Header Ads

  • Breaking News

    Tô Lâm đi Mỹ....

    24/9/2024

    Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam

    RFA
    24/9/2024

    Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam

    Một số tù nhân lương tâm tiêu biểu đang bị giam cầm ở Việt Nam 

    HRW 

    Tổ chức phi chính phủ Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi tiếp tục bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam ngay trước cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 tới đây.

    Trong thông cáo báo chí phát hành ngày 23/9, PEN America viết cảm thấy vui khi biết tin nhà hoạt động, nhà bình luận trực tuyến, nhà thơ Trần Huỳnh Duy Thức cùng với nhà hoạt động khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng và luật sư Hoàng Ngọc Giao được trả tự do.

    Ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng vừa được trả tự do, trở về nhà vào rạng sáng 21/9/2024, ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

    “Mặc dù việc trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức là điều tuyệt vời nhưng việc ông phải ngồi tù hơn 15 năm vì bài viết của ông là vô lương tâm”. PEN America viết, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động đang bị cầm tù vì những biểu đạt của họ.

    “Tự do biểu đạt là điều cần thiết cho một xã hội thịnh vượng, công bằng và thúc đẩy nhân quyền, trách nhiệm giải trình và tiến bộ. Nếu Chủ tịch Tô Lâm muốn thể hiện cam kết lãnh đạo toàn cầu thì trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền ở đất nước mình.”, PEN America viết trong thông cáo.

    Giám đốc Nghiên cứu và Vận động của PEN America Anh-Thu Võ cho biết: “Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống Biden và chính phủ Hoa Kỳ tập trung vào nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vận động trả tự do cho những người khác vẫn đang bị giam giữ oan uổng”.

    Theo Chỉ số Tự do Viết lách của PEN America 2023, Việt Nam là quốc gia giam giữ các nhà văn nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Iran và ngang hàng với Ả Rập Saudi. Năm 2023, Việt Nam bỏ tù 19 nhà văn, trong đó có người được trao giải PEN/Barbey Freedom to Write 2024, Phạm Đoan Trang. Qua đó, PEN America viết: “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Phạm Đoan Trang cũng như tất cả các nhà văn và nhà bất đồng chính kiến ​​đang bị cầm tù vì quyền tự do ngôn luận”.

    PEN America hôm 11/4 công bố giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang phải thụ án tù chín năm tại Việt Nam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”

    Nhà hoạt động nhân quyền này đã được nhận nhiều giải thưởng quốc tế như Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ahead-of-presidents-biden-and-to-lams-meeting-pen-america-urges-continued-protection-of-free-expression-in-vietnam-09242024073156.html

    VNCS: Chủ tịch nước Tô Lâm đi Hoa Kỳ: Cơ hội để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt?

    Thanh Phương /RFI

    23/9/2024

    Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã đến New York cuối tuần qua để dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo thông báo của Nhà Trắng, nhân djp này ông Tô Lâm sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ tư 25/09/2024 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Chuyến đi Hoa Kỳ của ông Tô Lâm liệu có sẽ là cơ hội để thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt, trong bối cảnh vừa có những thay đổi trong thượng tầng lãnh đạo ở Hà Nội? 

    Vietnamese President To Lam, right, shakes hands with US Secretary of State Antony Blinken, at the Presidential Palace in Hanoi, Vietnam, Saturday July 27, 2024. (Luong Thai Linh/Pool Photo via AP)

    Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tô Lâm (P) và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 27/07/2024. AP - Luong Thai Linh 

    Trong bài viết đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 29/08/2024, nhà báo chuyên về châu Á David Hutt cho biết ông nghe nói rằng Việt Nam đã muốn chuyến đi của ông Tô Lâm ở Hoa Kỳ là chuyến thăm cấp nhà nước chính thức. Nhưng cuối cùng thì chuyến đi Hoa Kỳ của ông Tô Lâm chỉ là chuyến đi "làm việc" theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 19/09. Theo David Hutt, Hà Nội có thể sẽ không quá nản lòng với một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi như vậy. Bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Tô Lâm với ông Biden hoặc bà Harris đều phần lớn mang tính biểu tượng, "điều quan trọng là họ gặp nhau". 

    Trên trang mạng Geopolitical Monitor ngày 18/09/2024, nhà nghiên cứu độc lập James Borton nhận định chuyến đi của ông Tô Lâm tại Hoa Kỳ có thể sẽ giúp làm nổi bật ý nghĩa của thỏa thuận về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã đạt được vào năm ngoái. 

    Ông Borton nhắc lại tổng thống Joe Biden đã từng ca ngợi mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và cũng đã gởi lời chúc mừng tới chủ tịch nước Tô Lâm khi ông được bầu làm tổng bí thư, bày tỏ “sự lạc quan về chương mới trong sự lãnh đạo của Việt Nam”. Theo tổng thống Biden, chương mới đó là một cơ hội rất tốt để hai nước tăng cường quan hệ chiến lược và hợp tác trong những vấn đề thiết yếu như tăng trưởng kinh tế, an ninh khu vực, thương mại và chống biến đổi khí hậu.

    Trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu James Borton còn lưu ý phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, cũng đã nhanh chóng thừa nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực với tư cách là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. Mặc dù có sự khác biệt về hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, Hoa Kỳ đã cố xây dựng mối quan hệ dựa trên thiện chí và lòng tin hiện có giữa Hà Nội và Washington.

    Tuy nhiên, theo ông Borton, nhân quyền vẫn là một chủ đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Việt Nam. Hoa Kỳ thường nêu ra các vấn đề về tự do ngôn luận, quyền lao động và bất đồng chính kiến, trong khi Việt Nam coi đây là những vấn đề nội bộ. Các vấn đề chính trị và nhân quyền vẫn là những điểm bế tắc có thể ảnh hưởng đến bang giao lâu dài.

    Trước chuyến đi Hoa Kỳ của thăm của ông Tô Lâm, chính phủ Việt Nam đã trả tự do trước thời hạn cho một số nhà hoạt động hàng đầu, đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà hoạt động nhân quyền bị kết án tù 16 năm vào năm 2010 về tội " Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" và bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường đang thọ án 3 năm tù về tội "gian lận thuế" sau khi bị kết án vào năm ngoái. Hành động này có thể báo hiệu những nhượng bộ tiềm tàng của Hà Nội đối với mối quan ngại của Washignton về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. 

    Ngoài ra còn phải tính đến "yếu tố Trung Quốc". Trước khi đến Hoa Kỳ, ông Tô Lâm đã chọn Trung Quốc để mở chuyến công du ngoại quốc đầu tiên với tư cách tổng bí thư đảng. Đây là chuyện bình thường theo truyền thống ngoại giao của Việt Nam với láng giềng Cộng sản phương bắc. Nhưng trong khi quan hệ Việt-Trung có vẽ rất hữu hảo, thì quan hệ Việt – Mỹ dường như đang gặp vấn đề, nhất là qua việc Washington đã từ chối công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Trả lời RFI qua điện thoại ngày 05/09/2024, tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ, nhận định:

    "Quan hệ Việt Nam với Mỹ chỉ có thể phát triển bình thường và ổn định khi Việt Nam có thể trấn an Trung Quốc rằng các phát triển trong quan hệ Việt-Mỹ sẽ không làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Do vậy, việc ông Tô Lâm đi thăm Trung Quốc trước khi đi thăm Mỹ là một bước đi cần thiết để tạo tiền đề cho chuyến thăm Mỹ sắp tới, chứ hoàn toàn không thể hiện Việt Nam ngả theo bên này hay bên kia. 

    Rõ ràng là việc Washington từ chối công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường là một bước lùi rất lớn trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, nhất là khi Việt Nam đặt việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là ưu tiên trong quan hệ với Mỹ. Cần phải nói rõ: Việt Nam không được công nhận không phải là do Việt Nam không có nền kinh thế thị trường thực sự, mà là do Mỹ vẫn còn nhiều nghi kỵ đối với chính quyền Cộng sản ở Việt Nam. 

    Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ sẵn sàng công nhận kinh tế thị trường với các nước đồng minh châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan, mặc dù các nước này lúc bấy giờ có nền kinh tế phi thị trường và không có công đoàn độc lập như Mỹ yêu cầu. Mỹ đã cấp quy chế kinh tế thị trường để bảo đảm là các nước này phát triển thần kỳ, nhanh chóng, dưới sự bảo hộ của Mỹ và từ đó có thể giúp Mỹ chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.

    Tuy nhiên,Việt Nam hiện tại không nhận được ưu ái đó, do chưa phải là đồng minh của Mỹ, cũng như tiếng nói chống Cộng sản của đại bộ phận cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn còn rất lớn. Yếu tố ý thức hệ này sẽ là vật cản lớn, song song với các sức ép từ phía Trung Quốc buộc Việt Nam giữ vị trí trung lập trong quan hệ Việt-Mỹ."  

    Khi tỏ ra quá thân thiện với ông Tập Cận Bình nói riêng và với Bắc Kinh nói chung, thể hiện qua chuyến đi Trung Quốc vừa qua của ông Tô Lâm, liệu Hà Nội có sẽ khiến chính quyền Biden nghi ngờ về thực tâm của Việt Nam muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ? Ngược lại, Hà Nội đã thật sự có sự tin cậy vào Washington, hay vẫn còn ngờ vực về ý đồ thật sự của Mỹ? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang cố giải đáp những câu hỏi đó:

    "Yếu tố ý thức hệ là một trong những nguyên nhân chính đằng sau việc Mỹ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, và như tôi đã nói thì quan hệ Việt - Mỹ chỉ có thể phát triển bình thường và ổn định khi Việt Nam có thể trấn an Trung Quốc rằng các phát triển trong quan hệ Việt-Mỹ không làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. 

    Nếu như so sánh yếu tố ý thức hệ trong quan hệ Việt-Trung trong chuyến thăm vừa qua của ông Tô Lâm  với quan hệ Việt- Mỹ, có thể thấy là Việt Nam và Trung Quốc đều đạt được đồng thuận về việc phải duy trì ổn định chính trị ở mỗi nước. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhu cầu hay lợi ích nào trong việc ủng hộ cách mạng màu hay lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam, do nếu Việt Nam gặp bất ổn chính trị thì Trung Quốc cũng sẽ bị vạ lây, do là láng giềng với nhau. Trung Quốc vẫn mong muốn Việt Nam phát triển ổn định và trung lập. 

    Trái lại thì Mỹ mặc dù trấn an Việt Nam rằng họ tôn trọng chính quyền Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên việc Mỹ vẫn ủng hộ các tổ chức đối lập với nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục khiến Hà Nội nghi ngờ mục tiêu thật sự của Mỹ. Khác với Trung Quốc, Mỹ không phải chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu cách mạng lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam nổ ra, do Mỹ ở rất xa. 

    Mỹ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường sẽ càng xác nhận với phía Việt Nam là Mỹ vẫn chưa đủ thiện chí để nâng cấp quan hệ hai nước thêm sâu rộng hơn, vì thật ra, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ hiện nay vẫn chưa có thực chất. Ông Tô Lâm thăm Mỹ với vai trò tổng bí thư sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tăng uy tín với chính giới Mỹ. Tuy vây, việc tăng uy tín đó có khiến Mỹ thôi ủng hộ các tổ chức chống nhà nước Việt Nam hay không thì chúng ta chưa thể biết rõ." 

    Tuy vậy, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu James Borton, chuyến thăm gần đây của bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Washington ngày 09/09/2024 có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ đối tác an ninh đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực như an ninh hàng hải, hiện đại hóa quốc phòng và hoạt động gìn giữ hòa bình. Chuyến thăm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi cả hai nước cùng chia sẻ mối quan tâm về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.

    Nhưng với việc hai nước nay đã nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, liệu Việt Nam có thể dựa vào Mỹ nhiều hơn để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang đánh giá về khả năng đó:

    "Nếu chúng ta nhìn cách Mỹ ủng hộ đồng minh Philippines ở Biển Đông thì sẽ thấy là Mỹ họ cũng ngại bị kéo vào tranh chấp lãnh thổ giữa đồng minh và Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc bắt nạt Philippines từ đầu năm đến nay rất nhiều, nhưng Mỹ đã không có hành động nào cụ thể để bảo vệ đồng minh. Việt Nam nên nhìn qua Philippines để hiểu là sẽ không dễ mà Mỹ can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. 

    Trái lại, việc Việt Nam không phải đồng minh với Mỹ lại có lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyển trên biển, khi Trung Quốc im lặng và không bắt nạt Việt Nam, bất chấp Việt Nam đã cải tạo và bồi đắp đảo diện rộng lớn hơn Philippines rất nhiều. Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy là chỉ cần Việt Nam không liên minh với Mỹ thì họ có thể nhân nhượng trên biển, để Việt Nam cũng được có lợi.

    Chưa kể trong tương lai sắp tới, khi cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông ngày càng nghiêng về Trung Quốc, Mỹ sẽ càng ngại và càng khó mà hỗ trợ đồng minh và đối tác trong khu vực. Chỉ cần nhìn qua Philippines, Việt Nam nên thấy là quan hệ đồng minh với Mỹ sẽ không giải quyết được cả các vấn đề an ninh nổi cộm hiện nay."

    Trong bài viết trên trang Geopolitical Monitor, nhà nghiên cứu James Borton nhấn mạnh kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024 sẽ có tác động lớn đến quan hệ quốc tế của Mỹ, ảnh hưởng đến chính sách thuế quan và các hiệp định thương mại. Nếu phó tổng thống Harris đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ-Việt chắc là sẽ không có thay đổi đáng kể. Trong khi đó, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Washington đã rút ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương và thi hành một chính sách thiên về chống toàn cầu hóa và chống tự do mậu dịch. Nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Việt có sẽ thay đổi nhiều? Liệu chính sách ngoại giao "cây tre" của Việt Nam, giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc đối địch, sẽ còn tác dụng đối với chính quyền Trump 2 hay không? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang nhận định:

    "Hiện hãy còn quá sớm để đánh giá được chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ 2 đối với Việt Nam. Nhưng có một điểm khá là bất ngờ đối với nhiều học giả, đó là nếu nhìn vào chính sách ngoại giao của tổng thống Trump nghiệm kỳ thứ nhất, thì ông cũng không đi ngược lại những truyền thống ngoại giao của Mỹ đến mức trầm trọng như nhiều người dự đoán. Trong giai đoạn 2017-2021, chính quyền tổng thống Trump vẫn rất sẵn lòng tôn trọng chính sách ngoại giao "cây tre" của Việt Nam và cũng rất  sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc phòng với giữa hai nước. vẫn được chính quyền Trump hợp tác và ủng hộ . Do vậy, theo tôi, chính sách ngoại giao « cây tre » của Việt Nam vẫn sẽ hiệu quả đối với chính quyền  Trump 2.

    Tuy vậy, nếu quan hệ Mỹ-Trung trở nên trầm trọng hơn dưới nhiệm kỳ 2 của tổng thống Trump, rõ ràng là dư địa để Việt Nam có thể sử dụng ngoại giao "cây tre" nhằm cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng hẹp lại."

    https://www.rfi.fr/vi

    HRW: Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’ 

    24/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hiệp quốc, New York, ngày 22/9/2024.

    Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hiệp quốc, New York, ngày 22/9/2024. 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 23/9 kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo các hãng Meta, Google chớ thấy việc Việt Nam phóng thích một số ít các tù nhân chính trị mà vội cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là nhà lãnh đạo có quan điểm cải cách.

    HRW cho rằng Việt Nam chỉ thả “tượng trưng” một số ít tù nhân chính trị trong khi ông Tô Lâm vẫn ra tay “đàn áp khắc nghiệt” đối với giới tranh đấu cho nhân quyền.

    “Ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước của Việt Nam, là một trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới có hồ sơ nhân quyền kém cỏi đến thăm thành phố New York trong tuần này để tham dự cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”, ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW viết trong thông cáo ngày 23/9.

    Ông Lâm sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 25/9 và dự kiến sẽ gặp các giám đốc điều hành của Meta và Google, Nhà Trắng và truyền thông Việt Nam loan tin.

    “Trước đây, khi còn là bộ trưởng công an, ông Tô Lâm đã giám sát một cuộc đàn áp lớn đối với những người bất đồng chính kiến, với hàng trăm nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bắt và bị giam cầm”, ông Sifton điểm lại.

    Đại diện của HRW cho biết trong số những người bị bắt có nhà hoạt động vì môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người đã theo học tại Đại học Columbia với tư cách là người nhận học bổng Obama. “Một sự phản đối trong cộng đồng đại học Columbia dường như đã buộc chính quyền Việt Nam phải thả bà Hồng vào ngày 20/9, ngay trước khi ông Tô Lâm khởi hành đi New York”, ông Sifton lưu ý.

    Lịch làm việc của ông Tô Lâm bao gồm việc ông phát biểu về chính sách và giao lưu với sinh viên tại Đại học Columbia.

    Vào tháng 6/2023, ngay khi bà Hồng bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”, ông Ben Chang, người phát ngôn của trường Đại học Columbia cho biết trong một tuyên bố rằng trường rất “quan ngại”, đồng thời kêu gọi Việt Nam cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội của bà.

    Một người nữa là tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã được ân xá và phóng thích sớm 8 tháng trước so với bản án đầy đủ là 16 năm tù. Ông Thức được cho là đã từ chối tuân thủ lệnh ân xá, cho biết rằng ông chưa nộp đơn xin ân xá, vẫn theo tổ chức HRW.

    “Tôi không có tội cũng như [không] lý do gì để nhận đặc xá”, ông Thức viết trên Facebook hôm 21/9, nói rằng: “Một cách mặc nhiên, tôi đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước”.

    Trong những điều mà ông Thức lên án là “vô lý”, ông thuật lại rằng “người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc ‘đặc xá’ cho tôi”. Ông được phía trại giam nói rằng ông “không có quyền tiếp tục ở lại trại giam”, và ông bị đưa ông lên máy bay để về nhà ở thành phố Hồ Chí Minh.

    Như VOA đã đưa tin, hôm 21/9, ông Thức được trả tự do 8 tháng trước hạn tù 16 năm với cáo buộc “lật đổ chính quyền”. Tuy nhiên, ông vẫn phải chịu án quản chế 5 năm sau án tù.

    “Sự phi lý độc đoán như vậy bao quanh ông Tô Lâm”, HRW nhận xét. Thông cáo của tổ chức này cũng nhắc đến sự việc nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm bị phạt 5 năm rưỡi tù sau khi làm video chế giễu bữa ăn bò bít tết của ông Tô Lâm và đăng video đó lên mạng xã hội.

    Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York đánh giá rằng chính quyền Việt Nam thường xuyên bắt giữ và truy tố những người bất đồng chính kiến vì họ sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube để tham gia các hoạt động về tự do ngôn luận, bao gồm Phan Vân Bách và Nguyễn Vũ Bình, người đoạt giải Văn Bút Mỹ Phạm Đoan Trang, blogger Huy Đức và nhiều người khác.

    Ông Shifton của HRW kêu gọi ông Biden và các giám đốc điều hành của Meta và Google khi tiếp ông Lâm trong tuần này chớ có xem việc trả tự do cho hai nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng và Trần Huỳnh Duy Thức là bằng chứng về cải cách.

    “Họ nên nêu lên mối quan ngại về tất cả những người bị truy tố oan vì các bài đăng trực tuyến, công khai kêu gọi trả tự do và tìm kiếm hành động chứng minh rằng quyền tự do ngôn luận trực tuyến tại Việt Nam sẽ được bảo vệ”, ông Shifton nhấn mạnh.

    VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các công ty Meta, Google, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

    Theo quan sát của VOA, đối với một số người, việc ông Tô Lâm trả tự do sớm cho ông Thức và bà Hồng, cho thấy “có những tín hiệu cởi mở”. Tuy nhiên, giới đấu tranh cho tự do, nhân quyền khẳng định rằng không có gì gọi là sự “cởi mở” cả, vì thực chất, việc trả tự do sớm hơn hạn định ít tháng, chỉ là để “làm quà” cho chuyến thăm Hoa Kỳ, nhằm xoa dịu chính phủ Mỹ, về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

    “Những chuyện thả như vậy là sự đổi chác, vẫn xảy ra bình thường”, nhà hoạt động, cựu tù nhân Phạm Minh Hoàng ở Pháp nêu nhận định với VOA. “Những tiền lệ đã xảy ra và đến nay vẫn đúng: mỗi lần có quan chức qua Mỹ thì thường có việc này như món quà vậy đó”.

    Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích bà Hồng trong khi Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Mỹ kêu gọi trả tự do cho ông Thức.

    Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo.

    Trong diễn biến liên quan, hôm 23/9, tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London, Anh ghi nhận việc ông Thức được chính quyền Việt Nam phóng thích, nhưng nói rõ rằng “lẽ ra ông không phải ngồi tù ngay từ đầu”.

    “Ông đã bị kết án sau khi ủng hộ cải cách quản trị ở Việt Nam”, tổ chức Ân xá Quốc tế, một trong những tổ chức vận động trả tự do cho ông Thức, viết trên trang X hôm 23/9.

    “Chính phủ Việt Nam phải chấm dứt án quản chế của ông Thức, cũng như trả tự do cho tất cả những người khác bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ”, Ân Xá Quốc tế kêu gọi.

    https://www.voatiengviet.com/a/hrw-lanh-dao-to-lam-cua-viet-nam-xua-nay-van-la-ke-vi-pham-nhan-quyen-/7795581.html

    Ông Tô Lâm đề cao ‘tiến bộ xã hội, giải phóng con người’ tại LHQ; nhiều người Việt biểu tình 

    23/09/2024 


    VOA Tiếng Việt 

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, 22/9/2024.


    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, 22/9/2024. 

    Phát biểu trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam trước Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc vào trưa 22/9, ông Tô Lâm nhấn mạnh “mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta”.

    Ông Tô Lâm, người cũng nắm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, có thực quyền quyết sách cao nhất, phát biểu thêm rằng “Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện…”, theo tường thuật trên trang web của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

    Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai diễn ra trong hai ngày 22 và 23/9 ở New York, Mỹ, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước để thông qua Hiệp ước Cho Tương lai với các điều khoản về phát triển bền vững, cấp vốn cho phát triển, hòa bình và an ninh quốc tế, khoa học-kỹ thuật, đổi mới-sáng tạo, hợp tác kỹ thuật số, tuổi trẻ và thế hệ tương lai, và chuyển đổi việc quản trị toàn cầu.

    Sự hiện diện của ông Tô Lâm ở New York được truyền thông nhà nước Việt Nam chủ ý nêu bật, theo quan sát của VOA. Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn đại sứ của nước này tại LHQ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh rằng “Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng LHQ và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ”.

    Vẫn trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai, ông Tô Lâm đưa ra quan điểm: “Thành tựu khoa học công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hoà bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc”.

    Việt Nam “đề nghị tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân, giảm thiểu đầu tư nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hủy diệt”, ông Tô Lâm nói tiếp trong bài phát biểu có tính lịch sử của một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại LHQ.

    Ông cũng kêu gọi các quốc gia “tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình” và “các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm”, theo video của LHQ.

    Sau khi ông Tô Lâm phát biểu, đã nổ ra một cuộc biểu tình phản đối ông ở bên ngoài trụ sở LHQ. Tham gia biểu tình là khoảng 100 người thuộc Cộng đồng người Việt quốc gia liên bang Hoa Kỳ; Cộng đồng người Việt ở Toronto, Canada; đảng Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài có mặt ở đó cho VOA biết.

    Những lời của ông Tô Lâm đề cao “giải phóng con người” bị xem là không đáng tin, theo góc nhìn của ông Đài:

    “Sau gần 10 năm dưới thời ông Tô Lâm, hầu như những tiếng nói đối lập, bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị ông Tô Lâm xóa bỏ hoàn toàn. Phần lớn bị bắt cầm tù, phần thì chạy trốn ra nước ngoài tị nạn. Đấy là những ‘thành tích nhân quyền’ của ông ấy. Vi phạm nhân quyền rất là trầm trọng. Do vậy, lời nói của ông ấy trước LHQ rất là giả dối so với những gì ông ta đã làm trong khoảng 10 năm vừa qua”.

    Khoảng 100 người biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm ở New York, 22/9/2024.


    Khoảng 100 người biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm ở New York, 22/9/2024. 

    Mặc dù vậy, ông Đài, nhà tranh đấu từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù và về sau bị ép đi sống lưu vong ở Đức, nói với VOA rằng ông mong nhìn thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam sẽ có những bước đi để sửa chữa các sai lầm trong quá khứ, mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho đất nước.

    Lý giải cho suy nghĩ này, ông Đài nêu ra việc Việt Nam tha tù trước hạn cho hai nhà hoạt động nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng trước khi ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ được xem là dấu hiệu tích cực.

    Nhưng ông Đài nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm cần phải có những bước đi thực chất hơn để cho thấy ông ấy có những thay đổi thực sự:

    “Song song với trả tự do cho tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tại Việt Nam, thì ông ấy sẽ không bắt thêm bất kỳ nhà hoạt động đối lập nào ở trong nước nữa. Thứ hai, ông ấy phải có lộ trình cởi mở về truyền thông mạng xã hội, cho phép những tiếng nói phản biện, bất đồng chính kiến tiếp tục được thể hiện. Thứ ba, ông ta phải cởi mở về xã hội dân sự. Trước đây, ông ta đàn áp, xóa bỏ gần hết. Bây giờ ông ta phải cho hoạt động trở lại”.

    Tiếp sau những bước đi trước mắt nêu trên, ông Đài bày tỏ kỳ vọng được thấy ông Tô Lâm tiến hành sửa đổi Hiến Pháp, ban hành các luật về biểu tình, lập hội, lập đảng phái… để Việt Nam có một tiến trình dân chủ.

    VOA liên lạc với văn phòng của ông Tô Lâm và Đại sứ quán Việt Nam ở Washington, Mỹ, để tìm hiểu về phản ứng của họ đối với các quan điểm của ông Nguyễn Văn Đài, nhưng chưa có hồi đáp.

    https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-de-cao-tien-bo-xa-hoi-giai-phong-con-nguoi-nhieu-nguoi-viet-bieu-tinh/7794086.html

    Nhà Trắng nói Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm tại New York 

    23/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện ở New York hôm 23/9.

    Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện ở New York hôm 23/9. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào ngày 25/9, theo Nhà Trắng cho biết, trong khi cả hai nhà lãnh đạo có mặt tại New York để tham dự cuộc họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

    Một thông báo của Nhà Trắng đưa ra hôm 22/9 về các hoạt động dự kiến của Tổng thống Biden trong tuần này, gửi cho các phóng viên gồm VOA, cho biết “Tổng thống sẽ tham dự cuộc hội đàm với Tổng bi thư Tô Lâm của Việt Nam” trong hoạt động đầu tiên của ông trong ngày 25/9.

    Nhà Trắng không cho biết chi tiết những gì hai lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận trong cuộc gặp vốn sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng LHQ tại New York. Theo lịch trình mà Nhà Trắng đưa ra, Tổng thống Biden sẽ tới New York vào tối ngày 23/9. Tổng bí thư Tô Lâm đã có mặt tại New York từ ngày 22/9 và đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của LHQ.

    Đây sẽ là lần đầu tiên ông Lâm gặp Tổng thống Biden kể từ khi ông trở thành chủ tịch nước và sau đó đảm nhận thêm chức tổng bí thư Đảng của Việt Nam.

    Trong thư chúc mừng gửi ông Lâm khi được đầu làm tổng bí thư Việt Nam vào tháng trước, ông Biden nói rằng ông và Phó Tổng thống Kamala Harris “mong muốn được làm việc với Tổng bí thư Tô Lâm để tiếp tục thúc đẩy tiến trình lịch sử vốn hỗ trợ một nước Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường.”

    Ông Biden, người sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1 năm tới và đã rút lui khỏi cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng, đã thăm Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái và cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên tầm chiến lược cao nhất. Trong chuyến thăm đó, Mỹ cũng đã đạt được các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản với Việt Nam.

    Theo các nhà phân tích, Tổng thống Biden muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa chiến lược ở Đông Nam Á và là trung tâm sản xuất của khu vực, để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, những nước mà Việt Nam cũng có quan hệ ở mức đối tác chiến lược toàn diện.

    Trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ kể từ khi được bổ nhiệm chức tổng bí thư vào tháng 8, ông Lâm hôm 23/9 đã tham dự sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, theo VietNamNet.

    Phát biểu trước các quan chức và cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng như cộng đồng người Việt tại Mỹ tại sự kiện ở New York, ông Lâm nói rằng hai nước đã “phải trải qua nhiều thách thức, thăng trầm, từ cựu thù chiến tranh trở thành bạn bè và phát triển quan hệ lên thành Đối tác toàn diện vào năm 2013.”

    Vẫn theo VietNamNet, ông Lâm dẫn lời Tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln, nói rằng “cách tốt nhất để đoán định tương lai là kiến tạo tương lai” và rằng Việt Nam và Mỹ đã tạo nên một hình mẫu trong quan hệ quốc tế.

    Thượng nghị sỹ Mỹ Dan Sullivan, người phát biểu tại sự kiện này, khẳng định rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ, với tiềm năng phát triển to lớn. Theo VietNamNet, ông Sullivan cũng cho biết rằng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng,” một quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu ở khu vực.

    Gặp Đảng Cộng sản Mỹ

    Trước đó vào chiều ngày 22/9, ông Lâm đã gặp gỡ và trao đổi với Đảng Cộng sản, tổ chức cánh tả và bạn bè Mỹ tại New York, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.

    Trích dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tờ báo cho biết rằng ông Lâm đã cảm ơn và bày tỏ trân trọng “trước sự ủng hộ, tình cảm của những đồng chí cộng sản, bạn bè, nhân dân Mỹ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ.” Cũng tại buổi gặp, ông Lâm khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác trong quan hệ của Việt Nam với các nước, trong đó có Mỹ.

    Đồng Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ Rossana Cambron được Tuổi Trẻ trích lời nói tại buổi gặp rằng bà “ấn tượng sâu sắc và được truyền cảm hứng về một nước Việt Nam hiện đại, thịnh vượng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai đảng trong thời gian tới.

    Việt Nam đã yêu cầu Mỹ đưa quốc gia Đông Nam Á do Đảng Cộng sản cầm quyền ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường nhưng Bộ Thương mại Mỹ vào đầu tháng 8 đã quyết định tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách gồm 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, bị Mỹ coi là có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào nền kinh tế.

    Cũng trong chiều 22/9, ông Lâm đã gặp mặt Phó Chủ tịch Tập đoàn Boeing, Brendan Nelson, tại New York, trong đó tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi tập đoàn Mỹ “nghiên cứu, triển khai đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, trung tâm bảo dưỡng tại Việt Nam," theo VnExpress. Ông Lâm cũng được tờ báo trích lời đề nghị Boeing tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua.

    Theo VnExpress, ông Nelson khẳng định rằng hai bên quyết tâm trong năm 2028 hoàn thành hợp đồng đã ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam vào năm ngoái. Tờ báo còn cho biết rằng vị lãnh đạo của Boeing, tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới và nhà sản xuất hàng đầu về máy bay thương mại, cũng cam kết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam.

    Trước chuyến đi của ông Tô Lâm, chính quyền Việt Nam đã thả hai nhà hoạt động nổi tiếng, gồm Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng, được tự do trước thời hạn.

    Ông Lâm dự kiến sẽ phát biểu tại Đại học Columbia ở New York trong ngày 23/9.

    Dân biểu Mỹ Michelle Steel đã gửi một bức thư phản đối việc trường đại học này mời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới phát biểu tại Diễn đàn Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến diễn ra vào 11 giờ sáng. Trong bức thư, bà Steel, nghị sĩ gốc Hàn Quốc của Hạ viện Mỹ đại diện Địa hạt 45 ở California – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, cho rằng Đại học Columbia không nên “tiếp nhận một trong những nhà lãnh đạo độc tài nổi tiếng nhất” trong khi thúc đẩy môi trường đại học tự do ngôn luận và biểu đạt.

    Nói với Columbia Spectator, ông John Stifton, giám đốc châu Á của Human Rights Watch cho rằng “Cộng đồng Columbia nên đặt câu hỏi về hồ sơ của ông Tô Lâm và hỏi ông tại sao hàng trăm người bất đồng chính kiến vẫn phải ngồi sau song sắt.”

    VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Đại học Columbia.

    Khoảng 100 người thuộc cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã biểu tình bên ngoài trụ sở LHQ ở New York hôm 22/9 khi ông Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, nơi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói “lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta.”

    https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-tong-thong-biden-se-gap-tong-bi-thu-viet-nam-to-lam-new-york/7794860.html

    Nhân chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước Việt Nam, hai bên ký nhiều thỏa thuận về công nghệ, năng lượng

    Thanh Phương /RFI

    24/9/2024

    Theo thông báo của chính phủ Việt Nam hôm nay, 24/09/2024, các công ty của Việt Nam và Hoa Kỳ hôm qua đã ký nhiều thỏa thuận về công nghệ và năng lượng nhân chuyến đi họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ của tổng bí thư đảng Cộng Sản kiêm chủ tịch nước Tô Lâm. 

    Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại hội nghị "Thượng đỉnh vì Tương lai"  tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2024.

    Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại hội nghị "Thượng đỉnh vì Tương lai" tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2024. AP - Frank Franklin II 

    Các văn bản được ký kết nhân buổi tọa đàm doanh nghiệp do hai bên phối hợp tổ chức với sự tham dự của ông Tô Lâm, bao gồm thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng và nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, biên bản ghi nhớ về nghiên cứu, cung cấp giải pháp phần mềm trong ngành điện và dầu khí, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khí hóa lỏng, biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất khí tự nhiên.

    Riêng hãng hàng không Vietjet Air thì ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không với công ty Mỹ Honeywell.

    Theo thông báo của chính phủ Việt Nam, trong buổi tọa đàm tại New York, ông Tô Lâm đã bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất của Việt Nam “để tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ”. Ông cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, sau khi vào tháng trước bộ Thương Mại Hoa Kỳ vẫn đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường. 

    Theo trang mạng Nikkei Asia, sáng hôm qua, trong bài phát biểu tại Đại học Columbia, tổng bí thư Tô Lâm nhìn nhận: “Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những cái nhìn khác biệt về nhân quyền và về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo”.

    Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, theo dự kiến, lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày mai.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào