Việt Nam: Các nhà máy tại các trung tâm xuất khẩu đối mặt với nhiều tuần gián đoạn sau khi bão Yagi đổ bộ
11/09/2024
Reuters
Hình ảnh ngập lụt ở Hà Nội.
Bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà máy và làm ngập các nhà kho tại các trung tâm công nghiệp hướng đến xuất khẩu ở miền bắc Việt Nam, và một số nhà máy hiện đóng cửa dự kiến sẽ mất nhiều tuần để hoạt động trở lại bình thường, các giám đốc điều hành cho biết.
Cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay vẫn gây ra lũ lụt và lở đất chết chóc hôm 11/9, giết chết hàng chục người và tàn phá cơ sở hạ tầng như lưới điện và đường sá, sau khi đổ bộ vào đất liền vào cuối tuần.
Sự gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì Việt Nam là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, vốn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm của họ sang Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước phát triển khác.
"Nhiều thứ [sản phẩm] đã mất hoàn toàn", ông Calvin Nguyễn, người đứng đầu công ty hậu cần Việt Nam WeDo Forwarding, nói về các sản phẩm dự kiến được giao đến Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, nhưng không nói rõ là các sản phẩm nào.
Ông cho biết ba nhà kho của công ty tại thành phố ven biển Hải Phòng đã bị thổi bay mái và vẫn bị ngập hôm 11/9.
Bộ Công thương Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Tại Hải Phòng, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì cơn bão, 95% doanh nghiệp đã được dự kiến tiếp tục hoạt động hôm 10/9, cơ quan quản lý các khu công nghiệp cho biết.
"Nhiều doanh nghiệp đã bị tốc mái, một số bức tường bị sập, cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà để xe và cửa trượt bằng kim loại bị lật, nước tràn vào các nhà máy", cơ quan này cho biết trên trang web của mình.
Tại các khu công nghiệp có nhà máy ở Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh lân cận, 20 trong số 150 nhà máy của các nhà đầu tư sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất vài tuần, ông Bruno Jaspaert, người đứng đầu các khu công nghiệp cho biết.
Ông dự kiến mức tiêu thụ điện ở đó sẽ duy trì ở mức thấp hơn một phần ba so với mức bình thường trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, vì nhiều công ty đang bận rộn xây dựng lại các nhà máy bị hư hại, ông cho biết, trích dẫn một cuộc khảo sát thiệt hại.
Một quan chức nắm thông tin về cuộc khảo sát cho biết một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Jupiter Logistics, một phần của tập đoàn do Japan Airlines đồng sở hữu. Tuy nhiên, Jupiter Logistics vẫn chưa có bình luận ngay lập tức.
Tại một khu công nghiệp khác ở Hải Phòng, tập đoàn điện tử LG Electronics của Hàn Quốc cho biết họ đã tiếp tục hoạt động một phần hôm 10/9 sau khi tường của một nhà máy bị đổ sập hôm 7/9 và một nhà kho chứa tủ lạnh và máy giặt bị ngập nước.
Cắt điện
Trong khi tập đoàn điện lực nhà nước EVN đang nỗ lực khôi phục hàng chục đường dây điện bị hư hỏng, tình trạng mất điện vẫn đang làm tê liệt một số khu vực ở phía bắc.
Tại Quảng Ninh, phía bắc Hải Phòng, nhiều nhà máy vẫn thiếu điện hoặc nước, ông Jaspaert cho biết.
Nhà máy của nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc Jinko Solar đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cửa sổ bị vỡ nát và mái bị thổi bay, khiến công việc không thể tiếp tục hôm 10/9, một công nhân cho biết.
Các quan chức của Jinko vẫn chưa có bình luận ngay lập tức.
Nằm cách xa bờ biển, các trung tâm công nghiệp của Thái Nguyên và Bắc Giang, nơi có các nhà máy lớn của các công ty đa quốc gia, như Samsung Electronics và nhà cung cấp linh kiện cho Apple là Foxconn, cũng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, một nhân chứng của Reuters cho biết không có dấu hiệu lũ lụt hôm 11/9 tại các cơ sở lớn của Samsung ở Thái Nguyên, cách Hà Nội khoảng 60 km về phía bắc, vì nước đang rút, mặc dù dự kiến sẽ có nhiều mưa hơn.
https://www.voatiengviet.com/a/7780109.html
Mỹ viện trợ Việt Nam 1 triệu đôla để khắc phục hậu quả bão Yagi
12/09/2024
VOA Tiếng Việt
Xuồng tản cư ở Hà Nội ngày 10/9/2024.
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu đôla viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão Yagi gây ra, USAID loan báo hôm 11/9.
Khoản viện trợ này sẽ được phân bổ tới các đối tác cứu trợ nhân đạo để có thể tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho các mục đích khác nhau, cung cấp nơi lánh nạn, nước sạch, vệ sinh cũng như các hỗ trợ khác ngoài thực phẩm để đóng góp vào các nỗ lực cứu trợ thiên tai do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo đang khẩn trương triển khai trên cả nước, tuyên bố cho biết thêm.
Cùng ngày, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam loan tin rằng khoản hỗ trợ 1 triệu đôla của USAID dựa trên nền tảng những hỗ trợ lâu dài dành cho Chính phủ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để giúp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực ứng phó thiên tai, thảm họa cho các cộng đồng trên cả nước.
Trong 5 năm qua, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã cung cấp 7,7 triệu đôla hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, trong đó bao gồm đáp ứng các nhu cầu do bão, lũ cũng như nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai trên cả nước.
Ngày 7/9, bão Yagi đã đổ bộ vào miền bắc Việt Nam. Đây là một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, gây ra thiệt hại nặng nề tại 26 tỉnh thành.
Tính đến ngày 11/9, bão và mưa lớn sau đó đã gây ra lũ lụt, sạt lở đất và phá hủy nhiều công trình hạ tầng khiến 179 người thiệt mạng, và ước tính 145 người mất tích, theo Reuters.
Tính đến ngày 9/9, bão đã làm hư hại, phá hủy khoảng 48.000 ngôi nhà và khoảng 184.000 hecta sản xuất nông nghiệp.
Các chuyên gia cứu trợ nhân đạo của USAID tại thực địa đang tham gia vào các hoạt động đánh giá thiệt hại để đảm bảo viện trợ của Hoa Kỳ nhanh chóng đến được với những người dân đang cần nhất.
Trong nhiều thập kỷ qua, USAID đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tăng cường năng lực của quốc gia trong công tác ứng phó, phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hợp tác này nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cộng đồng trên cả nước trong bối cảnh gia tăng tần suất và cường độ của thiên tai.
Truyền thông Việt Nam cho biết bên cạnh USAID, một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhiều đại sứ quán đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại do bão Yagi.
https://www.voatiengviet.com/a/my-vien-tro-viet-nam-1-trieu-dola-de-khac-phu-hau-qua-bao-yagi/7780644.html
Việt Nam lo đối phó bão, nhưng chính lũ lụt mới gây nhiều thiệt hại nhân mạng
Thụy My
RFI
12/9/2024
Le Monde ngày 11/09/2024 có bài viết nói về tầm cỡ thiệt hại về người và tài sản ở một số địa điểm du lịch và khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam, sau khi bão Yagi đi qua.
Lũ bùn vùi lấp toàn bộ ngôi làng Nủ ở Lào Cai, Việt Nam, ngày 10/09/2024 khiến cả trăm người chết và mất tích. AP - Pham Hong Ninh
Lũ lụt sau bão Yagi khiến gần 300 người chết và mất tích
Trong suốt 15 tiếng đồng hồ đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 08/09, trận bão có sức gió 150 km/giờ tấn công vào vịnh Hạ Long, một phần thành phố cảng Hải Phòng, làm bật gốc cây cối và mái nhà ở Hà Nội, rồi quay lên phía bắc đến tận Sapa ở cao độ 1.600 mét, vốn nổi tiếng với những ngôi làng người thiểu số và các thửa ruộng bậc thang. Bão sau đó biến thành áp thấp nhiệt đới.
Báo giấy vẫn còn số liệu cũ, nhưng bản tin trên mạng đã kịp cập nhật thiệt hại theo AFP : ít nhất 155 người thiệt mạng và 141 người mất tích. Số nạn nhân do bão tương đối ít vì dân chúng đã chuẩn bị đối phó, nhưng lại tăng vọt với hậu quả của lũ lụt sau đó : 20 người thiệt mạng hôm thứ Hai trong một chiếc xe buýt bị rơi xuống sông vì đất lở ở tỉnh miền núi Cao Bằng. Ít nhất 10 người khác bị mất tích trong cùng ngày, sau khi một chiếc cầu sắt xây năm 1995 bắc qua sông Hồng bị sập ở Phú Thọ.
Một video do một chiếc xe hơi đi gần đến cầu cho thấy một xe tải vừa lên cầu lập tức biến mất cùng với nhịp cầu bị rơi xuống sông. Người chạy xe gắn máy phía sau bất động trước cú sốc, rồi thận trọng đi bộ đến gần chiếc hố khổng lồ. Nước sông dâng cao khiến chính quyền hạn chế việc lưu thông của các xe tải nặng trên cầu Chương Dương, một trong những chiếc cầu quan trọng ở Hà Nội.
Những vùng bán nông nghiệp ở phía bắc thủ đô đều ngập nước, đôi khi đến tầng lầu. Tại Hà Nội, quân đội được điều đến để dọn dẹp đường phố ngổn ngang những mảnh vỡ do 17.000 cây bị gãy đổ. Trong số đó có những cây xoan làm nên nét duyên cho những con đường phố cổ, nhưng cũng bị chỉ trích vì rễ làm phồng vỉa hè và dễ gãy khi bị bão. Chính quyền hồi năm 2017 định thay thế bằng những cây khác nhưng đã hoãn lại kế hoạch này.
Khu du lịch hoang tàn, nhiều nhà máy bị ảnh hưởng
Bão Yagi ập thẳng xuống vịnh Hạ Long, thắng cảnh nổi tiếng ngoài khơi thành phố cùng tên có 170.000 dân. Hàng trăm chiếc tàu và thuyền buồm hàng ngày vẫn chở đầy du khách đi tham quan đã được lệnh trú bão, nên không bị thiệt hại. Nhưng ít nhất hai chục tàu du lịch neo đậu ở cảng Tuần Châu đã bị phá hủy vì va đập vào nhau. Phải mất một tháng để khôi phục lại tình trạng cũ.
Những hình ảnh ở khu du lịch Bãi Cháy cho thấy cảnh tan hoang suốt mấy trăm mét với những xà nhà, khung nhôm, những tấm tôn, mảnh nhựa từ các bảng quảng cáo, mặt tiền các cửa hiệu và nhà hàng bị bão thổi bay nằm la liệt trên đường. Bão cũng làm hư hại nhiều cơ sở nuôi thủy sản, gần 20.000 nhà bị tốc mái ở tỉnh duyên hải Quảng Ninh, nhiều nơi bị cúp điện. Chếch về phía tây, thành phố Hải Phòng ở đồng bằng sông Hồng cũng bị lụt, phải di dời 20.000 dân. Đặc biệt thành phố cảng lớn nhất miền bắc có rất nhiều khu công nghiệp với những tên tuổi lớn.
Khu Đồ Sơn hoàn toàn bị ngập ở phía nam. Ở ngoại ô phía bắc, bão làm sập nóc một nhà máy của tập đoàn Hàn Quốc LG Electronics. Được Le Monde liên lạc, ông Bruno Jaspaert, giám đốc người Bỉ của công ty Deep C, quản lý khu công nghiệp cao với 170 công ty trên diện tích 3.400 hecta, sơ kết thiệt hại : « Nhiều nhà máy bị trốc nóc, một số bức tường bị thổi bay mất, trận bão mang đi nhiều cánh cửa, hàng rào, pa-nô, hệ thống camera, ga-ra, cửa cuốn, một số kho hàng bị ngập ». Điện nay đã có lại, hai phần ba số nhà máy sẽ tái khởi động từ nay đến cuối tuần, số còn lại sẽ mất nhiều thời gian.
https://www.rfi.fr/vi
Việt Nam: Vỡ đê sông Lô, Trung Quốc thông báo giảm xả lũ đập thủy điện thượng nguồn
Lũ tiếp tục đe dọa nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Đêm hôm qua, 10/09/2024, nước sông Lô đã làm vỡ một đoạn đê tại tỉnh Tuyên Quang, giáp ranh với Phú Thọ. Theo báo chí trong nước, Trung Quốc cho biết giảm khối lượng ‘‘xả lũ’’ tại đập trên thượng nguồn sông Lô ở tỉnh Vân Nam.
Trọng Thành
RFI
11/9/2024
Các nhân viên cứu hộ dọn dẹp sau trận lũ ở thôn Làng Nữ, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, ngày 10/09/2024. AP - Pham Hong Ninh
Đoạn đê sông Lô trên địa phận huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị vỡ 10 mét. Hàng trăm người đã được huy động trong đêm để hàn lại phần đê vỡ. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay, phía Trung Quốc đã chấp thuận giảm khối lượng xả nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dự kiến từ 250 m3/s xuống còn 200 m3/s và lùi thời gian xả lũ. Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan tại Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích bảo đảm an toàn cho các đập nước.
Theo thông tin từ phía Trung Quốc, do mưa lớn liên tục nhiều ngày qua, mực nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dâng rất cao, gây nguy cơ vỡ đập. Việc xả nước với mức độ phù hợp là bắt buộc, bởi nếu không đập vỡ, gây tổn thất rất lớn cho cả hai nước.
Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam qua tỉnh Hà Giang, với điểm cuối là ngã ba sông Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi con sông này hợp lưu với sông Hồng.
Chiều hôm qua, bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết đã liên lạc với đại biện lâm thời đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để đề nghị phía Trung Quốc phối hợp trong việc điều tiết lũ trên thượng nguồn các sông chảy xuống Việt Nam. Theo phía Việt Nam, sáng hôm qua, Trung Quốc cho biết ‘‘hai nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng không có kế hoạch xả lũ’’ trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do mưa lớn, lũ trên sông Hồng tiếp tục gia tăng, hầu hết các sông lớn đều ở mức báo động 3, tức mức báo động cao nhất. Đến 13 giờ hôm nay 11/9, mực nước sông Hồng dưới báo động 3 0,36m.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông tin của kênh VTV, theo đó, có ít nhất khoảng 300 người chết và mất tích từ đầu bão Yagi và trận lũ lịch sử tiếp theo. Tổn thất nhân mạng nặng nề nhất là vụ lở đất chôn vùi cả một làng tại tỉnh miền núi Lào Cao (thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), khiến 30 người chết và 65 người khác mất tích.
Tại Thái Lan, có 4 người thiệt mạng do đất lở và nguyên nhân chưa được xác định. Lũ cũng gây nhiều thiệt hại vật chất tại cố đô Luang Prabang ở Lào. Trước khi vào Việt Nam, bão Yagi khiến ít nhất 24 người chết tại Philippines và miền nam Trung Quốc. Cho đến nay, tổn thất về nhân mạng do bão Yagi và đợt mưa lũ sau bão ở Việt Nam là cao hơn hẳn so với các nước láng giềng.
https://www.rfi.fr/vi
EU lên tiếng quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam
12/09/2024
VOA Tiếng Việt
Đại sứ EU Lotte Knudsen phát biểu tại phiên thảo luận chung, kỳ họp 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 10/9/2024. UN Web TV.
Phát biểu tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, một nhà ngoại giao của Liên hiệp châu Âu hôm 10/9 bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả những người bị bắt chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Tuy nhiên, tuyên bố này bị phía Việt Nam bác bỏ.
“Liên hiệp châu Âu bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động và môi trường”, Đại sứ Lotte Knudsen, Đại diện thường trú của Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Geneva, phát biểu tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ).
“EU kêu gọi Việt Nam đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và lập hội cơ bản được bảo vệ để xã hội dân sự có thể tự do tham gia vào mọi khía cạnh phát triển”, Đại sứ Knudsen nhấn mạnh tại phiên thảo luận chung. “EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa và đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho tất cả mọi người”.
Ngoài ra, bà cũng nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam nên hoãn áp dụng án tử hình nhằm hướng tới việc bãi bỏ hình phạt này.
“EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước của ILO và kêu gọi Việt Nam phê chuẩn Công ước số 87 còn lại về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức”, vẫn bà Knudsen.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra lời bình luận về phát biểu trên của nhà ngoại giao EU, nhưng chưa được trả lời.
Tại phiên khai mạc phiên họp này hôm 9/9, ông Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền LHQ, lên tiếng chỉ trích việc chính quyền một số quốc gia đã bóp nghẹt các quyền tự do căn bản, trong đó nêu đích danh chính quyền Việt Nam “đàn áp giới hoạt động”.
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Mai Phan Dũng phát biểu hôm 11/9/2024.
Hôm 11/09, cũng tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Mai Phan Dũng bác bỏ những cáo buộc của Cao ủy Nhân quyền LHQ và một số quốc gia khác về tình hình “vi phạm nhân quyền” ở Việt Nam.
“Chúng tôi muốn nhắc lại rằng những nhận xét của Cao ủy và của một số quốc gia và nhóm quốc gia liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam đều dựa trên những thông tin chưa được xác minh, độc hại và sai sự thật”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng nhận định rằng cách chỉ trích như vậy không mang tính xây dựng trong việc tham gia đối thoại và thúc đẩy hợp tác. Ông cũng lên án các phát biểu có thành kiến, chủ quan, hay can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-len-tieng-quan-ngai-ve-van-de-nhan-quyen-o-viet-nam-/7781121.html
Việt Nam phạt 6 năm tù đối với người đàn ông đòi đa đảng
12/09/2024
VOA Tiếng Việt
Ông Hoàng Tùng Thiện, người sáng lập các trang Ước mơ Việt, Đảng Đoàn.
Một tòa án ở Hà Nội hôm 10/9 tuyên phạt ông Hoàng Tùng Thiện 6 năm tù sau khi ông này lập các trang web được cho là nhằm “tuyên truyền đa nguyên, đa đảng” và có ý định sáng lập đảng Lạc Hồng để cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 10/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án 6 năm tù đối với bị cáo Hoàng Tùng Thiện, 46 tuổi, về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, trang VietnamNet tường thuật.
Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng cho rằng từ tháng 10/2023, ông Hoàng Tùng Thiện sử dụng 2 trang web là “Ước mơ Việt” (uocmoviet.net) và “Đảng Đoàn” (dangdoan.org) để đăng tải các bài viết, quan điểm của mình về đa nguyên chính trị, đa đảng tại Việt Nam, đồng thời vận động tham gia hội nhóm của ông.
Ngoài ra, ông Thiện còn bị cáo buộc sẽ dự định thành lập đảng mang tên Lạc Hồng “để cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam”, theo trang Bảo vệ Pháp luật của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. “Tuy nhiên, đến nay, chưa ai tham gia vào tổ chức nêu trên của Thiện”, trang này viết.
Trước đó, từ tháng 4/2023, ông Thiện đã đăng tải các bài viết “có nội dung xấu, tuyên truyền đa nguyên, đa đảng; nói xấu Đảng, chế độ chính trị, xuyên tạc về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, vẫn truyền thông nhà nước.
Trên các trang web và Facebook cá nhân, ông Thiện tự giới thiệu mình từng làm việc trong lĩnh vực kế toán, tài chính cho nhiều tập đoàn lớn trong nước, cũng như giảng dạy tiếng Anh, thiết kế trang web và kinh doanh.
Trang Ước mơ Việt của ông có mục đích giúp lan toả phong trào tự do ngôn luận, đặc biệt tập trung vào quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị, kêu gọi ủng hộ chế độ đa đảng. Về sau, mục tiêu của ông là sẽ “thành lập đảng chính trị sau khi Luật các đảng phái chính trị đã được Quốc hội thông qua”, theo trang Ước mơ Việt.
“Đổi mới hệ thống chính trị, bao gồm đa đảng, là một chủ trương quan trọng số 1 quốc gia”, ông Thiện viết trên Facebook vào tháng 1/2024, trong bài đăng có tựa đề “Điều gì xảy ra nếu tôi bị bắt”.
“Nếu tôi bị bắt, ít nhất đến thời điểm này, chưa ai có đủ khả năng triển khai Đổi mới hệ thống chính trị, bao gồm lật đổ cộng sản và xây dựng chế độ đa đảng tại Việt Nam”, ông Thiện viết.
Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản cai trị thường bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và không dung túng cho những tiếng nói chỉ trích đảng cầm quyền hay lãnh đạo của họ.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-phat-6-nam-tu-doi-voi-nguoi-dan-ong-doi-da-dang/7780767.html
Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel sẽ rút khỏi Việt Nam
Nguồn hình ảnh, ENEL
Chụp lại hình ảnh, Một dự án điện gió của công ty Enel ở Ý
11 tháng 9 2024
Công ty năng lượng hàng đầu của Ý là Ene chuẩn bị rút khỏi thị trường Việt Nam. Như vậy, công ty này có thể sẽ hủy bỏ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam - nơi đang vật lộn để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon của mình.
Công ty Enel vào năm 2022 từng cho biết họ muốn đầu tư vào các nhà máy năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với mục tiêu lắp đặt tổng 6GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ Enel không nói cụ thể sẽ đầu tư vào dạng năng lượng nào mà chỉ nói rằng Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời.
Hai nguồn tin nói với Reuters rằng động thái rút lui là một phần của kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh toàn cầu của công ty Enel.
Hiện chưa rõ Enel có công bố việc rút lui này hay không và nếu công bố thì khi nào.
Công ty dự tính công bố kế hoạch chiến lược thường niên của mình vào tháng 11.
Công ty do nhà nước kiểm soát Enel là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong ngành năng lượng tái tạo, nhưng kể từ khi Giám đốc điều hành Flavio Cattaneo nắm quyền lãnh đạo vào năm ngoái, công ty đã chuyển trọng tâm sang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lưới điện và cam kết sẽ dành các khoản đầu tư chính cho các dự án trong nước và giảm đầu tư ra nước ngoài.
Quyết định của Enel được đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành năng lượng Việt Nam, vốn dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài cho các dự án năng lượng tái tạo và khí đốt, nhằm giảm sự phụ thuộc vào than.
Tháng trước, tập đoàn năng lượng hàng đầu Na Uy, Equinor, đã hủy các kế hoạch đầu tư vào ngành năng lượng gió ngoài khơi với Việt Nam.
Năm ngoái, cũng vào thời điểm này, công ty năng lượng của Đan Mạch, Orsted, đã thông báo sẽ dừng các dự án đầu tư vào ngành năng lượng gió ngoài khơi với Việt Nam.
Enel Green Power, công ty con của Enel, chuyên về năng lượng tái tạo, quản lý hơn 1.300 dự án và có khoảng 6GW công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên toàn cầu, theo thông tin từ website của công ty.
Trong tổng công suất 6GW năng lượng tái tạo mà công ty Enel dự định lắp đặt tại Việt Nam, ước tính các dự án công suất 1GW "đã ở vào giai đoạn phát triển" vào giữa năm 2022, với nhà máy điện đầu tiên (chưa xác định) được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, theo webiste của công ty này.
Lời hứa năng lượng tái tạo
Tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt tại Việt Nam hiện thời vào khoảng 80GW.
Chính phủ Việt Nam có kế hoạch tăng gấp đôi công suất này vào năm 2030, với điện gió chiếm khoảng gần 20% so với tỷ trọng rất thấp vào năm 2020.
Việt Nam, đất nước dựa chủ yếu vào xuất khẩu, nơi nhiều tập đoàn sản xuất đa quốc gia đặt nhà máy, đã tăng cường nỗ lực trong ngành năng lượng tái tạo trong những năm gần đây, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc tích hợp nguồn điện tái tạo từ các dự án năng lượng gió đất liền và năng lượng mặt trời vào lưới điện quốc gia.
Gần đây, tiến độ này đã bị cản trở bởi các rào cản về quy định, bao gồm việc thiếu các quy định để phát triển điện gió ngoài khơi, các cuộc đàm phán kéo dài về mức giá mà nhà nước sẽ trả cho các nhà sản xuất điện.
"Tôi cho rằng các công ty đang trở nên mệt mỏi với việc đồng vốn bị bó chặt trong một thị trường đang đóng băng," một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp năng lượng có trụ sở tại Việt Nam nói với Reuters.
Để giải quyết các nhu cầu ngày càng tăng và tránh thiếu điện - tình trạng vốn khiến các nhà đầu tư lo ngại vào năm ngoái - Việt Nam đang tăng cường tiêu thụ than.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx29r4xk22wo
Chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Phan Văn Giang: Việt Nam có thể mua máy bay chiến đấu mới?
RFA
10/9/2024
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Lầu Năm Góc ngày 9/9/2024
Bộ Quốc phòng Mỹ
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang từ ngày 6 đến 11 tháng chín diễn ra ngay trước chuyến làm việc của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, có thể từ 22 đến 24 tháng 9 năm 2024. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9 tháng Chín năm 2024 cho biết trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm phát triển "thương mại quốc phòng,” tăng cường “khả năng phục hồi của nền tảng công nghiệp” và “chia sẻ thông tin”. Hai bên đã ký “Bản cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam” để vạch ra lộ trình cho tương lai của quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước. Đây là bản cập nhật của bản đầu tiên, được hai bên kí năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó là Ashton Carter. Chuyến làm việc dài ngày của Tướng Phan Văn Giang tại Hoa Kỳ trước chuyến làm việc của ông Tô Lâm ở New York, mặc dù chỉ được công bố thông tin sơ sài, được một số nhà quan sát cho là chỉ dấu cho thấy quan hệ quốc phòng hai nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hợp tác quân sự tầm cao mới
Vào tháng trước, từ ngày 18 đến 20 tháng tám, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc và ký 14 thỏa thuận hợp tác. Chuyến làm việc tại Liên Hiệp quốc của ông Tô Lâm trong tháng chín được một số nhà quan sát cho là đang đàm phán để có thể kết hợp thăm chính thức Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt, mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam với cả hai siêu cường này sẽ quan hệ với nhau như thế nào.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia, cho rằng đối với Việt Nam, mặc dù cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là “đối tác chiến lược” ở cấp cao nhất, mối quan hệ với hai siêu cường đi theo hai hướng khác nhau. Một bên nằm trong khung khổ “cộng đồng chung tương lai” do Trung Quốc đề xướng, còn một bên trong nằm khung khổ “đối tác chiến lược toàn diện”. Ông phân tích:
“Cái định nghĩa về hợp tác trong khuôn khổ “cộng đồng chung tương lai” giữa Việt Nam và Trung Quốc và “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam với Mỹ thì nhấn mạnh vào hai yếu tố khác nhau. Cộng đồng chung tương lai nhấn mạnh nhiều vào yếu tố chính trị, còn “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ thì nhấn mạnh vào kinh tế, giáo dục, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mảng quốc phòng an ninh bị chìm xuống dưới.
Chuyến thăm của ông Phan Văn Giang tới Mỹ có thể là một bước đi thăm dò của cả hai bên. Chúng ta đã lên “đối tác chiến lược toàn diện” rồi thì hai bên nâng cấp hợp tác quốc phòng trong tương lai thế nào để xứng đáng với mối quan hệ này.
Mỹ và phương Tây rất tò mò xem Việt Nam mong muốn gì mà muốn nâng cấp đến mức độ nào, những hoạt động mới nào. Quan hệ quốc phòng trước đây chỉ loanh quanh giải quyết các di sản chiến tranh. Còn ở giai đoạn “đối tác toàn diện” trước đây thì việc Mỹ tặng tàu cho Việt Nam là đã lớn lắm rồi. Hoặc Mỹ gửi tàu đến thăm viếng hai năm một lần. Như thế là lớn lắm rồi.
Còn ở giai đoạn mới này, “đối tác chiến lược toàn diện”, thì Mỹ có thể muốn thúc đẩy những hoạt động đó mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn. Những hoạt động thăm dò là cần thiết để hai bên đẩy quan hệ quốc phòng lên một bậc mới, tương xứng với các quan hệ kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo.”
Hầu hết các nhà quan sát đều đồng tình với nhận định rằng mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiến triển lên một mức độ cao hơn. Điều đó không chỉ tương xứng với “tên gọi” của mối quan hệ mà còn do sự thúc đẩy của các chuyển động an ninh trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.
Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, nhận định rằng nếu thông tin về chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến của ông Tô Lâm nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới là chính xác, mục đích chuyến thăm có thể xoay quanh nhiều vấn đề chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có nhiều chỉ dấu cho thấy hồ sơ Biển Đông, an ninh và quốc phòng có vẻ khá nặng ký. Riêng về tiềm năng hợp tác về an ninh, Luật sư Vũ Đức Khanh nói:
“Ông Tô Lâm từng là người từng đứng đầu Bộ Công an, và sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh nội địa cũng có thể là một điểm thảo luận quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang mở rộng quan hệ chiến lược. Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ và nâng cao năng lực trong việc bảo vệ an ninh nội địa.”
Việt Nam có thể mua máy bay nào?
Về hợp tác quân sự, Reuters mới đây đưa tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang bàn về khả năng mua máy bay vận tải C-130 với lý do rằng đòn thử này có thể tiết giảm sự giận dữ từ Bắc Kinh vì C-130 được xem là máy bay vận tải chứ không phải là vũ khí tấn công.
Vẫn theo Reuters, bên cạnh C-130, Việt Nam cũng có thể xem xét mua các thiết bị khác như các loại máy bay giám sát, tuần tra hoặc thậm chí máy bay chiến đấu như F-16. Nếu Việt Nam có kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-16 hoặc máy bay vận tải C-130 của Hoa Kỳ, đây sẽ là một bước tiến lớn trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi chiến lược, khi Việt Nam trước đây thường phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Theo quan sát của Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Washington từ ngày 6 đến 11 tháng Chín có thể là một bước chuẩn bị, thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác quân sự, bao gồm cả khả năng bán vũ khí này.
Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris II, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều mảng, không giới hạn trong mua bán vũ khí, trang bị. Tuy nhiên, mảng mua bán được quan tâm nhiều vì nó đem lại lợi ích ngắn hạn cho cả hai: lợi ích kinh tế cho bên bán và tăng cường năng lực quân sự cho bên mua, cũng như lợi ích cho các bên trung gian thúc đẩy đàm phán, kí kết hợp đồng và giao hàng.
Nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết Việt Nam đã cho về hưu toàn bộ loạt máy bay vận tải hạng nhẹ nguồn gốc Liên Xô An-26. Như vậy, ngoài số máy bay vận tải cánh quạt hai tầng cánh rất cũ An-2 cũng nguồn gốc Liên Xô thì Việt Nam vận hành máy bay vận tải hệ châu Âu, ba chiếc C-295 và năm chiếc C-212, trong đó có ba chiếc trong biên chế Cảnh sát biển.
Vị chuyên gia về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris II cho biết, về tải trọng, so với máy bay C-212 (có tải trọng 4,5 tấn tối đa cho cả nhiên liệu và hàng hóa), C-295 (tải trọng khoảng 10 tấn tối đa cho nhiên liệu và hàng hóa), và An-26 trước đây (tải trọng chín tấn gồm nhiên liệu và hàng hóa) thì máy bay C-130 của Mỹ có tải trọng lớn hơn (khoảng 36 tấn tối đa cho nhiên liệu và hàng hóa, trong đó có 19 tấn cho hàng hóa). Như vậy, C-130 sẽ giúp linh hoạt hơn cho nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, về chi phí, nếu Việt Nam mua C-130, quân đội nước này sẽ vận hành cùng lúc các máy bay của châu Âu và Mỹ. Chi phí hậu cần, kĩ thuật sẽ cao hơn so với dùng một loại thống nhất, nhà nghiên cứu về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris II nhận định.
Trong trường hợp Việt Nam muốn mua máy bay chiến đấu (tiêm kích, cường kích) của Mỹ, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, F-16 sẽ được lựa chọn ở thời điểm này. Bởi lẽ, Mỹ không bán F-22 cho bất cứ nước nào, chỉ dùng nội địa. Đối với F-35, Mỹ chỉ bán cho đồng minh thân cận. Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chỉ có Nhật, Hàn Quốc, Úc và Singapore được mua F-35. Vì vậy, Việt Nam sẽ không mua được loại máy bay này.
Ngoài ra, nếu tính chi phí vận hành, hệ thống hỗ trợ thì Việt Nam hiện nay cũng không đủ năng lực, do đó chắc chắn không có kế hoạch trang bị loại máy bay thế hệ 5 này. F-16 có thể là lựa chọn của Việt Nam vì Việt Nam có thể mua. Mặt khác, Việt Nam có xu hướng mua các loại vũ khí đã qua kiểm nghiệm thực tế. Có thể việc F-16 tham chiến tại Ukraine sẽ giúp Việt Nam đánh giá chính xác hơn loại máy bay này, nhà nghiên cứu Trần Bằng nhận xét.
Chuyến thăm dài ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Hoa Kỳ vừa qua và chuyến thăm được cho là có thể diễn ra sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đối mặt với sức ép phải nâng cấp năng lực quốc phòng. Nhà nghiên cứu Trần Bằng lưu ý rằng từ khoảng sau 2040, các cường quốc khu vực sẽ trang bị đại trà máy bay thế hệ 5 và có thể sẽ chuẩn bị đưa vào trang bị máy bay thế hệ 6. Để tránh sức ép không đáng có, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, có lẽ Việt Nam cũng cần phải trang bị các máy bay chiến đấu (tiêm kích và cường kích) có các tính năng tiệm cận thế hệ 5.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-phan-van-giang-visit-to-the-us-can-vietnam-buy-new-fighter-planes-09102024165837.html
Người Chăm cảm thấy bị phân biệt đối xử khi tôn giáo Bani không được công nhận
RFA
12/9/2024
Courtesy photo/miendatphanrang
Một số người Chăm ở Ninh Thuận nói rằng đạo Bani của họ bị chính quyền đổi thành đạo Hồi giáo Bani và từ đó họ bị phân biệt đối xử, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng những tuyên bố trên không đúng.
Dân tộc Chăm còn có nhiều tên gọi khác như Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời... với dân số gần 179.000 người theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Uỷ ban Dân tộc của Việt Nam. Họ vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Ấn Ðộ.
Ông Phương, một người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận không nêu tên thật vì lý do an toàn, cho biết trước năm 2017, trong Chứng minh Nhân dân và mọi giấy tờ thủ tục hành chính khác, ở mục tôn giáo, họ đều được ghi đúng theo ý nguyện của mình là đạo Bani.
Tuy nhiên, sự việc bắt đầu từ khi Nhà nước thay đổi giấy tờ tuỳ thân (chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch, căn cước công dân gắn chip) và các giấy tờ hành chính khác. Các giấy tờ này hoặc là không có mục tôn giáo, hoặc là người theo đạo Bani phải khai theo Hồi giáo hoặc tôn giáo khác.
Ông Phương giải thích với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 10/9 về sự khác nhau giữa người Chăm theo đạo Hồi giáo và người Chăm theo đạo Bani:
“Người Hồi giáo, họ hành hương về Thánh địa Mecca, họ tiến hành ăn chay và họ làm các nghi lễ đám cưới và đám tang khác hoàn toàn người Bani chúng tôi.
Người theo tôn giáo Bani chúng tôi thờ đa thần, thờ thần đất, thờ các vị vua và tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho tổ tiên của chúng tôi, không phải cầu nguyện Thánh Allah, và cũng không đi Thánh địa Mecca. Chúng tôi có thờ Allah nhưng Allah là cái gì đó rất mơ hồ trong cộng đồng người Bani chúng tôi.”
Ông cho biết cộng đồng người theo đạo Bani đã đấu tranh đòi lại tên của mình trong nhiều năm qua nhưng không thành công. Cộng đồng đã gửi đi rất nhiều đơn thư khiếu nại và kiến nghị đến Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận từ khi cộng đồng Chăm Bani bị mất tên tôn giáo nhưng đều nhận được sự im lặng.
Giới học giả, văn hoá không thống nhất về đạo Bani
Nhà thơ, nhà văn hoá Chăm Inrasara là một người thuộc đạo Bà-la-môn. Theo ông, trong cộng đồng người Chăm có tồn tại đạo Bani vốn có liên hệ với Hồi giáo nhưng thay đổi rất nhiều.
Ông nói với RFA:
“Tức là nó (đạo Bani) có dấu vết Hồi giáo nhưng mà nó phá hết năm cột trụ của Hồi giáo. Năm trụ cột là gì? Đó là Allah là đấng duy nhất, Ramadan người Hồi giáo ăn kiêng còn người Bani biến thành Ramưwan và tín đồ nhậu nhẹt suốt cả tháng.
Thứ ba là Zakat- tức là bố thí, người Bani không bố thí còn người Bà-la-môn đội bánh trái vào để cúng. Rồi người Hồi giáo tuyệt đối phân biệt đối xử với người phụ nữ trong khi người Bani theo chế độ mẫu hệ.”
Đạo Bani ở tỉnh Ninh Thuận có tổ chức Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Ninh Thuận. Ông cho biết năm 2016, đại hội của tổ chức này đã quyết định đổi tên thành Hội đồng Sư cả Bani. Tuy nhiên, trong danh mục các tổ chức tôn giáo được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận thì tên cũ vẫn còn được giữ nguyên tới ngày nay.
Giáo sư tiến sỹ Văn Ngọc Sáng (tên Chăm là Putra Podam), người từng có 22 năm giảng dạy toán và khoa học máy tính của Đại học Tây Nguyen và có hàng chục bài viết về văn hoá và tôn giáo của người Chăm trên trang điện tử Kauthara.info- bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, lại có ý kiến khác.
Ông nói người Chăm không có tôn giáo của riêng mình mà tiếp thu hai tôn giáo khác. Đạo Hindu (Bà-la-môn) du nhập vào nước Chăm Pa từ thế kỷ thứ 2 và trở thành quốc giáo cho đến thế kỷ thứ 15, còn đạo Hồi được du nhập từ thế kỷ thứ 10 và trở thành quốc giáo từ thế kỷ thứ 16.
Ông nói Bani không phải là một tôn giáo. Ông giải thích:
“Thật ra các định nghĩa từ Bani nó tương đương với từ đạo của tiếng Việt, tôn giáo trong tiếng Hán, và religion của tiếng Anh mà thôi chứ không phải tên tôn giáo Bani.”
Theo danh mục tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ thì người Chăm có hai tôn giáo là Bà-la-môn và Hồi giáo. Hồi giáo của người Chăm có hai nhánh là Islam (Hồi giáo chính thống) và Hồi giáo Bani.
Theo tiến sĩ Sáng, gọi Hồi giáo Bani là không chuẩn xác vì Bani không phải tên tôn giáo. Thực tế người Chăm có hai tín ngưỡng là Ahier (Bà-la-môn tôn thờ Allah, không còn tôn thờ tam vị thần Trimurti của Hindu như Brahma, Vishnu và Shiva), và Hồi giáo Awal ( tôn thờ duy nhất Đấng Allah). Gọi Hồi giáo Awal là chuẩn xác nhất mà tổ tiên để lại hơn 400 năm từ thời vương triều Po Rome.
Chưa bao giờ có đạo Bani, kể cả trong chế độ Việt Nam Cộng hoà trước kia và nước Việt Nam hiện nay, vị giáo sư định cư ở California (Hoa Kỳ) từ năm 2018 khẳng dịnh.
Theo ông, việc có một số người Chăm không muốn nhận mình là Hồi giáo có lỗi của chính quyền hiện nay. Trước năm 2017, khi làm chứng minh nhân dân hay các giấy tờ khác, người Chăm có thể khai ở mục tôn giáo là Hồi giáo, Hồi giáo Bani hay là đạo Bani thì nhà chức trách chấp nhận hết.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ công nhận Hồi giáo Islam và Hồi giáo Bani mà không giải thích cặn kẽ cho người Chăm.
Cũng theo ông Sáng, việc bỏ mục Tôn giáo và Dân tộc trong Căn cước Công dân khiến nhiều người Chăm nghĩ tôn giáo và dân tộc của mình bị xoá, từ đó chỉ trích Nhà nước đàn áp tôn giáo khi loại bỏ đạo Bani - vốn chưa từng được công nhận.
Chính phủ Việt Nam nói gì?
Theo Sách trắng về tôn giáo “Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam” mà Ban Tôn giáo Chính phủ công bố năm 2022, Hồi giáo (Islam) được truyền vào cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam khoảng thế kỷ thứ 10.
Trong khi người Chăm Islam thực thi giáo luật Hồi giáo hầu như trọn vẹn mang tính chính thống thì người Chăm Bani thực hiện giáo luật mang tính tượng trưng, không thực hiện hết 5 điều sống đạo (chỉ thực hiện trong tháng Ramadan).
Mặt khác, Chăm Bani chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Bà-la-môn và tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần, có yếu tố dân tộc mang tính vượt trội.
Khi phóng viên hỏi về việc một số người Chăm cáo buộc bị đối xử phân biệt vì lý do tôn giáo, ông Nguyễn Tấn Thuyên, trưởng phòng Tôn giáo của Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận, bác bỏ. Ông nói:
“Mọi chế độ mỗi chính sách nói chung là việc làm, đi học tất tần tật là không ảnh hưởng bởi tên gọi tôn giáo đâu. Có thể người ta nói thêm phức tạp hoá vấn đề lên đó, thực tế không có vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo cả.”
Cơ quan nhà nước ai phân biệt đối xử hoặc là anh theo cách này anh theo kia đâu, mọi tôn giáo đều bình đẳng.”
Một công chức và là đảng viên người Chăm theo Hồi giáo Bani, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, cho RFA biết trước kia không có chuyện người Chăm bị đối xử phân biệt vì lý do tôn giáo mà người Chăm được tuyển dụng vào nhiều vị trí trong nhiều cơ quan nhà nước ở tỉnh Ninh Thuận.
Tuy nhiên, gần đây lực lượng công an và quân đội dường như có chính sách bí mật không tuyển dụng người theo đạo Công giáo, Tin Lành, Cao Đài… chứ không riêng gì Hồi giáo, ông nói.
Một chức sắc của Hồi giáo Islam ở tỉnh Ninh Thuận nói với RFA rằng nhiều người thân và người quen của ông giữ chức vụ cao trong cơ quan nhà nước ở địa phương và hoàn toàn không có chuyện phân biệt đối xử với người Hồi giáo.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cham-people-say-discriminated-because-their-bani-religion-not-recognized-09122024053204.html
Không có nhận xét nào