Đảng cánh hữu tuyên bố chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử cấp bang của Đức
Hải Đăng, theo RT
03/9/2024
Không có cuộc bầu cử tự do nào là xấu cả..
Nguyễn Thọ
02/9/2024
(Từ trái qua phải) đồng lãnh đạo của Đảng Con đường khác cho nước Đức (Alternative for Germany – AfD), ông Tino Chrupalla; ứng cử viên hàng đầu của AfD trong cuộc bầu cử tiểu bang Saxony, ông Joerg Urban; và đồng lãnh đạo AfD, bà Alice Weidel, cùng đứng trên sân khấu trong một sự kiện chiến dịch tranh cử tại Dresden, miền đông nước Đức vào ngày 29 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: RALF HIRSCHBERGER/AFP via Getty Images)
Đảng Con đường khác cho nước Đức (Alternative for Germany – AfD) dường như đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang đầu tiên kể từ khi đảng cánh hữu này được thành lập vào năm 2013.
Theo kết quả sơ bộ chính thức, AfD đã giành được 32,8% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp vào Chủ Nhật (1/9) tại tiểu bang Thuringia, miền đông nước Đức.
Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU) dự kiến sẽ đứng thứ hai với 23,6% số phiếu bầu.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi họ rời hòm phiếu, hai đảng này cũng bám sát nhau ở tiểu bang lân cận Saxony, với CDU và AfD lần lượt giành được 32% và 31,5% số phiếu bầu.
Không có đảng nào trong liên minh ‘đèn giao thông’ cầm quyền của Đức – Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh – có thể lọt vào top ba ở cả hai tiểu bang Thuringia và Saxony.
Vị trí thứ ba ở Thuringia và Saxony thuộc về đảng cánh tả mới thành lập Sahra Wagenknecht (BSW). Mặc dù ở hai phía đối lập của quang phổ chính trị, nhưng cả BSW và AfD đều kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn đối với vấn đề nhập cư và chấm dứt sự ủng hộ của Berlin đối với Ukraine trong bối cảnh chiến tranh với Nga.
Đồng lãnh đạo AfD, bà Alice Weidel, cho biết đảng đã đạt được “thành công lịch sử” trong cuộc bầu cử ở Thuringia và Saxony. Hai tiểu bang này có khoảng 1,7 và 3,3 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD, bà Alice Weidel gọi kết quả dự kiến là “lễ cầu siêu” cho liên minh của Thủ tướng Scholz và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử ở Đức.
Đồng lãnh đạo khác của AfD, ông Tino Chrupalla, nói rằng người dân ở cả hai tiểu bang đã nói rõ rằng “cần phải có sự thay đổi về chính trị“. AfD “sẵn sàng và mong muốn đối thoại với tất cả các đảng“, ông Chrupalla nhấn mạnh.
Tuy nhiên, AfD khó có thể thành lập chính quyền khu vực ở bất kỳ tiểu bang nào vì các đối thủ chính trị của họ từ chối hợp tác.
“Một đảng cực đoan cánh hữu công khai đã trở thành lực lượng mạnh nhất trong quốc hội tiểu bang lần đầu tiên kể từ năm 1949, và điều đó khiến nhiều người vô cùng lo lắng và sợ hãi“, đồng lãnh đạo đảng Xanh, ông Omid Nouripour, tuyên bố.
Tổng thư ký quốc gia của CDU, ông Carsten Linnemann, cho biết “các cử tri ở cả hai tiểu bang đều biết rằng chúng tôi sẽ không thành lập liên minh với AfD, và sẽ vẫn như vậy“.
Bà Alice Weidel của AfD gọi lập trường nêu trên của CDU là “hoàn toàn thiếu hiểu biết“.
https://vietluan.com.au/120779/dang-canh-huu-tuyen-bo-chien-thang-lich-su-trong-cuoc-bau-cu-cap-bang-cua-duc/
Không có cuộc bầu cử tự do nào là xấu cả
Nguyễn Thọ
02/9/2024
Kết quả bầu cử nghị viện hai bang Thüringen và Sachsen hôm qua không khác gì với những thăm dò trước đây. Hai đảng cực tả (BSW) và cực hữu (AfD) chiếm thế thượng phong. Nhiều người coi ngày 01.09.2024 là một ngày xấu cho nền dân chủ Đức.
Nhưng không có cuộc bầu cử tự do nào là xấu cả. Khác với những cuộc bầu cử độc đảng với 90% số phiếu thắng cử trở lên thì bất cứ cuộc bầu cử tự do nào cũng thể hiện ý chí của người dân. Nền dân chủ Đức phải hiểu là dân muốn gì. Các đảng phái có trách nhiệm phải tìm con đường liên minh, thỏa hiệp để chèo lái xã hội. Đặc biệt phải học từ các sai lầm của mình. Chẳng có cách gì khác.
Tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi: Chẳng lẽ đến hôm nay mà người Đức không thấy Hitler đã đưa nước mình vào thảm họa, không thấy nhà nước công nông kiểu Stalinist đã biến vùng đất giàu có, hùng mạnh nhất nước Đức đi đến vỡ nợ và sụp đổ?
Câu trả lời thật là đơn giản. Các tư tưởng mỵ dân, dựa vào chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa xã hội là những món rất hấp dẫn với mọi người chúng ta.
Sau khi Liên Xô và phe Đông Âu sụp đổ, mô hình nhà nước XHCN đã chấm dứt tồn tại. Hệ tư tưởng của nó cũng không còn hiện hữu như trước đó. Tôi nói điều này vì một số quốc gia tuy nói là xây dựng CNXH nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Trong CNXH, tư liệu sản xuất nằm trọn trong tay nhà nước. Nhà nước trực tiếp tham gia vào sản xuất hàng hóa và cũng trực tiếp lấy đầu ra để chia đều cho toàn xã hội theo một kế hoạch nhất định. Về mặt quản lý xã hội thì đó là nền chuyên chính vô sản. Những người nghèo tịch thu tài sản của giai cấp tư sản, khống chế người giàu. Hồi đó ai cũng tự hào vì cái lý lịch con nhà nghèo.
Ở những nước hiện tuy coi mình là XHCN nhưng phát triển kinh tế tư bản thì tư liệu sản xuất và nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ nằm chủ yếu trong tay tư nhân. Trong xã hội đó người giàu đang cai trị quần chúng lao động.
Ngày nay các nước TBCN ở phương Tây không còn coi CNXH là kẻ thù, là mối đe dọa nữa. Họ tập trung vào mối đe dọa từ các tư tưởng Hồi giáo, các lực lượng khủng bố và đặc biệt là Chủ nghĩa Bành trướng Quốc gia.
Nói như vậy không có nghĩa là tư tưởng CSCN hay XHCN không tồn tại nữa. Chúng sẽ tồn tại khi nào loài người còn đó. Và không loại trừ khả năng chúng sẽ sống lại.
Tư tưởng cộng sản là một phần trong con người chúng ta. Con người được tạo hóa và sinh ra như những cỗ máy, ra quyết định tối thượng. Nó được lập trình để tìm thấy “mình” (Ego) trong tình huống phải lựa chọn, mọi lúc mọi nơi. Và nó luôn tìm kiếm những giải pháp có lợi nhất cho “mình”.
Con người ai chả thích chỉ phải làm ít mà được hưởng nhiều. Con người luôn tìm các thủ thuật để ra kết quả nhanh nhất, luôn tìm lối đi tắt ngắn nhất và ai cũng mừng nếu gặp may trong xổ số.
Có những người hứa hẹn tìm ra giải pháp cho cả các vấn đề khả thi và bất khả thi. Họ biết cách dẫn giải, biến mọi thứ vốn khó khăn và khó hiểu thành một thứ gì đó dễ hiểu và dễ ăn. Họ được đám đông tôn sùng là nhà tiên tri, được coi như thánh sống. Mọi người theo họ cầu nguyện và còn bỏ tiền ra xây nhà thờ cho họ.
Quan điểm của các vị này rất đơn giản:
– Bất bình đẳng và bất công có thể bị xóa bỏ một lần và mãi mãi.
– Cách duy nhất để làm được điều đó là khuất phục bản ngã của con người thông qua việc xóa bỏ hiện thân của nó: Sở hữu tư nhân.
– Moi việc trở nên khả thi nếu tất cả chúng ta đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu, kể cả bạo lực.
Những điều này đã lấp đầy khoảng trống mà tôn giáo để lại trong con người mới. Chúng có tất cả các thành phần phù hợp để lợi dụng sự bất an, nỗi lo lắng và bất mãn trong con người. Chúng đưa những người thua thiệt vào mục đích chung là giành quyền lợi từ tầng lớp khác. Chúng khiến họ thuộc về nhau.
Đó là đất sống của tư tưởng cộng sản.
Chủ nghĩa dân tộc cũng vậy. Bên cạnh việc gắn kết và bảo vệ bản tính của một dân tộc, nó còn giúp con người tìm được thủ phạm của những nỗi bất hạnh đang khiến người ta bế tắc. Mọi việc trở nên dễ hiểu khi điều tồi tệ nào đó do ngoại bang hay người lạ gây ra. Việt Nam nhược tiểu vì thực dân Pháp xây nhà máy rượu để đầu độc dân ta. Chúng xây đường sắt, hầm mỏ là để khai thác tài nguyên của ta mang về mẫu quốc.
Người Đông Đức thất nghiệp không phải vì các nhà máy phá sản trước làn sóng tư bản từ phía Tây tràn sang, mà là vì bọn ngoại quốc chiếm hết việc làm v.v và v.v…
Cách giải thích kiểu “dân tộc” này giúp cho cái “mình” thanh thản.
Sự thanh thản và phấn kích đó càng được nhân lên khi các tư tưởng CS và dân tộc gặp nhau. Nhất là tại mảnh đất của nước Phổ xưa kia, vốn có truyền thống quân phiệt và tôn sùng các minh quân.
Khi các tư tưởng này chui vào trong đầu của con người thì không điều luật nào, không sự khai sáng, tuyên truyển nào có thể tháo gỡ được.
Nền dân chủ nào rồi cũng phải tìm cách sống với chúng.
https://vietluan.com.au/120759/khong-co-cuoc-bau-cu-tu-do-nao-la-xau-ca/
Không có nhận xét nào