Tăng giá điện có ảnh hưởng đời sống người dân?
RFA
15/10/2024
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.
AFP PHOTO
Bộ Công Thương vào ngày 11/10/2024 ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trả lời báo nhà nước trong cùng ngày cho rằng, việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng 4,8% không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.(?!)
Ông T., một dân người sống ở Sài Gòn không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, hôm 15/10 cho RFA biết thực tế:
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, nói chung giá điện không ảnh hưởng nhiều đến những người giàu, tiền của thừa mứa, chuyện tăng tiền điện một tháng vài trăm ngàn chỉ là tiền lẻ… Nhưng ở xã hội Việt Nam hiện nay, người nghèo nhiều gấp bội người giàu, cho nên ảnh hưởng nhiều lắm. Ví dụ như một cặp vợ chồng công nhân ăn uống chi tiêu… bây giờ giá điện lên bắt buộc người ta phải dè sẻn một khoản nào đó để bù vào tiền điện.”
Nhưng ở xã hội Việt Nam hiện nay, người nghèo nhiều gấp bội người giàu, cho nên ảnh hưởng nhiều lắm.
-Ông T.
Theo ông T., tăng giá điện ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhiều người, nhất là những người lao động nghèo, thu nhập thấp.
Một người dân khác ở Đà Nẵng, không muốn nêu tên ví lý do an toàn, hôm 15/10 nói với RFA:
“Tất cả đều tăng theo giá điện, vì không có ngành nào không dính đến nó. Điện tăng kéo theo nhiều hệ lụy, cuộc sống người dân càng thêm khốn đốn, tất cả đều phải áp thêm giá từ sản phẩm của mình, khổ nhất vẫn là người lao động nghèo.”
Theo bà này, giá điện thì tăng liên tục, chưa hề có dấu hiệu giảm, mà EVN vẫn than lỗ triền miên, vấn đề cần quan tâm nhất là tại sao lại như vậy? Bà nói thêm:
“Điện tăng cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chọn điểm đến là Việt Nam, và sẽ dời nhà máy cũ đi, dẫn đến khủng hoảng lao động thừa, EVN quá chủ quan khi cho rằng giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng đến ai.”
Theo báo nhà nước, ngay khi EVN thông báo về việc tăng giá điện 4,8%, nhiều chủ phòng trọ đã tận dụng cơ hội này để tăng giá điện 20-30%, gây áp lực lên sinh viên và người lao động thu nhập thấp…
Ông T. sống ở Sài Gòn cho biết thêm:
“Những người đến thành phố ở trọ đa số là công nhân tại các tỉnh, bây giờ giá điện tăng lên đời sống của họ sẽ khó khăn hơn, tiền phòng trọ thì chủ nhà trọ cũng buộc phải tăng. Khó khăn nhiều chứ, chỉ cần tăng một tháng vài trăm ngàn đã khó khăn cho người lao động, vì người ở trọ có mức thu nhập thấp nên ảnh hưởng đời sống người ta rất nhiều. Họ cứ tuyên truyền theo các luận điệu của tuyên giáo thì mình chịu thôi, đọc cho biết chứ tất nhiên ai cũng hiểu.”
Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội (minh hoạ). AFP.
Trước đó, vào ngày 9/11/2023, EVN đã tăng giá bán lẻ điện chính thức lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Vào ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân cũng đã được điều chỉnh tăng lên 1.920,37 đồng/kWh, tương đương tăng 3%.
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, nhận định với RFA hôm 15/10/2024 về việc tăng giá điện năm 2024:
“Điện là một lĩnh vực độc quyền, mà đã độc quyền thì Nhà nước phải định giá. Chúng ta thấy thời gian vừa qua ngành điện lỗ rất nhiều do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Những nguồn điện có lợi thế như thủy điện và một số điện khác cũng tới hạn, không khai thác được nhiều. Cho nên ngành điện bị lỗ rất lớn, phải tính toán làm sao cho đủ chi phí đầu vào. EVN trong năm 2023 lỗ trên 33 ngàn tỷ, nên việc tăng giá điện là tất yếu.”
Theo Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, giá điện của Việt Nam trong nước so với thế giới cũng chưa cao bằng. Ông nói tiếp:
“Do đó, việc điều chỉnh biên độ tăng giá điện như vậy theo tôi là hợp lý. Những ngành độc quyền mà nhà nước quy định giá, nếu lỗ quá lớn mà cứu để dồn nén quá mức, lúc đó biên độ tăng lớn, sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ. Còn tất nhiên đối với người dân, người tiêu dùng, điện là một sản phẩm đầu vào cực kỳ quan trọng, tác động đến tất cả các mặt của nền kinh tế quốc dân và đặc biệt đối với người tiêu dùng. Nhưng tăng giá điện như vừa rồi theo tôi không ảnh hưởng nhiều.”
Việc tăng giá điện thì đương nhiên sẽ tác động đến sản xuất và đời sống của người dân.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi nhận định với RFA hôm 15/10/2024 cũng đồng ý giá điện tăng do giá đầu vào tăng, nhưng ông Doanh cho rằng sẽ tác động đến đời sống người dân:
“Việc EVN tăng giá điện theo tôi là điều bất khả kháng, bởi vì giá các đầu vào của EVN như giá dầu, giá than tăng. Còn việc tăng giá điện thì đương nhiên sẽ tác động đến sản xuất và đời sống của người dân. Nó sẽ làm cho chi phí các mặt hàng đều tăng lên và người dân sẽ phải tìm cách tiết kiệm, sản xuất cũng phải tìm cách tiết kiệm để ra sản phẩm không tăng giá lên quá cao.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc tăng giá điện nhiều hay ít tùy thuộc vào từng hộ kinh doanh. Ông Doanh giải thích thêm:
“Nếu hộ gia đình sử dụng điện tiết kiệm thì tác động ít. Nhưng nếu hộ gia đình sử dụng nhiều, nhất là các nhà hàng, quán bar thì chi phí chắc chắn sẽ tăng lên và nó sẽ góp phần làm mặt bằng giá cả cũng sẽ tăng lên. Còn trong sản xuất, chắc chắn các nhà sản xuất sẽ tìm mọi cách để tiết kiệm, để hạn chế và giảm bớt tác động của việc tăng giá điện.”
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 1/9/2023 về việc Bộ Công Thương đồng ý đề xuất tăng giá điện ‘cõng’ các khoản lỗ của EVN, cho rằng:
“Cái lỗi của thượng tầng, tức là lỗi của người định hướng, là định hướng sai, nhưng nhân dân phải chịu. Nhân dân phải chịu đựng cái không đáng phải chịu đựng, thì cái đó không hợp lý.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-electricity-price-increase-affect-people-s-lives-10152024125026.html
Việt Nam ước tính cần chi 7,2 tỷ USD để xây tuyến đường sắt mới nối với Trung Quốc
Reuters
17/10/2024
Du khách chụp ảnh tàu hỏa đi qua khu phố cũ ở Hà Nội, 28/9/2019 (REUTERS/Kham).
Việt Nam ước tính chi phí xây dựng tuyến đường sắt mới nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc là 179 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ đô la), truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư 16/10.
Tuyến đường sắt dài 427 km sẽ chạy từ tỉnh biên giới Lào Cai qua thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng đến thành phố Hạ Long, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết.
Việt Nam đang tìm cách nâng cấp hệ thống đường sắt cũ kỹ của mình, bao gồm các kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc theo chiều dài đất nước và các tuyến nối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Theo bản tin của TTXVN, Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã trình kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hạ Long lên Bộ Giao thông Vận tải để bộ xem xét và phê duyệt.
Dự kiến tuyến đường sắt này sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2030, bản tin cho hay và nói thêm rằng nhu cầu vận chuyển dọc theo tuyến đường sắt này ước tính đạt 8,3 triệu lượt hành khách và 17,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm vào năm 2050.
Việt Nam đã tiếp cận Trung Quốc để có được công nghệ và nguồn tài chính cho kế hoạch phát triển đường sắt nối liền hai nước, vốn đã được kết nối bằng hệ thống đường cao tốc và hai tuyến đường sắt cũ kỹ và cần nâng cấp ở bên phía Việt Nam.
Hai nước láng giềng châu Á này đã nhiều lần bày tỏ quan tâm đến việc thúc đẩy các tuyến đường sắt, và các chuyến thăm lẫn nhau gần đây của giới lãnh đạo hai nước thường bao gồm việc ký kết các thỏa thuận về hợp tác đường sắt.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp sắp tới sẽ khai mạc hôm thứ Hai 21/10 dự kiến sẽ phê duyệt kế hoạch trị giá 67 tỷ đô la để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 1.541 km từ thủ đô Hà Nội đến trung tâm kinh tế của đất nước là thành phố Hồ Chí Minh, đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-uoc-tinh-chi-7-phay-2-ty-usd-xay-tuyen-duong-sat-moi-noi-voi-trung-quoc/7825084.html
Việt Nam đối mặt với một loạt các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp mới
16/10/2024
Các container tại cảng Tân Vũ ở Hải Phòng hôm 29/8/2023
Nhac NGUYEN / AFP
Các sản phẩm thép cán nóng và sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại các thị trường lớn gồm Úc và Mỹ.
Truyền thông Nhà nước hôm 15/10 dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc mới đây vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thanh cốt thép cán nóng (Hot rolled deformed steel reinforcing bar in lengths) nhập khẩu/có xuất xứ từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Nguyên đơn là Công ty Infrabuild NSW Pty Limited của Úc. ADC dự kiến ban hành kết luận sơ bộ vào ngày 25/11/2024 (có thể gia hạn) và đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 26/2/2025.
Theo truyền thông trong nước, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thép hình cán nóng chủ lực sang thị trường Úc, thường nằm trong nhóm các nước xuất khẩu chính với 6,03% thị phần. Tổng kim ngạch xuất khẩu thép hình cán nóng của Việt Nam sang Úc đã tăng mạnh trong các năm qua từ mức 2,87 triệu đô la ào năm 2021 lên 15,94 triệu đô la vào năm 2023.
Sản phẩm thép cán nóng của Việt Nam gần đây cũng liên tục bị điều tra chống bán phá giá tại EU và Ấn Độ.
Bộ Công Thương trước đó đã cảnh báo rủi ro sản phẩm này sẽ bị Úc điều tra phòng vệ thương mại và lưu ý doanh nghiệp tránh dùng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, mới đây cũng cho báo chí biết về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Có tám doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá và nhận trợ cấp của Chính phủ trong vụ kiện này.
Giai đoạn điều tra thiệt hại là ba năm (2021 – 2023).
Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam bán phá giá với biên độ 328-602%. Nguyên đơn cho rằng Chính phủ Việt Nam cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu gồm 22 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Mỹ.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong các năm qua liên tục bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2023 đã đạt 97 tỷ đô la.
Để tránh các tác động tiêu cực trong các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp, Việt Nam thời gian qua cũng tích cực đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định tiếp tục xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường. Điều này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ vẫn như cũ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã khởi xướng 29 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ năm 2023 đến nay, tăng thu ngân sách 1,5 tỷ đồng/năm, theo số liệu của Bộ Công thương được báo Nhà nước trích đăng.
Theo Bộ Công thương, các vụ kiện điều tra này nhằm bảo vệ thị trường trong nước, quyền lợi doanh nghiệp.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Trong số này có bảy vụ việc đã được khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra hai vụ việc mới, khởi xướng rà soát hai vụ việc và rà soát cuối kỳ, tiếp nhận và xử lý chín hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Trong số 29 vụ việc điều tra, đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực.
Đáng chú ý trong số này có hai vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm thép cáp dự ứng lực và tháp điện gió là các sản phẩm đến từ các nước Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.
Báo Nhà nước cho biết thép cuộn cán nóng (HRC) nhập vào Việt Nam tiếp tục tăng dù Bộ Công thương Hà Nội có biện pháp phòng vệ chống bán phá giá.
Dữ liệu Hải quan Việt Nam cho thấy trong tháng 9 lượng thép cuộn cán nóng nhập vào nước này là 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và bằng 220% sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
Tổng cộng trong chín tháng đầu năm 2024, lượng thép cán nóng nhập vào Việt Nam là gần 8,8 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 171% sản xuất tại Việt Nam. Trong lượng nhập khẩu này, thép cán nóng của Trung Quốc chiếm 72%, tương đương 6,3 triệu tấn; trong khi đó các nhà máy tại Việt Nam chỉ sản xuất ra được 5,1 triệu tấn.
Vào ngày 26/7 vừa qua, Bộ Công thương Việt Nam bàn hành quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Trong khu vực, Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ đối với thép cán nóng Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-face-new-anti-dumping-suits-10162024082604.html
Giới xuất khẩu Việt Nam đối mặt biện pháp VSATTP, Kiểm dịch động/thực vật mới từ WTO
RFA
16/10/2024
Một người bán hàng rong là ổi trên đường phố Hà Nội hôm 27/2/2024 (minh họa)
Nhac NGUYEN / AFP
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi về quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động/thực vật (SPS) từ các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Văn phòng SPS Việt Nam thông báo như vừa nêu với đề xuất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nghiên cứu, góp ý về loạt dự thảo quy định biện pháp SPS từ các thành viên WTO; trong đó có Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Canada, Brazil, Australia…
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết từ ngày 21/8/2024 đến 20/9/2024 có tổng cộng 92 thông báo về các biện pháp SPS từ các thành viên WTO. Trong số này có 78 dự thảo còn được lấy ý kiến và 14 quy định chính thức có hiệu lực.
Vào tháng 1 năm nay, EU đưa năm mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam, gồm ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long, vào diện kiểm soát khi nhập vào thị trường này.
Vào năm 2023, EU đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam vì phát hiện dư lượng hóa chất quá mức và nấm mốc.
Vào tháng 12/2023, Nhật Bản cũng phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật với các lô sầu riêng và ớt đông lạnh nhập từ Việt Nam.
Các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đưa ra những cảnh báo tương tự đối với một loạt các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-exporters-face-sps-from-wto-10162024081717.html
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam sẽ chỉ còn 46 triệu dân vào năm 2200, cần thay đổi triết lí quản trị đất nước!
RFA
17/10/2024
Ảnh minh họa: Ba trẻ em ở Hà Nội đeo khẩu trang chơi gần nhà một người mắc COVID-19 vào ngày 9/3/2020
Reuters
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa 15 thuộc quận Bình Tân, TPHCM đưa ra dự đoán về việc giảm mạnh dân số của Việt Nam nếu như chỉ tiếp tục chăm chú vào việc tăng trưởng GDP hàng năm.
Phát biểu được cựu Bộ trưởng Giáo dục đào tạo đưa ra hôm 15/10 trong hội thảo khoa học Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn được báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.
Mạng báo Thanh niên dẫn lời ông Nhân cho rằng, có bốn nguyên nhân khiến tổng tỷ suất sinh thấp dưới tỷ suất sinh thay thế hàng chục năm ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thu nhập cao.
Trong đó, đáng chú ý theo ông Nhân là vấn đề lãnh đạo các nước, chủ các doanh nghiệp không xem tái tạo con người, tái tạo gia đình là một điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển bền vững.
Từ tình hình dân số, kinh tế và xã hội của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thu nhập cao, giáo sư Thiện Nhân chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần thay đổi triết lý quản trị đất nước, không lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu, cần lấy hạnh phúc của nhân dân và dân tộc trường tồn làm mục tiêu cao nhất.
Cựu Phó Thủ tướng Chính phủ dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng nói:
“Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài, theo con đường của tất cả các nước phát triển đã trải qua. Dự báo thô dân số Việt Nam, ở phương án cơ sở, năm 2200 là 46 triệu người”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-s-population-is-projected-to-decline-sharply-by-2200-10172024040702.html
Không có nhận xét nào