BBC News
20/8/2024
Chụp lại hình ảnh, Việt Nam khẳng định “luôn coi trọng và ưu tiên” quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
Trong chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có một lịch trình nghị sự dày đặc, với các nội dung về hợp tác chính trị, kinh tế và giải quyết bất đồng trên Biển Đông.
Vào trưa 20/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân Ngô Phương Ly và đoàn công tác đã rời Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 14, còn Trung Quốc vừa tổ chức xong Hội nghị Trung ương 3 khóa 20.
Ông Tô Lâm khởi đầu chuyến công du vào hôm 18/9 tại Quảng Châu, nơi ông đã thăm các địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, sau đó tham gia các cuộc họp thượng đỉnh tại Bắc Kinh trong ngày 19/8, trước khi có một số hoạt động khác vào sáng 20/8.
Trong ngày 19/8, nhà lãnh đạo Việt Nam đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hỗ Ninh và dự nhiều sự kiện quan trọng khác.
Trấn an Trung Quốc
Ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm vào ngày 19/8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam “là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng". Tương tự, ông Lâm khẳng định Việt Nam “luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu” quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Sau khi ông Tô Lâm, một người có xuất thân từ công an và ít kinh nghiệm đối ngoại, nhậm chức tổng bí thư, chính sách ngoại giao của Việt Nam đang được chú ý.
Khi chỉ còn khoảng 16 tháng cho tới Đại hội 14, Việt Nam được cho là sẽ tập trung hơn vào công tác đối nội và giữ nguyên đường lối “ngoại giao cây tre”.
Việc khẳng định “luôn coi trọng và ưu tiên” quan hệ với Trung Quốc được cho là để Trung Quốc cảm thấy yên lòng trước những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ.
Trong bài viết ngày 12/8, Reuters dẫn lời hai quan chức nói rằng ông Tô Lâm sẽ tới dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng Chín với tư cách chủ tịch nước. Hai quan chức này cũng nói rằng ông Tô Lâm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngày 20/8, The Diplomat có bài viết đánh giá về thông điệp Việt Nam muốn gửi cho Trung Quốc qua chuyến thăm của ông Tô Lâm. Theo bài viết, Việt Nam muốn khẳng định rằng “mọi lo ngại về sự lệch hướng trong quan hệ Việt-Trung là không cần thiết”.
Bài viết này cũng nhắc tới một bài viết khác được đăng ngày 21/7 trên trang Guancha.cn, một website tin tức thân chính phủ của Trung Quốc.
Bài viết trên Guancha nhận định rằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc "không nên chệch hướng" sau khi ông Trọng qua đời.
Theo The Diplomat, đây không phải là một lời đe dọa nhưng là một "lời nhắc nhở đáng để tâm" mà Trung Quốc muốn gửi tới Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Thời điểm ông Tô Lâm mới nhậm chức tổng bí thư, nhiều nhà quan sát đã so sánh ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình.
Biến động chính trị ở Việt Nam trong thời gian gần đây cũng được đánh giá là khiến Trung Quốc lo ngại.
Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được xây dựng dựa trên chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, chiến dịch “đốt lò” đã trở nên vô cùng dữ dội trong thời gian gần đây. Từ đầu năm, chiến dịch “đốt lò” đã khiến một loạt quan chức cấp cao mất chức, tạo ra môi trường được đánh giá là “bất ổn chính trị” ở Việt Nam.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), các nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài đều đánh giá rằng Bắc Kinh đang lo ngại về những biến động chính trị chưa từng có trong thời gian qua ở Việt Nam.
“Tôi tin rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm có mục đích trấn an Trung Quốc về cam kết của Việt Nam trong việc duy trì một mối quan hệ thân thiết, đặc biệt là trong bối cảnh những thay đổi chính trị và kế thừa lãnh đạo gần đây ở Việt Nam,” SCMP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore.
Trong cuộc hội đàm với ông Tập, ông Tô Lâm đã thông báo với ông Tập Cận Bình về tình hình Việt Nam gần đây, đặc biệt là về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng và các hoạt động đối ngoại.
Một số chuyên gia cho rằng việc ông Tô Lâm nhận chức vụ mới là dấu hiệu “tạm ngưng đấu đá nội bộ” và báo hiệu một tương lai ổn định hơn cho chính trị Việt Nam.
Sau khi nghe thông báo về tình hình ở Việt Nam của ông Tô Lâm, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc “ủng hộ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện đất nước, tiến sâu hơn trên sự nghiệp cải cách và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”.
Đáp lại, ông Tô Lâm chúc mừng Trung Quốc đạt được những “thành tựu to lớn” dưới sự lãnh đạo “hạt nhân” của ông Tập Cận Bình, báo điện tử Chính phủ của Việt Nam đưa tin.
Thời điểm ông Tô Lâm mới nhậm chức tổng bí thư, nhiều nhà quan sát đã so sánh ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình.
Nói với BBC News Tiếng Việt ngày 3/8, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng “ông Tô Lâm rất thích trường hợp của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Trong bài viết ngày 3/8, đài Al Jazeera dẫn lời chuyên gia nhận định rằng nếu tiếp tục giữ hai chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước như ông Tập Cận Bình, ông Tô Lâm sẽ có cơ hội gia tăng quyền lực và áp dụng phong cách lãnh đạo độc đoán hơn.
Tăng cường hợp tác
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ngày 19/7, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết tổng cộng 14 văn kiện
Việt Nam và Trung Quốc đồng tình phát triển hợp tác thực chất, báo điện tử Chính phủ đưa tin.
Theo đó, hai bên “nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối 'hai hành lang, một vành đai' với 'vành đai và con đường'."
Cũng trong cuộc họp, hai nước đã ký kết 14 văn kiện, bao gồm công thư hợp tác đường sắt, trong đó có dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, và một số bản ghi nhớ về xuất khẩu thực phẩm từ Việt Nam sang Trung Quốc, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Về đường sắt, trong bảy tháng đầu năm nay, hơn 6.800 container đã được vận chuyển qua đường sắt Trung Quốc-Việt Nam, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bài viết ngày 19/8 của Global Times dẫn thông tin từ giới chức khu tự trị Nam Ninh ở miền nam Trung Quốc.
Theo bài viết ngày 16/8 của Reuters, sự thiếu tin cậy giữa hai nhà nước cộng sản - đã từng đánh nhau trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào cuối thập niên 1970 và thường xuyên xảy ra tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông - từ lâu đã cản trở tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt kết nối hai nước.
Bên cạnh đó, trước sự chứng kiến của ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu Việt Nam qua Trung Quốc, báo VnExpress đưa tin.
Nghị định thư này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Theo báo Thanh Niên, sầu riêng tươi của Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với sầu riêng đông lạnh của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc. Việc có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp khả năng cạnh tranh của Việt Nam tại Trung Quốc.
Ngoài ra, hai nước cũng ký kết một số bản ghi nhớ về hợp tác giữa các bộ, ngành của hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế…
Trong bài viết ngày 19/8 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng ông Tô Lâm sẽ “tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế để khẳng định tính chính danh của Đảng và khả năng lãnh đạo của bản thân”.
Về công tác giáo dục chính trị, hai nước đã kí bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bài toán tranh chấp trên Biển Đông
Liên quan tới vấn đề ở Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.
DOC được giới quan sát đánh giá là không thực chất, bởi không có tính ràng buộc.
Năm 2022, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã soạn xong bản dự thảo đầu tiên của COC, được kỳ vọng sẽ có tính ràng buộc hơn. Tuy nhiên, đến nay COC vẫn chưa được hoàn thiện.
Trên thực tế, dù có những tuyên bố đẹp đẽ trong các cuộc gặp giữa các lãnh đạo, tình hình thực địa Biển Đông vẫn tồn tại nhiều xung đột trong thời gian qua. Theo phía Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục có những yêu sách và hành động xâm phạm tới chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.
Vào tháng 5/2024, Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh điều một tàu bệnh viện đến Hoàng Sa.
Ngay trước cuộc diễn tập này, Trung Quốc đã cho một máy bay không người lái Wing Loong-10 (WZ-10) hai lần bay gần bờ biển Việt Nam, một lần cách bờ biển 100km, một lần đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo bài viết ngày 20/8 trên The Diplomat, nhiều chuyên gia đánh giá động thái này là "một bài kiểm tra" về chính sách ngoại giao của Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm.
Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa lên tiếng chính thức về sự việc máy bay không người lái bay sát bờ biển của mình.
Báo SCMP dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nhận định rằng, trước những "bất ổn chính trị ngày càng tăng" ở Việt Nam trước thềm Đại hội 14, quan hệ Việt-Trung hiện đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là về những tranh chấp trên Biển Đông.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgx1zjgev0o
Không có nhận xét nào