16/8/2024
BBC News
Nguồn hình ảnh, Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh, Việt Nam đang chứng kiến những chuyển biến chính trị chưa từng có, trong đó vai trò của lực lượng công an ngày càng bao trùm
Việc ông Tô Lâm thăng tiến từ bộ trưởng Công an lên chủ tịch nước rồi trở thành tổng bí thư Đảng làm gia tăng lo ngại về một nền công an trị.
Trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có tổng bí thư nào có xuất thân từ công an như ông Tô Lâm, dù trước đây từng có Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuất thân từ bên quân đội.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) từng nhận định với BBC trong một bài phỏng vấn hồi tháng 4/2024 rằng thời còn làm bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng làm vũ khí để lần lượt hạ gục các đối thủ cạnh tranh cho vị trí kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi họp báo sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm khẳng định sắp tới công cuộc chống tham nhũng sẽ được tiếp tục, vẫn sẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, như những gì người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng từng nói nhiều lần.
Dù đã ở vị trí cao nhất, ông Tô Lâm được cho là vẫn duy trì ảnh hưởng trực tiếp tại Bộ Công an đầy quyền lực.
Tháng 6/2024, Thượng tướng Lương Tam Quang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an thay ông Tô Lâm. Ông Quang từng là thứ trưởng thường trực dưới quyền ông Lâm ở bộ này kể từ năm 2019.
Việc ông Quang được thăng chức được xem là vẫn bảo đảm cho ông Lâm có sự ảnh hưởng đối với bộ, nơi ông là lãnh đạo lâu năm, theo bình luận của David Brown, người từng có nhiều năm làm việc trong vai trò là nhà ngoại giao Mỹ ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, quyền lực của Bộ Công an trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngừng gia tăng, khi nhiều nhân sự cấp cao khác từ bộ này mới đây đã thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, như chánh văn phòng Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam, đánh giá: “Với việc ông Tô Lâm làm chủ tịch nước, Việt Nam đã trở thành một nhà nước công an trị”.
Công an trị là gì?
Nhà nước công an trị (police state) là một nhà nước mà chính phủ sử dụng công an/cảnh sát để hạn chế nghiêm trọng quyền tự do của người dân, theo từ điển Cambridge.
Trả lời BBC vào đầu tháng 8/2024, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS) David Hutt nhận định rằng ở một mức độ nào đó, Việt Nam đã là một nhà nước công an trị.
Ông Hutt dẫn chứng trong hai thập niên qua, Việt Nam đã chứng kiến cái chết của nhiều “phe phái”, trong đó có phe “những kẻ trục lợi”, đứng đầu là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhà nghiên cứu này từng giải thích trong một bài bình luận gửi cho BBC rằng ông Dũng, người giữ chức thủ tướng từ năm 2006 đến 2016 và được đánh giá là nhân vật số 1 khi đó, là người miền Nam, không tôn sùng tư tưởng nhưng tin vào sự độc quyền về quyền lực của Đảng Cộng sản.
Bài viết có đoạn:
“Theo ông Dũng, cách Đảng có thể hạn chế quyền lực của khu vực tư nhân là bắt tay với họ.
Theo kế hoạch của ông Dũng, các doanh nhân và ông trùm sẽ cần phải đến Đảng Cộng sản để tiếp cận được đất đai, có được hợp đồng và giành được những quyết định có lợi từ tòa án.
Tất cả những điều đó đã buộc khu vực tư nhân phải khăng khít với Đảng Cộng sản. Đổi lại, khu vực tư nhân sẽ tưởng thưởng cho một số quan chức Đảng Cộng sản nhất định và những quan chức có mối quan hệ tốt này sẽ leo lên những chức vụ đứng đầu Đảng, từ đó hình thành mối quan hệ cộng sinh.
Nói cách khác, tham nhũng sẽ là phương tiện để hạn chế khu vực tư nhân và trao quyền cho Đảng Cộng sản.”
Ông David Hutt nhận xét trong cuộc trả lời BBC rằng phe “những kẻ trục lợi” của ông Dũng đã lụi tàn khi nạn tham nhũng trở nên không thể dung thứ và không còn là phương cách gắn kết đảng.
Sau khi ông Dũng xin rút vào năm 2016, quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là ngày càng gia tăng.
“Ông Nguyễn Phú Trọng đại diện cho sự trở lại của các nhà tư tưởng và đạo đức, những người hứa sẽ loại bỏ tham nhũng và nâng cao danh tiếng của đảng trong mắt công chúng. Tuy nhiên, ông là người cuối cùng của phe này, và chiến dịch đốt lò của ông đã tiếp thêm sinh lực cho các 'nhà lãnh đạo thuộc lực lượng vũ trang' (securocrats)”.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Khẩu hiệu của lực lượng công an là "còn Đảng thì còn mình"
Dưới góc nhìn của mình, ông Hutt đánh giá các nhà lãnh đạo nhận thấy công chúng Việt Nam rất thích thú khi chứng kiến một quan chức tham nhũng bị trừng trị.
“Không giống như ông Trọng, họ nhận ra rằng chủ nghĩa xã hội không thúc đẩy ai cả, và Đảng Cộng sản không còn là người phán xử của chủ nghĩa dân tộc nữa.
“Vì vậy, cách duy nhất để Đảng tồn tại là liên tục hi sinh quan chức trong lò lửa hồng với hi vọng điều này sẽ tạo nên lòng trung thành trong nội bộ đảng giữa Trung ương với các địa phương và giữa đảng với bộ máy chính quyền,” ông Hutt nói.
Theo nhà nghiên cứu này, ngoài việc khiến Đảng Cộng sản đang trở nên yếu kém về mặt cơ cấu, việc hi sinh quan chức còn gây ra nhiều kẻ thù, khiến các nhân vật trong ngành công an hoặc quân đội có quyền lực chính trị vươn lên dẫn đầu bằng cách cam kết tiếp tục hi sinh và loại bỏ bất kì nhân vật nào bất đồng.
“Giờ đây, Đảng chỉ tồn tại bằng cách tự tiêu diệt chính mình, điều này rất nguy hiểm trừ khi có công an và quân đội nắm quyền,” ông nhấn mạnh.
Nguồn hình ảnh, Getty Images/ BBC
Chụp lại hình ảnh, Trên cương vị Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm có đặc quyền tiếp cận với hồ sơ của các quan chức khác
Bộ Công an ngày càng phình to
Khi còn là Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ phục vụ cho chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Giáo sư Abuza, ông Trọng đã "trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng", song có thời điểm ông Trọng đã không còn có thể kiểm soát quyền lực của ông Lâm.
Từ chỗ là một công cụ của Đảng, Bộ Công an, cơ quan an ninh hùng mạnh của Việt Nam, giờ đây ngày càng phình to.
Về nhân lực, Bộ Công an chưa bao giờ công bố con số chính xác lực lượng chính quy. Tuy nhiên, vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đăng trên blog của mình con số ước lượng công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán vũ trang trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an, là khoảng 6,7 triệu người vào năm 2013.
Trong số này, có 1,2 triệu công an chính quy.
Ước tính con số này đã phình to thêm 300.000 người khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật này được Quốc hội khóa 15 thông qua vào tháng 11/2023, sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được coi là "cánh tay nối dài" của Bộ Công an.
Ngoài ra, nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được công khai trên cổng thông tin Quốc hội vào đầu tháng 12/2023 cho thấy Bộ Công an được phân bổ hơn 113.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.000 tỷ đồng, từ hơn 99.000 tỷ năm 2023. Con số này chỉ xếp sau Bộ Quốc phòng với hơn 207.000 tỷ.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Bộ Công an ngày càng phình to khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024
Bà Elaine Pearson, Giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), cũng cho rằng Việt Nam đã là một quốc gia công an trị về nhiều mặt.
Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Mỹ, bà Pearson nói rằng việc ông Tô Lâm lên nắm quyền là biểu hiện của sự đàn áp ngày càng tồi tệ của chính phủ Việt Nam, hoàn toàn không khoan nhượng với những lời chỉ trích và thể hiện thái độ thù địch cao độ đối với các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Bà điểm lại các vụ bắt bớ, trấn áp, sách nhiễu hàng loạt nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, nhà báo tự do, luật sư và các nhân vật đối lập trong nhiều năm trải dài từ 2016 đến gần đây, khi ông Tô Lâm đứng đầu Bộ Công an.
“Sự xâm phạm quá mức của các cơ quan an ninh được biết đến rộng rãi trong việc thực hiện các hành động được giải thích là nhằm bảo vệ 'an ninh quốc gia' nhưng trên thực tế, đó là việc bỏ tù những người chỉ trích chính phủ ôn hòa và bịt miệng người bất đồng chính kiến,” bà đánh giá.
Giám đốc của HRW thống kê có hiện nay có hơn 160 người đang bị cầm tù ở Việt Nam vì phê phán chính quyền, kể cả trên mạng xã hội; và chính quyền ngày càng nhắm tới các nhà hoạt động môi trường. Cùng lúc, tất cả các cơ quan truyền thông vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam và Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về bỏ tù nhà báo.
Chụp lại hình ảnh, Việt Nam bị phê phán có 'động cơ chính trị' trong việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường. Từ trái qua: bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên, ông Đặng Đình Bách, những nhà hoạt động môi trường bị bắt gần đây.
Tương lai ‘không lạc quan’
Mặc dù không rõ ông Tô Lâm sẽ giữ cả hai chức vụ tổng bí thư kiêm chủ tịch nước trong bao lâu, nhưng bà Elaine Pearson cảnh báo tình hình nhân quyền có thể sẽ xấu thêm.
“Dưới thời ông Lâm, cơ quan an ninh đầy quyền lực của Việt Nam đã gần như xóa sổ phong trào nhân quyền non trẻ của đất nước,” bà đánh giá.
Theo giám đốc châu Á của HRW, vẫn còn quá sớm để nói về sự thay đổi chính sách nhân quyền của Việt Nam khi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư, nhưng bà “không quá lạc quan”.
“Chính quyền có khả năng sẽ tiếp tục đàn áp những người phê phán, nhà báo và nhà hoạt động ôn hòa, trừ khi có áp lực để Việt Nam thay đổi đường hướng,” bà lí giải.
Theo bà Pearson, suy cho cùng, sự nghiệp cả đời của ông Tô Lâm vẫn là trong lực lượng công an trong khi khẩu hiệu nổi tiếng của Bộ Công an là “còn Đảng còn mình”, và ông Tô Lâm đã dành hàng chục năm để nghiền nát bất cứ điều gì mà ông cho là mối đe dọa đối với sự độc quyền quyền lực của đảng.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao đã nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích của phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế về tình hình ở Việt Nam.
Hà Nội thường xuyên khẳng định họ tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của người dân nêu trong Hiến pháp Việt Nam và phù hợp với các công ước quốc tế.
Nhiều chính phủ phương Tây và các công ty nước ngoài đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam và bà Pearson cho rằng điều này mang lại lợi thế cho Hà Nội.
“Họ nên dùng lợi thế này để thúc đẩy những cải cách nhân quyền thực sự để các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được tôn trọng theo với luật pháp quốc tế,” bà kết luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cnvyzvpm41zo
Không có nhận xét nào