Phải có tự do mới mang đến sự phồn thịnh và hạnh phúc
Thái Hạo
05/9/2024
Người Việt vẫn hay tự nói về mình, rằng hiền lành, nhưng sự thể không chỉ có thế. Tôi quan sát thấy, cái “hiền lành” ấy rất gần với sự cảm tính, và gần hơn với sự bạc nhược. Mặt khác, cái “hiền lành” ấy sẽ lập tức trở nên khắc nghiệt và tàn nhẫn ngay, nếu chỉ cần nó rơi vào một tình huống có tính phép thử. Vụ đấu tố em nam sinh ở Yên Bái là một ví dụ. Trăm năm trước, người Pháp khi qua xứ ta đã đúc kết rằng, trong mỗi người An Nam đều có một ông quan. Tôi hiểu cái gọi là “ông quan” ấy chính là ẩn dụ cho tính chuyên chế hà khắc trong mỗi người Việt. Cái tính này từ đâu mà ra?
Cũng cách nay ngót một trăm năm, nhà cách mạng khai sáng Phan Châu Trinh đã nói: “Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.”
Nghĩa là theo cách nói của cụ Phan, người mình, một mặt mang nô lệ tính, nhưng mặt khác, luôn chực chờ để biến thành một kẻ chuyên chế, độc đoán. Đối với người trên, người mạnh, người giàu thì nó khúm núm sợ sệt, nhưng với kẻ yếu hơn thì luôn trong tâm thế áp đặt, chuyên quyền. Cứ xem cái cách cha đối với con, chồng đối với vợ, thầy đối với trò, quan đối với dân, thì rõ.
Cho nên, muốn thay đổi cái tính này thì phải bắt đầu từ gia đình, tập tôn trọng con cái. Tôn trọng chứ không phải chiều chuộng. Chúng ta có thừa sự chiều chuộng vô lối nhưng thiếu hẳn lòng tôn trọng. Nếu chưa hiểu “tôn trọng” ở đây nghĩa là gì thì trước mắt cứ mang Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đọc, để biết.
“Làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn một dân tộc mới là khó”. Sau vài lần “được” chứng kiến, thì đến nay, những việc như đang xảy ra với em học sinh kia, tôi không còn ngạc nhiên nữa. Nó tất yếu phải như vậy, một khi văn hóa chưa thay đổi. Văn hóa chưa thay đổi nghĩa là tính người chưa thay đổi. Mà nói theo cách của chí sĩ Phan Châu Trinh thì tất cả đều do dốt mà ra cả. Khi đã dốt thì một mặt con người hèn nhược, mặt khác là đầy tính bạo lực.
Cụ Phan dẫn lời nhà triết học chính trị Montesquieu: “Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức”.
Cha mẹ, thầy cô cho đến người làm công việc quản lý xã hội phải học để hiểu giá trị của tự do. Phải có tự do mới mang đến sự phồn thịnh và hạnh phúc. Nhà triết học John Stuart Mill nói rằng, nếu toàn thể nhân loại chung nhau một ý kiến và chỉ duy nhất một người có ý kiến khác, thì nhân loại ấy cũng không được biện minh nhiều hơn kẻ đơn độc kia trong việc thể hiện quyền tự do quan điểm và tự do ngôn luận. Các cộng đồng văn minh bảo vệ quyền tự do cá nhân còn vì nó có quan hệ trọng yếu đối với lợi ích chung của toàn xã hội. Một ý kiến đúng sẽ giúp xã hội sữa chữa những sai lầm, một ý kiến sai sẽ làm cho ý kiến đúng được khẳng định và trở nên sống động. Mà nhân loại này chưa bao giờ thôi sai lầm. Cái đúng của hôm nay có thể thành sai ở ngày mai; có những cái đúng mà toàn nhân loại đinh ninh tin tưởng không suy xét, nó đứng vững một nghìn năm, nhưng bỗng sụp đổ một ngày khi có một ý kiến khác. Biết thế để ta không độc quyền chân lý. Nếu không có ý kiến khác và sự va chạm giữa chúng với nhau, chân lý (nếu có) cũng sẽ là chân lý chết – tức trở thành giáo điều.
Nếu không hiểu bản chất và giá trị cao cả của tự do, người ta sẽ chỉ hô khẩu hiệu và rồi sẽ hiện nguyên hình là những kẻ chuyên chế mỗi khi gặp tình huống có tính phép thử. Tôi đã ngạc nhiên đến bàng hoàng khi thấy không ít người ngày ngày “phản biện” trên mạng nhưng bỗng một hôm họ lộ nguyên vẹn “não trạng Annam”. Không ít nhà văn, nhà báo, những người lắm chữ nhiều fan, như trong sự vụ này, đã chứng minh điều ấy.
Than trách hờn dỗi không giải quyết được việc gì, chỉ có không ngừng chia sẻ tri thức và tự mình thực hành mỗi ngày (đầu tiên là trong gia đình, với con cái mình, cho đến lên tiếng trước cái sai, biết bảo vệ cái đúng trong xã hội…), may ra sau vài thế hệ nữa mới mong người Việt gột rửa được ít nhiều chăng?
https://baotiengdan.com/2024/09/05/phai-co-tu-do-moi-mang-den-su-phon-thinh-va-hanh-phuc/
Quan chức đảng thừa nhận dân phẫn nộ về tham nhũng, hàng nghìn tỷ đồng tuồn khỏi VN
VOA Tiếng Việt
05/9/2024
Ảnh của ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên trang Dân Trí, 4/9/2024.
Một ủy viên Bộ Chính trị, nhóm chóp bu nắm quyền quyết định cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam, thừa nhận hôm 4/9 rằng “lòng dân phẫn nộ, xót xa, ai oán vì các hành vi tham nhũng, hàng nghìn tỷ đồng tuồn ra nước ngoài”, VietnamNet và Dân Trí tường thuật cùng ngày.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Đỗ Văn Chiến nói rằng ông và các cán bộ khác nhận thấy điều kể trên khi họ tiếp xúc với người dân và ông hô hào “phải kiên quyết chống tham nhũng”.
Lời phát biểu của ông Chiến được đưa ra tại một hội nghị của Đoàn Chủ tịch MTTQVN, theo tin trên hai trang VietnamNet và Dân Trí.
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, ông Chiến không nói rõ bao nhiêu tiền từ tham nhũng đã bị tuồn ra nước ngoài và những kẻ tham nhũng là ai, cho dù báo Nhân Dân của đảng từng đăng bài đặc biệt hồi năm 2023 nói rằng cán bộ nhà nước “là gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực, vì tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện”.
Theo tìm hiểu của VOA, trong 10 năm từ 2006-2016, tham nhũng gây thiệt hại gần 60 nghìn tỷ đồng và trên 400 ha đất ở Việt Nam. Còn từ 2012-2022, hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, gồm hơn 170 cán bộ cấp cao và hơn 50 sĩ quan cấp tướng; bên cạnh đó, nhà chức trách kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất dính dáng đến tham nhũng.
Nói trước hội nghị hôm 4/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Đỗ Văn Chiến lưu ý rằng chống tham nhũng là “cuộc đấu tranh cam go” song ông nhấn mạnh cuộc chiến này diễn ra “không ngừng không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Ông Chiến trích dẫn Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, từng đưa ra lời phát biểu rất quan trọng với 2 ý được nhấn mạnh là phòng chống tham nhũng, tiêu cực “phải nhằm mục tiêu phát triển đất nước” và công cuộc này “phải triển khai đến tận chi bộ chứ không chỉ làm ở Trung ương”.
Một quan chức khác của MTTQ đề cao sự tham gia của người dân vào việc chống tham nhũng, VietnamNet và Dân Trí cho biết.
Hai trang tin dẫn lời ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQVN, nói tại hội nghị: "Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Khi thực hiện việc này, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa".
Như VOA đã đưa tin, theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng về năm 2023 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố đầu năm nay, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, như vậy, đã bị giảm điểm và đi xuống 6 bậc so với một năm trước.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-dang-thua-nhan-dan-phan-no-tham-nhung-hang-nghin-ty-dong-tuon-khoi-viet-nam/7772078.html
Báo cáo 2024 của Tổng Thư ký LHQ về án tử hình nêu trường hợp Việt Nam
05/09/2024
VOA Tiếng Việt
Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức phiên thảo luận trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam, tháng 5/2024. Photo UN Web TV.
Báo cáo 2024 của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về án tử hình chỉ ra rằng Việt Nam là một trong số vài quốc gia còn lại vẫn tiếp tục sử dụng hình phạt này, với ít nhất 34 người bị kết án tử hình trong năm 2023.
Việt Nam được nhắc đến trong báo cáo đề ngày 16/7/2024, vừa được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố hôm 31/8/2024 để chuẩn bị cho phiên họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 9/9 đến 11/10 sắp tới.
Trong đề mục về tính minh bạch và việc sử dụng hình phạt tử hình, báo cáo viết rằng Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục “xếp các dữ liệu về việc sử dụng hình phạt tử hình vào diện bí mật nhà nước”.
Theo bản báo cáo, Việt Nam được cho là đã kết án tử hình ít nhất 34 người vì các tội liên quan đến ma túy vào năm 2023.
Ngoài ra, báo cáo nhận định rằng các tội phạm phi bạo lực khác ở Việt Nam cũng dẫn đến án tử hình bao gồm hành vi gian lận của một nhà phát triển bất động sản ở nước này. Báo cáo dẫn tham chiếu đến bản tin của BBC tiếng Anh về án tử hình tuyên hồi tháng 4/2024 đối với nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, về tội “tham ô tài sản”.
Trên thế giới đã có 170 quốc gia không còn áp dụng án tử hình hoặc đã dừng thi hành án tử hình trong hơn 10 năm qua, báo cáo cho biết.
Báo báo dẫn số liệu của tổ chức Ân xá Quốc tế ghi lại 883 vụ hành quyết ở 20 quốc gia trong năm 2022, tăng 53% so với năm 2021. Trong năm 2023, có đến 1.153 vụ hành quyết ở 16 quốc gia, tăng 31% so với năm 2022.
Những con số này phản ánh xu hướng toàn cầu theo đó số lượng các quốc gia theo chủ nghĩa duy trì án tử hình đang giảm dần nhưng số vụ tử hình lại gia tăng đáng kể, báo cáo nhận định.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về phúc trình nêu trên của LHQ, nhưng chưa được phản hồi.
Embed share
Luật sư Ngô Ngọc Trai ở Hà Nội nêu nhận định với VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng “từ lâu nay, tôi quan tâm tới vấn đề án tử hình và thúc đẩy cho việc tiết giảm và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình” tại Việt Nam.
“Chúng ta cùng hy vọng rằng Việt Nam sẽ ngày càng ít đi số án tử hình để tạo lập một môi trường pháp lý nhân văn”, luật sư Trai kỳ vọng.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam không công bố số liệu án tử hình vì “liên quan đến bí mật nhà nước”, theo báo cáo hồi tháng 5/2023 của tổ chức Ân xá Quốc tế.
“Các quy định của pháp luật Việt Nam về án tử hình hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế; phù hợp với xu hướng của thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay”, truyền thông nhà nước đăng tải.
Ngoài Việt Nam, báo cáo của Tổng Thư ký LHQ chỉ ra các nước khác còn áp dụng án tử hình cao như Iran, Ả rập Xê út, Pakistan, Belarus, Trung Quốc, Myanmar.
Hồi tháng 10/2023, một báo cáo viên đặc biệt của LHQ kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, hãy công bố thông tin về việc sử dụng hình phạt tử hình, trong đó nêu số người bị kết án tử hình, số vụ hành quyết, số tử tù được ân xá...
Ông Morris Tidball-Binz, Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, hoặc tùy tiện, kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét việc tạm dừng sử dụng hình phạt tử hình và tiến hành rà soát một cách có hệ thống tất cả các trường hợp chịu hình phạt tử hình.
Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 18 tội danh có mức phạt cao nhất là tử hình, trong số này có tội phạm về ma túy, lật đổ chính quyền, khủng bố.
Các trang báo nhà nước nói rằng Việt Nam là một trong số các nước vẫn áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với một số tội danh “nhằm trừng trị kẻ phạm tội, loại trừ mối nguy hiểm cho xã hội, người dân và đáp ứng yêu cầu răn đe, phòng, chống tội phạm”.
Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án tử hình, theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế. Tổ chức này cho hay Việt Nam cùng với Trung Quốc và Triều Tiên là những quốc gia còn che giấu số liệu về án tử hình.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-2024-cua-tong-thu-ky-lhq-ve-an-tu-hinh-neu-truong-hop-viet-nam/7772090.html
Ông Tô Lâm: ‘Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam’
04/09/2024
VOA Tiếng Việt
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm mới có cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong đó, theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng “Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Theo hãng thông tấn của nhà nước Việt Nam, ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam “sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.
TTXVN đưa tin, hai bên “cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác củng cố môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông” đồng thời “nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh theo hướng thực chất”.
Tin cho hay, ông Tô Lâm cũng đề nghị chính phủ Nhật Bản “tiếp tục quan tâm, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản”. Theo tìm hiểu của VOA, hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cuộc hội đàm qua đường truyền video kéo dài khoảng nửa tiếng, và ngay khi bắt đầu, ông Kishida đã “chúc mừng” ông Tô Lâm trở thành Tổng bí thư, và “bày tỏ tin tưởng” rằng việc bổ nhiệm này “sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước”.
Bộ này cũng cho biết rằng hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam cũng “nhất trí thúc đẩy giao lưu nhân dân và tăng cường quan hệ kinh tế” cũng như “hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh”.
Tin cho hay, Thủ tướng Kishida “bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam”, một đối tác mà phía Nhật cho là “quan trọng” và “đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa khu vực ‘Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở’”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cùng ngày ông Lâm hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Nhật Kishida, nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trong đó Hà Nội và Seoul nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện trong các lĩnh vực, bao gồm quốc phòng và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
https://www.voatiengviet.com/a/7771023.html
Vì sao quân đội sẽ không để Tổng Bí thư Tô Lâm “trụ vững” tại Đại hội Đảng 14?
04/9/2024
Những lùm xùm xung quanh chuyện cáo buộc Đại học Fulbright đang chuẩn bị cho “kế hoạch cách mạng màu”, là câu chuyện không hề đơn giản. Đây không chỉ là sự phản ứng bình thường của lực lượng dư luận viên – AK47, vốn có lâu nay.
Giới phân tích đánh giá, sự ra đi “bất ngờ” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chỉ trong vòng 73 ngày, tính từ khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước không mấy quyền lực, ông Tô Lâm đã dễ dàng đoạt được chiếc ghế Tổng Bí thư, cho thời gian còn lại của Đại hội khóa 13.
Hiện nay, ông Tô Lâm đang hướng tới chiếc ghế Tổng Bí thư của Đại hội 14. Với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông ôm tham vọng, sẽ kiểm soát toàn bộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như Quốc hội, trong lòng bàn tay.
Trước khi cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thực hiện kế hoạch “đảo chính không tiếng súng” thành công, theo giới quan sát quốc tế, ông ở vị thế tín nhiệm trong Đảng “rất thấp”. Thậm chí, ông bị số đông các lãnh đạo cấp cao đánh giá là không đủ tư cách, đạo đức và phẩm chất, để trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên đường tiến tới giành lấy quyền lực cao nhất, ông Tô Lâm đã thẳng tay loại bỏ những vị trí lãnh đạo cấp cao, kể cả thành viên nhóm “Tứ trụ”. Đó là những ứng viên sáng giá cho ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 14, và là những người thân cận với ông Trọng, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai.
Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật rất thân với Bắc Kinh, và được ông Tập Cận Bình hết lòng ủng hộ. Ông Trọng được mệnh danh là “thái thú” của Trung Quốc, ngồi tại Việt Nam.
Vậy mà, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm chẳng thèm “vuốt mặt, nể mũi”, đã “tiễn” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ứng viên số 1 cho ghế Tổng Bí thư được Tổng Trọng lựa chọn, về quê làm người tử tế, chỉ sau chưa đầy 2 tuần, khi ông Huệ yết kiến họ Tập, vào tháng 4/2024.
Theo một số ý kiến, đây được cho là lý do khiến Trung Nam Hải giật dây cho đám tay chân của ông Trọng, còn rất đông trong Đảng, tìm cách quật ngã Tổng Bí thư Tô Lâm. Thái độ của ông Tập Cận Bình khi đón tiếp ông Tô Lâm, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, đã cho thấy, ông Tô Lâm rất có thể phải đối mặt với những “tai họa” không nhỏ.
Mới nhất, liên quan đến sự kiện Đại học Fulbright, truyền thông quốc tế đưa ra khẳng định, đây là việc đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, thời kỳ “hậu” Nguyễn Phú Trọng.
Theo một số nhận định, việc kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang, có một phóng sự với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”, được cho là đã phản ánh quan điểm chính thức của giới lãnh đạo Quân đội Việt Nam.
Việc gỡ video vừa kể, được cho là phép thử, cũng như thăm dò phản ứng dư luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, liên quan đến quan điểm đối ngoại của ông Tô Lâm. Việc thăm dò này có thể nhằm giúp phe quân đội khẳng định quan điểm: Trung tâm quyền lực phải thuộc về quân đội, chứ không phải do công an kiểm soát và thao túng như hiện nay.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ rời ghế Chủ tịch nước, để nhường lại cho phe quân đội, là một bằng chứng về sự bất phục của phe quân đội, không thể chối bỏ.
Không phải vô cớ mà có những đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm sẽ làm Tổng Bí thư trong thời gian 16 tháng còn lại của khóa 13 là điều chắc chắn, nhưng có làm được Tổng Bí thư của Đại hội 14 hay không, lại là điều chưa chắc chắn.
Trà My – Thoibao.de
https://thoibao.de/blog/2024/09/04/vi-sao-quan-doi-se-khong-de-tong-bi-thu-to-lam-tru-vung-tai-dai-hoi-dang-14
Sau Baemin, Gojek cũng rút khỏi thị trường Việt Nam từ 16/9
Gojek, nền tảng gọi xe và giao đồ ăn có trụ sở tại Indonesia, đã quyết định nói lời tạm biệt với thị trường Việt Nam vào ngày 16/9. (Ảnh: Chinnapong/shutterstock)
Gojek, nền tảng gọi xe và giao đồ ăn có trụ sở tại Indonesia, đã quyết định nói lời tạm biệt với thị trường Việt Nam vào ngày 16/9.
Trong thông báo gửi các đối tác tài xế của Gojek có nội dung: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng Gojek sẽ không còn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam kể từ ngày 16/9. Chúng tôi rất tiếc khi phải rời đi, sau nhiều cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định tập trung hoạt động kinh doanh tại Indonesia và Singapore. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trên GoRide, GoCar, GoFood và GoSend.
Ngày cuối cùng chúng tôi nhận đơn hàng sẽ là vào ngày 16/9/024 (các đơn hàng của GoSend sẽ kết thúc vào ngày 4/9). Trước ngày này, các đối tác tài xế vẫn có thể sử dụng dịch vụ bình thường trên ứng dụng. Chúng tôi khuyến nghị các đối tác rút số dư còn lại trong ví tài xế của mình trong vòng ba ngày sau khi hoàn tất đơn hàng cuối cùng.
Nếu các đối tác gặp bất kỳ khó khăn hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ với bộ phận hỗ trợ đối tác của chúng tôi, bộ phận này sẽ hoạt động đến ngày 30/9/2024. Trong quy trình đóng cửa, dữ liệu cá nhân của các đối tác sẽ được xử lý theo chính sách lưu giữ dữ liệu cá nhân nghiêm ngặt của chúng tôi và quy định của pháp luật hiện hành”.
Gojek gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet. Đến năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek rồi hoạt động từ đó đến nay.
Hãng cung cấp các dịch vụ như vận chuyển (GoRide, GoCar), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn (GoFood).
Trước khi tuyên bố rời thị trường Việt Nam, Gojek đã phải cạnh tranh với Grab, Be hay đối thủ mới thành lập là Xanh SM. Theo Gojek, việc dừng hoạt động tại Việt Nam là kế hoạch nằm trong chiến lược của công ty mẹ (GoTo, trụ sở tại Indonesia) nhằm củng cố lại hoạt động kinh doanh của mình.
Gojek cũng từng phải nói lời chia tay thị trường Thái Lan vào năm 2021.
Trước đó, “ông lớn” giao đồ ăn Baemin – doanh nghiệp nổi bật đến từ Hàn Quốc, chính thức chia tay thị trường Việt Nam từ ngày 8/12/2023, khép lại 4 năm gắn bó.
Trong thông báo gửi đến đối tác là các nhà hàng, ứng dụng giao hàng chia sẻ quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của nước sở tại.
Minh Long
https://vietluan.com.au/120837/sau-baemin-gojek-cung-rut-khoi-thi-truong-viet-nam-tu-16-9/
Trung Quốc phát động chiến dịch ‘Yêu nước là biết ơn Đảng’
Như Hồ /Saigon Nhỏ
04/9/2024
Tập Cận Bình đến thị sát một lớp học (Ảnh: Xinhua – Tân Hoa Xã)
Bắc Kinh đang tung ra một khuynh hướng giáo dục mới, với loạt sách giáo khoa mới áp đặt trong các trường học, trong đó quy định ‘tình cảm với đất nước, ý thức về bản sắc dân tộc và biết ơn Đảng’
Năm học mới bắt đầu vào tuần này tại Hồng Kông, được bổ sung thêm những điều được coi là vô cùng quan trọng và bắt buộc với loạt sách giáo khoa mới về Tư tưởng Tập Cận Bình .
Nền giáo dục Hồng kông với những khuynh hướng truyền thống tiếp nhận tri thức mở từ trên thế giới, lúc này đang gặp nhiều cấm đoán và bị buộc phải giảng dạy thêm những môn học bắt buộc về an ninh quốc gia và lòng yêu nước ủng hộ Bắc Kinh – tức biết ơn và ủng hộ Đảng cộng sản Trung Quốc.
Các diễn biến này đang diễn ra dồn dập (không chỉ ở Hồng Kông mà ở toàn bộ đại lục), cho thấy ảnh hưởng và sự khao khát kiểm soát tư tưởng của Đảng Cộng sản cầm quyền đang ngày càng gia tăng, và muốn cải tạo nhận thức con người ở vùng đất gọi là bán tự trị này.
Nội dung giảng dạy về hệ tư tưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc được gói gọn trong một môn học mới hiện là môn bắt buộc đối với học sinh trung học, Quyền công dân, Kinh tế và Xã hội, được công bố lần đầu vào năm 2022.
Các chương trình giáo khoa mới này truyền tải “giáo dục lòng yêu nước” cho tất cả ba năm học của học sinh trung học, và nội dung của nó nhằm mục đích “nuôi dưỡng ý thức về quốc gia, tình cảm đối với đất nước và ý thức về bản sắc dân tộc của học sinh”, theo hướng dẫn chương trình giảng dạy do chính phủ ban hành. Quan trọng hơn hết của nội dung giáo dục là đồng hóa đất nước Trung Quốc với sự tồn tại của Đảng cộng sản.
Học sinh từ lớp ba được đặt ra mục tiêu phải tìm hiểu về Tư tưởng Tập Cận Bình trong một nhận thức về “cơ cấu chính trị của đất nước chúng ta và sự tham gia vào các vấn đề quốc tế”. Các hướng dẫn khuyến nghị giáo viên dành 12 bài học, mỗi bài 40 phút cho chương trình này.
Hướng dẫn nêu rõ một số trường đã được khuyến khích triển khai các chương trình thí điểm môn học mới vào năm 2023, nhưng tất cả 512 trường trung học đều phải triển khai chương trình giảng dạy mới từ thứ Hai, ngày 2 tháng 9 năm 2024.
Viết trên mạng xã hội, một cư dân Hong Kong ví chương trình giảng dạy mới giống như một cuộc “tẩy não” lịch sử và nhân tính.
Họ nói thêm rằng “Nói rằng giáo dục làm méo mó tâm trí thì cũng chỉ là cách nói cho nhẹ đi mà thôi”.
Một người khác thì nhận định rằng “mọi thứ đang bị bóp méo và dán vào tư tưởng của thế hệ trẻ rằng việc sinh ra đất nước này là do Đảng cộng sản, và ai cũng phải biết ơn vì miếng ăn, manh áo và sự ổn định đang có”.
Một cư dân Hồng Kông khác liên hệ chương trình giảng dạy mới với mối lo ngại về “quá trình đại lục hóa” của Hồng Kông.
“Khi tôi gặp sinh viên trên phố, tôi nghe họ trò chuyện bằng tiếng Quan Thoại, họ cũng sử dụng các thuật ngữ tiếng Trung, và thậm chí thói quen ăn uống của họ cũng đã bị ảnh hưởng bởi tiếng Trung”, một người nói.
“Nếu chúng ta thêm phương tiện truyền thông và giáo dục lòng yêu nước của chính phủ, có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến sự biến mất bản sắc tự do của người dân Hồng Kông thực sự ngay trong cuộc đời tôi.”
Những thay đổi đối với giáo dục tiểu học đã được công bố vào cuối năm 2023. Cục giáo dục cho biết các chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh tiểu học sẽ được thay thế bằng chương trình giảng dạy mới vào năm 2025. Các bài giảng mới sẽ bao gồm an ninh quốc gia, chiến tranh thuốc phiện và cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản – nhằm để đẩy mạnh lòng căm thù – hai sự kiện quan trọng trong câu chuyện của Bắc Kinh được đặt tên là “thế kỷ nhục nhã”, mục đích là tạo động lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mà đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Triết lý chính trị cá nhân của Tập Cận Bình, được gọi chính thức là “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc cho thời đại mới”, đã được ghi vào hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
Năm 2021, tư tưởng này đã được đưa vào các trường học ở Trung Quốc đại lục. Những lời dạy của Tập Cận Bình trong chương trình giảng dạy ở đại lục dường như toàn diện hơn nhiều so với những lời dạy được đưa vào Hồng Kông. Tuy nhiên, nó vẫn gây ra sự lo ngại trong một số phụ huynh và công dân, bởi mọi thứ rõ ràng là một tiến trình được chủ định.
Lượng tuyển sinh vào trường học ở Hồng Kông đã giảm mạnh trong những năm gần đây, do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng di cư của cư dân, chọn bỏ ra nước ngoài sinh sống, và người nước ngoài sống Hồng Kông ngày càng ít, sau cuộc đàn áp phong trào dân chủ và áp dụng các biện pháp kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn theo hướng có lợi cho Đảng Cộng sản cầm quyền.
https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/trung-quoc-phat-dong-chien-dich-yeu-nuoc-la-biet-on-dang/
Không có nhận xét nào