09/9/2024
Công an “chỉ biết còn Đảng, còn mình” trên một pano nhân ngày 3 tháng 2, 2010.
Ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể gặp người “bất đồng chính kiến” nhan nhản ngoài đường.
Họ là công nhân, doanh nhân, kỹ sư hay nhà chính trị… Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực: từ tư nhân cho đến nhà nước, từ cấp địa phương đến liên bang. Số lượng người “bất đồng” với chính phủ, về lý thuyết, có thể lên đến 49% dân số. Lúc nhiều hơn là khả năng thắng cử đang nghiêng về phía đảng đối lập.
Bên kia địa cầu, có một học sinh 18 tuổi, tên là Chu Ngọc Quang Vinh, bị công an mời lên làm việc vì những chia sẻ của mình trên Facebook chỉ ở mức độ cho 16 người xem và chỉ kéo dài chưa đến 1 đêm.
Một người khác là cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, cựu Uỷ viên Trung ương (TW) Đảng Cộng Sản mới đây đã gửi tâm thư lên Tổng bí thư và Chủ tịch nước Tô Lâm để kêu gọi thay đổi thể chế chính trị.
Cả hai người đều chưa là “Bất đồng chính kiến” vì ông Bin thì vẫn là một đảng viên và chỉ kêu gọi thay đổi còn em Quang Vinh thì chỉ mới lên tiếng một lần, và sau đó đã phải xoá status, đăng lời xin lỗi.
24/7/365/25
Khi đến thăm Nhà trắng, du khách thường gặp một người “Bất đồng chính kiến” với chính quyền Mỹ, tên là William Thomas. Ông ngồi trong chiếc lều ở công viên Lafayette (Lafayette Square) đối diện với Nhà Trắng, biểu tình chống lại chính sách chiến tranh của chính phủ Mỹ,
Tôi đã gặp ông vào năm 2006. Ông nói: “24/7/365/25”. Nghĩa là ông đã biểu tình liên tục 24h trong một ngày, bảy ngày trong tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm và đã được 25 năm rồi. Ông triền miên phản đối chính sách của chính phủ Hoa Kỳ cho đến khi qua đời vào năm 2009. Một phụ nữ khác, cùng tham gia với ông là Bà “Connie” Picciotto, đã dành trọn 34 năm biểu tình ngay trước nhà trắng cho đến khi qua đời vào năm 2016.
Họ bất đồng với Chính phủ Mỹ, bất luận là Cộng hoà hay Dân chủ, đang trong thời chiến hay thời bình. Chiếc lều của họ đã trở thành một phần thú vị của du khách trong khi thăm Nhà Trắng.
Đó là ở Hoa Kỳ, nơi có một thể chế dân chủ đa đảng, tôn trọng và khuyến khích các quyền tự do ngôn luận. Còn Việt Nam là một câu chuyện khác.
Tại Việt Nam, những người bất đồng chính kiến bị canh gác, cả trong đời thực và trên không gian mạng. Những nơi họ đi, những bài họ viết, hoặc những thảo luận với bạn bè đều bị theo dõi chặt chẽ và nhiều khi là căn cứ quan trọng dẫn đến việc bắt giữ.
Gần 80 năm qua, Việc ngăn chặn các tiếng nói bất đồng là một phần tất yếu trong quá trình cai trị của đảng cộng sản. Đảng thường xuyên sử dụng các điều khoản Điều 109: “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm chống Nhà nước”, Điều 331: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”… của BLHS như những công cụ quan trọng để đàn áp tiếng nói bất đồng.
Một số nhà hoạt động khác gần đây bị bắt giữ bằng tội trốn thuế, hoặc phạt hành chính theo Luật An ninh mạng. Đảng đàn áp vì muốn tuyệt đối hoá vai trò lãnh đạo, cố tình đồng hoá mình là đất nước Việt Nam, là dân tộc Việt nam.
Thách thức tính chính danh và nguồn cảm hứng cho thay đổi
Đảng CSVN hiểu rằng Bất đồng chính kiến ở Việt Nam là thách thức tính chính danh của Đảng và là nguồn cảm hứng cho những sự thay đổi lớn lao.
Quả thật, khi những nhà bất đồng chính kiến đặt vấn đề về chính sách, họ trực tiếp thách thức tính hợp pháp của hệ thống cầm quyền. Nếu như ngày càng có nhiều tiếng nói như bạn Quang Vinh bổ sung vào một số nhà hoạt động khác đã bị chính quyền bắt giữ, thì lớp trẻ sẽ liên tục được nhận thức đầy đủ về sự thật, và điều này làm suy giảm niềm tin của công chúng, đặc biệt của giới trẻ vào Đảng.
Những tiếng nói này đã phá vỡ sự kiểm soát thông tin, phơi bày ra các vấn đề mà chính quyền đang cố tình che giấu hoặc đang tuyên truyền. Đồng thời, các bài viết phản biện kích thích sự phản kháng, truyền cảm hứng cho các phong trào phản đối rộng lớn hơn, kêu gọi cộng đồng tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc hành động chống đối chính phủ.
Những tiếng nói như em Quang Vinh hay lớn tuổi như ông Nguyễn Đình Bin mới đây, sẽ thúc đẩy sự nhận thức rộng rãi của dân chúng và tạo nên áp lực cho chính quyền. Các tiếng nói trung thực sẽ tạo ra các luồng dư luận khác nhau, gây ra xung đột giữa các nhóm chứng rắn và mềm mỏng, bảo thủ và cấp tiến, dân chủ và độc tài trong việc ra quyết định. Nhưng vận nước đã đến chưa và tâm thư của ông có bị “xếp xó” như cách đây gần 10 năm hay không là một vấn đề?
Tóm lại các tiếng nói bất đồng sẽ tạo ra một loạt thách thức cho chính quyền cộng sản, từ việc suy giảm tính chính danh và uy tín, đến việc thúc đẩy sự thay đổi hoặc tạo ra các áp lực trong nước và cả quốc tế. Chính vì vậy Đảng cộng sản đã tìm mọi cách để bóp chết những tiếng nói “Bất đồng” từ rất sớm, và vấn đề là vì lợi ích của Đảng.
Lợi ích của Đảng hay Nhà nước?
Trong một bài viết trên báo Công An Nhân dân, ghi “Cán bộ, chiến sỹ CAND phải là những người hết lòng trung thành với Đảng, chỉ biết “còn Đảng, còn mình”.
Như vậy bảo vệ Đảng và phục vụ lợi ích của Đảng CS là quan trọng nhất. Ai không hài lòng với Đảng cầm quyền thì đó là “chống nhà nước”.
Trong dòng trạng thái của mình, em Vinh lên tiếng bày tỏ thái độ của mình với Đảng nhưng bị coi là “vô ơn với đất nước”, thậm chí “phản quốc” mặc dù ở cuối em khẳng định: “chúc nước Việt Nam, dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi là Việt Nam”.
Em Vinh cũng như rất nhiều người khác đã thực hành Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận đã được minh định rõ ràng tại Điều 25 của Hiến Pháp năm 2013 cũng như các văn bản quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhưng do không có tính chính danh và sợ sự thay đổi dẫn đến mất quyền lãnh đạo đất nước, cho nên Đảng Cộng Sản đã tiến hành đàn áp, bằng cách giáo dục ngay từ khi còn trong “trứng nước”.
Tại sao Đảng không đặt vấn đề ngược lại: “Có phải vì yêu nước nên công dân mới có tiếng nói bất đồng?
Vì yêu nước nên bất đồng chính kiến!
Theo tôi, nếu đảng có một cách tiếp cận khác thì không hề sợ chuyện người dân lên tiếng bày tỏ quan điểm ngược Đảng. Sự can thiệp của Chính phủ vào những sinh hoạt tinh thần được công nhận của công dân chỉ thể hiện đó là một chính phủ yếu kém và có vấn đề. Sự đàn áp của một Đảng duy nhất cầm quyền trên toàn bộ dân tộc Việt nam lên những công dân bé nhỏ của mình chỉ càng làm cho đảng mất uy quyền hơn.
Nếu tiếp tục đàn áp các tiếng nói trung thực và hôn hoà, coi nhân dân là một thế lực thù địch, thì hậu quả mới thực sự nguy hiểm như đảng đang lo lắng.
Còn thực chất bây giờ, Đảng cộng sản đang làm chủ cuộc chơi, đang nắm sinh mệnh của toàn bộ Nhân dân trong tay mình. Đảng tự hào là “Đạo đức, là văn minh”, tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt nam vậy thì sao lại không dám chấp nhận những tiếng nói “bất đồng” của một em học sinh 17 tuổi?
Đảng cũng có thể tự lấy lại tính chính danh của mình, cũng truyền được cảm hứng thay đổi cho toàn thể nhân dân nếu như đặt lợi ích của Đất nước, của Nhân dân trên lợi ích của Đảng, bằng cách bắt đầu lắng nghe tiếng nói của Nhân dân, kể cả tiếng nói bất đồng.
Đảng có thể đặt lại câu hỏi: Có phải vì yêu nước nên mới có tiếng nói “bất đồng”? và coi nó là một phần quan trọng của quyền tự do ngôn luận, cho phép phê phán các chính sách hiện hành của Đảng và Chính phủ?
Như vậy, đảng sẽ giúp cho xã hội duy trì tính đa dạng và khuyến khích đối thoại cởi mở trong mọi lĩnh vực của đời sống, giúp đất nước phát triển. Ngược lại, nếu tiếp tục đàn áp, đảng sẽ trở thành một lực lượng đối lập và sẽ “bất đồng” với toàn bộ nhân dân Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/bat-dong-chinh-kien-tai-sao-khong-/7777027.html
Không có nhận xét nào