Header Ads

  • Breaking News

    Giới thiệu Phong trào Duy Tân

    Vì Dân Chủ, Công Lý và Thịnh Vượng cho Việt Nam

    Về chúng tôi

    I. Cương lĩnh: Phong trào Duy Tân là một dự án chính trị với sứ mệnh nhằm kiến tạo một nước Việt Nam dân chủ, công lý và thịnh vượng bằng các phương tiện bất bạo động. Đọc chi tiết Cương lĩnh ở đây hoặc tải về ở đây.

    II. Lãnh đạo: Phong trào Duy Tân được lãnh đạo bởi ông Nguyễn Huy Vũ, tiến sỹ kinh tế, chủ tịch và là thành viên sáng lập Phong trào Duy Tân. Đọc chi tiết tiểu sử của ông ở đây hoặc theo dõi trên trang web cá nhân của ông.

    III. Tham gia: Nếu bạn là một người yêu nước, muốn nhìn thấy một nước Việt Nam có dân chủ, công lý và thịnh vượng trong tương lai, và bạn chia sẻ với lý tưởng của Phong trào Duy Tân thể hiện trong bản Cương lĩnh, hãy trở thành một đại diện của Phong trào Duy Tân ở địa phương của bạn bằng cách gửi cho chúng tôi một lá thư. 

    Nếu ở địa phương của bạn đã có chi bộ của Phong trào Duy Tân, bạn sẽ được giới thiệu để tham gia chi bộ. Nếu địa phương bạn chưa có chi bộ của Phong trào Duy Tân, bạn sẽ là người sáng lập chi bộ ở địa phương và chịu trách nhiệm đón nhận thêm những thành viên mới. 

    Với tư cách là những đại diện của Phong trào Duy Tân, bạn sẽ đại diện cho Phong trào Duy Tân để ứng cử vào những vị trí quan trọng khác nhau trong chính quyền trong một cuộc bầu cử tự do. 

    IV. Liên lạc: phongtraoduytanvietnam@gmail.com hoặc lienlac@phongtraoduytan.com hoặc bạn cũng có thể gửi điện thư trực tiếp cho lãnh đạo theo địa chỉ điện thư: vunguyene8@gmail.com hoặc bạn cũng có thể tương tác trực tiếp với lãnh đạo qua Facebook cá nhân: www.facebook.com/lukhach

    Cương lĩnh

    PHONG TRÀO DUY TÂN

    Phong trào Duy Tân là một dự án chính trị với sứ mệnh nhằm kiến tạo một nước Việt Nam dân chủ, công lý và thịnh vượng bằng các phương tiện bất bạo động. 

    I. Dân chủ

    Chúng tôi tin rằng sự tự do của mỗi cá nhân chỉ đạt được một cách trọn vẹn trong một thể chế dân chủ, nơi mà những quyền con người cơ bản được tôn trọng và giữ gìn nhờ ở những định chế. Chúng tôi cũng tin rằng sự bình đẳng và quyền tham gia của mọi công dân vào các quyết định quan trọng của đất nước sẽ tạo ra một môi trường công bằng và minh bạch cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Và chúng tôi cũng tin rằng sự tự do đến lượt nó sẽ giúp các cá nhân thăng hoa và cùng với sự công bằng trong cơ hội đóng góp vào quốc gia cuối cùng sẽ tạo ra thịnh vượng chung cho một dân tộc. Vì lý do đó, chúng tôi sẽ theo đuổi những mục tiêu sau: 

    (1) Bảo vệ nhân quyền 

    Chúng tôi sẽ duy trì và bảo vệ các quyền con người và sự tự do cơ bản của tất cả công dân Việt Nam theo Công ước Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, tôn giáo, quyền tự do di chuyển, quyền ứng cử và bầu cử.

    (2) Bầu cử tự do

    Chúng tôi sẽ tranh đấu cho một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch được tổ chức bởi một cơ quan bầu cử độc lập và ở đó có sự hiện diện của các chính đảng khác nhau. 

    (3) Cải cách thể chế chính trị 

    Nhu cầu tản quyền. Chúng tôi tin rằng việc tản quyền mà trong đó các chính quyền cấp vùng được trao nhiều quyền hơn trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương mình trong đó bao gồm các chính sách về kinh tế, y tế, giáo dục, hạ tầng, an sinh xã hội và quy hoạch vùng, sẽ giúp giảm đi gánh nặng áp lực lên chính phủ trung ương, giúp quốc gia dễ dàng và nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, và giúp tối ưu hoá các nguồn lực. Quốc gia có thể chia thành 11 vùng dựa vào vị trí địa lý, mỗi vùng gồm vài tỉnh gộp lại và sẽ có một chính phủ vùng đứng đầu. Cơ cấu hành chính sẽ là quốc gia, vùng, huyện, xã và thôn. Chính phủ trung ương hợp tác với 11 vùng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi phải làm việc với 64 tỉnh thành như hiện nay. Mười một vùng được chia theo địa lý và cân nhắc đến yếu tố văn hoá và dân số sẽ gồm: vùng Đông Bắc Bộ, vùng Tây Bắc Bộ, vùng Đồng Bằng Sông Hồng (trừ Hà Nội), Hà Nội, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ (trừ Sài Gòn), Sài Gòn, các tỉnh Tây Nam Bộ phía bắc sông Hậu (Tây Nam Bộ Bắc), và các tỉnh Tây Nam Bộ phía nam sông Hậu (Tây Nam Bộ Nam). Sở dĩ vùng Tây Nam Bộ nên chia thành hai vùng vì vùng Tây Nam Bộ quá lớn và quá đông về dân số, gồm 13 tỉnh thành và có tới gần 18 triệu dân. Việc chia vùng Tây Nam Bộ làm hai vùng như vậy, trung bình mỗi vùng có gần 9 triệu dân. Sau khi phân bổ, mỗi vùng trên cả nước sẽ có từ gần 5 triệu đến 10 triệu dân.

    Quốc hội với hai viện: Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Hạ nghị viện đại diện cho quyền lợi của dân và Thượng nghị viện đại diện cho tiếng nói của các vùng. Quốc hội sẽ có nhiệm vụ làm ra luật, kiểm soát chính phủ, và phê duyệt ngân sách. Hạ nghị viện sẽ bầu ra thủ tướng chịu trách nhiệm điều hành chính phủ và định hướng chính sách quốc gia. Một uỷ ban với một nửa thành viên là các dân biểu Hạ nghị viện và một nửa là các dân biểu đại diện của các quốc hội vùng sẽ bầu ra chủ tịch nước. Chủ tịch nước đóng vai trò duy trì sự ổn định chính trị và thực hiện các nhiệm vụ nghi lễ của quốc gia. 

    Bầu cử ở Hạ nghị viện: bầu cho cá nhân và bầu cho đảng, và hạn chế các đảng nhỏ. Chúng tôi đề xuất rằng Hạ nghị viện sẽ có 500 ghế. Khi bầu chọn ra các dân biểu của Hạ nghị viện, cử tri sẽ có hai phiếu bầu. Ở phiếu bầu đầu tiên, cử tri sẽ bầu cho một dân biểu đại diện cho khu vực của mình. Ứng viên nào dành nhiều phiếu nhất sẽ đại diện cho khu vực. Có 250 khu vực trên toàn quốc. Ở phiếu bầu thứ hai, cử tri sẽ bầu cho một một đảng. Tổng số ghế mà một đảng nhận được trong Hạ nghị viện tương đương với tỉ lệ số phiếu bầu thứ hai mà đảng đó nhận được trong cuộc bầu cử. Để hạn chế những đảng nhỏ có thể làm mất ổn định quốc hội, chỉ những đảng nào nhận được ít nhất 5% số phiếu bầu thứ hai hoặc 25 ghế theo phiếu bầu thứ nhất mới được chia ghế trong Hạ nghị viện. 

    Thượng nghị viện gồm các đại diện của chính quyền vùng. Chúng tôi đề xuất rằng Thượng nghị viện sẽ bao gồm các thành viên của chính quyền các vùng. Mỗi vùng sẽ có tối thiểu ba phiếu bầu; các vùng có hơn hai triệu dân sẽ có bốn phiếu, các vùng có hơn sáu triệu dân sẽ có năm phiếu, và các vùng hơn bảy triệu dân sẽ có sáu phiếu. Mỗi vùng sẽ bổ nhiệm số thành viên tương đương với số phiếu của mình. Các phiếu của mỗi vùng chỉ được bỏ như một đơn vị nhằm thể hiện quan điểm chung của vùng và chỉ bởi các thành viên có mặt hoặc những người thay thế họ. 

    Thành lập Toà án Hiến pháp Quốc gia. Chúng tôi đề xuất rằng một Toà án Hiến pháp Quốc gia được thành lập nhằm đảm bảo việc tuân thủ hiến pháp, xử lý các tranh chấp liên quan đến hiến pháp, và bảo vệ các quyền và sự tự do cơ bản của công dân. Một nửa số thành viên của Toà án Hiến pháp Quốc gia sẽ được bầu chọn bởi Hạ nghị viện và một nửa còn lại bởi Thượng nghị viện. 

    Chọn mô hình nghị viện – liên bang của Đức để tham khảo. Việc cải cách sang một mô hình chính trị mới đòi hỏi việc cải sửa rất nhiều luật; cách hiệu quả nhất, tốn ít thời gian và công sức nhất, đó là chọn một mô hình chính trị và tham khảo các luật đi kèm của nó. Chúng tôi đề nghị chọn mô hình nghị viện liên bang của Đức vì có nhiều lẽ. Thứ nhất, mô hình của Đức được thiết kế để bảo đảm tạo ra một chính phủ ổn định, làm được việc,  khuyến khích sự hợp tác giữa các đảng phái vì lợi ích quốc gia, và duy trì được dân chủ. Mô hình này đã chứng tỏ sự thành công của nó trong thực tế như thiết kế. Và thứ hai là trong mô hình chính trị của Đức, mặc dù các bang có quyền tự trị trong một số lĩnh vực, có sự đồng nhất cao về luật lệ trên cả nước. Điều này rất phù hợp với hiện trạng của Việt Nam khi mà giữa các vùng miền đã có sự thống nhất về mặt luật pháp. 

    II. Công lý

    Chúng tôi muốn rằng mọi người đều được đối xử như nhau trước pháp luật và ngoài xã hội. Sự thịnh vượng của quốc gia phải được san sẻ giữa những đồng bào với nhau. Những người yếu thế cần được tạo cơ hội để họ có một tương lai trong xã hội. Nó không chỉ là vấn đề đạo đức, sự tương thân, mà còn vì một quốc gia công bằng hơn sẽ đem lại thịnh vượng và ổn định hơn.Một cách cụ thể, chúng tôi sẽ theo đuổi những mục tiêu như sau:

    (4) Độc lập tư pháp

    Chúng tôi cam kết đảm bảo một hệ thống tư pháp độc lập nhằm duy trì pháp quyền và bảo vệ quyền của cá nhân trước các hành động tùy tiện của chính phủ.

    (5) Cơ hội kinh tế

    Chúng tôi phấn đấu vì tăng trưởng kinh tế toàn diện, giảm nghèo, thúc đẩy tạo việc làm và mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể xuất thân hay địa vị.

    (6) Phúc lợi xã hội

    Chúng tôi sẽ tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ các chương trình xóa đói giảm nghèo, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục chất lượng cho mọi công dân Việt Nam. 

    Chăm sóc sức khoẻ phổ quát. Chúng tôi bảo đảm rằng tất cả người dân phải được chăm sóc y tế đầy đủ; chương trình này sẽ là một kết hợp dựa trên các gói bảo hiểm được tài trợ bởi chính phủ và các công ty có thuê người lao động. 

    Miễn học phí và trợ cấp tài chính cho học tập. Chúng tôi bảo đảm rằng không một học sinh hay sinh viên nào phải bỏ học vì thiếu hụt tài chính. Học sinh được miễn học phí ở các trường công lập cho tới hết cấp phổ thông. Những học sinh có gia đình khó khăn được trợ cấp tài chính để hoàn tất chương trình học. Ở cấp đại học, sinh viên được cung cấp các gói tín dụng tài chính để trang trải học phí và chi phí cá nhân. Sinh viên tốt nghiệp sau khi đi làm sẽ trả tiền vay với một lãi suất ưu đãi. 

    Nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng tôi sẽ nhanh chóng cải thiện chất lượng giáo dục đại học để các đại học Việt Nam sớm đạt được chất lượng ngang bằng với các trường đại học hàng đầu của khu vực. Đó là một yêu cầu cấp thiết bởi trình độ giáo dục và khoa học kỹ thuật Việt Nam đã quá thấp. Một cách cụ thể, các trường đại học quốc gia sẽ được cải cách để có cơ cấu hoạt động tương tự như các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Các giáo sư được bổ nhiệm phải có thành tích tương đương với các giáo sư hàng đầu trong khu vực. Các giáo sư nước ngoài sẽ được bổ nhiệm bên cạnh các giáo sư người Việt. Việc bổ nhiệm chỉ dựa thuần tuý trên năng lực và thành tích. Sinh viên bắt buộc phải thông thạo tiếng Anh để có thể theo học các khoá học được giảng dạy bởi các giáo sư nước ngoài. Một uỷ ban nhân sự của trường sẽ được thiết lập với sự tham gia của các đại diện chính quyền nhằm tìm kiếm nhân sự cho các cấp lãnh đạo của nhà trường. 

    Cung cấp học bổng để nuôi dưỡng nhân tài. Chính phủ sẽ cung cấp các học bổng cho các sinh viên xuất sắc để theo đuổi các chương trình học ở các đại học tiên tiến trên thế giới nhằm đào tạo ra những lãnh đạo tương lai của quốc gia. 

    III. Thịnh vượng

    Chúng tôi tin rằng để kiến tạo nên một quốc gia thịnh vượng, chính phủ phải được dẫn dắt bởi những cá nhân có hiểu biết, trách nhiệm, và trong sạch. Những chính sách được thực thi phải đảm bảo việc nâng đỡ tối đa sự phát triển của những cá nhân và tổ chức, đó mới là những hạt nhân trực tiếp làm nên sự giàu mạnh cho mình và cho xã hội. Một cách cụ thể, chúng tôi sẽ theo đuổi các chính sách sau: 

    (7) Bảo đảm quyền tư hữu

    Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền tư hữu của mọi công dân, trong đó có quyền sở hữu đất đai, và coi đó là nguyên tắc cốt lõi để thúc đẩy sự tự do cá nhân, ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo rằng mọi hành vi xâm phạm quyền tư hữu đều bị xử lý nghiêm minh. 

    (8) Chính phủ minh bạch, tinh gọn và có trách nhiệm

    Chống tham nhũng. Chúng tôi cam kết xóa bỏ tham nhũng ở mọi cấp chính quyền thông qua các hoạt động quản trị minh bạch và có trách nhiệm.

    Cải cách dịch vụ công. Chúng tôi sẽ thúc đẩy chế độ trọng dụng người tài và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ công, đảm bảo rằng các quan chức chính phủ phục vụ lợi ích công bằng sự chính trực và tận tụy. Việc tuyển chọn công chức sẽ được thực hiện công khai, dựa trên năng lực, và thông qua một hệ thống tính điểm.

    Đơn giản thủ tục giấy tờ. Chúng tôi hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, giảm bớt sự phức tạp và thời gian chờ đợi, nhằm nâng cao hiệu quả hành chính và tạo sự thuận lợi tối đa cho công dân và doanh nghiệp. Một cơ quan trực thuộc chính phủ sẽ được thành lập nhằm mục đích rà soát tất cả các quy trình thủ tục và giấy tờ. 

    (9) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

    Chính phủ nâng đỡ tư nhân.Chính phủ đóng vai trò điều phối thị trường và chỉ hỗ trợ những lĩnh vực cần thiết mà tư nhân không thể hoặc không dám tham gia do rủi ro hoặc thiếu năng lực.

    Thuế đơn giản và thấp.Chúng tôi cam kết xây dựng một hệ thống thuế đơn giản, minh bạch và thấp, nhằm giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của quốc gia. 

    Hỗ trợ doanh nghiệp tư.Chúng tôi cam kết triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, cải cách hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng và khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển và thành công của doanh nghiệp.

    (10) Bảo vệ môi trường 

    Chúng tôi ưu tiên tính bền vững về môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các chính sách nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo không khí và nước sạch cho các thế hệ tương lai.

    (11) Hoà hợp dân tộc và xây dựng tinh thần yêu nước 

    Chúng tôi cam kết thúc đẩy hòa giải và hòa hợp dân tộc, tăng cường đa dạng vùng miền trong cơ cấu công chức, và bảo đảm quyền lợi của tất cả nhóm dân tộc và tôn giáo. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đối thoại và giải quyết xung đột để duy trì ổn định và hòa bình trong cộng đồng.

    (12) Ngoại giao tích cực 

    Chúng tôi cam kết theo đuổi một đường lối ngoại giao tích cực nhằm thúc đẩy những lợi ích và sự độc lập của Việt Nam, hướng đến các giá trị tiến bộ, bảo vệ nhân quyền, duy trì hòa bình và nhân đạo trên toàn thế giới, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng quốc tế công bằng, hòa bình và thịnh vượng.

    Lãnh đạo

    Phong trào Duy Tân được lãnh đạo bởi ông Nguyễn Huy Vũ, chủ tịch và là thành viên sáng lập Phong trào Duy Tân. Đọc chi tiết tiểu sử trên trang web cá nhân của ông ở đây. 

    Ông Nguyễn Huy Vũ là một học giả nghiên cứu kinh tế và chính trị độc lập. Ông cũng là một doanh nhân và là một người vận động cho phong trào dân chủ hoá của Việt Nam.

    Ông lấy bằng tiến sỹ kinh tế ở Đại học Thương mại BI (BI Norwegian Business School) ở Nauy năm 2018. Trước đó, ông lấy bằng thạc sỹ kinh tế ở Học viện Công nghệ Hoàng gia Thuỵ Điển ( KTH Royal Institute of Technology) ở Stockholm và bằng kỹ sư điện tử ở Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University) ở Singapore.

    Ông từng làm việc tại Deutsche Bundesbank (Ngân hàng Trung ương của Đức) với tư cách là nghiên cứu viên dưới sự đài thọ của Quỹ Marie Curie của châu Âu, và là nghiên cứu viên khách mời của Đại học Minnesota, Minneapolis, Hoa Kỳ.

    Các tác phẩm tiêu biểu:


    Không có nhận xét nào