Header Ads

  • Breaking News

    Jonathan Haidt - Hãy chấm dứt ngay Tuổi-thơ- dính-liền-điện-thoại

    Môi trường mà trẻ em lớn lên ngày càng “thù địch” đối với sự phát triển của con người.

    Tác giả: Jonathan Haidt

    Ngày 13 tháng 3 năm 2024

    The Atlantic

    Người dịch: Mai Lý

    Xem lại: Nguyễn Xuân Xanh

    Gen Z là chuột lang trong thí nghiệm xã hội toàn cầu không được kiểm soát này. Chúng tôi là những người đầu tiên đưa tính dễ bị tổn thương và sự bất an của mình vào một cỗ máy đã luôn phóng đại và khúc xạ chúng trở lại với chúng tôi, trước khi chúng tôi biết mình là ai. Chúng tôi không chỉ lớn lên với các thuật toán. Những thuật toán đã ‘nuôi dạy’ chúng tôi. Đã sắp xếp lại khuôn mặt của chúng tôi. Đã định hình danh tính của chúng tôi. Đã thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi bị bệnh.

     Freya India, một nhà viết tiểu luận người Anh

    Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc sống của người khác. Đừng để bị kẹt trong giáo điều – tức là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để tiếng ồn của ý kiến ​​người khác lấn át tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm theo đuổi trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó, chúng đã biết bạn thực sự muốn trở thành người như thế nào. Mọi thứ khác đều là thứ yếu.

    Steve Jobs

    Bài viết này được chuyển thể từ cuốn sách sắp xuất bản của Jonathan Haidt, The Anxious Generation: How the Great Rewiring of Childhood Is Causing an Epidemic of Mental Illness (Tạm dịch:Thế hệ lo âu: Sự tái cấu trúc rất quan trọng của thời thơ ấu đang gây ra đại dịch về bệnh tâm thần như thế nào).

    Lời nói đầu

    Nhân giải Nobel Vật lý 2024 vinh danh những vị “bố già” đã góp phần lớn tạo ra ngành Trí tuệ nhân tạo, mà tôi đã đưa tin về nhà khoa học Geoffrey Hinton, có một số anh chị trên diễn đàn edu-sci bày tỏ quan ngại ảnh hưởng không tốt của AI lên xã hội, nhất là lên giới trẻ. Hiển nhiên và rất chính đáng. Vì thế đây là lúc thích hợp để tôi xin phép đưa lên bài nghiên cứu dưới đây của Jonathan Haidt, nhà tâm lý học xã hội Mỹ muốn cảnh báo, chứa đựng những phân tích sâu sắc, cũng như những đề xuất giúp đẩy lùi “tuổi-thơ-dính-với-điện-thoại” đang gây tác hại, và trả lại tuổi thơ bình thường cho tuổi trẻ. Bài này đã được đăng trên báo The Atlantic tháng 3 năm nay, và tôi đã nhờ Mai Lý dịch, cũng xong gần nửa năm trước. Bài rất đáng tham khảo cho các bậc phụ huynh, lãnh đạo trường học, người làm chính sách, các nhà chính trị, cũng như các cộng đồng quan tâm đến vấn đề.

    Tôi có một chút trải nghiệm. Sống hai thập niên ở Đức nhưng tôi không có một chiếc TV. Tôi ý thức, quảng cáo, và nhiều nội dung được media truyền tải tuy có thể cung cấp một số thông tin hữu ích nhưng có tác động làm con người dễ bị “dính” vào đó, trở thành nghiện, và thụ động trong việc tự giáo dục mình, Bildung. Vâng, tôi thích đọc để tự chọn lựa những giá trị cho thế giới tôi, và những điều đó thường chỉ có trên sách, và tâm trí tôi không bị rối bởi những quảng cáo, hay những cái hời hợt nhất thời, tưởng rằng là những giá trị “thời thượng” nhưng thật ra của những người muốn bán hay quảng bá cho sản phẩm tiêu thụ. Các thế kỷ trước, từ đầu XX trở về trước cho đến thế kỷ XVI, XVII, con người sống khác, nhưng xã hội đã đẻ ra những học giả vĩ đại: Francis Bacon, Copernicus, Galilei, Kepler, Newton. Và đầu thế kỷ XX, khi cuộc cách mạng vật lý vĩ đại diễn ra mà chúng ta hôm nay tiếp tục thừa hưởng thành quả, vẫn chưa có điện thoại cầm tay, hay cả điện thoại bàn, chưa có máy bay, muốn đi từ châu Âu sáng Mỹ, hay sang Nhật Bản, các nhà khoa học phải đi bằng tàu thủy. Vậy mà họ họ cực kỳ sáng tạo. Einstein có nói, muốn làm khoa học, phải có hai loại tự do, tự do từ bên ngoài, tức làm sao xã hội để cho con người yên, và tự do bên trong, tức của nội tâm. Ngày nay, con người, từ tuổi teen trở đi, bị liên tục “tấn công” từ ngoài bởi những tập đoàn công nghệ lớn, và tự do bên trong cũng bị rối loạn và đánh mất. Nhà thơ Đức Eichendorff từng diễn tả sự rối loạn và cảm xúc bơ vơ đó như sau: Tôi muốn trở về nhà làm sao/Nhưng không thể biết đi đâu. Nhà tâm lý học Erich Fromm đã từng gọi các xã hội tiêu thụ là xã hội “bệnh”. Không hẳn như thế, nhưng có nhiều hạt chân lý trong đó.

    Thế giới hôm nay tuy chứa nhiều phương tiện học để trẻ em phát triển tốt, nhanh, chúng ta thấy ngày càng có nhiều tài năng xuất hiện, tốc độ làm việc và tiếp cận thông tin cực kỳ nhanh so với trước đây, tốc độ nghiên cứu, publish là rất lớn, nhưng đồng thời chứa đựng những nguy cơ cho các em, thanh thiếu niên chưa có nền tảng vững chắc, dễ bị “sập bẫy” mà chúng không ý thức. Ngay người lớn, các bậc cha mẹ cũng tỏ ra mình không hề “miễn nhiễm”, và vì thế hành động thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái mình. Nếu bố mẹ gà cứ lo bấm máy, thì không tránh khỏi lúc nào đó diều hâu sẽ đến thăm đàn gà con thôi.

    Chúng ta phải bảo vệ con cái mình, bằng đầu tư về tinh thần và tình cảm cho chúng, để chúng thấy bố mẹ yêu thương chúng, để chúng được dẫn dắt một cách lành mạnh trên các bước chập chững trên đường đời. Không phải tặng cho chúng đồ chơi là đủ. Không, đó có thể là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm. Đầu óc của tuổi trẻ, như John Locke nói, là tabula rasa, tờ giấy trắng. Không hẳn hoàn toàn như thế, nhưng gần như thế về nhiều mặt. Nếu chúng ta không nuôi dạy, dẫn dắt con, thì sẽ không thể trách nếu có ngày chúng ta mất con. Tôi thường mua sách truyện Nils Holgersson tặng cho các bậc bố mẹ, và khuyên họ nên đọc sách cho con trước giờ ngủ. Đọc truyện trước giờ ngủ cho thấy bố mẹ dành thì giờ để yêu thương chúng, giúp trí tưởng tượng chúng mở rộng sang những thế giới mới, giúp chúng hiểu đạo đức qua những nhân vật của truyện, và gián tiếp làm cho chúng yêu văn hóa đọc sách ngay từ tuổi thơ. Chúng ta thừa nhận người Việt rất ít đọc sách. Vậy thì bố mẹ hãy thực hiện việc đọc sách cho con đi ngay từ lúc con còn dễ uốn nắn.

    Cảm ơn quý anh chị độc giả.

    Thân mến,

    Nguyễn Xuân Xanh

     

    § § §

    Có điều gì đó đã diễn ra một cách bất ngờ và sai lầm khủng khiếp đối với thanh thiếu niên vào đầu những năm 2010. Đến nay, bạn có thể đã biết về số liệu thống kê: Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bị trầm cảm và mắc hội chứng lo âu ở Hoa Kỳ -khá ổn định trong những năm 2000- đã tăng hơn 50% từ năm 2010 đến năm 2019. Tỷ lệ tự tử tăng 48% đối với thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 19. Đối với các bé gái từ 10 đến 14 tuổi, tỷ lệ này tăng 131%.

    Vấn đề không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ: Các hiện tượng tương tự cũng xuất hiện khoảng cùng thời gian ở Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, các nước Bắc Âu và những nơi khác nữa. Theo nhiều tiêu chí và ở nhiều quốc gia khác nhau, các thành viên của Gen Z (sinh trong và sau năm 1996) đang phải chịu đựng chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, tự làm hại bản thân và các rối loạn liên quan ở mức độ cao hơn bất kỳ thế hệ nào khác mà chúng tôi có dữ liệu.

    Sự suy giảm sức khỏe tâm thần chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Sự cô đơn và không có bạn bè trong thanh thiếu niên Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng vào khoảng năm 2012. Thành tích học tập cũng đi xuống. Theo “The Nation’s Report Card” (tạm dịch: “Báo cáo Quốc gia về Giáo dục”), điểm số môn đọc và toán bắt đầu giảm đối với học sinh Hoa Kỳ sau năm 2012, đảo ngược tốc độ tăng chậm nhưng nhìn chung ổn định trong nhiều thập kỷ. PISA (Programme for International Student Assessment), chương trình quốc tế chính yếu đánh giá về xu hướng giáo dục, cho thấy sự sụt giảm trong môn toán, đọc và khoa học xảy ra trên toàn cầu, cũng bắt đầu từ đầu những năm 2010.

    Hãy đọc: It Sure Looks Like Phones Are Making Students Dumber

    (Tạm dịch: Có vẻ như điện thoại đang làm cho học sinh trở nên ngu dốt hơn)

    Khi những thành viên lớn tuổi nhất của Gen Z bước vào độ tuổi cuối 20, những rắc rối của họ sẽ chuyển sang tuổi trưởng thành. Thanh niên ngày càng ít hẹn hò, ít quan hệ tình dục hơn và ít quan tâm đến việc có con hơn các thế hệ trước. Họ có xu hướng sống với cha mẹ  nhiều hơn. Họ ít có khả năng kiếm được việc làm khi còn ở tuổi teen và các nhà quản lý nói rằng làm việc với họ khó khăn hơn. Nhiều xu hướng trong số này đã bắt đầu từ các thế hệ trước, nhưng hầu hết chúng đã gia tăng với Gen Z.

    Các cuộc khảo sát cho thấy các thành viên của Gen Z cũng nhút nhát hơn và ngại rủi ro hơn các thế hệ trước, và tâm lý ngại rủi ro có thể khiến họ ít tham vọng hơn. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm ngoái, Sam Altman, đồng sáng lập OpenAI và Patrick Collison, đồng sáng lập Stripe,  lưu ý rằng, lần đầu tiên kể từ những năm 1970, không có doanh nhân ưu tú nào của Thung lũng Silicon dưới 30 tuổi. “Có điều gì đó thực sự không ổn,” Altman nói. Trong một ngành công nghiệp nổi tiếng là non trẻ, anh cảm thấy bối rối trước sự vắng mặt đột ngột của những nhà sáng lập lớn ở độ tuổi 20.

    Tất nhiên, các thế hệ không phải là một thể đồng nhất. Nhiều người trẻ đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, nhìn chung, Gen Z có sức khỏe tâm thần kém và tụt hậu so với các thế hệ trước trong nhiều chỉ số quan trọng. Và nếu một thế hệ đang gặp khó khăn – nếu thế hệ đó âu lo và trầm cảm hơn, cũng như bắt đầu lập gia đình, gầy dựng sự nghiệp và các công ty trọng yếu với tỷ lệ thấp hơn đáng kể so với các thế hệ trước – thì hậu quả kinh tế và xã hội sẽ rất nghiêm trọng đối với toàn bộ xã hội.

    Điều gì xảy ra vào đầu những năm 2010 đã làm thay đổi sự phát triển của tuổi thanh thiếu niên và khiến sức khỏe tâm thần trở nên tồi tệ hơn? Có rất nhiều giả thuyết, nhưng thực tế là các xu hướng tương tự được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới có nghĩa là các sự kiện và xu hướng đặc trưng cho Hoa Kỳ không thể là câu chuyện biệt lập.

    Tôi nghĩ câu trả lời có thể được nêu một cách đơn giản, mặc dù tâm lý học nền tảng [của nó] là phức tạp: Đó là những năm mà thanh thiếu niên ở các nước giàu đổi điện thoại nắp gập để lấy điện thoại thông minh và chuyển phần lớn đời sống xã hội của họ lên trực tuyến – đặc biệt là trên các nền tảng truyền thông xã hội được thiết kế cho tính lan truyền và gây nghiện. Khi những người trẻ tuổi bắt đầu mang theo toàn bộ Internet trong túi, có sẵn cho họ cả ngày lẫn đêm, điều đó đã thay đổi trải nghiệm hàng ngày và con đường phát triển của họ trên mọi khía cạnh. Tình bạn, hẹn hò, tình dục, tập luyện thể dục thể thao, giấc ngủ, học tập, đời sống chính trị, tương tác trong gia đình, bản sắc – tất cả đều bị ảnh hưởng. Cuộc sống cũng thay đổi nhanh chóng đối với trẻ nhỏ khi chúng bắt đầu được tiếp cận với điện thoại thông minh của cha mẹ và sau đó có iPad, máy tính xách tay và thậm chí cả điện thoại thông minh của riêng mình khi còn học tiểu học.

    Jonathan Haidt: Get phones out of schools now

    (Tạm dịch: Hãy loại điện thoại ra khỏi nhà trường ngay bây giờ)

    Là một nhà tâm lý học xã hội đã nghiên cứu sự phát triển về phương diện xã hội và đạo đức trong thời gian dài, tôi đã tham gia vào các cuộc tranh luận về tác động của công nghệ kỹ thuật số trong nhiều năm. Thông thường, các câu hỏi mang tính khoa học đã bị đóng khung một cách hẹp hơn để giúp giải quyết chúng dễ dàng hơn bằng dữ liệu. Ví dụ, có phải thanh thiếu niên sử dụng nhiều mạng xã hội hơn có mức độ trầm cảm cao hơn? Sử dụng điện thoại thông minh ngay trước khi đi ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không? Câu trả lời cho những câu hỏi này thường là ‘có’, mặc dù mức độ về mối liên quan giữa chúng thường nhỏ bé về mặt thống kê, khiến một số nhà nghiên cứu kết luận rằng: những công nghệ mới này không phải là nguyên nhân gây ra sự gia tăng rất lớn về bệnh tâm thần bắt đầu vào đầu những năm 2010.

    Nhưng trước khi có thể đánh giá bằng chứng về bất kỳ cách thức gây hại tiềm tàng nào, chúng ta cần lùi lại và đặt một câu hỏi rộng hơn: Thời thơ ấu (childhood) là gì –bao gồm cả tuổi thanh thiếu niên– và nó đã thay đổi như thế nào khi điện thoại thông minh trở thành trung tâm của nó? Nếu chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về thời thơ ấu là gì và những gì trẻ nhỏ, trẻ em tuổi tween (từ khoảng 9-12 tuổi – ND) và tuổi teen (từ khoảng 13-19 tuổi – ND) cần làm để phát triển thành những người lớn có năng lực, thì bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều. Hóa ra, cuộc-sống-gắn-với-điện-thoại-thông-minh (smartphone-based life) làm thay đổi hoặc xáo trộn một số lượng lớn quá trình phát triển.

    Sự xâm nhập của điện thoại thông minh và mạng xã hội không phải là những thay đổi duy nhất khiến tuổi thơ bị biến dạng. Có một hậu cảnh quan trọng đã khởi đầu từ những năm 1980, khi chúng ta bắt đầu, một cách có hệ thống, tước mất của thanh thiếu niên sự tự do, vui chơi không bị giám sát, trách nhiệm và những cơ hội chấp nhận rủi ro – tất cả những điều thúc đẩy năng lực, sự trưởng thành và sức khỏe tâm thần. Nhưng sự thay đổi trong thời thơ ấu đã tăng tốc vào đầu những năm 2010, khi một thế hệ vốn đã bị lấy mất sự độc lập bị lôi kéo vào một vũ trụ ảo mới, có vẻ an toàn dưới góc nhìn của các bậc phụ huynh, nhưng trên thực tế lại nguy hiểm hơn thế giới vật chất ở nhiều khía cạnh.

    Tôi khẳng định rằng tuổi-thơ-mới-gắn-với-điện-thoại hình thành khoảng 12 năm trước đang khiến những người trẻ tuổi mắc bệnh và cản trở quá trình trưởng thành của họ. Chúng ta cần một sự điều chỉnh mạnh mẽ về văn hóa, và chúng ta cần nó ngay bây giờ.

    1. Giảm sút Vui chơi và Tính độc lập

     Bộ não của con người to lớn khác thường so với bộ não của các loài linh trưởng khác, và tuổi thơ của con người cũng đặc biệt dài để giúp những bộ não lớn đó có thời gian kết nối với một nền văn hóa cụ thể. Bộ não của trẻ đã đạt 90% kích thước của người trưởng thành vào khoảng 6 tuổi. 10 hoặc 15 năm tiếp theo là về các chuẩn mực học tập và làm chủ các kỹ năng – về thể chất, phân tích, sáng tạo và xã hội. Khi trẻ em và thanh thiếu niên tìm kiếm những trải nghiệm và thực hành nhiều hành vi khác nhau, các khớp thần kinh (synapses)  và tế bào thần kinh được sử dụng thường xuyên sẽ được giữ lại, trong khi những khớp và tế bào thần kinh ít được sử dụng thường biến mất. Các nhà nghiên cứu về não cho biết các tế bào thần kinh hoạt động cùng nhau sẽ kết nối với nhau.

    Sự phát triển của bộ não đôi khi được mô tả là mang tính “kỳ vọng vào trải nghiệm” (experience-expectant), bởi vì các bộ phận cụ thể của não cho thấy tính linh hoạt tăng lên trong các giai đoạn sống khi mà não của động vật có thể “mong đợi” có những loại trải nghiệm nhất định. Bạn có thể thấy điều này ở những con ngỗng con, chúng sẽ ghi khắc bất cứ vật thể có kích thước bằng con ngỗng mẹ nào di chuyển trong vùng lân cận của chúng ngay sau khi  nở ra. Bạn có thể thấy điều đó ở trẻ em, chúng có khả năng học ngôn ngữ một cách nhanh chóng và nói giọng địa phương, nhưng chỉ ở giai đoạn đầu của tuổi dậy thì; sau đó, thật khó để học một ngôn ngữ và phát âm như người bản xứ. Ngoài ra còn có một số bằng chứng về một giai đoạn nhạy cảm đối với việc học tập trên phương diện văn hóa nói chung. Trẻ em Nhật Bản sống vài năm ở California vào những năm 1970 chỉ cảm thấy mình là “Mỹ” trong bản sắc và cách tương tác nếu chúng theo học các trường ở Mỹ trong vài năm trong độ tuổi từ 9 đến 15. Nếu chúng rời đi trước 9 tuổi, sẽ không có tác động lâu dài nào. Nếu chúng không đến Mỹ  trước tuổi 15, thì đã quá muộn; chúng không cảm thấy mình là “Mỹ”.

    Tuổi thơ của con người là một quá trình học tập về nền văn hóa kéo dài với những nhiệm vụ khác nhau ở các độ tuổi khác nhau cho đến khi qua tuổi dậy thì. Khi nhìn nhận theo cách này, chúng ta có thể xác định các yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở các hình thức học tập phù hợp ở mỗi độ tuổi. Đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi, một trong những yếu tố có tác động nhất thúc đẩy sự học là đam mê mạnh mẽ về vui chơi. Vui chơi là công việc của thời thơ ấu, và tất cả các động vật có vú còn nhỏ đều có cùng một công việc: rèn luyện trí não bằng cách vui chơi sôi nổi và thường xuyên, luyện tập các động tác và kỹ năng mà chúng sẽ cần khi trưởng thành. Mèo con sẽ chơi-vồ bất cứ thứ gì trông giống đuôi chuột. Trẻ em sẽ chơi các trò chơi như đuổi bắt (Tag), Cá mập và Cá Tuế (Sharks và Minnows), cho phép chúng thực hành cả kỹ năng săn mồi và kỹ năng trốn thoát khỏi kẻ săn mồi. Thanh thiếu niên sẽ chơi thể thao với cường độ cao hơn và sẽ tích hợp tính vui đùa vào các tương tác xã hội của mình – tán tỉnh, trêu chọc và phát triển những câu nói đùa trong ‘nội bộ nhóm’ để gắn kết bạn bè. Hàng trăm nghiên cứu trên chuột non, khỉ và con người, cho thấy động vật có vú non trẻ muốn vui chơi, cần vui chơi và chúng sẽ bị suy giảm về mặt xã hội, nhận thức và cảm xúc khi chúng bị từ chối cơ hội vui chơi.

    Một khía cạnh cốt yếu của vui chơi là chấp nhận rủi ro về thể chất. Trẻ em và thanh thiếu niên phải chấp nhận rủi ro và thất bại -thường xuyên- trong những môi trường mà thất bại không phải trả giá đắt. Đây là cách họ mở rộng khả năng của mình, vượt qua nỗi sợ hãi, học cách đánh giá rủi ro và học cách hợp tác để đón nhận những thách thức lớn hơn sau này. Tình trạng có thể bị tổn thương luôn hiện diện khi chạy nhảy, khám phá, chơi đánh trận, hoặc xung đột thực sự với một nhóm khác sẽ tạo thêm yếu tố hồi hộp, và trò chơi mang lại cảm xúc hồi hộp dường như là cách thức hiệu quả nhất để vượt qua những lo lắng thời thơ ấu và xây dựng năng lực xã hội, năng lực cảm xúc và thể chất. Khát khao mạo hiểm và hồi hộp tăng lên ở tuổi teen, khi thất bại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Trẻ em ở mọi lứa tuổi cần lựa chọn rủi ro mà chúng sẵn sàng đối mặt tại một thời điểm nhất định. Những người trẻ tuổi bị tước đi cơ hội chấp nhận rủi ro và khám phá độc lập sẽ phát triển thành những người lớn đầy lo âu và e ngại rủi ro hơn.

    From the April 2014 issue: The overprotected kid

    (Từ số ra tháng Tư năm 2014: Đứa trẻ được bảo bọc quá mức)

    Tuổi thơ và tuổi thiếu niên của con  người tiến hóa ở môi trường tự nhiên, trong một thế giới vật chất đầy rẫy những hiểm nguy và cơ hội. Các hoạt động trọng tâm của nó – vui chơi, khám phá và tương tác xã hội tích cực và sâu sắc – phần nhiều không có sự giám sát của người lớn, cho phép trẻ tự đưa ra lựa chọn, giải quyết xung đột của mình và chăm sóc lẫn nhau. Những cuộc phiêu lưu chung và nghịch cảnh chung gắn kết những người trẻ tuổi với nhau thành những nhóm bạn hữu bền chặt, trong đó họ làm chủ được động lực xã hội của các nhóm nhỏ, thứ đã chuẩn bị cho họ vượt qua những thách thức lớn hơn và các nhóm lớn hơn sau này.

    Và rồi chúng ta đã thay đổi tuổi thơ

    Những thay đổi bắt đầu một cách chậm chạp vào cuối những năm 1970 và 1980, trước khi Internet xuất hiện, khi nhiều bậc cha mẹ Hoa Kỳ ngày càng lo sợ rằng con cái của mình sẽ bị tổn thương hoặc bắt cóc nếu không được giám sát. Những tội ác như vậy luôn cực kỳ hiếm, nhưng chúng hiện rõ hơn trong tâm trí các bậc cha mẹ, một phần vì mức độ tội phạm đường phố ngày càng gia tăng, kết hợp với sự xuất hiện của truyền hình cáp, cho phép đưa tin 24/24 về các trường hợp trẻ em mất tích. Sự suy giảm chung về vốn xã hội – mức độ mà mọi người biết và tin tưởng vào hàng xóm và các tổ chức của mình – làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi của cha mẹ. Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng tăng trong tuyển sinh đại học đã khuyến khích các hình thức nuôi dạy con cái khắt khe hơn. Vào những năm 1990, các bậc cha mẹ Hoa Kỳ bắt đầu giữ con cái ở trong nhà hoặc khăng khăng dành buổi chiều cho các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng do người lớn tổ chức. Vui chơi tự do, khám phá độc lập và thời gian giao du với bạn bè của thanh thiếu niên đã giảm.

    Trong những thập kỷ gần đây, việc nhìn thấy những đứa trẻ không có người lớn đi kèm ở ngoài trời đã trở nên lạ thường đến mức khi phát hiện một đứa trẻ đi một mình ngoài phố, một số người lớn cảm thấy nghĩa vụ của họ là phải gọi cảnh sát. Vào năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy rằng trung bình các bậc cha mẹ tin rằng trẻ em ít nhất phải 10 tuổi mới được chơi trước nhà mà không có người lớn giám sát, và phải đủ 14 tuổi trước khi được phép đến công viên công cộng mà không có người lớn đi kèm. [Trong khi] hầu hết các bậc cha mẹ này đều đã tận hưởng những hoạt động vui chơi ngoài trời tràn ngập vui thú và không có sự giám sát nào vào năm họ 7 hoặc 8 tuổi.

    Nhưng bảo bọc quá mức chỉ là một phần của câu chuyện. Quá trình rời xa /chuyển đổi khỏi một tuổi thơ độc lập hơn được thúc đẩy bởi/tạo điều kiện thuận lợi nhờ những cải tiến liên tục trong công nghệ kỹ thuật số, làm cho việc dành nhiều thời gian hơn ở nhà, trong nhà và một mình trong phòng trở nên dễ dàng hơn và hấp dẫn hơn đối với người trẻ. Cuối cùng, các công ty công nghệ đã tiếp cận trẻ em được 24/7. Họ đã phát triển các hoạt động ảo thú vị, được thiết kế cho “tương tác”, hoàn toàn không giống những trải nghiệm trong thế giới thực mà bộ não non trẻ được tiến hóa để mong chờ.

    2.Thế giới ảo đến qua hai làn sóng

    Internet, thứ hiện đang thống trị cuộc sống của giới trẻ, đã xuất hiện qua hai làn sóng công nghệ liên kết (linked technologies). Làn sóng đầu tiên không gây hại nhiều cho thế hệ Millennials (Gen Y). Làn sóng thứ hai nuốt trọn Gen Z.

    Làn sóng đầu tiên ập đến vào những năm 1990 với sự xuất hiện của truy cập internet quay số (dial-up internet access) , giúp máy tính cá nhân trở nên hữu ích hơn ngoài việc xử lý văn bản và các trò chơi đơn giản. Đến năm 2003, 55% hộ gia đình Hoa Kỳ có máy tính kết nối Internet (chậm). Tỷ lệ trầm cảm, cảm giác cô đơn và các thước đo khác về sức khỏe tâm thần kém ở thanh thiếu niên không tăng trong làn sóng đầu tiên này. Có thể, chúng còn giảm đôi chút. Thanh thiếu niên thuộc Gen Y (sinh từ 1981 đến 1995), là những người đầu tiên bước qua tuổi dậy thì có khả năng truy cập Internet, trung bình họ khỏe mạnh hơn về mặt tâm lý và hạnh phúc hơn so với anh chị em hoặc cha mẹ của họ thuộc Gen X (sinh từ 1965 đến 1980).

    Làn sóng thứ hai bắt đầu nổi lên vào những năm 2000, mặc dù tác động đầy đủ của nó không được cảm nhận rõ ràng cho đến đầu những năm 2010. Nó bắt đầu khá vô hại với sự ra đời của các nền tảng truyền thông xã hội giúp mọi người kết nối với bạn bè của họ. Việc đăng và chia sẻ nội dung trở nên dễ dàng hơn nhiều với các trang như Friendster (ra mắt năm 2003), Myspace (2003) và Facebook (2004).

    Tuổi teen đón nhận mạng xã hội ngay sau khi nó ra đời, nhưng thời gian họ dành cho những trang này bị hạn chế trong những năm đầu đó, vì các trang này chỉ có thể truy cập được từ máy tính, thường là máy tính gia đình trong phòng khách. Những người trẻ tuổi không thể truy cập mạng xã hội (và phần còn lại của Internet) từ xe buýt của trường, trong giờ học hoặc khi đi chơi với bạn bè ở ngoài trời. Nhiều thanh thiếu niên vào đầu đến giữa những năm 2000 đã có điện thoại di động, nhưng đây là những chiếc điện thoại cơ bản (phần nhiều trong số đó là điện thoại nắp gập) không có khả năng truy cập Internet. Việc gõ [tin nhắn] trên chúng thật khó khăn – vì chúng chỉ có phím số. Điện thoại cơ bản là công cụ giúp Gen Y gặp gỡ trực tiếp hoặc nói chuyện riêng với nhau (one-on-one). Tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy điện thoại di động cơ bản có hại cho sức khỏe tâm thần của Gen Y.

    Mãi cho đến khi iPhone ra đời (2007), App Store (2008) và Internet tốc độ cao (tiếp cận 50% số gia đình ở Mỹ vào năm 2007) – và sự chuyển hướng tương ứng sang di động được thực hiện bởi nhiều nhà cung cấp truyền thông xã hội, trò chơi điện tử và phim khiêu dâm – khiến thanh thiếu niên có thể dành gần như mọi khoảnh khắc không ngủ của chúng trên mạng. Sức mạnh tổng hợp phi thường giữa những đổi mới sáng tạo này đã tạo nên làn sóng công nghệ thứ hai. Năm 2011, chỉ có 23% thanh thiếu niên có điện thoại thông minh. Đến năm 2015, con số đó đã tăng lên 73%, và 25% thanh thiếu niên cho biết họ trực tuyến “gần như liên tục”. Những đứa em của họ ở trường tiểu học thường không có điện thoại thông minh riêng, nhưng sau khi ra mắt vào năm 2010, iPad đã nhanh chóng trở thành một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ nhỏ. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, từ năm 2010 đến năm 2015, tuổi thơ ở Hoa Kỳ (và nhiều quốc gia khác) đã chuyển sang trạng thái ít vận động, cô độc, ảo và không tương thích với sự phát triển lành mạnh của con người.

    3. Lạc quan-công–nghệ và sự ra đời của tuổi–thơ–gắn–với–điện–thoại

    Tuổi-thơ-gắn-với-điện-thoại được tạo ra bởi làn sóng thứ hai – bao gồm không chỉ điện thoại thông minh mà còn tất cả các loại thiết bị kết nối internet, chẳng hạn như máy tính bảng, máy tính xách tay, máy chơi game và đồng hồ thông minh- xuất hiện vào gần cuối thời kỳ vô cùng lạc quan về công nghệ số. Internet đi vào cuộc sống của chúng ta vào giữa những năm 1990, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Vào cuối thập kỷ đó, nhiều người cho rằng mạng toàn cầu sẽ là đồng minh của nền dân chủ và là tên sát nhân của những bạo chúa. Khi mọi người được kết nối với nhau và với tất cả thông tin trên thế giới, làm sao bất kỳ nhà độc tài nào có thể kiểm soát họ được?

    Vào những năm 2000, Thung lũng Silicon và những phát minh làm thay đổi thế giới của nó là nguồn tự hào và phấn khích ở Hoa Kỳ. Những người trẻ thông minh và đầy tham vọng trên khắp thế giới muốn chuyển đến Bờ Tây để tham gia vào cuộc cách mạng kỹ thuật số. Những nhà sáng lập công ty công nghệ như Steve Jobs và Sergey Brin được tôn vinh như những vị thần, hoặc ít nhất là những Prô-mê-tê hiện đại, mang đến cho con người những sức mạnh thần thánh. Mùa xuân Ả Rập nở rộ vào năm 2011 với sự trợ giúp của các nền tảng xã hội phi tập trung, bao gồm Twitter và Facebook. Khi các chuyên gia và doanh nhân nói về sức mạnh của mạng xã hội trong việc biến đổi xã hội, nó nghe không giống như một lời tiên tri đen tối.

    Bạn phải quay lại thời điểm sôi động này để hiểu tại sao người lớn lại dễ dàng chấp nhận sự chuyển đổi nhanh chóng của tuổi thơ. Ngay cả khi đó, nhiều bậc cha mẹ vẫn lo ngại về những gì con họ làm trên mạng, đặc biệt là vì Internet có khả năng khiến trẻ tiếp xúc với người lạ. Nhưng cũng có rất nhiều sự phấn khích về những mặt tích cực của thế giới kỹ thuật số mới này. Nếu máy tính và Internet là  tiên phong của sự tiến bộ, và nếu những người trẻ tuổi – thường được gọi một cách rộng rãi là “những người bản địa kỹ thuật số” (“digital natives”) – sẽ sống cuộc sống của họ gắn liền với những công nghệ này, thì tại sao không cho họ một khởi đầu thuận lợi? Tôi nhớ mình đã cảm thấy thú vị thế nào khi thấy cậu con trai hai tuổi của mình thành thạo giao-diện-chạm-và-vuốt trên chiếc iPhone đầu tiên của tôi vào năm 2008. Tôi nghĩ rằng tôi có thể thấy các tế bào thần kinh của cháu được kết nối với nhau nhanh hơn do sự kích thích mà nó mang lại cho não bộ của cháu, so với sự thụ động của việc xem tivi hay sự chậm chạp của việc xây dựng một tòa tháp từ các khối. Tôi nghĩ tôi có thể thấy triển vọng công việc trong tương lai của cháu sẽ được cải thiện.

    Các thiết bị màn hình cảm ứng cũng là một món quà lớn cho các bậc phụ huynh bận rộn. Nhiều người trong chúng tôi phát hiện ra rằng mình có thể có được sự bình yên tại nhà hàng, trên một chuyến đi dài bằng ô tô, hoặc ở nhà khi đang chuẩn bị bữa tối hoặc trả lời email nếu chúng tôi cho con cái thứ chúng muốn nhất: điện thoại thông minh và máy tính bảng. Chúng tôi thấy những người khác cũng đang làm việc đó và nghĩ là nó cũng chả hại gì.

    Điều tương tự cũng xảy ra với những đứa trẻ lớn hơn, nóng lòng được tham gia cùng bạn bè trên các nền tảng truyền thông xã hội, nơi độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản theo quy định của luật pháp là 13, mặc dù chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để xác định tính an toàn của những sản phẩm này đối với  trẻ vị thành niên. Bởi vì các nền tảng không làm gì (và vẫn không làm gì) để xác minh độ tuổi được khai của người đăng ký tài khoản mới, bất kỳ đứa trẻ 10 tuổi nào cũng có thể mở nhiều tài khoản mà không cần sự cho phép hoặc hay biết của cha mẹ, và nhiều em đã làm như vậy. Facebook và sau này là Instagram đã trở thành nơi mà nhiều học sinh lớp sáu và lớp bảy tụ tập và giao lưu. Nếu cha mẹ phát hiện ra những tài khoản này thì đã quá muộn. Không ai muốn con mình bị cô lập và cô đơn, nên cha mẹ hiếm khi ép buộc con cái đóng tài khoản.

    Chúng ta thật sự không biết mình đang làm gì.

    4. Cái giá quá đắt của tuổi-thơ-gắn-với-điện-thoại 

     Trong tác phẩm Walden (Tựa bản dịch tiếng Việt: Waden – Một mình sống trong rừng), một hồi tưởng về cuộc sống giản đơn [trong rừng Walden], xuất bản năm 1854, Henry David Thoreau đã viết: “Giá của một vật là phần của … cuộc sống buộc phải  phải đánh đổi để có được nó, ngay lập tức hoặc về lâu dài.” Đó là một công thức tinh tế của cái mà sau này các nhà kinh tế học gọi là chi phí cơ hội (opportunity cost) của bất kỳ lựa chọn nào – tất cả những điều bạn không còn có thể làm với tiền bạc và thời gian của mình một khi bạn đã cam kết chúng cho việc khác. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải nắm được bao nhiêu thời gian trong ngày của một người trẻ bây giờ đã bị chiếm bởi các thiết bị của chúng.

    Những con số thật khó tin. Dữ liệu gần đây nhất của Gallup cho thấy thanh thiếu niên Hoa Kỳ dành khoảng 5 giờ mỗi ngày chỉ để sử dụng các nền tảng mạng xã hội (bao gồm xem video trên TikTok và YouTube). Cộng thêm tất cả các hoạt động trên điện thoại và màn hình khác, trung bình con số lên đến từ bảy đến chín giờ một ngày. Các con số thậm chí còn cao hơn ở những gia đình chỉ có cha mẹ đơn thân và những gia đình có thu nhập thấp, cũng như ở những gia đình da đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa.

    Những con số rất cao này không bao gồm thời gian ngồi trước màn hình để làm bài tập ở trường hoặc làm bài tập về nhà, cũng không bao gồm toàn bộ thời gian thanh thiếu niên chỉ chú ý một phần đến các sự kiện trong thế giới thực trong khi suy nghĩ về những gì chúng đang bỏ lỡ trên mạng xã hội hoặc chờ tiếng ‘ping’ trên điện thoại của mình. Pew báo cáo rằng, vào năm 2022, một phần ba thanh thiếu niên cho biết họ truy cập một trong những trang mạng xã hội lớn “gần như liên tục” và gần một nửa nói điều tương tự về Internet nói chung. Đối với những người sử dụng quá nhiều này (heavy users), gần như mỗi giờ họ thức là một giờ miệt mài, toàn bộ hoặc một phần, với các thiết bị của mình

    Theo cách nói của Thoreau, bao nhiêu phần cuộc sống bị đánh đổi trong suốt thời gian miệt mài trước màn hình này? Có thể cho là hầu hết. Mọi thứ khác trong ngày của thanh thiếu niên phải bị nén lại hoặc loại bỏ hoàn toàn để nhường chỗ cho lượng nội dung khổng lồ mà họ tiêu thụ và cho hàng trăm “bạn bè”, “người theo dõi” và các kết nối mạng khác phải được phản hồi  bằng những tin nhắn văn bản, bài đăng, bình luận, lượt thích, ảnh chụp nhanh và tin nhắn trực tiếp (direct message). Gần đây tôi đã tiến hành khảo sát với các sinh viên của mình tại Đại học New York (NYU) và hầu hết trong số họ đều cho biết rằng: điều đầu tiên họ làm khi thức dậy vào buổi sáng là kiểm tra tin nhắn văn bản, tin nhắn trực tiếp và nguồn cấp dữ liệu trên mạng xã hội. Đó cũng là điều cuối cùng họ làm trước khi đi ngủ vào ban đêm. Và đó cũng là phần lớn những gì họ làm trong khoảng thời gian ở giữa.

    Thời lượng thanh thiếu niên dành cho giấc ngủ đã giảm vào đầu những năm 2010, và nhiều nghiên cứu đã thiết lập sự liên quan trực tiếp giữa mất ngủ với việc sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ, đặc biệt là khi họ quen lướt mạng xã hội. Việc tập thể dục cũng giảm sút, điều này thật đáng tiếc vì tập thể dục, giống như giấc ngủ, giúp cải thiện cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Việc đọc sách đã giảm sút trong nhiều thập kỷ, bị gạt sang một bên bởi các lựa chọn thay thế kỹ thuật số, nhưng sự suy giảm này, giống như nhiều vấn đề khác, đã tăng tốc vào đầu những năm 2010. Với những hình thức giải trí thụ động luôn sẵn có, tâm trí thanh thiếu niên có thể sẽ ít lang thang hơn trước đây; tư duy sâu lắng và trí tưởng tượng có thể được đưa vào danh sách những thứ bị giảm thiểu hoặc bị loại bỏ.

    Nhưng có lẽ cái giá phải trả đáng sợ nhất của tuổi-thơ-gắn-với-điện-thoại là sự suy sụp về thời gian tương tác trực tiếp với người khác. Một nghiên cứu về cách người Mỹ sử dụng thời gian cho thấy, trước năm 2010, những người trẻ tuổi (từ 15 đến 24) cho biết họ dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè (trung bình khoảng hai giờ mỗi ngày, không tính thời gian cùng nhau học tập ở trường) so với những người lớn tuổi hơn. người (chỉ dành 30 đến 60 phút với bạn bè). Đối với những người trẻ tuổi, thời gian dành cho bạn bè bắt đầu giảm vào những năm 2000, nhưng mức giảm này tăng nhanh vào những năm 2010, trong khi hầu như không có sự thay đổi nào đối với người lớn tuổi hơn. Đến năm 2019, thời gian dành cho bạn bè của giới trẻ đã giảm xuống chỉ còn 67 phút mỗi ngày. Hóa ra, Gen Z đã thực hiện “giãn cách xã hội” trong nhiều năm và gần như đã hoàn thành dự án vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

    Hãy đọc:  What happens when kids don’t see their peers for months

    (Tạm dịch: Điều gì xảy ra khi trẻ em không gặp bạn bè cùng lứa trong nhiều tháng)

    Bạn có thể nghi ngờ về tầm quan trọng của sự suy giảm này. Rốt cuộc, không phải phần lớn thời gian trực tuyến này là để tương tác với bạn bè thông qua nhắn tin, mạng xã hội và trò chơi điện tử có nhiều người cùng chơi (multiplayer games) hay sao? Chẳng phải điều đó cũng tốt như tương tác trực tiếp hay sao?

    Một phần trong số đó chắc chắn là như vậy, và các tương tác ảo cũng mang lại những lợi ích đáng chú ý, nhất là đối với những người trẻ bị cô lập về mặt địa lý hoặc xã hội. Nhưng nhìn chung, thế giới ảo thiếu nhiều tính năng giúp cho sự tương tác của con người trong thế giới thực trở nên bổ ích, như chúng ta có thể nói, cho sự phát triển về thể chất, xã hội và cảm xúc. Đặc biệt, các mối quan hệ trong thế giới thực và tương tác xã hội được đặc trưng bởi bốn đặc điểm – điển hình trong hàng trăm nghìn năm – mà các tương tác trực tuyến có thể làm biến dạng hoặc phá hủy.

    Thứ nhất, các tương tác trong thế giới thực được biểu đạt một cách hữu hình, nghĩa là chúng ta sử dụng bàn tay và biểu cảm trên khuôn mặt để giao tiếp và học cách phản ứng với ngôn ngữ cơ thể của người khác. Ngược lại, các tương tác ảo chủ yếu chỉ dựa vào ngôn ngữ. Cho dù có bao nhiêu biểu tượng cảm xúc được đưa ra như một sự thay thế, việc loại bỏ các kênh liên lạc mà chúng ta đã có hàng thiên niên kỷ lập trình tiến hóa (eons of evolutionary programming) có khả năng tạo ra những người trưởng thành ít thoải mái hơn và kém kỹ năng hơn trong tương tác trực tiếp.

    Thứ hai, các tương tác trong thế giới thực là đồng bộ; chúng xảy ra cùng một lúc. Kết quả là, chúng ta học được những tín hiệu tinh tế về thời điểm và cách luân phiên chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau. Tương tác đồng bộ khiến chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với người khác vì đó chính là tác dụng của việc “đồng bộ hóa”. Các tin nhắn văn bản, bài đăng và nhiều tương tác ảo khác thiếu tính đồng bộ này. Sẽ có ít tiếng cười thực sự hơn, nhiều không gian hơn cho sự diễn dịch sai, và nhiều căng thẳng hơn sau một bình luận không nhận được phản hồi ngay lập tức.

    Thứ ba, các tương tác trong thế giới thực chủ yếu liên quan đến giao tiếp một-một (one- to-one), hoặc đôi khi là một người với dăm ba người (one-to-several). Nhưng nhiều giao tiếp ảo được truyền tới một lượng khán giả tiềm năng khổng lồ. Trực tuyến, mỗi người có thể tham gia song song hàng chục tương tác không đồng bộ, điều này cản trở sự sâu sắc đạt được trong tất cả những tương tác đó. Động cơ của người gửi cũng khác: Với lượng độc giả lớn, danh tiếng của một người luôn được đặt lên hàng đầu; một lỗi hoặc kết quả kém có thể làm tổn hại đến vị thế xã hội với một số lượng lớn bạn bè. Do đó, những giao tiếp này có xu hướng ‘trình diễn’ hơn và gây lo lắng hơn so với những cuộc trò chuyện một-một.

    Cuối cùng, các tương tác trong thế giới thực thường diễn ra trong các cộng đồng có tiêu chuẩn cao cho việc tham gia và rút lui, vì vậy mọi người có động lực mạnh mẽ để đầu tư vào các mối quan hệ và hàn gắn những rạn nứt khi chúng xảy ra. Nhưng trong nhiều mạng ảo, mọi người có thể dễ dàng chặn người khác hoặc bỏ cuộc khi không hài lòng. Các mối quan hệ trong những mạng như vậy thường dễ vứt bỏ hơn.

    Từ số ra tháng 9 năm 2015: The coddling of the American mind

    (Tạm dịch: Việc nuông chiều tâm trí của người Mỹ)

    Những đặc điểm không hài lòng và gây lo lắng này trong cuộc sống trực tuyến có thể được nhận biết bởi hầu hết người trưởng thành. Tương tác trực tuyến có thể gây ra hành vi chống đối xã hội mà những người này sẽ không bao giờ thể hiện trong cộng đồng ngoại tuyến của họ. Nhưng nếu cuộc sống trực tuyến gây tổn hại cho người lớn, hãy tưởng tượng xem nó sẽ gây tổn hại gì cho thanh thiếu niên trong những năm đầu dậy thì, khi bộ não “mong đợi trải nghiệm” của họ đang được tổ chức lại (rewiring) dựa trên sự phản hồi từ các tương tác xã hội của mình.

    Những đứa trẻ trải qua tuổi dậy thì trên mạng có khả năng cảm nhận nhiều hơn sự so sánh xã hội, tự ý thức, công khai nhục mạ, và lo âu mãn tính hơn so với thanh thiếu niên trong các thế hệ trước đó, điều này có thể gây ra tình trạng não đang phát triển vào trạng thái phòng thủ một cách thường xuyên. Não bộ chứa đựng những hệ thống được chuyên biệt hóa cho việc tiếp cận (khi cơ hội vẫy gọi) và rút lui (khi mối đe dọa xuất hiện hoặc có vẻ như có thể xảy ra). Con người có thể ở trong những gì chúng ta có thể gọi là “chế độ khám phá” hoặc “chế độ phòng thủ” vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng nhìn chung không phải cả hai cùng một lúc. Hai hệ thống này cùng nhau tạo thành một cơ chế để thích ứng nhanh chóng với điều kiện thay đổi, giống như một bộ điều khiển nhiệt độ có thể kích hoạt một hệ thống sưởi ấm hoặc một hệ thống làm mát khi nhiệt độ dao động. Một số người có bộ điều nhiệt nội tại thường được đặt ở chế độ khám phá, và họ chỉ chuyển sang chế độ phòng thủ khi có mối đe dọa rõ ràng. Những người này có xu hướng xem thế giới như một nơi tràn đầy cơ hội. Họ hạnh phúc hơn và ít lo âu hơn. Bộ điều nhiệt nội tại của một số người khác thường được đặt ở chế độ phòng thủ, và họ chuyển sang chế độ khám phá chỉ khi họ cảm thấy an toàn khác thường. Họ có xu hướng nhìn thế giới thật đầy rẫy những mối đe dọa và dễ mắc chứng lo âu và rối loạn trầm cảm hơn.

    Một cách đơn giản để hiểu sự khác biệt giữa Gen Z và các thế hệ trước là những người sinh trong và sau năm 1996 có bộ điều nhiệt nội tại được chuyển sang chế độ phòng thủ. Đây là lý do tại sao cuộc sống trong khuôn viên trường đại học thay đổi đột ngột khi Gen Z bắt đầu nhập học, bắt đầu vào khoảng năm 2014. Sinh viên bắt đầu yêu cầu “không gian an toàn” và kích hoạt những cảnh báo. Họ rất nhạy cảm với “những công kích vi mô”[1]  và đôi khi cho rằng từ ngữ  là “bạo lực”. Những xu hướng này đã khiến những người thuộc thế hệ lớn tuổi hơn trong chúng ta vào thời điểm đó cảm thấy bối rối, nhưng nhìn lại tất cả đều trở nên rõ ràng. Sinh viên  Gen Z nhận thấy những từ ngữ, ý tưởng và những tương tác xã hội mơ hồ có tính đe dọa cao hơn so với các thế hệ  sinh viên trước đây vì chúng ta đã thay đổi sự phát triển tâm lý của họ một cách cơ bản.

    5. Quá Nhiều Tác Hại

    Cuộc tranh luận xung quanh việc thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội thường xoay quanh vấn đề sức khỏe tâm thần và điều đó cũng dễ hiểu. Nhưng những tác hại do việc tuổi thơ bị biến đổi một cách đột ngột và thiếu thận trọng gây ra còn nhiều hơn cả cả sức khỏe tâm thần. Tôi đã đề cập đến một số vấn đề trong số đó – sự vụng về trong giao tiếp xã hội, tự tin giảm sút và một tuổi thơ ít vận động hơn. Dưới đây là ba tác hại bổ sung.

    Sự chú ý bị phân mảnh, Việc học bị cắt ngang 

    Tập trung vào công việc khi ngồi trước máy tính đã đủ khó đối với một người trưởng thành có vỏ não trước trán (prefrontal cortex[2]) phát triển đầy đủ. Việc thanh thiếu niên ngồi trước máy tính xách tay và cố gắng làm bài tập về nhà còn khó khăn hơn nhiều. Về bản chất, các em có lẽ ít có động lực nội tại để  duy trì sự tập trung. Các em chắc chắn ít có khả năng hơn do vỏ não trước trán của chúng chưa phát triển hoàn chỉnh và do đó, bất kỳ công ty nào có một ứng dụng đều dễ dàng quyến rũ chúng bằng lời đề nghị xác nhận xã hội (social validation)[3] hoặc giải trí. Điện thoại của chúng ping liên tục – một nghiên cứu cho thấy một thanh thiếu niên điển hình hiện nhận được 237 thông báo mỗi ngày, tức khoảng 15 thông báo mỗi giờ khi thức. Sự chú ý liên tục là điều cần thiết để thực hiện hầu hết mọi việc lớn lao, sáng tạo hoặc có giá trị; tuy nhiên, những người trẻ tuổi nhận thấy sự chú ý của họ bị chặt thành từng phần nhỏ bởi các thông báo mang đến cơ hội trải nghiệm kỹ thuật số với nhiều niềm vui và ít tốn công sức.

    Điều này thậm chí còn xảy ra trong lớp học. Các nghiên cứu xác nhận rằng khi học sinh có thể tiếp cận điện thoại trong giờ học, họ sẽ sử dụng chúng, đặc biệt là để nhắn tin và kiểm tra mạng xã hội, và điểm số cũng như việc học tập của các em bị ảnh hưởng xấu. Điều này có thể giải thích tại sao điểm số các bài kiểm tra chuẩn (benchmark test scores) bắt đầu giảm ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới vào đầu những năm 2010 – rất lâu trước khi đại dịch bùng phát.

    Chứng nghiện và Rút lui khỏi xã hội

    Cơ sở thần kinh của hành vi nghiện mạng xã hội hoặc trò chơi điện tử không hoàn toàn giống với chứng nghiện chất hóa học như cocaine hoặc các loại thuốc giảm đau có gốc từ thuốc phiện (opioids). Tuy nhiên, tất cả chúng đều liên quan đến sự kích hoạt mạnh mẽ và kéo dài bất thường của các tế bào thần kinh dopamine và các con đường khen thưởng (reward pathways). Theo thời gian, não sẽ thích nghi với mức độ dopamine cao này; khi đứa trẻ không tham gia vào hoạt động kỹ thuật số, não của chúng không có đủ dopamine và đứa trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng cai nghiện. Thông thường, điều này bao gồm lo lắng, mất ngủ và cáu kỉnh dữ dội. Những đứa trẻ mắc chứng nghiện mang tính hành vi này thường trở nên cáu kỉnh, hung dữ và rút lui khỏi gia đình để vào phòng ngủ với với các thiết bị điện tử của  chúng.

    Các nền tảng truyền thông xã hội và trò chơi được thiết kế để lôi kéo người dùng. Chúng đã thành công đến mức nào? Có bao nhiêu trẻ em bị nghiện kỹ thuật số?

    Nhưng nguy cơ chính về nghiện đối với các bé trai dường như là trò chơi điện tử và phim khiêu dâm. “Rối loạn chơi game trên Internet” (“Internet gaming disorder – IGD), được thêm vào hướng dẫn  chẩn đoán chính của tâm thần học vào năm 2013 như một tình trạng  để nghiên cứu sâu hơn, mô tả “sự suy yếu hoặc đau khổ đáng kể” trong một số khía cạnh của cuộc sống, cùng với nhiều dấu hiệu nghiện, bao gồm cả việc không thể giảm bớt sử dụng mặc dù đã cố gắng làm như vậy. Ước tính mức độ phổ biến của IGD nằm trong khoảng từ 7 đến 15% ở nam thanh thiếu niên và đàn ông trẻ. Đối với nội dung khiêu dâm, một cuộc khảo sát mang tính đại diện toàn quốc đối với người Mỹ trưởng thành được công bố vào năm 2019 cho thấy 7% đàn ông Mỹ đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với tuyên bố “Tôi nghiện nội dung khiêu dâm” – và tỷ lệ này cao hơn ở những người đàn ông trẻ tuổi nhất.

    Các bé gái có tỷ lệ nghiện trò chơi điện tử và phim khiêu dâm thấp hơn nhiều, nhưng chúng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn các bé trai. Một nghiên cứu trên thanh thiếu niên ở 29 quốc gia cho thấy từ 5 đến 15% thanh thiếu niên liên quan đến cái gọi là “sử dụng mạng xã hội có vấn đề” (‘problematic social media use”)[4], bao gồm các dấu hiệu như sử dụng quá mức, triệu chứng cai nghiện, bỏ bê các lĩnh vực khác của cuộc sống, cũng như nói dối cha mẹ và bạn bè về thời gian dành cho mạng xã hội. Nghiên cứu đó không phân tách kết quả theo giới tính, nhưng nhiều nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng tỷ lệ “sử dụng có vấn đề” ở trẻ em gái cao hơn.

    Jonathan Haidt: The dangerous experiment on teen girls 

    (Tạm dịch: Thử nghiệm nguy hiểm trên các cô gái tuổi teen)

    Tôi không muốn phóng đại những rủi ro: Hầu hết thanh thiếu niên không trở nên nghiện ngập điện thoại và trò chơi điện tử. Nhưng qua nhiều nghiên cứu  và trên tất cả các giới, tỷ lệ sử dụng có vấn đề chiếm khoảng 5 đến 15%. Có sản phẩm tiêu dùng nào khác mà cha mẹ sẽ cho phép con cái họ sử dụng tương đối thoải mái nếu họ biết rằng cứ 10 đứa trẻ thì có một đứa sẽ hình thành thói quen sử dụng thường xuyên và mất kiểm soát, làm gián đoạn nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và trông rất giống chứng nghiện?

    Suy sụp trí tuệ và Đánh mất ý nghĩa

    Trong giai đoạn nhạy cảm và thiết yếu đối với việc học hỏi văn hóa, từ khoảng 9 đến 15 tuổi, đáng lẽ chúng ta nên đặc biệt thận trọng về việc ai đang xã hội hóa con cái chúng ta để chuẩn bị cho tuổi trưởng thành. Thay vào đó, đó là lúc hầu hết trẻ em có được chiếc điện thoại thông minh đầu tiên và tự đăng ký (có hoặc không có sự cho phép của cha mẹ) để tiêu thụ hàng loạt nội dung từ những người xa lạ ngẫu nhiên. Phần lớn nội dung đó được tạo nên bởi những thanh thiếu niên khác, theo từng đoạn dài vài phút hoặc vài giây.

    Sự định hướng lại nội dung tiếp thu văn hóa này đã tạo ra một thế hệ phần lớn bị cắt đứt khỏi các thế hệ trước và ở một mức độ nào đó, bị cắt đứt khỏi trí tuệ tích lũy của nhân loại, bao gồm cả kiến ​​thức về cách sống một cuộc sống thịnh vượng.

    Thanh thiếu niên dành ít thời gian hơn để đắm mình vào văn hóa địa phương hoặc quốc gia của họ.  Họ trưởng thành trong cơn lốc hỗn loạn, phi địa điểm, phi lịch sử của những câu chuyện dài 30 giây được biên tập bởi các thuật toán được thiết kế để thôi miên họ. Thiếu kiến thức vững chắc về quá khứ và sàng  lọc những ý tưởng tốt, phân biệt chúng với những ý tưởng xấu – một quá trình diễn ra qua nhiều thế hệ – người trẻ sẽ dễ dàng tin vào bất kỳ ý tưởng tồi tệ nào trở nên phổ biến xung quanh họ, điều này có thể giải thích tại sao các video cho thấy những người trẻ tuổi phản ứng tích cực với suy nghĩ của Osama bin Laden về nước Mỹ lại thịnh hành trên TikTok vào mùa thu năm ngoái.

    Tất cả điều này trở nên tồi tệ hơn bởi thực tế là phần lớn đời sống công cộng kỹ thuật số là một nguồn cung cấp vô tận các vụ việc nhỏ nhặt về ai đó, ở đâu đó trên đất nước 340 triệu người của chúng ta, đã làm điều gì đó có thể kích động một chu kỳ phẫn nộ, chỉ để bị gạt sang một bên bởi vụ việc tiếp theo.  Nó không đóng góp vào bất cứ điều gì, mà chỉ để lại một cảm giác méo mó về bản chất và các vấn đề của con người.

    Khi đời sống công cộng của chúng ta trở nên phân mảnh, qua nhanh và không thể hiểu nổi, đó là công thức dẫn đến tình trạng thiếu nguyên tắc đạo đức và xã hội (anomie), hoặc tình trạng không chuẩn mực. Nhà xã hội học vĩ đại người Pháp Émile Durkheim đã chỉ ra từ lâu rằng: một xã hội không có khả năng gắn kết mọi người với nhau bằng một số cảm giác thiêng liêng được chia sẻ và sự tôn trọng chung đối với các quy tắc và chuẩn mực, không phải là một xã hội có nhiều tự do cá nhân; đúng hơn, đó là nơi mà những cá nhân mất phương hướng gặp khó khăn trong việc đặt ra mục tiêu và nỗ lực hết mình để đạt được chúng. Durkheim lập luận rằng tình trạng thiếu chuẩn mực là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tự tử ở các nước châu Âu. Các học giả hiện đại tiếp tục dựa vào công trình của ông để có thể hiểu được vấn đề về tỷ lệ tự tử ngày nay.

    Những quan sát của Durkheim rất quan trọng để hiểu được điều gì đã xảy ra vào đầu những năm 2010. Một cuộc khảo sát kéo dài với thanh thiếu niên Mỹ cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2010, học sinh cuối cấp trung học ít đồng ý hơn với những nhận định như “Cuộc sống thường cảm thấy thiếu ý nghĩa”. Nhưng ngay khi họ chuyển sang cuộc-sống-gắn-với-điện-thoại và nhiều người bắt đầu sống trong vòng xoáy của mạng xã hội, nơi không thể tìm thấy sự ổn định, mọi biểu hiện của sự tuyệt vọng đều tăng lên. Từ năm 2010 đến năm 2019, số người đồng ý rằng ‘họ cảm thấy cuộc sống của mình vô nghĩa’ đã tăng khoảng 70%, tức cứ 5 người thì hơn một người đồng ý với nhận định đó.

    6. Người trẻ không thích cuộc-sống-gắn-với-điện-thoại của họ 

     Làm sao tôi có thể tự tin rằng đại dịch bệnh tâm thần ở tuổi vị thành niên bắt nguồn từ sự xuất hiện của tuổi-thơ-gắn-với-điện-thoại? Những người hoài nghi chỉ ra rằng các sự kiện khác có thể là thủ phạm, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hiện tượng nóng lên toàn cầu, vụ xả súng ở trường Sandy Hook năm 2012 và tiếp theo đó là các cuộc diễn tập ứng phó với sự cố xả súng, áp lực học tập gia tăng và đại dịch opioid. Nhưng mặc dù những sự kiện này có thể là nguyên nhân góp phần ở một số quốc gia,  không có sự kiện nào trong số đó có thể giải thích được cả về thời gian lẫn quy mô quốc tế của thảm họa.

    Một nguồn bằng chứng bổ sung đến từ chính Gen Z. Với tất cả các cuộc thảo luận về việc quản lý mạng xã hội, nâng giới hạn độ tuổi và cấm sử dụng điện thoại ở trường học, bạn có thể mong đợi sẽ thấy nhiều thành viên của Gen Z viết và lên tiếng phản đối. Tôi đã tìm kiếm những lập luận như vậy và hầu như không tìm thấy bất kỳ lập luận nào. Ngược lại, nhiều người trẻ kể những câu chuyện về sự tàn phá.

    Freya India, một nhà viết tiểu luận người Anh 24 tuổi chuyên viết về các cô gái, giải thích cách các trang mạng xã hội đưa các cô gái đến những nơi không lành mạnh: “Có vẻ như con bạn chỉ đơn giản là xem một số video hướng dẫn trang điểm, theo dõi một số người có ảnh hưởng (influencer) về sức khỏe tâm thần hoặc đang thử nghiệm với danh tính của họ. Nhưng để tôi nói cho bạn biết: họ đang trên băng chuyền dẫn đến một nơi nào đó tồi tệ. Bất kể tình trạng bất an hoặc dễ bị tổn thương nào mà họ đang phải đối mặt, họ sẽ ngày càng bị đẩy sâu hơn vào đó.” Cô ấy tiếp tục:

    Gen Z là chuột lang trong thí nghiệm xã hội toàn cầu không được kiểm soát này. Chúng tôi là những người đầu tiên đưa tính dễ bị tổn thương và sự bất an của mình vào một cỗ máy đã luôn phóng đại và khúc xạ chúng trở lại với chúng tôi, trước khi chúng tôi biết mình là ai. Chúng tôi không chỉ lớn lên với các thuật toán. Những thuật toán đã ‘nuôi dạy’ chúng tôi. Đã sắp xếp lại khuôn mặt của chúng tôi. Đã định hình danh tính của chúng tôi. Đã thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi bị bệnh.

    Rikki Schlott, một nhà báo người Mỹ 23 tuổi và đồng tác giả cuốn sách The Cancelling of the American Mind (tạm dịch: Sự xóa bỏ tâm trí người Mỹ), viết rằng

    Cuộc sống hàng ngày của một teen hoặc tween điển hình ngày nay sẽ không thể nhận ra được đối với những người đã trưởng thành trước khi điện thoại thông minh xuất hiện. Những Zoomer (thuộc Gen Z) dành trung bình 9 giờ mỗi ngày trong vòng lặp chết chóc trên màn hình – tuyệt vọng để quên đi những vết thương sâu máu đang chảy từ đó, ngay cả khi chỉ trong… 9 giờ một ngày. Những khoảng im lặng khó chịu có thể là lúc để suy ngẫm tại sao ngay từ đầu họ lại đau khổ đến vậy. Nhấn chìm nó bằng tiếng ồn trắng (white noise) của thuật toán là việc dễ dàng hơn nhiều.

    Một người đàn ông 27 tuổi, người đã dành những năm dậy thì của mình nghiện (từ của anh ấy) trò chơi điện tử và nội dung khiêu dâm, đã gửi cho tôi suy ngẫm về những gì nó đã gây ra cho anh ta:

    Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ trong cuộc sống – rất nhiều hoạt động hòa nhập xã hội. Bây giờ tôi cảm nhận được hậu quả khi gặp gỡ những người mới, nói chuyện với mọi người. Tôi cảm thấy các tương tác của tôi không được suôn sẻ và trôi chảy như tôi mong muốn. Kiến thức của tôi về thế giới (địa lý, chính trị, v.v.) còn thiếu sót. Tôi đã không dành thời gian để trò chuyện hay tìm hiểu về thể thao. Tôi thường cảm thấy mình giống như một hệ điều hành trống rỗng.

    Hoặc hãy xem xét những gì Facebook phát hiện được trong một dự án nghiên cứu liên quan đến những nhóm người trẻ tuổi được khảo sát, được người tố giác (whistleblower) Frances Haugen tiết lộ vào năm 2021: “Thanh thiếu niên đổ lỗi cho Instagram vì đã làm tăng tỷ lệ hội chứng lo âu và trầm cảm trong những người thuộc lứa tuổi của họ,” một tài liệu nội bộ cho biết. “Phản ứng này xảy ra một cách tự phát và nhất quán ở tất cả các nhóm.”

    Làm sao mà cả một thế hệ lại bị cuốn vào những sản phẩm tiêu dùng mà rất ít người khen ngợi và rất nhiều người cuối cùng lại hối hận vì đã sử dụng chúng? Bởi vì điện thoại thông minh và đặc biệt là mạng xã hội đã đưa những thành viên Gen Z và cha mẹ của họ vào một loạt ‘bẫy hành động tập thể’. Một khi bạn hiểu được cơ chế của những cạm bẫy này, lối thoát sẽ trở nên rõ ràng.

    7. Những vấn đề hành động tập thể

    Các công ty truyền thông xã hội như Meta, TikTok và Snap thường được so sánh với các công ty thuốc lá, nhưng điều đó không thực sự công bằng đối với ngành công nghiệp thuốc lá. Đúng là các công ty trong cả hai ngành đều tiếp thị các sản phẩm có hại cho trẻ em và điều chỉnh sản phẩm của họ để giữ chân khách hàng tối đa (nghĩa là gây nghiện), nhưng có một sự khác biệt lớn: Thanh thiếu niên có thể và đã chọn, với số lượng lớn, không hút thuốc. Ngay cả ở thời kỳ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá lên đến đỉnh điểm, vào năm 1997, gần 2/3 số học sinh trung học không hút thuốc.

    Ngược lại, mạng xã hội gây nhiều áp lực hơn đối với những người không sử dụng, ở độ tuổi trẻ hơn nhiều và theo cách xảo quyệt hơn. Khi một số học sinh ở bất kỳ trường cấp hai nào nói dối về tuổi của mình và mở tài khoản ở tuổi 11 hoặc 12, họ bắt đầu đăng ảnh và bình luận về bản thân và các học sinh khác. Kịch tính xảy ra sau đó. Áp lực buộc những người khác phải tham gia trở nên rất mạnh. Ngay cả một cô gái biết một cách có ý thức rằng Instagram có thể thúc đẩy nỗi ám ảnh về sắc đẹp, lo lắng và rối loạn ăn uống (eating disorder), cũng có thể sớm chấp nhận những rủi ro đó hơn là chấp nhận cảm giác chắc chắn là mình bị lạc lõng, không biết gì và bị loại trừ. Và thực sự, nếu cô ấy cưỡng lại được trong khi hầu hết các bạn cùng lớp không làm vậy, trên thực tế, cô ấy có thể bị gạt ra ngoài lề, điều này khiến cô ấy có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, mặc dù theo một con đường khác với con đường của những người sử dụng nhiều mạng xã hội. Bằng cách này, mạng xã hội đã đạt được một kỳ tích đáng chú ý: Nó thậm chí còn gây hại cho cả những thanh thiếu niên không sử dụng nó.

    Từ số tháng 5 năm 2022: Jonathan Haidt on why the past 10 years of American life have been uniquely stupid

    (Tạm dịch: Jonathan Haidt về lý do tại sao 10 năm qua cuộc sống của người Mỹ lại ngu ngốc một cách đặc biệt)

    Một nghiên cứu gần đây do nhà kinh tế học Leonardo Bursztyn của Đại học Chicago chủ trì đã nắm bắt được một cách chính xác các động lực của bẫy truyền thông xã hội. Các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng hơn 1.000 sinh viên đại học và hỏi họ cần được  trả bao nhiêu để tạm khóa tài khoản Instagram hoặc TikTok trong 4 tuần. Đó là câu hỏi chuẩn của một nhà kinh tế học để cố gắng tính toán giá trị ròng của một sản phẩm đối với xã hội. Trung bình, sinh viên cho biết họ sẽ cần được trả khoảng 50 đô Mỹ (59 đô cho TikTok, 47 đô cho Instagram) để tắt bất kỳ nền tảng nào mà họ được hỏi. Sau đó, những người thực hiện thử nghiệm nói với các sinh viên rằng họ sẽ cố gắng thuyết phục hầu hết những người khác trong trường của những sinh viên này ngừng hoạt động trên nền tảng đó, đồng thời đề nghị trả tiền cho họ để họ làm như vậy, và hỏi: Bây giờ bạn sẽ phải được trả bao nhiêu để hủy kích hoạt, nếu hầu hết những người khác đã làm như vậy? Câu trả lời, trung bình, là nhỏ hơn 0. Trong mỗi trường hợp, hầu hết sinh viên đều sẵn lòng trả tiền để điều đó xảy ra.

    Tất cả phương tiện truyền thông xã hội đều xoay quanh hiệu ứng mạng lưới (network effects). Hầu hết các sinh viên tham gia chỉ vì những người khác cũng vậy. Hầu hết họ muốn không ai ở trên những nền tảng này. Sau đó trong nghiên cứu, các sinh viên được hỏi trực tiếp: “Bạn có muốn sống trong một thế giới không có Instagram [hoặc TikTok] không?” Phần lớn sinh viên nói “có” -58 phần trăm cho mỗi ứng dụng.

    Đây chính là định nghĩa trong sách giáo khoa về cái mà các nhà khoa học xã hội gọi là vấn đề hành động-tập-thể. Đó là điều sẽ xảy ra khi một nhóm sẽ được lợi hơn nếu mọi người trong nhóm thực hiện một hành động cụ thể, nhưng mỗi cá nhân lại ngần ngại hành động, bởi vì trừ khi những người khác cũng làm như vậy, do cái giá phải trả cho cá nhân sẽ lớn hơn lợi ích. Những ngư dân đang cân nhắc việc hạn chế đánh bắt để tránh cho quần thể cá địa phương bị xóa sổ hoàn toàn cũng bị mắc vào loại bẫy tương tự. Nếu không có ai khác làm điều đó, họ sẽ mất lợi nhuận

    Thuốc lá đã giam giữ những người hút thuốc trong  chứng nghiện sinh học. Phương tiện truyền thông xã hội đã nhốt cả một thế hệ vào một vấn đề hành động tập thể. Các nhà phát triển ứng dụng ban đầu đã khai thác một cách có chủ ý và có chủ đích những điểm yếu về tâm lý và sự bất an của giới trẻ để gây áp lực buộc họ phải tiêu thụ một sản phẩm, mà sau khi ngẫm lại, nhiều người ước họ có thể sử dụng ít hơn hoặc không sử dụng chút nào.

    8. Bốn quy tắc để phá bốn cạm bẫy

    Những người trẻ và cha mẹ của họ bị mắc kẹt trong ít nhất bốn bẫy hành động tập thể. Mỗi gia đình khó có thể  thoát ra, nhưng việc thoát ra sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu gia đình, nhà trường và cộng đồng phối hợp và hành động cùng nhau. Dưới đây là bốn quy tắc sẽ giúp đẩy lùi hiệu ứng xấu của tuổi-thơ-găn-với-điện-thoại. Tôi tin rằng bất kỳ cộng đồng nào áp dụng cả bốn quy tắc này sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên trong vòng hai năm.

    Không điện thoại thông minh trước khi vào trung học

    Cái bẫy ở đây là mỗi đứa trẻ đều nghĩ rằng chúng cần một chiếc điện thoại thông minh vì “mọi người khác” đều có một chiếc, và nhiều bậc cha mẹ đành nhượng bộ vì không muốn con mình cảm thấy bị loại ra ngoài. Nhưng nếu không ai khác có điện thoại thông minh – hoặc thậm chí nếu chỉ một nửa số học sinh lớp sáu có một chiếc – phụ huynh sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi trang bị cho con một chiếc điện thoại nắp gập cơ bản (hoặc không có điện thoại nào cả). Trì hoãn việc truy cập internet suốt ngày đêm cho đến lớp 9 (khoảng 14 tuổi) như một quy định quốc gia hoặc cộng đồng sẽ giúp bảo vệ thanh thiếu niên trong những năm đầu rất dễ bị tổn thương của tuổi dậy thì. Theo một nghiên cứu năm 2022 của Anh, đây là những năm mà việc sử dụng mạng xã hội có liên quan nhiều nhất đến sức khỏe tâm thần kém. Quy định trong gia đình về máy tính bảng, máy tính xách tay và máy chơi trò chơi điện tử phải được điều chỉnh phù hợp với các hạn chế về điện thoại thông minh để ngăn chặn việc lạm dụng các hoạt động khác trên màn hình.

    Không mạng xã hội trước 16 tuổi

    Cái bẫy ở đây, cũng như với điện thoại thông minh, là mỗi thanh thiếu niên đều cảm thấy rất cần phải mở tài khoản trên TikTok, Instagram, Snapchat và các nền tảng khác chủ yếu vì đó là nơi mà hầu hết bạn bè của họ đăng bài và trò chuyện. Nhưng nếu phần lớn thanh thiếu niên không sử dụng những tài khoản này cho đến khi 16 tuổi, gia đình và thanh thiếu niên có thể dễ dàng chống lại áp lực đăng ký hơn. Sự chậm trễ không có nghĩa là trẻ em dưới 16 tuổi không bao giờ được xem video trên TikTok hoặc YouTube – chỉ là chúng không thể mở tài khoản, cung cấp dữ liệu cá nhân, đăng nội dung của riêng mình và để các thuật toán tìm hiểu chúng cũng như sở thích của chúng.

    Trường-học-không-điện-thoại 

    Hầu hết các trường đều tuyên bố rằng họ cấm điện thoại, nhưng điều này thường chỉ có nghĩa là học sinh không được phép lấy điện thoại ra khỏi túi trong giờ học. Nghiên cứu cho thấy hầu hết học sinh đều sử dụng điện thoại trong giờ học. Họ cũng sử dụng chúng trong giờ ăn trưa, trong thời gian rảnh và giờ giải lao giữa các tiết học – những thời điểm mà học sinh có thể và nên tương tác trực tiếp với các bạn cùng lớp. Cách duy nhất để học sinh không còn bận tâm đến điện thoại khi ở trường là yêu cầu tất cả học sinh cất điện thoại (và các thiết bị khác có thể gửi hoặc nhận tin nhắn) vào tủ đựng điện thoại hoặc túi có khóa vào đầu ngày. Các trường đã chuyển sang ‘không-điện-thoại’ dường như luôn báo cáo rằng điều đó đã cải thiện văn hóa trường học, khiến học sinh chú ý hơn trong lớp và tương tác với nhau nhiều hơn. Các nghiên cứu được công bố cũng xác nhận những điều này.

    Nhiều sự độc lập hơn, vui chơi tự do nhiều hơn và nhiều trách nhiệm hơn trong thế giới thực

    Nhiều bậc cha mẹ ngại trao cho con mình mức độ độc lập và trách nhiệm mà bản thân họ từng yêu thích khi còn nhỏ, mặc dù tỷ lệ giết người, lái xe khi say rượu và các mối đe dọa thể chất khác đối với trẻ em đã giảm dần trong những thập kỷ gần đây. Một phần của nỗi sợ hãi xuất phát từ việc các bậc cha mẹ nhìn nhau để xác định điều gì là bình thường và do đó là an toàn, và họ thấy rất ít ví dụ về các gia đình hành động như thể một đứa trẻ 9 tuổi có thể được tin cậy để đi bộ đến cửa hàng mà không có người đi kèm.  Nhưng nếu nhiều bậc cha mẹ bắt đầu cho con ra ngoài vui chơi hoặc chạy việc vặt, thì các tiêu chuẩn về thế nào là an toàn và được chấp nhận sẽ thay đổi nhanh chóng. Những ý tưởng về những gì tạo nên “cách nuôi dạy con tốt” cũng vậy. Và nếu nhiều bậc cha mẹ tin tưởng giao cho con mình nhiều trách nhiệm hơn – ví dụ, bằng cách yêu cầu con cái làm nhiều việc hơn để giúp đỡ gia đình, hoặc chăm sóc người khác – thì cảm giác vô dụng lan rộng mà hiện nay được tìm thấy trong các cuộc khảo sát học sinh trung học có thể bắt đầu bị xua tan.

    Sẽ là một sai lầm nếu bỏ qua quy tắc thứ tư này. Nếu cha mẹ không thay thế thời gian sử dụng thiết bị bằng những trải nghiệm thực tế liên quan đến bạn bè và hoạt động độc lập, thì việc cấm sử dụng thiết bị sẽ mang lại cảm giác thiếu thốn chứ không phải là mở ra một thế giới cơ hội.

    Nguyên nhân chính khiến tuổi-thơ-gắn-với-điện-thoại có hại như vậy là vì nó gạt bỏ mọi thứ khác. Điện thoại thông minh là công cụ chặn trải nghiệm. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta không phải là loại bỏ hoàn toàn màn hình, cũng không phải là đưa tuổi thơ trở lại giống hệt như những năm 1960. Đúng hơn, nó nên là tạo ra một phiên bản của tuổi thơ và tuổi thiếu niên giúp những người trẻ gắn chặt với thế giới thực trong khi phát triển mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số.

    9. Chúng ta đang chờ đợi điều gì?

    Một chức năng thiết yếu của chính phủ là giải quyết các vấn đề hành động tập thể. Quốc hội có thể giải quyết hoặc giúp giải quyết những vấn đề mà tôi đã nhấn mạnh – ví dụ: bằng cách nâng “tuổi trưởng thành trên Internet” lên 16 và yêu cầu các công ty công nghệ không cho trẻ em chưa đủ tuổi vào trang web của họ.

    Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Quốc hội đã không làm tốt giải quyết những lo ngại của công chúng khi các giải pháp sẽ làm mất lòng một ngành công nghiệp hùng mạnh và có nguồn vốn dồi dào. Các thống đốc và nhà lập pháp tiểu bang đã hoạt động hiệu quả hơn nhiều, và những thành công của họ có thể cho phép chúng ta đánh giá những cải cách khác nhau hoạt động tốt như thế nào. Nhưng điểm mấu chốt là để thay đổi các chuẩn mực, chúng ta cần phải tự mình thực hiện hầu hết những công việc đó, trong các nhóm cùng khu vực lân cận, trường học và các cộng đồng khác.

    Đọc: Why Congress keeps failing to protect kids online

    (Tạm dịch: Tại  sao Quốc hội không bảo vệ trẻ em trên mạng)

    Hiện có hàng trăm tổ chức – hầu hết được thành lập bởi những bà mẹ đã chứng kiến những gì điện thoại thông minh đã gây ra cho con cái họ – đang nỗ lực đẩy lùi tuổi-thơ-gắn-với-điện-thoại hoặc thúc đẩy một tuổi thơ gắn với thế giới thực và độc lập hơn. (Tôi đã tập hợp một danh sách nhiều tổ chức trong số đó.) Một tổ chức mà tôi đồng sáng lập, tại LetGrow.org, đề xuất nhiều chương trình đơn giản dành cho phụ huynh hoặc trường học, chẳng hạn như câu lạc bộ vui chơi (trường học giữ sân chơi mở cửa ít nhất một ngày mỗi tuần trước hoặc sau giờ học, và các em đăng ký tham gia các trò chơi không cấu trúc, đa dạng về độ tuổi (mixed-age), và không-điện-thoại như một hoạt động thường xuyên hàng tuần); và Let Grow Experience (một loạt bài tập về nhà trong đó học sinh – với sự đồng ý của cha mẹ – chọn việc gì đó, mà chúng chưa từng làm trước đây, để tự làm, chẳng hạn như dắt chó đi dạo, trèo cây, đi bộ đến cửa hàng hoặc nấu bữa tối).

    Ngay cả khi không có sự giúp đỡ của các tổ chức, các bậc phụ huynh vẫn có thể giúp gia đình mình thoát khỏi bẫy-hành-động- tập-thể nếu phối hợp với phụ huynh của bạn bè của con mình. Cùng nhau, họ có thể tạo ra các quy tắc chung cho điện thoại thông minh và tổ chức các buổi chơi không được giám sát hoặc khuyến khích gặp gỡ bạn bè ở nhà, nơi công viên hoặc trung tâm mua sắm.

    Các bậc cha mẹ đã chán ngấy với thứ mà tuổi thơ đã trở thành. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi phải tranh cãi hàng ngày về những công nghệ được thiết kế để bám giữ sự chú ý của con cái họ và giữ rịt lấy chúng. Nhưng tuổi thơ gắn-với-điện-thoại không phải là điều không thể tránh khỏi

    Bốn quy tắc mà tôi đề xuất hầu như không tốn kém gì để thực hiện, chúng không gây tổn hại rõ ràng cho bất kỳ ai, và mặc dù chúng có thể được hỗ trợ bởi luật mới, nhưng chúng vẫn có thể được truyền đạt và thực hành ngay cả khi không có luật mới. Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện tất cả chúng ngay trong năm nay, đặc biệt là ở những cộng đồng có sự hợp tác tốt giữa nhà trường và phụ huynh. Một thông báo duy nhất của hiệu trưởng yêu cầu phụ huynh trì hoãn việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội [của con em mình] để hỗ trợ nỗ lực của nhà trường nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần bằng chính sách không-điện-thoại, sẽ thúc đẩy hành động tập thể và thiết lập lại các chuẩn mực của cộng đồng.

    Chúng ta không biết mình đã làm gì vào đầu những năm 2010. Bây giờ chúng ta biết phải làm gì. Đã đến lúc chấm dứt tuổi-thơ-gắn- với-điện-thoại.

    Jonathan Haidt

    The Atlantic

    Bài viết này được chuyển thể từ cuốn sách sắp xuất bản của Jonathan Haidt, The Anxious Generation: How the Great Rewiring of Childhood Is Causing an Epidemic of Mental Illness (Tạm dịch:Thế hệ lo âu: Sự tái cấu trúc rất quan trọng của thời thơ ấu đang gây ra đại dịch về bệnh tâm thần như thế nào).

     Jonathan Haidt là nhà tâm lý học xã hội tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York và viết bài trên After Babel Substack (tạm dịch Sau Tháp Babel, trên nền tảng xuất bSubstack). Ông là đồng tác giả của cuốn The Coddling of the American Mind, và là tác giả của cuốn The Anxious Generation: How the Great Rewiring of Childhood Is Causing an Epidemic of Mental Illness.

    [1] ‘Công kích vi mô’ – tiếng Anh: microaggressions -: là những hành vi coi thường, sỉ nhục, hạ thấp và xúc phạm hàng ngày mà người da màu, phụ nữ, cộng đồng đa sắc LGBT hoặc những bị gạt ra ngoài lề xã hội trong tương tác hàng ngày. Microaggression là hành động, lời nói mang hàm ý phân biệt, ức hiếp người khác một cách tinh vi. Nguồn: https://glints.com/vn/blog

    [2] Nhìn chung, vỏ não trước trán rất cần thiết cho các quá trình nhận thức cấp cao hơn, cho phép các cá nhân lập kế hoạch, đưa ra quyết định, kiểm soát hành vi của mình và tương tác hiệu quả trong môi trường xã hội phức tạp. Nguồn: ChatGPT

    [3] Social validation: “Xác nhận xã hội” đề cập đến sự công nhận, chấp nhận hoặc phê duyệt từ những người khác trong một nhóm xã hội. Nó liên quan đến việc tìm kiếm sự khẳng định hoặc xác nhận về suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành động của một người từ bạn bè hoặc xã hội nói chung. Sự xác nhận của xã hội có thể ảnh hưởng đến ý thức về giá trị bản thân, bản sắc và sự thuộc về của một cá nhân, vì nó mang lại sự yên tâm và xác nhận rằng niềm tin hoặc hành vi của một người phù hợp với niềm tin hoặc hành vi của những người khác trong vòng kết nối xã hội hoặc cộng đồng của họ. Nguồn: ChatGPT

    [4] Sử dụng mạng xã hội có vấn đề đề cập đến việc sử dụng quá mức các nền tảng mạng xã hội, tác động tiêu cực đến sức khỏe, các mối quan hệ hoặc hoạt động hàng ngày của một cá nhân

    https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/hay-cham-dut-ngay-tuoi-tho-dinh-lien-dien-thoai/


    Không có nhận xét nào