Header Ads

  • Breaking News

    Cuộc khủng hoảng năng lực răn đe của Mỹ

    Nguồn:  Carter Malkasian, “America’s Crisis of Deterrence”, Foreign Affairs, 20/08/2024

    Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

    23/9/2024

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/09/Picture2-2.png

    Mỹ và các đồng minh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về khả năng răn đe. Trung Quốc đe dọa các tàu Philippines ở Biển Đông và có thể chuẩn bị quân đội để xâm lược Đài Loan. Nga không có dấu hiệu từ bỏ cuộc chiến ở Ukraine. Ở Trung Đông, Iran đang đe dọa trả đũa Israel vì vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, Hezbollah đang tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel, và Houthi tiếp tục tấn công – và đôi khi đánh chìm – các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Những rủi ro ngày càng tăng về khả năng tên lửa Iran có thể giết chết quân nhân Mỹ, một cuộc tấn công của Houthi vào một tàu Hải quân Mỹ hoặc một vụ đánh chìm tàu thương mại sẽ tăng theo thời gian. Bất kỳ sự kiện nào trong số này sẽ buộc Washington phải tham gia vào một cuộc chiến lớn hơn hoặc lùi bước. Lựa chọn nào cũng sẽ phản ánh sự thất bại về khả năng răn đe.

    Nền tảng của lý thuyết răn đe nằm trong các bài viết về Chiến tranh Lạnh của các nhà tư tưởng như Thomas Schelling, người đã tìm cách xây dựng một chiến lược để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân từ Liên Xô. Các nguyên lý trung tâm của răn đe – sự ổn định được tạo ra bởi việc đảm bảo hủy diệt lẫn nhau, rủi ro leo thang và vai trò của sự liều lĩnh, và giá trị của việc thể hiện cam kết và quyết tâm – đã chứng minh hữu ích trong việc ngăn chặn các đối thủ có vũ khí hạt nhân thực hiện cả các cuộc tấn công hạt nhân lẫn thông thường nhắm vào các cường quốc hạt nhân khác. Chúng ít hữu ích hơn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của các cường quốc không có vũ khí hạt nhân. Và khi nói đến các chủ thể phi nhà nước, lý thuyết răn đe đã hoàn toàn vô dụng.

    Không nơi nào cho thấy điều này rõ hơn là ở Trung Đông trong những tháng gần đây, nơi Iran và mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm dường như sẵn sàng tấn công các căn cứ và quân nhân Mỹ, đánh chìm tàu thương mại, tấn công trực tiếp vào Israel và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến khu vực lớn hơn. Nếu Washington muốn ngăn chặn sự suy giảm khả năng răn đe ở khu vực, họ sẽ cần thể hiện sự sẵn sàng trả đũa nhiều hơn nữa. Tập trung vào Hezbollah và Houthi sẽ không đủ; cách duy nhất để khôi phục khả năng răn đe là nhắm vào Iran. Các lực lượng Mỹ nên trả đũa để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran gây hại cho quân nhân và dân thường Mỹ. Washington nên báo hiệu cho Tehran rằng việc gây thiệt hại cho các tàu của Mỹ hoặc các tàu khác đi qua Biển Đỏ sẽ bị đáp trả bằng các cuộc tấn công vào tài sản hoặc lãnh thổ của Iran. Quân đội Mỹ cũng nên bố trí lực lượng theo cách có thể tiếp tục đánh chặn các cuộc tấn công đường không của Iran – như đã làm khi Iran bắn một loạt drone và tên lửa vào Israel hồi tháng tư.

    Tuy nhiên, nếu các quan chức Mỹ cho rằng việc gây áp lực lên Iran theo những cách này là quá rủi ro, họ có thể cố gắng vượt qua cơn bão, chờ đợi chiến tranh ở Dải Gaza và cuộc khủng hoảng khu vực hiện tại kết thúc, chuyển sự chú ý của họ sang Trung Quốc và Nga và tập trung vào bức tranh lớn hơn. Xét cho cùng, chiến lược Quốc phòng Quốc gia của chính quyền Biden đã nêu rõ rằng quân đội Mỹ cần tập trung trước hết vào Trung Quốc. Một lựa chọn như vậy sẽ tạo ra những vấn đề của riêng nó: các cuộc tấn công liên tục vào Israel, ngăn trở thương mại quốc tế và vị thế bị suy giảm của Mỹ ở Trung Đông. Bằng cách hiểu rõ các điều kiện của khả năng răn đe, các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có vị thế tốt hơn để đánh giá xem sự đánh đổi đó có xứng đáng hay không.

    Đảm bảo hủy diệt lẫn nhau

    Trước năm 1945, khả năng răn đe không phải là một chủ đề chính trong nghiên cứu về chiến tranh. Các nguyên tắc của chiến lược này khó có thể tìm thấy trong các tác phẩm của các nhà tư tưởng như Niccolò Machiavelli và Carl von Clausewitz. Nhưng bắt đầu từ cuối những năm 1940, với sự khởi đầu của kỷ nguyên hạt nhân, các chiến lược gia như Schelling, Bernard Brodie và Albert Wohlstetter bắt đầu xây dựng cơ sở của lý thuyết răn đe.

    Nền tảng của lý thuyết răn đe hạt nhân là khả năng tấn công trả đũa, có nghĩa là cả hai bên đều có thể tung ra một cuộc tấn công trả đũa mang tính hủy diệt để đáp trả một cuộc tấn công từ đối thủ, một động lực được gọi là “đảm bảo hủy diệt lẫn nhau” (mutually assured destruction – ND). Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ sở hữu khả năng này. Tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm, hầm chứa và bệ phóng tên lửa di động khiến bất kỳ quốc gia nào trong số các cường quốc này cũng không thể tiêu diệt đối thủ mà bản thân không bị tiêu diệt.

    Leo thang là một mối quan tâm hàng đầu khi cả hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong cuốn sách Arms and Influence xuất bản năm 1966, Schelling lập luận rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng có thể dẫn đến một loạt các hành động và phản ứng có thể vô tình dẫn đến thảm họa toàn diện. Schelling viết: “Điều gì sẽ xảy ra chỉ là vấn đề mang tính dự đoán, hoặc phỏng đoán. Kháng cự quân sự có xu hướng tự phát triển một động lực riêng.” Cả hai bên đều chịu rủi ro. Mỹ không thể thực hiện một biện pháp chống lại Trung Quốc hoặc Nga mà không mang lại cho chính mình nguy cơ mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Như nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã viết cho Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba:

    Chúng tôi và các ông không nên kéo căng sợi dây chiến tranh mà đất nước các ông đã thắt nút, bởi vì chúng ta càng kéo, nút thắt càng chặt. Và có thể đến một lúc nào đó nút thắt chặt đến mức ngay cả người thắt nó cũng không có đủ sức để tháo ra, và sau đó sẽ phải cắt đứt nút thắt đó, và điều đó có nghĩa là gì thì tôi không cần phải giải thích cho ông, bởi vì chính ông hoàn toàn hiểu rõ những nguồn vũ lực khủng khiếp mà quốc gia chúng ta đang nắm giữ.

    Do đó, chính sách răn đe dựa trên nền tảng đảm bảo hủy diệt lẫn nhau đòi hỏi sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thể hiện sự sẵn sàng đó. Các tín hiệu liên quan đến một hành động hoặc chịu một chi phí có thể là một chỉ dấu về độ tin cậy của một cam kết. Nhưng nói thì dễ. Một hành động thể hiện rõ ràng hơn lời nói về mức độ quan tâm mà Mỹ dành cho vấn đề hiện tại. Do nguy cơ leo thang, ngay cả một bước nhỏ cũng có thể rất nguy hiểm và có thể cho thấy một quyết tâm lớn. Việc bố trí lực lượng mặt đất gần lực lượng của đối phương, một máy bay bay vù vù qua tàu chiến hoặc tàu hải quân đi qua gần vùng biển của đối phương đều tạo ra nguy cơ leo thang. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và Liên Xô đã chú ý cẩn thận đến những hành động như vậy vì họ nhận thức được những nguy hiểm kéo theo.

    Phát đi những tín hiệu tốn kém 

    Nhưng Schelling và những người cùng thời với ông đã không phát triển lý thuyết răn đe để giải thích cách đối phó với các quốc gia phi hạt nhân – và khi các quan chức cố gắng áp dụng nó theo cách đó, kết quả thu được rất kém. Vào năm 1964 và đầu năm 1965, chính quyền Johnson đã cố gắng áp dụng tư duy của Schelling lên Bắc Việt Nam, thực hiện một loạt các cuộc không kích tăng dần để cho thấy rằng thiệt hại lớn hơn nhiều sẽ xảy ra nếu Hà Nội không lùi bước. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như Washington mong đợi. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Bắc Việt Nam không tin rằng Mỹ sẽ lật đổ họ; họ sẵn sàng chịu tổn thất ngày càng tăng để thống nhất đất nước và tiếp tục tiến hành chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

    Khi đối đầu với một cường quốc phi hạt nhân, mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau bị giảm đi rất nhiều. Một cường quốc hạt nhân phải đối mặt với rất ít nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một cường quốc hạt nhân có thể tự do sử dụng vũ lực theo ý muốn. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, việc không có sự đảm bảo hủy diệt lẫn nhau cho phép một cường quốc hạt nhân, chẳng hạn như Mỹ, sử dụng lực lượng ở mức độ cao mà ít quan tâm đến khả năng leo thang. Nhưng trong các trường hợp khác, nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh thông thường toàn diện chống lại một quốc gia phi hạt nhân có thể mở đường cho một đối thủ có vũ khí hạt nhân tham chiến, như những gì mà chính quyền Mỹ lo ngại có thể xảy ra trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Và trong một số trường hợp, chi phí và thương vong của chiến tranh có thể quá cao. Việc răn đe một cường quốc phi hạt nhân là khó khăn vì đối thủ phi hạt nhân có thể cho rằng Mỹ không sẵn sàng chịu chi phí của một cuộc chiến tranh thông thường toàn diện.

    Các công cụ để răn đe Trung Quốc hoặc Nga khó có thể có tác dụng tương tự đối với Iran hoặc một quốc gia phi hạt nhân khác vì trong những trường hợp như vậy, Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị trả đũa hạt nhân thấp hơn nhiều. Một hành động mà Washington thực hiện chống lại Trung Quốc hoặc Nga có thể được coi là rất rủi ro, nhưng nếu hành động tương tự được thực hiện đối với Iran thì sẽ được xem là thận trọng. Bắc Kinh hoặc Moscow có thể sẽ coi một tín hiệu như việc triển khai một tàu Hải quân Mỹ gần vùng biển của họ là đẩy căng thẳng lên rất cao, một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận rủi ro tai nạn có thể dẫn đến việc giao tranh và các cân nhắc về hạt nhân. Nhưng khi chiến thuật tương tự được áp dụng chống lại Iran, Mỹ không phải đối mặt với nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân. Do đó, Tehran có thể sẽ giải thích nó như một dấu hiệu của sự thận trọng. Khi đối phó với một quốc gia phi hạt nhân, một bước nhỏ báo hiệu rằng chi phí hoặc lợi ích của một cuộc chiến tranh toàn diện là không xứng đáng; nó không thể hiện được một sự quyết tâm.

    Vì lý do này, Mỹ phải thực hiện những bước đi lớn hơn khi đối đầu với những đối thủ phi hạt nhân như Iran. Tất nhiên, một bước đi lớn, chẳng hạn như một cuộc không kích vào một mục tiêu quan trọng đối với một chế độ hoặc tiêu diệt lực lượng hải quân của kẻ thù, không đảm bảo sẽ ngăn chặn một cường quốc phi hạt nhân như Iran. Nếu cường quốc phi hạt nhân tin tưởng rằng Mỹ không cam kết giành chiến thắng quân sự, thì một bước đi lớn có thể được coi là một sự lừa bịp hoặc chỉ là một đòn giáng nữa trong một cuộc chiến tiêu hao đang diễn ra. Và nếu một bước đi lớn được coi là một dấu hiệu của ý định gây hấn, chẳng hạn như thay đổi chế độ, một cường quốc phi hạt nhân tuyệt vọng, vì lo ngại cho sự tồn vong của chính mình, có thể chọn leo thang hơn là nhượng bộ. Ukraine thà chiến đấu với Nga hơn là nhượng bộ, tin rằng nhượng bộ sẽ chỉ củng cố vị thế của Moscow và dẫn đến bị chinh phục.

    Trong một trò chơi liều lĩnh chống lại một quốc gia phi hạt nhân, Mỹ phải gửi những tín hiệu tốn kém thể hiện cam kết và khả năng, chẳng hạn như các cuộc tấn công trả đũa hoặc triển khai tàu sân bay và tàu ngầm trong thời gian dài. Ví dụ, Mỹ có thể bắn hạ máy bay của đối phương hoặc đánh chìm tàu của họ, như những gì mà Mỹ đã làm ở Syria năm 2017 và trong “cuộc chiến tàu chở dầu” những năm 1980 ở Vịnh Ba Tư. Khi đối phương phát động một cuộc tấn công, Mỹ có thể gửi một tín hiệu mạnh mẽ bằng cách đứng vững và đẩy lùi nó. Việc bảo vệ Israel trước khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái vũ trang của Iran hồi tháng 4 đã chứng minh cam kết của Mỹ đối với một đồng minh. Israel và Mỹ đã đánh chặn gần như tất cả các tên lửa và drone của Iran, cho thấy khả năng trả đũa của Tehran đối với sự leo thang của Mỹ yếu hơn so với suy nghĩ trước đây. Trong hơn một thập kỷ, Iran phụ thuộc vào tên lửa đạn đạo để ngăn chặn các cuộc không kích của Mỹ và Israel. Như Frank McKenzie, người từng là chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ từ năm 2019 đến năm 2022, đã nói trong cuốn sách The Melting Point của mình, rằng một cuộc tấn công của Mỹ hoặc Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran “chắc chắn sẽ kích hoạt một phản ứng đáng kể từ phía Iran” trong “một cuộc chiến ‘hỏa lực’ đẫm máu và bạo lực, nơi các căn cứ của chúng ta và các thành phố của bạn bè trong khu vực sẽ là mục tiêu.” Tuy nhiên, các vụ đánh chặn hồi tháng 4 đã đặt ra nghi ngờ về sức mạnh của lực lượng răn đe nổi tiếng của Iran.

    Gây áp lực lên Iran

    Lý thuyết răn đe tỏ ra ít hữu ích nhất khi đề cập đến các chủ thể phi nhà nước như Hezbollah và Houthi. Các lực lượng du kích thiếu các mục tiêu quân sự có giá trị cao tương tự như các quốc gia. Và bởi vì các đơn vị du kích di chuyển và ẩn giấu tốt, nên các hệ thống tên lửa mà họ sử dụng rất khó bị tiêu diệt. Các thủ lĩnh du kích cũng có khả năng chịu đựng rủi ro cá nhân cao, vì nhiều người mong đợi hoặc thậm chí mong muốn trở thành liệt sĩ, điều này khiến mối đe dọa bị giết trong một cuộc không kích của Mỹ trở nên yếu ớt.

    Mỹ có lịch sử tiêu diệt các tổ chức du kích và khủng bố thông qua sự kết hợp của năng lực giám sát chặt chẽ, không kích và tấn công bằng drone, các chiến dịch đặc biệt và các cuộc đột kích phối hợp với các lực lượng đối tác. Đó là cách họ đánh bại Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS) và al Qaeda và kìm hãm Taliban trong một thập kỷ. Hezbollah và Houthi dễ bị tổn thương trước các phương pháp tương tự, và vì họ ở gần biển nên nhu cầu Mỹ xây dựng các căn cứ đắt tiền trên bờ sẽ giảm bớt. Nhưng cách tiếp cận này cần có thời gian, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và bao gồm một mức độ hủy diệt không nhỏ.

    Một cách hiệu quả hơn để đối phó với các nhóm như vậy sẽ là gây áp lực lên người tài trợ của họ, Iran, bằng cách truyền đạt rằng sẽ có hậu quả nếu các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket vẫn tiếp tục. Hướng hành động này không hoàn hảo: Tehran sẽ phủ nhận việc có ảnh hưởng đối với các lực lượng ủy nhiệm của mình và cáo buộc Mỹ leo thang, và Hezbollah và Houthi có lợi ích riêng và có thể không nghe theo người bảo trợ của họ. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Iran, và việc Tehran sẵn sàng tham chiến thay mặt họ còn lâu mới được đảm bảo, điều này mang lại cho Iran đòn bẩy đáng kể để thuyết phục các nhóm này dừng lại.

    Để điều đó xảy ra, Tehran phải hiểu được những hậu quả mà họ sẽ phải đối mặt nếu hành động của họ gây hại cho lực lượng Mỹ. Mỹ phải làm rõ sự sẵn sàng trả đũa thông qua hành động chứ không phải lời nói – và những bước đi nhỏ không phải là cách làm. Washington nên nói rõ những rủi ro mà Iran phải đối mặt: chiến tranh toàn diện và thiệt hại cho các lợi ích sống còn của Iran. Chính quyền Biden nên thông báo cho Tehran rằng họ sẽ đánh chặn bất kỳ tên lửa nào nhằm vào Israel, rằng họ sẽ trả thù nếu như có bất kỳ công dân Mỹ nào thiệt mạng và các cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi ở Biển Đỏ phải dừng lại. Trước khi bất kỳ một tên lửa nào tấn công một con tàu, mọi vụ phóng tên lửa chống hạm của Houthi nên được đáp trả bằng một hành động của Mỹ chống lại Iran. Điều này có thể ở dạng tiến hành các hoạt động giám sát bên trong lãnh hải Iran, bắn cảnh cáo vào các tàu của Iran hoặc tiến hành đổ bộ lên các tàu thương mại có thể đang buôn lậu vũ khí của nước này. Lầu Năm Góc cũng nên nghĩ ra những cách thức sáng tạo để cho thấy rằng các tài sản quân sự của Iran có thể bị hư hại ngay lập tức, chẳng hạn như thông qua chiến tranh mạng hoặc các hoạt động đặc biệt. Washington phải củng cố thông điệp bằng cách gửi lực lượng tấn công đến Trung Đông. Việc Tổng thống Joe Biden gần đây triển khai hai tàu sân bay, tàu khu trục tên lửa dẫn đường, máy bay chiến đấu F-22 và tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường là những động thái đáng hoan nghênh.

    Cuối cùng, Mỹ nên tiếp tục kiên định trong chính sách giúp Israel phòng thủ tên lửa. Làm như vậy thể hiện cam kết và hạn chế các lựa chọn của Iran. Nhờ thành công trong việc đánh chặn các tên lửa của Iran, Mỹ và Israel hiện đang ở vị thế mạnh hơn để răn đe Iran.

    Tất nhiên, nếu những rủi ro của cách tiếp cận này có vẻ quá cao và các nguồn lực cần thiết có thể làm sao lãng các ưu tiên khác, Mỹ có thể rút lui. Mỹ có thể không nói gì về các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel và, để giảm bớt nguy cơ leo thang mang tính tai nạn, hãy loại bỏ sự hiện diện hải quân và khuyến khích giao thông thương mại không đi qua Biển Đỏ. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên Israel phải chịu đựng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah. Cũng sẽ không phải là lần đầu tiên Biển Đỏ bị đóng cửa đối với giao thông thương mại. Kênh đào Suez đã từng bị đóng cửa từ năm 1967 đến năm 1975 trong bối cảnh các cuộc chiến tranh giữa Ai Cập và Israel. Mỹ có thể chấp nhận một tình huống tương tự cho đến khi cuộc khủng hoảng Gaza lắng dịu. Các chi phí tiềm ẩn của cách tiếp cận đó bao gồm nhiều cuộc tấn công hơn vào Israel, suy giảm thương mại quốc tế và vị thế của Mỹ ở Trung Đông bị suy yếu. Tuy nhiên, nếu mục tiêu quan trọng nhất là tránh bị sa lầy ở Trung Đông trong khi bảo vệ lợi ích của Mỹ và ngăn chặn sự xâm lược ở khu vực, Washington phải nhận ra rằng sự răn đe đòi hỏi phải chấp nhận những rủi ro không mong muốn.

    CARTER MALKASIAN là Trưởng khoa Phân tích Quốc phòng tại Naval Postgraduate School, Hoa Kỳ

    https://nghiencuuquocte.org/2024/09/23/cuoc-khung-hoang-nang-luc-ran-de-cua-my/#more-58530


    Không có nhận xét nào