Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bị kỷ luật vì liên quan dự án Đại Ninh, tiếp theo là gì?

    BBC News

    13/8/2024

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

    Sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vào ngày 8/8 thì Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo do liên quan siêu dự án Đại Ninh. 

    Cảnh cáo là một trong bốn mức kỷ luật của Đảng gồm (từ nhẹ đến nặng): khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

    Sau khi bị kỷ luật về mặt Đảng, về mặt chính phủ, ông Lê Minh Khái có thể sẽ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo tương tự. 

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

    Theo Bộ Chính trị, ông Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ, cựu Bí thư Trung ương Đảng, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cựu Bí thư Ban cán sự đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, đã "vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành Thanh tra".

    Phần thông cáo nói trên về sai phạm của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khá chung chung và không nhắc đến Dự án Đại Ninh. 

    Tuy nhiên, ông Khái đã giữ chức vụ tổng Thanh tra Chính phủ, bí thư Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2021. 

    Trong khi đó, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận là "đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Thanh tra Chính phủ giải quyết đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái quy định của Luật Thanh tra; kiến nghị cho dự án được giãn tiến độ, gia hạn sử dụng đất trái quy định; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự".

    Với cương vị là bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn xảy ra sai phạm, có thể thấy việc ông Khái bị kỷ luật là liên quan trực tiếp tới dự án Đại Ninh. 

    Vụ việc tại dự án Đại Ninh đã khiến nhiều quan chức bị bắt, khởi tố gồm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. 

    Nguồn hình ảnh, Kiyoshi Ota/Bloomberg/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn Nikkei Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 23 tháng 5 năm 2024

    Trước đó, vào chiều 3/8, ông Lê Minh Khái đã bị Trung ương Đảng cho thôi giữ chức vụ bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.

    Như vậy, ông Khái không còn giữ chức vụ trong Đảng nhưng vẫn là phó thủ tướng chính phủ. Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, phó thủ tướng là chức danh được Quốc hội phê chuẩn từ đề nghị của Thủ tướng.

    Do đó, việc bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng thì cần cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền trình lên Quốc hội để miễn nhiệm.

    Vì Quốc hội chưa có cuộc họp bất thường nào và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có thông báo việc miễn nhiệm ông Lê Minh Khái nên ông hiện vẫn giữ chức phó thủ tướng.

    Tuy nhiên, với thực tế ông Khái đã mất các chức danh trong Đảng, có thể dự đoán là bước tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình trường hợp của ông ra để Quốc hội miễn nhiệm.

    Ông Lê Minh Khái cùng các ông Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và Lê Thành Long là bốn phó thủ tướng trong chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

    Ông Lê Minh Khái sinh năm 1964, quê ở tỉnh Bạc Liêu. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 13; đại biểu Quốc hội khóa 14.

    Ông Lê Minh Khái từng giữ chức phó tổng kiểm toán nhà nước giai đoạn 2007-2014, sau đó trở thành bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

    Liên quan siêu dự án Đại Ninh

    Theo thông cáo chính thức thì sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, không báo cáo Tỉnh ủy xin chủ trương về quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản thay nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng trái quy định, trái thẩm quyền;

    UBND tỉnh ban hành các quyết định, văn bản về quy hoạch 3 loại rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất ở, thực hiện nghĩa vụ tài chính, quản lý dự án, trật tự xây dựng tại 3 dự án không có căn cứ pháp lý, trái quy định, trái thẩm quyền, nguy cơ thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật.

    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020-2025 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, không họp bàn cho chủ trương tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất ở tại Dự án Khu đô thị Đại Ninh (Dự án Đại Ninh); thống nhất chủ trương xây dựng công trình Tòa nhà câu lạc bộ golf có nội dung trái quy định của pháp luật; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất với kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra Chính phủ cho dự án Đại Ninh được giãn tiến độ, tiếp tục thực hiện trái quy định;

    UBND tỉnh Lâm Đồng chậm xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Dự án Đại Ninh, nguy cơ thất thu lớn ngân sách nhà nước; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự trong vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị, địa phương liên quan.

    Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Thanh tra Chính phủ giải quyết Đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái quy định của Luật Thanh tra; kiến nghị cho Dự án được giãn tiến độ, gia hạn sử dụng đất trái quy định; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

    Từ những sai phạm nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 bị kỷ luật cảnh cáo.

    Nguồn hình ảnh, VGP/BBC

    Chụp lại hình ảnh, Từ trái sang: Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận là những quan chức bị bắt, khởi tố vì liên quan đến những sai phạm tại Dự án Đại Ninh

    Ngoài các tổ chức đảng nói trên, hàng loạt quan chức, cán bộ bị khai trừ khỏi Đảng gồm: 

    • Nguyễn Linh Ngọc (nguyên ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

    • Thái Hồng Công (nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn)

    • Hồ Đức Hợp (Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái)

    • Hồ Đại Dũng (ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ)

    • Nguyễn Quốc Định (nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau)

    • Nguyễn Kim Thoại (tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Bí thư Huyện ủy Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) 

    • Nguyễn Ngọc (nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận)

    • Lê Quang Vinh (tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận)

    • Xà Dương Thắng (nguyên tỉnh ủy viên, nguyên bí thư Huyện ủy Bắc Bình, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận)

    • Phan Đoàn Thái (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên bí thư Đảng uỷ, nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận)

    Đại dự án Đại Ninh 

    Dự án có tên đầy đủ là Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, có diện tích lên đến gần 3.600 ha, với tổng vốn đầu tư là 25.243 tỷ đồng.

    Địa điểm thực hiện dự án trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

    Cuối năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh để tiến hành xây dựng khu đô thị này.

    Khu đô thị Đại Ninh là dự án duy nhất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

    Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty này khi đó là bà Phan Thị Hoa.

    Sài Gòn Đại Ninh được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Bảy năm sau, con số này được nâng lên mức 2.000 tỷ đồng.

    Năm 2021, Sài Gòn Đại Ninh cho biết công ty đã đầu tư vào dự án đô thị này 2.000 tỷ đồng.

    Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án lên hơn 30.200 tỷ đồng do chi phí tăng.

    Tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận số 929 về kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết luận có đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi đất dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh.

    Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận số 929.

    Theo đó, thay vì đề xuất chấm dứt hoạt động và thu hồi đất, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng “căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được duyệt..."

    Vào đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra quyết định gia hạn thêm 24 tháng tiến độ triển khai cho dự án Khu đô thị Đại Ninh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.

    Tháng 10/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án Khu đô thị Đại Ninh. Báo cáo tiến độ dự án không đề cập đến kế hoạch cụ thể về công tác đầu tư và xây dựng.

    Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2023, đã xảy ra tổng cộng 24 vụ vi phạm tại dự án dự án Đại Ninh, bao gồm 4 vụ phá rừng với diện tích 3.522m2 và 20 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép rộng 37.620m2.

    Trong quá trình được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cql3d12z12do


    Không có nhận xét nào