Siêu cường hải sản không chỉ thống trị ở ngoài khơi xa
Bài bình luận của Ian Urbina, Pete McKenzie and Milko Schvartzman *
07/8/2024
Tàu cảnh sát biển Prefecto Derbes của Argentina - neo đậu ở Puerto Madryn vào ngày 3/12/2016. Tên của các con tàu mà họ bắt giữ được sơn ở phía bên hông buồng lái.
Milko Schvartzmann/The Outlaw Ocean Project
Ngày 14/3/2016, lực lượng cảnh sát biển Argentina phát hiện một tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của nước này. Khi chiếc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu cảnh sát biển, người Argentina đã nổ súng và con tàu này đã nhanh chóng bị đắm.
Theo thông tin từ chính phủ Argentina, Lu Yan Yuan Yu 10 là một trong 11 tàu đánh bắt mực của Trung Quốc mà hải quân Argentina đã truy đuổi kể từ năm 2010 vì nghi ngờ đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Nhưng một năm sau khi vụ việc xảy ra, Hội đồng Nghề cá Argentina tuyên bố họ sẽ cấp giấy phép đánh bắt cá cho hai tàu của cùng nhà khai thác thủy sản Trung Quốc vốn sở hữu con tàu mà hải quân Argentina đã rượt đuổi trong năm trước đó. Hai con tàu này sẽ ra khơi dưới cờ Argentina thông qua một công ty địa phương làm bình phong.
Quyết định này dường như đã vi phạm các quy định luật pháp của Argentina vốn không chỉ cấm tàu nước ngoài mang cờ Argentina hay đánh cá trong vùng biển của nước này mà còn cấm việc cấp phép cho các nhà khai thác thủy sản có tiền án đánh bắt cá bất hợp pháp. Động thái này có thể là một sự mâu thuẫn nhưng lại là một thực tế ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.
Hơn ba thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã giành được sự thống trị đối với hoạt động đánh bắt cá toàn cầu thông qua việc thống trị các vùng biển xa (high-seas) với hơn 6.000 tàu đánh bắt xa bờ. Khi nhắm mục tiêu vào ngư trường của các nước khác, tàu đánh cá Trung Quốc thường neo đậu “ở phía bên ngoài” ở vùng biển quốc tế dọc theo biên giới biển của quốc gia mục tiêu rồi tiến hành các cuộc đột kích qua đường biên vào vùng biển chủ quyền của quốc gia đó.
Trong những năm gần đây, từ Nam Mỹ, Phi châu đến Thái Bình Dương xa xôi, Trung Quốc đã gia tăng sử dụng cách tiếp cận "mềm dẻo hơn". Đó là giành quyền kiểm soát từ bên trong thông qua các biện pháp hợp pháp, nghĩa là bằng cách trả tiền để tàu Trung Quốc được mang cờ của quốc gia sở tại, nhờ vậy có thể đánh bắt cá ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia đó mà không phải đối diện với các nguy cơ đụng độ chính trị, phản ánh tiêu cực của báo chí hoặc bị đánh chìm tàu.
Nguồn: Đồ họa của The Outlaw Ocean Project.
Cách thức này thường giúp né tránh được các quy định cấm cản đối với chủ tàu nước ngoài thông qua việc hợp tác với người địa phương và cho họ nắm giữ cổ phần đa số. Nhờ các quan hệ đối tác này, các công ty Trung Quốc có thể đăng ký cho tàu cá của họ hoạt động dưới tên của một quốc gia khác và được phép đánh cá trong vùng biển chủ quyền của quốc gia đó.
Đôi khi các công ty Trung Quốc bán hoặc cho thuê tàu của họ cho người địa phương nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát các quyết định và lợi nhuận. Ở những nơi khác, các công ty này trả phí để có được quyền đánh bắt thủy sản thông qua các "thỏa thuận tiếp cận”.
Từ Micronesia đến Iran
Các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát gần 250 tàu cá mang cờ của các nước sở tại (đăng ký dưới dạng liên danh), hoạt động trong vùng biển của nhiều nước, trong đó có Micronesia, Kenya, Ghana, Senegal, Morocco và thậm chí cả Iran. Nhiều công ty trong số này có liên quan tới nhiều loại tội phạm đánh bắt thủy hải sản.
Các hồ sơ thương mại cho thấy một số thủy sản đánh bắt bởi các tàu này được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Mỹ, Canada, Ý và Tây Ban Nha.
Mar del Plata là cảng cá lớn nhất Argentina và là trụ sở của nhiều công ty đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, nhiều tàu đánh cá thuộc sở hữu của Argentina đã bị bỏ xó trong những năm gần đây. Ở một số khu vực của cảng Mar del Plata, những con tàu này hiện đang bị bỏ bê hoặc bị chìm, không sử dụng và không thể khôi phục. Nguồn ảnh: Pete McKenzie /The Outlaw Ocean Project
Hầu hết các quốc gia yêu cầu tàu cá phải được sở hữu bởi người địa phương để giữ lợi nhuận lại trong nước và dễ dàng thực thi các quy định đánh bắt cá hơn. Việc cho phép tàu nước ngoài đăng ký hoạt động tại địa phương đang phá hoại những mục tiêu đó. Ngoài vấn đề chủ quyền và tài chính thì an ninh lương thực và sinh kế cho người dân địa phương cũng đang bị tổn hại bởi việc xuất khẩu nguồn protein quan trọng và có giá cả phải chăng này, thường là để phục vụ người tiêu dùng phương Tây.
Trong khu vực Thái Bình Dương, theo một báo cáo năm 2022 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, các tàu Trung Quốc đang hoạt động trên khắp vùng biển của Fiji, Quần đảo Solomon và Micronesia.
“Các đội tàu Trung Quốc hoạt động trong các vùng biển xa bờ biển Trung Quốc” – báo cáo này viết và cảnh báo: “Và sự tăng trưởng trong sản lượng khai thác của họ có nguy cơ làm tồi tệ thêm sự suy giảm vốn đã nghiêm trọng của thủy sản toàn cầu”.
Chiến thuật đăng ký/ liên danh để hoạt động dưới cờ nước sở tại (flagging in) không chỉ được sử dụng bởi các đội tàu Trung Quốc mà bởi cả các công ty đánh bắt cá của Mỹ và Iceland.
Nhưng vì Trung Quốc đã gia tăng việc kiểm soát hoạt động đánh bắt cá toàn cầu, các quốc gia phương Tây đã vội vàng tranh thủ cơ hội này để thu hút sự chú ý vào những việc làm sai trái của Trung Quốc.
Thậm chí những thủ phạm thường xuyên cũng có thể trở thành những con vật tế thần. Khi bị chỉ trích trên báo chí, Trung Quốc thường phản pháo, tất nhiên không phải không có lý do, bằng việc bác bỏ những chỉ trích và cho rằng những chỉ trích này có động cơ chính trị đồng thời cáo buộc những người chỉ trích là đạo đức giả.
Tuy nhiên, với nhiều bằng chứng đã được ghi lại, Trung Quốc vẫn là quốc gia được biết đến với những hành động vi phạm các tiêu chuẩn và luật lệ đánh bắt thủy sản quốc tế, xâm nhập vào lãnh hải của nước khác và lạm dụng đối với ngư dân của chính mình.
Hai người dân địa phương câu cá ở Mar del Plata, Argentina. Ảnh chụp tháng 3/2024. Nguồn ảnh: Pete McKenzie/Dự án The Outlaw Ocean Project
Lịch sử của những hành vi sai trái
Theo một điều tra của Dự án The Outlaw Ocean Project (Đại dương Ngoài vòng Pháp luật), trong 6 năm qua, hơn 50 tàu mang cờ của trên 10 quốc gia khác nhau nhưng do các công ty Trung Quốc kiểm soát, đã tham gia vào các hoạt động tội phạm như đánh bắt cá bất hợp pháp và trung chuyển trái phép.
Với tiền sự nhiều năm, diễn ra trên quy mô lớn và phổ biến ở khắp nơi, những hành xử sai trái của Trung Quốc đang làm dấy lên các quan ngại.
Ở châu Phi, các công ty Trung Quốc đang điều hành các tàu cá liên danh hoạt động trong vùng biển của ít nhất 9 quốc gia. Ở Thái Bình Dương, một cuộc kiểm tra trong năm nay của cảnh sát địa phương và Cảnh sát Biển Mỹ phát hiện thấy 06 tàu Trung Quốc liên danh trong vùng biển của Vanuatu đã vi phạm các quy định vốn yêu cầu họ phải ghi chép và lưu lại các kết quả đánh bắt của họ.
Tháng 8/2019, kiểm tra một tàu cá Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Tây Phi. Nguồn ảnh: Fábio Nascimento/Dự án The Outlaw Ocean Project
Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các nguồn lực địa phương không chỉ giới hạn trong vùng biển quốc gia của các nước. Ở Argentina, Trung Quốc đã cung cấp hàng tỉ đô la dưới hình thức hoán đổi tiền, một cứu cánh về kinh tế trong bối cảnh Argentina phải đối mặt với nạn lạm phát trong khi các quốc gia khác ngần ngại giúp đỡ.
Trung Quốc cũng đã đầu tư hoặc hứa hẹn các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ đô-la vào hệ thống đường sắt, đập thủy điện, các mỏ lithium và các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời ở Argentina.
Số tiền này đã mang đến cho Bắc Kinh loại ảnh hưởng có thể can thiệp vào số phận của thủy thủ đoàn của tàu Lu Yan Yuan Yu 10. Khi con tàu này chìm, hầu hết thủ thủy đoàn đã được một tàu khác của Trung Quốc đón và đưa trở về Trung Quốc.
Tuy nhiên, bốn người trong số thủy thủ đoàn, trong đó có cả thuyền trưởng đã được đưa lên bờ, bị quản thúc và buộc tội với hàng loạt tội danh bởi một thẩm phán địa phương – người đã nói rằng các viên chức của tàu này đã đặt tính mạng của chính thủy thủ đoàn của họ và các viên chức tuần duyên truy đuổi họ vào tình thế nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng phản đối việc bắt giữ.
Ba ngày sau, Ngoại trưởng Argentina nói với phóng viên báo chí rằng các cáo buộc của nước này đã "gây ra phản ứng rất đáng quan ngại từ chính phủ Trung Quốc".
Bà ngoại trưởng này giải thích rằng bà đã trấn an Trung Quốc rằng Argentina sẽ tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế. Vài tuần sau, cơ quan tư pháp Argentina cũng điều chỉnh quyết định của mình, trả tự do cho thủy thủ đoàn mà không hề trừng phạt họ.
Trong tháng tiếp theo, ngoại trưởng Argentina đã gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Sau cuộc hội đàm, ông Nghị đã ca ngợi “hành trình hợp tác tổng thể” của hai nước và hứa hẹn sẽ đầu tư thêm vào Argentina.
Ảnh hưởng trên đất liền và trên biển này đang dấy lên những lo ngại có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa trong người dân Argentina. Ông Pablo Isasa, một thuyền trưởng của một tàu đánh cá tuyết nói rằng: “Chúng ta có kẻ thù cả ở bên trong và bên ngoài.”
*Bài bình luận này dựa trên một báo cáo được biên soạn bởi Dự án Đại dương Ngoài vòng Pháp luật (The Outlaw Ocean Project), với sự đóng góp thông tin của Maya Martin, Jake Conley, Joe Galvin, Susan Ryan, Austin Brush và Teresa Tomassoni. Bellingcat cũng đóng góp báo cáo. Dự án Đại dương Ngoài vòng Pháp luật là một tổ chức báo chí phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington D.C., chuyên viết các bài điều tra về vấn đề nhân quyền, lao động và môi trường. Các quan điểm thể hiện trong bài bình luận là của tổ chức này và không phản ánh quan điểm của RFA.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/taking-over-from-the-inside-chinas-growing-reach-into-local-waters-08072024075939.html
Không có nhận xét nào