Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Đảng ơi, Bác sĩ Hiếu đang lắng nghe và chờ thay đổi!

    16/9/2024

    Gần đây, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 gợi ý rằng vấn đề bổ nhiệm cán bộ và yêu cầu về bằng cấp chính trị đang gây ra một số khó khăn và hạn chế trong việc thu hút nhân tài vào các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn như y tế và giáo dục. [1]

    Hiện nay, chỉ các trường chính trị mới được tổ chức học lý luận chính trị và điều kiện bắt buộc để được học là phải là đảng viên chính thức.

    Bằng trung cấp chính trị đang là tiêu chuẩn "cứng" để được bổ nhiệm và tái bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, kể cả cấp phó phòng.

    Theo ông Hiếu, điều này tạo ra rào cản lớn đối với các chuyên gia, nhà khoa học muốn đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

    Để khắc phục tình trạng này, ông Hiếu đề nghị có thể xem xét hai đề xuất:

    • Bỏ tiêu chuẩn “cứng” về bằng trung cấp chính trị đối với vị trí lãnh đạo khoa, phòng trong y tế và giáo dục để tạo điều kiện giữ chân nhân tài và thu hút chuyên gia nước ngoài.

    • Cải tiến phương pháp học tập với tính linh hoạt, coi trọng kết quả đầu ra thay vì quy trình học tập cứng nhắc, ví dụ như áp dụng hình thức tự học kết hợp với đánh giá khả năng am hiểu kiến thức chính trị cuối khóa.

    Ông Hiếu đưa ra những đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bổ nhiệm nhân sự có chuyên môn cao vào vị trí lãnh đạo, đồng thời vẫn đảm bảo họ nắm vững kiến thức chính trị cần thiết. 

    Ông Hiếu có vẽ dè dặt về gợi ý và đề xuất của mình. Có thể ông Hiếu phòng ngừa nguy cơ xúc phạm những kẻ có quyền lực và sự cứng rắn của họ trong việc áp đặt hệ tư tưởng cộng sản lên người khác. Ông Hiếu nói lên một cách dè dặt với một kỳ vọng mang tính thăm dò - “rất mong sự lắng nghe và đợi chờ sự thay đổi.”

    Nếu tôi vẫn ở nhà, tôi sẽ mong được là một trong những học trò của ông Hiếu. Tôi hiểu rằng ông ấy phải chịu những ràng buộc và những hạn chế chung trong việc bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai.

    Ở một nơi khác với một lối sống khác, người ta coi thường, không tán thành, chỉ trích và bác bỏ định hướng chính trị trong các ngành khoa học tự nhiên và nhân văn. Có nhiều lý do chính đáng cho những phản ứng nầy.

    Đầu tiên, định hướng chính trị có thể ảnh hưởng đến niềm tin của dân vào khoa học trong một xã hội tự do. Thứ hai, có những cuộc tranh luận về việc liệu bối cảnh học thuật hiện nay có thể hiện đầy đủ toàn bộ các quan điểm chính trị hiện diện trong các nền dân chủ tự do hay không. 

    Thứ ba, một định hướng chính trị được xác định trước ảnh hưởng đến vai trò của giáo dục trong việc định hình diễn ngôn chính trị và chuẩn bị cho công dân tham gia vào xã hội một cách tự do và không ràng buộc.

    Mặc dù những quan sát này phản ánh xu hướng chung trong học thuật, quan điểm về chủ đề này rất khác nhau trong dân gian. Mối quan hệ giữa các ngành học thuật và định hướng chính trị vẫn là một chủ đề phức tạp, nhất là với định hướng chính trị không dễ chẫn định.

    Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lập luận cơ bản là khoa học phải khách quan và trung lập về mặt chính trị. Phương pháp khoa học được thiết kế để giảm thiểu sai lệch và tạo ra các kết quả đáng tin cậy. Những kết quả khách quan nầy có thể nhân rộng bất kể quan điểm cá nhân của nhà nghiên cứu. Việc cho phép định hướng chính trị ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học sẽ làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản này.

    Định hướng chính trị lên khoa học có thể dẫn đến việc chọn dữ liệu sai lầm để hỗ trợ cho các kết luận định trước. Thứ hai, định hướng chính trị dẫn đến loại bỏ hoặc thay đổi các kết quả không phù hợp với các chương trình nghị sự chính trị. Thứ ba, định hướng chính trị dẫn đến tài trợ thiên vị cho nghiên cứu khoa học ủng hộ các quan điểm chính trị cụ thể. Những cách làm như thế đe dọa tính toàn vẹn và độ tin cậy của nghiên cứu khoa học.

    Mặc dù những lập luận này nhấn mạnh lý tưởng của khoa học trung lập về mặt chính trị, nhưng sự tách biệt hoàn toàn giữa khoa học và chính trị có thể khó đạt được trong thực tế. Một mức độ tương tác nào đó giữa nghiên cứu khoa học và các ưu tiên chính trị là không thể tránh khỏi trong một xã hội dân chủ nơi khoa học đưa ra chính sách và tài trợ công hỗ trợ cho nghiên cứu.

    Trở lại với thể chế mà ông Hiếu đang làm việc, định hướng chính trị trong y tế và giáo dục có những hệ quả không chắc chắn lên lãnh đạo ngành. Vụ án Việt Á được coi là vụ án điển hình về lãnh đạo trong lĩnh vực y tế. Ngoài vụ Việt Á, còn có một số vụ việc tiêu cực khác liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Những vụ việc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành y tế. 

    Trong ngành giáo dục, vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông cả nước gia năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang là một trong những vụ việc gây chấn động lớn. Hàng trăm thí sinh được nâng điểm trái phép, trong đó có nhiều con em cán bộ, đảng viên. 

    Năm 2021, các sai phạm trong đấu thầu thiết bị giáo dục được phát hiện tại một số Sở Giáo dục và Đào tạo như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên. Đầu năm 2022, vụ nâng khống thiết bị giáo dục tại Bắc Giang cũng bị phanh phui. 

    Còn nữa là vụ cấp bằng giả và gian lận trong đào tạo. Vụ cấp 429 văn bằng hai tiếng Anh giả tại Đại học Đông Đô từ 2018-2019 là một ví dụ điển hình. Những vụ việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành giáo dục.

    Phải chăng định hướng chính trị trong y tế và giáo dục khuếch đại nguồn tham nhũng và làm thiu chột khả năng chuyên môn của các chuyên gia trong ngành?

    Nguồn:

    1. Nguyễn Lân Hiếu. Trung cấp chính trị. 24/09/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2024/09/24/trung-cap-chinh-tri/.


    Không có nhận xét nào