Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 03 tháng 9 năm 2024

    Việt Nam lo ngại bị thẻ đỏ của EU vì tình trạng IUU có sự tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật

    02/9/2024

    Việt Nam lo ngại bị thẻ đỏ của EU vì tình trạng IUU có sự tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật

    Tàu cá của ngư dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hôm 20/8/2022 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNhac NGUYEN / AFP 

    Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mới đây cảnh báo tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vẫn tiếp tục dẫn đến nguy cơ có thể bị “thẻ đỏ” của EU vào khi Đoàn Thanh tra của Liên minh Châu Âu (EC) dự kiến sẽ đến Việt Nam kiểm tra vào tháng 10/2024.

    Việt Nam hiện đang chịu “thẻ vàng” cảnh cáo của EU về hải sản bắt đầu từ năm 2017. EC đã bốn lần cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để xem xét tình hình thực hiện các biện pháp ngăn chặn nạn IUU trước khi đưa ra quyết định rút thẻ vàng hay áp dụng thẻ đỏ đối với Việt Nam. Thẻ đỏ có nghĩa là hải sản của Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU.

    Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), người đứng đầu Chính phủ cảnh báo dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống IUU, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

    Theo truyền thông Nhà nước, các vấn đề cụ thể được nêu trong thông báo bao gồm: tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) chưa được ngăn chặn hiệu quả, tiếp tục xảy ra với số lượng lớn; tình trạng tàu cá hoạt động sai vùng diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, chất lượng nhật ký khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo quy định; nhiều tàu cá chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho toàn bộ các tàu, chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không”.

    Đặc biệt, thông báo mới của Thủ tướng cũng nói đến tình trạng dung túng, tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật cho hành vi khai thác IUU.

    Trong thông báo mới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ phải  “kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt quên lợi ích lâu dài, vì lợi ích cá nhân quên lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo ‘thẻ vàng’ của cả nước”.

    Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được giao phối hợp với các địa phương để điều tra, truy tố và khởi tố các vụ việc liên quan đến các tàu cá đi khai thác trái phép ở nước ngoài.

    Trong một thông tin dược Cục Kiểm ngư Việt Nam đưa ra tại một hội nghị về IUU diễn ra vào tháng sáu vừa qua, Chính phủ việt Nam cho biết, đến tháng sáu, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động của tàu cá.

    Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường EU trong sáu tháng đầu năm đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-governement-warns-of-red-card-on-seafood-export-to-eu-09022024083910.html

    Tổng Bí thư Tô Lâm chọn nhân sự như thế nào?

    RFA
    30/8/2024

    Tổng Bí thư Tô Lâm chọn nhân sự như thế nào?

    Cuộc họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCourtesy baochinhphu.vn 

     “Nhân sự được lựa chọn đòi hỏi phải thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược...”

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng, phát biểu như vừa nêu tại Cuộc họp Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... hôm 29/8/2024.

    Chọn phe cánh

    Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng, thực tế không như ông Tô Lâm phát biểu, vì một vài vị trí quan trọng mà ông vừa bổ nhiệm, có vẻ “toàn người theo phe cánh của ông”.

    Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 30/8/2024 khi trả lời RFA chỉ ra rằng, nếu nhìn vào cách bố trí nhân sự của ông Tô Lâm, sẽ thấy người của ông Tô Lâm nắm giữ hết các vị trí quan trọng để kiểm soát đảng Cộng sản và chính quyền:

    “Một cách cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, một người Hưng Yên. Ông Quang là người thân cận của ông Lâm, cha của ông Quang là cận vệ riêng của cha ông Lâm từ thời chiến tranh chống Mỹ.

    Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ông Nguyễn Hải Ninh, cũng là một người Hưng Yên.

    Chánh văn phòng Trung ương đảng, vị trí quan trọng đóng vai trò tổ chức các chương trình nghị sự, là ông Nguyễn Duy Ngọc, cũng là một người Hưng Yên.”

    Ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm đã không còn tin vào người của các vùng khác hoặc người ở các lĩnh vực khác. Chính vì lý do đó mà ông đã chỉ đưa những người tín cẩn của mình vào các vị trí then chốt trong chính quyền.
    -Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

    Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, trưởng Ban tổ chức Trung ương, vị trí phụ trách tất cả các vấn đề nhân sự của đảng Cộng sản, hiện là ông Lê Minh Hưng, một người thân cận của ông Tô Lâm. Cha của ông Lê Minh Hưng là cựu Bộ trưởng Bộ Công an, người đỡ đầu cho sự nghiệp của ông Tô Lâm. Tiến sĩ Vũ nói thêm:

    “Thêm vào đó, ông Tô Lâm còn điều động ông Nguyễn Hoà Bình, là một thiếu tướng công an, hoàn toàn không có kinh nghiệm về kinh tế vĩ mô, đảm nhiệm vị trí phó thủ tướng thường trực, chịu trách nhiệm các vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô và đầu tư. Ông Bình sẽ chịu trách nhiệm điều hành chính phủ khi ông Phạm Minh Chính vắng mặt.”

    Việc bố trí người như hiện nay, theo ông Vũ, là một sự phân hoá rất lớn bên trong đảng cộng sản:

    “Ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm đã không còn tin vào người của các vùng khác hoặc người ở các lĩnh vực khác. Chính vì lý do đó mà ông đã chỉ đưa những người tín cẩn của mình vào các vị trí then chốt trong chính quyền. Họ là những người có mối quan hệ gắn bó mật thiết từ gia đình, hoặc người cùng quê, hoặc cùng ngành, dù cho những người được bổ nhiệm không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm cần thiết ở những lĩnh vực đó.”

    Các vị lãnh đạo Chính phủ Việt Nam lâu nay thường nói đến việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết. Thế nhưng, trong thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định rằng, các vị ấy dường như không quan tâm nhiều đến ‘lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân’.

    to-lam-2-700.jpg

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Courtesy baochinhphu.vn 

    Không có thay đổi hoặc khác biệt lớn

    Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 30/8/2024 khi trả lời RFA, nhận định:

    “Việc lựa chọn nhân sự có đủ phẩm chất cách mạng đã được đảng cộng sản nói từ mấy mươi năm nay rồi. Nó được quy định bằng văn bản trong các kỳ đại hội đảng và trước Tô Lâm thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng thường xuyên nói chuyện này. Nhưng trong 18 năm ông Trọng cầm quyền từ ghế chủ tịch quốc hội tới tổng bí thư thì người ta chỉ thấy một đám sâu dân mọt nước nước không thấy nhân tài nào nổi bật trong đảng cộng sản.

    Bây giờ tới ông Tô Lâm cũng lặp lại những tuyên bố cũ của người tiền nhiệm thì chắc chắn Tô Lâm cũng sẽ không khác gì Nguyễn Phú Trọng. Sẽ chỉ là con ông cháu cha lên nắm quyền và dĩ nhiên là không tránh khỏi việc chia phe chia phái, ưu tiên phát triển thế lực cho tổng bí thư.”

    Theo nhà hoạt động xã hội Trần Anh Quân, qua hàng chục năm, với hàng trăm văn bản quy định và hàng ngàn lời hô hào, nhưng dường như đảng CSVN vẫn không tìm ra nhân tài thanh liêm chính trực. Điều đó, vẫn theo ông Quân, chứng tỏ quy trình tuyển chọn nhân sự trong đảng là hoàn toàn sai lầm.

    Do đó, ông Quân cho rằng, nếu có một thứ cần thay đổi để tìm kiếm nhân tài lãnh đạo quốc gia, thì chỉ có thể thay đổi quy trình, cơ chế tuyển dụng nhân sự. Mà thay đổi cơ chế, theo ông Quân, chính là từ bỏ nhà nước độc đảng. Vì, nếu ông Tô Lâm thật sự muốn đất nước phát triển thì ông ấy phải dám chấp nhận đa nguyên đa đảng để người dân có thể tự do bỏ phiếu bầu ra những lãnh đạo tài năng.

    Trước đó vào tháng 3 năm 2024, Tại cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi đó đã nhấn mạnh về việc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Ông Trọng còn cho biết đây là nguyên tắc cốt lõi trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV.

    Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ nước Đức khi trả lời RFA cho rằng, các vị lãnh đạo đảng CSVN nói thì bao giờ cũng rất là hay, nhưng trên thực tế làm bao giờ cũng rất là dở. Ông nêu dẫn chứng:

    “Bởi vì nó đã chứng minh qua thực tế hơn hai nhiệm kỳ của ông Trọng, trong công tác nhân sự, tất cả những Ủy viên Bộ chính trị ông ấy lựa chọn thì phần lớn đã bị ngã ngựa. Còn mười mấy Ủy viên Trung ương thì đã bị bắt bị điều tra, một số đã bị xét xử. Có thể nói trong hơn 10 năm qua, công tác nhân sự của ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn thất bại.”

    Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu thật sự vì đất nước, vì nhân dân… thì điều đầu tiên có thể làm là phải tiến hành dân chủ hóa trong Đảng. Ông Đài giải thích thêm:

    “Tức là phải cho tất cả hơn năm triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội để họ được tự do ứng cử và bầu cử trong Đảng… rồi sau đó tiến hành cải cách chính trị để mở rộng ra dân chủ toàn xã hội, đây là cách làm tốt nhất. Chứ nếu như mà vẫn lựa chọn qua tiểu ban nhân sự, rồi thông qua Ban Tổ chức Trung ương như cách làm truyền thống từ xưa đến nay thì sẽ tiếp tục thất bại mà thôi.”

    Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, nếu đặt tổ quốc và dân tộc lên trên, thì vấn đề nhân sự của đảng cầm quyền hay lãnh đạo của một quốc gia ban đầu là do tất cả đảng viên lựa chọn, sau đó đến toàn thể người dân lựa chọn, đó mới là vì lợi ích dân tộc. Còn toàn bộ nhân sự cấp cao của Đảng và đất nước đều do một người hay một bộ phận rất nhỏ trong Đảng cầm quyền lựa chọn, thì đó vẫn là vì lợi ích của một nhóm người mà thôi...

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-general-secretary-to-lam-select-personnel-08302024112916.html

    Cải tạo đảo ở Trường Sa, Việt Nam muốn gửi thông điệp gì đến Bắc Kinh?

    RFA
    30/8/2024

    Cải tạo đảo ở Trường Sa, Việt Nam muốn gửi thông điệp gì đến Bắc Kinh?

    Bãi Thuyền Chài qua ảnh vệ tinh hôm 28 tháng Tám, 2024 do RFA ghi nhận từ dịch vụ vệ tinh Planet Lab. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA / Planet 

    Việt Nam đã cải tạo, nâng cấp các đảo ở Trường Sa, trong đó bãi Thuyền Chài được cải tạo đủ sức để xây dựng đường băng dài ba ngàn mét. Các chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho rằng việc Việt Nam tăng tốc cải tạo các đảo ở Trường Sa nhằm để Trung Quốc thấy cái giá phải trả cao hơn nếu “chuyển căng thẳng” về phía Việt Nam.

    Hôm ngày bảy tháng Sáu, 2024, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC công bố báo cáo cho biết, Việt Nam tăng tốc cải tạo, nâng cấp các đảo mình đang đóng quân ở Trường Sa. Trong đó, bãi Thuyền Chài được cải tạo với độ dài đã hơn 4000 mét, đủ sức để xây dựng đường băng dài 3000 mét.

    https://i0.wp.com/amti.csis.org/wp-content/uploads/2024/06/Barque_5_11_24_WM-1.jpg?fit=1024%2C813&ssl=1

    Ảnh chụp từ vệ tinh bãi Thuyền Chài hôm 11/5/2024 của AMTI (Ảnh: AMTI / CSIS)

    Theo ảnh vệ tinh chụp bãi Thuyền Chài từ Planet Lab mà RFA ghi nhận được trong ngày 28 tháng Tám, 2024, so sánh với ảnh vệ tinh của AMTI chụp hồi tháng Năm , có thể thấy thấy bãi Thuyền Chài đã được tăng cường đáng kể so với hai tháng trước.

    Cụ thể, bộ phận được cho là có thể xây dựng đường băng, vào hồi giữa tháng 5/2024, vẫn còn lồi lõm, có nhiều nước, nhưng vào ngày 28 tháng Tám, ảnh vệ tinh cho thấy, nó đã được bồi lấp đầy đủ.

    Theo những phân tích của nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris 2, Pháp, và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia qua chia sẻ với RFA, ảnh vệ tinh mới nhất do RFA ghi nhận, cho thấy, bãi Thuyền Chài có công sự, cảng, âu tàu, vịnh bên trong để trú ẩn. Đặc biệt, có thể thấy năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã tiến lên một bước khi ở Thuyền Chài có sự hiện diện của các tàu hút cát cỡ lớn, có thể hút cát tại chỗ để bồi lấp đảo, thay vì phải chở vật liệu từ đất liền như trước đây. 

    Thuyen chai - au tau.png

    Cận cảnh âu tàu, công sự, cảng, cầu cảng, tàu thuyền trong bãi Thuyền Chài ngày 28 tháng Tám, 2024 (Ảnh RFA/ Planet) 

    Tại sao Việt Nam tăng cường xây dựng những cơ sở vật chất nói trên ở bãi Thuyền Chài? Liệu những tiến triển mới ở bãi Thuyền Chài có làm cho Trung Quốc chuyển hướng căng thẳng từ Philippines sang Việt Nam? RFA có cuộc trao đổi ngắn với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về những chuyển động mới như vừa nêu: 

    RFA. Theo ông, những công trình mới trên bãi Thuyền Chài nhắm đến mục tiêu cụ thể gì trên Biển Đông?

    Nguyễn Thế Phương

    Không chỉ trên bãi Thuyền Chài mà còn ở các điểm khác của Việt Nam ở Trường Sa. Theo một số báo cáo, căn cứ vào hình ảnh vệ tinh, thì một hai năm trở lại đây, Việt Nam đã đẩy mạnh cải tạo các điểm đảo ở Trường Sa. Trong đó, điểm được cải tạo lớn nhất là bãi Thuyền Chài.

    Điều này nằm trong tư duy quốc phòng của Việt Nam. Tư duy quốc phòng của Việt Nam đi theo ba yếu tố là "bờ - biển - đảo." Những yếu tố này rất quan trọng trong tư duy phòng thù hướng biển của Việt Nam. 

    Trong đó, các đảo ở Trường Sa được nhấn mạnh là có vai trò quan trọng trong việc Việt Nam có thể phòng thủ hướng biển hay không. 

    Việt Nam rút kinh nghiệm từ vụ dàn khoan HD-981 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014. Khi đó, Việt Nam mỗi khi cần tiếp viện cho các lực lượng trên biển thì chủ yếu vẫn là đi từ đất liền ra. Tiếp viện từ đất liền thì quy mô và tốc độ chi viện bị giảm thiểu vì khoảng cách từ bờ ra đến nơi cần tiếp viện rất là xa. Việc cải tạo các đảo ở Trường Sa sẽ giúp Việt Nam triển khai lực lượng chi viện tới các vùng biển tranh chấp nhanh hơn. Đó là bài học Việt Nam rút ra được từ 2014. 

    Vì vậy nếu nhìn việc cải tạo đảo, chúng ta thấy những địa điểm phù hợp như Thuyền Chài thì sẽ được mở đường băng. Sắp tới Thuyền Chài sẽ có một đường băng khoảng ba cây số. Khi đó Việt Nam có triển khai không chỉ máy bay vận tải bình thường mà cả máy bay quân sự.  

    Thứ hai, Thuyền Chài cũng được xây thêm các âu tàu, giúp cho lực lượng chấp pháp biển có thể trú ẩn. Từ đó, các lực lượng này có thể triển khai đến vùng tranh chấp rất nhanh. So với trước đây, Việt Nam chỉ có thể triển khai lực lượng chấp pháp từ bờ ra. Đây là sự tăng năng lực rất lớn. 

    Thứ ba, việc cải tạo đảo còn hướng đến mục tiêu giúp cho điều kiện sống, làm việc của con người trên đảo được tốt hơn. Điều này nằm trong tư duy quốc phòng của Việt Nam là “chiến tranh nhân dân.” Trên các đảo tiền tiêu ở Trường Sa sẽ không chỉ có quân đội mà còn có người dân sinh sống, làm ăn. Điều đó tạo ra thế trận mà thuật ngữ quân sự Việt Nam gọi là “chiến tranh nhân dân.” Tư duy “chiến tranh nhân dân” có kết quả là tạo cho Việt Nam điểm tựa lớn hơn ở các vùng tranh chấp. 

    Tiếp nữa, một trong những cơ sở mà Việt Nam đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, là các cơ sở phòng thủ. Tư duy quốc phòng hướng biển của Việt Nam đi theo hướng phòng thủ chứ không phải tấn công. Làm thế nào để các điểm phòng thủ của Việt Nam ở Trường Sa càng khó bị tấn công càng tốt, và nếu bị chiếm thì cũng khó mà giữ được. Đó là tư duy phòng thủ hiện nay của Việt Nam. 

    Đó là lý do vì sao không chỉ Thuyền Chài mà một số điểm đảo xung quanh Thuyền Chài cũng được cải tạo, nâng cấp. Đó là những yếu tố chính giải thích cho hoạt động cải tạo, nâng cấp đảo của Việt Nam gần đây. 

    RFA. Liệu những diễn biến mới trên bãi Thuyền Chài có làm Trung Quốc chuyển căng thẳng từ Phillippines sang Việt Nam không?

    Nguyễn Thế Phương

    Ở thời điểm hiện tại thì Trung Quốc không muốn chuyển căng thẳng về phía Việt Nam. Nói cách khác, họ chưa muốn tạo ra nhiều mặt trận khác nhau trên Biển Đông cùng một lúc. 

    Về vấn đề này, các học giả có nhiều đánh giá khác nhau. Một trong những đánh giá đáng chú ý là Trung Quốc tính toán ở thời điểm hiện nay dựa trên vấn đề "cost and benefit", tức là lợi ích mà họ đạt được là gì, và cái giá mà họ phải trả khi họ thực thi bất kì động thái mới nào trên Biển Đông. 

    Hiện nay, dường như Trung Quốc đánh giá rằng nếu họ tiếp tục gây sức ép lên Philippines thì họ sẽ được nhiều cái lợi hơn là thiệt hại. Trong khi đó, nếu tăng cường sức ép lên Việt Nam thì cái giá phải trả sẽ tăng lên rất là nhiều. 

    Ở đây có một số logic mà nhiều học giả, trong đó có các học giả Mỹ, đánh giá là chính vì Philippines là đồng minh của Mỹ nên ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới nhắm vào Philippines. 

    Hãy quay trở lại với ví dụ năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Khi đó, một trong những lý do khiến cho Trung Quốc hạ nhiệt, rút lui, là Việt Nam đe dọa sẽ xích lại gần hơn với Mỹ bằng cách này hay cách khác. Động thái đó của Việt Nam vừa là do có sức ép từ một số nhóm trong nước. 

    Chính điều đó làm cho Trung Quốc lùi lại một bước và hạ nhiệt. Bởi vì họ biết rằng nếu Trung Quốc hạ nhiệt thì Việt Nam cũng sẽ không tiến lại gần Mỹ quá mức. 

    Trong tư duy quốc phòng của Trung Quốc thì Việt Nam có vị trí rất quan trọng, là điểm án ngữ sườn phía nam của họ. Nếu Việt Nam tiến lại gần Mỹ thì vị trí sườn phía nam của họ sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng. 

    Chính điểm đó là một trong những công cụ để Việt Nam có thể thương lượng với Trung Quốc. 

    Trong khi đó, Trung Quốc hiểu rằng dù họ có ép Philippines hết cỡ thì Philippines cũng đã là đồng minh của Mỹ từ lâu rồi. Do đó, đứng từ góc độ của Philippines thì họ không còn công cụ nào khác để tương tác với Trung Quốc nữa. 

    Đó chính là điểm mà các học giả hiện nay thống nhất với nhau về Philippines. Nước này không còn nhiều công cụ làm đòn bẩy đối với Trung Quốc nữa. 

    RFA. Ngoài các vấn đề “lợi ích và trả giá” về mặt đối ngoại như trên, năng lực trên thực địa của Việt Nam và Philippines có ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc không?    

    Nguyễn Thế Phương

    Thực tế mà nói thì các điểm đảo Việt Nam bồi đắp ở Trường Sa đã do Việt Nam sở hữu, kiểm soát từ rất lâu rồi. Các điểm đảo này từ lâu đã có cơ sở hạ tầng rất kiên cố và vững chắc rồi.

    Trong khi đó, các điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc thì tình hình rất khác. Bãi cạn Scarborough thì Philippines đã mất quyền kiểm soát từ rất lâu. Còn ở bãi Cỏ Mây thì Philippines chỉ có một con tàu cũ nát sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai neo trên đó. Trung Quốc có đủ khả năng để kéo con tàu đó ra khỏi bãi Cỏ Mây. 

    Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là vị thế trên thực địa của Philippines tại các vùng tranh chấp yếu hơn rất nhiều so với các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. 

    Nói cách khác, năng lực của Philippines trên thực địa không đủ mạnh để thuyết phục Trung Quốc rằng nếu anh không giảm căng thẳng thì anh sẽ phải trả một cái giá rất lớn. 

    Chính điều này cũng là điểm cốt lõi trên thực địa khiến cho Trung Quốc tự tin trong việc ép Philippines. 

    Điểm này cũng là điểm mà Philippines và Việt Nam khác nhau. 

    RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.  

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/renovating-islands-in-spratly-what-message-does-vietnam-want-to-send-to-beijing-08302024124228.html

    Mỹ phối hợp với Việt Nam đóng Fmovies và một loạt các trang chiếu phim lậu

    02/9/2024

    Mỹ phối hợp với Việt Nam đóng Fmovies và một loạt các trang chiếu phim lậu

    Người dân mua vé vào xem phim ở CGV tại Times City ở Hà Nội hôm 1/7/2020 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngREUTERS/Kham 

    Liên minh Sáng tạo và Giải trí của Mỹ bao gồm các nhiều hãng lớn như Netflix và Walt Disney Studios mới đây cho biết tổ chức này đã phối hợp cùng với giới chức Việt Nam đóng một loạt các trang chiếu phim trực tuyến và đăng tải video phim lậu có tiếng ở Việt Nam như Fmovies, bflixz, flixtorz, moviesy, myfilixer, aniwave…

    Trang tin The Hollywood Reporter hôm 29/8 dẫn thông tin từ Liên minh Sáng tại và Giải trí (ACE) của Mỹ cho biết Liên minh đã làm việc với công an Hà Nội để đánh sập Fmovies và các trang web có liên quan vốn được coi là đường dây chiếu phim trực tuyến lậu lớn nhất thế giới. Hoạt động của các trang này được ứng tính thu hút hơn 6,7 tỷ lượt ghé thăm tính từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2024, theo ACE.

    Nỗ lực phối hợp giữa hai phía cũng đồng thời giúp đóng trang Vidsrc.to và các trang liên quan chuyên đăng tải các video và được điều hành bởi cùng những người bị tình nghi, theo ACE. Hai người Việt Nam đã bị ông công an Hà Nội bắt giữ do liên quan đến Fmovies nhưng hiện chưa bị truy tố.

    The Hollywood Reporter dẫn lời bà Larissa Knapp - Quản lý cao cấp của Motion Picture Association (MPA) của Mỹ cho biết việc đóng sập các trang web này là mộ thông điệp ngăn chặn mạnh mẽ. Bà đồng thời cũng bày tỏ hy vọng sẽ có những nỗ lực phối hợp tiếp tục với phía Việt Nam, Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ để đưa những kẻ vi phạm ra xử lý.

    Fmovies đã bị ACE và MPA theo dõi trong một thời gian, theo ông Charles Rivkin - Chủ tịch và CEO của MPA. Ông Rivkin cho biết, 1/3 lượng truy cập vào trang này đến từ Mỹ.

    Phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa trang này vào danh sách các thị trường nổi tiếng về làm giả và lậu trong nhiều năm cùng với các trang khác như ThePirateBay, Sci-Hub và 1337X.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-alliance-for-creativity-and-entertainment-said-work-with-vn-government-to-take-down-major-criminal-movie-streaming-sites-09022024092047.html

    Chuyên gia nhân quyền: Chính phủ Việt Nam sử dụng án tử hình để khủng bố người dân

    RFA
    03/9/2024

    Chuyên gia nhân quyền: Chính phủ Việt Nam sử dụng án tử hình để khủng bố người dân

    Gia đình ba tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải biểu tình đòi công lý cho họ 

    Facebook Nguyễn Trường Chinh 

    Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia còn áp dụng án tử hình, chuyên gia nhân quyền cho rằng chế độ độc đảng ở Hà Nội sử dụng án tử hình như là công cụ để khủng bố người dân.

    Theo phúc trình Vấn đề án tử hình năm 2024 của Tổng thư ký LHQ cho kỳ họp đầu tháng 9 này, đã có 170 quốc gia không còn áp dụng án tử hình hoặc đã dừng thi hành án tử hình trong hơn 10 năm qua.

    Việt Nam là một trong số các quốc gia còn lại vẫn còn áp dụng án tử hình cho 18 tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), và là quốc gia áp dụng án tử hình đối với tội danh tham nhũng và hối lộ.

    Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố phúc trình trên vào ngày 31/8, cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia không công khai số lượng người bị kết án tử hình và số người bị thi hành án tử hình, cho dù báo chí nhà nước vẫn có đưa thông tin riêng lẻ về các vụ án có bị cáo kết tội tử hình.

    Việt Nam được cho là đã tuyên án tử hình ít nhất 34 người vì các tội liên quan đến ma túy trong năm 2023.

    Tòa án Việt Nam cũng kết án tử hình đối với tội danh phi bạo lực như "tham ô tài sản" đối với bà Trương Mỹ Lan - nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam.

    Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của LHQ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời câu hỏi của RFA.

    Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức có đóng góp cho báo cáo về vấn đề tử hình ở Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/9:

    “Tại Việt Nam hiện nay, khi một nhà nước toàn trị cai trị bằng bạo lực và khủng bố thì án tử hình là một công cụ hữu hiệu nhất để gây khủng bố, để làm người dân sợ.”

    Do vậy, theo ông, việc bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam là một điều khó xảy ra khi chế độ chính trị không thay đổi.

    Báo chí nhà nước đưa tin năm 2023, một toà án ở Nghệ An kết án 6 bị cáo tử hình trong vụ án ma tuý. Một vụ án khác năm 2021 ở Sơn La, 10 bị cáo lĩnh án tử hình cũng vì mua bán trái phép hơn 21kg ma túy. Đặc biệt, tháng 11 năm ngoái, cũng vì hành vi trên mà 18 người bị tuyên tử hình trong một vụ án ở thành phố Hồ Chí Minh.

    Theo ông Tùng, việc kết án tử hình ở Việt Nam là một vấn đề lớn, đặc biệt sai sót trong quá trình tố tụng còn nhiều, và cho dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tân (CAT) nhưng vấn nạn này vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương.

    Ông nói:

    “Thủ tục tố tụng hình sự đưa đến án tử hình còn nhiều khiếm khuyết, chẳng hạn như các vụ án của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Đặng Văn Hiến, Lê Văn Mạnh, rồi vụ án Đồng Tâm cũng vậy.”

    Hồi tháng 9 năm ngoái, công an tỉnh Hòa Bình thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với ông Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) bất chấp việc ông và gia đình kêu oan trong suốt hơn 18 năm qua.

    Vụ việc đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc.

    PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, một chuyên gia về thương mại quốc tế và có nhiều năm giảng dạy về lĩnh vực này tại nhiều trường Đại học ở Việt Nam, cho biết bà không ủng hộ việc áp dụng án tử hình, vì nó trái với quy luật tự nhiên. 

    Bà nói với RFA:

    “Trong quy luật của tự nhiên thì việc quan trọng nhất đó là các loài vật không được xâm phạm đến quyền sống của nhau và đặc biệt là không được xâm phạm đến cuộc sống của đồng loại. Án tử hình là điều hoàn toàn đi ngược lại với tự nhiên.”

    Theo bà, nếu vẫn chưa bỏ được án tử hình thì phải áp dụng một cách hạn chế và chặt chẽ.

    Trong Chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự hiện nay có tới sáu tội danh có áp dụng án tử hình mà theo bà Ánh thì các điều luật này mơ hồ và khó hiểu. Bà nói:

    “Những tội danh để quy định về án tử hình rất mập mờ và khó hiểu trong trường hợp của Việt Nam ở đây và những cái mà hôm nay mà chúng ta có thể quy kết là tội tử hình nhưng ngày mai có thể được quy kết là anh hùng.”

    Đề nghị xem xét hủy bỏ việc áp dụng án tử hình với các tội danh liên quan đến tư tưởng và tiền bạc, bà cho rằng án tử hình "có vẻ giải quyết được vấn đề tức tối của xã hội với một số tội nhất định nhưng về lâu dài thì nó có hại cho chính xã hội đó". 

    Những tác hại của việc vẫn áp dụng hình phạt từ hình theo bà Ánh, đó là tâm lý đè nặng lên tử tù và gia đình của họ, đặc biệt trong trường hợp oan ức. Bên cạnh đó, việc giam giữ tử tù lâu dài và chi phí cho việc thi hành án tử hình cũng tốn nhiều nguồn lực của Nhà nước.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/human-rights-expert-says-vietnam-uses-death-penalty-to-terror-citizens-09032024055412.html

    Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị công an mời làm việc vì nhận xét xấu về Đảng Cộng sản trên Facebook

    02/9/2024

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/high-school-student-of-olympia-competition-summoned-by-police-for-comments-on-facebook-09022024133520.html/@@images/image

    Dòng trạng thái trên Facebook của Chu Ngọc Quang Vinh và bài báo trên báo Nhà nước về cuộc thi tháng mà Vinh đoạt giải vào tháng 11/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngẢnh chụp màn hình báo Nhà nước/Facebook Chu Vinh 

    Cập nhật lúc 6:00 AM ngày 3/9/2024 giờ miền Đông Hoa Kỳ

    Một học sinh cấp ba ở tỉnh Yên Bái vừa bị công an triệu tập làm việc vì viết những nhận xét xấu về Việt Nam trên mạng xã hội Facebook gây bão mạng ở Việt Nam dịp Quốc khánh 2/9/2024.

    Học sinh có tên Chu Ngọc Quang Vinh (17 tuổi) thuộc lớp chuyên Anh trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành của tỉnh Yên Bái đã viết dòng trạng thái trên Facebook với nội dung chỉ trích giáo dục ở Việt Nam, phê phán Đảng Cộng sản và bày tỏ mong muốn được đi học nước ngoài, tiếp xúc với văn hoá phương Tây.

    Theo báo Nhà nước, vào đêm ngày 1/9, dòng trạng thái này gây chú ý rộng khắp trên mạng xã hội ở Việt Nam với nội dung:

    “Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hoá phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.

    Học sinh này nói mình tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng có tên Đường lên đỉnh Olympia nổi tiếng được tổ chức hàng năm dành cho học sinh cấp ba cả nước chỉ để tìm kiếm cơ hội để sống ở nước ngoài.

    “Rồi tôi ôn Olympia để “sống ở nước ngoài” và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vị thành tích của mình, nên dần nhìn Đảng một cách chuẩn hơn.” - Quang Vinh viết tiếp trên dòng trạng thái.

    Ngay sau khi dòng trạng thái gây bàn tán rộng khắp, vào ngày 2/9, Sở GDĐT tỉnh Yên Bái đã có công văn về học sinh này và bài viết trên mạng xã hội mà Sở cho là chưa phù hợp.

    Truyền thông Nhà nước cho biết, Sở GDĐT Yên Bái cũng phối hợp với Công an tỉnh để “nắm tình hình, xác minh sự việc; chỉ đạo trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành báo cáo nhanh sự việc, đồng thời cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh Vinh để nắm thêm tình hình.”

    Báo Tiền Phong hôm 3/9 . cho biết, "đại diện công an tỉnh Yên Bái cho biết đơn vị đang xác minh, xử lý về việc phát ngôn không phù hợp của nam sinh. Khi có kết luận chính thức sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật."

    Các hình ảnh và bài viết trên báo trong nước cho thấy Công an tỉnh Yên Bái đã trực tiếp làm việc với nam sinh vào chiều ngày 2/9.

    Một số bình luận trên mạng xã hội ủng hộ nam sinh cho rằng học sinh này nói thật ước mơ của mình, trung thực. Những tài khoản mạng xã hội thân Chính phủ chỉ trích học sinh này là vô ơn, "có tài mà không có đức là vô dụng"...

    Báo chí trong nước chỉ trích dòng trạng thái của nam sinh là vô ơn, chỉ biết quan tâm đến bản thân, đến lợi ích viển vông ở xứ “thiên đường”.

    Báo Công Thương của Bộ Công thương vào ngày 2/9 có bài bình luận về thí sinh vừa giành được giải nhất vòng thi tháng vào tháng 11/2023 của Đường lên đỉnh Olympia và gọi chiến thắng này của Quang Vinh là “chiến thắng ngoạn mục trên sân khấu Đường lên đỉnh Olympia”. Bài báo cho biết đây là chiến thắng đầu tiên của một thí sinh tỉnh Yên Bái ở cuộc thi trong vòng 23 năm qua và cái tên Chu Ngọc Quang Vinh đã “trở thành niềm tự hào của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.”

    Nhưng theo bài báo, “thay vì tiếp tục làm tấm gương sáng để các bạn noi theo, Quang Vinh đã thể hiện hành vi vô ơn, hỗn xược đối với quê hương đất nước" qua dòng trạng thái trên mạng xã hội.

    Trong status của mình, Quang Vinh cho biết, sau khi kết thúc cuộc thi, “giấc mộng Olympia” của Vinh chấm dứt nhưng Vinh không biết làm gì tiếp theo.

    “Nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi” - Vinh viết tiếp.

    Nhưng ở những dòng gần cuối Vinh lại nói đến ý định đi nước ngoài và tiếp tục chỉ trích Đảng:

    “Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là “kệ” Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo (giữ nguyên hiện trạng), nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.”

    Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là một show truyền hình nổi tiếng được tổ chức hàng năm và được chiếu trên truyền hình quốc gia. Cuộc thi đến nay đã được 24 mùa. Các học sinh cấp ba ở nhiều trường trên cả nước tham gia cuộc thi này với nhiều giải thưởng tháng, quý, năm. Những thí sinh vô địch năm của cuộc thi này được nhận học bổng đi du học Úc.

    Sau dòng trạng thái gây tranh cãi, trên Facebook của nam sinh cũng xuất hiện dòng trạng thái mới. Theo đó, nam sinh gửi lời xin lỗi đến “những người bị phát ngôn bừa bãi và nông cạn của mình làm ảnh hưởng", và học sinh Quang Vinh "xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân về những phát ngôn này”.

    Học sinh này cũng viết trên status mới rằng “chưa bao giờ có những suy nghĩ cực đoan hay chưa từng có ý định và sẽ không bao giờ có ý định hợp tác hay liên hệ với các tổ chức ở nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc”.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/high-school-student-of-olympia-competition-summoned-by-police-for-comments-on-facebook-09022024133520.html

    Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng nông sản vào Việt Nam

    RFA

    02/9/2024

    Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng nông sản vào Việt Nam

    Quả hạch chín được bán ở chợ nông sản tại Los Angeles, Mỹ hôm 10/5/2015 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngREUTERS/Lucy Nicholson 

    Thứ trưởng phụ trách thương mại và nông sản với nước ngoài của Mỹ là Alexis M. Taylor sẽ dẫn theo một đoàn gồm đại diện của 58 doanh nghiệp và tổ chức nong sản Mỹ cùng chín đại diện chính phủ bang của Mỹ sẽ đến Hà Nội và TP HCM từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 9 tới để tìm kiếm cơ hội cho mặt hàng nông sản Mỹ tại thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia và Thái Lan.

    Thông cáo báo chí đăng ngày 28/8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ dẫn lời thứ trưởng Taylor cho biết: “Tăng trưởng kinh tế, đổi mới và dân số trẻ của Việt Nam góp phần tạo nên một môi trường thay đổi nhanh chóng và năng động cho các sản phẩm nông nghiệp đa dạng và có chất lượng cao của Mỹ.”

    “Hợp tác của chúng tôi đã đã đảm bảo sự tiếp cận thị trường đối với nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ bao gồm những trái cây gần đây là bưởi và quả hạch.

    Theo thông cáo báo chí của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Mỹ với dân số có tầng lớp trung lưu đang gia tăng và thích các thực phẩm của Mỹ. Trong năm 2023, Mỹ đã xuất khẩu hơn ba tỷ đô la mặt hàng nông sản vào Việt Nam.

    Hiện Hoa Kỳ là nước xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và nông sản lớn thứ ba của Việt Nam. Các sản phẩm nông sản được Mỹ xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam bao gồm bông, đậu nành, các loại hạt, sữa, trái cây và thịt gia cầm.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-agribusinesses-look-to-expand-exports-in-vn-seasia-09022024085714.html


    Không có nhận xét nào