Việt Nam coi Y Quynh Bđăp là tội phạm khủng bố, vì sao cộng đồng quốc tế yêu cầu trả tự do?
Tạp chí Luật Khoa
30/10/2024
Ông Y Quynh Bdap. Nguồn: The 88 Project.
Luật Khoa 360 là dạng bài toàn cảnh về một sự kiện, cung cấp thông tin đa chiều, không kiểm duyệt.
Trưa ngày 30/9 ở Bangkok, Thái Lan, trời nắng nóng hầm hập. Một người đàn ông Việt Nam bị cảnh sát Thái áp giải vào phòng xét xử của một tòa án hình sự. Anh ta bị cùm chân, đeo khẩu trang màu đỏ, và tên của anh được đánh dấu màu đỏ trong danh sách các vụ xử trong ngày. Người đàn ông đó là Y Quynh Bđăp, một người Ê đê đã cùng gia đình vượt biên sang Thái Lan vào năm 2018 để xin tị nạn, với lý do bị đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã kết án vắng mặt Bđăp 10 năm tù về tội “khủng bố”, liên quan tới vụ tấn công tại hai xã ở huyện Cư Kuin của tỉnh này vào ngày 11/6/2023, khiến chín người chết và hai người bị thương. Tuy nhiên, Bđăp phủ nhận cáo buộc và cho biết mình không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Người viết đã đến dự phiên xét xử ngày 30/9. Ghi nhận cho thấy có khoảng 40 người, đa số là nhân viên của các tổ chức nhân quyền, nhân viên của Liên Hợp Quốc, báo đài quốc tế, v.v, chờ đợi bên ngoài phòng xét xử. Theo thông báo từ tòa án Thái Lan, vì lý do quá tải, ngoại trừ luật sư của Bđăp thì những người dự khán phải tập trung tại một phòng xử khác. Tuy nhiên, một số người vẫn được ở lại phòng xét xử, và theo đại diện của Bđăp thì đó là các công an Việt Nam.
Theo nguồn tin của Luật Khoa tạp chí từ Quỹ Liên Văn hóa (Cross Cultural Foundation) - một tổ chức chuyên giúp đỡ những người tị nạn chính trị trong khu vực (như từ Việt Nam, Myanmar), ở phiên xét xử đầu tiên (ngày 6/8) của Bđăp tại Thái Lan, hơn 20 công an viên Việt Nam đã có mặt. Trong phiên này, tòa án đã hoãn tuyên án để cho luật sư của Bđăp thêm thời gian chuẩn bị.
Y Quynh Bđăp là ai?
Bđăp sinh năm 1992, là một nhà hoạt động nhân quyền người Việt Nam, thuộc sắc tộc Ê Đê - một trong những nhóm thiểu số ở Tây Nguyên.
Bđăp là người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice - MSFJ) và tích cực đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền lợi của các sắc tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm người Thượng (Montagnard) ở vùng Tây Nguyên.
Năm 2018, lo ngại sự đàn áp tôn giáo và nguy cơ bị bắt giữ, Bđăp và gia đình xin tị nạn ở Thái Lan và được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.
Sau khi đến Thái Lan, Bđăp vẫn tiếp tục các hoạt động nhân quyền của mình.
Vào tháng 6/2023, chính quyền Việt Nam đã cáo buộc Bđăp có liên quan đến một vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk và kết án Bđăp vắng mặt 10 năm tù vào tháng 1/2024 với tội danh “khủng bố”.
Ngày 10/6, Bđăp đã gặp đại diện Đại sứ quán Canada để phỏng vấn về khả năng định cư ở Canada. Nhưng chỉ một ngày sau đó, Bđăp bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ từ phía Việt Nam.
Bđăp có phạm tội gì theo luật pháp Thái Lan không?
Luật sư đại diện cho Bđăp nói với Luật Khoa rằng Bđăp thực ra không bị cáo buộc tội danh nào ở Thái Lan.
Luật sư khẳng định rằng Bđăp không phạm bất kỳ tội hình sự nào. Dù có những thông tin cho rằng Bđăp đã vi phạm luật tị nạn (refugee law) hoặc luật di trú (immigration law) tại Thái Lan, nhưng đây chỉ là những cáo buộc không có bằng chứng.
Tòa án Thái Lan chưa từng tiến hành bất kỳ phiên xét xử nào liên quan đến tình trạng tị nạn của Bđăp và cũng không cáo buộc ông vi phạm luật pháp của Thái Lan. Vụ việc của Bđăp hoàn toàn xoay quanh yêu cầu dẫn độ ông về Việt Nam theo đề nghị của chính quyền Việt Nam.
Tới thời điểm hiện tại, quy chế tị nạn của Bđăp vẫn được công nhận và không có gì thay đổi. Bđăp đang bị tạm giam, tuy nhiên vợ và con của ông vẫn tiếp tục sống bình thường ở Thái Lan với tư cách là người tị nạn được bảo hộ theo diện của UNHCR.
Tại sao Bđăp bị xét xử tại Thái Lan?
Mặc dù các phiên xử của Bđăp tại Bangkok đều diễn ra trong tòa án hình sự, nhưng thẩm phán chỉ xem xét liệu có nên chấp thuận yêu cầu của Việt Nam để dẫn độ Bđăp về nước (extradition hearing) chịu án hay không.
Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệp định dẫn độ song phương. Hai nước xử lý các yêu cầu dẫn độ theo từng trường hợp cụ thể, dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế và các hiệp ước quốc tế mà cả hai nước đều tham gia.
Trong trường hợp của Bđăp, chính phủ Việt Nam (thông qua Bộ Ngoại giao) phải đệ đơn xin phép chính phủ và tòa án Thái Lan cho việc dẫn độ.
Trong phiên xét xử ngày 30/9, thẩm phán cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bắt đầu liên lạc chính phủ Thái Lan về việc đưa Bđăp về nước từ tháng 12/2023.
Các tổ chức nhân quyền nói gì về bản án vắng mặt của Bđăp ở Việt Nam?
Văn phòng đại diện của Liên Hợp Quốc tại Bangkok, hơn 30 tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều chính phủ, trong đó có Mỹ, không công nhận bản án vắng mặt 10 năm tù đối với Bđăp. Lý do, theo họ, bằng chứng mà cơ quan kiểm sát Việt Nam đưa ra không đủ sức thuyết phục. Họ bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch và tính công bằng trong phiên tòa xét xử Bđăp. Bản án đối với Bđăp không đủ căn cứ pháp lý và có khả năng mang động cơ chính trị.
Luật sư của Bđăp cho biết Việt Nam đưa ra bản án 10 năm đối với ông ấy chủ yếu dựa trên lời khai của 3/100 người bị khởi tố liên quan vụ tấn công tại Đắk Lắk vào năm 2023. Những người này bị truy tố trong các phiên xét xử tập thể, và có nhiều lo ngại rằng họ đã bị ép cung.
Nói cách khác, Việt Nam chỉ tuyên bố Bđăp là kẻ chủ mưu, nhưng các bằng chứng mà Việt Nam đưa ra không làm rõ chi tiết về quá trình tổ chức, hành vi cụ thể hay vai trò của ông trong việc thực hiện vụ tấn công. Việt Nam không cung cấp bằng chứng rõ ràng về việc Bđăp đã liên lạc với ai, trong khoảng thời gian bao lâu, hay cụ thể về việc ông đã chuyển tiền hoặc vũ khí về nước như thế nào.
Ngoài ra, luật sư của Bđăp khẳng định ông đã sống tại Thái Lan liên tục từ năm 2018 và không trở về Việt Nam trong khoảng thời gian đó, đặc biệt là không có mặt tại Đắk Lắk khi vụ tấn công diễn ra. Việt Nam cũng không cung cấp được bằng chứng cụ thể về bất kỳ chuyến đi nào của ông về Việt Nam từ năm 2018 nhằm kêu gọi người khác tham gia vào vụ tấn công.
Phản ứng của quốc tế về bản án
Ngày 30/9, tòa án Bangkok đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ của Việt Nam.
Sau đó, vào ngày 10/10, một nhóm gồm 10 dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, đại diện cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, đã ký chung một bức thư gửi Ngoại trưởng Antony Blinken. Trong thư, họ kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp để ngăn cản việc dẫn độ Bđăp về Việt Nam và đề nghị xem xét cho ông cùng gia đình định cư tại Mỹ.
Lý do các nhà lập pháp Mỹ quan tâm đến trường hợp này là vì Bđăp đang đối mặt với nguy cơ bị tra tấn và đối xử tàn nhẫn nếu bị trả về Việt Nam. Họ nhấn mạnh rằng việc dẫn độ ông sẽ vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền và kêu gọi Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ của mình theo Công ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc (Convention Against Torture - CAT).
Ngoài ra, ngày 18/10, có hơn 30 tổ chức nhân quyền quốc tế đã gửi thư chung đến chính phủ Thái Lan và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, cũng như Liên Hợp Quốc, để phản đối việc dẫn độ Bđăp về Việt Nam. Trong thư, các tổ chức này, bao gồm Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Ủy ban Luật gia Quốc tế (International Commission of Jurists), kêu gọi Thái Lan tuân thủ các cam kết nhân quyền quốc tế và nội địa, đồng thời hủy bỏ quyết định dẫn độ. Họ cũng yêu cầu chính phủ Thái Lan tạo điều kiện để Bđăp và gia đình được tái định cư tại một quốc gia thứ ba.
Vụ việc sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào?
Theo các quy định pháp lý tại Thái Lan, Bđăp có quyền nộp đơn kháng cáo trong vòng 30 ngày kể từ khi phán quyết dẫn độ được đưa ra, tức là tính từ ngày 30/9 đến cuối tháng Mười này.
Ngoài ra, tòa án Thái Lan cũng phán quyết rằng chính phủ Thái Lan có 90 ngày để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hợp tác với yêu cầu dẫn độ của Việt Nam đối với Bđăp hay không.
Nói ngắn gọn, mặc dù tòa án đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ, quyết định cuối cùng vẫn thuộc thẩm quyền của chính phủ Thái Lan.
Trao đổi với Luật Khoa, ông Santi tại Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan (National Human Rights Commission of Thailand), cho rằng chính phủ Thái Lan không nên chấp thuận dẫn độ Bđăp về Việt Nam vì lý do nhân quyền. Ông Santi cho rằng, nếu chính phủ Thái Lan vẫn quyết định dẫn độ và Bđăp bị ngược đãi khi về nước, thì Thái Lan sẽ vi phạm Công ước Chống Tra tấn.
Theo thông tin từ Quỹ Liên Văn hóa (Cross Cultural Foundation), Bđăp đã nộp đơn kháng án.
Quyết định về việc ông có bị dẫn độ hay không vẫn chưa rõ ràng, và sẽ phụ thuộc phần lớn vào công việc của các luật sư đại diện cũng như nỗ lực vận động từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Luật Khoa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc.
https://www.luatkhoa.com/2024/10/luat-khoa-360-y-quynh-bdap-toi-danh-khung-bo-va-phien-toa-dan-do/
Không có nhận xét nào