Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 06 tháng 9 năm 2024

    HRW kêu gọi Việt Nam ngưng ‘đàn áp có hệ thống’ những tiếng nói ôn hòa 

    06/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    HRW hôm 5/9/2024 kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị. Photo HRW.

    HRW hôm 5/9/2024 kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị. Photo HRW. 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 5/9 thúc giục chính quyền Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị, đồng thời kêu gọi quốc tế hãy gây áp lực để Hà Nội chấm dứt “cuộc đàn áp có hệ thống những người chỉ trích ôn hòa”.

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng quốc gia cộng sản này hiện đang giam cầm hơn 160 người “chỉ vì họ thực hiện các quyền căn bản của mình”, theo một bản tin ngắn của tổ chức này hôm 5/9.

    Trong khi đó, “các nhà hoạt động phải đối mặt với sự sách nhiễu và đe dọa hàng ngày của công an”, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ, nhận xét.

    Cũng hôm 5/9, bản tin trên được đăng kèm trên trang X với hình ảnh của hàng chục nhà hoạt động, blogger, nhà báo đang thụ án tù tại Việt Nam, trong số này có các nhà báo Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, cùng các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Cấn Thị Thêu, Đặng Đình Bách.

    “Tình trạng giam giữ lâu dài trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư cũng là chuyện thường tình ở quốc gia công an trị độc đảng không dung thứ cho bất đồng chính kiến này”, bà Lisa-Marie Maier, điều phối viên phụ trách truyền thông và vận động của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, viết trong bản tin.

    Bà kêu gọi rằng các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam cần thúc éo để chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống những người chỉ trích ôn hòa.

    “Hãy tham gia cùng chúng tôi để kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị cầm tù và giam giữ vì thực hiện quyền của mình một cách ôn hòa”, bà Maier nhấn mạnh.

    VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi trên của HRW, nhưng chưa được trả lời.

    Chính phủ Việt Nam phản bác các cáo buộc cho rằng nước này vi phạm nhân quyền, đồng thời cũng bác bỏ việc giam giữ tù nhân chính trị. Hà Nội khăng khăng rằng các quyền căn bản của người dân luôn được đảm bảo và chỉ bắt giam, xét xử những ai vi phạm pháp luật.

    Hồi tháng 4/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền Việt Nam, dẫn dữ liệu của các cơ quan truyền thông, tổ chức phi chính phủ và các nhà quan sát khác, cho biết tính đến ngày 31/10/2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 187 người liên quan đến hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, bao gồm 162 người đã bị kết án và 25 người đang bị giam giữ chờ xét xử.

    https://www.voatiengviet.com/a/hrw-keu-goi-viet-nam-ngung-dan-ap-co-he-thong-nhung-tieng-noi-on-hoa/7773195.html

    The New York Times mở văn phòng thường trú tại Việt Nam

    RFA
    06/9/2024

    The New York Times mở văn phòng thường trú tại Việt Nam

    Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao giấy phép thành lập văn phòng thường trú tại Việt Nam cho đại diện báo New York Times ngày 5/9. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTPO/Báo QT 

    Báo The New York Times của Mỹ vừa nhận được giấy phép thành lập Văn phòng thường trú tại Việt Nam.

    Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trao giấy phép cho đại diện báo The New York Times trong ngày 5/9.

    Truyền thông Nhà nước cho biết theo nội dung giấy phép, Văn phòng thường trú của The New York Times dự kiến hoạt động từ tháng 10/2024.

    Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời cho rằng, với việc mở văn phòng thường trú tại Việt Nam, báo The New York Times sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động báo chí tại Việt Nam.

    Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tờ báo của Mỹ đưa nhiều tin bài sinh động hơn về Việt Nam và khu vực, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam.

    Bà Hằng cũng tin tưởng văn phòng thường trú tại Việt Nam của tờ báo được thành lập từ tháng 9/1851 có trụ sở chính tại New York, sẽ đóng góp nhiều bài viết chuyên sâu về việc tăng cường quan hệ song phương Việt-Mỹ, đánh dấu mốc kỷ niệm một năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (từ ngày 11/9/2023) và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ vào năm 2025.

    Phát biểu tại buổi lễ, ông Damien Cave -phóng viên thường trú và cũng là trưởng Văn phòng thường trú của The New York Times cho biết việc mở văn phòng thường trú, cho thấy Việt Nam đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận báo chí Mỹ và thế giới.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-new-york-times-opens-its-office-in-vietnam-09062024080449.html

    “Cách mạng màu” – nỗi ám ảnh của chế độ hay chỉ là chiêu bài chính trị?

    05/09/2024 | 

    https://i.ytimg.com/vi/FrElTNRKQiA/hqdefault.jpg

    Vừa qua, Tuyên giáo Cộng sản đã giật dây cho một số trang dư luận viên, vu cáo Đại học Fulbright là âm mưu ươm mầm cho “cách mạng màu”. Kế hoạch này rất bài bản, có cả phóng sự trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó phóng sự này đã bị gỡ bỏ âm thầm.

    Nếu không có ai đó bật đèn xanh, thì sẽ chẳng có trò vu cáo này. Đại học Fulbright cho biết, họ đang tiến hành những bước đi pháp lý, để tự bảo vệ danh dự. Tuy nhiên, nếu có kiện và tố nhau ra tòa, thì chắc chắn, chỉ những con rối cấp dưới bị đem ra xử, chứ những kẻ trên cao sẽ không bị điều tra.

    Hiện nay, ở Trung ương hình như có 2 xu hướng ngoại giao trái ngược nhau, ông Tô Lâm vội vã sang Bắc Kinh triều kiến, trong khi, ông Phan Văn Giang liên lục có những bước đi, Ít nhất, cho thấy, ông Giang đang có đường lối ngoại giao gần Mỹ hơn. Vậy thì, trong 2 nhóm trên, nhóm nào muốn chống lại cái gọi là “cách mạng màu” hay là cả hai đều chống?

    Cách mạng màu là cách gọi những phong trào phản kháng phi bạo lực, nhằm lật đổ chế độ độc tài hoặc tham nhũng, hoặc đòi hỏi sự cải cách chính trị, dân quyền, dân chủ. Rõ ràng, nhà nước độc tài Cộng sản vừa độc tài, vừa tham nhũng khủng, vừa thiếu dân chủ và không có nhân quyền.

    Nếu có cơ hội, người dân Việt Nam không đời nào để Đảng Cộng sản tồn tại, chắc chắn, số đông sẽ ủng hộ cách mạng màu. Tuy nhiên, với Đảng Cộng sản, thì bất kỳ phe nào cũng đều sợ “cách mạng màu”. Cho nên, có thể hiểu, cả Phan Văn Giang và Tô Lâm đều sợ cách mạng màu.

    Vậy, ai chủ trương dùng cái gọi là “cách mạng màu” để vu cáo Đại học Fulbright?

    Thực chất, dùng cái gọi là “cách mạng màu” để vu cáo Đại học Fulbright, chủ yếu là các phe phái trong Đảng đều dùng nó như một chiêu bài để đấu nhau mà thôi. Phan Văn Giang sẽ có chuyến thăm Mỹ, và sau đó Tô Lâm cũng có chuyến công du Mỹ trong tháng 9 này, trong khi đó, Đại học Fulbright là kết quả hợp tác giáo dục giữa Việt – Mỹ. Có thể hiểu, lực lượng trong Đảng không muốn ông Giang hoặc Tô Lâm gần Mỹ, đang tấn công vào Fulbright, như muốn ám chỉ, Mỹ đang có âm mưu lật đổ Đảng bằng “cách mạng màu”. Theo Mỹ là phản bội Đảng.

    Khả năng cao là lực lượng theo Trung Quốc nằm trong cả 2 phe Công an và Quân đội đứng sau trò tố cáo Fulbright vừa qua. Tất nhiên, phe quân đội và phe công an không phải là “vừa”, họ cũng có thế và lực của riêng họ, không dễ chụp mũ họ, như chụp mũ dân.

    Nếu Đại học Fulbright có âm mưu làm cách mạng màu, thì họ không thể tồn tại ở Việt Nam. Bởi chỉ cần một mầm mống xuất hiện, thì bộ máy công an khổng lồ chắc chắn sẽ không tha cho họ. Đại học Fulbright được chính quyền Cộng sản chấp nhận và cấp phép, có nghĩa, họ là một tổ chức giáo dục hoạt động theo luật pháp của Cộng sản. Nếu bên vu cáo có bằng chứng, thì họ đã không rút bài.

    Hiện nay, các phe trong Đảng đều đang sử dụng những trò đánh dưới thắt lưng. Chính trường trong thời gian tới hứa hẹn sẽ có sôi động hơn. “Tứ trụ + Công an” đấu với “Tứ trụ + Quân đội”, sẽ là trận đấu ngang tài ngang sức, sẽ là “bạo lực cách mạng” đấu với “bạo lực cách mạng”.

    Bao năm qua, các thế lực được cho là thân Mỹ cũng không thể xích lại gần hơn với cường quốc số 1 thế giới này. Ngay cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người được cho là có xu thế thân Mỹ, cũng không thể phá rào, để kết nối mạnh hơn với Mỹ. Ông Dũng cũng phải trôi theo dòng chảy của Đảng, nghĩa là, vẫn không thể thoát khỏi Tàu. Ông Dũng chỉ thể hiện thân Mỹ khi cho con cái du học Âu Mỹ, gả con gái cho một Việt kiều Mỹ, là con của cựu quan chức Việt Nam Cộng hòa.

    Lần này đi Mỹ, có lẽ Phan Văn Giang hoặc Tô Lâm cũng chỉ xích lại gần Mỹ một cách giới hạn. Sẽ khó có một lực lượng nào dám “bạo gan” tiến sát Mỹ, như Đài Loan đang làm.

    Thái Hà 

     Thoibao.de

    https://thoibao.de/blog/2024/09/05/cach-mang-mau-noi-am-anh-cua-che-do-hay-chi-la-chieu-bai-chinh-tri

    Siêu bão Yagi đến VN: 106 huyện, thị, thành phố nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/09/sieu-bao-yagi-106-huyen-thi-thanh-pho-co-nguy-co-lu-quet-sat-lo-dat.jpg

    Hình ảnh siêu bão Yagi. (Ảnh: zoom.earth) 

    Siêu bão Yagi được dự báo sẽ tiếp cận gần bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào giữa buổi sáng ngày 7/9, gây mưa rất lớn. 106 huyện, thị, thành phố có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

    Bão giật cấp 18

    Theo Chuyên gia biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai Nguyễn Ngọc Huy, vào thời điểm 20h20 ngày 5/9, bão Yagi đang cách bờ biển phía Đông của bán đảo Lôi Châu – đảo Hải Nam của Trung Quốc 340km về phía Đông.

    Gió mạnh gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 18. Vận tốc gió từ 185km/h – 220km/h.

    Đường kính mắt bão 36km. Mắt bão to, tròn đều. Các đĩa mây gần tâm bão đồng nhất, đậm đặc và cân xứng thể hiện sức mạnh khủng khiếp của bão. Tuy nhiên, các đĩa mây vành ngoài có sự phân tán và tách tâm cho thấy dấu hiệu nó sẽ giảm cấp khi gần bờ biển Lôi Châu. Sóng biển gần tâm bão đang cao ở mức 9,7 mét.

    Ông Huy cho hay hiện có 2 kịch bản về vị trí đổ bộ của tâm bão:

    Trường hợp tâm bão đi vào khu vực Bắc Quảng Ninh gần biên giới Trung Quốc, Việt Nam sẽ giảm được thiệt hại vì địa hình Quảng Ninh nhiều núi, bão sẽ giảm cấp nhanh khi vào đất liền;

    Trường hợp bão đi trực diện vào Hải Phòng thì vùng ảnh hưởng rất lớn vì đó là khu vực trống trải, bằng phẳng. Bão sẽ vào sâu trong đất liền, tới tận Hà Nội.

    Hiện tại chưa thể khẳng định chắc chắn vị trí tâm bão đổ bộ.

    Theo ông Huy, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ vào nửa khuya đêm 6/9 và tiếp cận gần bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào giữa buổi sáng ngày 7/9. Như vậy, sau khi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ, bão sẽ di chuyển rất nhanh.

    106 huyện, thị, thành phố nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi , từ đêm ngày 6 – 9/9, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hoá có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 – 350 mm, có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100 – 150 mm.

    Từ chiều ngày 7 – 8/9, khu vực Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La mưa 150 – 250 mm, có nơi trên 350 mm.

    Cơ quan khí tượng cho biết ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng.

    Đỉnh lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái) ở mức báo động 1 – 2 (BĐ1 – BĐ2); sông Lô tại Tuyên Quang lên mức BĐ1; sông Cầu, Thương, Lục Nam trên mức BĐ1 – BĐ2; sông Hoàng Long lên mức BĐ2. Lũ trên các sông nhỏ, các sông thượng nguồn tại các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình khả năng lên mức BĐ2 – BĐ3; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1.

    Mưa lớn gây nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

    Đặc biệt, mưa tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Từ đêm 6 – 8/9, cần đặc biệt lưu ý tại 106 huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh miền Bắc.

    Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh 12 huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu.

    Lạng Sơn 10 huyện, thành phố: Hữu Lũng, Bình Gia, Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng, Bắc Sơn, Đình Lập, Lạng Sơn.

    Bắc Kạn 6 huyện, thành phố: Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Bắc Kạn. Thái Nguyên 9 huyện, thị xã, thành phố: Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công, Thái Nguyên, Đại Từ.

    Bắc Giang 8 huyện, thành phố: Bắc Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang. Vĩnh Phúc 5 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên.

    Tỉnh Hòa Bình 11 huyện, thành phố: Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, Mai Châu, Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc, Yên Thủy.

    Phú Thọ 9 huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập. Tuyên Quang 4 huyện, thành phố: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Tuyên Quang.

    Yên Bái 9 huyện, thị xã, thành phố: Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái, Nghĩa Lộ.

    Sơn La 8 huyện, thành phố: Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên.

    Lai Châu 3 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Lào Cai 4 huyện: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên. Thanh Hóa 10 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành.

    Người dân nên ở nhà từ sáng thứ 7 để tránh siêu bão Yagi

    Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người.

    Trong đó, có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ (Thái Bình 19 tàu/139 người, Nam Định 55 tàu/175 người, Thanh Hóa 876 tàu/5.290 người, Nghệ An 371 tàu/2.800 người, Quảng Bình 87 tàu/617 người, Huế 16 tàu/182 người, Quảng Ngãi 107 tàu/758 người, Bình Định 12 tàu/84 người). Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

    Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9, Ninh Bình cấm biển từ 13h hôm nay. Còn 2.231 du khách du lịch trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người) đã nhận được thông tin về bão và có các phương án ứng phó.

    Về nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, trên biển ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào Vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13 – cấp 14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản.

    Về thời điểm bão đổ bộ từ ngày 7/9, ông Luận khuyến cáo, từ sáng thứ 7 người dân nên ở nhà vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có dông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.

    Ông Luận cũng yêu cầu không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố…

    Minh Long

    https://vietluan.com.au/120871/sieu-bao-yagi-den-vn-106-huyen-thi-thanh-pho-nguy-co-xay-ra-lu-quet-sat-lo-dat/

    Cục hàng không VN tạm ngừng khai thác bốn sân bay do ảnh hưởng bão Yagi

    RFA
    06/9/2024

    Cục hàng không VN tạm ngừng khai thác bốn sân bay do ảnh hưởng bão Yagi

    Máy bay hãng AirAsia hạ cánh tại sân bay Nội Bài. 

    Reuters 

    Cục hàng không Việt Nam quyết định tạm ngừng khai thác bốn sân bay gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân trong ngày 7/9, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi.

    Trong ngày 5/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cũng ra thông báo cho học sinh nghỉ học trong ngày 6 và 7/9 để tránh siêu bão.

    Truyền thông Nhà nước cho biết, quyết định tạm ngừng khai thác bốn sân bay phía Bắc được đưa ra sau cuộc họp do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng chủ trì vào chiều 5/9 bàn về phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số ba.

    Theo nội dung quyết định, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành và điều hành bay đảm bảo tuyệt đối an toàn. Cảng vụ hàng không miền Bắc được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn khai thác tại các sân bay theo quy định.

    Liên quan đến quyết định cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 6 và 7/9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học có kế hoạch làm nơi để di dân đến tạm lánh; đồng thời sẽ cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 6/9.

    Chủ tịch TP Hải Phòng cũng yêu cầu thực hiện cấm biển từ 11h ngày 6/9 cho đến khi có thông báo mới.

    Tại Quảng Ninh và Bắc Giang, sở yêu cầu toàn ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn hai tỉnh cho học sinh nghỉ học thứ bảy (ngày 7/9).

    Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão Yagi là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại.

    Trong ngày 5/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc và Philippines chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng nước sở tại, đề nghị tạo điều kiện để các tàu thuyền Việt Nam trú, tránh, hỗ trợ cứu người và sửa chữa trong trường hợp cần thiết.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội để đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng phía bạn hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam trong trường hợp cần thiết, cử cán bộ trực thường xuyên 24/24, kịp thời hỗ trợ để ứng phó kịp thời với siêu bão Yagi.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-aviation-administration-temporarily-suspend-operations-of-four-airports-due-to-typhoon-yagi-09062024080648.html

    4 người Việt Nam bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ vì bóc lột trẻ em ở Pattaya 

    06/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Pattaya Mail đưa tin 4 người Việt bị bắt giữ ở Pattaya, 5/9/2024.

    Pattaya Mail đưa tin 4 người Việt bị bắt giữ ở Pattaya, 5/9/2024. 

    Cảnh sát thuộc Sở Xuất nhập cảnh tỉnh Chonburi, Thái Lan, mới đây bắt giữ 4 người Việt Nam bị coi là bóc lột trẻ em ở thành phố du lịch Pattaya, hai trang tin The Thaiger và Pattaya Mail đưa tin hôm 5/9.

    Tin cho hay do đông đảo người dân địa phương và du khách than phiền về tình trạng có những người ngoại quốc “sử dụng” trẻ em chèo kéo, làm phiền du khách để bán hoa vào các buổi tối ở Phố Đi Bộ nổi tiếng của Pattaya, tác động tiêu cực đến hình ảnh của thành phố, giới chức nơi này đã đề nghị Sở Xuất nhập cảnh tỉnh Chonburi giúp đỡ.

    Có một số người đã bắt đầu trình báo về tình trạng này từ hồi tháng 5, mô tả rằng có những người ngoại quốc đi cùng trẻ nhỏ ở Pattaya, họ nói bập bẹ tiếng Thái, đeo bám và chèo kéo du khách để tìm cách bán hoa và kẹo bánh. 

    Dù du khách từ chối một cách lịch sự, những người đó vẫn bám theo, thậm chí kéo tay họ, gây phiền toái, bực bội.

    Đáp lại đề nghị của giới chức Pattaya, một lực lượng của Sở Xuất nhập cảnh tỉnh Chonburi do một trung úy cảnh sát đứng đầu đã tiến hành hoạt động “dọn dẹp” hôm 4/9 với kết quả là 4 công dân Việt Nam bị bắt giữ. 

    Hai trong số những người này bị khởi tố về hành vi nhập cảnh trái phép và làm việc không có giấy phép, 2 người còn lại đối mặt với các biện pháp pháp lý sẽ dẫn đến việc họ bị tước quyền cư trú ở Thái Lan, The Thaiger và Pattaya Mail tường thuật.

    Trung úy cảnh sát Pramot Fuengfung nói trong những bản tin của The Thaiger và Pattaya Mail rằng “Chúng tôi hành động mau lẹ theo đề nghị của thành phố để xử lý vấn đề và tái lập trật tự”.

    Thị trưởng thành phố Pattaya Poramet Ngampichet được The Thaiger và Pattaya Mail trích dẫn lời nói rằng “Loại hành vi này, nhất là liên quan đến trẻ em, không thể chấp nhận được và làm hỏng danh tiếng của thành phố chúng tôi”.

    Ông đưa ra lời đảm bảo rằng “Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để ngăn chặn những sự việc như thế này tái diễn và bảo đảm Pattaya vẫn luôn là một điểm đến an toàn và ưa thích cho tất cả mọi người”.

    Theo The Thaiger và Pattaya Mail, nhà chức trách nhấn mạnh rằng hoạt động trấn áp hiện nay là một phần của những nỗ lực trên diện rộng để bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột trong khi giữ gìn nét hấp dẫn của thành phố về mặt du lịch.

    https://www.voatiengviet.com/a/bon-nguoi-viet-bi-nha-chuc-trach-thai-lan-bat-giu-boc-lot-tre-em-pattaya/7773214.html

    VinFast giảm giá VF 9 tại Mỹ: Liệu có lật ngược được thế cờ?

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Khách mời đứng cạnh mẫu xe VF 9 tại sự kiện trải nghiệm của VinFast vào ngày 3/2/2024 tại West Hollywood, California, Mỹ

    3 giờ trước

    Sau lần ra mắt không thành công mẫu VF 8 tại thị trường Mỹ vào đầu năm 2023, hãng xe điện Việt Nam VinFast muốn tăng sức hấp dẫn của dòng sản phẩm thứ hai VF 9 bằng cách giảm giá khủng sát ngày giao lô hàng đầu tiên vào cuối tháng Chín.

    Hiện tại, mẫu ô tô điện VF 9 phiên bản Eco có giá niêm yết là 69.800 USD (tương đương hơn 1,7 tỷ đồng) tại thị trường Mỹ, thấp hơn đáng kể so với mức giá ban đầu là 83.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) công bố vào tháng 8/2023.

    Trong khi đó, bản cao cấp VF 9 Plus còn giảm nhiều hơn, hiện ở mức 73.800 USD (hơn 1,8 tỷ đồng) so với mức ban đầu là 91.000 USD (hơn 2,2 tỷ đồng).

    Trả lời BBC News Tiếng Việt, đại diện của VinFast nói rằng hãng đã điều chỉnh giá so với mức trước khi đặt cọc để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn với sản phẩm xe điện chất lượng cao này của VinFast.

    Dù vậy, mức giá này vẫn được định vị ở mức trung bình đến cao đối với xe điện ở Mỹ, và phải cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nổi tiếng và lâu đời, theo Fransua Vytautas Razvadauskas, giám đốc chuyên sâu về mảng di động của công ty phân tích thị trường Euromonitor International.

    Chỉ bán được 3.129 xe tại Mỹ vào năm 2023

    Theo thống kê mà Euromonitor cung cấp cho BBC, vào năm 2023, VinFast chỉ đạt doanh số 3.129 ô tô điện tại Mỹ.

    Con số này chiếm khoảng 9% trong tổng số gần 35.000 xe điện của hãng được bán ra trong năm 2023.

    Sang năm 2024, thị trường xe điện toàn cầu và ở Mỹ đều chững lại. Số lượng đăng ký xe điện mới tại Mỹ trong năm 2024 dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 41%, giảm so với mức 52% vào năm 2023.

    Nhà phân tích Razvadauskas nhận định trong bối cảnh hiện nay, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải đối mặt với rất nhiều rào cản, trong đó giá cả là một yếu tố quan trọng.

    “Khảo sát người tiêu dùng do Euromonitor thực hiện vào năm 2024 cho thấy 63% người Mỹ được hỏi chỉ ra rằng chi phí cao là yếu tố lớn nhất khiến họ chần chừ mua xe điện,” ông Razvadauskas cho biết.

    Theo các chuyên trang về ô tô tại Mỹ, dù không có nhiều mẫu SUV (viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle, dòng xe thể thao đa dụng) ba hàng ghế chạy hoàn toàn bằng điện trên thị trường, nhưng ngay cả khi đã giảm giá thì VF 9 vẫn là một chiếc xe điện đắt tiền.

    EV9 của KIA là đối thủ rõ ràng nhất và ngay cả khi VF 9 giảm giá, mẫu xe điện Hàn Quốc vẫn phải chăng hơn với mức giá khởi điểm là 54.900 USD.

    Một đối thủ đáng gờm khác là R1S, chiếc xe điện mạnh mẽ, đa dụng với các địa hình của hãng Rivian của Mỹ, có mức giá khởi điểm là 75.900 USD.

    Một điều đáng lưu ý là VF 9 đắt hơn mẫu Tesla Model Y Long Range AWD có mức giá thực tế là 41.880 USD nhưng rẻ hơn Tesla Model X, với mức giá khởi điểm là 79.990 USD.

    Bên cạnh đó, chuyên gia Razvadauskas cho rằng nhận thức của người tiêu dùng về xe điện cũng là một rào cản mà VinFast cần phải vượt qua.

    Vào thời điểm VinFast công bố ra mắt VF 9 tại Mỹ, việc giao hàng dự kiến diễn ra từ quý 4/2023 nhưng sau đó được đẩy đẩy sang cuối tháng 9 năm nay.

    Việc trì hoãn khiến mẫu VF 8 phải gánh vác tên tuổi của hãng tại thị trường lớn. VF 8 được đánh giá là ra mắt muộn, phải chịu một loạt đánh giá tiêu cực về kỹ thuật và mức giá cao.

    “Việc VinFast không quảng bá thương hiệu sẽ khiến việc thâm nhập vào thị trường xe điện Mỹ trở nên khó khăn, ít nhất là trong tương lai gần,” ông Razvadauskas cho hay.

    Đại diện của VinFast nói với BBC hãng vẫn tập trung phát triển tại Mỹ thông qua các hoạt động ra mắt sản phẩm mới VF 9 kèm chính sách bán hàng hấp dẫn, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm VF 8 và mở rộng mạng lưới đại lý.

    “Chúng tôi vẫn đang thúc đẩy kinh doanh theo đúng kế hoạch, tập trung phát triển mạng lưới đại lý của VinFast trên toàn nước Mỹ. Hiện VinFast đã ký kết với 25 đối tác tại 12 bang như Texas, Florida, Bắc Carolina, New York…,” đại diện này chia sẻ.

    Nhà phân tích Razvadauskas cho rằng tiến vào thị trường đại chúng có thể là giải pháp lâu dài cho hãng xe điện Việt Nam, tuy nhiên, họ cần nâng doanh số lên cao hơn nhiều.

    “Việc tăng cường các nỗ lực quảng bá có mục tiêu, tập trung sâu hơn vào kết nối bên trong xe (như chức năng OTA - cập nhật phần mềm qua mạng không dây) và các giải pháp sáng tạo khác thể hiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành công nghiệp ô tô có khả năng thúc đẩy doanh số bán hàng tại Mỹ,” ông nói.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Mẫu VF 8 (phải) đã gánh vác tên tuổi của VinFast tại thị trường Mỹ cho đến khi mẫu VF 9 (trái) được giao hàng vào tháng 9/2024

    Truyền thông Mỹ nói gì về VF 9?

    Mẫu VF9 có ba hàng ghế và có kích thước lớn hơn mẫu VF 8. Cả hai phiên bản Eco và Plus đều được trang bị pin 123 kWh, cung cấp năng lượng cho hai động cơ điện. Công suất đạt 402 mã lực, giúp VF 9 tăng tốc từ 0 lên 60 dặm/giờ trong khoảng 6,63 giây.

    Trang Carsdirect đánh giá dòng xe VF 9 có phạm vi hoạt động ấn tượng và được trang bị nhiều nội thất tiện nghi.

    Phiên bản VF9 Plus có hệ thống điều hòa hai vùng, màn hình giải trí 15,6 inch, hệ thống âm thanh 13 loa, 11 túi khí, và gói hỗ trợ lái xe đầy đủ. Ngoài ra còn có ghế bọc da nhân tạo, ghế trước điều chỉnh điện và cửa hậu tự động. Phiên bản Plus còn được bổ sung thêm chức năng sưởi, thông gió và mát xa cho ghế trước, bánh xe 21 inch và ghế bọc da nhân tạo có nguồn gốc thực vật (vegan) cùng các tiện nghi khác.

    Tuy nhiên, trang này cũng nhận xét “thẳng thắn mà nói, chúng tôi không nghĩ người tiêu dùng sẽ chọn VF 9 thay vì EV9 [của thương hiệu Hàn Quốc KIA] hoặc R1S [của hãng xe Mỹ Rivian] .

    “Hy vọng rằng VF 9 sẽ không gặp phải những vấn đề tương tự như VF8, mẫu xe không thể lái được khi mới ra mắt,” trang viết thêm.

    Trang HeadlightNews thì đánh giá nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam không muốn lặp lại thảm họa ra mắt VF 8 trước đó: “Những thay đổi về giá khởi điểm có thể biến chiếc SUV này [VF9] thành một lựa chọn khả thi hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi giảm giá, VF 9 vẫn là một chiếc xe điện đắt tiền.”

    Tại Việt Nam, VF 9 bán ra hai phiên bản, Eco và Plus, kèm hai lựa chọn thuê pin hoặc mua pin. 

    Cụ thể, bản Eco không bao gồm pin có giá 1,589 tỷ đồng và kèm pin có giá 2,114 tỷ đồng. Trong khi bản cao cấp Plus giá 1,786 tỷ đồng (không pin) và 2,314 tỷ đồng (gồm pin).

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Mẫu xe VF 9 được trưng bày tại Triển lãm xe điện Montreal ở Quebec, Canada vào ngày 19/4/2024

    Lùi lịch mở nhà máy tại Mỹ

    Dù cho biết đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện trên toàn nước Mỹ, VinFast hồi tháng Bảy cho biết họ sẽ dời thời điểm khai trương nhà máy tại Bắc Carolina từ năm 2025 sang năm 2028.

    Tuy nhiên, trong thông cáo của mình, VinFast không cho biết liệu quy mô hoặc khả năng sản xuất theo kế hoạch của nhà máy ở Bắc Carolina có thay đổi hay không.

    Cho đến thời điểm hiện tại, VinFast vẫn chưa có lãi và đã ghi nhận khoản lỗ ròng 618 triệu USD trong quý 1/2024.

    Tổng cộng, VinFast đã bán được 21.747 ô tô điện trong nửa đầu năm 2024, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80.000 chiếc cho cả năm mà hãng đã điều chỉnh từ mốc đầu tiên là 100.000 chiếc.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2ym3jne27o

    Việt Nam xác nhận có công dân kẹt ở Brazil; Reuters: Di dân tìm đường sang Bắc Mỹ 

    05/09/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Nhân viên tại sân bay quốc tế Guarulhos xử lý hộ chiếu của hành khách từ Việt Nam và Ấn Độ bị mắc kẹt tại Sao Paulo, Brazil vào ngày 23 tháng 8 năm 2024.

    Nhân viên tại sân bay quốc tế Guarulhos xử lý hộ chiếu của hành khách từ Việt Nam và Ấn Độ bị mắc kẹt tại Sao Paulo, Brazil vào ngày 23 tháng 8 năm 2024. 

    Có công dân Việt Nam nằm trong số hơn 660 người bị kẹt đã nhiều tuần qua tại một sân bay quốc tế ở Sao Paulo, Brazil, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận sau khi có tin những người này đến Brazil để tìm đường đến Mỹ hoặc Canada.

    Bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã xác nhận thông tin này tại một cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 5/9, tờ Tiền Phong cho biết, và cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil đang phối hợp với giới chức sở tại để nắm tình hình và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.

    Bà Hằng cũng được dẫn lời cảnh báo công dân Việt Nam khi di cư ra nước ngoài ‘cần tìm hiểu kỹ về quy định, chính sách pháp luật của nước đến và nước quá cảnh’. Bà nói trong thời gian qua giới chức trong nước đã khuyến cáo người dân về những rủi ro của con đường di cư phi chính thức.

    Bà khẳng định chính phủ Việt Nam quyết tâm chống di cư trái phép và nạn buôn người trong khi thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, cũng theo Tiền Phong.

    Hôm 23/8, Reuters dẫn nguồn từ Văn phòng Luật sư cho công chúng (Public Defender's Office) Brazil cho biết có ít nhất 666 di dân đến từ Ấn Độ, Nepal và Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay quốc tế Guarulhos trong khi chờ đợi giới chức Brazil quyết định có cho phép nhập cảnh hay không.

    Hành khách từ Ấn Độ và Việt Nam chờ đợi khi họ vẫn bị mắc kẹt tại Sân bay Quốc tế Guarulhos ở Sao Paulo, Brazil vào ngày 23 tháng 8 năm 2024.

    Hành khách từ Ấn Độ và Việt Nam chờ đợi khi họ vẫn bị mắc kẹt tại Sân bay Quốc tế Guarulhos ở Sao Paulo, Brazil vào ngày 23 tháng 8 năm 2024. 

    Những di dân này đều không có thị thực để nhập cảnh vào Brazil trong lúc chính quyền nước này đang thắt chặt các quy định về nhập cảnh nhằm chặn dòng di dân đang bùng nổ, chủ yếu từ một số nước châu Á, đến Brazil để mượn đường đến Bắc Mỹ sau đó, cũng theo Reuters.

    Để được Brazil tiếp nhận, những di dân này thường xin được cấp quy chế tị nạn, viện lý do họ gặp đe dọa hoặc bị đàn áp ở quê hương. Tuy nhiên, sau khi được tiếp nhận, đa phần trong số họ sẽ đi về hướng bắc khi có thể, Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát cấp cao và hai báo cáo của giới chức Brazil cho biết.

    Nhưng giờ đây với quy định mới, những hành khách nào đến Sao Paulo mà không có thị thực sẽ không được phép ở lại Brazil, Bộ An ninh Công cộng Brazil nói với Reuters. Thay vào đó, nếu họ đang trên đường đến nước thứ ba thì phải đi thẳng tới nước đó, nếu không sẽ phải hồi hương.

    Các di dân mắc kẹt đang bị giữ tại một khu vực hạn chế ở sân bay, nơi không có chỗ tắm giặt, trong khi họ không được phép đi tới đi lui trong sân bay nên khó lòng kiếm được đồ ăn thức uống, Reuters dẫn lời giới chức Brazil cho biết. Thêm vào đó, họ phải chịu cái lạnh vì không có chăn mền.

    Văn phòng Luật sư cho công chúng được dẫn lời yêu cầu chính quyền Brazil cần nhanh chóng cải thiện điều kiện ăn ở cho các di dân bị mắc kẹt trong lúc tìm cách giải quyết quy chế cho họ và kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc nhân đạo trong luật pháp Brazil là tiếp nhận người tị nạn chứ đừng trả họ về nước.

    Brazil là một thành viên của Công ước Người tị nạn Liên Hiệp Quốc năm 1951 mà theo đó các nước phải tiếp nhận những di dân gặp đe dọa ở quê hương cho dù họ không có giấy tờ hợp lệ. Các chuyên gia về di cư bày tỏ lo ngại những quy định mới của Brazil đi ngược lại cam kết này.

    https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-xac-nhan-co-cong-dan-ket-o-brazil-de-tim-duong-den-my/7772543.html


    Không có nhận xét nào