Nguồn: William Pesek, “Rising dissent in China puts Xi Jinping’s vision for 2025 at risk,” Nikkei Asia, 04/09/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
06/9/2024
Suy thoái kinh tế đang thách thức khế ước xã hội của Đảng với nhân dân.
Tình trạng bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đang làm nổi bật yếu tố con người ở một thời điểm đầy khó khăn đối với Tập Cận Bình, và cũng là điều mà chủ tịch Trung Quốc không hề mong muốn khi bước vào năm 2025 vô cùng quan trọng.
Đây không chỉ là lời nhắc nhở mới nhất, mà có lẽ là lời nhắc nhở nguy hiểm nhất về thất bại của Tập trong việc ổn định mức sống, hiệu chỉnh lại động cơ tăng trưởng, và chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản đang thúc đẩy giảm phát.
Suốt hàng chục năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có một giao ước với 1,4 tỷ người dân nước này: chúng tôi sẽ mang lại sự thịnh vượng kinh tế để đổi lấy việc các bạn tuân theo chế độ độc đảng và không xuất hiện ở quảng trường thành phố với những tấm biển. Nhưng sự đánh đổi này đang bị thách thức khi tăng trưởng không như mong đợi.
Báo cáo Giám sát Bất đồng Chính kiến Trung Quốc (China Dissent Monitor) mới nhất từ tổ chức Freedom House của Mỹ cho thấy bất đồng chính kiến đã tăng 18% trong quý 2 năm nay. Tất nhiên, có rất nhiều cảnh báo. Bất ổn quy mô lớn rất hiếm khi xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất châu Á, nên chúng ta chủ yếu chỉ nói về các “hành động tập thể ở nơi công cộng” – như cách nói của Freedom House. Không cần ai cảnh báo người dân đại lục về rủi ro của các cuộc biểu tình ở một trong những quốc gia bị giám sát chặt chẽ nhất thế giới.
Tuy nhiên, nhiều tiếng nói đang nổi lên – và lan tỏa – tại thời điểm nền kinh tế đang chững lại. Chẳng hạn, vào tháng 8, các hoạt động của nhà máy đã giảm trong tháng thứ tư liên tiếp bất chấp những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền Tập.
Không có gì ngạc nhiên khi 44% các vụ việc bất đồng chính kiến trong quý 2 liên quan đến lao động. Và 21% liên quan đến những chủ nhà chán nản vì bất động sản chưa hoàn thiện hoặc giá bất động sản giảm mạnh.
Đào sâu hơn một chút, nhóm Giám sát Bất đồng Chính kiến Trung Quốc đã phát hiện ra rằng: trong hai năm qua, nhiều cuộc bạo loạn đã xảy ra ở Quảng Đông. Tỉnh phía nam này là một trung tâm sản xuất lớn – nơi đang rơi vào căng thẳng vì tình hình trong nước ảm đạm và xuất khẩu không ổn định.
Kế đến là điểm nóng biểu tình Tây An, nơi nổi tiếng với các bức tượng đất nung mô tả đội quân của Tần Thủy Hoàng. Ngày nay, thị trường bất động sản yếu ớt của thành phố này mới là điểm thu hút sự chú ý của thế giới.
Lý do năm 2025 quan trọng là vì đây là năm đã được Tập gắn liền với chiến dịch “Made in China” hoành tráng của mình. Ra mắt vào năm 2015, chiến dịch này đã hình thành động lực thúc đẩy Trung Quốc tiến lên các lĩnh vực có giá trị cao hơn.
Khoảng cách giữa lúc đó và bây giờ tạo nên cơ sở cho những phân tích đáng suy ngẫm. Chắc chắn, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực pin và năng lượng tái tạo, xe điện, hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng xanh, và robot. Nhưng nước này còn lâu mới đạt được những gì mà Tập mong đợi – cũng là những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden hay người tiền nhiệm Donald Trump lo sợ.
Một phần nguyên nhân đến từ sự kiêu ngạo. Phần khác đến từ việc Tập hủy bỏ những cuộc thảo luận cởi mở một cách thiếu cân nhắc. Bất chấp tất cả những lời bàn tán về việc ông là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ Mao Trạch Đông, Tập chắc chắn sợ các công cụ tìm kiếm trên internet và thảo luận trên mạng xã hội, cũng như các học giả và nhà báo có tư tưởng độc lập.
Các lệnh phong tỏa COVID hà khắc đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn đối với mức sống trung bình và giá trị bất động sản. Quyết định của Tập hồi năm 2020 về việc phát động một cuộc đàn áp các công ty internet – bắt đầu với Tập đoàn Alibaba của Jack Ma – sẽ được các sinh viên MBA nghiên cứu trong nhiều thập kỷ tới, như một trong những bàn phản lưới nhà tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế.
Trung Quốc đang ngày càng kém minh bạch hơn vào thời điểm các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đang cạnh tranh để thu hút nguồn vốn toàn cầu. Thật đáng tiếc khi Bắc Kinh ngừng công bố dữ liệu về dòng tiền nước ngoài vào thời điểm cổ phiếu lao dốc.
Khi Trung Quốc ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên trong một thời gian sau khi đạt mức cao kỷ lục, vấn đề vẫn không biến mất. Tương tự, những chủ đầu tư ở Hong Kong, New York, và London vẫn sẽ tìm ra ai đang mua, bán, và chần chừ trước cổ phiếu Trung Quốc.
Tầm nhìn 2025 của Trung Quốc đơn giản là không hiệu quả. Một thập kỷ quản lý vi mô của Tập đang va chạm với hậu quả của thị trường bất động sản suy yếu, chiến tranh thương mại, và đàn áp công nghệ theo cách gây nguy hiểm cho mức sống đã gia tăng trong bốn thập kỷ qua.
Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình kinh tế đang gia tăng, đặt ra những thách thức về quản lý cho Đảng của Tập. Càng nhiều dự án nhà ở bị đình trệ, thanh khoản càng khan hiếm khiến các công ty đóng cửa, chính quyền địa phương càng thiếu tiền để cung cấp phúc lợi cho người về hưu, người sử dụng lao động càng gặp khó khăn trong việc trả lương, thì đội ngũ của Tập càng có thể phải đối mặt với sự bất mãn của công chúng.
Mọi thứ thậm chí có thể tệ hơn chúng ta biết. Kể từ giữa năm 2022, khi dự án Giám sát Bất đồng Chính kiến Trung Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu biểu tình, các chiến dịch của chính phủ nhằm kiểm soát và xóa video trên các nền tảng internet đã khiến việc theo dõi bất đồng chính kiến trở nên khó khăn hơn.
Chính sách của Tập còn có thể phớt lờ các sự kiện biểu tình thêm bao lâu? Cho đến nay, nhiều nhà kinh tế vẫn còn bối rối trước cách tiếp cận chần chừ của Bắc Kinh trong việc bổ sung các biện pháp kích thích tài chính mới, và tương tự là tốc độ cắt giảm lãi suất chậm chạp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Cách tiếp cận này sẽ thuyết phục hơn nếu Bắc Kinh thành công rõ ràng trong việc giảm đòn bẩy của các nhà phát triển bất động sản khổng lồ có nguy cơ vỡ nợ như Tập đoàn China Evergrande. Hoặc nếu đội ngũ của Tập hành động táo bạo hơn để thu hẹp khu vực nhà nước kém hiệu quả. Hoặc nếu các nhà đầu tư cảm nhận được tiến triển trong việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội lớn hơn, để các hộ gia đình tiết kiệm ít hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Căng thẳng có thể tiếp tục gia tăng khi các chính quyền địa phương quản lý các trung tâm sản xuất và xây dựng quan trọng phải đối đầu với những người dân đại lục bất bình. Điều này có thể khiến năm 2025 trở thành một năm đáng tiếc đối với đảng của Tập, chứ không phải là năm chiến thắng mà họ từng mong đợi.
William Pesek là một nhà báo đoạt nhiều giải thưởng hiện đang sống tại Tokyo và là tác giả của cuốn sách “Japanization: What the World Can Learn from Japan’s Lost Decades.”
https://nghiencuuquocte.org/2024/09/06/bat-dong-chinh-kien-gia-tang-o-trung-quoc-khi-cot-moc-2025-den-gan/
Không có nhận xét nào