Chúng ta yêu nước hay yêu đảng?
Quốc gia, dân tộc, chính quyền
Cao Lê Quỳnh Anh / Tạp chí luật khoa
26/9/2024
Có một khẩu hiệu phổ biến mà chúng ta có thể nghe tới ngày nay: "yêu nước là phải yêu đảng". Diễn ngôn này phản ánh tư duy đồng nhất đất nước với đảng. Những người không ủng hộ đảng thường bị chỉ trích nặng nề, như trường hợp của Chu Phạm Quang Vinh.
Bài viết này nhằm làm rõ các khái niệm về dân tộc, quốc gia và chính quyền, đồng thời giải thích sự tách biệt rõ ràng giữa đất nước và chính quyền.
Người viết cũng nỗ lực phân tích sự thay đổi của các triều đại trong lịch sử Việt Nam để thấy một quy luật có lẽ đã quá quen thuộc và nhàm tai: Việt Nam tồn tại như một quốc gia trường tồn, còn bất kỳ chính quyền nào cũng chỉ là những thực thể tạm thời.
Lịch sử Việt Nam chứng kiến nhiều triều đại với công lao lẫy lừng trong kháng chiến, như nhà Tiền Lê, Lý, Trần và Hậu Lê. Dù vậy, tất cả các triều đại đều không tránh khỏi quy luật tự nhiên của sự cáo chung và sẽ bị thay thế khi đạt đến điểm suy tàn. Đảng Cộng sản cũng có thể không phải là ngoại lệ.
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, có sự phân biệt rõ ràng giữa ba khái niệm: dân tộc (nation), quốc gia (state) và chính quyền (government).
Dân tộc (nation) là một nhóm người cùng chia sẻ một di sản và bản sắc chung, được thể hiện qua ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, hay là có một danh tính chung nào đó. [1] Học giả người Mỹ gốc Ireland Benedict Anderson mô tả dân tộc như một "cộng đồng tưởng tượng" xoay quanh một lịch sử và vận mệnh chung. Ví dụ, dân tộc Việt Nam thường tự nhận thức mình là dòng dõi của con Rồng cháu Tiên và chia sẻ một tinh thần giữ nước bất khuất trước ngoại xâm. [2]
Quốc gia (state) là một thực thể chính trị có lãnh thổ rõ ràng, với dân cư sinh sống và một hệ thống chính quyền điều hành, sở hữu toàn bộ chủ quyền mà không bị kiểm soát bởi bất kỳ quốc gia nào khác.
Ở phương Tây, Hiệp ước Westphalia năm 1648 đánh dấu sự ra đời của khái niệm quốc gia hiện đại với chủ quyền tuyệt đối và biên giới bất khả xâm phạm bằng vũ lực. [3] Còn ở phương Đông, đặc biệt là Việt Nam, ý thức về quốc gia - dân tộc đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trước cả cột mốc Westphalia, mặc dù không hoàn toàn tương đồng với bản chất quốc gia hiện đại ngày nay.
Ý thức tự chủ của dân tộc ta bắt đầu từ các cuộc kháng chiến xa xưa như của Bà Trưng, Bà Triệu và cuộc nổi dậy của Ngô Quyền năm 938. Từ nhà Ngô đến nhà Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và Tây Sơn, các triều đại Việt Nam không ngừng khẳng định chủ quyền quốc gia với các thiên triều phương Bắc.
Tuyên bố về biên giới lãnh thổ "bất khả xâm phạm" và sự tự chủ của người nước Nam được thể hiện rõ trong bản Nam Quốc Sơn Hà (1077) của Lý Thường Kiệt khi chống quân Tống xâm lược: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. [4]
Hay trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi năm 1428 có nói: “Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. [5]
Cuối cùng, chính quyền (government) là một thực thể chính trị điều hành một quốc gia. Chính quyền này có thể là chế độ quân chủ, độc tài hay là dân chủ cộng hòa, được trao quyền lực để ban hành và thực thi các chính sách trên lãnh thổ của quốc gia. [6]
Với định nghĩa như vậy, mỗi triều đại phong kiến ở Việt Nam, dù có thể kéo dài hàng chục hay vài trăm năm, từ Ngô, Đinh, Lý, Trần đến Lê, Trịnh, Nguyễn, v.v, đều là một chính quyền tạm thời trên nền quốc gia bất diệt.
Do đó, Đảng Cộng sản cũng chỉ là một thực thể chính trị (political entity) đã thành công giành được chính quyền và điều hành đất nước Việt Nam. Điều này có nghĩa, khi người Việt Nam nói yêu nước thì đó là yêu nước. Không thể đánh đồng với yêu đảng. Quốc gia Việt Nam là thực thể riêng rẽ với đảng. Yêu đảng chỉ là yêu chính quyền, trong khi chính quyền chỉ là thực thể tạm thời còn quốc gia mới là thứ trường tồn mãi.
Nguyên lý bất biến của lịch sử
Dù Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm thì sự thật vẫn là mỗi triều đại, dù có công lao lẫy lừng, cũng không thể tránh khỏi quy luật tự nhiên của sự thay thế khi nó trở nên hủ bại.
Như nhà Tiền Lê đã đánh tan quân Tống nhưng bị thay thế bởi nhà Lý khi vua Lê Long Đĩnh hà khắc, bạo ngược, giết người vô độ. [7] Nhà Lý sau ba lần đánh bại quân Tống nhưng khi chính quyền suy vi, Trần Thủ Độ cũng thực hiện một cuộc "đảo chính mềm" để thay đổi triều đại và lập lại trật tự mới. Thời nay khi nhìn lại, người ta chỉ phê bình Trần Thủ Độ vì quá man rợ khi thủ tiêu hết tôn thất nhà Lý, còn quyết định thay đổi triều đại của ông được nhìn nhận như một lẽ cáo chung tất yếu cho bất cứ triều đại suy tàn nào. [8]
Tương tự, sau đó, nhà Trần với công lao ba lần đánh tan quân Mông - Nguyên hay nhà Hậu Lê cũng lừng danh khai quốc nhờ công chống Minh xâm lược của Lê Lợi nhưng tất cả triều đại này đều không tránh được vận mệnh lịch sử bị thay thế khi đạt đến điểm suy tàn. [9]
Tuy nhiên, với tư cách là chính quyền chính danh đầu tiên của một đất nước Việt Nam hiện đại và đồng thời là "bên thắng cuộc", đảng đã tự đồng nhất sự tồn tại của mình với sự tồn tại của một quốc gia. Tức không có đảng thì không có nước, chỉ khi đảng còn thì nước nhà còn. [10] Hãy xem một số phát ngôn sau:
"Chủ nghĩa xã hội chính là con đường duy nhất đúng để nhân dân ta đi đến cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc”. (Nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). [11]
hay:
“Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì cách mạng Việt Nam không thể vận động theo cách mạng vô sản và chắc chắn sự nghiệp độc lập dân tộc sẽ đi theo vết xe đổ của các phong trào cứu nước trước đó. Một khi Đảng Cộng sản đánh mất vai trò lãnh đạo thì chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ sụp đổ, cách mạng bị phản bội và hoàn toàn chệch hướng”. [12]
Nhân danh công lao to lớn trong quá khứ của mình, đảng đã áp đặt ý tưởng bất khả ngộ (tính luôn đúng) của đảng lên ý chí của nhân dân.
Nhưng nhắc lại cái quy luật lịch sử kia để chúng ta thách thức cái bất khả ngộ ấy.
Việt Nam trường tồn như một quốc gia, còn bất cứ chính quyền nào đặt trên chiều không gian đó chỉ là thực thể chấp chưởng trong hữu hạn.
Nếu sự trông coi, quản lý đất nước ấy có gì gian dối hay hại nước hại dân thì là lẽ thường tình khi có người đứng lên chống lại. Cùng với đó, kể cả khi một triều đại có công lao lẫy lừng lãnh đạo nhân dân kháng chiến, khi nó suy vi và khiến vận nước nghiêng nguy, nó không thể tránh được số phận cuối cùng là bị thay thế.
Bởi vậy, nói một cách khoáng đạt, Đảng Cộng sản Việt Nam, giống như bao triều đại khác của dân tộc như Lý, Trần, Lê, cũng có công lập quốc nhờ vào một cuộc kháng chiến lẫy lừng nhưng nó hoàn toàn không phải là ngoại lệ khỏi sự lưu động và đào thải của lịch sử.
***
Dựa trên luân lý của Khổng giáo, việc lật đổ một triều đại thường gặp chỉ trích về đạo "quân thần" và luân lý giáo điều. Nhưng chẳng phải khi chúng ta nhìn lại, chúng ta đều coi sự cáo chung của chính quyền ấy là lẽ tự nhiên, là quy luật đào thải của lịch sử đó sao?
Chúng ta cần nhìn lại lịch sử của chính dân tộc mình và bình thường hóa sự phản kháng hay sự thay thế nào đối với một “triều đại" nếu như nó đến hạn. [13]
Chú thích
[1] Heywood, Andrew. Global Politics. Palgrave Foundations Series. Houndmills, Basingstoke Hampshire ; New York: Palgrave Macmillan, 2011.
[2] Anderson, Benedict Richard O’Gorman. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. Verso, 1991.
[3] Patton, S. (2019). The Peace of Westphalia and it Affects on International Relations, Diplomacy and Foreign Policy. La Salle University Digital Commons. https://digitalcommons.lasalle.edu/the_histories/vol10/iss1/5/
[4] Nguyễn Huệ Chi. Thơ Văn Lý-Trần. Tập 1. NXB Khoa Học Xã Hội, 1977.
[5] Bùi Văn Nguyên, Tổng Tập Văn Học Việt Nam.
[6] Nicholson, International Relations, 16–17; Reynolds, Introduction to International Relations, 24–26.
[7] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, và Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 150–57. (2017). Vietsu.org. https://vietsu.org/dai-viet-su-ky-toan-thu/
[8] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, và Ngô Sĩ Liên, 316–18, 329–37.
[9] Cuối thời nhà Trần, vua tôi ham mê tửu sắc, để xảy ra loạn Dương Nhật Lễ, hay cuối thời Lê sơ (nhà Hậu Lê), nổi tiếng với vua Quỷ (Uy Mục đế), vua Lợn (Tương Dực đế) tàn ác hoang dâm, giết người vô độ. Xem thêm Kỷ Nhà Trần và Kỷ Nhà Hậu Lê, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
[10] Nguyễn Bá Dương, “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - Mục tiêu, lý tưởng và lẽ sống của chúng ta”. https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/kien-dinh-muc-tieu-doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-muc-tieu-ly-tuong-va-le-song-cua-chung-ta-589204.html
[11] Vũ Trọng Lâm. (2024, July 20). Giá trị của lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Https://Dangcongsan.vn; https://dangcongsan.vn. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/gia-tri-cua-ly-luan-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-qua-cac-tac-pham-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-672939.html
[12] Ban Tuyên giáo Trung ương, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/noi-dung-tu-tuong-dao-duc/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-23
[13] Các triều đại phong kiến Việt Nam bao gồm: nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ (Hậu Lê), Mạc, Lê Trung hưng (Hậu Lê), Tây Sơn, và Nguyễn.
Không có nhận xét nào