Điều cần có từ lãnh đạo của Việt Nam
Đoàn Bảo Châu
01/10/2024
Ảnh chụp màn hình
Các vị lãnh đạo ở Việt Nam thiếu nhiều phẩm chất cần có để đất nước này có được những “thung lũng Silicon”. Tôi viết bài này mà tay tôi run run vì sợ lực lượng dư thừa hung hăng nhưng thiếu não trầm trọng mang tên BODO vào nhục mạ. Chưa kể lại bị triệu tập, kiến nghị khởi tố, cấm xuất cảnh, làm việc cả 10 tiếng ròng rã với nguy cơ bóc lịch rất cao…
Đấy chính là một hạn chế khiến đất nước không phát triển được. Các vị nắm quyền sinh quyền sát ở Việt Nam cần phân biệt giữa những người cầm bút với tâm thế đóng góp để đất nước phát triển và những thế lực chống phá, muốn lật đổ chính quyền. Nếu không, sẽ vô tình đẩy họ ra xa, và điều ấy thật không tốt cho đất nước về lâu dài.
Giờ quay trở lại với Thung lũng Silicon.
Các vị lãnh đạo ở Việt Nam nên bớt chém gió, tỏ ra hiểu biết và hay hô hào khẩu hiệu, và cần nói ra những điều có giá trị thực sự. Để làm được điều ấy, các vị thực sự phải biết nâng tâm, nâng tầm của mình lên bằng cách học hỏi không ngừng nghỉ. Đất nước này phát triển hay không chính là nhờ vào những bộ não và con tim của các vị.
Các vị hiểu “Thung lũng Silicon” là những trung tâm về công nghiệp cấp cao, nhưng vấn đề làm thế nào để có được điều ấy mới là quan trọng, chứ hô khẩu hiệu thì dễ quá. Tôi nhớ mỗi vị lãnh đạo đều có những đặc điểm riêng về phát ngôn; vị thì “trồng cây gì, nuôi con gì?” nghe có vẻ rất trăn trở nhưng mãi mà sự trăn trở ấy chẳng đưa ra kết quả gì.
Có vị thì nổi tiếng với “hình mẫu”, “vùng đất khởi nghiệp thu hút nhân tài”, “là cực tăng trưởng mới”, “thủ phủ”, “cô gái đẹp đang ngủ quên”, “giàu có toàn diện”, “trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế” và đặc biệt là rất nhiều “đầu tàu kinh tế”. Một cơ thể mà có quá nhiều đầu thì nó là cái gì? Thay vì nặn óc nghĩ ra những khẩu hiệu hoa mỹ, thì tại sao không dành năng lượng ấy để thực sự tìm hiểu mấu chốt của vấn đề là gì, đang vướng mắc thực sự ở đâu mà tìm cách khắc phục?
Nhớ nhé, hãy tránh đại ngôn rỗng tuếch mà thực sự cho con tim, khối óc của mình vào từng việc cụ thể. Lãnh đạo trước hết phải có con tim chân thành, có khối óc biết suy nghĩ sâu sắc.
Có nhiều lý do tại sao Việt Nam chưa thể phát triển những “Thung lũng Silicon” như ở Mỹ, và các yếu tố này có thể chia thành một số nhóm chính:
Việt Nam thiếu hạ tầng và công nghệ. Điều đặc biệt thiếu là các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Để có được những trung tâm R&D này, Việt Nam thực sự phải biết săn nhân tài, trọng dụng, nâng niu và ưu đãi để họ tạo ra sản phẩm có giá trị chất xám cao.
Việt Nam thiếu các nền tảng công nghệ cơ bản và tiên tiến, như khả năng sản xuất chip bán dẫn, hệ thống sản xuất tự động hiện đại, và các phòng thí nghiệm công nghệ lớn. Nhưng để có được những thứ ấy thì cần bớt những khoản chi phí chưa cần thiết như tượng đài kém chất lượng.
Silicon Valley ở Mỹ có lợi thế với lực lượng lao động chất lượng cao từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam còn hạn chế trong việc đào tạo chuyên sâu về các ngành công nghệ cao, mà điều cơ bản là không rèn luyện tư duy sâu sắc, tư duy phản biện. Không có tư duy sâu sắc, tư duy phản biện thì con người sẽ hời hợt trong mọi lĩnh vực. Trong khi ấy, sinh viên học ở nước ngoài, chỉ nhăm nhăm làm sao ở lại làm việc mà không muốn về nước? Đấy thực sự là một nỗi buồn rất lớn.
Môi trường giáo dục của Việt Nam chưa thực sự khuyến khích tư duy sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng thu hút và giữ chân nhân tài cũng gặp khó khăn. Chính sách ở Việt Nam chưa đủ mạnh mẽ để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ toàn diện. Silicon Valley thành công nhờ sự hỗ trợ từ chính sách thuế ưu đãi, đầu tư công nghệ, và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Lĩnh vực AI, trí tuệ nhân tạo đang nóng bỏng nhưng Việt Nam còn rất mờ nhạt, trong khi ấy thì ông bạn cùng lý tưởng lại ở vị thế nhất nhì về lĩnh vực này.
Thủ tục hành chính và các rào cản pháp lý tại Việt Nam còn phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp. Chi phí “bôi trơn” ở Việt Nam lớn, khiến doanh nghiệp oằn mình ra lo lót, sức đâu để sáng tạo, quản lý, sản xuất hiệu quả?
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Silicon Valley là sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, hệ thống tài chính cho các dự án khởi nghiệp công nghệ còn chưa phát triển mạnh, dẫn đến việc thiếu nguồn vốn để phát triển các công ty công nghệ. Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, song vẫn còn nhiều thách thức về mặt pháp lý và hạ tầng để các nhà đầu tư lớn có thể yên tâm rót vốn.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp thường chọn mô hình kinh doanh an toàn hơn là những lĩnh vực công nghệ đầy rủi ro. Điều này làm hạn chế sự phát triển của các công ty công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các công trình nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam chưa có sự kết nối mạnh mẽ với thị trường, điều này cản trở sự ứng dụng thực tiễn của các sáng kiến công nghệ.
Để Việt Nam có thể phát triển các “thung lũng Silicon,” cần có sự cải thiện đồng bộ về hạ tầng, giáo dục, chính sách hỗ trợ, đầu tư tài chính và thay đổi trong tư duy kinh doanh. Tức là đây là một việc rất phức tạp, nhiều khâu, dài hơi, thực sự cần tư duy có hệ thống, tỉ mỉ và khoa học, thay vì hô khẩu hiệu ầm ầm, vỗ tay rào rào, chụp ảnh lách tách, đèn flash nhấp nháy nhưng đa phần chỉ là rỗng tuếch và vô nghĩa.
https://baotiengdan.com/2024/10/01/dieu-can-co-tu-lanh-dao-cua-viet-nam/
Phạm Minh Chính cam kết không bắt Phạm Nhật Vượng
Trần Anh Quân /Sài gòn Nhỏ
30/9/2024
Ông Phạm Minh Chính nói chuyện với ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. (Hình: báo Chính Phủ)
Ngày 21 Tháng Chín, ông Phạm Minh Chính có cuộc họp với các tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Cuộc họp này được coi như là hội nghị Diên Hồng về kinh tế xã hội của CSVN.
Tại đây ông Chính cùng các thành viên Chính Phủ có buổi đối thoại với những chủ tịch tập đoàn lớn nhất Việt Nam nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải.
Danh sách các đại diện phía doanh nghiệp gồm có Phạm Nhật Vượng – chủ tịch tập đoàn Vingroup, Nguyễn Thị Phương Thảo – chủ tịch Sovico Group (công ty mẹ của hãng Hàng Không Vietjet Air); Đặng Minh Trường – chủ tịch Sun Group; Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát.
Ngoài ra còn có Đỗ Quang Hiển – chủ tịch T&T, Thái Hương – chủ tịch TH True Milk, Lê Văn Kiểm – Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, Trần Bá Dương – chủ tịch tập đoàn Trường Hải Thaco, Lê Văn Kiểm, chủ tịch tập đoàn KN Group, cùng với lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Geleximco, Minh Phú, Masan, Cơ điện lạnh (REE).
Đây là những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, nắm phần lớn thị trường bất động sản, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng cao tốc, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, hàng không, vận tải, trung tâm triển lãm quốc gia, thực phẩm, dinh dưỡng…
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh nhà nước CSVN đang ra chiến dịch đánh tư sản, bắt giam các đại gia, chủ tịch tập đoàn hàng đầu như Vạn Thịnh Phát, Quốc Cường Gia Lai, Thành Bưởi, Thuận An, Phúc Sơn, AIC… Người thì bị bắt, người thì chết bất thường, người thì trốn truy nã, khiến cho giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam như ngồi trên đống lửa, không biết khi nào tới lượt mình và cũng không biết làm sao lo lót cho chắc chắn.
Hoang mang là đúng vì hầu như doanh nghiệp lớn nào ở Việt Nam mà chẳng sai phạm, ở trong một thể chế độc tài, quan chức nào cũng tham nhũng thì doanh nghiệp buộc phải hối lộ mới có thể tồn tại được. Cộng sản thường dùng từ “bôi trơn” để nói về cơ chế quan liêu tham nhũng của chế độ, tức là họ thừa nhận rằng hối lộ cũng như một loại dầu nhớt, bắt buộc phải có thì cỗ máy doanh nghiệp mới có thể vận hành trơn tru.
Không hối lộ thì cũng phải lo lót, tặng cổ phần cho người nhà quan chức, chấp nhận làm sân sau để rửa tiền cho lãnh đạo cộng sản. Bởi vậy, truy tới cùng có lẽ sẽ phải bắt không chừa một ai. Một khi đã chấp nhận cuộc chơi do cộng sản đưa ra là phải chấp nhận hối lộ, mà đã hối lộ lại còn bị bắt nữa thì ai dám chơi.
Đặc biệt là trong lúc này, kinh tế suy yếu sau đại dịch, cùng với ảnh hưởng của tình hình chiến tranh tại Ukraine, Trung Đông, và mới nhất là bão lũ thiên tai, muôn vàn khó khăn như vậy thì làm sao có thể tập trung khi vừa phải lo làm ăn, vừa hối lộ, vừa lo bị bắt. Chính vì thế, cuộc họp giữa những chủ tịch tập đoàn với chính phủ lần này có thể coi như là dịp để các doanh nghiệp gây áp lực, đặt câu hỏi về chính sách đánh tư sản của nhà nước CSVN hiện nay.
Ông Phạm Nhật Vượng đại diện các chủ tịch tập đoàn ngàn tỷ đứng ra nêu ý kiến với thủ tướng. (Hình: VOV)
Với sức ép đó, ông Phạm Minh Chính buộc phải đứng trước mặt Phạm Nhật Vượng và các chủ tịch tập đoàn cùng báo chí truyền thông để đưa ra cam kết rằng chính phủ sẽ không bắt giam những lãnh đạo này.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông thủ tướng rằng “Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.”
Ông Chính cũng hứa sẽ “luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ. Đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.”
Tuy nhiên, cuộc họp này diễn ra trong lúc ông Tô Lâm đang đi Mỹ, và không có đại diện nào của Bộ Công An ngồi trong buổi họp. Hiện nay quyền lực thực tế đều nằm trong tay Tô Lâm và Bộ Công An, các đại án đều do bộ này phát động và xử ký. Còn ông Chính thì không biết có ngồi thêm được tới nhiệm kỳ sau hay không. Cho nên, nếu chỉ có thủ tướng cam kết, mà Tô Lâm hay Bộ Công An không cam kết thì cũng chưa chắc là các doanh nghiệp sẽ được yên.
Mà thật ra, cho dù Tô Lâm hứa thì cũng chưa thể tin được. Người cộng sản đã hứa rất nhiều và cũng đã thất hứa rất nhiều. Còn nhớ năm 2017, chủ tịch Hà Hội, Nguyễn Đức Chung từng ký giấy cam kết không tấn công thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội), nhưng tới năm 2020, họ cho 3,000 quân bao vây, bố ráp cả thôn, giết chết Lê Đình Kình tại chỗ.
Nên nhớ lời cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từng nói “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm.“
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/pham-minh-chinh-cam-ket-khong-bat-pham-nhat-vuong/
Đường sắt Bắc Nam
Dương Quốc Chính
01/1/02024
Từ đợt dịch đến giờ, Việt Nam đầu tư công rất mạnh, mình cho là thuộc loại mạnh nhất trong lịch sử hình thành nhà nước XHCN. Điển hình là sân bay Long Thành, mạng lưới đường cao tốc, hạ tầng điện, cả nước đầu tư phát triển hạ tầng.
Từ lúc chớm dịch, mình đã viết một status về kinh tế hậu dịch, dự báo thôi. Đại khái là sau dịch sẽ là suy trầm kinh tế và kiểu của Việt Nam sẽ là đẩy mạnh đầu tư công để vực dậy nền kinh tế, bài của Keynes thôi. Nhưng đa số cần lao không biết lý do đó, cứ thấy xây nhiều là hoan hỉ.
Cũng ở một số status khác mình đã viết, nay nhắc lại thôi, kinh tế Việt Nam mấy năm tương đối trì trệ, thấy rõ ở mảng tư nhân, còn GDP thì không thấy tụt, vì đầu tư công kia kéo lại. Kiểu chủ các cửa hàng ở Sài Gòn, Hà Nội trả lại mặt bằng… là minh chứng.
Nhưng kinh tế Việt Nam không chỉ có vấn đề do dịch, đó là vấn đề toàn cầu rồi. Mà còn có vấn đề khác nữa, là do đốt lò. Anh em quan lại không dám ký cọt, vì sợ sai, sợ phải vào lò. Nên giải ngân đầu tư công rất chậm. Nên đồng nghĩa với việc dùng đầu tư công làm đòn bẩy kinh tế cũng gặp trở ngại lớn.
Trong hoàn cảnh đó, cái chết của Tổng bí thư đã tạo nên một bước ngoặt, liệu có tháo gỡ được sự trì trệ do đốt lò? Và việc dùng đầu tư công để vực dậy nền kinh tế càng trở nên cấp bách hơn.
Vừa rồi, Bộ Chính trị thông qua chủ trương đầu tư vào đường sắt cao tốc Bắc Nam là nằm trong bối cảnh đó. Việc đầu tư vào hạ tầng để phát triển kinh tế thành công nhất mang tính đột phá, đẩy lùi kinh tế suy thoái, có lẽ bắt đầu từ… Hitler! Thời điểm này cũng thời hoàng kim của chính sách kinh tế kiểu Keynes với New Deal ở Mỹ bởi Roosevelt. Kéo nước Mỹ khỏi đại suy thoái đầu những năm 1930.
Hitler lấy số má được trước nhân dân có lẽ cũng từ thành tích đó, trong khi vẫn duy trì nền độc tài và kinh tế không tự do như Mỹ. Đấy là tấm gương chói lọi cho các chính trị gia… độc tài cho đến tận ngày nay. Đó là cứ suy thoái là đầu tư công thật mạnh.
Về mặt lý thuyết kinh tế, thì cũng không sai. Thực ra bây giờ các nước vẫn quản lý kinh tế kiểu hỗn hợp chứ không phải chỉ độc tài mới hay dùng bài của Keynes, nhưng thường độc tài hay gần như thế thì thích chơi kiểu này hơn.
Để ý ở Mỹ, hai đảng rất hay chửi nhau về đầu tư công, trần nợ công, ngân sách chính phủ… Là do đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ thường có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Cánh hữu có xu hướng chính phủ tối thiểu, hạn chế tối đa đầu tư công, hạn chế nợ công… còn bên Dân chủ thì ngược lại. Chính trị Mỹ cứ chao đảo giữa hai xu hướng đó để luôn xử lý được các vấn đề kinh tế.
Còn Việt Nam và Trung Quốc thì độc đảng, nên Bộ Chính trị mà chốt thì Quốc hội cũng phải tìm cách mà thực thi cho thống nhất. Nên việc đầu tư đường sắt cao tốc này chắc không còn tranh cãi về chủ trương nữa mà chỉ còn tranh cãi các vấn đề kỹ thuật. Dự án này có lẽ là dự án công lớn nhất từ trước đến nay? Vì dự án điện hạt nhân đã xịt.
Về phát triển đường sắt xuyên Việt, về mặt địa lý, mình nghĩ Việt Nam làm là hợp lý, vì các đô thị lớn phát triển thành chuỗi dọc theo đất nước. Mỹ thì cư dân phân tán nên không phù hợp với đường sắt cao tốc. Vấn đề chọn tốc độ nào, năng lực quản lý và nguồn vốn từ đâu?
Trước thấy cãi nhau inh ỏi về chọn tàu tốc độ cao hay trung bình. Trung bình thì hợp với năng lực quản lý của Việt Nam hơn và cũng phù hợp với khoảng cách ngắn giữa các ga. Giờ đùng cái Bộ Chính trị chốt tốc độ cao, chở người là chính chở hàng là phụ, chuyên gia nín hết, chỉ bàn làm, không bàn lùi! Chọn loại nào đôi khi là vấn đề ngoại giao và chính trị, như hồi chọn thầu nhà máy điện hạt nhân ấy. Liên quan đến đối tác cho vay nữa, ông cho vay ông ấy xin luôn làm thầu!
Ở Việt Nam, với một Quốc hội yếu, lại không có Xã hội dân sự, thông thường các dự án công đều có xu hướng phụ thuộc ý chí của một vài người. Nó là sự kết hợp giữa ý chí chính trị và… lobby. Thông thường giới quan chức không quan tâm nhiều đến hiệu quả của dự án, mình lập dự án đầu tư thường phải viết chương sự cần thiết phải đầu tư và đánh giá hiệu quả dự án thì toàn copy văn mẫu vì có ai đọc đâu!
Thường quan chức cứ thấy có dự án cho ngành mình, địa phương mình là hoan hỉ, đồng ý tất, vì có dự án là có… à, mà thôi. Thế nên rất nhiều dự án công xây xong rồi đắp chiếu, một số đồng chí đi tù rồi vẫn vậy.
Về năng lực quản lý và khả năng đội vốn thì chắc sẽ có vấn đề, cứ nhìn đường sắt trên cao ở Hà Nội và Sài Gòn là thấy, tầm 15 năm rồi. Thì cái này chắc 20-30 năm? Thông thường việc đội vốn không phải do người ta không biết tính toán đâu, mà là thủ pháp, đề xuất tối thiểu để dễ được thông qua đã, rồi đội vốn sau. Cái nguy hiểm của một dự án bị chậm là rất nhiều tiền bị chôn xuống đất dẫn tới lãi vay thành gánh nặng.
Không nên lấy sân bay Long Thành làm ví dụ, vì cái đó đơn giản hơn nhiều so với dự án này.
Một dự báo tiếp theo là theo thông lệ, cứ đầu tư công ầm ầm đi, rồi bắt sau! Giống hồi chống dịch ấy. Hệ thống chính trị hừng hực khí thế tiêu ngân sách để chống dịch cũng kiểu “chỉ bàn làm, không bàn lùi”… Xong rồi kéo nhau đi tù cả! Bởi vì với Việt Nam thì đã làm dự án là phải abc, không thì làm làm gì?! Mà abc rồi thì kiểu gì cũng lộ ít nhiều. Cứ chờ xem. Hồi xưa từ lúc xây Sân vận động Mỹ Đình, đường điện 500KV… đều bắt một mớ các sếp. Bây giờ cứ để cho làm xong đi đã.
Tóm lại, việc làm cái đường sắt này về chủ trương mình cho là không sai. Mục tiêu dài hạn là phát triển kinh tế, mục tiêu ngắn hạn là tránh rơi vào suy trầm. Vấn đề là năng lực quản lý tới đâu, liệu có rơi vào bẫy nợ công như Lào hay không? Mình không phải chuyên gia gì cả nên chỉ tâm tư vậy thôi, nếu 30 năm nữa mới xong thì mình cũng tèo rồi, nợ công con mình trả!
https://baotiengdan.com/2024/10/01/duong-sat-bac-nam/
Cung đình khốc liệt! Nếu không cẩn thận, Tô Lâm có thể “nhiễm bệnh”?
01/10/2024
Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư đến nay, cung đình ngày càng khốc liệt hơn, chứ không hề yên tĩnh. Chưa có nhiệm kỳ nào mà số uỷ viên Trung ương Đảng và uỷ viên Bộ Chính trị bị rụng nhiều như nhiệm kỳ khoá 13 này. Điều đó báo hiệu, Đảng Cộng sản Việt Nam là một cái “lò lửa”, trong đó, các đồng chí đang “nướng” lẫn nhau.
Nhiệm kỳ này cũng có đến 3 cái chết, 2 người chết khi đang tại vị, còn 1 người chết không bao lâu sau khi rời ghế. Đó là ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Thành nhiễm “bệnh lạ”, sau khi rời “hang ổ” Hải Phòng về Chính phủ. Ông Trọng qua đời, có lẽ do di chứng của lần gục ngã tại Kiên Giang – sào huyệt của Ba Dũng, 5 năm trước đó. Còn ông Vịnh bị cho nhắm mắt, có lẽ bởi ông biết quá nhiều. Ông Vịnh từng nắm chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội (tức Tổng Cục 2).
Sẽ không có bất kỳ sự thừa nhận nào từ nhà cầm quyền, rằng, những cái chết kể trên là kết quả của các cuộc đấu đá cung đình.
Dùng hồ sơ đen để hạ bệ lẫn nhau, là cách làm công khai. Bởi hầu hết các quan chức đều ăn bẩn để làm giàu, nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành con mồi của Tô Lâm, khi ông nắm trong tay bộ máy điều tra khổng lồ. Rất nhiều người rất căm ghét Tô Lâm, nhưng không thể làm gì được ông, bởi ông có những bằng chứng cụ thể, không thể nào chối cãi. Cuộc chiến mà Tô Lâm đã và đang phát động, là cuộc chiến một chiều. Chỉ có Tô Lâm tấn công người khác, chứ chưa có ai đủ sức tấn công lại Tô Lâm.
Có thể nói, chiêu bài “chống tham nhũng” của ông Trọng, đã đem lại lợi thế cho ông Tô Lâm. Các thế lực khác không thể dùng đòn đánh sở trường của Tô Lâm để phản công ông, bởi làm vậy là “tự sát”.
Chính trường khốc liệt, Tô Lâm là kẻ khó bị hạ nhất hiện nay, chứ không hẳn là không thể bị hạ. Vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu Tô Lâm có thể bị đồng chí của ông hạ không, và hạ bằng cách nào?
Những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Lê Văn Thành, và Nguyễn Chí Vịnh, liệu có miễn nhiễm với Tô Lâm hay không? Câu trả lời là không.
Nếu ông Tô Lâm bất cẩn, ông vẫn có thể góp mặt vào danh sách tử vong, vì nguyên nhân bất minh, như các “đồng chí” nêu trên của ông.
Hiện nay, thế chẻ tre của Tô Lâm đã không còn. Nhưng để cân bằng quyền lực với ông thì vẫn là bài toán khó đối với phần còn lại. Hy vọng lớn nhất là phe quân đội, nếu họ bỏ qua sự bất đồng nội bộ bấy lâu nay và liên kết lại, thì Tô Lâm cũng khó mà ngăn cản được.
Quân đội lâu nay vẫn được ưu tiên có nhiều uỷ viên Trung ương Đảng hơn công an, thậm chí, số uỷ viên Bộ Chính trị có lúc cũng đông hơn. Tuy nhiên, nội bộ quân đội lại cũng chia phe cánh, không thống nhất được. Đó là lý do khiến cho phe quân đội bị phe công an vượt mặt.
Nói về bộ phận tình báo, công an bị lép vế so với quân đội. Năm 2018, ông Trọng cho giải thể Tổng cục Tình báo Bộ Công an, tức Tổng Cục 5, thay bằng một cơ quan tình báo mới. Giờ đây, công an không có cơ quan tình báo mạnh như quân đội đang có.
Nếu nói, cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ có thể điều tra trong khuôn khổ pháp luật. Thì ngược lại, cơ quan tình báo quân đội có thể điều tra không giới hạn, và hành vi của họ được bảo đảm bí mật. Đây chính là thứ vũ khí lợi hại mà phe quân đội đang có. Liệu họ có sử dụng để nhắm vào Tô Lâm hay không?
Khi các phe phái khác bế tắc trong việc hạ bệ Tô Lâm, thì việc làm sao để Tô Lâm mắc “bệnh lạ”, cũng là một giải pháp có thể dùng. Vì thế, nếu không cẩn thận, ông hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của đòn hiểm này. Ngồi ngôi càng cao, càng tiềm ẩn nguy hiểm.
Trần Chương / Thoibao.de
https://thoibao.de/blog/2024/10/01/cung-dinh-khoc-liet-neu-khong-can-than-to-lam-co-the-nhiem-benh
Ngư dân Việt Nam bị thương trong một vụ tấn công ở Biển Đông
01/10/2024
AP
Du khách Trung Quốc trên Đảo Ốc Hoa, Trung Quốc gọi là Đảo Quanfu, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Một tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 ngư dân trên tàu bị thương, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/9.
Tờ Tiền Phong dẫn lời một viên chức địa phương tại xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tàu cá Việt Nam đã liên lạc qua radio hôm 29/9 để báo cáo về vụ tấn công, nói rằng ba ngư dân bị gãy chân tay và bảy ngư dân bị các thương tích khác.
Không rõ tàu của nước nào đã tấn công tàu Việt Nam và các viên chức ở Bình Châu nói với AP rằng họ không có thông tin gì hơn ngoài những gì Tiền Phong đã tường thuật.
Lực lượng biên phòng Việt Nam đang điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào.
Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển phía đông của Việt Nam khoảng 400 km và cách tỉnh Hải Nam của Trung Quốc một khoảng cách tương đương về phía đông nam.
Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Tiền Phong nói vụ tấn công tàu xảy ra ở vùng biển Việt Nam nhưng không nêu rõ chính xác địa điểm xảy ra vụ việc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển chiến lược quan trọng, gây ra tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Bắc Kinh ngày càng quyết đoán trong việc theo đuổi các yêu sách của mình, khiến Trung Quốc phải đối đầu trực tiếp với Philippines và Việt Nam.
Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng đã triển khai các phương tiện của Hải quân và Không quân để tuần tra tuyến đường thủy này, nơi có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm.
Trung Quốc đã đe dọa sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” vào năm ngoái sau khi Hải quân Hoa Kỳ điều một tàu khu trục đi vòng quanh quần đảo Hoàng Sa trong một “hoạt động tự do hàng hải” thách thức cái mà họ gọi là “các yêu sách hàng hải quá mức”.
Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc kể từ năm 1974, khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ Việt Nam Cộng hoà trong một trận hải chiến ngắn.
Năm ngoái, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo thiết kế vào thời điểm đó, đường băng này có vẻ đủ lớn để chứa máy bay cánh quạt và máy bay không người lái nhưng không phải máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom.
Trung Quốc cũng đã có một bến cảng nhỏ và các tòa nhà trên đảo trong nhiều năm, cùng với một bãi đáp trực thăng và các đài radar.
Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công trình xây dựng đảo của mình, ngoại trừ nói rằng mục đích của công trình này là thúc đẩy an toàn hàng hải toàn cầu.
Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang quân sự hóa tuyến đường thủy này, một tuyến đường toàn cầu và an ninh quan trọng, cũng được cho là nằm trên các trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.
https://www.voatiengviet.com/a/ngu-dan-viet-nam-bi-thuong-trong-mot-vu-tan-cong-o-bien-dong/7805307.html
Các nhóm nhân quyền phản đối việc tòa Thái Lan quyết định dẫn độ Y Quynh Bdap
01/10/2024
VOA Tiếng Việt
Bên ngoài phiên tòa nơi xét xử ông Y Quynh Bdap ở Bangkok, Thái Lan, hôm 30/9/2024.
Các nhóm nhân quyền kêu gọi chính quyền Thái Lan không thi hành việc dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap về Việt Nam sau khi ông bị tòa Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ theo yêu cầu của Hà Nội.
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) hôm 30/9 kêu gọi chính phủ Thái Lan bảo vệ quyền không bị đẩy trả lại (non-refoulment) của ông Y Quynh Bdap và kêu gọi thủ tướng nước này không thực thi lệnh dẫn độ ông về Việt Nam.
“Nếu ông ấy bị trả về, ông sẽ phải đối mặt với sự đối xử khủng khiếp và Thái Lan sẽ tham gia vào một hành động đàn áp xuyên quốc gia”, ông Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập tổ chức CSW ở Anh Quốc, nói trong một tuyên bố.
“CSW kêu gọi chính phủ Thái Lan bảo vệ quyền bị không đẩy trả lại của ông Y Quynh Bdap và chúng tôi thỉnh cầu Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra không ra lệnh dẫn độ ông”, ông Thomas nhấn mạnh.
Cũng hôm 30/9, tổ chức Qũy Nhân quyền (HRF) kêu gọi chính phủ Thái Lan ngưng dẫn độ nhà hoạt động vì quyền tự do của người Thượng về Việt Nam. “HRF kêu gọi Thái Lan trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Y Quynh Bdap”.
“Việc dẫn độ về Việt Nam sẽ khiến ông có nguy cơ bị đối xử vô nhân đạo và hạ nhục”, tổ chức HRF, có trụ sở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi trên X hôm 30/9.
Hôm 30/9, như VOA đã đưa tin, Tòa án Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Việt Nam. Nhà hoạt động 32 tuổi này, đồng thời là đồng sáng lập viên tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), đã bị giam giữ ở Thái Lan kể từ tháng 6/2024.
Hồi tháng 1/2024, một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam tuyên án vắng mặt ông Y Quynh Bdap 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố”, cho rằng ông đã tham gia cuộc bạo loạn chống chính quyền vào tháng 6/2023 ở tỉnh này.
“Tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) cực lực phản đối quyết định của Tòa án Hình sự Bangkok hôm 30/9 về việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam”, ông Y Phic Hdock ở Mỹ, đồng sáng lập viên của tổ chức MSFJ, nêu nhận định với VOA. “Phán quyết này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà còn dựa trên những cáo buộc hoàn toàn sai sự thật và vô căn cứ”.
“MSFJ khẳng định ông Y Quynh Bdap không hề liên quan đến vụ nổ súng ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023”, vị đại diện của MSFJ nói thêm.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cùng Tòa Hình sự Bangkok, đề nghị họ đưa ra bình luận về những lời kêu gọi trên, nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA News sau phiên tòa, bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bdap, cho biết thẩm phán đã phớt lờ luật chống tra tấn của Thái Lan, cấm trục xuất người dân đến các quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với sự tra tấn, đồng thời cho rằng việc thực thi phán quyết này là tùy thuộc vào chính phủ - chứ không phải do tòa.
Chính phủ Thái Lan có 90 ngày để xem xét liệu có thực thi yêu cầu dẫn độ sau khi tòa án đã phê chuẩn hay không, trừ khi ông Y Quynh Bdap và luật sư của ông kháng cáo phán quyết. Bà Bergman cho VOA News biết họ sẽ kháng cáo và thời hạn 90 ngày đó sẽ chỉ bắt đầu được tính sau khi quá trình kháng cáo kết thúc mà thân chủ của bà bị tuyên y án.
Ông Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở Thái Lan, nhận định với VOA rằng phán quyết của tòa hôm 30/9 “gây sốc và thất vọng” vì đã phớt lờ cả nghĩa vụ quốc tế của đất nước lẫn luật của chính nước này chống việc đẩy trả lại.
“Nhà cầm quyền Việt Nam có hồ sơ dày về việc ngược đãi những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người nằm trong danh sách truy nã như Y Quynh Bdap. Vì vậy, có lo ngại rằng ông sẽ bị chính quyền Việt Nam ngược đãi khi ông bị giam giữ; bao gồm cả tra tấn, bao gồm cả việc cưỡng bức mất tích,” ông Phasuk nêu ý kiến với VOA News.
Vào tháng 5, HRW công bố một báo cáo chi tiết cáo buộc Thái Lan ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với những người xin tị nạn nước ngoài trong thập kỷ qua bằng cách tham gia vào một “chợ trao đổi” [swap mart] không chính thức với các nước láng giềng, theo đó, các bên trao trả những người bất đồng chính kiến của nhau bất kể việc họ có thể bị bắt, bị tra tấn hoặc bị giết hại ở quê nhà.
Truyền thông Việt Nam gọi ông Y Quynh Bdap là “kẻ phá hoại buôn làng”, còn tổ chức MSFJ do ông đồng sáng lập là “chức phản động”.
Chính quyền Việt Nam quy kết rằng MSFJ là tập hợp những người có tư tưởng chống phá nhà nước Việt Nam, với vỏ bọc đấu tranh đòi công lý cho người Thượng ở Tây Nguyên, là những người “đã xuyên tạc, bóp méo, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, tự trị”. Tuy nhiên, MSFJ đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.
https://www.voatiengviet.com/a/cac-nhom-nhan-quyen-phan-doi-viec-toa-thai-lan-quyet-dinh-dan-do-y-quynh-bdap-/7805286.html
Việt Nam đặc xá cho gần 3.800 tù nhân, không gồm Đinh La Thăng và Chu Ngọc Anh
30/09/2024
VOA Tiếng Việt
Tù nhân tại một trại giam ở Việt Nam trong lễ công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù năm 2022 của chính quyền.
Chính quyền Việt Nam hôm 30/9 công bố họ sẽ trả tự do cho 3.765 người, nhưng không gồm những nhà hoạt động chính trị hay các quan chức chính quyền bị án tù trong các vụ đại án tham nhũng, trong đợt đặc xá mới nhất ngay sau chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Tô Lâm.
Báo Tin Tức của TTXVN cho biết rằng Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định đặc xác năm 2024 do ông Tô Lâm ký ban hành ngày 29/9 trong một buổi họp báo có sự phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Tòa án Nhân dân tối cao hôm 30/9.
Ông Lâm, người kiêm nhiệm cả chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kết thúc chuyến công du tới Mỹ và Cuba nhưng hiện đang ở Mông Cổ trong chuyến thăm cấp nhà nước. Trước chuyến thăm Mỹ, chính quyền Việt Nam đã thả tự do trước thời hạn cho hai nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.
Theo Tin Tức, đợt đặc xá năm nay được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh, vốn được Việt Nam kỷ niệm vào ngày 2/9, để tha trước thời hạn cho gần 3.800 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Tờ báo do Đảng Cộng sản kiểm soát nói rằng đợt đặc xá năm nay “một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt được Tin Tức trích lời nói tại buổi họp báo hôm 30/9 rằng có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài – gồm 2 công dân Mỹ và 9 người mang quốc tịch Trung Quốc, trong số những nước khác – được đặc xá lần này. Những người nước ngoài này đã bị kết án tù ở Việt Nam với các tội danh liên quan đến giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp.
Trong khi đó, vẫn theo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết tại buổi họp báo rằng có 561 người dân tộc thiểu số được đặc xá năm nay. Vị thiếu tướng này nói rằng trong số gần 3.800 người được thả trước thời hạn, có 403 người phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế, 275 người phạm các tội về chức vụ, 205 người phạm các tội về ma túy, 64 người phạm tội giết người, trong số nhiều tội phạm khác.
Không có bất kỳ nhà hoạt động chính trị nào được thả tự do trong đợt đặc xá này. Việt Nam đã công bố 9 đợt đặc xá vào các dịp 2/9, một sự kiện mà chính quyềny nói là trọng đại, với tổng số hơn 92.000 người đã được thả trước thời hạn, theo Lao Động. Các nhà hoạt động vì tự do và dân chủ, mà các tổ chức nhân quyền quốc tế gọi là tù nhân lương tâm, không được bao gồm trong những đợt đặc xá trước đây.
Đưa tin hồi đầu tháng trước về đợt đặc xá năm nay, Đài tiếng nói VOV cho biết rằng những phạm nhân bị kết án tù về tội phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ hay bạo loạn, không được đề nghị xét tha trước thời hạn.
Theo Tin Tức, Thứ trưởng Công an Nguyễn Ngọc Lâm hôm 30/9 cho biết rằng ông Đinh La Thăng và ông Chu Ngọc Anh không nằm trong danh sách những người được đặc xá đợt này.
Ông Thăng, cựu bí thư Thành ủy TPHCM, bị kết án tổng cộng 30 năm tù vì tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại tập đoàn dầu khí Việt Nam, trong khi ông Anh, cựu thủ tịch UBND TP Hà Nội, bị kết án 3 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thóat lãng phí” trong vụ thổi phồng giá kít xét nghiệm Việt Á. Những vụ án này được xét xử khi cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam mở rộng từ các bộ ngành trong chính quyền tới các tập đoàn kinh doanh lớn trong nước.
Vào tháng 8, chính quyền Việt Nam cho viết có khoảng 643 người nước ngoài đang thụ án tại Việt Nam. Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW nói rằng có hơn 160 tù nhân chính trị đang vị giam giữ tại quốc gia Đông Nam Á.
Dự kiến, những người được đặc xá năm nay sẽ được thả tự do vào ngày 1/10.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-dac-xa-gan-3800-tu-nhan-khong-gom-dinh-la-thang-chu-ngoc-anh/7804727.html
Tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm công du Mông Cổ, Ireland và Pháp
RFI News
30/9/2024
Theo báo chí trong nước, tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm hôm nay, 30/09/2024, đã đến Mông Cổ, thăm cấp Nhà nước. Hai quốc gia đã thiết lập quan hệ từ 70 năm qua. Trong chuyến thăm từ ngày 30/09 đến ngày 07/10, ngoài Mông Cổ, nguyên thủ Việt Nam sẽ công du Ireland, sau đó, sang Pháp, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Cộng Hòa Pháp
Ảnh tư liệu: Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trong buổi tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin, phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024. AP - Minh Hoang
Hội nghị thượng định của khối Pháp ngữ do nước Pháp tổ chức, sẽ diễn ra vào cuối tuần này, 04-05/10. Về chuyến thăm Pháp của tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Tô Lâm, đại sứ Pháp Olivier Brochet tại Việt Nam trả lời RFI Tiếng Việt, nhận định đây là cơ hội để thảo luận về việc cải thiện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, được thiết lập từ 11 năm qua. Đại sứ Brochet cho biết :
“Chúng tôi rất vui mừng được tiếp đón chủ tịch nước Việt Nam, tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm thăm chính thức nước Cộng Hòa Pháp trong vài ngày tới. Ông ở lại Paris khá lâu vì trước tiên, ông tham dự Thượng đỉnh Tổ chức Pháp ngữ, sau đó là chuyến thăm chính thức trong khuôn khổ hợp tác song phương.
Tôi nghĩ tín hiệu mà Việt Nam cũng như chủ tịch nước Tô Lâm gửi đi có tầm quan trọng lớn. Thứ nhất là cam kết mạnh mẽ đối với cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam, một trong những nước sáng lập viên và rất năng động trong cộng đồng Pháp ngữ, hiện giờ hiểu được những lợi ích mới trong cộng đồng Pháp ngữ đối với quá trình phát triển của Việt Nam, ở đây tôi nghĩ đến sự phát triển kinh tế.
Tiếp theo, chúng tôi vui mừng vì chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris chỉ ít thời gian sau khi ông nhậm chức. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng cường hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Dĩ nhiên chuyến công du là cơ hội để chúng tôi thảo luận về mối quan hệ đối tác chiến lược có từ 11 năm nay. Cả hai nước chúng ta đều mong muốn nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược này để cho phép phát triển hơn nữa những chương trình hợp tác tốt đẹp, có từ lâu và mạnh mẽ, quan tâm hơn nữa đến những thách thức mà Việt Nam cần vượt qua trong quá trình phát triển hiện nay.
Đó là những thách thức liên quan đến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, những thách thức liên quan đến phát triển bền vững của đất nước mà chúng ta mới chứng kiến gần đây sau trận bão Yagi với những hệ quả nghiêm trọng. Việt Nam đã cam kết chuyển đổi năng lượng, một lĩnh vực mà Pháp sẵn sàng đồng hành với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ đề cập đến vấn đề giao thông, cũng như cùng nhau xem xét những lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác, như về hiện đại hóa về năng lượng, y tế… Đó là những vấn đề căn bản ở Việt Nam và Pháp có thể làm nhiều hơn với Việt Nam nếu Việt Nam mong muốn.
Tiếp theo, hai nước sẽ tiếp tục chương trình trao đổi về con người, trong đó có sinh viên để có thêm nhiều sinh viên Việt Nam tới Pháp du học, cũng như trong khuôn khổ Cộng đồng Pháp ngữ, cũng là một chương trình giúp Việt Nam đào tạo thế hệ trẻ”.
https://www.rfi.fr/vi
Việt Nam chi gần một tỷ đô la nhập khẩu gạo
01/10/2024
Công nhân chất gạo vào nhà máy chế biến ở Cần Thơ hôm 23/8/2015 (minh họa)
REUTERS/Kham
Việt Nam đã chi gần một tỷ đô la trong vòng chín tháng qua để nhập khẩu khạo, trong khi xuất khẩu hơn bảy triệu tấn gạo, thu hơn bốn tỷ đô la.
Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong chính tháng, các doanh nghiệp Việt Nam chi tổng cộng 996 triệu đô la để nhập khẩu gạo phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Nguyên nhân của việc gia tăng nhập khẩu gạo được các doanh nghiệp cho biết là gạo nhập giá thấp thích hợp làm bún, phở, bánh tráng, trong khi nông dân trong nước gần đây đã chuyển sang trồng giống gạo thơm, gạo chất lượng cao, có giá cao.
Gạo nhập chủ yếu từ các nước Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Campuchia.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu gạo để phục vụ xuất khẩu.
Báo trong nước mới đây đưa tin, công ty của Việt Nam vừa trúng thầu hai lô gạo với số lượng gần 60.000 tấn của Indonesia. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sau đó cho báo chí biết họ có thể phải nhập gạo từ Campuchia để xuất trả các đơn hàng. Nguyên nhân một phần vì ảnh hưởng của bão lũ đã khiến gần 200.000 ha lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-spend-nearly-usd-1-bil-to-import-rice-10012024080729.html
Không có nhận xét nào