Tạp chí Luật Khoa
11/9/2024
Ông Tạ Văn Long, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái chúc mừng Chu Ngọc Quang Vinh mang về vòng nguyệt quế cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vào ngày 8/11. Nguồn: Báo Yên Bái.
September 11 2024 4:31 PM 9 phút đọc
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái) đã tạo ra cơn bão dư luận. Quang Vinh chỉ chia sẻ tin này với 16 người bạn và đăng vào lúc 22:00. Một người bạn của Vinh đã chụp màn hình và đăng lại trên mạng với mục đích tố cáo. Đến 5:00 hôm sau, Quang Vinh đã đăng lời xin lỗi, nhưng trước phản ứng dữ dội từ dư luận, Vinh đã khóa Facebook lúc 11:00.
Có hai nhóm phản ứng chính đối với sự việc này. Nhóm đầu tiên có thái độ cực đoan, kêu gọi các hình phạt nghiêm khắc như bỏ tù, "triệt tận gốc", "nhổ cỏ", coi Quang Vinh như "ung thư" cần phải loại bỏ, và chửi mắng cậu là "vô ơn". Nhóm thứ hai là các phóng viên chỉ trích Quang Vinh với thái độ có phần chỉ trích hơn, điển hình là bà Trần Thị Sánh, người tự xưng là phóng viên báo Đất Việt và học Khoa Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Cả hai nhóm này đều mắc lỗi nghiêm trọng khi đánh đồng khái niệm "đảng" với "Tổ quốc", trong khi phát ngôn của Quang Vinh đã phân biệt rõ hai khái niệm này và khẳng định rõ ràng rằng cậu yêu đất nước.
Bà Sánh viết trên trang Facebook cá nhân: "Vụ việc này cho thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay hiểu biết và sống rất lệch lạc, vô ơn với đất nước và Tổ quốc. Điều đáng nói là cậu này được dạy dỗ 12 năm tại trường chuyên và trở thành học sinh giỏi, được tin tưởng và chọn tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 và giành giải nhất tháng I, quý I”.
Tác giả bài viết cho rằng đây là mấu chốt không chỉ của cuộc cãi vã này mà còn của nhiều trận chiến trên mạng khác ở nước ta. Họ không thể phân biệt được các khái niệm Tổ quốc, dân tộc và đảng cầm quyền, hoặc họ cố tình giả vờ, dựa trên một ngụy biện rất thô thiển để tấn công Quang Vinh.
Điều này cho thấy rằng ngay cả những người cầm bút, được gọi là "có học", hiểu biết ở Việt Nam vẫn có thể đưa ra những lời viết sai hoàn toàn và sa vào ngụy biện.
Bà Sánh tiếp tục viết: “Công an Yên Bái đã mời cậu học sinh này đến làm việc và rất có thể giải thưởng của cậu ta sẽ bị thu hồi và con đường ra nước ngoài mà cậu ta mơ ước chưa chắc đã đạt được. Mới có cái giải bé tẹo thôi mà đã cho mình là đại tài, kỳ tài rồi…”.
Việc công an mời lên làm việc với một em học sinh chưa đủ tuổi vị thành niên chỉ bởi một phát ngôn trong nhóm kín đã là trái pháp luật.
Việc công an mời một học sinh chưa đủ tuổi vị thành niên chỉ vì một phát ngôn trong nhóm kín đã là trái pháp luật. Tại sao bắt công an phải làm vậy? Họ có thể làm gì trong trường hợp này?
Hoàn toàn không thể làm gì!
Vì việc dạy dỗ, uốn nắn phát ngôn của một học sinh không phải là chức năng của công an, trừ khi toàn xã hội nhìn nhận ngành công an như một lực lượng thần thánh có thể làm thay chức năng của giáo viên, nhà tư tưởng, bác sĩ tâm lý, người định hướng nghề nghiệp và tương lai cho thế hệ trẻ.
Đây là một cách làm sai và chỉ "đổ dầu vào lửa", khiến tâm lý, nhận thức và cảm nhận của một học sinh về môi trường sống của mình thêm tiêu cực, và vô tình tạo ra cảm giác rằng phát ngôn của cậu là đúng.
Không có nhà nước nào nuôi ai ăn học
Bài viết trên trang Facebook của bà Sánh có đoạn: “Cậu học sinh này chưa đến 20 tuổi, chưa hình thành nhân cách nên có phát ngôn thiếu chuẩn mực và dại dột như vậy. Tuy nhiên, không ít người lớn, thậm chí được Nhà nước nuôi ăn học đại học không mất một xu cũng luôn mồm chửi bới, thóa mạ và phủ nhận thành quả của cách mạng, của nhân dân.” Hay đoạn: “Sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại đông con, mình được học đại học, không mất một xu, từ hai bàn tay trắng, mình được như thế này phải biết ơn những người đi trước, biết ơn thế hệ cha ông mình, biết ơn chế độ chứ ạ…”.
Những dòng viết này thể hiện một sự nhầm lẫn tai hại. Không có nhà nước nào nuôi ai ăn học cả. Nhà nước không phải là một chủ thể kiếm tiền để nuôi dân như cha mẹ nuôi con cái, mà ngược lại, nhà nước là một bộ máy thu tiền thuế của dân, phân phối và chi tiêu tài chính vào những chỗ cần thiết để phát triển xã hội.
Tác giả bài báo đã biết ơn sai chỗ. Chi phí để bà học đại học là từ tiền thuế thu từ dân và nguồn tiền ấy được chia sẻ, phân bổ để không ai bị bỏ lại, do vậy một người được học hành nên có nhận thức đúng và phục vụ người dân của đất nước mình.
Em học sinh Chu Ngọc Quang Vinh có được tiền để học tập là nhờ sự lao động của bố mẹ em. Em đạt được thành tích trong kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia là nhờ tài năng, sự nỗ lực của chính em. Vậy thì tại sao bắt em phải biết ơn nhà nước?
Điểm thiếu thuyết phục trong phát ngôn của Quang Vinh là khi chê "đảng là thế lực xấu, lừa dối dân" mà không đưa ra được một dẫn chứng cụ thể, chỉ là một câu kết tội chỏng lỏn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây chỉ là một cảm thán, chia sẻ trong một nhóm bạn chứ không phải là một bài luận đầy đủ.
Điều quan trọng không phải là sự việc đã xảy ra như thế nào, mà là cách ứng xử với sự việc ra sao. Nếu là những người có tâm, có tầm và trong một đất nước có nền giáo dục tiên tiến, có bác sĩ tâm lý và chuyên gia tư vấn, định hướng tương lai cho thế hệ trẻ, vụ việc này sẽ được xử lý rất bình thường. Họ sẽ tìm hiểu, hỏi xem tại sao một học sinh có phát biểu như vậy, nguồn thông tin từ đâu, và tiếp cận một cách nhẹ nhàng để học sinh có thể thoải mái mà tin tưởng cởi lòng.
Tại Việt Nam, một học sinh sẽ cảm thấy thế nào khi phải đến đồn công an? Em sẽ sợ hãi đến mức nào để đưa ra một lời xin lỗi giả tạo? Liệu điều này có làm trầm trọng thêm tình cảm, suy nghĩ và quan niệm tiêu cực về chế độ của Vinh?
Nhiều người phê phán ý muốn ra nước ngoài của Quang Vinh là đáng chê. Nó thể hiện một sự đạo đức giả rõ rệt. Ở Việt Nam, con cháu quan chức và doanh nhân thành đạt thường hướng tới việc học tập và làm việc ở nước ngoài. Đây là một thực trạng rất đáng buồn ở Việt Nam và những người lãnh đạo có tâm, có tầm đáng ra phải trăn trở nhiều để khắc phục vấn đề này.
Thay vì đấu tố một học sinh, tại sao không nghĩ cách tạo ra một môi trường làm việc tốt để nhân tài có thể phát triển ở Việt Nam? Thực tế cho thấy nhiều quán quân của kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia đã không về nước sau khi học xong ở nước ngoài, đây là một sự mất mát lớn về tài năng cho đất nước. Chửi mắng và đấu tố thì dễ, nhưng việc sử dụng tư duy sáng suốt để khắc phục tình trạng mất chất xám mới là điều khó khăn.
Đám đông ấy lý luận rất thô thiển. Họ cho rằng nhờ đảng lãnh đạo đất nước mới có ngày hôm nay và thế là xong, là đóng kín mọi nghi ngờ, trăn trở của tất cả người dân và bắt tất cả phải yêu phải tin đảng.
Chưa kể, được như ngày hôm nay nghĩa là sao? Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn thẳng và suy nghĩ rằng nếu không có đảng lãnh đạo và không có nạn tham nhũng kinh hoàng như lâu nay thì biết đâu Việt Nam đã giàu có như Singapore, Hàn Quốc và những giá trị phổ quát của nhân loại tại nước ta sẽ tốt hơn?
Tôi tin là chúng ta không nên phủ nhận sạch trơn nhưng cũng không nên tin yêu mù quáng và giấu kín những bất bình trong lòng. Nếu nhà nước cứ ngăn chặn những phát ngôn trái chiều, thì quả là rất không tốt cho sự trường tồn của chính mình. Những phát ngôn trái chiều chính là công cụ đo áp suất trong “nồi” xã hội. Nếu đồng hồ đo áp suất bị bẻ cong để nhìn cho đẹp mắt, thì làm sao có thể đo lường chính xác, và rất có thể mọi thứ sẽ nổ tung bất ngờ.
Nhiều sự kiện xã hội bùng nổ trên thế giới đã cho thấy điều này. Nguyên nhân chính là vì không có công cụ nào để đo lòng dân một cách chính xác. Nếu những người quản lý xã hội chỉ phản ứng nông cạn mà không có tầm nhìn bao quát, sâu sắc và phương pháp luận đúng đắn, thì chỉ chứng tỏ những nhận định như của Chu Ngọc Quang Vinh là đúng.
Phát triển đất nước là một con đường cần trí tuệ, sự kiên nhẫn và phương pháp đúng đắn, chứ không phải là sự áp đặt, đấu tố, hô hào “biết ơn” và “tin” hay “yêu” ai đó.
https://www.luatkhoa.com/2024/09/ai-nuoi-ta-an-hoc/
Không có nhận xét nào