Chủ tịch nước Tô Lâm sử dụng quyền điều tra của Bộ Công an để kiểm soát bất kỳ đối thủ tham vọng nào.
Bài bình luận của Zachary Abuza*
12/8/2024
Minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA.
AP, AFP
Sau đám tang trang trọng, kéo dài nhiều ngày của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng, người đã qua đời vào ngày 19/7 sau một thời gian dài sức khỏe suy yếu, tình hình [chính trị nội bộ của Việt Nam] đã bắt đầu trở nên rõ ràng hơn và có thể biết nhiều hơn về những gì sẽ tới.
Đám tang cũng trang trọng, khiêm tốn và giản dị như chính người vừa qua đời. Rất nhiều lãnh đạo Đảng và nhà nước đã thể hiện sự đau buồn và tiếc thương sâu sắc cố Tổng bí thư.
Người Việt vô cùng tự hào vì sự có mặt của rất nhiều quan khách quốc tế tại lễ tang – một dấu hiệu của sự trọng thị mà đất nước này có được. Người Việt ghi nhận sự giản dị của ông Trọng – điều được thể hiện ngay ở chiếc quan tài làm bằng gỗ trơn của ông.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn (bên phải), Chủ tịch nước Tô Lâm, (thứ hai bên phải), Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (thứ hai bên trái) và ủy viên thường trực Ban Bí thư Lương Cường (bên trái) cùng các chiến sĩ khiêng linh cữu cố TBT Nguyễn Phú Trọng lên linh xa tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, ngày 26/7/ 2024. Nguồn ảnh: Minh Hoang/AP
Hầu hết người Việt Nam lần đầu tiên được nhìn thấy gia quyến của ông Trọng. Trái ngược hoàn toàn với người thân của các lãnh đạo chính trị Việt Nam còn lại, gia đình ông Trọng luôn sống cuộc sống giản dị, không bao giờ lợi dụng địa vụ của ông để kiếm tiền, làm giàu cho bản thân - điều mà giờ đây dường như đã trở thành quyền đương nhiên của con em của nhiều tinh hoa chính trị ở Việt Nam.
Những người theo dõi tình hình Việt Nam rà soát các đoạn video để tìm kiếm manh mối. Ai đã có mặt tại lễ tang và theo thứ tự nào? Những người đi bên linh cữu là ai và ai không có mặt ở đó? Vị quan chức bị tranh trừng nào đã cố gắng xuất hiện? Họ đã viết gì trong sổ tang và những gì họ viết có ẩn ý gì không?
Đằng sau sự tiếc thương là một cuộc tranh giành chính trị đã diễn ra.
Một ngày ngay trước khi ông Trọng qua đời, Bộ Chính trị đã bỏ qua ông Lương Cường, người đứng đầu Ban Bí thư và tuyên bố rằng ông Tô Lâm sẽ đảm nhiệm các trách nhiệm của ông Trọng.
Ông Lâm làm Trưởng ban Lễ tang của Đảng và chủ trì tang lễ. Điều đó có vẻ như mang tính biểu tượng nhưng tính biểu tượng lại quan trọng.
Bổ nhiệm những cấp phó chủ chốt
Thậm chí trước lễ tang, ông Lâm đã tiến hành củng cố vị trí của mình. Ông nhanh chóng điều động, cắt đặt hai cấp phó của mình ở Bộ Công an vào những vị trí cực kỳ quan trọng.
Ông Lương Tam Quang đã trở thành người kế vị chức Bộ trưởng Công an của ông Lâm. Không chỉ là người cùng quê Hưng Yên, ông Quang còn có quan hệ gắn bó với ông Lâm thông qua gia đình: Bố ông Quang là cận vệ riêng của bố ông Lâm ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Vị thứ trưởng thứ hai, ông Nguyễn Duy Ngọc, người cũng từ tỉnh Hưng Yên, giờ đây đã trở thành Chánh văn phòng Trung ương Đảng - một vị trí then chốt trong việc tổ chức các cuộc gặp và xây dựng chương trình nghị sự. Ông này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 14 tới.
Ông Lê Minh Hưng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 khi ông được bầu vào Bộ Chính trị. Vị trí này dường như đặt ông vào vị trí phụ trách tất cả các vấn đề nhân sự của Đảng trước thềm Đại hội Đảng 14 diễn ra vào tháng 1/2026.
Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội, vào ngày 25/7/2024. Nguồn ảnh: TTXVN/Reuters
Mặc dù có nền tảng về kinh tế nhưng ông Hưng lại gắn bó với ông Lâm theo một cách đặc biệt. Bố của ông Hưng, ông Lê Minh Hương là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và là người dẫn dắt sự nghiệp của ông Lâm.
Ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung Ương đã nhất trí bầu Chủ tịch Tô Lâm làm quyền Tổng Bí thư.
Mặc dù có những đồn đoán rằng Đại tướng Lương Cường sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nước và điều này đưa Việt Nam trở lại hình thái lãnh đạo tập thể, nhưng thực tế ông Lâm sẽ vẫn đồng thời giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng vẫn đang tiếp diễn và vì cùng một lý do: củng cố quyền lực chính trị.
“Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh” – ông Lâm nói tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Ban Chấp hành Trung Ương.
Chiến dịch này sẽ được thực hiện “không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” – ông nói.
Và với một chút đe doạ, ông Lâm tiếp tục: “Cá nhân tôi cảm thấy may mắn vì có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian làm việc tại Bộ Công an” .
Vẫn cháy sáng
Ngay lập tức, ông Lâm đã bắt tay vào công việc. Ngay trong phiên họp buổi chiều của Ban Chấp hành Trung Ương, bốn thành viên của Ban này - những người bị điều tra trước đó – đã được cho từ chức vì vi phạm kỷ luật của Đảng.
Sự ra đi của hai trong số bốn người này cần được xem là một cách để củng cố hơn nữa quyền lực của ông Lâm.
Mặc dù nhiều người vẫn xem Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trở lực hiệu quả đối với những tham vọng của ông Lâm, ông Chính thực ra lại là người rất dễ bị tổn thương.
Một trong ba Phó thủ tướng của ông Chính, ông Lê Minh Khái, đã bị buộc rời khỏi Ban Chấp hành Trung Ương, trong khi Phó thủ tướng thứ hai, ông Trần Hồng Hà, hiện vẫn đang bị điều tra.
Vụ xử hình sự tội tham nhũng thứ ba đối với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế - được biết đến với tên AIC – vẫn đang diễn ra tại Việt Nam. Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đã bị kết án vắng mặt 3 lần với các án tù lần lượt là 30 năm, 10 năm và 24 năm tù giam. Bà có quan hệ với ông Chính cả về mặt công viện lẫn cá nhân.
Từ phải sang: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Ủy viên Thường trực Ban Bí thư ĐCSVN Lương Cường và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi trước một phiên họp Quốc hội tại Hà Nội, ngày 20/5/2024. Nguồn ảnh: Hau Dinh/AP
Và có lẽ quan trọng hơn, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, người đã bị điều tra trước đó, cũng đã bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung Ương.
Mặc dù không nhất thiết có liên hệ trực tiếp nhưng Thủ tướng Chính đã là Bí thư Quảng Ninh trong giai đoạn 2011-2015. Người ta lo sợ việc Bộ Công an đào bới đống sổ sách giấy tờ của tỉnh có thể khiến ông sự nghiệp của Chính phải dừng lại.
Ông Lâm đã giao vị trí giám đốc công an Quảng Ninh cho một đồng minh của mình, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi vào tháng 8/2022 với một nhiệm vụ ngầm là tìm kiếm những vi phạm, khuyết điểm của ông Chính.
Điều khá hiếm hoi là một người có vị cấp cao như vậy lại được giao làm Giám đốc công an tỉnh.
Có các tin tức cho hay ông Nơi đang được khen thưởng vì những thành tích đã đạt được bằng việc đề bạt và đưa ông này về Hà Nội giữ cương vị Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội bộ của Bộ Công an. Đây là văn phòng này phụ trách về sự an nguyên của chế độ và chỉ dành cho những người đáng tin cậy nhất của Đảng.
Giữ đối thủ trong vòng kiếm soát
Điều tra tham nhũng cần những người mà quý vị có thể tin cậy và ai có thể đáng tin hơn là con trai của chính quý vị? Con trai duy nhất của ông Lâm, Thượng tá Tô Long, vừa được thăng chức và sẽ là Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương.
Sau một vài năm học ở nước ngoài, ông Lâm trẻ đã gia nhập bộ Công an và nhanh chóng leo qua các cấp bậc của mảng an ninh đối ngoại – nơi ông đã làm về các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc của Việt Nam.
Hải Dương là một lựa chọn thú vị đối với con trai ông Lâm. Đây làm một tỉnh nhỏ với dân số khoảng 2,4 triệu người nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, kẹp giữa Hà Nội và Hải phòng.
Đó là một vùng đất của các cơ sở công nghiệp. Vì thế đối với một người ít có kinh nghiệm trong ngành cảnh sát nhưng muốn theo dõi giới doanh nhân của đất nước thì đây là một nơi tuyệt vời để tìm hiểu, điều tra.
Mặc dù hiện chỉ là quyền Tổng bí thư, ông Lâm giờ đây có một con đường suôn sẻ để tiến đến mục tiêu được bầu chọn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào tháng 1/2026.
Các tù nhân đứng vỗ tay khi Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương (phải) và các sĩ quan công an đến tham dự buổi lễ tuyên bố Lệnh ân xá của Chủ tịch nước tại nhà tù Thanh Xuân, tỉnh Hà Tây. Ảnh chụp: 1/9/2000. Nguồn ảnh: Hoang Dinh/AFP
Ở nhiều khía cạnh, cái chết của ông Trọng đã tạo thêm sự ổn định chính trị cho đất nước hơn một chút. Nếu mục tiêu của các cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào các lãnh đạo cấp cao là để dọn đường cho ông Lâm kế nhiệm ông Trọng thì sứ mệnh này đã hoàn thành.
Một điều cuối cùng cần để ý là liệu Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang có được đề bạt vào Bộ Chính trị hiện chỉ có 14 thành viên và nếu có thì khi nào? Theo tiền lệ ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an luôn là thành viên Bộ Chính trị và ông Lâm sẽ rất muốn có thêm một đồng minh ở đó.
Dù thế nào chăng nữa, vừa là Chủ tịch nước đồng thời là quyền Tổng bí thư, ông Lâm hiện đang ở một vị thế quyền lực tuyệt vời để đi tới Đại hội Đảng lần thứ 14. Ông có đồng minh chủ chốt ở Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tổ chức Trung ương – những người sẽ giúp ông gây ảnh hưởng đối với việc lựa chọn hàng ngũ lãnh đạo trong 18 tháng tới. Và ông Lâm sẽ tiếp tục sử dụng các quyền điều tra của Bộ Công an để giám sát và cản trở bất kỳ đối thủ tham vọng nào.
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-pause-in-vietnam-elite-political-jockeying-for-nguyen-phu-trongs-funeral-08122024182543.html
Không có nhận xét nào