Header Ads

  • Breaking News

    Kamala Harris xác định quan điểm: " Mỹ, không phải Trung Quốc, vẫn sẽ là số một".

    Pierre-Antoine Donnet[*]

    07/9/2024


    Phó Tổng thống Mỹ và ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11, Kamala Harris trước đại hội đảng Dân chủ ở Chicago, ngày 22/8/2024. (Nguồn: SCMP)

    Hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và trong khi dường như Bà đang bứt phá trước đối thủ Donald Trump trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, ứng cử viên Đảng Dân chủ Bà Kamala Harris đã đưa ra cam kết với những người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Nếu là tổng thống, Bà tuyên bố khi kết thúc hội nghị Chicago, Hoa Kỳ sẽ vẫn là số một trên thế giới chứ không phải Trung Quốc.

    Từ nhiều tuần nay, Donald Trump vẫn giữ im lặng về các lựa chọn hính sách đối ngoại của mình trong trường hợp tái đắc cử vào Nhà Trắng, Ngược lại, trong bài phát biểu nhậm chức Đảng Dân chủ vào ngày 22/8 và lần đầu tiên kể từ khi là ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào ngày 5/11, đối thủ của Trump, Bà Kamala Harris đã đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về tầm nhìn của Bà đối với Trung Quốc. Và Bà đã nói thẳng. Nếu Bà giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này, “chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong thế kỷ 21”, Bà tuyên bố trước hàng nghìn người ủng hộ đầy phấn khích.

    Trong một bài phát biểu cứng rắn kéo dài bốn mươi phút, mặc dù về nội dung khá chung chung, nhưng Bà đã công khai xác định khoảng cách với các lựa chọn theo chủ nghĩa biệt lập về chính sách đối ngoại do cựu tổng thống Đảng Cộng hòa chủ trương. Bà nhấn mạnh, nếu vào Nhà Trắng, Bà sẽ nỗ lực “củng cố và không từ bỏ” vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Bà đã hứa rằng đất nước của Bà sẽ “vẫn mạnh mẽ bên cạnh Ukraine và các đồng minh NATO của chúng ta”, một công thức hoàn toàn trái ngược với nhiều lời chỉ trích mà Donald Trump đưa ra đối với Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và các đòi hỏi buộc các đồng minh của Mỹ phải “trả tiền” để được Washington bảo vệ.

    Kamala Harris cũng cam kết “không kết bạn với những kẻ bạo chúa và độc tài như [nhà lãnh đạo Triều Tiên] Kim Jong-un”, người mà Bà nói đang “héo mòn” chờ đợi chiến thắng của Donald Trump vào ngày 5 tháng 11. Bà đã ám chỉ rõ ràng đến cuộc gặp có phần siêu thực vào tháng 6 năm 2019 giữa tỷ phú New York và nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân (Kim Jong-un) bên trong khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Bắc và Nam của bán đảo. Trump thậm chí còn bước vài bước trên lãnh thổ Triều Tiên, khoác tay Kim Chính Ân, lần đầu tiên đối với một tổng thống Mỹ, trước khi tạo dáng bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên cho các nhà báo và nhiếp ảnh gia trên đường ranh giới. Lúc đó, Trump đã thông báo với Kim về mong muốn mời ông ấy đến Nhà Trắng.

    “Thực tế” như Obama?

    “Tôi sẽ không bao giờ dao động trong việc bảo vệ an ninh và lý tưởng của nước Mỹ bởi vì khi nói đến cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên chế, tôi biết mình đang đứng ở đâu và nước Mỹ đang đứng ở đâu”, Bà tuyên bố thêm và khẳng định rằng “đưa Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng”.

    Thoạt nhìn, những nhận xét này có vẻ mơ hồ. Nhưng về cơ bản chúng rất kiên quyết vì chúng biểu thị rõ ràng quyết tâm của bà ứng cử viên ít nhiều sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao dựa trên cán cân quyền lực do tổng thống đương nhiệm Joe Biden chỉ đạo đối với Trung Quốc và các đồng minh hiện tại của nước này, bao gồm cả Triều Tiên và Nga.

    Đối với nhà nghiên cứu Trung Quốc François Godement, “ở giai đoạn này, còn quá sớm để nói về các hệ quả quốc tế của một chiến thắng của đảng Dân chủ. Thứ nhất là vì cuộc vận động bầu cử này hiện đang diễn ra trong sự tiếp nối của chính quyền Biden đồng thời vừa cố gắng tránh các dao đồn của chính quyền này [Nhưng nếu] cả hai ứng cử viên Đảng Dân chủ đều không thực sự để lại dấu ấn về mặt định vị quốc tế […] Kamala Harris được Philip Gordon, người theo chính sách thân thiên với Châu Âu, hỗ trợ trong thời gian dài trong chức vụ phó tổng thống, cách xa hàng ngàn dặm so với sự bùng nổ của Trump chống lại những đồng minh tốt nhất của Mỹ, và với sự từ bỏ rõ ràng mà thỉnh thoảng ông ta ám chỉ đến.”

    Hơn nữa, François Godement cho biết thêm trong nhận xét đăng ngày 26 tháng 8 trên phiên bản mới nhất của tạp chí trực tuyến của Viện Montaigne, Kamala Harris đã “chọn người cùng liên danh là Tim Walz, người đã có được một trải nghiệm cá nhân lâu dài về Trung Quốc, thông qua các hoạt động trao đổi thể thao và giới trẻ, thậm chí còn học tiếng Trung Quốc”. Trong khi một số người, đặc biệt là của Đảng Cộng hòa, “rút ra kết luận từ những tuyên bố (của Walz) có lợi cho văn hóa Trung Quốc hoặc những trao đổi này để biến ông thành một “gấu trúc”, […] trên thực tế, Tim Walz đã trực tiếp trải nghiệm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, và do đó tương đối khá tích cực trong việc chỉ trích Trung Quốc về chính trị. Việc một người biết rõ về Trung Quốc không phải là với tư cách đại sứ hay doanh nhân lên nắm quyền không phải là tin tốt đối với Bắc Kinh, như hành trình của [cựu đại sứ tại Trung Quốc và sau đó là Thủ tướng Úc] Kevin Rudd đã cho thấy.”

    Trong một bài báo do tờ Financial Times xuất bản trước khi có bài phát biểu của Kamala Harris, nhà bình luận và phụ trách chuyên mục Edward Luce của tờ báo này tin rằng sự im lặng của Kamala Harris đối với Trung Quốc có thể là điềm báo về một cách tiếp cận sẽ khác biệt với cách tiếp cận của Joe Biden: “Chúng ta có thể nghĩ gì về quan điểm của Bà Harris về Trung Quốc? Trên thực tế, chúng ta biết rất ít về triết lý chính sách đối ngoại của Bà. Là thượng nghị sĩ, Bà thường lên tiếng về nhân quyền. Nhưng tôi nghi ngờ rằng Bà ấy sẽ phân chia thế giới giữa những người chuyên quyền và những người dân chủ với sự đơn giản kiểu Thiện/Ác như Biden. Các lần tham dự hội nghị thượng đỉnh về dân chủ của Bà không để lại dấu ấn nào.”

    “Harris,” nhà bình luận của Financial Times nói thêm, “cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy Bà không ưa thích chính sách công nghiệp như Biden. [Nhưng] tôi nghĩ rằng Harris sẽ tiếp tục cách tiếp cận của Biden trong việc xuất khẩu chất bán dẫn cao cấp và việc chia sẻ công nghệ với Trung Quốc.”

    Peter Spiegel, một trong những tổng biên tập của tờ nhật báo Anh, nghi ngờ Kamala Harris muốn áp dụng một cách tiếp cận giống với cách tiếp cận của cựu Tổng thống Barack Obama và ít trực diện hơn của Biden. “Nói một cách đơn giản nhất, Biden là hiện thân của người theo chủ nghĩa quốc tế tự do thời hậu chiến vốn tìm cách thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở nước ngoài thông qua các công cụ khác nhau của quyền lực Mỹ,” Peter Spiegel tóm tắt. Trong khi đó, Obama lại nghiêng về phe “chủ nghĩa hiện thực” kiểu Kissinger, sẵn sàng gác lại những vi phạm nhân quyền ở Iran, chỉ nêu một ví dụ thôi, để đổi lấy một thỏa thuận về năng lượng hạt nhân.”

    “Hiếu chiến” hơn mong đợi

    Nhưng đối với Ken Moriyasu, phóng viên ngoại giao của nhật báo Nikkei Asia của Nhật Bản, những phát biểu của ứng cử viên Nhà Trắng “đã tác động mạnh mẽ”. Rõ ràng chúng đã được nhóm vận động tranh cử của Bà ấy lựa chọn cẩn thận và do đó, đã phác thảo những đường nét chính của chính sách ngoại giao của Bà nếu Bà đắc cử. Đây là lần đầu tiên Bà ứng cử viên công khai bày tỏ quan điểm về chủ đề này trong khi chiến dịch tranh cử của Bà cho đến nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước. Ken Moriyasu giải thích, nguyên nhân trước hết là do những hệ quả tiêu cực tiềm tàng của cuộc xung đột Israel-Palestine ở Gaza đang gây chia rẽ Đảng Dân Chủ.

    Ngoài ra, nếu các đại sứ quán nước ngoài ở Washington có thể có lý do để vẫn đặt câu hỏi về các định hướng của Kamala Harris về mặt chính sách đối ngoại, “tuy nhiên, bài phát biểu của Bà ấy chứa đựng rất nhiều điều cần phải suy ngẫm,” nhà báo Nhật Bản giải thích. “Chắc chắn là chủ động hơn và mạnh mẽ hơn dự kiến”, một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên được Nikkei Asia trích dẫn tuyên bố. Nói rằng ông “ngạc nhiên trước tầm quan trọng dành cho chính sách đối ngoại”, nhà ngoại giao này đón chào: “Về phần chúng tôi thì chỉ có thể hoan nghênh thôi”. Một nhà ngoại giao khác, cũng được tờ báo Nhật Bản giấu tên, mô tả bài phát biểu là “hiếu chiến hơn” mong đợi khi Bà nói rằng Bà sẽ không kết bạn với những kẻ bạo chúa và những kẻ độc tài như Donald Trump đã làm, “biết rằng thật dễ thao túng với những lời xu nịnh và ân huệ”, Bà ấy nói.

    Đối với tuần báo The Economist của Anh, “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bị bất ngờ đối với Kamala Harris và Tim Walz, lưu ý rằng trong khi người đầu chưa bao giờ đến thăm Trung Quốc thì người kia đã đến đó hơn ba mươi lần. Một người phụ nữ chưa bao giờ đến thăm Trung Quốc và chỉ gặp lãnh đạo Tập Cận Bình một lần ngắn ngủi đột nhiên nổi lên như một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua vào Nhà Trắng.” 

    Tờ tuần báo phân tích: “Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự trỗi dậy của liên danh Harris-Walz tạo ra hai khó khăn”. Nó đặt lại vấn đề về cách giải thích mang tính hư vô của Trung Quốc về chính sách của Mỹ được coi là phân biệt chủng tộc và suy đồi. Và nó tạo ra một làn sương mù rộng lớn trong việc đánh giá cách tiếp cận của chính quyền Harris đối với mối quan hệ với Trung Quốc. Điều này đặc biệt vì cách tiếp cận Trung Quốc của [Kamala] Harris còn hạn chế trong khi Tim Walz có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc hơn bất kỳ ứng cử viên phó tổng thống Mỹ nào khác từ nhiều thập kỷ nay.”

    Trong một bình luận được tờ South China Morning Post đăng vào ngày 13 tháng 8, một trong những nhà bình luận thường ngày của tờ báo này, Alex Lo, đã không nhầm khi viết tiêu đề bài báo của mình: “Tim Walz không phải là bạn của Hồng Kông và Trung Quốc đại lục”. “Các thành viên của nhóm bị giải tán Demosisto[1] biết điều này. Hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, [Jeffrey] Ngo đã rất vui mừng […] vào tuần trước sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris chỉ định Walz” là người liên danh tranh cử với Bà”, ông viết - với giọng điệu mỉa mai trên tờ nhật báo hiện bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ.

    Khi chiến dịch năm 2024 diễn tiến, tôi tràn đầy phấn khích và lạc quan rằng Harris có thể tận dụng trải nghiệm độc đáo của Walz,” Ngô viết trong một tweet, được Alex Lo trích dẫn, người nổi tiếng với những chuyên mục mang giọng điệu dân tộc chủ nghĩa và trung thành với các định hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Tôi biết ông ấy sẽ trở thành một phó tổng thống giỏi và tôi mong nhận được sự giúp đỡ của họ trong việc đấu tranh cho chính nghĩa của Hồng Kông,” nhà bất đồng chính kiến ​​lưu vong nói thêm, vẫn được nhà bình luận trích dẫn.

    Bất ngờ ở Bắc Kinh

    Trên thực tế, trên các phương tiện truyền thông Mỹ, một số nhà phân tích đã nhấn mạnh rằng, nếu những lời đả kích thô bạo và chế giễu của giới báo chí chính thức của Trung Quốc tràn ngập về cuộc vận động bầu cử đang diễn ra (các bức tranh biếm họa về Kamala Harris đang gia tăng cũng như những lời mỉa mai về những tràng cười của Bà ấy thường hay bị chế nhạo), sự thiếu hiểu biết của chính quyền Bắc Kinh về hoạt động thực sự của các thể chế chính trị Mỹ và những bất ngờ mà hoạt động này đôi khi mang lại vẫn còn quá rõ ràng.

    Đây chính là lý do tại sao việc Barack Obama được bầu vào Nhà Trắng năm 2008 đã khiến giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hoàn toàn bị bất ngờ. Thật vậy, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này cho rằng điều đó là không thể do tư tưởng ăn sâu ở Trung Quốc rằng Mỹ quá phân biệt chủng tộc để có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên tổng thống da đen. Báo cáo nhân quyền chính thức mới nhất được công bố tại Bắc Kinh vào tháng 5 năm ngoái khẳng định rằng nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ đang trở nên tồi tệ hơn và sự phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số tình dục đang “tăng lên dữ dội”. The Economist nhấn mạnh: “Nhưng nước Mỹ hoàn toàn có thể bầu tổng thống da đen thứ hai và lần đầu tiên là một phụ nữ”.

    Mặt khác, việc Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng tự nó đã là nguyên nhân chủ yếu khiến chính quyền Trung Quốc bối rối. Bởi vì điều này không thể không khơi dậy trong một bộ phận dư luận Trung Quốc ý tưởng so sánh với Tập Cận Bình, người đã dám áp đặt sự sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc để nắm giữ chức chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vô thời hạn.

    Tuần báo Anh còn nhấn mạnh: “Trong phần lớn thời gian của năm nay, cuộc đọ sức giữa Biden-Trump là cơ hội hoàn hảo để các nhà tuyên truyền Trung Quốc miêu tả nền dân chủ Mỹ như một cuộc đấu tranh giữa hai người đàn ông bị vướng vào các câu hỏi về khả năng nhận thức của họ, với các cuộc tấn công lẫn nhau mang hương vị của những cuộc cãi vã trong sân trường. Bằng cách rút lui, Joe Biden đã giáng một đòn mạnh vào câu chuyện này và khuyến khích nhiều người Trung Quốc đặt câu hỏi về hệ thống của chính họ, nhờ đó Tập Cận Bình, đã 71 tuổi, dường như sẽ tiếp tục nắm quyền lực suốt đời.”

    Tờ báo dẫn lời một blogger Trung Quốc vào tháng 7 vừa qua: “Đối với một số người, đóng góp lớn nhất mà họ có thể làm cho Đảng, đất nước và nhân dân là trao lại quyền lực, từ chức và trở về nhà chơi với con cháu,” trong một sự ám chỉ rõ ràng đến Tập Cận Bình. Trong câu tiếp theo, cũng blogger này nói thêm: “À vâng, đúng rồi, tôi đang nói về ông, Biden.” Một sự giải thích không đủ để thoát khỏi sự kiểm duyệt khi thông điệp bị xóa ngay lập tức khỏi các mạng xã hội.

    Walz và “những nguy cơ về một sự cam kết với Trung Quốc”

    Trong những tuần gần đây, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã thu hút sự chú ý và chỉ trích vô căn cứ từ những người của đảng Cộng hòa Mỹ. Trong tầm ngắm của họ, đó là lịch sử sự giao du lâu năm của ông với cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, một quốc gia hơn bao giờ hết bị coi là đối thủ kinh tế và quân sự lớn nhất của Washington. Tuy nhiên, cuộc vận động của liên danh Harris-Walz đã bác bỏ những lời chỉ trích này, chỉ ra rằng Tim Walz thường công khai chỉ trích chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Cuộc tranh cãi kể từ đó phần lớn đã bị gỡ bỏ và hạ nhiệt. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử James Singer cho biết: “Đảng Cộng hòa đang bóp méo những sự thật cơ bản”. Tim Walz đã đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt sự nghiệp của mình. Ông “đã đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, đồng thời luôn ưu tiên cho việc làm và nền sản xuất công nghiệp của Mỹ,” Singer nói thêm.

    Tim Walz đã tới Trung Quốc để dạy tiếng Anh và lịch sử Hoa Kỳ tại các trường trung học ở tỉnh Quảng Đông ở phía nam. Đó là vào năm 1989, năm xảy ra cuộc đàn áp đẫm máu những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Lúc đó ông ấy vừa mới tốt nghiệp đại học. Sau đó, vợ chồng ông thành lập công ty chuyên tổ chức các chuyến du lịch Trung Quốc cho sinh viên Mỹ. Tổng cộng, ông đã đến thăm đất nước này hơn 30 lần. Ông nói được một chút tiếng Trung, kết hôn vào ngày 4 tháng 6 – nói rằng đó là ngày ông sẽ không bao giờ quên vì đó là ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn – và đi hưởng tuần trăng mật ở Trung Quốc. Với tư cách là thống đốc, Tim Walz đã tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa bang Minnesota và Đài Loan. Năm 2021, Bang Minnesota thành lập Nhóm Hữu nghị với Đài Loan. Walz đã nhiều lần tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, lưu vong ở Ấn Độ bị Bắc Kinh căm ghét/coi là kẻ thù.

    Mặc dù các phó tổng thống Mỹ thường không có tiếng nói trực tiếp trong chính sách đối ngoại nhưng họ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của tổng thống về các vấn đề thế giới. Đối với một số nhà phân tích quen thuộc với mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai siêu cường của thế giới, kinh nghiệm của Tim Walz sẽ là một lợi thế cho Kamala Harris trong quan hệ với Bắc Kinh nếu Bà đắc cử.

    Jeff Moon, cố vấn thương mại và cựu Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ với Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, cho rằng: “Ông Walz đã nhìn thấy tất cả, hiểu những hứa hẹn và những nguy cơ khi hợp tác với Trung Quốc và có thể đưa ra những lời khuyên quý giá về các vấn đề về Trung Quốc cho Tổng thống Harris và nhóm chính sách đối ngoại của Bà”. Tờ Financial Times nhắc lại: “Quan hệ lâu dài của Tim Walz với Trung Quốc được xây dựng xung quanh sự kiện ghê tởm Thiên An Môn”.

    Sau này, cựu giáo sư địa lý, người đã trở thành thành viên Hạ viện, thường kể cho những người khách Trung Quốc nghe câu chuyện về Vụ thảm sát ở Wounded Knee vào năm 1890[2], khi hàng trăm người Mỹ bản địa bị lính Quân đội Hoa Kỳ giết chết ở Nam Dakota. “Ông ấy trích dẫn vụ thảm sát này như một ví dụ về vết nhơ trong lịch sử của chúng ta cũng như về cuộc đấu tranh vì trách nhiệm và ký ức – giống như trường hợp của Nhóm các Bà Mẹ Thiên An Môn[3]”, những người ngày nay vẫn đòi công lý sau cái chết của con cái họ bị giết vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, Andréa Worden, một luật sư đã trở thành đồng nghiệp của ông khi họ còn là thành viên của Ủy ban về Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ, nhận xét, được nhật báo Anh trích dẫn.


    Pierre-Antoine Donnet (1953-)

    Nếu Kamala Harris được bầu vào ngày 5 tháng 11, Walz sẽ trở thành phó tổng thống đầu tiên đã từng sống ở Trung Quốc kể từ George W. Bush. George W. Bush, người trước khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1989 đến năm 1993, đã từng là nhà ngoại giao ở Bắc Kinh vào những năm 1970. Khác với Bush chỉ hiểu thực tế Trung Quốc qua lăng kính đôi khi méo mó của một nhà ngoại giao trong đại sứ quán, Walz đã đụng chạm trực tiếp với thực tế đó khi còn là một giáo viên trẻ ở một trường tỉnh ở phía nam đất nước, và trong nhiều lần lưu trú sau đó.

    Pierre-Antoine Donnet

    Phạm Như Hồ dịch

    Nguồn:Kamala et la Chine: “L’Amérique, et non la Chine, restera numéro un, Asialyst, 28.8.2024






    Chú thích:

    [1] Demosisto (香港眾志) là một tổ chức chính trị ủng hộ dân chủ được thành lập vào ngày 10 tháng 4 năm 2016 tại Hồng Kông và bị giải tán vào ngày 30 tháng 6 năm 2020 ngay sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia. Ban đầu được thành lập như một đảng chính trị, tổ chức này được lãnh đạo bởi các cựu lãnh đạo hoạt động ủng hộ dân chủ Joshua Wong, Agnes Chow và Nathan Law.

    [2] Vụ thảm sát Wounded Knee là một chiến dịch quân sự diễn ra vào ngày 29 tháng 12 năm 1890 tại Wounded Knee ở Nam Dakota, Hoa Kỳ. Khoảng 150 đến 300 người Mỹ bản địa của bộ tộc Lakota Miniconjou đã bị quân đội Mỹ giết chết.

    [3] Các Bà Mẹ Thiên An Môn là một nhóm gồm 128 bà mẹ của các sinh viên Trung Quốc đã mất tích ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1989 trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhóm này kêu gọi chính phủ Trung Quốc nói ra sự thật về số phận các nạn nhân cũng như thay đổi thái độ trước những sự kiện này.




    [*] Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, NXB Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, NXB Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, NXB Éditions de l’Aube vào năm 2021, thì vào cuối năm năm 2022, ông đã chủ biên một công trình tập thể có tựa là “Le Dossier chinois [Hồ sơ Trung Quốc]” (NXB Cherche Midi), và tiếp đó vào đầu năm 2023 cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát]” (NXB L’Aube). Cuốn sách cuối của Ông “Chine, l'empire des illusions [Trung Quốc, đế chế của các ảo tưởng]” được xuất bản vào tháng Giêng 2024.

    http://www.phantichkinhte123.com/2024/09/kamala-harris-xac-inh-quan-iem-my-khong.html#more


    Không có nhận xét nào