BBC News
26/8/2024
Nguồn hình ảnh, VGP/Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh, Từ trái qua: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Đúng như BBC đã đưa tin, chiều 26/8, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ba phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với các ông Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tiếp tục làm Bộ trưởng Tài chính cho đến khi kiện toàn chức danh này. Chính phủ sẽ không kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, do đó, ông Bùi Thanh Sơn sẽ là phó thủ tướng kiêm nhiệm.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã được Quốc hội miễn nhiệm vì vào ngày 21/8, ông đã được Bộ Chính phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế trung ương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thì đã bị miễn nhiệm để nghỉ công tác vì những vi phạm của ông.
Vào ngày 3/8, ông Khái đã bị cho thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tới ngày 13/8, Bộ Chính trị công bố kỷ luật ông Khái với hình thức cảnh cáo vì có liên quan đến Dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, trong giai đoạn ông làm Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2021.
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có nhiều sự thay đổi. Vào đầu nhiệm kỳ, chính phủ có bốn phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam, ông Lê Minh Khái và ông Lê Văn Thành.
Tuy nhiên, hai ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam đã bị miễn nhiệm vào ngày 5/1/2023 liên quan đến kỷ luật. Ông Lê Văn Thành qua đời vào ngày 22/8/2023. Tới hôm nay 26/8/2024, ông Lê Minh Khái cũng đã bị miễn nhiệm. Như vậy, bốn phó thủ tướng được Quốc hội 15 phê chuẩn vào đầu nhiệm kỳ nay đã không còn ai đương chức.
Ngày 5/1/2023, Quốc hội đã thông qua nghị quyết, phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang làm phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.
Tới ngày 6/6/2024, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày 26/8, Quốc hội đã miễn nhiệm ông Quang và ông Khái và phê chuẩn thêm ba phó thủ tướng.
Như vậy, lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có Thủ tướng Phạm Minh Chính và 5 phó thủ tướng, gồm các ông Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn.
Có thể nói, chính phủ 2021-2026 có số lượng phó thủ tướng thay đổi nhiều nhất trong những năm gần đây.
Chụp lại hình ảnh, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 của Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều biến động về nhân sự với việc thay đổi nhiều phó thủ tướng
Tiểu sử ông Nguyễn Hòa Bình
Nguồn hình ảnh, VGP
Chụp lại hình ảnh, Chân dung Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình
Ông Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1958, quê ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Bình là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 13, 14, 15.
Ông Nguyễn Hòa Bình tốt nghiệp trường Đại học An Ninh nhân dân và là nghiên cứu sinh Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô. Ông có trình độ chuyên môn là phó giáo sư, tiến sĩ luật.
Ông Bình có xuất thân từ ngành công an, từng mang hàm thiếu tướng. Thời gian làm trong Bộ Công an từ năm 1992 đến năm 2008, ông Bình đã kinh qua một số chức vụ gồm: phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm nhiệm cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an. Ông được phong hàm thiếu tướng công an vào tháng 4/2007.
Từ tháng 4/2008, ông được luân chuyển sang làm phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho đến tháng 5/2010 và trở thành bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ tháng 6/2010.
Tới tháng 7/2011, ông Nguyễn Hòa Bình được bầu làm viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và vào tháng 4/2016, ông được Quốc hội khóa 14 bầu giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 và tái đắc cử chức vụ này ở nhiệm kỳ 2021-2026.
Tháng 1/2021, ông được bầu vào Bộ Chính trị khóa 13 và sau đó vào Ban Bí thư.
Ngày 26/8/2024, ông trở thành phó thủ tướng.
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh, Vào ngày 15/6/2020, ông Nguyễn Hòa Bình, với cương vị là chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đã giải trình trước Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải
Với cương vị chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình từng là chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải từ ngày 6 đến ngày 8/5/2020. Trong phiên tòa này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kết luận không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải đã sát hại hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi.
Đáng chú ý trong quyết định trên, Hội đồng thẩm phán do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa đã kết luận:
“Những mâu thuẫn, sai sót trong thủ tục tố tụng ở quá trình điều tra, truy tố xét xử không làm thay đổi bản chất vụ án, không cần hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.”
Dư luận đã đặt nhiều câu hỏi băn khoăn, lo ngại về kết luận trên của Hội đồng thẩm phán.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hòa Bình cũng có những phát ngôn gây chú ý.
Ông từng phát biểu về vấn đề tội phạm chưa thành niên như sau: "Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả. Con cháu chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn; nhưng nếu các cháu có lỗi gì đấy thì sử dụng biện pháp tù giam, đấy không phải cách làm của chúng ta"; hay "Trại giam toàn là tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp. Vậy nên có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành chuyên nghiệp hơn."
Về quy định siết chặt ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng lúc xét xử, hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án, nên việc có máy quay, ghi âm, ghi hình khiến họ bị phân tán.
Có một số ý kiến cho rằng việc ông Nguyễn Hòa Bình làm phó thủ tướng là để thúc đẩy các vấn đề nội chính chính phủ cũng như là để cải cách tư pháp, một điều mà ông Bình đã liên tục nhấn mạnh trong những phát biểu của mình.
Ông Bình cũng từng mong muốn các nhà nghiên cứu sẽ có những đóng góp để phát triển và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử, tiếp thu kinh nghiệm từ quốc tế.
Tiểu sử ông Hồ Đức Phớc
Ông Hồ Đức Phớc sinh năm 1963, quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15. Ông là tiến sĩ kinh tế, cử nhân ngành tài chính-kế toán.
Trước khi lên trung ương, ông Hồ Đức Phớc từng đảm nhiệm nhiều cương vị ở tỉnh Nghệ An gồm: phó chủ tịch, chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò. Từ tháng 10/2010-3/2013, ông là phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông làm bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đến tháng 4/2016.
Tháng 1/2016, ông Hồ Đức Phớc trúng cử ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và trở thành tổng Kiểm toán Nhà nước vào tháng 4 cùng năm.
Tháng 1/2021, ông Hồ Đức Phớc tiếp tục được bầu vào ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 và giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính từ ngày 8/4/2021.
Ngày 26/8/2024, ông trở thành phó thủ tướng.
Nguồn hình ảnh, VGP
Chụp lại hình ảnh, Chân dung Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Vào ngày 16/9/2021, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu với cương vị người đứng đầu Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc đã gây sốc khi tiết lộ: "Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp."
Ông cũng nói thêm ngân sách dự phòng đã chi hết.
Đến chiều hôm sau (17/9), ông Hồ Đức Phớc đã làm rõ lại phát biểu này và khẳng định thông tin “ngân sách hết tiền”, hay “ngân sách trống rỗng” mà dư luận đang đề cập là ngân sách dự phòng chứ không phải ngân sách trung ương. Ông nói thêm rằng có thể cách nói của ông bị hiểu sai, cũng có thể do ông nói tiếng Nghệ An nên không rõ.
Một số ý kiến cho rằng việc đưa ông Phớc lên làm phó thủ tướng là để việc quản lý và điều phối được tốt hơn ở các khu vực tài chính công và khu vực kế hoạch-đầu tư cũng như toàn bộ khối kinh tế tổng hợp nói chung.
Cụ thể, với chuyên môn của mình, ông Phớc sẽ thay ông Lê Minh Khái ở những lĩnh vực, công tác mà ông Khái đang phụ trách bao gồm các lĩnh vực công tác về thương mại-xuất nhập khẩu; dự trữ và cung ứng xăng dầu; dịch vụ logistics...
Ông Phớc dự kiến sẽ theo dõi và chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm tiền gửi.
Tiểu sử ông Bùi Thanh Sơn
Ông Bùi Thanh Sơn sinh năm 1962, quê ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13 và là đại biểu Quốc hội khóa 15.
Ông Sơn đã công tác trong ngành ngoại giao hơn 30 năm tại các vị trí khác nhau và được đánh giá là một chính khách dày dặn, có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu quan hệ quốc tế, hoạch định chính sách đối ngoại, kinh tế quốc tế và đàm phán quốc tế.
Theo lý lịch được Bộ Ngoại giao công khai, ông Sơn tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại giao Việt Nam (nay là Học viện Ngoại giao) vào năm 1984.
Năm 1993, ông tốt nghiệp thạc sĩ quan hệ quốc tế, Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Ông nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.
Vào tháng 11/2009, ông Sơn được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao ở tuổi 47 và trở thành một trong những thứ trưởng trẻ tuổi của Bộ Ngoại giao.
Cả sự nghiệp của ông Bùi Thanh Sơn đều gắn với ngành ngoại giao.
Ông bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao từ tháng 9/1987 và kinh qua nhiều vị trí tại Học viện Ngoại giao. Từ tháng 3/2000 – 7/2003, ông làm tham tán công sứ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.
Nguồn hình ảnh, VGP
Chụp lại hình ảnh, Chân dung Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Từ tháng 9/2008-11/2009, ông giữ cương vị trợ lý bộ trưởng Ngoại giao, vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao.
Trong giai đoạn từ tháng 9/2008 – 6/2012, ông còn là trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Tháng 11/2009, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng và từ tháng 7/2016 là thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.
Vào tháng 1/2016, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Tháng 2/2021, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Ngày 8/4/2021, Quốc hội thông qua việc bổ nhiệm ông vào vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ngày 26/8/2024, ông trở thành phó thủ tướng.
Nguồn hình ảnh, LƯƠNG THÁI LINH/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) bắt tay cùng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (phải) tại Hà Nội ngày 15/4/2023
Một điều đáng lưu ý là nhiều đời bộ trưởng Ngoại giao là do một phó thủ tướng kiêm nhiệm, ít nhất kể từ năm 2006-2021.
Nhiệm kỳ 2006-2011, người đứng đầu ngành ngoại giao là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.
Tương tự, từ năm 2011-2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho tới khi ông Bùi Thanh Sơn được bầu giữ chức bộ trưởng Ngoại giao.
Với việc được bầu làm phó thủ tướng và vẫn giữ chức bộ trưởng Ngoại giao, ông Bùi Thanh Sơn đã tiếp nối truyền thống của những người tiền nhiệm.
Ông Sơn sẽ thay ông Trần Lưu Quang để phụ trách, theo dõi, chỉ đạo về các vấn đề ngoại giao và quan hệ đối ngoại cũng như vấn đề về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Theo đó, ông Sơn sẽ theo dõi và chỉ đạo các bộ gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông Sơn đã có những chuyến công du đến một số nước gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, Nga là nước đầu tiên mà ông Sơn thăm chính thức trên cương vị bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3rd78g2j73o
Không có nhận xét nào