Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của BS. Đỗ Văn Hội tại cuộc hội thảo Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai của Liên Hiệp Quốc. Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) là bản đồ dẫn đường cho Liên Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới. Chương Trình Nghị Sự 2030 về Phát Triển Bền Vững, được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015, đưa ra một bản thiết kế chung cho hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại và hành tinh, trong hiện tại và tương lai. Trọng tâm của chương trình là 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (SDG). Mục tiêu phát triển bền vững thứ 16: Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành công của Chương trình nghị sự 2030. SDG 16 cũng đòi hỏi cam kết lớn hơn trong việc tăng cường dân chủ và tôn trọng pháp quyền. SDG 16 trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay là đề tài của bài phát biểu cúa BS. Đỗ Văn Hội.
Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ - Chính Trị Việt Nam Hiện Nay: https://youtu.be/KFI8h2K0haY
Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ - Toàn Bộ: https://youtu.be/VgauA3GHQB8
SDG 16: HÒA BÌNH, CÔNG LÝ VÀ CÁC THỂ CHẾ MẠNH MẼ
Đất nước Việt Nam là của toàn dân, không trực thuộc hoặc chịu bị chi phối, độc tài cai trị bởi một cá nhân hay tổ chức nào. Không ai có quyền áp đặt vĩnh viễn một nền chính trị, hay một chủ nghĩa đi ngược với ý nguyện của tòan dân.
Mọi công dân đều có quyền và có bổn phận góp phần xây dựng và phát triển một Việt Nam dân chủ, độc lập, với toàn vẹn chủ quyền.
MỤC TIÊU CỦA NHÂN LOẠI SAU ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI THỨ HAI
Trước những khổ đau cùng cực, những áp bức từ các chế độ độc tài, thực dân, những bất công trong xã hội, và nhất là sau khi 60 triệu sinh mạng con người bị sát hại với biết bao tài sản vật chất bị hủy diệt trong đại chiến thế giới thứ hai, Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) ngày 10-12-1948 theo đó "Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền lợi", không "phân biệt sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, quốc tịch, nguồn gốc xã hội, giàu nghèo…", đồng thời LHQ cũng công bố các công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội, tạo ra những mẫu mực và quy tắc mà loài người cần tuân theo để kiến tạo hòa bình, thịnh vượng cho thế giới, cho tự do và hạnh phúc của các dân tộc.
Như vậy, TNQTNQ và các Công Ước Quốc Tế là những văn kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, là những quy tắc chung của loài người, không phân biệt văn hóa, chế độ chính trị hoặc tôn giáo, mọi quốc gia đều cam kết thi hành áp dụng cho quốc gia của mình. Thế giới đã loại bỏ các chế độ thực dân, thuộc địa, tuy nhiên vẫn còn hiện hữu các chế độ độc tài toàn trị, cộng sản và hiếu chiến hiện nay.
LHQ cũng là cơ quan phối hợp trợ giúp và phát triển loài người trên mọi phương diện qua các chương trình phát triển bền vững giúp nhiều quốc gia thoát cảnh nghèo đói, độc tài, chậm tiến, để trở nên thịnh vượng.
ĐƯỜNG HƯỚNG CHÍNH TRỊ TƯƠNG LAI CHO VIỆT NAM
Chính trị độc tài của Việt Nam được đặc trưng bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với mọi khía cạnh của đời sống chính trị và xã hội.
Kiểm soát toàn diện: Việt Nam bị đặt dưới một thể chế độc tài, toàn trị, một đảng độc tôn là ĐCSVN. ĐCSVN nắm giữ toàn bộ quyền lực chính trị và không có sự cạnh tranh từ các đảng phái khác. Các cuộc bầu cử không mang tính cạnh tranh thực sự và chỉ có các ứng cử viên được Đảng chấp thuận mới có thể tham gia.
Hạn chế quyền tự do: Mọi quyền căn bản của con người được ghi trong TNQTNQ và các Công Ước quốc tế đều không được thực hiện hoặc bị xâm phạm. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do hội họp bị hạn chế nghiêm ngặt. Các nhà báo, blogger, và nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên bị bắt giữ và giam cầm vì chỉ trích nhà cầm quyền hoặc kêu gọi cải cách.
Giám sát và đàn áp: Nhà cầm quyền sử dụng các biện pháp giám sát và đàn áp để kiểm soát các hoạt động của xã hội dân sự và ngăn chặn bất kỳ hình thức phản kháng nào. Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự phải đối diện với nhiều khó khăn trong việc hoạt động.
Chỉ số dân chủ thấp: Theo Chỉ số Dân chủ toàn cầu của Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia “độc tài” với điểm số rất thấp về quy trình bầu cử, hoạt động của chính phủ, sự tham gia chính trị, và quyền tự do dân sự.
Một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát, được mệnh danh là “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, khiến quốc gia không thể phát triển đúng mức, chỉ làm giàu cho giai cấp cầm quyền tham nhũng. Đa số người dân sống đời sống thấp kém.
Một chính sách ngoại giao nô lệ bằng ý thức hệ, ngăn cản sự tiến bộ của đất nước và có nguy cơ mất chủ quyền và độc lập.
Một xã hội suy đồi, văn hóa, giáo dục, đạo đức xuống cấp… đi ngược với trào lưu tiến bộ của thế giới.
Người Việt tại hải ngoại đã rời quê hương vì tự do là thành tố quan trọng của đất nước, là lực lượng tinh hoa, sáng tạo, tích hợp tài năng và kiến thức hiện đại của thế giới, là các chuyên viên khoa học kỹ thuật, tài chánh kinh tế, nhân văn học thuật… sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng một thể chế phù hợp nêu trên, kiến thiết đất nước khi điều kiện tự do, dân chủ tiêu chuẩn của LHQ được đáp ứng. Người Việt Hải Ngoại sẽ vận động quốc tế trợ giúp và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và bảo vệ hòa bình độc lập cho Việt Nam.
Với chính sách bao vây Trung Cộng của Mỹ hiện nay và với dã tâm bành trướng của Trung Cộng với chủ trương Đại Hán cực đoan, chiến tranh sẽ khó tránh khỏi. Việt Nam, quốc gia giữa hai quyền lực thế giới, chưa bao giờ đứng trước một chọn lựa sinh tử như hôm nay. Một người có trách nhiệm với tương lai đất nước, dù cá nhân mang một thiên kiến chính trị nào, cũng phải biết thức tỉnh, đặt quyền lợi dân tộc lên trên, chọn hướng đi thích hợp với đà tiến văn minh dân chủ của thời đại.
Phái đoàn người Việt Quốc Gia cùng một số phái đoàn bạn rời phòng họp ở LHQ khi Tô Lâm phát biểu
Ngày nào đảng Cộng Sản còn cai trị nhân dân Việt Nam, ngày đó Trung Cộng còn chi phối được Việt Nam. Một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương tiện hữu hiệu nhất để ngăn chặn không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
ĐCSVN, với một thể chế khánh kiệt về mọi mặt, kể cả lý thuyết chính trị. Từ cái khẩu hiệu được gọi là 16 chữ vàng do Giang Trạch Dân ban phát năm 1999 cho đến thân phận chư hầu của một “cộng đồng chung số phận” do Tập Cận Bình đề xướng, ĐCSVN không có một viễn kiến nào cho đất nước ngoại trừ một chủ nghĩa phi nhân mơ hồ với những khẩu hiệu rỗng tuếch. Đó không phải là tương lai của chúng ta hay của con em chúng ta, không phải là nền tảng để xây dựng tổ quốc.
Với khát vọng tự do và quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, với sự sáng suốt và hợp lực của mọi tầng lớp dân tộc, với sự hợp tác và hỗ trợ của quốc tế, chắc chắn dân tộc chúng ta sẽ thành công. Việt Nam sẽ trường tồn và vững mạnh.
Không có nhận xét nào