Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 04 tháng 9 năm 2024

    Bão Yagi tăng cấp, có thể ảnh hưởng Việt Nam, thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy hồ

    RFA
    03/9/2024


    Bão Yagi tăng cấp, có thể ảnh hưởng Việt Nam, thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy hồ


    Cập nhật vị trí bão số 3 Yagi lúc 14 giờ ngày 3.9. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngHệ thống giám sát thiên tai VN/LĐ 

    Bão Yagi đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông và hướng vào Việt Nam sau khi càn quét Philippines gây ra lở đất và lụt lội, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.

    Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam hôm 3/9 cho biết, bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới.

    Truyền thông Nhà nước cho biết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trong ngày 3/9 đã lệnh giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy đồng thời cảnh báo các tỉnh, thành, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội phải đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.

    Cũng trong ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong ngày 3/9 đã ban hành Công điện 86 chỉ đạo các bộ, ngành địa phương triển khai ứng phó bão.

    Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương cần tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo; tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu... 

    Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

    Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an, được giao chỉ đạo lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

    Cơ quan khí tượng của Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các cơ quan khí tượng trên thế giới đều nhận định, trong 24 giờ tới, vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 2 - 4m, vùng gần tâm bão 3 - 5m.

    https://www.rfa.org/vietnamese

    Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối tân TBT Tô Lâm

    RFA
    04/9/2024


    Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối tân TBT Tô Lâm


    Ông Lê Trọng Hùng 

    Facebook Hùng Gàn LêTù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối tân TBT Tô Lâm 

    Ông Lê Trọng Hùng, người đang thi hành án tù năm năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An), bắt đầu tuyệt thực từ ngày 04/9 để đòi công lý trong vụ án của ông cũng như phản đối việc ông Tô Lâm trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

    Ông Hùng, 45 tuổi, là nhà báo độc lập, bị bắt vào ngày 27/3/2021 sau khi tuyên bố ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử cùng năm.

    Trong phiên toà sơ thẩm vào cuối năm 2021, ông bị kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế.

    Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về kế hoạch tuyệt thực của chồng qua tin nhắn ngày 4/9:

    Chồng tôi dự kiến tuyệt thực, chỉ uống nước lọc trong 50 ngày nhưng tôi đang thuyết phục anh giảm xuống 30 ngày vì ngày 4/10 năm nay là kỉ niệm 15 năm ngày cưới của chúng tôi. Tuy nhiên, anh Hùng chưa đồng ý.”

    Thông tin này được ông Hùng nói lại với vợ trong cuộc thăm gặp ngày 16/7 và cho biết thêm cuộc tuyệt thực lần này có “liên quan đến Quốc hội và ông Tô Lâm” và “có lẽ phản đối ông ấy ngồi sai chỗ,” trước khi bị cán bộ trại giam chặn không cho nói tiếp.

    Tô Lâm, người đứng đầu ngành công an từ năm 2016, trở thành Chủ tịch nước vào cuối tháng 5 vừa qua, và sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông lại được bầu làm người kế nhiệm vào ngày 03/8.

    Trong cuộc gọi điện về nhà theo định kỳ hàng tháng vào ngày 16/8, cán bộ trại giam nhắc nhở không cho đề cập đến chuyện tuyệt thực, do vậy, ông Hùng lợi dụng lúc họ xao nhãng mới vội vàng nói ra.

    Bà hy vọng sẽ có thể hỏi rõ hơn về cuộc tuyệt thực trong cuộc gọi điện của chồng về nhà sắp tới, tuy nhiên, việc tuyệt thực có thể khiến ông bị cán bộ quản giáo kỷ luật, cắt thăm nuôi và không cho gọi điện về nhà.

    Bà bày tỏ sự ủng hộ việc tuyệt thực của chồng vì đây “gần như là cách duy nhất trong thời điểm này để anh bày tỏ sự kiên định với mục đích cùng con đường mình đã chọn.”

    Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam số 6 qua số điện thoại công khai trên Internet để hỏi về vụ tuyệt thực của ông Hùng.

    Năm ngoái, ông Hùng tuyệt thực 30 ngày, cũng bắt đầu từ ngày 04/9, với mục tiêu yêu cầu toà án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của ông, do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo. 

    Ông cũng yêu cầu cán bộ Trại giam số 6 tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân, và đề nghị đại biểu Quốc hội vào gặp vì bản thân đang đề nghị thành lập Tòa Bảo Hiến. Tuy nhiên, các yêu cầu của ông không được đáp ứng.

    Ông Hùng là một cựu giáo viên của Trường Câm điếc Xã Đàn (Hà Nội), được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có tên CHTV. Nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-le-trong-hung-starting-his-lengthy-hunger-strike-09042024044819.html

    Chu Ngọc Quang Vinh vô ơn hay dũng cảm khi nói nhà trường ‘lừa gạt’, ‘đảng là thế lực xấu’? 

    04/09/2024 


    VOA Tiếng Việt 

    Pháp Luật Việt Nam đăng bài về Chu Ngọc Quang Vinh, 2/9/2024.


    Pháp Luật Việt Nam đăng bài về Chu Ngọc Quang Vinh, 2/9/2024. 

    Một nam sinh tài năng ở tỉnh Yên Bái phải hứng chịu nhiều lời lên án, chỉ trích từ báo chí nhà nước và những người ủng hộ chính quyền mấy ngày nay, thậm chí phải “làm việc” với công an sau khi viết trên mạng xã hội rằng nhà trường chỉ dạy một phần sự thật và đảng là “thế lực xấu”. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng em dũng cảm khi nêu ra quan điểm của mình.

    Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 tại Trường Phổ thông Trung học Chuyên Nguyễn Tất Thành ở Yên Bái, miền bắc Việt Nam, đăng bài trên mạng xã hội rạng sáng ngày Quốc khánh Việt Nam, 2/9, nói rằng em tiếp cận với văn hóa phương Tây “cao trào nhất” vào cuối cấp 2 và dần dần em “phát hiện” những gì nhà trường dạy “không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân”.

    Trong bài viết đã bị xóa khỏi trang Facebook cá nhân, Chu Ngọc Quang Vinh, người từng giành chức vô địch trong một cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia hồi đầu năm 2023, cũng viết rằng đảng “là thế lực xấu” và bày tỏ em ôn thi và tham gia cuộc thi nêu trên vì muốn “được sống ở nước ngoài”.

    Tính đến năm 2021, trong số 21 quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia và được học bổng ở Úc, chỉ có 2 người quay về Việt Nam, tức tỷ lệ 9,5%.

    Theo quan sát của VOA, bài viết của Quang Vinh gây ra một cơn bão với những ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội, trong khi một loạt các báo nhà nước phê phán, công kích em.

    Pháp Luật Việt Nam, Công Thương, Lao Động, Tiền Phong, Hoa Học Trò và nhiều báo khác đăng các bài trong hai ngày 2 và 3/9 cho rằng Quang Vinh “vô ơn”, “gây phẫn nộ”, bị cộng đồng “phản đối mạnh mẽ” vì em đã “coi nhẹ giá trị của giáo dục và truyền thống dân tộc”, không những thế còn “ảnh hưởng đến những học sinh đang nỗ lực học tập và cống hiến cho đất nước”.

    Các báo cũng cho biết trường học của Quang Vinh và Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đều đã xử lý vụ việc, mặt khác, công an “đã làm việc” với Quang Vinh về “phát ngôn không phù hợp”.

    Theo tường thuật trên báo chí nhà nước, “sau khi được giáo dục”, Quang Vinh đã gỡ bài viết gây tranh cãi và đăng bài mới đưa ra lời xin lỗi.

    Em cho biết trong quá trình tìm hiểu lịch sử, em “đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ Quốc”, cùng với đó, do bản thân có “những quan sát và trải nghiệm ít ỏi” nên em đã “phát ngôn nông cạn”.

    Quang Vinh khẳng định “không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc” và “xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về những phát ngôn không đúng”, đồng thời “mong nhận được sự tha thứ của mọi người”.

    Bên cạnh báo chí nhà nước, Quang Vinh đã hứng chịu búa rìu công kích từ các trang lâu nay được xem là nhiệt thành ủng hộ chính quyền, gồm Đơn vị Tác chiến Điện tử (ComCom), Học viện phòng chống phản động, TOP Comments… với các bài lên án, chỉ trích em nhận được hàng chục ngàn phản ứng và lời bình luận, bao gồm cả những từ ngữ tồi tệ gọi em là “súc vật”, “súc sinh”.

    Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, ở hướng ngược lại, cũng có không ít trang mạng và nhiều người ủng hộ, khen ngợi Quang Vinh là nói đúng sự thật hoặc dũng cảm.

    Trong số đó, trang Chân Trời Mới Media đăng ý kiến nói rằng nam học sinh “rất dũng cảm khi thể hiện quan điểm” là em chán đảng, trong khi em “nói là luôn yêu mến đất nước” vì thế “chẳng có lý do gì để chê cậu ấy”.

    Một ý kiến khác trên cùng trang nhận xét: “Báo chí mà cũng tham gia đấu tố suy nghĩ của cháu [cựu vô địch] Olympia thì thật kinh sợ!”

    Trang này cũng kêu gọi cộng đồng “cùng lên tiếng bảo vệ tiếng nói trung thực của nam sinh này” và nêu chất vấn “Chế độ CSVN [Cộng sản Việt Nam] tự nhận là ‘quang vinh, vĩ đại’, tại sao lại sợ một tiếng nói trung thực của người dân?”.

    Các ý kiến kể trên nhận được hàng nghìn phản ứng và lời bình luận yêu thích, ủng hộ.

    Có chung suy nghĩ và góc nhìn là những Facebooker có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như cựu tù nhân lương tâm-nhà tranh đấu Lê Anh Hùng, luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã phải bỏ chạy sự truy bức của chính quyền Việt Nam, hiện sống ở Mỹ; nữ doanh nhân hay lên tiếng phản biện xã hội Phương Ngô cũng đã chịu sức ép phải ra đi khỏi Việt Nam, nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà bình luận thời cuộc Chu Hồng Quý, bác sĩ Võ Xuân Sơn, cựu đạo diễn-nhà báo tự do Song Chi, nhà báo Chánh Tâm, và nhiều người khác.

    Họ cho rằng lời phản biện của Quang Vinh đúng dịp Quốc khánh Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa và em đã rất dũng cảm, đáng mến phục, là tài năng của đất nước khi bày tỏ quan điểm cá nhân. Cùng lúc, họ cũng nêu lo ngại về một chế độ và một xã hội nơi liên tục xảy ra “đấu tố”, “truy bức” một cách “mông muội, dã man, mù quáng” nhằm vào những ai dám nói lên sự thật.

    Những người bênh vực Quang Vinh lưu ý thêm rằng tổ quốc, đất nước, dân tộc không thể bị đánh đồng với chính quyền hay đảng phái, vì vậy những lời nhận xét về đảng, nhà nước không phải là vô ơn.

    Trong bài viết trên trang cá nhân, ông Võ Xuân Sơn chỉ ra rằng “Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào người dân, thì về phương diện quốc gia, trên bình diện một đất nước, người phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu ra họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước…”

    Ông Sơn kết luận bài viết có gần 4.000 phản ứng yêu thích và các lời bình ủng hộ rằng “Trước khi đấu tố ai đó, thì cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn”.

    https://www.voatiengviet.com/a/7770608.html

    Các khu công nghiệp Việt Nam lắp đặt điện mặt trời áp mái để thu hút nhà đầu tư 

    03/09/2024 

    VOA Tiếng Việt

    Hệ thống điện mặt trời áp mái đang trở thành lựa chọn của các doanh nghiệp trước tình trạng thiếu điện vào mùa cao điểm tại Việt Nam.


    Hệ thống điện mặt trời áp mái đang trở thành lựa chọn của các doanh nghiệp trước tình trạng thiếu điện vào mùa cao điểm tại Việt Nam. 

    Các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện đang tăng cường lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nhằm tăng sức cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư, Tân Hoa Xã và TTXVN đưa tin hôm 3/9.

    Tin cho hay hiện có khoảng 30%-50% trong số hơn 1.200 doanh nghiệp ngành dệt may của Việt Nam nằm trong các khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, theo các bản tin của hai hãng tin nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với một số khó khăn từ điều kiện thời tiết và cơ chế lắp đặt điện mặt trời áp mái cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp hiện nay không rõ ràng.

    TTXVN dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời áp mái là “lựa chọn không thể thiếu” đối với các doanh nghiệp khi việc cung cấp điện cho doanh nghiệp “vẫn còn nhiều thách thức” tại Việt Nam.

    Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên hôm 19/3, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu điện đã xảy ra ở khu vực phía Bắc hồi năm ngoái, và cho biết tình trạng này là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.

    Trong một diễn tiến liên quan, TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư khoảng 650 tỷ đồng lắp điện mặt trời áp mái tại 440 trụ sở công. Thông tin này được ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP.HCM, đưa ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP.HCM vào chiều 29/8, theo Môi trường & Cuộc sống.

    Tờ báo của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết rằng trong số các trụ sở sẽ được lắp điện mặt trời áp mái, có 65 trụ sở các đơn vị quân đội với tổng công suất 5,4 MWp; 72 trụ sở các đơn vị công an với tổng công suất 6,529 MWp; 57 trụ sở tại các bệnh viện với tổng công suất 9,588 MWp. Còn lại 246 trụ sở các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và các đơn vị khác có công suất 21,795 MWp.

    https://www.voatiengviet.com/a/7769748.html

    Mỹ vượt Trung Quốc thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam 

    03/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất tôm xuất khẩu tại Việt Nam. Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.


    Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất tôm xuất khẩu tại Việt Nam. Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. 

    Hoa Kỳ vừa vượt qua Trung Quốc, trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng qua, truyền thông Việt Nam dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho biết hôm 3/9.

    Theo thống kê của Bộ này, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 40,08 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024. Trong đó, nhập khẩu đạt 28,28 tỷ USD và xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm trước.

    Riêng thị trường Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đạt 8,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, biến Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, theo Truyền hình Thông tấn của TTXVN.

    Trong khi đó, vẫn theo bản tin của Truyền hình Thông tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng qua đạt 8,17 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng kim ngạch, tăng 10,2%.

    SGGP dẫn lời Đại diện Bộ NNPTNT cho biết Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm tỷ trọng tới 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này.

    Bộ này cho biết thêm rằng giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng lên trong 8 tháng qua, với các mặt hàng chủ lực gỗ, cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, cá tra… đều cao hơn cùng kỳ năm trước, và Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

    https://www.voatiengviet.com/a/7769660.html

    Du khách Nga chọn đi nghỉ ở Thái Lan đông gấp 8 lần số người Nga đến Việt Nam 

    04/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Du khách Nga trên bãi biển Layan ở Phuket, Thái Lan.


    Du khách Nga trên bãi biển Layan ở Phuket, Thái Lan. 

    Việt Nam quảng bá, xúc tiến du lịch nhắm vào du khách Nga trong khuôn khổ nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương “thân thiết, thủy chung”, nhưng số người Nga đến Việt Nam trong những tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 1/8 số khách du lịch Nga chọn Thái Lan.

    Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, bộ này cử một đoàn do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đến Nga từ ngày 1-7/7 để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước.

    Các quan chức của bộ nói trong một chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở Nga rằng chuyến công tác của họ được thực hiện trong bối cảnh “quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực” và nhằm “cụ thể hóa” một tuyên bố chung của hai nước về “làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” giữa hai bên.

    Bộ đưa ra con số là trong 5 tháng đầu năm nay, số du khách Nga đến Việt Nam đạt 95.000 lượt người, còn trước đại dịch COVID-19, hồi năm 2019, có tới 650 nghìn lượt khách du lịch Nga đã thăm Việt Nam.

    Nhưng số khách Nga mà Việt Nam đón được trong những tháng đầu năm 2024 chỉ bằng khoảng 1/8 số người Nga đi nghỉ ở Thái Lan, theo quan sát của VOA.

    Các trang The Thaiger và ASEAN Now hồi tháng 8 dẫn thông tin từ Cục Du lịch Thái Lan cho hay chỉ trong nửa đầu năm nay, gần 921.000 người Nga đã đến Thái Lan và ước tính cả năm nước này sẽ đón khoảng 1,9 đến 2 triệu khách Nga.

    Trong khi Hà Nội luôn ca ngợi “tình hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc” với Nga, hậu thân của Liên Xô vốn từng là đồng minh cộng sản đã trợ giúp to lớn cho Việt Nam trong quá khứ, và gần đây nhất, Việt Nam tránh lên án Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Thái Lan lại không có mối quan hệ như vậy với Nga, thậm chí họ đã 3 lần bỏ phiếu bất lợi cho Nga ở Liên Hiệp Quốc.

    Đó là 3 lá phiếu của Thái Lan ủng hộ những nghị quyết LHQ lên án Nga xâm lược Ukraine, kêu gọi Nga rút khỏi lãnh thổ được công nhận là của Ukraine và yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh.

    Mặc dù vậy, Bangkok vẫn có những động thái thu hút người Nga đi du lịch ở Thái Lan và nước này ước tính khách Nga sẽ tạo ra doanh thu 124 tỷ baht (hơn 3,6 tỷ đô la) cho ngành du lịch Thái Lan trong năm 2024, theo tìm hiểu của VOA.

    https://www.voatiengviet.com/a/du-khach-nga-chon-thai-lan-dong-gap-8-lan-so-nguoi-nga-den-viet-nam/7770694.html

    Tổng thống Philippines cắt bỏ đoạn trên Facebook cảm ơn Việt Nam ủng hộ phán quyết ở Biển Đông

    03/9/2024

    Tổng thống Philippines cắt bỏ đoạn trên Facebook cảm ơn Việt Nam ủng hộ phán quyết ở Biển Đông


    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang ở Dinh Tổng thống Philippines hôm 30/8/2024 

    Facebook: Bongbong Marcos 

    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa cắt bỏ một đoạn viết trên Facebook có hơn bảy triệu người theo dõi của mình về hợp tác quốc phòng Việt Nam và Philippines, trong đó ông viết lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông hồi năm 2016.

    Trong đoạn viết trên trang Facebook thu hút được gần 7.000 người đọc hôm 30/8, Tổng thống Philippines viết rằng hai nước “đã nâng cấp quan hệ Philippines – Việt Nam lên tầm cao hơn với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phan Văn Giang”.

    Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang vừa tới thăm Philipppines hôm 30/8 trong chuyến công du đầu tiên của ông đến quốc gia này kể từ khi giữ chức người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Giang đã gặp Tổng thống Philippines và có thảo luận song phương với người đồng nhiệm Gilberto Teodoro Jr.

    Trên Facebook cá nhân, Tổng thống Marcos đã viết: “Chúng tôi cảm ơn Việt Nam vì đã ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế”.

    Hồi năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague đã đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, và bác bỏ toàn bộ các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông – khu vực đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng bao gồm cả Việt Nam và Philippines.

    Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng khẳng định ủng hộ rõ ràng với phán quyết này mặc dù phán quyết có lợi cho Việt Nam. Thậm chí Hà Nội đã từng được cho là đã có lúc cân nhắc việc áp dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc.

    Những tuyên bố từ người phát ngôn của Việt Nam từ trước đến nay chỉ khẳng định là Hà Nội ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo các biện pháp hòa bình, bao gồm ngoại giao và pháp lý.

    Hiện không rõ phía Việt Nam có đưa ra những yêu cầu đối với Tổng thống Philippines liên quan đến việc xóa đoạn viết trên Facebook hay không.

    Đoạn viết trên Instagram của Tổng thống Philippines cũng được cắt bỏ tương tự.

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro Jr. nói tại một diễn đàn quốc tế ở Manila hôm 27/8 rằng Việt Nam và Philippines hy vọng sẽ đạt được các thỏa thuận. Tuy nhiên, kết thúc chuyến thăm của tướng Giang tới Manila, hai bên vẫn chưa ký được một thỏa thuận nào ngoài một Ý định thư về tăng cường hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ ngoài biển, y tế quân đội.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/philippines-vietnam-marcos-facebook-south-china-sea-rulling-09032024085030.html

    Tòa án Thái Lan sẽ ra phán quyết về yêu cầu dẫn độ đối với Y Quynh Bdap vào ngày 30/9

    03/9/2024

    Tòa án Thái Lan sẽ ra phán quyết về yêu cầu dẫn độ đối với Y Quynh Bdap vào ngày 30/9


    Ông Y Quynh Bdap trong một bức ảnh ở Thái Lan 

    Mạch Sống Media 

    Một tòa án Thái Lan chuẩn bị ra phán quyết về việc dẫn độ nhà hoạt động vì quyền của người Thượng Y Quynh Bdap vào ngày 30 tháng 9 tới, luật sư bào chữa cho biết.

    Phiên điều trần hôm 2/9 tập trung vào các đề xuất của nhân chứng của bị đơn rằng việc dẫn độ về Việt Nam đối với Y Quynh là bị cấm.

    Luật sư nhân quyền Somchai Homlaor nhắc lại với tòa án về Điều 13 của luật cưỡng bức mất tích của Thái Lan, nguyên tắc không đẩy trả của luật quốc tế và tình trạng tị nạn của Y Quynh từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn không phù hợp với việc trục xuất một người để họ phải đối mặt với sự đàn áp, tra tấn hoặc cưỡng bức mất tích.

    "Mối đe dọa xung quanh Bdap vẫn còn, theo như tôi đã nghiên cứu từ các báo cáo", ông Somchai nói trong quá trình thẩm vấn chéo.

    Ông Y Quynh Bdap, quốc tịch Việt Nam, đang đối mặt với phiên tòa sơ thẩm dẫn độ ở Thái Lan theo yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam và đối diện với bản án 10 năm tù vì cáo buộc tham gia chỉ đạo vụ tấn công vào hai trụ sở cơ quan công quyền ở tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, vốn bị ông bác bỏ.

    Một phóng viên của RFA có mặt trong tòa án cho hay, ông Y Quynh mặc bộ đồng phục tù nhân màu nâu, tỏ ra bình tĩnh.

    "Ông ta chỉ có thể bị trục xuất nếu tòa án thấy ông ta là mối đe dọa đối với đất nước nơi ông ta đang ở, trong trường hợp này là Thái Lan", luật sư Somchai nói.

    Công tố viên đã phản đối tuyên bố của Somchai, đồng thời bảo vệ cáo buộc khủng bố và dẫn độ của chính quyền Việt Nam.

    Một học giả đã nghỉ hưu đứng ra làm chứng cho người sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công lý cho biết Việt Nam có một hồ sơ dài về đàn áp dân tộc thiểu số và ngược đãi tù nhân, một số trường hợp đã tử vong là một mối lo ngại đối với Y Quynh.

    "(Y Quynh-PV) có tư cách tị nạn, được bảo vệ và không thể bị trục xuất miễn là ông ta có thể phải đối mặt với sự đàn áp", cựu giảng viên tại Đại học Chulalongkorn, Sriprapa Petchmeesri cho biết.

    Bà cho biết, nhà hoạt động nhân quyền người Việt Nam đã đề cập đến điều đó và nhiều báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng thể hiện như vậy, và thật đáng lo ngại nếu Thái Lan trục xuất ông về nước.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thai-court-to-deliver-final-decision-related-to-montagnard-activist-on-sep-30-09032024084729.html


    Không có nhận xét nào