Header Ads

  • Breaking News

    Đọc báo Việt Nam: Việt Nam và cuộc đua bán dẫn: Cổ điển hay lượng tử?

    NHIÊN ANH/ Báo Tuổi Trẻ cuối tuần Việt Nam

     23/09/2024 

    Việt Nam và cuộc đua bán dẫn: Cổ điển hay lượng tử? - Ảnh 1.

    Ảnh: France 24

    TTCT - Để tiện hình dung về nền sản xuất và năng lực công nghệ nói chung của Việt Nam khi định theo đuổi giấc mơ bán dẫn, có thể ví một quốc gia chọn công nghiệp làm nền tảng phát triển như một nhà máy sản xuất sản phẩm điện gia dụng.

    Phổ sản phẩm họ bán ra thị trường sẽ có 3 loại: loại cơ bản, lời ít số lượng nhiều - để có doanh số; loại trung cao cấp - số lượng vừa phải, lời vừa phải; và loại cao cấp - số lượng ít, lời nhiều. 

    Dần dần phổ sản phẩm sẽ chuyển lên nấc cao hơn, loại cơ bản thành trung cấp, và trung cấp thành cao cấp. Nhờ đó, doanh số tăng, lợi nhuận cũng tăng mà số lượng không cần thiết phải tăng.

    Khi trình độ sản xuất khác nhau

    Loại cơ bản dần dà sẽ bị cạnh tranh bởi các công ty nhỏ hơn, trình độ kém hơn, nhưng có lợi thế chi phí, đặc biệt là chi phí nhân công, thấp hơn. Những ví dụ điển hình là các sản phẩm điện gia dụng công nghệ thấp như quạt máy, tủ lạnh, tivi. 

    Điều này cũng đúng ở tầm mức quốc gia: Trung Quốc đi từ dệt may - da giày lên điện tử giá rẻ, và bắt đầu chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao từ đầu những năm 2000.

    Nhật Bản sau Thế chiến II, với nền tảng có sẵn, chọn ngay phân khúc cao cấp - điện tử, tự động hóa, với Sony là ngọn cờ đầu, và xe hơi, với Toyota, nhưng lại sơ sểnh với máy tính xách tay và mất cơ hội hoàn toàn về điện thoại di động. 

    Quốc gia chỉ tập trung vào phân khúc thấp nhất, dễ nhất và hầu như không có cơ hội vươn lên là Bangladesh. Trong khi đó, nền kinh tế phát triển thành công nhất bằng cách tuần tự nhi tiến phổ sản phẩm là Hàn Quốc. 

    Khởi đầu là nguyên liệu, máy móc dệt may, sau đó là công nghiệp nặng, nguyên liệu thép và bứt lên ngoạn mục về điện tử, điện thoại di động với những tên tuổi như LG hay Samsung; để bây giờ họ trở thành thế lực trong ngành chip. 

    Nếu học về kinh tế phát triển và tìm một nghiên cứu tình huống điển hình nhất cho mô hình phát triển dựa trên công nghiệp, có thể coi Hàn Quốc là hình mẫu lý tưởng.

    Trong các quốc gia Đông Nam Á, Singapore thành công trong việc lựa chọn phổ trung bình khá đi lên, từ công nghiệp, hóa dầu, sau đó chuyển thẳng lên dịch vụ logistics, kinh tế - tài chính, đầu tư và đổi mới sáng tạo. 

    Malaysia và Thái Lan thành công trong chuyển đổi từ cơ bản sang trung bình khá, nhưng sau đó rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi loay hoay không có hướng phát triển đột phá, không tạo ra được sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu, không có xe hơi hay máy tính made in Thailand hay Malaysia.

    Việt Nam, đoạn đầu đi đúng con đường của Trung Quốc: dệt may - da giày đã thành công. Đoạn sau đi tiếp con đường của Malaysia và Thái Lan, gia công, lắp ráp cụm và thành phẩm sản phẩm điện, điện tử, điện gia dụng. 

    Cũng cố xây dựng thương hiệu quốc gia nhưng thất bại, và cũng đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mắc kẹt ở trình độ gia công lắp ráp và năng suất lao động thấp.

    Việt Nam và cuộc đua bán dẫn: Cổ điển hay lượng tử? - Ảnh 2.

    Ảnh: YouTube

    Tương lai xán lạn?

    Bài toán này dường như không có lời giải cho đến khi thuật ngữ 4.0 và cơn bão AI - công nghiệp bán dẫn xuất hiện vài năm trở lại đây. 

    Tiệm tiến đi lên không được, thời gian qua thông tin dồn dập cho thấy kinh tế Việt Nam định chọn con đường kiểu bước nhảy lượng tử, tức bằng cách nào chưa biết, nhưng hy vọng và quyết tâm là năng lực, trí tuệ và ý chí sẽ giúp chúng ta sớm muộn cũng trở thành trung tâm hàng đầu về nhân sự, công nghệ bán dẫn, về lập trình, thiết kế chip… 

    Rất nhiều doanh nhân thành đạt và yếu nhân của quốc gia đều đồng thanh về tương lai xán lạn của ngành công nghiệp trí tuệ cấp cao này.

    Nó như là một đợt ra quân và chiến dịch mấy trăm ngày giải tỏa mặt bằng hay kéo đường dây điện 500 KV mạch 3. Thật ra, sự tự tin đó không phải là hoàn toàn không có cơ sở. 

    Có lẽ một phần sự tự tin xuất phát từ thành công trong quá khứ của Bộ Bưu chính Viễn thông cuối những năm 1990, khi bỏ hẳn công nghệ analog và chuyển sang công nghệ số cho hạ tầng viễn thông. Rồi sau đó là sự bứt phá ngoạn mục của hạ tầng Internet ở Việt Nam nhờ công của những tập đoàn như Viettel hay FPT.

    Như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (bài viết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trên Vietnamnet 20-8: "Chiến lược bán dẫn: C = SET + 1"), Việt Nam sẽ trở thành số 1 nếu lựa chọn đúng hướng, nhắm vào chip chuyên dụng, tức chip dùng cho tích hợp AI vào các thiết bị điện tử và chuyển đổi số. 

    Nhật Bản nhờ đưa chip bán dẫn vào cassette, tivi, tủ lạnh mà hóa rồng vào những năm 1970-1980. Bây giờ nếu Việt Nam đưa được chip AI vào thiết bị AI thì cũng có thể nhờ đó mà hóa rồng trong thế kỷ 21.

    Chip cho phân khúc thị trường này thì dễ làm hơn các loại chip công nghệ cao như của Intel hay Nvidia, mà thị trường lại lớn hơn rất nhiều. 

    Nên đây là cơ hội rõ rệt cho ngành công nghiệp số của Việt Nam, cũng là để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo mà cho đến nay chưa thoát hẳn khỏi công đoạn lắp ráp giản đơn và các ngành giá trị thấp.

    Việt Nam và cuộc đua bán dẫn: Cổ điển hay lượng tử? - Ảnh 3.

    Công nhân làm việc trong một nhà máy dệt may ở Bình Thuận. Ảnh: Getty

    Để chuẩn bị nhân lực cho cú nhảy lượng tử này, nhanh nhất và hiệu quả nhất là đào tạo lại (ngắn hạn) kỹ sư điện tử, công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm… Đây là cơ hội lớn, hấp dẫn, cần bền bỉ, chấp nhận mạo hiểm và rủi ro. Thông điệp của bộ trưởng là chuẩn xác và rõ ràng.

    Tuy nhiên, với con mắt của người làm sản xuất, vốn từng nhiều lần hy vọng để rồi thất vọng về hiện thực của nền sản xuất mới chỉ là lắp ráp, chế tạo giản đơn của Việt Nam suốt 20 năm qua, tôi vẫn phân vân với câu hỏi: Ai sẽ sản xuất ra các con chip made in Vietnam? 

    Cho đến giờ, thực tế là chưa có công ty Việt Nam nào sản xuất thương mại được chip. Còn công ty nước ngoài lớn nhất sản xuất chip ở Việt Nam là Intel thì họ chỉ làm công đoạn cuối là test kiểm và đóng gói - công đoạn vốn ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị của con chip.

    Ăn sóng nói gió hay ăn chắc mặc bền

    Việt Nam chưa có khả năng tự sản xuất chip, đó là sự thật. Đó vẫn là sân chơi của những tay to ngoại quốc. Như vậy viễn cảnh chúng ta hướng tới là Việt Nam lập trình thiết kế chip - đưa cho TSMC của Đài Loan, SK Hynix của Hàn Quốc gia công chế tạo rồi ta bán cho các công ty lắp ráp sản phẩm điện tử, vốn cũng là của nước ngoài nốt, khó thể coi là chắc chắn.

    Chúng ta sẽ chiếm được bao nhiêu điểm then chốt trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành công nghiệp bán dẫn thương mại, khi mà công đoạn chế tạo lẫn khách hàng đầu ra, chúng ta đều không hề chủ động? Nói như vậy không phải để bàn ra, nhưng ngay cả có chấp nhận mạo hiểm và rủi ro, viễn cảnh đó vẫn là hết sức gian nan. 

    Một bài học nhãn tiền và gần gũi hơn: cho tới nay Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ là nơi nhận gia công lại trong ngành công nghiệp phần mềm, còn các khâu có giá trị gia tăng cao nhất, như thiết kế và nội dung gốc, thiết bị phần cứng, hay chợ ứng dụng, đều không có cái tên nào thực sự là của Việt Nam.

    Lựa chọn phát triển phổ sản phẩm cao là công nghiệp bán dẫn, với Việt Nam, có thể được coi là chiến lược đột phá kiểu bước nhảy lượng tử, tức nhảy vọt nhờ vào năng lượng đột ngột. Nhưng nên chăng chúng ta cũng cần tin ở vật lý cổ điển của trần gian đã.

    Tức nếu đại kế hoạch bán dẫn, nói phỉ phui, chẳng may mà thất bại thì phân khúc dưới, cơ bản và trung bình khá, nơi vẫn đang tạo ra sinh kế cho hàng triệu người lao động, vẫn phải duy trì được doanh số và sức cạnh tranh. 

    Nguồn lực của một quốc gia, nhất là một nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam, là rất có hạn, hay nói như các kinh tế gia, là khan hiếm. Một đồng bỏ vào bán dẫn là một đồng mất đi cho làm ốc vít, đường sá, hay lưới điện. 

    Lẽ đó, không nên bỏ quá nhiều trứng vào cái giỏ chip. (Và không chỉ có phân khúc cao cấp mới xảy ra chuyện này, Bangladesh, vì đã đầu tư quá nhiều cho phân khúc dưới, dệt may - da giày, đến khi xảy chuyện, khó cứu).

    Thật ra, ngay cả các phân khúc sản xuất thấp và trung cấp của chúng ta cũng chẳng hề thống lĩnh hay dẫn đạo thị trường gì cho cam. Chỉ cần lơ là, chúng sẽ thuộc về người khác. Làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á cũng chính là lời cảnh báo cho những nơi đón sóng, vì sóng đến, rồi sóng sẽ đi.

    Hoài bão về trung tâm hàng đầu công nghệ bán dẫn của thế giới, rất nên trân trọng dành cho 1/10 số nhân lực tài năng, tâm huyết cống hiến, hy sinh và mạo hiểm. Nhưng còn 90% khác, có lẽ cần nhớ tập trung làm thật tốt và tốt hơn những gì đang nuôi sống mình bao nhiêu năm nay.■

    https://cuoituan.tuoitre.vn/viet-nam-va-cuoc-dua-ban-dan-co-dien-hay-luong-tu-20240920111042535.htm


    Không có nhận xét nào