hoa Kỳ, nói rằng: “Từ trong khoảng một thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đa dạng hóa chính sách đối ngoại và rời xa Mỹ. Ví dụ, trong chiến tranh Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã chơi khăm Nga và Mỹ bằng cách hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự nhưng vẫn tiếp tục buôn bán với Nga. Đó là điều Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn làm với các nước Brics”.


    Tham gia Brics để gây áp lực lên phương Tây


    Gönül Tol từ Viện Trung Đông ở Washington giải thích: Liên minh Brics là một công cụ để các nước thứ ba đạt được những nhượng bộ từ phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang cố gắng làm điều tương tự, “bởi vì nước này không còn nhận vũ khí từ phương Tây, không máy bay chiến đấu F-35, không đầu tư, không hợp tác – giờ đây họ muốn thực thi điều đó bằng cách dùng áp lực từ BRICS”.

    Asli Aydintasbas thuộc Viện Brookings ở Washington cảnh báo, phương Tây và NATO sẽ gặp rắc rối khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Brics. Đây là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho một “thế giới hậu phương Tây”, một thế giới trong đó “sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương và vai trò đứng đầu của Hoa Kỳ” không còn quyết định thế giới.


    Hình ảnh thực tế có thể như thế này: Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giao thương với châu Âu và Mỹ, hợp tác với họ trong khối NATO, nhưng đồng thời, cùng với Trung Quốc và Nga, chỉ trích nỗ lực giành quyền bá chủ của phương Tây.


    Liên minh các quốc gia Brics mạnh đến mức nào?


    Brics – được đặt tên theo những chữ cái đầu tiên của các thành viên đầu tiên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đại diện cho hơn 3,5 tỷ người. Đó là 40% dân số thế giới. Kinh tế của các nước công nghiệp phát triển mới nổi này đã vượt lên đáng kể trong 20 năm qua, đặc biệt là Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ 2) và Ấn Độ (thứ 5). Hơn 30% sản lượng kinh tế toàn cầu đến từ các nước Brics.


    Ngược lại, các nước công nghiệp phát triển phương Tây G7 lại gặp bất lợi. Nhà kinh tế học Katrin Kamin, thành viên Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cảnh báo rằng đây là “lời cảnh tỉnh” đối với nhóm G7. Các thành viên Brics có thể kiếm lợi nhuận chủ yếu thông qua năng lượng. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất. Các nhà cung cấp dầu khí khác gần đây cũng đã gia nhập nhóm: Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.


    Tuy nhiên, các hệ thống và lợi ích kinh tế khác nhau trong Brics cũng có xung đột với nhau, chẳng hạn như giữa Ấn Độ được cai trị theo chế độ dân chủ và Trung Quốc được cai trị bằng chế độ chuyên chế.


    Theo Katrin Kammin, điểm yếu lớn nhất của Brics là sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Họ không có thị trường vốn chung: Một hệ thống thương mại chung thì cần có một loại tiền tệ ổn định chung. Biên tập viên Dorothee Holz của DLF giải thích: Cả đồng rúp và đồng nhân dân tệ đều không thể đạt được điều này. Mục tiêu “phi đô la hóa” của Putin bằng hệ thống thanh toán nội bộ có tên Bridge của riêng ông ta không được tất cả các nước ủng hộ. Ví dụ, Trung Quốc không muốn mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính phương Tây.


    Thủ tướng lên đường dự hội nghị BRICS mở rộng tại Nga 

    Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng nay rời Hà Nội, lên đường dự hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Nga.

    Thủ tướng dự hội nghị ngày 23-24/10 với tư cách khách mời, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin - Chủ tịch nhóm BRICS năm 2024.


    https://vnexpress.net/thu-tuong-len-duong-du-hoi-nghi-brics-mo-rong-tai-nga-



    Không có nhận xét nào