Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá: Kinh tế phi thị trường tác hại dân đến mức nào?

    16/9/2024

    Theo cương lĩnh, đảng cộng sản là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Thực tế về chuyện đảng lo cho người lao động là sao?

    Năm 2022, công nhân của công ty Em–Tech Nghệ An làm việc với lương trung  bình 3.900.000 đồng tháng. Với mức lương này, Công ty đã thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, công nhân vẫn mong muốn có mức lương cơ bản cao hơn so với mức lương ban đầu mà họ nhận. [1] 

    Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu Nghệ An cho biết, theo lãnh đạo công ty Viet Glory, hiện mức lương cơ bản mà công ty đang áp dụng là đúng với quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó công ty không có cơ sở để chấp thuận kiến nghị tăng lương của người lao động. [2]

    Về tham nhũng trong đại án Vạn Thịnh Phát, một vụ trưởng đoàn thanh tra nhận hối lộ hơn 5 triệu USD, tương đương với khoảng 2.800 năm làm việc của 1 người làm lao động, theo báo cáo của Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên. [3] 

    Nhưng hồi tháng 5/2023, một số báo đăng hình ông Yên đeo đồng hồ khi ông phát biểu trong cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương. Sau khi “dân mạng” chỉ ra chiếc đồng hồ ông đeo là Patek Philippe có giá hơn hơn 6,5 tỷ đồng, các tờ báo này đã sửa lại hình ảnh bằng cách cắt đi phần tay đeo đồng hồ. Yên chính thức bị bắt vì lắt léo trong kê khai tài sản vào tháng 6/2024. [4]

    Trong cái gọi là “hiến pháp” năm 2013 - Nền kinh tế Việt Nam là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Những hình thức sở hữu ấy thực chất là gì?

    Thực ra, những thành tố căn bản của nền kinh tế hiện nay là đảng trấn áp mức lương của người lao động, tham nhũng tràn lan trong lãnh đạo đảng và những bất bình đẳng tục tĩu giữa thiểu số chóp bu trong đảng và đại đa số người dân. Đảng duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với nền kinh tế và các ngành công nghiệp chủ chốt. Điều này cho phép giới chóp bu khai thác của cải và tài nguyên theo những cách có lợi cho bản thân chúng hơn là cho toàn xã hội.

    Lấy ví dụ, công ty “tư nhân” Thương mại và Dịch vụ Xuân Cầu có mặt nổi là Tô Dũng, Tô Thị Thu Hiền, Tô Hồ Thu và một số tô khác. Thế lực chống lưng là dòng họ Tô ở làng Xuân Cầu, Hưng Yên. Công ty nầy là đại lý xe Piaggio, buôn bán bất động sản, đầu tư dự án đô thị, du lịch, xây villa và gần đây nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách thành công đột khởi. [5]

    Các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực lớn như năng lượng, viễn thông và ngân hàng đều thuộc sở hữu nhà nước. Điều này mang lại cho giới chóp bu quyền kiểm soát trực tiếp đối với các tài sản kinh tế và dòng doanh thu lớn. Mạng nhện tham nhũng từ giới chóp bu là thế lực chống lưng cho các tập đoàn doanh nghiệp lớn như Vạn Thịnh Phát, AIC, Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Xuân, CityLand, những tập đoàn gây tranh cãi gần đây. [6]

    Mặc dù doanh nghiệp tư nhân đã phát triển đáng kể nhưng doanh nghiệp tư vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế và bất lợi so với doanh nghiệp nhà nước. Điều này hạn chế sự năng động và đổi mới của nền kinh tế. Qua cơ cấu đảng, giới chóp bu kiểm soát chặt chẽ dòng vốn cho phép chúng chỉ đạo đầu tư và bòn rút của cải từ người dân bằng cách hạn chế các lựa chọn đầu tư của họ. Hơn nữa, quá trình công nghiệp hóa phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, dẫn tới tình trạng suy thoái môi trường ở nhiều khu vực.

    Vạn Thịnh Phát là thí dụ điển hình về tại sao kinh tế bóc lột làm đời sống dân mình thập phần khó khăn, với thất thoát to lớn từ tiền thuế của dân. Thất thoát có thể lên đến 5% GDP năm 2021, khoảng 498.000 tỷ đồng, tương đương với thu nhập hàng năm của 6 triệu thanh niên sống khắc khoải với lương trung bình khoảng 7 triệu/tháng. Thất thoát nầy kéo dài hơn 30 năm từ 1991 – 2022. [7]

    Việt cộng thường hay viện dẫn chính sách “đổi mới” 40 năm trước và kinh tế Việt Nam có những bước phát triển lớn để biện minh là Việt Nam đang tiếp cận nền kinh tế thị trường. Chúng quên rằng tỷ lệ tổng chi ngân sách nhà nước so với tổng sản phẩm trong nước còn rất cao so với thông lệ quốc tế, và đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Hơn nữa nhà nước kiểm soát việc xây dựng thể chế kinh tế và phân bổ nguồn lực cho các khu vực kinh doanh. [8]

    Việt cộng thường cho rằng hệ thống tư pháp của chúng là chuyên nghiệp nhưng trên thực tế, các ban nội chính trung ương và địa phương chỉ đạo và định hướng quyết định của các cơ quan tư pháp trên khắp nước. Chúng quên những án oan và dân oan trên khắp đất nước, cũng như ngành công an đã gây ra rất nhiều những nỗi oan trái cho người dân. [9]

    Tham nhũng lan tràn sâu rộng trong thể chế và nền kinh tế. Cứ hỏi thử Tô Lâm đã làm sao để dùng vụ việc “đốt lò” hàng loạt tham quan để tiếm quyền cho bè lũ của mình, cũng như việc y triển khai những người thân tín vào các vị trí có ảnh hưởng và sử dụng bộ máy an ninh để loại bỏ các đối thủ. [10]

    Mặc dù giới chóp bu trong đảng liên tục đàn áp bất cứ ai trong nước khi họ chỉ ra bản chất bóc lột trong nền kinh tế của chúng, nhưng chúng thèm thuồng thị trường toàn cầu để các tập đoàn tham nhũng của chúng có thể tiếp cận với nguồn vốn và các thị trường to lớn ở những nước dân chủ. Tuy vậy để tiếp cận thị trường toàn cầu, chúng phải đối mặt với những luật chơi của thị trường tự do. 

    Một giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT ở Việt Nam cho rằng với những nỗ lực Việt Nam đã thực hiện và sự công nhận nền kinh tế thị trường của những đối tác lớn như Úc, Hàn và Nhật, Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường. Thạc sĩ Phan Minh Hòa nhận định rằng việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. [11]

    Ngày 02/08/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, với các nguyên nhân chính gồm việc nhà nước vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, hệ thống tư pháp hoạt động theo chỉ thị của đảng cộng sản, và tệ nạn tham nhũng. [12]

    Trên thực tế, muốn phát triển kinh tế thì sản xuất phải hướng tới nhu cầu của người dân. Thị trường tự do phải thực sự tự do, không bị kiểm soát, thao túng bởi giới quyền lực. Để kinh tế kiểm soát bởi giới chóp bu, chúng sẽ chỉ sản xuất những gì mang lại cho các tập đoàn của chúng lợi nhuận lớn nhất, nghĩa là chúng sẽ lừa đảo mọi người vào những thứ tầm bậy, đầu cơ bất động sản và các sản phẩm tào lao khác. 

    Hơn nữa sự bất bình đẳng trong kinh tế việt cộng hiện nay là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Quá nhiều tiền được chi cho các hoạt động phi sản xuất; ví dụ điển hình là xe điện Vinfast. Tiêu dùng thực sự trong dân không có là bao nhiêu vì bất bình đẳng khiến một bộ phận lớn người dân chỉ đủ tay làm hàm nhai, không có tiền cho bất cứ việc gì khác.

    Trên diện rộng, Việt cộng không tôn trọng căn bản của nền kinh tế tự do. Đầu tiên là nguyên tắc tự do, theo đó khẳng định các quyền tự do cơ bản của công dân, bao gồm tự do ngôn luận, tín ngưỡng, lập hội, biểu tình và những quyền cơ bản khác. Thứ hai là nguyên tắc bình đẳng, trong đó những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội phải được sắp xếp làm sao để chúng có lợi cho những thành viên kém may mắn nhất trong xã hội, bao gồm trẻ em, người già và người có khuyết tật, những người mà Việt cộng bỏ bê từ ngày chúng cướp quyền. 

    Nguyên tắc bình đẳng cũng quy định rằng các chức vụ phải được mở ra cho tất cả mọi người trong điều kiện bình đẳng và công bằng về cơ hội; điều nầy trái ngược với hành vi “hồng hơn chuyên” của việt cộng. Các nguyên tắc căn bản của nền kinh tế tự do bảo đảm rằng lợi ích xã hội được phân chia một cách công bằng và chính đáng. [13] Những nguyên tắc căn bản nầy hoàn toàn trái ngược với bản chất người cộng sản và kinh tế bóc lột của chúng.

    Mặt hàng

    Thị trường tự do trong so sánh

    Biên độ phá giá 

    túi mua sắm giấy

    Nam Dương

    từ 37% đến 92%

    đĩa giấy

    Nam Dương

    từ 153% đến 165%

    tế bào quang điện silicon

    không nêu rõ

    271%

    bao dệt nhiều lớp

    không nêu rõ

    từ 110% to 293%


    Bản trên tóm tắt những vụ điều tra gần đây của bộ Thương mại Hoa Kỳ về chống phá giá và biên độ trợ cấp của những mặt hàng từ nền kinh tế phi thị trường ở Việt Nam, so sánh với giá tương ứng của thị trường tự do, ví dụ như Nam Dương. [14]

    Về phía Mỹ, những mặt hàng nầy nhập vào Mỹ với giá quá rẻ so với giá tương ứng từ thị trường tự do ở Nam Dương, với mức độ phá giá từ 37% đến 293%, làm tác hại đến thị trường hàng tương ứng ở Mỹ. Theo quan điểm của Mỹ, cơ chế thị trường ở Việt Nam bóp méo sản xuất và giá cả các mặt hàng nầy.

    Theo quan điểm các nhà sản xuất Việt Nam, họ đã sản xuất các mặt hàng nầy dưới điều kiện bóc lột trong nền kinh tế Việt cộng, nhất là phải chi bôi trơn và tham nhũng. Như thế việc họ có thể sản xuất các mặt hàng với giá cạnh tranh tốt là một trong những điều phi thường về cách làm ăn của người Việt, dưới sự bóc lột của thể chế bất công. Điều nầy không có nhiều cẩn trọng trong quyết định chống phá giá của Mỹ, nhưng đã được cân nhắc khá hơn bởi các nước như Úc, Hàn và Nhật Bản khi các nước nầy coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. 

    Theo quan điểm của dân lao động, những mặt hàng nầy có thể sản xuất với giá thành thấp phần chính là bởi thu nhập của người lao động bị Việt cộng chèn ép, như qua việc giữ mức lương tối thiểu thấp, cũng như qua các cơ chế khác tỉ như phân biệt và chèn ép hộ khẩu của người lao động nhập cư vào các thành phố. 

    Lấy ví dụ, thu nhập trung bình của công nhân trong lĩnh vực nhà máy và sản xuất tại Việt Nam là 10.600.000 đồng/tháng. Nếu cả nước vứt bỏ kinh tế bao cấp của Việt cộng, và với tầm rộng về mức chèn ép giá trong bản từ 37% đến 293%, công nhân nầy sẽ có thu nhập từ 14.522.000 đến 4.165.800.000 đồng/tháng, nếu họ ở trong nền kinh tế tự do ở Nam Dương.

    Tương tự, tiền lương trong lĩnh vực sản xuất ở mức 8.400.000 đồng mỗi tháng trong quý đầu tiên của năm 2024. Bỏ kinh tế bao cấp, số tiền lương nầy sẽ tăng lên từ 11.508.000 đến 3.301.200.000 mỗi tháng.

    Việc chuyển từ kinh tế phi thị trường sang kinh tế thị trường gia tăng phúc lợi cho người lao động và trên tổng thể, mang lại ấm no cho toàn dân. Một tiền đề cho việc chuyển đổi là mỗi người tự nhận thức mức tác hại của thể chế “cộng sản” mà Tô Lâm và bè lũ đã và đang lợi dụng thể chế ấy để tạo cơ hội cho chúng tiếm quyền và bóc lột dân.

    Nguồn:

    1. Bích Huệ. Nghệ An: Hàng ngàn công nhân ngừng việc, đòi tăng lương công bằng. 15/02/2022 Available from: https://bnews.vn/nghe-an-hang-ngan-cong-nhan-ngung-viec-doi-tang-luong-cong-bang/233122.html.

    2. Cafebiz. Khoảng 5000 công nhân đình công trong ngày đầu năm để yêu cầu tăng chế độ 09/02/2022  [cited March 5, 2022; Available from: https://cafebiz.vn/khoang-5000-cong-nhan-dinh-cong-trong-ngay-dau-nam-de-yeu-cau-tang-che-do-20220209140423602.chn.

    3. VOV. Vụ Vạn Thịnh Phát: "Hơn 5 triệu USD là số tiền nhận hối lộ lớn nhất cho đến nay". 22/11/2023; Available from: https://vov.vn/phap-luat/vu-van-thinh-phat-hon-5-trieu-usd-la-so-tien-nhan-hoi-lo-lon-nhat-cho-den-nay-post1060809.vov.

    4. BBC. Cựu Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên bị bắt. 25/06/2024; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce77897z565o.

    5. Hồng Ngọc. Tập đoàn Xuân Cầu và các đại dự án hàng chục ngàn tỷ. Tiếng Dân 12/05/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/.

    6. Phạm Đình Bá. VNTB – Làm sao định hình, chẩn đoán, tiên lượng và đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng? 25.05.2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-lam-sao-dinh-hinh-chan-doan-tien-luong-va-doi-pho-voi-cac-tap-doan-mang-nhen-tham-nhung/.

    7. VOA. Vụ án Trương Mỹ Lan và nghi vấn ‘ô dù rất lớn’. 25/11/2023 Available from: https://www.voatiengviet.com/a/vu-an-truong-my-lan-va-nghi-van-o-du-rat-lon-/7369771.html.

    8. Song Hà. Nhà nước “can thiệp trực tiếp quá lớn” vào kinh tế. VnEconomy 03/03/2014; Available from: https://vneconomy.vn/nha-nuoc-can-thiep-truc-tiep-qua-lon-vao-kinh-te.htm.

    9. Radio Free Asia. Ông Tô Lâm hô khẩu hiệu “xây dựng một nền tư pháp XHCN hiện đại, chuyên nghiệp”. 17/06/2024; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/calling-for-the-building-of-a-modern-socialist-justice-system-just-a-slogan-06172024115334.html.

    10. Zachary Abuza, VNTB – Tô Lâm củng cố quyền kiểm soát và cơ cấu lại đảng. 26/08/2024.

    11. Phan Minh Hòa. Vì sao Mỹ nên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường? - RMIT University. 22/08/2024; Available from: https://www.rmit.edu.vn/vi/tin-tuc/tat-ca-tin-tuc/2024/jul/vi-sao-my-nen-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong.

    12. BBC. Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'. 02/08/2024; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cml2lvwg80po.

    13. Forrester, K., In the Shadow of Justice: Postwar Liberalism and the Remaking of Political Philosophy. 2019, Princeton University Press.

    14. US International Trade Administration. Commerce Initiates Antidumping and Countervailing Duty Investigations of Crystalline Silicon Photovoltaic Cells from Cambodia, Malaysia, Thailand, and the Socialist Republic of Vietnam. 15/05/2024; Available from: https://www.trade.gov/commerce-initiates-antidumping-and-countervailing-duty-investigations-crystalline-silicon.


    Không có nhận xét nào