Ông Phan Vân Bách bị kết án 5 năm tù vì "phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng"
RFA
16/9/2024
Nhà hoạt động Phan Vân Bách
Fb Phan Vân Bách
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 16/9 kết án ông Phan Vân Bách, cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV, với bản án năm năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Ông Bách bị bắt vào ngày 29/12 năm ngoái vì có nhiều bài viết cùng video clip đăng tải trên mạng xã hội bị cho là có nội dung chống chế độ.
Trong một phiên toà chóng vánh chỉ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, ông bị kết tội như cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố ông theo điểm a, b, và c của khoản 1, Điều 117 “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý.
Cáo trạng cho rằng ông Bách đã sử dụng tài khoản Facebook mang tên mình đăng tải 12 bài viết cùng sáu video clip trong các năm 2018-2022 có nội dung bị cho là “xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, nói xấu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN; phát tán các hình ảnh cắt ghép bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo nhà nước, kích động quần chúng…"
Luật sư Lê Văn Luân cùng một đồng nghiệp ở Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long (Hà Nội) được gia đình thuê để bào chữa cho ông Bách ở phiên sơ thẩm. Tuy nhiên, khi phiên toà bắt đầu, ông Bách từ chối hai luật sư tham gia bào chữa nhưng đề nghị họ tham dự phiên toà từ đầu đến cuối và ông đưa ra lời tự bào chữa.
Luật sư Luân thuật lại phiên toà với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngay sau khi rời phòng xử án.
“Ông Bách thừa nhận hành vi của mình, nhưng ông vẫn cho rằng là hiện tại đối với pháp luật Việt Nam thì những điều ông ấy nói không nên nói vào lúc này.
Quan trọng nhất là ông Bách cũng là người đầu tiên đưa ra đề nghị là phải sửa được một điều luật tương ứng mà ông ấy đang bị xét xử, đó là Điều 117.”
Luật sư cho biết thêm là đề nghị của ông Bách về sửa đổi luật cho phù hợp với quốc tế cũng là đề nghị của ông và nhiều luật sư khác trong các phiên toà xử các nhà bất đồng chính kiến trước đây.
Ông Luân cho hay, quan điểm của hai luật sư là đề nghị trả tự do cho thân chủ của mình ngay tại toà và ông Bách dường như không kháng cáo bản án.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người từng bị kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về cùng tội danh, nói ông Bách là một lái xe taxi có lòng với đất nước, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình vì môi trường và sau này trở thành thành viên của Chấn Hưng Nước Việt do ông Vũ Quang Thuận sáng lập, cùng tham gia lên tiếng trước những bất công của đất nước.
Tuy nhiên, ông Bách đã tuyên bố dừng hoạt động, và đồng thời rút khỏi các tổ chức ông từng tham gia từ lâu, mấy năm nay chỉ còn tập trung lo làm ăn kinh tế.
Ông Dũng nói với RFA về việc Hà Nội bỏ tù ông Bách:
“Việc nhà cầm quyền bắt giam và khởi tố một công dân chỉ vì những hoạt động ôn hoà từ trước đây của anh ấy là một hành động tàn nhẫn, và đó không phải là cách hành xử của một chính thể văn minh vốn đã có các cam kết thúc đẩy nhân quyền với thế giới.
Điều đó dẫn đến suy nghĩ nhà cầm quyền dường như đang thực hiện chiến dịch ‘hồi tố’ hòng triệt hạ những yếu tố bị họ đánh giá là nguy hại cho sự tồn vong của chế độ, đặc biệt là những người hoạt động tại Hà Nội.”
Ông Phan Vân Bách, 49 tuổi, tham gia các hoạt động xã hội dân sự từ đầu thập niên trước, như phong trào biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông từ năm 2011, phong trào phản đối đốn hạ hàng ngàn cây xanh ở Hà Nội năm 2015 và biểu tình chống Formosa gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.
Từ năm 2017 đến cuối năm 2018, ông tham gia kênh YouTube CHTV (Chấn Hưng TV) , một kênh truyền hình độc lập sáng lập bởi ông Vũ Quang Thuận chuyên đưa tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hiện kênh này không còn hoạt động.
Ba thành viên của nhóm là các ông Vũ Quang Thuận, Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), và Lê Trọng Hùng hiện đang phải thụ án từ năm (05) năm đến tám năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Trước phiên tòa sơ thẩm, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra tuyên bố kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà vận động dân chủ Phan Vân Bách ngay lập tức.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-phan-van-bach-sentenced-to-five-years-in-prison-for-denying-role-of-the-communist-party-09162024024903.html
Dân biểu Mỹ chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden không gây sức ép lên vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam
13/9/2024
Người dân đi lễ chùa ở Hà Nội hôm 14/2/2022 (minh hoạ)
Nhac NGUYEN / AFP
Dân biểu Mỹ Michelle Steel hôm 12/9 ra thông cáo báo chí chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì đã thất bại trong việc bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu bao gồm Việt Nam.
Thông cáo cho biết, Dân biểu Steel đã hai lần kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo vào các tháng ba và tháng sáu vừa qua, nhất là sau sự kiện sư bộ hành Thích Minh Tuệ bị chính quyền bắt ẩn tu.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ chỉ cho biết sẽ theo dõi trường hợp của sư Thích Minh Tuệ và rằng Hoa Kỳ quan ngại về vấn đề tự do tôn giáo nói chung ở Việt Nam.
Sư Thích Minh Tuệ là người tu theo hạnh đầu đà của đức Phật và đã thực hành việc đi bộ khất thực dọc Việt Nam nhiều lần trong các năm qua. Ông đã gây cảm hứng trong nhiều người dân Việt Nam và hình ảnh ông đi khất thực đã gây chú ý trên mạng xã hội ở Việt Nam trong các tháng năm và tháng sáu vừa qua, kéo theo nhiều người tham gia khất thực. Tuy nhiên, chính quyền đã vào cuộc và yêu cầu sư Thích Minh Tuệ cùng các các sư khác trong đoàn phải giải tán, về ẩn tu.
Mặc dù Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong năm nay vẫn không xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
“Sự thiếu hành động từ chính quyền của Tổng thống Biden đối với việc đàn áp tôn giáo ở việt Nam đang thực sự tạo điều kiện cho các linh phủ đàn áp trên toàn cầu. Cũng như nhiều vấn đề khác, chính quyền Tổng thống Biden chỉ nói mà không có hành động về vấn đề nhân quyền” – Dân biểu Michelle Steel viết trong thông cáo báo chí.
Việt Nam đã từng bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC vào các năm 2005 và 2006 nhưng sau đó đã được đưa ra khỏi danh sách này vào năm 2007 vì phía Mỹ ghi nhận những tiến bộ nhất định trong tự do tôn giáo ở Việt Nam giai đoạn đó.
Tuy nhiên, các năm sau này, Việt Nam liên tục bị Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đề nghị đưa lại vào danh sách CPC.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong hai năm vừa qua liên tiếp đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự hoặc dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/steel-biden-vietnam-religious-freedom-09132024091953.html
Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
RFI
16/9/2024
Mỹ sẽ tặng Việt Nam tàu tuần duyên thứ ba từ nay đến cuối năm 2024. Washington được cho là đang đàm phán bán máy bay vận tải C-130J cho Hà Nội. Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Năm thăm Mỹ đúng kỉ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. “Sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong suốt năm qua” đã được bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin nhấn mạnh khi tiếp đồng nhiệm Phan Văn Giang ngày 09/09.
Ảnh minh họa : Máy bay vận tải C130-J của nhà sản xuất Mỹ Loockheed Martin. Hoa Kỳ được cho là đang bàn với Việt Nam về khả năng mua bán loại máy bay này. © Lockheed Martin
Quảng cáo
Tất cả những sự kiện này đánh dấu “giai đoạn mới trong hợp tác hữu nghị” giữa hai nước, cho đến nay “vẫn suôn sẻ và đi theo hướng mà cả hai nước đều mong muốn”. Để hiểu hơn về những chuyển biến mới trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, đặc biệt là mức độ tin cậy nhau, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.
RFI : Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ. Có thể hiểu đây là một dấu hiệu mới cho việc thắt chặt quan hệ quốc phòng và an ninh song phương ?
Nguyễn Thế Phương : Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Mỹ đợt này hơi đặc biệt tại vì chuyến thăm này khá dài, tầm 4-5 ngày, cho nên lịch trình sẽ dầy và tập trung nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ cụ thể chương trình nghị sự của bộ trưởng Giang nhưng chuyến thăm này đánh dấu bước đi tiếp theo cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi vì tháng 9 này kỉ niệm đúng một năm hai nước nâng cấp quan hệ.
Ở đây cần nhấn mạnh đến một số điểm. Thứ nhất, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ ở thời điểm hiện tại thường vẫn được nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và thương mại, còn quan hệ an ninh và quốc phòng thường được đặt bên dưới. Chuyến thăm Mỹ lần này của bộ trưởng Giang phần nào đó sẽ giúp cho Việt Nam hiểu được Mỹ sẽ muốn gì trong mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai bên trong tương lai. Và cũng để cho phía Mỹ hiểu rõ hơn là Việt Nam thực sự muốn gì ở Mỹ, đặc biệt trong vấn đề giúp Việt Nam cải thiện một số năng lực, nhất là năng lực hàng hải, hoặc những chuyển động quốc phòng sâu sắc hơn trong tương lai cho xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là điểm mấu chốt trong chuyến thăm của bộ trưởng Giang.
Ngoài ra, có thể đây là chuyến thăm mở đường cho chuyến thăm của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm sắp tới. Đây cũng là chuyến thăm để Việt Nam dò chính sách của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn hai tháng nữa là bầu cử tổng thống.
RFI : Năm 2023 từng có thông tin Việt Nam và Mỹ bàn khả năng mua sắm chiến đấu cơ F-16 nhưng đàm phán bị dừng lại. Hiện tại có thông tin Mỹ đang thảo luận với Việt Nam về việc bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130J Hercules cho Hà Nội. Tại sao lại có sự thay đổi này ? Liệu việc mua máy bay, dù là máy bay vận tải, sẽ là một bước ngoặt cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ?
Nguyễn Thế Phương : Thông tin Việt Nam đàm phán với Mỹ về việc mua các loại vũ khí, khí tài của Mỹ, đặc biệt là F-16, đã xuất hiện từ cách đây 2, 3 năm chứ không phải là một vấn đề mới. Nhìn chung, nếu như Việt Nam mua vũ khí, khí tài của Mỹ thì đây cũng sẽ là một bước ngoặt. Đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên được nâng lên một tầm mức mới, bởi vì để Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thì mức độ lòng tin chiến lược trong an ninh quốc phòng giữa hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam đối với Mỹ, đã được nâng lên một tầm mức nào đó rồi.
Việt Nam cũng đã chuẩn bị từ trước cho những quyết định mua sắm đó. Thứ nhất, Việt Nam gửi một số sĩ quan không quân, những đội hậu cần qua Mỹ để huấn luyện và học tập từ cách đây 2, 3 năm. Thứ hai, Việt Nam vừa mới khai trương một sân bay ở Phan Thiết. Người ta cho rằng sân bay này được dành cho việc triển khai một số loại máy bay huấn luyện sẽ mua của Mỹ trong tương lai. Có thể thấy Việt Nam đã chuẩn bị hết về nhân lực, cơ sở hạ tầng cho vấn đề mua sắm trang thiết bị vũ khí mà ở đây là các loại máy bay Mỹ.
Thông tin Việt Nam mua máy bay F-16 của Mỹ bị dừng lại cũng không phải là điều quá bất ngờ: Thứ nhất, F-16 là một loại vũ khí mang tính tấn công mà ở thời điểm hiện tại, nếu Việt Nam mua của Mỹ thì sẽ rất nhạy cảm, đặc biệt là đặt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác, mang tính kỹ thuật. Liệu hai bên có sẽ trao đổi vấn đề mang tính kỹ thuật về vũ khí, về bảo dưỡng, bảo trì không ? Đây cũng là điểm “nhạy cảm”. Việc Mỹ có cho phép mua vũ khí đi kèm hay không cũng là một chuyện cần bàn thảo sâu hơn trong tương lai. Hiện tại, những vấn đề đó dường như vẫn là những khúc mắc mà hai bên chưa giải quyết được.
Trong khi đó C-130 chỉ là một loại máy bay vận tải phi tác chiến. Cho nên việc Việt Nam có khả năng mua C-130 cũng có thể được giải thích theo hướng là sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực phòng thủ, năng lực không vận, vốn là năng lực mà Việt Nam vẫn còn yếu. C-130 mang tính phòng thủ, không mang tính tấn công, bớt tính nhạy cảm và một phần nào đó cũng giúp cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh thâm hụt thương mại hiện nay nghiêng về Việt Nam quá lớn. Cho nên, mua sắm thêm vũ khí cũng là cách để Việt Nam gửi thông điệp rằng “chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa hợp tác, đặc biệt là về thương mại”. Và trao đổi thương mại quốc phòng là một điểm mà Việt Nam đã và đang cân nhắc.
RFI : Việc Nga, nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, bị cấm vận và phải dồn toàn bộ nguồn lực quốc phòng cho chiến tranh ở Ukraina buộc Hà Nội phải tăng tốc đa dạng hóa nguồn cung, trong số này có vũ khí hệ phương Tây. Tuy nhiên, những nước này có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vũ khí được bán. Vấn đề này sẽ tác động đến quá trình hợp tác với Việt Nam như thế nào ? Yếu tố “hoa hồng”, vẫn được các chuyên gia, nhà quan sát về quân sự Việt Nam nêu lên, có phải là một trở ngại khác ?
Nguyễn Thế Phương : Có hai yếu tố gây trở ngại chính. Thứ nhất là yếu tố mang tính hệ thống vì toàn bộ chu trình ra quyết định mua vũ khí nào và quy trình huấn luyện, bảo dưỡng bảo trì thì từ trước đến này, hệ thống, cấu trúc của Việt Nam luôn hướng về phía Nga. Cho nên hiện giờ, muốn đổi sang một hệ phương Tây khác thì toàn bộ quy trình đó phải được điều chỉnh và thay đổi. Và quá trình này tốn rất nhiều thời gian.
Thứ hai là vấn đề mang tính chính trị bởi vì tư duy quốc phòng, an ninh của Việt Nam hiện tại vẫn có một yếu tố nghi ngại phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng, cũng như các đồng minh của Mỹ. Đây là điểm có khả năng làm chậm lại quá trình tương tác giữa Việt Nam và các quốc gia phương Tây, đặc biệt là liên quan đến mua sắm vũ khí quốc phòng.
Điểm thứ ba, rất cốt lõi, liên quan đến tài chính. Nguồn lực của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tài chính trong quá trình hiện đại hóa, rõ ràng là không lớn cho nên cũng phải “liệu cơm gắp mắm”. Tất cả những yếu tố đó, khi Việt Nam muốn xác định mua sắm, đều phải đặt lên bàn cân để xem mua của ai, được lợi gì và bất lợi gì, đặc biệt là với Mỹ. Như chị đề cập tới quy trình và đặc trưng của quy trình mua sắm vũ khí, khí tài, thì “văn hóa” giữa hai bên Mỹ-Việt Nam và Việt Nam với phương Tây là khác nhau. Thực ra, sự khác nhau này là có thể điều chỉnh được.
Nhưng như tôi đã đề cập, quá trình điều chỉnh văn hóa mua sắm và chính sách như này cần phải có nhiều thời gian và dựa trên niềm tin chính trị giữa hai bên, nhu cầu của Việt Nam và chính sách, cũng như chiến lược quốc phòng của Việt Nam hiện tại, chứ không hẳn là vũ khí phương Tây là tốt và cũng không hẳn là ở thời điểm hiện tại, Nga đang gặp khó khăn và Việt Nam không mua của Nga.
RFI : Phát biểu tại một sự kiện của Canergie, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từ năm 2014-2017 cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam “thực tế”, “có rất nhiều điều có thể thực hiện một cách thực dụng giúp tăng cường quan hệ đối tác” Việt-Mỹ, kể cả trong lĩnh vực an ninh, dù không cần liên minh hay căn cứ. Hai nước sẽ tính đến những hướng phát triển nào ? Liệu Washington cần tiếp tục kiên trì vì Hà Nội cần thời gian nếu nhìn vào sự cân bằng với Trung Quốc ?
Nguyễn Thế Phương : Trong chính sách đối ngoại và chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam dù sao cũng đóng một vai trò tương đối quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ ở khu vực. Cho nên Mỹ sẽ cần phải có một mức độ kiên trì nhất định khi tương tác với các lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là các lãnh đạo bên quân đội.
Đối với Việt Nam, niềm tin chiến lược hiện tại giữa hai bên đã được cải thiện, nhưng không đi quá nhanh. Nhìn vào Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam, vấn đề mang tính diễn biến hòa bình, những vấn đề mang tính lật đổ hoặc đảm bảo nguyên chế độ vẫn là vấn đề an ninh hàng đầu. Khi nói đến những vấn đề đó, phương Tây và Mỹ là những “đối tượng rất lớn”, theo đúng cách dùng của ngôn ngữ chiến lược Việt Nam. Cho nên, để có mối quan hệ song phương bền vững và lâu dài với Việt Nam, Mỹ cần có sự kiên trì nhất định khi làm việc với Việt Nam, đặc biệt là trong những vấn đề mang tính nhạy cảm như an ninh và quốc phòng.
Ngoài ra, theo lời đại sứ Ted Osius, về vấn đề liên quan đến “thực tế”, các nhà lãnh đạo Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã “thực tế” và “thực dụng” hơn rất nhiều so với các đây 20-30 năm, đặc biệt là trong giai đoạn trước và sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó là giai đoạn vẫn còn nghi kị rất nhiều. Hiện tại, do sự chuyển dịch tư duy về chiến lược đặt phát triển kinh tế lên hàng đầu, để phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo phải “thực dụng” hơn nhưng không có nghĩa là họ không nghi ngờ, không phòng thủ trước những mối quan hệ với Mỹ và phương Tây. Phòng thủ ở đây không chỉ về mặt khác biệt và quan điểm chính trị, mà còn là sự đề phòng trong mối cân bằng ngoại giao với Trung Quốc. Đó là sự cân bằng giữa các nước lớn.
Cho nên, nói theo đại sứ Ted Osius cũng đúng, nhưng phải đặt trong toàn bộ bối cảnh tư duy chiến lược của Việt Nam hiện tại : Có sự cân bằng giữa các nước láng giềng, có yếu tố về mặt chính trị, một chút ý thức hệ và cũng có yếu tố thực dụng trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ thì sẽ mở rộng hơn nữa khả năng của Việt Nam về mặt thương mại, tài chính và công nghệ. Đó là những lĩnh vực Việt Nam đang muốn đầu tư cho việc duy trì khả năng phát triển kinh tế trong tương lai.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn anh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, tại Canberra, Úc.
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240916-vn-mua-vu-khi-lon-cua-my-danh-dau-buoc-ngoat-trong-quan-he-quoc-phong-song-phuong
Ls. Đặng Đình Mạnh - New York Times có phải lệ thuộc Ban Tuyên giáo?
16/9/2024
(VNTB) – Khó mà hình dung rằng The New York Times sẽ lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo nào đó cho phép đăng tin hoặc buộc gỡ tin như truyền thông trong nước đã phải từng đối diện mới đây
Đầu giờ chiều ngày 06 Tháng Chín 2024, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về sự hiện diện của Cơ quan Cảnh sát Điều tra tại trụ sở Công ty Cổ phần VNG (Vinagame trước đây) trú đóng tại Quận 7, Sài Gòn để khám xét, thu giữ hồ sơ, vật chứng tại đây. Nhưng chỉ khoảng 1 tiếng sau, họ đồng loạt gỡ tin trước sự bình thản của công chúng.
Cho dù, không có một lời giải thích hoặc xin lỗi nào được đưa ra từ giới chức có thẩm quyền hoặc Tổng Biên tập tờ báo. Vì lẽ, công chúng đã khá quen thuộc và hầu như cũng vô cảm với cung cách hành xử bị xem thường như vậy từ giới truyền thông trong nước.
Về vụ việc, có vẻ như Ban Tuyên giáo của Đảng đã sớm can thiệp để yêu cầu giới truyền thông gỡ tin vì lý do không tiện tiết lộ, chứ không hẳn vì giới truyền thông đưa tin không chính xác. Vì lẽ, trong các tin đã đăng tải trước đó, truyền thông đã đính kèm theo khá nhiều hình ảnh chụp hàng trăm cảnh sát mặc cảnh phục đang phong tỏa quanh trụ sở, xe chuyên dụng và xe tải của cơ quan công an chở hồ sơ, máy tính điện tử và vật chứng khác… đang đậu đầy trước cổng và trong sân của Công ty VNG.
Trước đó một ngày, ngày 5 Tháng Chín 2024, truyền thông trong nước cũng đưa tin về việc hãng truyền thông lớn của Hoa Kỳ là The New York Times vừa được nhận giấy phép thành lập văn phòng thường trú tại Việt Nam, và sẽ đi vào hoạt động vào Tháng Mười 2024.
Được biết, The New York Times là một hãng truyền thông có uy tín hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Hãng có bề dày hoạt động rất lâu đời, ít nhất là 173 năm, kể từ khi được thành lập vào Tháng Chín 1851 – 2024. Đồng thời, hãng cũng đã giành được khá nhiều giải Pulitzer, giải thưởng danh giá và uy tín nhất về lĩnh vực báo chí tại Hoa Kỳ.
Khi trao giấy phép cho ông Damien Cave, Trưởng Đại diện Văn phòng thường trú báo New York Times tại Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Ngoại giao được truyền thông trong nước dẫn tin cho rằng: “New York Times sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động báo chí tại Việt Nam, đưa nhiều tin bài sinh động hơn về Việt Nam và khu vực, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam”, đồng thời “New York Times sẽ có những bài viết chuyên sâu về quan hệ Việt – Mỹ, góp phần tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm một năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ vào năm 2025”.
Trong lời đáp từ, ông Damien Cave cho biết quyết định mở văn phòng cho thấy Việt Nam đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận báo chí Mỹ và thế giới. Ông Cave nói thêm vào ngày 6 Tháng bảy 1946, New York Times đã có vinh dự phỏng vấn ông Hồ Chí Minh.
Theo ông Cave, Việt Nam đang có vị thế và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế và quan hệ Việt – Mỹ có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. New York Times muốn góp phần kể câu chuyện về Việt Nam đổi thay về mọi mặt, về quan hệ Việt – Mỹ một cách chính xác và khách quan.
Qua phát biểu của 2 bên, đã cho thấy ngay tình trạng “Đồng sàng dị mộng” giữa đôi bên ngay từ thời điểm trao giấy phép hoạt động. Trong đó, phía Việt Nam muốn “định hướng” hoạt động của New York Times trong phạm vi “tô hồng” cho chính quyền Việt Nam và cho quan hệ 2 chính quyền Việt – Mỹ. Thế nhưng, New York Times lại cam kết “kể câu chuyện về Việt Nam… về mọi mặt, về quan hệ Việt – Mỹ một cách chính xác và khách quan”.
Thật ra, nếu hiểu về truyền thông của Hoa Kỳ, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên về lời đáp từ của vị đại diện New York Times khi lờ qua những “định hướng” “tô hồng” mà phía Việt Nam đề nghị, mà lại nhấn mạnh về những giá trị “Chính xác và Khách quan”.
Vì lẽ, đó cũng là những giá trị mang tính cách nền tảng, mang lại sức mạnh cho giới truyền thông Hoa Kỳ, đến mức được mệnh danh như là quyền lực thứ tư bên cạnh ba quyền lực truyền thống của Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
Theo đó, lần đầu tiên, sẽ có cơ quan truyền thông đưa tin từ trong nước một cách chính xác và khách quan. Dĩ nhiên, theo đó khó mà hình dung rằng cơ quan đó (New York Times) sẽ lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo nào đó cho phép đăng tin hoặc buộc gỡ tin như truyền thông trong nước đã phải từng đối diện mới đây, mà việc phải đồng loạt gỡ tin về Công ty VNG bị khám xét trụ sở là một trường hợp điển hình còn nóng hổi.
Nhiều người lạc quan tếu, cho rằng việc chấp thuận cho New York Times mở văn phòng thường trú, đồng nghĩa với việc chế độ mới từ ông Tô Lâm đã sẵn sàng tâm thế lắng nghe những lời “Trung ngôn nghịch nhĩ”? Và điều đó sẽ giúp cho những đài truyền thông trong nước “tập dượt” trước khả năng đón nhận việc cởi trói, trả lại quyền tự do báo chí bị tước đoạt bấy lâu nay?
Tôi cũng tin vào việc trả lại quyền tự do báo chí, thế nhưng, chứng kiến nửa thế kỷ báo chí tự do bị trói buộc trong “vòng kim cô” của Đảng Cộng sản thông qua Ban Tuyên giáo, tôi nghĩ điều đó còn rất xa vời, ít nhất chưa phải lúc này.
DC, ngày 11 Tháng chín 2024.
https://vietnamthoibao.org/vntb-new-york-times-co-phai-le-thuoc-ban-tuyen-giao/
Bạn thân gửi lũ, kẻ thù cũ cho tiền
Cảnh Chân
Việt nam Thời Báo
16/9/2024
(VNTB) – Nếu chuyển sang công kích Trung Quốc và ca ngợi Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh, thì có khác nào chê xã hội chủ nghĩa không bằng xã hội tư bản, dân chủ-văn minh.
Ngay sau khi chứng kiến thiệt hại khủng khiếp mà bão Yagi gây ra, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cam kết cấp 1 triệu đô la viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho nước ta, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây là nước viện trợ sớm nhất cho Việt Nam sau khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền.
Tối 11/9, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết khoản tiền này sẽ được phân bổ tới các đối tác cứu trợ nhân đạo để có thể tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho các mục đích khác nhau. Bao gồm cung cấp nơi lánh nạn, nước sạch, vệ sinh cũng như các các hỗ trợ khác ngoài thực phẩm để hỗ trợ người dân Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 12/9, chính quyền Hàn Quốc cũng cam kết sẽ viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD để giúp người dân Việt Nam khôi phục các khu vực bị thiệt hại do cơn bão Yagi. Chính quyền Nhật Bản cũng cho biết đang xem xét viện trợ vật tư qua cơ quan JICA, gồm máy lọc nước và tấm bạt nhựa.
Australia đã cung cấp 3 triệu AUD (tương đương hơn 2 triệu đô la Mỹ) để cứu trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Ngoài ra họ cũng là nước gửi lô hàng cứu trợ đầu tiên đã đến Hà Nội. Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski tuyên bố: “Chúng tôi ở đây để giúp Việt Nam bằng bất kỳ cách nào có thể. Chúng tôi rất vui vì đã có thể nhanh chóng huy động hỗ trợ đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hi vọng điều này sẽ giảm bớt một số áp lực trước mắt đối với các gia đình và cộng đồng. Chúng tôi biết còn một chặng đường dài phía trước và chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn này”.
Mặc dù đã ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhưng Ban Tuyên giáo Trung ương chưa bao giờ ngưng thực hiện chiến dịch tuyên truyền thù địch với Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Các lực lượng dư luận viên thường xuyên nhắc lại việc Nhật Bản xâm lược Việt Nam từ trước năm 1945. Còn Hàn Quốc, Australia thì cho quân đội hỗ trợ Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam thập niên 1960-1970. Như vậy, cả bốn nước mà cộng sản Việt Nam coi là cựu thù lại là những nước viện trợ sớm nhất và nhiều nhất cho Việt Nam trong đợt bão này.
Trong khi đó, Trung Quốc, “anh em tốt, láng giềng gần” thì không thấy viện trợ tiền, mà chỉ thấy xả thêm lũ vào lãnh thổ nước ta. Ngày 11/9, khi Hoa Kỳ tuyên bố viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam, thì Trung Quốc bất ngờ thông báo sẽ xả lũ đập thuỷ điện Ma Lù Thàng (Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam), đầu nguồn sông Lô.
Đáng chú ý, việc xả lũ này được thực hiện sau khi Trung Quốc hứa sẽ không xả lũ đầu nguồn sông Hồng. Nhưng họ lại xả đầu nguồn sông Lô, mà sông Lô lại là một nhánh của sông Hồng. Chẳng khác nào dùng kế “dương đông kích tây” trong chiến tranh. Vậy thì Trung Quốc có coi Việt cộng là “anh em tốt, láng giềng gần, cùng chung vận mệnh” không?
Có thể thấy rõ thịnh tình của Hoa Kỳ và đồng minh qua những khoản viện trợ khẩn cấp trên. Nhưng dư luận viên, tuyên giáo Việt Nam vẫn mỉa mai mị dân theo lập luận “cây gậy và củ cà rốt”. Họ cho rằng những khoản viện trợ này là chính sách ngoại giao dùng tiền để diễn biến hòa bình, âm mưu lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam. Còn Trung Quốc xả lũ “dương đông kích tây” thì chẳng thấy tuyên giáo, dư luận viên có phản đối gì.
Sự thật rành rành trước mắt là vậy, ai bạn ai thù thì người dân biết rõ. Nhưng chắc chắn rằng dư luận viên, Ban Tuyên giáo Trung ương vẫn sẽ không thay đổi chiến lược tuyên truyền hiện nay. Vì nếu chuyển sang công kích Trung Quốc và ca ngợi Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh, thì có khác nào ngửa mặt lên trời nhổ nước miếng khi chê bai xã hội cộng sản không bằng xã hội tư bản, dân chủ-văn minh.
https://vietnamthoibao.org/vntb-ban-than-gui-lu-ke-thu-cu-cho-tien/
Nông sản Tàu giả hàng Việt – cơ quan chức năng rề rà
Minh Hải
16/9/2024
(VNTB) – Hàng loạt nông sản Trung Quốc được các đầu nậu “phù phép” thành nông sản Việt Nam gây thiệt hại nặng cho nhà nông Việt, trong khi đó, cách làm việc của cơ quan chức năng Việt Nam lại quá rề rà…
Những ngày đầu tháng 9/2024, UBND TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng phối hợp với tổ liên ngành chức năng trong đó có Phòng Kinh tế và Công an TP. Đà Lạt phát hiện, xử lý hàng loạt cơ sở thu mua nông sản ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng.
Các cơ sở này trước đó đã bôi đất đỏ vào khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi sau đó “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ ở các chợ đầu mối và các tỉnh thành trong cả nước.
Theo cơ quan chức năng, vào khoảng tháng 5 hằng năm, nhà vườn trồng khoai tây ở Đà Lạt cơ bản đã thu hoạch xong mùa vụ. Vì vậy, để có nguồn khoai tây cung ứng ra thị trường, các đầu nậu thường nhập khoai tây từ Trung Quốc về để thế vào.
Theo trình tự, ban đầu khoai tây Trung Quốc bằng đường bộ chính ngạch hoặc tiểu ngạch qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn…nhập vào Việt Nam, về tập kết tại kho dự trữ ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Tại đây, sau khi kiểm tra số lượng hàng hóa xong, các đầu nậu thường cho xé nhãn mác Trung Quốc, phân loại khoai tây rồi tiếp tục hành trình về đến Lâm Đồng.
Tại Lâm Đồng, khoai tây được rửa sạch trong bồn nước rồi rắc lên một lớp đất đỏ giả làm “bằng chứng” được trồng tại Lâm Đồng, phơi khô, đóng thùng. Và cuối cùng, khoai tây Trung Quốc đã được “phù phép” xong thành khoai tây Lâm Đồng.
Được biết, giá mỗi kilogram khoai tây Trung Quốc nhập vào khoảng vài ngàn đồng, thấp hơn rất nhiều so với khoai tây Lâm Đồng từ mười mấy ngàn cho đến 20.000 đồng.
Về chất lượng, dù có đủ hóa đơn chứng từ nhưng hầu hết khoai tây Trung Quốc được xếp vào loại hàng tạp nham, chỉ tiêu thụ ở chợ chứ hiếm vào được các siêu thị do liên quan đến hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện tượng khoai tây Trung Quốc sau khi nhập vào Việt Nam được các đầu nậu “phù phép” thành khoai tây Lâm Đồng đã xuất hiện vào các năm 2012-2013. Cơ quan chức ở Lâm Đồng đã nhiều lần ra quân kiểm tra, tịch thu cũng như xử phạt nhiều trường hợp nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngoài khoai tây, các mặt hàng nông sản khác của Trung Quốc như bắp cải, cải thảo hay su hào cũng có hành trình tượng tự được các cơ sở thu mua ở Việt Nam gắn nhãn mác Lâm Đồng hoặc một thương hiệu uy tín nào đó của Việt Nam.
Đáng kể là thời điểm cả thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hàng hóa nông sản của Việt Nam bị dồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc do không thể xuất sang Trung Quốc trong khi hàng hóa Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam. Đây cũng là thời điểm bùng nổ việc rao bán-kinh doanh bằng hình thức online.
Các mặt hàng như nho Ninh Thuận, tỏi Lý Sơn, táo Bàng La (Hải Phòng)…thực chất là hàng Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để qua mặt người tiêu dùng, rao bán kèm theo lời cam kết chất lượng và rẻ không nơi nào rẻ bằng.
Ví dụ nho khô Ninh Thuận được rao bán qua mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử với giá từ 50.000-80.000 VND/kg trong khi chính các nhà vườn trồng nho ở Ninh Thuận cho biết, chỉ riêng nho tươi giá tại vườn đã là 60.000-70.000VND/kg, mà để có 1kg nho khô thì mất từ 5 đến 8kg nho tươi. Vậy lấy đâu ra nho khô Ninh Thuận để rao bán trên mạng mới mức giá đó?
Việc hàng hóa nông sản Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam giúp cho việc kinh doanh của các đầu nậu được thuận lợi, thu được lợi nhuận khá lớn. Cũng vì điều này mà các chủ đầu nậu thường lách luật, đăng ký sai lệch thông tin ngành hàng để qua mặt cơ quan chức năng, hoặc giả nếu bị phát hiện xử lý hành chính, tịch thu hàng hóa thì bỏ luôn hàng hóa.
Đây là hành vi gian lận qua mặt người tiêu dùng Việt. Người tiêu dùng Việt sẽ khó nhận biết đâu là hàng thật hàng giả. Người có kinh nghiệm thì cũng chỉ nhận biết được vài ba mặt hàng chứ không thể biết hết hàng trăm mặt hàng. Đó là chưa nói việc hàng giả sẽ đi cùng với chất lượng giả và khó đảm bảo được độ an toàn thực phẩm.
Về phía nhà nông Việt, đây là hành vi có lợi cho một số ít người nhưng gây hại cho rất nhiều người. Dễ thấy nhất là hủy hoại thương hiệu Việt và giết chết nhà nông Việt. Nhà nông Việt dù cố gắng trồng trọt, cố gắng hạ giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất cũng không thể cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt. Quá nhiều trường hợp nhà nông Việt phải đổ bỏ hàng loạt những sản phẩm do chính mình đổ mồ hôi trồng ra.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết đó nhưng cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay vẫn không thể xử lý dứt điểm hoặc đưa ra biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả. Do chế tài còn nhẹ, chưa đủ răn đe hay là còn những lý do nào khác? Phải khẳng định đây là một vấn nạn nhức nhối mà nhà nông Việt đang đương đầu.
Một số ý kiến của đại diện cơ quan chức năng ở Việt Nam cho rằng, việc xử lý các mặt hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt là vô cùng khó. Bởi, các đầu nậu sau khi nhập hàng về thường xé bỏ nhãn mác xuất xứ, cơ quan chức năng đến kiểm tra thường phải thu giữ hàng hóa để xét nghiệm, nếu phát hiện hàng hóa có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn cho phép thì dễ xử lý.
Tuy nhiên, nếu hàng hóa có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho phép thì lại rất khó xử lý, thậm chí còn phải đền bù thiệt hại. Bởi lẽ, các mặt hàng nông sản thường có thời gian khoảng vài ngày là xảy ra hiện tượng hư hỏng, trong khi thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm có khi từ 2 tuần cho đến 1 tháng.
Quá rề rà cho cách làm việc của cơ quan chức năng Việt Nam vô hình chung đã để những đầu nậu bất chính không ngừng thực hiện các hành vi hủy hoại thương hiệu Việt, giết chết nhà nông Việt. Nếu không khắc phục hoặc xử lý kịp thời thì nhà nông Việt sẽ mất niềm tin, sẽ là một tác hại rất lớn khiến ngành nông nghiệp Việt Nam khó thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
https://vietnamthoibao.org/vntb-nong-san-tau-gia-hang-viet-co-quan-chuc-nang-re-ra/
Việt Nam: Bão Yagi gây thiệt hại gần 1,5 tỷ euro, khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm
Minh Phương | Thu Hằng
RFI
16/9/2024
Theo ước tính sơ bộ của chính phủ Việt Nam hôm nay, 16/09/2024, cơn bão Yagi đã gây tổn thất kinh tế khoảng 1,5 tỷ euro, khiến gần 300 người chết và nhiều người khác vẫn mất tích. Còn tại Miến Điện, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) đánh giá đây là trận "lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử" nước này.
Cảnh đổ nát sau khi bão Yagi đổ bộ vào Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam ngày 08/09/2024. AFP - NHAC NGUYEN
Theo hãng tin AFP, đã có ít nhất 292 người chết, 38 người mất tích, hơn 230.000 ngôi nhà bị hư hại và hơn 280.000 ha đồng ruộng bị phá hủy ở miền bắc Việt Nam. Tại thủ đô Hà Nội, các cơ sở hạ tầng giao thông và nhiều nhà máy bị ảnh hưởng do bão và lũ lụt. Trong khi đó, tại Hải Phòng, nơi tâm bão trực tiếp đổ bộ, thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Reuters trích dẫn dự báo của chính quyền, cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể sụt 0,15% so với dự đoán trước đó do tác động của bão. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng trưởng trong các ngành này có thể giảm 0,33%.
Nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ … đã thông báo viện trợ nhân đạo, gồm tiền mặt, thuốc men, nước sạch … cho Việt Nam để khắc phục hậu quả của thiên tai. Trong khi đó, Anh Quốc cho biết đã gửi 1 triệu bảng Anh để chính quyền Việt Nam ứng phó với bão. Truyền thông nhà nước đưa tin thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã ký công văn yêu cầu theo dõi chặt chẽ giá lương thực, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa.
Bão Yagi cũng gây lũ lụt và lở đất tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào. Tại Miến Điện, số tử vong đã lên đến 113 người. Chính quyền quân sự của nước này đã phải yêu cầu viện trợ từ quốc tế, một hành động hiếm hoi đối với một chính quyền trong quá khứ từng ngăn chặn và cản trở các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Trung Quốc: Thượng Hải đối đầu với cơn bão mạnh nhất từ 75 năm qua
Bão Bebinca, với sức gió lên 151 km/giờ, ập vào Thượng Hải và bờ biển phía đông Trung Quốc ngày 16/09/2024, sau khi đi qua Philippines và Nhật Bản. Chính quyền thành phố đã kêu gọi hơn 25 triệu dân ở nhà để tránh « cơn bão mạnh nhất đổ vào Thượng Hải kể từ năm 1949 ».
Theo đài truyền hình Nhà nước CCTV, 577 chuyến tàu và 1.461 chuyến bay đã bị hủy. Tính đến trưa 16/09, bão đã gây nhiều thiệt hại đáng kể: hơn 1.800 cây bị đổ, 30.000 hộ gia đình bị mất điện, nhiều đường phố bị ngập. Trước đó, khoảng 414.000 người dân ở Thượng Hải đã được sơ tán, lực lượng hỗ trợ khẩn cấp với vài nghìn người túc trực can thiệp nếu cần thiết.
Tại Philippines nơi vừa bị bão Yagi, bão Bebinca đã khiến 6 người thiệt mạng vì cây đổ. Bão sau đó đã ập đảo Amami, miền nam Nhật Bản, sáng sớm 15/09, với sức gió lên đến 198 km/giờ.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240916-vi%E1%BB%87t-nam-b%C3%A3o-yagi-g%C3%A2y-thi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A1i-g%E1%BA%A7n-1-5-t%E1%BB%B7-euro-khi%E1%BA%BFn-t%C4%83ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-kinh-t%E1%BA%BF-s%E1%BB%A5t-gi%E1%BA%A3m
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định chính sách bốn không tại Diễn đàn Hương Sơn
RFA
14/9/2024
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh hôm 30/10/203
Pedro PARDO / AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định chính sách quốc phòng bốn không của Việt Nam, nhất quán không liên kết nước này để chống lại nước kia.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu như vậy tại phiên khai mạc Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 11 vào ngày 13/9 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là diễn đàn thường niên quy tụ các lãnh đạo và chuyên gia quốc phòng của nhiều nước trên thế giới do Trung Quốc khởi xướng.
Diễn đàn lần này có chủ đề ““Hợp tác an ninh và sự phồn vinh, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định “Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Nói về chính sách quốc phòng bốn không, ông Giang cho biết, Việt Nam luôn chân thành, thủy chung, trân trọng giữ gìn, phát triển quan hệ truyền thống hữu nghị với các nước và các đối tác.
Việt Nam vào năm 2019 đưa ra chính sách quốc phòng bốn không thay thế chính sách ba không trước kia. Bốn không của Việt Nam bao gồm: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn lần này, đại điện Việt Nam cũng nhắc đến chủ trương giải quyết hoà bình mọi tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật quốc tế, kêu gọi các bên tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông nơi Việt Nam và một số nước thuộc ASEAN cũng có những đòi hỏi về chủ quyền chồng lấn.
Trung Quốc thời gian gần đây luôn có những hành động khiêu khích các nước láng giềng khi điều tàu hải cảnh và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng bao gồm Việt Nam và Philippines dẫn đến những đụng độ nhỏ giữa tàu chấp pháp của Trung Quốc và tàu của quân đội Philippines.
Trước khi đến Diễn đàn, Đại tướng Phan Văn Giang đã có chuyến thăm đến Philippines và Mỹ để gia tăng quan hệ hợp tác về quân sự với các đối tác này. Hà Nội và Manila đã ký được một Ý định thư về tăng cường hợp tác quân sự trong cứu hộ, cứu nạn, và y tế quân đội.
Phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân nói rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hợp tác quân sự với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước đang phát triển. Ông Đổng Quân nói rằng mục đích là để bảo đảm an ninh toàn cầu, tránh tâm lý kẻ được người mất và kiềm chế việc bắt nạn nước nhỏ, yếu. Ông Đổng Quân nói có ý ám chỉ Hoa Kỳ dù không nêu tên trực tiếp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng nga Alexander Fomin nói tại Diễn đàn là Mỹ đang tìm cách kiềm chế Nga và Trung Quốc trong khi chuẩn bị cho cuộc chiến ở châu Á bằng cách tạo ra các khối an ninh mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-defence-minister-attends-xiangshan-forum-china-09142024074030.html
Không có nhận xét nào