Header Ads

  • Breaking News

    Trần Trung Đạo - Đọc sách dưới chế độ cộng sản

    Saigon Nhỏ

    02/9/2024

    "... Mặt trời sẽ mọc, nắng sẽ lên, ánh sáng sẽ tỏa rộng địa cầu. Dù bị đầu độc bằng bao nhiêu sách vở tuyên truyền và tẩy não, khát vọng tự do trong chính con người đã thắng tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ thắng tại Việt Nam".

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/09/cuon-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-duoc-ra-mat-chieu-20-10-16977955887912015588686_b6fe1393.jpg

    Sách “không ai đọc” của Nguyễn Phú Trọng ( 

    Bài viết này không liên quan trực tiếp đến câu nói của cô hoa hậu Kỳ Duyên “chưa từng đọc hết một cuốn sách nào”. Người viết chỉ mượn tin thời sự này để bàn chuyện đọc sách dưới chế độ cộng sản.

    Lênin chủ trương cải hóa con người bằng cách nào? Đọc sách.

    Ông ta cũng có câu nói nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”, và nguồn chính của việc học vẫn là qua đọc sách.

    Nước Nga chúng ta nghe trước đây là quê hương của những nhà văn, nhà thơ lớn như Leo Tolstoy, Alexander Pushkin, Fyodor Dostoevsky v.v… Nhưng trên thực tế là một nước có tỉ lệ mù chữ rất cao. Đầu thế kỷ 20, chỉ một phần ba dân số Nga biết chữ.

    Sau khi nắm lấy quyền lực tại Nga, mục tiêu hàng đầu của Lênin là làm cho người dân biết đọc và biết viết. Lênin biết nếu không xây dựng được một lực lượng sản xuất gồm những người biết viết biết đọc trung thành, quyền lực cộng sản sẽ sớm tiêu vong.

    Mục đích “làm cho người dân biết đọc và biết viết” thoạt nghe rất cao quý nhưng thâm ý lại rất ác độc. Thành phần mù chữ đem lại cho đảng cộng sản một lợi thế là những gì được đảng trồng cấy vào nhận thức họ sẽ là những kiến thức hoàn toàn mới. Nhận thức của họ và nhận thức của trẻ thơ là những tờ giấy trắng, đảng viết chữ gì sẽ in đậm chữ đó.

    Ngày 26 tháng 12, 1919 Lênin ký sắc lệnh thành lập cơ quan Likbez với mục đích “xóa nạn mù chữ trên toàn lãnh thổ Xô Viết”.

    Likbez là một trong những cơ quan tuyên truyền của đảng. Likbez thành lập trên cả nước 40 ngàn trung tâm “xóa nạn mù chữ” và ra chỉ tiêu cho người dân từ 8 tuổi đến 50 tuổi phải biết đọc, biết viết và biết đọc sách, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Từ thành phố cho đến thôn quê đều có những thư viện với nhiều sách. Đọc xong, độc giả theo từng nhóm còn thảo luận và gởi báo cáo đến ban điều hành thư viện để đánh giá mức độ hiểu biết của họ về chế độ mới.

    Đọc sách gì?

    Đương nhiên không phải là tác phẩm Anh Em Nhà Karamazov của Fyodor Dostoevsky hay Chiến Tranh và Hòa Bình của Leo Tolstoy, mà là sách có nội dung tuyên truyền do ban tuyên huấn trung ương đảng soạn thảo theo từng trình độ. Học trình của Likbez bắt đầu từ cấp một và được nâng lên từng cấp theo thời gian học.

    Đến khoảng năm 1926, một người dân Liên Xô (LX) được xem như thoát nạn mù chữ là người sở hữu một nhận thức chính trị Mác-Lê căn bản đủ để trung thành với đảng cộng sản. Sự thành công của chiến dịch xóa nạn mù chữ là tuyên truyền tư tưởng cộng sản và động viên dân chúng để phục vụ cho mục đích của đảng (Theo Peter Kenez, The Birth Of The Propaganda State, Cambridge University Press, 1985)

    Dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam từ 1954 tại miền Bắc và sau 1975 trên cả nước, chính sách tuyên truyền “trồng người” được rập khuôn theo LX một cách chi tiết. Các tác phẩm tuyên truyền của LX được dịch và phổ biến rộng rãi tại miền Bắc Việt Nam trước 1975.

    Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật không chỉ thừa nhận mà còn hãnh diện về điều này: “Về phát hành, qua mạng lưới các hiệu sách nhân dân (phát triển tới huyện, thị) sách đã về tới tận cơ sở theo phương châm “bốn đúng” (đúng nhiệm vụ, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, đúng thời gian) và thực hiện vừa phát hành vừa phổ biến sách đến bạn đọc. Nói tới phát hành không thể không nói tới việc xuất nhập khẩu sách báo. Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam (Xunhasaba) được thành lập từ năm 1957 đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền sách Việt Nam ra quốc tế và tiếp nhận vào Việt Nam những tác phẩm có giá trị của các nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa.” (Theo “Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam” (P3: Thời kỳ 1954-1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011)

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/09/thep.jpg

    Trong thập niên 1930, trường phái văn học Hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa chế ngự trong văn học LX và tác phẩm phổ biến nhất trong giai đoạn này là Thép Đã Tôi Thế Đấy của Nikolai Ostrovsky (1904-1936). Do đó đừng ngạc nhiên khi trong nhật ký Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi của Nguyễn Văn Thạc hay Nhật Ký Đặng Thùy Trâm không trích dẫn hay nhắc tới một tác phẩm nào khác ngoài Thép Đã Tôi Thế Đấy.

    Tại Trung Quốc tác phẩm Mao Tuyển được in nhiều lần tổng cộng lên đến trên 800 triệu bản. Mao Tuyển là tác phẩm in nhiều thứ ba trên toàn thế giới sau Kinh Thánh và Kinh Quran (The Holy Quran).

    Những người Việt trong tuổi 70 hay 80 ráng nhớ lại những sách mình đã đọc trong thời học sinh, sinh viên và để biết nhận thức mình có được là của mình hay của đảng cài cấy qua sách vở?

    Mới đây, đọc các lời phân ưu, thương tiếc, buồn đau day dứt của một số nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo ngoài đảng trước cái chết của ông Tổng Bí Thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, để biết hậu quả của chủ trương tẩy não do Lênin đề ra từ thế kỷ trước tác hại nghiêm trọng đến dường nào. Cảm tình này được nhà tâm lý học Nils Bejerot gọi là Hội Chứng Stockholm.

    Hội chứng Stockholm bắt nguồn từ câu chuyện can phạm Jan-Erik Olsson đánh cướp ngân hàng Kreditbanken ở Stockholm, Thụy Điển năm 1973 và bắt bốn nhân viên làm con tin. Trong sáu ngày bị giữ một cảm tình đã nẩy nở giữa nạn nhân và kẻ cướp. Sau khi được thả bốn nạn nhân chẳng những không tố cáo mà còn có cảm tình và thậm chí quyên góp tiền bạc để bào chữa cho kẻ đã giam giữ họ.

    Chỉ bị giữ 6 ngày mà nhận thức con người đã thay đổi như thế đừng nói chi là 70 năm tại Liên Xô và cũng 70 năm tại Việt Nam.

    “Trồng người” là mục đích hàng đầu của Lênin và ông ta chứng tỏ đã thành công trong việc xây dựng được một lực lượng sản xuất gồm những người biết viết biết đọc trung thành.

    Thế nhưng, tại sao LX lại sụp đổ?

    LX sụp đổ cũng do con người.

    Con người luôn ẩn chứa một phẩm chất thiêng liêng nhằm chống lại các độc tố phi nhân. Phẩm chất đó có thể nhất thời bị đè nén, trấn áp, che khuất nhưng không mất hẳn đi. Nếu có cơ hội dù một giây, một phút phẩm chất đó cũng vươn lên chống lại các xích xiềng áp bức. Sự phản kháng diễn ra liên tục và trong nhiều hình thức.

    Tại Bắc Hàn, dù bị cai trị bởi ba đời dòng họ Kim khắc nghiệt và tàn bạo tưởng chừng không có một kẻ hở, mấy chục ngàn người vẫn tìm mọi cách thoát ra. Con số nhiều lần hơn thế đã bị bắt lại và đày ải trong trại tù ác độc ngoài tưởng tượng như Trại 14, Trại 22, bị chết đuối trên sông, trên biển vì vượt thoát không thành. Dù chịu đựng bao nhiêu cực hình đày đọa, niềm khao khát tự do vẫn là một đặc tính bẩm sinh có trong mỗi con người từ lúc mới ra đời. Người dân Bắc Hàn tiếp tục tìm mọi cách để ra đi.

    Những người dân Bắc Hàn kia chắc chắn không có cơ hội đọc các tác phẩm bàn về dân chủ của Larry Diamond hay Francis Fukuyama. Không, họ chỉ lắng nghe và đáp ứng khát vọng lắng đọng trong tầng sâu xa nhất của nhận thức: khát vọng tự do.

    Một câu hỏi thường được đặt ra, trong hàng loạt các nguyên nhân làm sụp đổ chế độ cộng sản tại LX, nguyên nhân nào là chính?

    Chiến lược chạy đua vũ trang của tổng thống Ronald Reagan? Có nhưng không phải chính.

    Mọi yếu tố từ bên ngoài không thể nhanh chóng làm tan vỡ các cơ cấu bên trong, nhất là một chế độ đã được củng cố bằng tuyên truyền và bạo lực suốt 70 năm. Không ai cho rằng chính sách của tổng thống Reagan là sai, nhưng chỉ là buộc giới lãnh đạo LX phải lùi vào thế thủ qua các chính sách kế hoạch hóa nền kinh tế quốc gia nhằm đương đầu với Mỹ chứ chưa sụp đổ.

    Chính sách cởi mở kinh tế và văn hóa của Mikhail Gorbachev? Cũng không phải.

    Hai chính sách “đổi mới” của Gorbachev đem lại một không khí mới trong nhiều lãnh vực nhưng chỉ mới bắt đầu từ tháng Hai, 1986 và đã chứng tỏ rất ít thành công. Hai năm trước khi sụp đổ, Gorbachev đưa ra chính sách “tư hữu hóa” các doanh nghiệp nhưng cũng mới bắt đầu từ giới tiểu thương như nhà hàng, cửa tiệm. Những thay đổi của Gorbachev còn quá nhỏ chưa phải là yếu tố thúc đẩy sự sụp đổ của LX một cách nhanh chóng.

    Sự xuất hiện của nhân vật Boris Yeltsin, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX) và sau đó từ bỏ đảng? Quan trọng nhưng không phải.

    Như người viết đã trình bày trong bài Sáu Lý Do Giúp Chế Độ Cộng Sản Tồn Tại, việc dọa từ chức của Boris Yeltsin làm Mikhail Gorbachev sửng sốt. Theo lời Gorbachev kể lại, ông gọi về Moscow và ra lịnh cho các phụ tá đến khẩn thiết với Yeltsin đừng tiết lộ nội dung lá thư ra ngoài vì dân chúng và thế giới sẽ biết sự rạn nứt trong nội bộ đảng CSLX. Hơn một tháng sau đó, trong phiên họp của ban chấp hành trung ương đảng CSLX, Boris Yeltsin mới chính thức từ chức nhưng sự từ chức của ông ta không tạo ra một lỗ hổng hay xáo trộn quyền lực đáng kể.

    Vậy nguyên nhân nào và yếu tố nào có tác động trực tiếp dẫn tới ngày tàn của LX?

    Câu trả lời đúng là sức mạnh của người dân trong 15 nước gọi là “Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” thuộc Liên Bang Xô Viết.

    Năm 1991, người dân tại các quốc gia này không còn mê muội như thế hệ cha mẹ, ông bà họ vào thời 1917. Không giống thời kỳ Lênin, người dân LX thập niên 1980 đã biết tìm cách đọc sách từ nhiều nguồn.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/09/mao_01.jpg

    Một khi người dân từ chối chế độ, không sợ hãi đứng lên chống lại giới lãnh đạo bảo thủ, ngoan cố, cứng đầu, chế độ đó phải sụp đổ. Các yếu tố Reagan, Yeltsin, dầu hỏa, suy thoái kinh tế v.v.. chỉ giúp cho tiến trình xảy ra nhanh hơn nhưng không phải quyết định. Sự chuyển hóa nhận thức trong con người mới là nguyên nhân quyết định.

    Lấy một biến cố để chứng minh cho lý luận này: Biến cố tháng Tám, 1991.

    Hôm đó là ngày 19 tháng 8, 1991. Người dân thủ đô Moscow thức dậy nhìn ra đường thấy cả đoàn xe tăng đang chạy trước nhà. Mở radio và TV mới biết một chính phủ mới dưới danh nghĩa “Ủy Ban Khẩn Cấp Nhà Nước” vừa ra đời thay cho Mikhail Gorbachev “phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe”.

    Danh sách tám lãnh đạo cộng sản nổi loạn đọc lên nghe lạnh người vì họ đang nắm quyền sinh sát của 287 triệu người dân thuộc 15 nước trong khối LX. Trong số họ có cả giám đốc KGB, Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng. Các tư lịnh quân đội báo cho các bệnh viện để chuẩn bị phương tiện cứu cấp vì sẽ có nhiều thương vong trong những ngày tới. Ba sư đoàn Hồng Quân đang được điều vào thủ đô để thực thi lệnh thiết quân luật.

    Nhưng đó cũng là lúc nhiều ngàn người dân Moscow hưởng ứng lời kêu gọi của Boris Yeltsin xuống đường phản đối “Ủy Ban Khẩn Cấp Nhà Nước”. Khác với các cuộc biểu tình bạo động đã từng diễn ra ở Prague 1968 hay trước đó ở Budapest 1956, biểu tình tháng 8 ở Moscow 1991 tương đối ít đổ máu. Nhiều đơn vị tăng đã đứng về phía Cộng Hòa Nga. Trong cùng ngày, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại các thành phố lớn và các nước Cộng Hòa thuộc Liên Bang Xô Viết. Khoảng 200.000 người đã biểu tình tại Lêningrad và 400,000 người biểu tình tại thủ đô Moldavia. Tại thủ đô Moscow, khoảng 200.000 người làm thành một hàng rào nhiều lớp chung quanh trụ sở quốc hội Nga để bảo vệ tổng thống vừa được bầu Boris Yeltsin.

    Cuộc phiến loạn do “nhóm 8 người” chủ trương cuối cùng đã thất bại. Mikhail Gorbachev bay về Moscow ngày 22 tháng 8 nhưng chỉ để chứng kiến quyền lực của ông đang mờ dần khi ngôi sao Boris Yeltsin tỏa sáng hơn bao giờ hết. Chế độ CSLX sụp nhanh hơn sự tiên đoán của mọi người.

    Người dân LX đã ý thức được rằng tính chính danh của một lãnh đạo được quyết định bằng lá phiếu chứ không phải bằng xe tăng.

    Người dân Nga không sống chết vì cá nhân Boris Yeltsin mà sống chết vì quyền và trách nhiệm của một công dân nước Cộng Hòa Liên Bang Nga vừa ra đời chỉ hơn hai tháng trước đó. Khó tiên đoán và khó hình dung, nếu không có sức mạnh của những người dân bình thường tháng 8, 1991, cục diện thế giới ngày nay sẽ ra sao.

    Tại Trung Cộng, sức mạnh của người dân LX qua biến cố tháng 8, 1991 và cuộc biểu tình Thiên An Môn tháng 4, 1989, luôn ám ảnh Tập Cận Bình. Để tìm lối thoát, họ Tập, ngoài lo tiếp tục phát triển kinh tế, chủ trương nhanh chóng “Hán hóa tôn giáo”.

    Dưới thời kỳ Tập Cận Bình, đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy việc Đại Hán hóa (Sinicization) tôn giáo, hoặc hướng dẫn tất cả các tôn giáo hoạt động phù hợp với học thuyết cộng sản. Các quy định mới có hiệu lực vào đầu năm 2020 yêu cầu các tôn giáo phải chấp nhận và truyền bá tư tưởng Mác và giá trị của ĐCSTQ. Các hoạt động mang tính tôn giáo phải được văn phòng phụ trách tôn giáo của chính phủ chấp thuận trước khi tiến hành. (Theo “Religion in China”, Council on Foreign Relations, September 25, 2020)

    Dù sao, thế giới đã đổi thay nhiều sau cuộc cách mạng tin học và nhất là giai đoạn ứng dụng vào các lãnh vực xã hội từ đầu thập niên 1990.

    Tại Việt Nam ngày nay tìm sách đọc để nâng cao nhận thức không còn quá khó khăn như ngày xưa. Các bạn trẻ không nên chỉ “trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh” mà hãy đọc sách và đọc từ nhiều nguồn. Bên cạnh các tác phẩm mang nặng màu sắc tuyên truyền của đảng, nhiều tác phẩm phản ảnh những tâm tư, tình cảm và góc cạnh của xã hội mà chúng ta đang sống, những khổ nạn mà dân tộc chúng ta đang chịu đựng và mục đích đích thực mà dân tộc chúng ta nên hướng tới.

    Mặt trời sẽ mọc, nắng sẽ lên, ánh sáng sẽ tỏa rộng địa cầu. Dù bị đầu độc bằng bao nhiêu sách vở tuyên truyền và tẩy não, khát vọng tự do trong chính con người đã thắng tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ thắng tại Việt Nam.

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/thay-gi-tren-mang/doc-sach-duoi-che-do-cong-san/


    Không có nhận xét nào