Alliance for Vietnam's Democracy - Bình Đẳng Giới Tính ở Việt Nam Hiện Nay
Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của Thạc Sĩ Nguyễn Vân Nhã tại cuộc hội thảo Cho Một Tương Lai Việt Nam Dân Chủ bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai của Liên Hiệp Quốc. Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) là bản đồ dẫn đường cho Liên Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới. Chương Trình Nghị Sự 2030 về Phát Triển Bền Vững, được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015, đưa ra một bản thiết kế chung cho hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại và hành tinh, trong hiện tại và tương lai. Trọng tâm của chương trình là 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (SDG). Mục tiêu phát triển bền vững thứ 5: Bình Đẳng Giới Tính đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành công của Chương trình nghị sự 2030. SDG 5 trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là đề tài của bài phát biểu cúa Thạc Sĩ Nguyễn Vân Nhã.
Bình Đẳng Giới Tính ở Việt Nam Hiện Nay: https://youtu.be/l56L12ptQas
SDG 5: BÌNH ĐẲNG GIỚI TÍNH
Hai (2) trong 17 mục tiêu của Liên Hiệp Quốc nhằm Phát Triển Bền Vững là Bình Đẳng Giới Tính (Gender Equality) và Giảm Thiểu Sự Bất Bình Đẳng (Reduced Inequalities).
Bình đẳng giới (tính) là gì? Liên Hiệp Quốc nói phụ nữ và trẻ em gái bao gồm một nửa dân số toàn cầu. Do đó chiếm một nửa tiềm năng thế giới. Bình đẳng giới là một trong các quyền căn bản của con người, là nền tảng để đạt được xã hội hòa bình ổn định, với đầy đủ tiềm năng con người và phát triển bền vững.
Bất bình đẳng giới (tính) là gì?
Theo LHQ, một trong nhiều khía cạnh của sự bất bình đẳng là bất bình đẳng về xã hội và pháp lý. Báo cáo 2021 của LHQ cho biết bạo lực với phụ nữ Việt Nam, trong đó có các trẻ gái, bắt nguồn từ tình trạng bất bình đẳng giới tính, và vẫn là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên toàn cầu, và tại Việt Nam.
Vì thời gian giới hạn, bài này chỉ đề cập đến việc bạo hành trẻ em, cụ thể là buôn người và xâm hại tình dục, là những chỉ dấu của sự bất bình đẳng giới và vi phạm nhân quyền của trẻ em Việt Nam.
Định nghĩa trẻ em: Là trẻ dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ Em 2016 của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Theo thống kê của UNICEF Việt Nam cập nhật tháng 10 năm 2023, dân số Việt Nam là 99.2 triệu trong đó 7.5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, và khoảng 28.3 triệu dưới tuổi 18. Như vậy, khoảng 1/3 dân số Việt Nam là trẻ dưới 18 tuổi, là nhân tố của sự thay đổi và đóng góp cho sự phát triển và an ninh của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, trẻ em vẫn dễ dàng là nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, buôn người trong nước và xuyên quốc gia rồi hành nghề mại dâm, khiêu dâm, bị cưỡng bức mãi dâm.
Năm 2019, UNICEF cho biết 5.6% trẻ em ở Việt Nam có thể phải trải qua những gì liên quan đến buôn bán trẻ em.
Buôn người xảy ra tại đâu: Việc buôn bán phụ nữ trong đó có trẻ em xảy ra nhiều hơn ở các tỉnh biên giới phía bắc, tiếp giáp Trung quốc; và phía nam, tiếp giáp Cambodia. Điều này cũng cho thấy sự phân biệt vùng miền và chính sách lỏng lẻo của nhà cầm quyền trong việc kiểm soát an ninh biên giới, cho thông biên giới, tạo cơ hội cho tội ác buôn người ngang nhiên hoành hành.
Trẻ em: Nạn nhân của sự quấy rối và xâm hại tình dục: Việt Nam là quốc gia khét tiếng về du lịch tình dục trẻ em.
Bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ rất phổ biến nhưng chưa bị Việt Nam truy tố đúng mức. Phụ nữ, nữ giáo viên, nữ sinh thường xuyên bị cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà nước quấy rối tình dục, kể cả ở trường nội trú.
Tội ác buôn người và xâm hại tình dục gia tăng đối với nạn nhân là trẻ em dưới 6 tuổi: Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), từ 2020-2022, 5.904 trẻ em bị xâm hại, trong đó nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022). Hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ và số đối tượng.
Tuy được nâng lên cấp 2 (Tier 2) trong báo cáo 2024 của Bộ ngoại Giao Hòa Kỳ về vấn đề buôn người tại Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 việc buôn người tăng 18,2% trên cả nước. Riêng tại Sài Gòn thì trong 5 tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh Sát Hình Sự ghi nhận tỉ lệ 88,99% là xâm hại tình dục.
NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG VI PHẠM QUYỀN LÀM NGƯỜI CỦA TRẺ EM VÌ:
Xã hội suy đồi; văn hóa, giáo dục, đạo đức cá nhân, gia đình, xã hội xuống cấp trầm trọng, đi ngược với trào lưu của thế giới và truyền thống dân tộc vì đặt trọng tâm vào duy trì quyền lực và sự cai trị của Đảng.
Quyền làm người của người dân và trẻ em bị xâm phạm nghiêm trọng. Trẻ em không đủ sức lực và trí lực để tự vệ.
Thiếu sót về tính minh bạch của nhà cầm quyền: Thí dụ Hà Nội không công bố số trẻ em gái bị xuất khẩu hoặc bị buôn bán, làm mãi dâm hoặc làm nô lệ.
Sự bất tín nhiệm trầm trọng đối với chính phủ: Nhà cầm quyền xem người dân như hàng hóa vì nguồn ngoại tệ khổng lồ gửi về là từ những người Việt Nam sống hoặc đi lao động ở nước ngoài.
Tham nhũng tràn lan tại Việt Nam. Có báo cáo rằng các quan chức và công an nhận hối lộ và thông đồng với tội phạm có tổ chức, bao gồm cả những kẻ buôn người. Một cuộc khảo sát ở Việt Nam của Tổ chức Minh bạch Quốc tế - Transparency International - báo cáo rằng 30% người dân đưa hối lộ cho công nhân viên và họ tin rằng công an là cơ quan tham nhũng nhất trong nước. Điều này đã làm phức tạp thêm những nỗ lực giải quyết nạn buôn người.
Thiếu sót trong ngành tư pháp:
Chống nạn buôn người, bóc lột, ấu dâm không phải là ưu tiên hàng đầu của nhà cầm quyền.
Sự chênh lệch trong việc áp dụng luật pháp khi trừng trị người dân bình thường và đảng viên phạm tội ấu dâm.
Thiếu sót nghiêm trọng trong vai trò của nhà cầm quyền nhằm bảo vệ trẻ em:
Luật Trẻ Em ghi trẻ được quyền sống; được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; và được bảo đảm an sinh xã hội.
Mâu thuẫn: Luật Trẻ em và Bộ luật Hình sự quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi Công Ước của LHQ về Quyền Trẻ Em, được Việt Nam phê chuẩn, là bảo vệ tất cả trẻ em dưới 18 tuổi.
Nhân quyền của trẻ em đòi hỏi việc thực thi pháp luật Việt Nam qua những hành động tích cực và minh bạch của nhà cầm quyền; nhằm đáp ứng với 54 điều khoản về quyền làm người của trẻ mà LHQ công nhận.
Do đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khuyến cáo Việt nam cần phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi, phê duyệt luật chống buôn người và sửa đổi bộ luật hình sự để hình sự hóa hoàn toàn hành vi buôn bán tình dục trẻ em 16 và 17 tuổi cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
Làm gì để giảm thiểu sự bất bình đẳng cho trẻ em Việt Nam để Việt Nam có thể đóng góp vào mục tiêu trên của Liên Hiệp Quốc:
Trẻ em và thanh niên nam nữ là tương lai của đất nước và dân tộc. Hủy họai trẻ em và thanh thiếu niên là hủy hoại tương lai dân tộc. Đất nước chỉ trường tồn và thoát ách nô lệ khi đất nước được xây đắp, vun bồi, bảo vệ bởi dân tộc Việt Nam khỏe mạnh thân và tâm.
Việt Nam phải tôn trọng quyền làm người. Quyền này chỉ có thể đạt được dưới thể chế dân chủ, thật sự tự do; do người dân chọn lựa qua hình thức bầu cử tự do với sự tham gia của đa đảng và dưới sự giám sát của LHQ và các tổ chức quốc tế.
Không có nhận xét nào