Chương 11 - hết
Jörg Wischermann và Gerhard Will (chủ biên)
Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)
Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.
Gerhard Will/Jörg Wischermann
Chương 11 Huyền thoại chính trị ở Việt Nam và những bài học rút ra cho các khu vực khác.
Huyền thoại chính trị: Nội dung cốt lõi, tính thời thượng và bối cảnh của huyền thoại
Huyền thoại chính trị tại Việt Nam cũng như huyền thoại về Viêt Nam gắn liền với nhiều đề tài và với nhiều địa hạt khác nhau. Các tác giả của những bài viết trong chuyên khảo này đã phân tích các huyền thoại lịch sử, chính trị, kinh tế cũng như khoa học. Nghiên cứu của họ cho thấy rõ ràng rằng, các huyền thoại luôn luôn được hình thành tại những nơi các nhóm đông con người giao tiếp với nhau, hợp tác hay đối kháng nhau. Các huyền thoại có chức năng định hướng, trao tính chính danh vào tay nhà cầm quyền và tạo nên, hay đúng hơn, gắn kết mối liên minh xã hội.
Các huyền thoại được giới thiệu trong tập chuyên khảo này rất đa dạng. Được phân tích ở đây, trước hết, là các huyền thoại có lịch sử xa xưa, vốn dựa trên các sự kiện từng xảy ra từ rất lâu trong quá khứ và các đối tượng của những huyền thọai này cũng đã biến đổi theo tiến trình lịch sử dài lâu đó. Các huyền thoại khác lại được quy vào những sự kiện cụ thể và được xác định rõ ràng, ví dụ như huyền thoại về Đại hội lần thứ 6 của Đảng, đại hội được mệnh danh là đại hội „cải tổ“. Tuy thế, các huyền thoại như vậy đều nhằm vào một tác động dài lâu và cùng nhau tạo nên những huyền thoại mới, chẳng hạn như huyền thoại về một Nhà nước vững mạnh và sức mạnh của nhà nước đó dựa trên „sự lãnh đạo đúng đắn“ của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Ngay trong thí dụ sau cùng này, ta cũng không nên bỏ qua một sự thực là các huyền thoại cũng có thể xơ cứng thành các nghi lễ, những nghi lễ chỉ còn có tác dụng tự động viên chính mình – trong trường hợp này là Đảng CSVN – chứ không còn được người ngoài cuộc hưởng ứng là bao nữa.
Các huyền thoại cũng chịu tác động mạnh của các dao động mang tính thời thượng. Một số huyền thoại phụ thuộc chặt chẽ và hoàn cảnh và điều kiện môi trường khách quan đến mức, khi các hoàn cảnh và điều kiện môi trường khách quan đó không còn nữa thì chúng liền rơi rất nhanh vào quên lãng. Ngày nay còn ai nhớ đến huyền thoại về „tình đoàn kết bất di bất dịch với nhân dân Việt nam“ của phong trào „năm 68“, một huyền thoại mà hiện giờ những người trong cuộc hôm xưa gọi là „rác rưởi trong đầu“ nữa đâu? Các huyền thoại khác (như huyền thoại về Nhà nước xã hội chủ nghĩa tập trung bền vững) lại tỏ ra vững chãi hơn cũng như ít phụ thuộc vào thời gian hơn và sẽ luôn luôn hợp thời, một khi đôi ba cơ chế chính trị, xã hội và kinh tế vốn hữu dụng không còn đủ sức lý giải những khuynh hướng phát triển hay khủng hoảng hiện thời nữa; tức là khi tính chính danh của nhóm cầm quyền lâu nay bị rạn nứt hoặc một nhóm mới ngoi lên đòi chiếm đoạt tính chính danh đó.
Mặc dù „huyền thoại“ thường gắn liền với những câu chuyện hoang đường, phi thực tế, hoặc do tưởng tượng mà ra, nhưng trong cốt lõi nó vẫn phải mang các chức năng thiết lập đường hướng, xây dựng cơ cấu, tạo ra những hình ảnh để qua đó, góp phần tạo nên lòng tự tin, tự khẳng định mình. Nghi vấn, thậm chí đập bỏ huyền thoại cũng có nghĩa là „phá rào“ vậy. Đối diện nó với những kiến thức mới, với các bằng chứng có thể kiểm nghiệm được, phân tích các chức năng của nó, hầu như tất yếu sẽ dẫn tới sự hoang mang và làm nảy sinh nhu cầu tạo ra các huyền thoại mới, những huyền thoại không những sẽ vạch ra các đường hướng mới mà còn tạo ra một sức hấp dẫn mới, mang nội dung mới. Như thế, huyền thoại chính là các biểu thị cho những vấn đề mà mọi chế độ chuyên quyền chính trị, nhưng đặc biệt, là các chế độ được xem là độc quyền, phải đối mặt.
Bởi thế cần phải luôn luôn hiểu và phân tích các huyền thoại chính trị trong bối cảnh xã hội của chúng. Các huyền thoại bao giờ cũng mang những chức năng chính trị nhất định. Chúng có thể củng cố sự bền vững của một nền chuyên chế chính trị, nhưng cũng có thể làm suy yếu nó. Chúng có tầm cỡ và gốc gác văn hóa xã hội, đồng thời chúng cũng được quyết định đáng kể bởi các yếu tố kinh tế. Các huyền thoại chính trị nằm trên ba bình diện của xã hội là những bình diện quyết định và ảnh hưởng lẫn nhau.
Nếu ta đặt một khái niệm xã hội mang tính bao quát như thế làm nền tảng, thì các huyền thoại được nghiên cứu trong chuyên khảo này còn vươn ra khỏi Việt Nam và động viên chúng ta rút ra các kết luận và bài học khác nhau. Trong bài viết cuối cùng của chuyên khảo, chúng tôi sẽ trình bày các bài học và kết luận đó, đồng thời cũng vạch ra những nét tương đồng tồn tại giữa một bên là Việt Nam với bên kia là các khu vực khác, cả ở châu Á lẫn châu Âu, và đương nhiên, ngay tại nước Đức.
Các bài học và kết luận nêu ra sau đây dựa trên ba bình diện nói trên, cũng như trên sự tương tác giữa chúng với nhau:
Bình diện văn hóa, một bình diện cũng bao hàm các hình thức của ý thức hệ: Ở đây sự chú ý được tập trung vào vấn đề lịch sử đã được công cụ hóa như thế nào cũng như bản sắc văn hóa và dân tộc đã được thiết kế ra sao để tạo tính chính danh cho nền chuyên chính và động viên quần chúng thuộc hạ. Phần này dựa trên các bài viết của Vũ Đức Liêm, Martin Großheim và Gerhard Will.
Lĩnh vực chính trị: Ở đây, nằm ở trung tâm là các bên hữu quan, các cơ quan và tổ chức chính trị quan trọng, nếu không phải là quan trọng nhất. Đó là các bên hữu quan thuộc nhà nước và chính „Nhà nước“, kể các xã hội dân sự, các tổ chức xã hội dân sự, các không gian thuộc về nó (cụ thể là thé giới blog) cũng như các hoạt động của nó (ví dụ như hoạt động đoàn kết quốc tế). Phần này nằm trong phạm vi nghiên cứu của các tác giả Martin Gainsborough, Jörg Wischermann, Nguyễn Hồng Hải và Bùi Hải Thiêm.
Nền tảng kinh tế: Ở đây, được đề cập đến là tác động của những chính sách kinh tế nhất định cũng như quan niệm gắn liền với nó, quan niệm cho rằng chỉ cần có các chính sách kinh tế đúng đắn là đủ xoay chuyển phần lớn, nếu không phải là tất cả mọi sự, một cách tốt đẹp cho đa phần các thành viên trong xã hội. Ngược lại, Adam Fforde hướng sự chú ý của chúng ta ra xa khỏi các hoạt động „khôn ngoan“ của giới cầm quyền mà vào các bên hữu quan gọi là lớn và nhỏ trong nền kinh tế, cũng như đến các nhà lãnh đạo và công nhân viên nam nữ tại các xí nghiệp nhà nước cũng như các hộ nông dân hay doanh nghiệp nhỏ.
Các bài học và kết luận
Huyền thoại lập quốc, các bức tranh về lịch sử, sự độc đáo của dân tộc và hậu quả của sự công cụ hóa
Như Vũ Đức Liêm đã chỉ rõ trong bài viết của mình, ở Việt Nam người ta cũng sử dụng một huyền thoại lập quốc để chứng minh cho mầm mống của nền văn hóa và bản sắc riêng và, qua đó, đặt nền móng cho đòi hỏi về một nền độc lập cũng như tính chất độc đáo của dân tộc. Nhưng huyền thoại về các Vua Hùng khác biệt với các huyền thoại lập quốc của các dân tộc khác ở chỗ, huyền thoại này gắn sự kiện lập quốc và thời gian trị vì với những dữ liệu cụ thể về ngày tháng là một việc nhằm chứng minh độ chính xác về mặt lịch sử của các sự kiện đó. Bởi vì, cùng với việc xác định năm thành lập triều đại các vua Hùng là năm 2879 trước Công nguyên, một bằng chứng đã được đưa ra để cho thấy rằng, thời khắc „ra đời“ của dân tộc Việt Nam đã sớm hơn rất nhiều so với thời khắc ra đời „chính xác“ mà nước láng giềng Trung Hoa có thể đưa ra.
Để thiết kế một bản sắc dân tộc và một lịch sử độc đáo, cùng với huyền thoại về nguồn gốc cần phải có một đối cực hay một đối thủ đe dọa tính độc đáo ấy, một kẻ địch mà người ta thường xuyên phải chống chọi để bảo toàn tính độc đáo đó. Sự cường điệu mối quan hệ đối kháng về mặt ý thức hệ càng trở nên cần thiết khi mối quan hệ này mang tính hai mặt lệ thuộc nhau. Mối quan hệ giữa Trung Hoa và Việt Nam là một thí dụ sinh động cho vấn đề này. Như Gerhard Will đã trình bày trong bài viết của mình, mối quan hệ của Việt Nam đối với Trung quốc được đánh dấu, một mặt, bởi sự giao tiếp văn hóa ồ ạt, mặt khác, lại được đặc trưng bởi những cuộc xung đột đẫm máu diễn đi diễn lại. Tương tự như thế, trong bối cảnh châu Âu, ta có thể nêu ra mối quan hệ giữa Ukrain với nước Nga, hay giữa Irland với nước Anh và, tất nhiên, mối quan hệ Đức – Pháp làm thí dụ.
Do tính hai mặt mang nguồn gốc lịch sử đó, cho nên, nếu người ta muốn đề cao truyền thống tự lập và nền độc lập, thì người ta phải mô tả mối quan hệ song phương đó như một cuộc đấu tranh không ngừng giành độc lập và xác định cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là nét đặc trưng quan trọng nhất của bản sắc dân tộc mình. Một bức tranh chung về kẻ thù có thể rất có ích, khi cần vượt qua các mặt đối lập về lợi ích nhóm hoặc các khác biệt địa phương, để tạo nên sự đồng thuận trong toàn quốc. Chính ngay tại một đất nước như Việt Nam, một đất nước được đặc trưng bởi nhiều đặc điểm địa lý, các truyền thống văn hóa cũng như tiềm năng kinh tế hết sức khác nhau, và vùng lãnh thổ như hiện nay mãi đến đầu thế kỷ 19 mới thực sự định hình, thì đó là một nỗ lực vừa cần thiết vừa hết sức khó khăn.
Điều đó đòi hỏi một bức tranh lịch sử được định hướng một cách rõ rệt vào mục tiêu thống nhất dân tộc và bao hàm tiến trình lịch sử trong một hệ thống khái niệm và phạm trù mà đối với các tác nhân lịch sử thật ra không quan trọng. Dân chúng Việt Nam – những người trong thế kỷ 19 từng nổi dậy chống nền thống trị của thực dân Pháp ấy – đã động viên sức mạnh và niềm tự tin của mình từ một bức tranh lịch sử mà, trong đó, họ coi mình là người kế tục các vị anh hùng từng chiến thắng các cuộc xâm lược của phong kiến Trung Hoa trong nhiều thế kỷ trước. Họ coi các xung đột với Trung Quốc là cuộc chiến đấu giành độc lập cho đất nước mình, mặc dù các khái niệm như dân tộc, độc lập dân tộc hay toàn vẹn lãnh thổ mãi về sau này mới được phát triển ở châu Âu và từ đó lan tỏa sức lôi cuốn dữ dội sang các nước thuộc địa châu Á.
Kiểu phạm trù hóa và công cụ hóa lịch sử như thế không những phục vụ cho việc tự động viên, mà còn – khi Đảng CS càng thâu tóm thêm quyền lực – càng được dùng mỗi ngày một nhiều cho việc chính danh hóa và củng cố quyền hành của Đảng. Trong chuyên khảo này, Martin Großheim đã phân tích các nỗ lực to lớn của Đảng CS Việt Nam nhằm mô tả mình là lực lượng chính danh duy nhất trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, để qua đó, biện hộ cho đòi hỏi độc quyền lãnh đạo của Đảng. Thông qua bộ máy chính quyền nằm trong tay mình, Đảng CS Việt Nam có thể chiếm độc quyền diễn giải không những tại các cơ quan tuyên truyền, mà cả tại các trường đại học, trường phổ thông hay viện bảo tàng.
Nhằm bảo vệ độc quyền lãnh đạo và tổ chức nhà nước, Đảng CS Việt Nam không chỉ dựa vào việc biến đổi và công cụ hóa lịch sử Việt Nam hiện đại mà thôi. Sự tham gia tích cực của Đảng và Chính phủ vào việc tôn sùng các Vua Hùng cũng như sự ca ngợi các chiến thắng chống „quân xâm lược phương Bắc“ là bằng chứng cho thấy, để tự khẳng định mình, Đảng CS Việt Nam coi việc cố gắng bảo vệ và phát triển „truyền thống dân tộc“, ít nhất, cũng có tầm quan trọng ngang với – hay thậm chí còn quan trọng hơn – việc chứng minh Đảng đã luôn luôn theo đuổi đường lối „đúng đắn“, khác hẳn với các đảng phái chính trị khác.
Sở dĩ vậy là vì Đảng CS Việt Nam cũng nỗ lực nhằm dàn dựng những viễn cảnh hấp dẫn của tương lai tươi sáng cũng như nhằm phác thảo các giá trị và tiêu chuẩn của „một nền văn hóa chủ đạo“ xứng đáng với đòi hỏi về tính độc đáo của dân tộc. Những khái niệm hết sức mập mờ, và do đó kém thuyết phục, như khái niệm „định hướng xã hội chủ nghĩa“ làm bộc lộ một nghịch lý mà, để giải thoát, người ta phải tìm cách lục lại và dựa vào các khuôn mẫu lý giải truyền thống xưa kia. Các xung đột gần đây với Trung Quốc xung quanh các đòi hỏi chủ quyền khác nhau trong miền biển Đông cho thấy, biện pháp dựa vào quá khứ tuyệt nhiên không phải là không rắc rối. Biện pháp đó cản trở việc cân nhắc một cách tỉnh táo các cơ hội và vấn đề mà quốc gia láng giềng hùng mạnh tạo nên, một quốc gia mà do vị trí địa lý của nó, người ta buộc phải thỏa hiệp giao lưu bằng cách này hay cách khác. Bất kỳ chính quyền Việt Nam nào tiến hành sự cân nhắc như thế và thực hiện các thỏa hiệp tương ứng cũng vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận công chúng tại Việt Nam, bởi công chúng xem đó không những là sự phản bội lợi ích dân tộc, mà còn là sự phản bội truyền thống của Tổ quốc. Tình thế đó tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến các xung đột càng thêm gay gắt, đồng thời, làm cho việc giải quyết các xung đột đó càng trở nên bất khả thi.
Nhà nước, chủ nghĩa chuyên chế, xã hội dân sự và thế giới blog
Nhà nước: sự tích tụ các mối quan hệ xã hội – ở Việt Nam cũng như ở các nơi khác
Suốt một thời gian dài, việc phân tích và nghiên cứu các nhà nước chuyên chế bị chi phối bởi một khái niệm về nhà nước và xã hội, tuy không được củng cố vững vàng về mặt lý thuyết nhưng lại được chứng minh trong thực tiễn. Ở trung tâm của phép phân tích này là quan niệm về một nhà nước tập quyền toàn năng, và đối đầu với nó là một xã hội dân sự yếu ớt hay thậm chí không tồn tại. Trong các thập niên giữa các năm 1980 và 2010, người ta thường hình dung xã hội dân sự là lĩnh vực hỗ trợ và khuyến khích dân chủ một cách vô điều kiện, nhưng lại tách rời với nhà nước, với nền kinh tế cũng như gia đình – một quan niệm thiển cận về lý thuyết, dễ dàng đưa đến các kết luận sai lầm về chính trị lẫn khoa học cũng như xa rời thực tế.
Đối với chủ nghĩa chuyên chế và nhà nước chuyên chế, cho đến tận ngày nay, thậm chí quan niệm vẫn còn chiếm ưu thế là quan niệm cho rằng, chúng chỉ dựa trên sự cưỡng chế chứ không dựa ở mức độ nhất định vào sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, người ta cũng cho rằng chủ nghĩa chuyên chế và nhà nước chuyên chế hầu như không có khả năng phản ứng linh hoạt, hay không có khả năng cải tổ và thường áp dụng bạo lực thô bạo chống lại thế giới blogger. Người ta vẫn hình dung thế giới này là một loại không gian phi độc đoán và cũng là nơi bảo đảm an toàn cho các thảo luận phê phán nhà cầm quyền diễn ra. Các tham luận của chuyên khảo này tiến hành nghiên cứu và phê phán nội dung sai lầm của các quan niệm như thế về nhà nước, chủ nghĩa chuyên chế, xã hội dân sự cũng như về thế giới blog.
Từ bài viết của Martin Gainsborough, trước hết người ta có thể rút ra bài học là „nhà nước xã hội chủ nghĩa tập trung và bền vững“ là một huyền thoại mang nhiều khía cạnh. Nếu đặt vấn đề tìm hiểu sâu sắc hơn về nó, thì, có lẽ, sẽ có ích hơn, khi ta – thay vì xuất phát từ quan điểm về quyền tổ chức toàn năng của nhà nước – xem xét vấn đề từ góc độ rời xa nhà nước và thiên nhiều về xã hội hơn. Theo một trong những quan điểm như thế, thảo luận về „nhà nước“ có nghĩa là đụng chạm đến các tác nhân xã hội trong cuộc, đến lợi ích của họ và các hoạt động khác nhau dựa trên các lợi ích đó và qua đó, đụng chạm đến các trò ngấm ngầm sinh lợi lộc của đám nhân viên nhà nước, của các chính khách nhiều quyền lực cũng như đến các mạng lưới do họ tạo nên. Nhưng quan điểm xã hội này về nhà nước cũng bao hàm nội dung không xem nhà nước là „thứ gì đó“, là một thực thể lơ lửng bên trên xã hội và, xét cho cùng, tách rời khỏi xã hội đó, hay thậm chí coi nhà nước là một trọng tài trung lập mang nguồn gốc sức mạnh riêng. Việc xem xét nhà nước, kể cả nhà nước chuyên chế, là một thực thể „lặn ngập“ (Mitchell) vào xã hội dưới dạng này hay dạng khác, hoặc liên kết chặt chẽ với nó là việc có ích hơn nhiều. Với một quan điểm như thế, nền tảng của nhà nước (sự phân chia xã hội thành giai cấp và tầng lớp) và tính chất giai cấp sẽ lại lọt vào tâm điểm của sự chú ý. Như thế, nhà nước chuyên chế cũng như nhà nước tư bản sẽ được xem là sản phẩm cần thiết hay thứ bảo lãnh cho những quan hệ sản xuất, sở hữu và giai cấp nhất định.
Xuất phát một quan điểm nhất định, tức là quan điểm marxit, thì nhà nước có thể được xem là một „mối quan hệ xã hội“ (Poulantzas). Khi Martin Gainsborough đưa ra các lý lẽ phản bác huyền thoại về một nhà nước tập quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, ông đã vận dụng một điều từng được quan sát thấy từ lâu trong các bộ môn khoa học xã hội là, không những lại cần phải nghiên cứu „nhà nước“, trước hết là nhà nước tư bản, theo quan điểm lý thuyết (thay vì „chỉ“ nghiên cứu sự cai trị thuần túy và hiện tượng „cai quản (governance)“), mà còn (lại) phải xem xét nhà nước đó trong mối quan hệ nhiều mặt với xã hội và, nói như Gramsci từng nhấn mạnh, phải đánh giá nó là lĩnh vực chính trị của xã hội
Bác lại quan điểm gần như bất khả tri do Gainsborough đưa ra đó về nhà nước, – một cách nhìn nhận cho rằng, suy cho cùng, ta chẳng biết nhà nước là gì, và có thể ta cũng sẽ không thể biết nó là gì -, là các ý kiến của Gramsci, Poulantzas và Sauer; họ xem nhà nước là một mối quan hệ xã hội, sự thể chế hóa và „sự tích tụ vật chất của các mối quan hệ xã hội“ (Poulantzas), trong đó những lực lượng xã hội nhất định (giai cấp, phân nhóm giai cấp và tầng lớp xã hội) cũng như các quan điểm tùy thời có thể nắm những vai trò bá chủ, những vai trò luôn luôn bị tranh giành gay gắt.1
Lấy Indonesia làm thí dụ, Robinson/Hadiz cho thấy biện pháp coi nhà nước là mối quan hệ xã hội tích tụ về vật chất, nhưng đồng thời, không loại trừ quan niệm cho rằng Nhà nước có thể thành món mồi ngon cho các lực lượng xã hội riêng rẽ, là một biện pháp có thể có hiệu quả như thế nào. Các phân tích của họ được tiến hành trước và sau năm 1997 (là năm Soeharto bị lật đổ) cho thấy rằng, gần như cùng những lực lượng mang nhiều ảnh hưởng về mặt kinh tế ấy, – những lực lượng từng nhiều năm ủng hộ nền độc tài Soeharto cũng như được nền độc tài đó nuôi dưỡng -, từ khi nền độc tài sụp đổ và Indonesia chuyển dần sang một kiểu nền dân chủ, lại cũng chính là, hay vẫn là, những lực lượng điều khiển và lãnh đạo sự phát triển về kinh tế, chính trị cũng như xã hội Indonesia.2
Nghiên cứu này phải hứng chịu sự phê phán về kinh tế và chính trị, một sự phê phán cho rằng, xét về chế độ cai trị của các đại diện lợi ích cũ và mới thì gần đây Indonesia đã trở nên đa nguyên hơn rồi. Chẳng hạn, Aspinall và Mietzner lập luận rằng, gần đây tầng lớp trung lưu mới đã hình thành, một xã hội dân sự vững mạnh cũng như các bên trong cuộc khác đã giành được ảnh hưởng trong nhà nước Indonesia so với giới tài phiệt và các mạng lưới cũ, là giới vẫn tiếp tục – ít nhất cũng là một phần – chiếm cứ Indonesia như chiếm cứ món mồi riêng.3 Ở đây ta không cần bình luận thêm nữa về cuộc thảo luận xung quanh tính chất nhà nước Indonesia. Song, cần chỉ ra một điều rằng, cách nhìn nhận nhà nước là một mối quan hệ xã hội có vẻ là cách nhìn nhận có ích. Cách nhìn nhận này bao hàm nội dung cho rằng, cho dù người ta coi nó là một tổ hợp thể chế hay thậm chí là một thứ chủ thể mang nguồn vốn và tiềm năng nhất định, ta vẫn không thể xem nhà nước là một yếu tố hữu quan trung lập hay là một công cụ không mang ý chí riêng được.4
Như vậy, xuất phát từ quan niệm của Poulantza về nhà nước, cũng như dựa trên sự phân tích của Robinson và Hadiz về các quan hệ quyền lực và thống trị ở Indonesia – rõ ràng là khi nghiên cứu về Việt Nam, người ta cũng phải nghiên cứu xem các lợi ích kinh tế và chính trị nào được đại diện như thế nào và ở đâu trong nhà nước Việt Nam, các quyết định phục vụ những lợi ích kinh tế nhất định được thực hiện ở đâu và như thế nào trong hệ thống chính trị-hành chính, đồng thời logic riêng và nền tự trị tương đối nào của bộ máy chính trị-hành chính nảy sinh đối lập với những lợi ích nào, v.v. Việc cho đến nay, đối với Việt Nam, vẫn chưa có sự phân tích như vậy về nhà nước, cũng có thể là một hậu quả xuất phát từ hiệu lực dường như không suy giảm của huyền thoại về nhà nước xã hội chủ nghĩa tập truyền bền vững tại Việt Nam vậy.
Xã hội dân sự: không „tốt“ cũng chẳng „xấu, đúng hơn là „đa giá trị“
Không phải chỉ trong trường hợp của Việt Nam mà thôi, xã hội dân sự được nhiều người xem như một đối thủ chuyên ủng hộ dân chủ và như pháo đài chống lại nhà nước, nhất là nhà nước chuyên chế. Ngay tại các nhà nước dân chủ cũng vẫn còn nhiều người tán thành quan điểm đó. Trong bài viết của mình về huyền thoại khoa học đối với xã hội dân sự, Jörg Wisschermann đã vạch ra các sai sót lý thuyết và khiếm khuyết về thực tiễn của quan điểm này và cho thấy rằng, nó dẫn đến những kết quả và kết luận chính trị chỉ được củng cố trong các giả định lý thuyết mà thôi. Các nhà cầm quyền chuyên chế cũng rất ưa sử dụng quan điểm đó, một quan điểm xem xã hội dân sự là nơi nương tựa và trường học của lý tưởng dân chủ (phương Tây), là người ủng hộ (toàn cầu) của nền dân chủ và đóng vai trò đối trọng với nhà nước. Họ sử dụng nó cả ở Việt Nam lẫn những nơi khác, bởi vì một quan niệm như thế về xã hội dân sự giúp họ dễ dàng hành động hơn trong việc bảo vệ nền chuyên chế của chính họ cũng như trật tự xã hội hiện hành chống lại bọn âm mưu lật đổ, gây rối hay phá họa.
Song, các nghiên cứu xã hội học thực tiễn lại cho thấy rằng, các xã hội dân sự và những tổ hợp đa dạng của nhiều hiệp hội đại diện cho các xã hội đó không phải bao giờ cũng là „trường học dân chủ“ cả; tuy ở nhiều nơi, chúng đã dân chủ hóa nhiều chế độ chuyên chế, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng lại củng cố các chế độ như vậy và đôi khi, còn đóng cả hai vai trò cùng một lúc. Khi tuân theo các định đề mang tính phê phán và khác luồng về xã hội dân sự, các nghiên cứu này không xem xét nhà nước ở một bên này và xã hội dân sự cùng các tổ chức xã hội dân sự (CSO) ở bên kia, là các chủ thể xung đột nhau. Trái lại, họ xem chúng là những bộ phận của tổng thể các mối quan hệ xã hội-chính trị cũng như của các mối xung đột xã hội cấu thành nên nhà nước. Cách nhìn nhận như thế bao hàm một nhận thức cho rằng, chính các tổ chức xã hội dân sự cũng là lãnh địa của các mâu thuẫn xã hội, đồng thời, cũng là bộ phận của những phương thức đặc biệt nhằm thực thi quyền lực của nhà nước và qua đó, có thể góp phần bảo toàn nền chuyên chế của nhà nước. Nhưng, chúng cũng có thể làm thay đổi nền chuyên chế, bởi vì hoạt động của chúng không được quyết định một cách đơn thuần và máy móc bởi cơ sở kinh tế; vì các nhà nước „luôn luôn là những dự án có tranh chấp“ và do „tính nhà nước bao giờ cũng mang đặc tính thỏa hiệp“.5 Bởi vậy, ít nhất cũng tồn tại cơ hội để „thay đổi và chuyển hóa các mối quan hệ giai cấp và giới tính“.6 Như vậy, các tổ chức xã hội dân sự, diễn đạt như Kössler đã diễn đạt một cách súc tích, là các tổ chức „đa giá trị“.7
Nói cách khác: Ở cả châu Á lẫn châu Âu, việc xem các xã hội dân sự và các cá nhân lẫn tổ chức tạo nên chúng là những gì tốt đẹp về nguyên tắc là việc không hợp lý. Các xã hội dân sự không phải là các đấng cứu tinh và, ngay tại các nhà nước phương Tây, cũng hiếm khi tuân theo các quan điểm lý thuyết cũng như hình thức thực tiễn mà một số nhà lý thuyết – trong đó trước hết là các nhà lý thuyết thuộc hàng ngũ lý thuyết „chính luồng“ từng chi phối khá lâu bộ môn nghiên cứu xã hội dân sự – truyền bá. Về vấn đề này Sheri Bermann đề nghị, nên hiểu xã hội dân sự và các CSO là „những hệ số nhân trung lập về chính trị, những hệ số không „tốt“ cũng chẳng „xấu“.8 Phát triển thêm ý kiến của Bermann và đặt một quan niệm mang tính chức năng và duy lý về xã hội dân chủ làm nền móng, ta có thể kết luận: Xã hội dân sự và CSO là gì, một mặt, phụ thuộc vào môi trường chính trị, vào các giá trị của những ai giám sát môi trường đó cũng như vào các tác động, mà họ gây ra đối với xã hội dân sự và CSO, và mặt khác, vào các tác động mà các xã hội dân sự và CSO gây ra đối với môi trường chính trị cũng như đối với các giá trị của những tác nhân giám sát môi trường đó. Các xã hội dân sự có thể thúc đẩy sự dân chủ hóa nhiều chế độ chuyên chế, song chúng cũng có thể đóng vai trò hỗ trợ các nền cai trị như thế – như một số thí dụ ở Việt Nam, Algerie, Mosambik đã cho thấy.9
Các nền chuyên chế: sự đồng thuận xã hội bất chấp sự đàn áp
Các nhà nước chuyên chế như Việt Nam thường được mô tả thành những nền độc tài lì lợm, tại đó sự võ đoán, cưỡng chế và đàn áp ngự trị. Các thang đánh giá phổ biến về các nền dân chủ và chuyên chế, như thang đánh giá của „Freedom House“ có thể cho thấy rõ kiểu đánh giá như vậy. Cả đời sống chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Đức cũng được tóm gọn trong nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố thành sự áp bức, võ đoán và cưỡng chế. Như thế, các nền chuyên chế được dựng thành mô hình đối lập với nền dân chủ sinh động, khoan dung, phi bạo lực và mềm dẻo vốn quen thuộc tại Đức đây.
Khi mô tả như thế, không những chỉ có các khía cạnh thuộc quá trình thoái hóa của nền dân chủ ở thời đại „hậu dân chủ“ (Crouch) không được xem xét một cách thỏa đáng, mà ngoài ra, còn bỏ qua một sự thực là, gần đây, trên thế giới tồn tại nhiều nền chuyên chế và „bán dân chủ“ hơn các nền dân chủ. Điều đó khiến ta phải đi đến kết luận rằng các nền chuyên chế và „bán dân chủ“ phải có sức hấp dẫn nhất định đối với dân chúng sinh sống tại những nơi đó. Như Nguyễn Hồng Hải giải thích trong bài viết của mình, chế độ chuyên chế ở Việt Nam cũng là chế độ không chỉ dựa vào cưỡng chế và đàn áp không thôi. Trái lại, sự bền vững của chế độ đó còn dựa ở mức độ đáng kể vào sự đồng thuận của xã hội. Nguyên nhân của sự thật đó rất có thể nằm ở chỗ, hệ thống chính trị hiện hành dù sao cũng mang lại cho đa phần dân chúng Việt Nam những cải thiện đáng kể về kinh tế và việc họ chấp nhận im lặng về chính trị trước nhà cầm quyền chuyên chế như một phần của „thỏa thuận“ giữa hai bên với nhau. Để cũng diễn đạt như Gramsci, có thể nói nhà nước tư bản chủ nghĩa (và chúng tôi coi nhà nước Việt Nam cũng là một nhà nước như thế) – ngay trong các mối quan hệ của chủ nghĩa nhà nước (duy kinh tế) – bao giờ cũng mang ý nghĩa và bao hàm „sự bá chủ được trang bị bằng sự cưỡng chế“.10 Krennerich căn cứ vào quan điểm của Johannes Gerschewski mới đây đã chỉ ra trong tác phẩm „Rút ra từ nghị viện và lịch sử đương đại“ rằng, bầu cử trong các nền chuyên chế không phải chỉ là bầu cử giả hiệu.11 Nó cũng đóng góp vào việc chính danh hóa chế độ và hỗ trợ việc dung nạp các tư tưởng phê phán. Như thế, bầu cử là công cụ quan trọng cho việc thực thi và chính danh hóa chế độ cầm quyền, cả trong các nền dân chủ lẫn trong các nền chuyên chế.
Cũng như ở các nơi khác, nhà cầm quyền ở Việt Nam còn thực sự biến khả năng thích ứng mềm dẻo làm nhãn hiệu cho mình và tỏ ra biết nhận thức ở mức độ nhất định, thường là hợp lý trong những hoàn cảnh bắt buộc. Bài viết của Adam Fforde cho thấy rõ rằng, vào những hoàn cảnh như vậy, việc người ta lấy công kẻ khác để tự gán cho mình là việc thường xảy ra. Ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý một điều là không chỉ những người cộng cản Việt Nam đang cầm quyền mới đủ khả năng giành được sự đồng thuận chung đối với các chính sách của họ và hưởng lợi từ đó mà thôi.
Trong bài viết của mình, Nguyễn Hồng Hải dẫn ra một trong nhiều vụ việc, là vụ xảy ra vào mùa hè năm 2017, trong đó Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thỏa thuận với dân làng (Đồng Tâm) và cam kết bảo đảm không áp dụng các biện pháp hình sự đối với dân làng, mặc dù họ đã giam giữ hàng chục cảnh sát trong làng họ. Ông ta làm việc này để báo hiệu nhà nước sẵn sàng đối thoại, nếu dân chúng chống lại nỗi bất công mà chính quyền (địa phương), quân đội cùng doanh nghiệp viễn thông trực thuộc Bộ quốc phòng (VIETTEL) gây ra cho họ. Ngược với dự đoán ban đầu, cho rằng chính quyền chắc chắn sẽ phái các đơn vị cảnh sát và quân đội về làng, ở đây, trước hết, người ta đã bày tỏ ý muốn sẵn sàng đối thoại, thể hiện sự sẵn sàng xem xét lại các quyết định cũng như sự sẵn sàng khước từ sử dụng vũ lực. Việc hiện nay người ta lại thay đổi cách đổi xử với dân làng và „thủ lĩnh“ của họ cũng không làm mất giá trị một cách có hệ thống luận điểm của Nguyễn Hồng Hải về nền chuyên chế nhạy bén trong phạm vi nhất định và, do đó, nhận được sự đồng thuận với mức độ hạn chế nào đó của Việt Nam. Như đã nói đến ở trên, nền chuyên chế của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) tại Công hòa Dân chủ Đức (DDR) cũng không chỉ dựa duy nhất vào sự cưỡng chế và đàn áp. Thậm chí ngay cả khi sự cưỡng chế và đàn áp thường xuyên diễn ra, vẫn có sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội đối với các thành quả mà chế độ đó đem lại, chẳng hạn nền an ninh xã hội cho mọi công dân. Một khi muốn đặt nghi vấn về nền chuyên chế và tính hợp pháp của những nhà nước như thế, người ta phải tổ chức được hệ thống quyền lực đối lập, trên mặt truyền thông lẫn trong thực tiễn, nghĩa là trên đường phố, cũng như trong các nhà máy, xí nghiệp.
Thế giới blog: chiến trường tranh chấp của các luồng ý kiến với lợi thế nằm trong tay các nhà „Leninit số“
Từ lâu, internet đã hứa hẹn một hệ thống quyền lực đối lập về mặt truyền thông như thế. Như thế, không phải chỉ riêng về mặt này, nó đã chứa đựng đầy tính huyền thoại. Bùi Hải Thiêm đã phá bỏ huyền thoại xem internet là một thế giới thông tin rộng mở cho tất cả mọi người, một phương tiện có hiệu quả cho quá trình chuyển đổi dân chủ và cũng là công cụ hữu hiệu có xu hướng tạo cơ hội cho phép mọi nam nữ công dân nói lên tiếng nói cũng như bày tỏ sự phản kháng của mình. Bởi huyền thoại đó cho rằng, internet – cũng như công luận nói chung – dường như là một phương tiện để giám sát mọi hình thức cầm quyền, hoặc ít nhất cũng là đối trọng với chúng, và, dưới nhiều hình thức, tạo cơ hội thay đổi cả xã hội lẫn nền kinh tế và chính trị. Tất cả những điều đó ít nhiều đều đúng với trường hợp Việt Nam và, bởi vậy, huyền thoại đó cũng mang trong nó một nội dung thực tiễn nhất định. Song sự phân tích của Bùi Hải Thiêm cho ta thấy rằng, internet không phải bao giờ và bất cứ ở đâu cũng góp phần vào việc khắc phục các khác biệt xã hội và chính trị. Ở Việt Nam cũng như ở các nơi khác, mạng lưới xã hội cũng là biểu hiện của những khác biệt xã hội và chính trị, đồng thời góp phần củng cố những khác biệt như thế.
Nếu ta gác những khác biệt về kinh tế xã hội sang một bên, những khác biệt mà internet làm nổi bật và tiếp tục hỗ trợ, và chỉ tập trung vào bình diện chính trị thôi, thì ta phải thừa nhận rằng, các nhà cầm quyền chuyên chế ở Việt Nam cũng như Trung quốc – là hai thí dụ điển hình cho kiểu trật tự chính trị như thế – có thể sử dụng internet và truyền thông xã hội vào việc áp đặt các lợi ích của mình. Dù cho sự giám sát mạng xã hội và các công dân nam nữ hoạt động trên mạng xã hội ở Việt Nam còn lâu mới sâu xa, rộng lớn như ở Trung Quốc, nhưng các nỗ lực của các nhân vật „leninit số“ ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam thông qua internet và dùng internet để giám sát, đều cùng nhằm tới việc thiết lập một sự giám sát gắt gao. Rất nhiều khi, các doanh nghiệp bao quát toàn cầu như Google cũng ít nhiều đóng vai trò kẻ tiếp tay ngoan ngoãn cho những việc như thế.
Bất chấp các nỗ lực giám sát và hạn chế, internet và thế giới blog ở Trung Quốc, Việt Nam cũng như các nơi khác đã trở thành chiến trường tranh chấp gay gắt giữa các luồng ý kiến khác nhau. Các blogger và những người hoạt động tích cực trên lĩnh vực này phải chịu đựng nhiều hậu quả nặng nề. Năm 2016, 21 người hoạt động dân chủ và blogger đã bị bắt ở Việt Nam, năm 2017, tính đến nay là 17 người và phần lớn đều bị kết án nhiều năm tù giam. Theo tổ chức „Human Rights Watch“, riêng năm 2017 đã có cả thảy 110 người bị bắt; đó là những người không thể bị lên án vì lý do nào hơn, ngoài lý do họ đã bằng cách này cách khác bày tỏ ý kiến cá nhân một cách hòa bình.
Ngoài ra, huyền thoại coi internet như bà đỡ của các biến đổi thực tiễn không phải lúc nào cũng được kiểm nghiệm trong thực tế. Bùi Hải Thiêm cho thấy, mặc dù trong năm 2015/16 người ta đã đạt được sự thống nhất trong các phản kháng truyền thông với phản kháng ngoài đường phố và, qua đó, cũng chặn đứng được chiến dịch chặt cây của chính quyền Hà Nội. Song, sự kết hợp như thế giữa sự phản kháng truyền thông với phản kháng ngoài đời thực đã không thành công trong các trường hợp khác; và sở dĩ không thành công, vì trong các vụ như thế, uy tín cũng như lợi ích của những nhóm mang nhiều ảnh hưởng về chính trị và kinh tế – cũng như của các cơ quan do các nhóm này chi phối – đã bị đả phá và họ có thể chống lại các đòn tấn công của truyền thông một cách „có hiệu quả“ thông qua việc thẳng tay bóp nghẹt sự phê phán và bịt miệng các nhà phê bình. Bùi Hải Thiêm vạch ra một cách có lý rằng, các biến đổi căn bản về chính trị, kinh tế và xã hội đòi hỏi nhiều thứ hơn là các phản ứng và cảm xúc tức thời trong thế giới ảo. Điều đó không những chỉ đúng với Việt Nam mà cả tại các nước khác, như nước Đức chẳng hạn.
Phong trào đoàn kết với Việt Nam: Chức năng đại diện phi thực tế
Trong bài viết về „Tình đoàn kết với Việt Nam“ của phong trào „năm 68“, Jörg Wischerman cho rằng, không nên xem „tình đoàn kết“ đó cũng như chủ nghĩa quốc tế được thực thi hồi ấy đơn thuần như một tình đoàn kết tự nguyện, rạch ròi và `cách mạng trên thức tế´ của kẻ mạnh với kẻ yếu mà không nhìn thấy động cơ bắt nguồn từ các lợi ích riêng.12 Bởi vì giới sinh viên, học sinh phổ thông và học sinh học nghề rõ ràng đã theo đuổi các lợi ích riêng trong phong trào đoàn kết với Việt Nam của họ. Chủ nghĩa quốc tế của họ nhằm tạo nên các thay đổi xã hội ngay tại đất nước họ và, do đó, mang chức năng đại diện. Nhiều người trong cuộc ở giai đoạn đó như Dietrich Wetzel đã lập luận như vậy. Ông này, trong một cuộc thảo luận với Daniel Cohn-Bendit và Joschka Fischer, đã đánh giá ngay từ năm 1979 là:
„Thứ chủ nghĩa quốc tế ấy […], ở mức độ nhất định, đã có chức năng đại diện. Khi những cuộc chiến đấu đang diễn ra tại các nước khác, thì sự đồng nhất hóa với các cuộc chiến đấu đó, xét cho cùng, bao hàm ý nghĩa: Hãy chiến đấu chống lại chính cái nhà nước bao che, ủng hộ chủ nghĩa đế quốc ấy, tức Cộng hòa Liên Bang Đức; đó là nơi, ít nhất là đối với thế hệ chúng tôi, chủ nghĩa phát xít cũng còn đóng vai trò nhất định, và cũng là nơi tồn tại thứ chủ nghĩa chống phát xít, mà đối với chúng tôi trong vấn đề Việt Nam, vừa bất lực, vừa nhục nhã ấy.“13
Sự lợi dụng Việt Nam như thế còn mạnh hơn nữa trong kiểu đoàn kết mà tổ chức „Sáng kiến đoàn kết quốc tế với Việt Nam –(IIVS)“ và các tổ chức hợp tác với nó (ví dụ „Hành động giúp đỡ Việt Nam“) thực hiện. Ở đây, huyền thoại về nhân dân Việt Nam chiến đấu thắng lợi và tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, nói cho cùng, chỉ phục vụ cho lợi ích chính trị mang tính đảng và nhằm mục tiêu biến đổi CHLB Đức theo gương Bắc Việt Nam, CHDC Đức và Liên Xô mà thôi. Về mặt này, ta không cần bàn luận xem liệu mục tiêu đó có phải là nằm mơ giữa ban ngày hay không. Ta chỉ cần dừng ở chỗ nhận thức rằng, các quan điểm như thế từng hướng dẫn và chắp cánh cho các hoạt động của họ là đủ.
Chủ nghĩa quốc tế và phong trào đoàn kết quốc tế hồi đó và thời nay lẽ ra nên như thế nào, đã được Andreas Buro và nhà báo Karl Grobe mô tả từ giữa những năm 1980, với kinh nghiệm thu được từ Việt Nam và các nơi khác. Họ phê phán sự đồng nhất hóa hồi đó – và ngày nay, ở mức độ nào đó, vẫn còn thấy – với các cuộc cách mạng trong cái gọi là thế giới thứ 3 cũng như với các nhân vật chính, các tổ chức và đảng phái cầm đầu. Bởi việc đó
„cản trở sự tiếp cận đầy đủ với thực tiễn Việt nam, vì nó có thể cho chúng ta một bức tranh trái với các mong đợi của chung ta. […] Thế nhưng không thể loại trừ được thực tế. […] Hiện nay [tức là năm 1983, JW], 10 năm sau khi kí kết Hiệp định Paris đánh dấu việc Mĩ rút khỏi Việt Nam, ta có thể rút ra bài học được củng cố bằng kinh nghiệm thực tế là: mọi hy vọng được cứu rỗi đặt vào các cộng đồng cách mạng xã hội thuộc thế giới thứ ba đều là ảo tưởng. Những khó khăn kinh tế, xã hội và chính trị của họ, những khó khăn vốn là hậu quả của chủ nghĩa thực dân và của các tác động gây ra bởi chính sách hiện nay của nhiều nước công nghiệp phát triển, là rất lớn, khiến sự sinh tồn của chính họ bị đe dọa. Nếu lấy Việt Nam sau 1973/75 […] làm thí dụ, thì điều đó càng trở nên hết sức rõ ràng. Chúng ta không thể chất thêm sự nghiệp thay đổi thế giới lên lưng họ để đỡ gánh nặng cho chúng ta. Quan điểm đối với các diễn biến tại thế giới thứ ba phải do đó mà thay đổi. […] Tình đoàn kết quốc tế hiện nay có nghĩa là […] phải trao đổi ý kiến có phê phán và ủng hộ lẫn nhau. Xét theo ý nghĩa đó thì việc ở Việt Nam đang xảy ra những chuyện mà, do nhiều nguyên do chính trị và nhân đạo, không được chúng ta đồng tình, không phải là duyên cớ để chúng ta quay lưng với Việt Nam. Trái lại, do nhiều khó khăn và mâu thuẫn to lớn trên các con đường phát triển của những cộng đồng cách mạng xã hội khác nhau,chúng ta lại càng có cơ sở xem xét các xã hội của họ lẫn của chúng ta một cách phê phán và dưới góc độ của các mục tiêu chung.“14
Sự đổi mới bền vững về kinh tế bắt nguồn từ „dưới“ lên
Sự phân tích của Fforde dành cho huyền thoại về Đại hội 6 của Đảng cũng như về vai trò của Đảng trong việc khai màn các cải tổ mang tính kinh tế thị trường tập trung vào hai yếu tố chính của huyền thoại này: một là, sự đổi mới một cách có kế hoạch và có cân nhắc ở Việt Nam chỉ bắt nguồn dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thôi và, hai là, Đại hội được gọi là Đại hội cải tổ diễn ra năm 1986 của Đảng đã khẳng định điều đó một cách hùng hồn.
Song le, các văn kiện của Đảng CS Việt Nam mà Fforde nghiên cứu lại cho thấy, cần phải lập luận thận trọng hơn và và xác định rõ ràng rằng, các sai lầm và thất bại của Đảng mới chính là nguyên nhân dẫn đến cải tổ. Một điều nổi bật là chính Đảng cũng không coi Đại hội này là cột mốc đánh dấu việc tiến hành các cải cách theo hướng kinh tế thị trường và cũng là Đại hội vạch ra các chính sách mang tính định hướng. Thông thường, các cơ sở và các nhà khoa học nước ngoài mới là những người đề cao huyền thoại này ở mức độ mạnh mẽ hơn. Dường như họ đã rất quan tâm đến việc mô tả một trung tâm điều hành quá trình – tức Đảng CS Việt Nam và Nhà nước do Đảng khống chế – thành người khơi mào các biến đổi kinh tế, chính trị và xã hội tại Việt Nam một cách có kế hoạch và đầy hiệu quả.
Song, các phân tích của Adam Fforde lại cho phép kết luận ngược lại rằng, các chính sách của nhà nước tuy không phải không quan trọng, nhưng sự chuyển đổi bền vững một hệ thống chính trị và kinh tế lại không bắt nguồn từ nhà nước. Những biến đổi như thế nảy sinh trước hết trong xã hội và thông qua xã hội, đôi khi tình thế hiểm nghèo bức bách đã sinh ra các biến đổi đó, thậm chí dưới dạng „hiện đại hóa tự động“. Khi đó, các bên trong cuộc thuộc lĩnh vực kinh tế buộc phải phá tan „những rào cản“ về chính trị, hành chính, kinh tế, và văn hóa xã hội. Ở Việt Nam cũng như ở nơi khác quá trình này thường diễn ra tự phát và có hiệu quả. Điều đó đã cần thiết như thế nào, đã được thể hiện trong câu nói của một người làm chứng tại nước Việt Nam thống nhất vào năm 1980 mà Fforde đã dẫn ra: „Chúng tôi mà không xé những rào chắn đó đi, chắc chắc chúng tôi đã chẳng đạt được gì cả!“ Việc những hành động thực tiễn chống lại các cản trở nền kinh tế kế hoạch hóa như thế đã từng trở nên thường xuyên ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức là trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, khiến ta có thể xem việc „xé rào“ tại đất nước Việt Nam thống nhất như là sự phát triển tiếp theo của các biện pháp quen thuộc chống lại giới cán bộ ngoan cố, mang nhiều lợi ích riêng tư cũng như quan điểm thiển cận, hoặc ích kỷ, của giới này về chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, huyền thoại về Đại hội cải tổ – một huyền thoại đề cao Đảng CS Việt Nam thành người khởi xướng và điều khiển quá trình thay đổi về kinh tế và chính trị cũng như thành động lực mở đầu các cải tổ mang tính kinh tế thị trường – tỏ ra ngày càng không bền vững và mang ý đồ lộ liễu. Những người nước ngoài ủng hộ, bơm sức sống và củng cố huyền thoại này, tất nhiên rất được hoan nghênh, chưa kể sự tung hô, hỗ trợ kiểu như thế còn thường mang lại cho họ những khoản tiền thưởng cũng như ưu tiên tương xứng.
Phép màu kinh tế Việt Nam và CHLB Đức: những nét tương đồng đáng ngạc nhiên
Phân tích của Adam Fforde về quá trình „hiện đại hóa tự động“ của xã hội Việt Nam trong những năm 1980 cũng như các kết luận của ông và của Martin Gainsborough làm giảm giá trị của các chiến lược và biện pháp chính trị khi khơi mào „phép mầu kinh tế“ của Việt Nam từ đầu những nam 1990, gợi ý cho ta tiến hành so sánh nó với một huyền thoại từng khá phổ biến vào giai đoạn bắt đầu diễn ra sự phục hồi nền kinh tế tại CHLB Đức. Đó là huyền thoại xem cuộc cải cách tiền tệ là nguyên nhân dẫn đến phép màu kinh tế ở CHLB Đức. Song, ở CHLB Đức lẫn tại Việt Nam, có thể thấy rằng, không nên tìm nguyên nhân của các quá trình phát triển kinh tế và xã hội như thế ở một sự kiện và biện pháp chính trị nhất định – kiểu như cải tổ tiền tệ hay đại hội Đảng – mà đúng hơn, nên tìm nguyên nhân đó trong các cơ cấu kinh tế và xã hội.
Ở Việt Nam, nông dân và một phần các nhà quản lý tại các nhà máy quốc doanh, do cùng cực mà cũng là do bị bắt buộc, đã khơi mào những cải tổ căn bản, vì đúng ra, giáo điều chính thống dự định xây dựng một nền kinh tế dạng khác, chứ không phải nền kinh tế thị trường. Việc họ, bằng cách như thế, đã cứu sống một hệ thống chính trị nhất định cùng các đại diện của hệ thống ấy, vốn là bộ phận của một khế ước xã hội mới, mà họ vô tình bị lôi cuốn vào. Khế ước đó đã – và hiện nay vẫn được tôn trọng – qui định Đảng CS Việt Nam được giữ nguyên độc quyền lãnh đạo, song ít nhất, Đảng cũng phải đóng góp (dưới dạng các biện pháp và chính sách hỗ trợ kinh tế) vào việc làm cho đời sống kinh tế của nam nữ công dân Việt Nam mỗi ngày một thêm cải thiện. Ở CHLB Đức, huyền thoại về „cải tổ tiền tệ và phép màu kinh tế“ đã tỏ ra rất hữu ích cho việc bảo toàn trật tự kinh tế và chính trị hiện hữu cũng như giúp cho giới tinh hoa cũ và mới tránh phải hứng chịu một quá trình biến đổi sâu sắc và lâu bền. Trong trường hợp này điều đó có nghĩa là: Huyền thoại nói trên đóng góp vào việc ngăn cản quá trình chuyển đổi xã hội sang một trật tự xã hội khác biệt về căn bản, thậm chí có thể là trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp Việt Nam, huyền thoại nói trên giúp cho nền cộng hòa đội danh xã hội chủ nghĩa cũng như trật tự chính trị tương ứng với nó được sống sót. Song, ở Việt Nam, huyền thoại đó còn góp phần làm cho giới lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế củng cố vị thế và bảo đảm cho mình những khoản thu nhập đáng kể.
Việc nghiên cứu, mổ xẻ các huyền thoại tại Việt Nam cũng như huyền thoại về Việt Nam thường sớm phải đối diện với sự phê phán cho rằng đó là một công việc mang chủ đề hết sức xa lạ. Song, chính những bức tranh huyền thoại đó lại là những bức tranh tác động sâu sắc đến cách hình dung của chúng ta về đất nước ấy: về cuốc chiến đấu anh dũng của một dân tộc nhỏ bé chống lại kẻ địch hùng cường, về con rồng đang vươn lên và trong một thời gian ngắn đã làm bùng phát một động lực phát triển không ngờ về kinh tế, về „dân Phổ ở Á châu“, vân vân. Các tác giả của chuyên khảo này đã nghiên cứu, mổ xẻ những huyền thoại như thế, đồng thời, họ cố gắng rút ra các kết luận và xem xét một loạt các phạm trù và khái niệm vốn vẫn thường được sử dụng một cách không phê phán khi tiến hành nghiên cứu Việt Nam cũng như các nước khác. Nói cho cùng, chúng tôi mong muốn vạch ra những nhận thức và các mối quan hệ nằm ngoài thứ chủ nghĩa hẹp hòi lấy châu Âu làm trung tâm, một thứ chủ nghĩa đã đôi lúc – một cách không phê phán và ngây thơ – lại vội vã quay ra ngưỡng mộ một cái gì đó „khác lạ“, một cái khác lạ sở dĩ gây hấp dẫn mạnh mẽ, chỉ vì người ta ít thông thạo các chi tiết cụ thể của đối tượng tạo nên sự ngưỡng mộ đó mà thôi.
Chú thích
Cách đây vài năm, Martin Gainsbourough đề nghị một quan điểm theo hướng này, khi ông gợi ý, nên suy nghĩ xem, liệu có nên coi nhà nước Việt Nam như một thứ “hội đồng quản trị” của giới tư sản Việt Nam hay không (ở đây ông dựa vào Marx và Engels và các luận điểm của hai ông này trong “Tuyên ngôn cộng sản”), xem thêm: Martin Gainsborough, Vietnam. Rethinking the State, London, Chiang 2010, tr. 183. Cho đến nay ông không phát triển tiếp ý nghĩ này.
“Việc kết thúc thời kỳ cầm quyền kéo dài của Soehearto không có nghĩa là một trong những đặc điểm đánh dấu thời kỳ cầm quyền này của ông ta – tức là sự lợi dụng quyền lực nhà nước của các nhân viên nhà nước để phục vụ cho các lợi ích riêng tư – biến mất. Hiện tượng này vẫn là đặc điểm nổi bật của nền kinh tế chính trị Indonesia, mặc dù nền chính trị của Indonesia gần đây đã trở nên cởi mở và công khai hơn nhiều. […]. Hơn nữa, sự kết thúc nền cai trị của Soeharto còn làm nảy sinh các liên minh lợi ích mới cạnh tranh nhau với nhau, được thể hiện phần nào qua các đảng phái chính trị mới. […] Các liên minh này được dựng lên bởi những người muốn tiếp tục bảo toàn lợi ích của mình trong bối cảnh chính trị mới, cũng như bởi những nhóm cá nhân mới ngoi lên, nhưng cũng lại mang các lập trường và mục tiêu giống như các đại diện lợi ích xưa kia từng hỗ trợ Soeharto: Có nghĩa là các đại diện lợi ích mới trỗi dậy cũng muốn chiếm nhà nước làm miếng mồi của riêng.” Richard Robison/Vedi Hadiz, Reorganising Power in Indonesia. The Politics of Oligarchy in an Age of Markets, London, New York, 2005, tr. 244.
Edward Aspinall/Marcus Mietzner (chủ biên), Problems of Democratisation in Indonesia: Elections, Institutions and Society, Canberra 2010 (Indonesia Update Series. College of Asia and the Pacific, Australian National University).
Xem thêm Bob Jessop, The State. Past, Present, Future, Cambridge, Malden 2015, tr. 54.
Birgit Sauer, »Only paradoxes to offer?« Feministische Demokratie- und Repräsentationstheorie in der »Postdemokratie«, trong: Österreichische Zeitschrift für Politikwissenschaft, 40 (2011) 2, tr. 134.
Như trên.
Reinhart Kößler, Postkoloniale Staaten. Elemente eines Bezugsrahmens, Hamburg 1994.
Sheri Berman, Islamism, Revolution, and Civil Society, in: Perspectives on Politics, 1 (2003) 2, tr. 266, J. W. dịch sang tiếng Đức.
Jörg Wischermann/Bettina Bunk/Patrick Köllner/Jasmin Lorch, Do Associations Support Authoritarian Rule? Algeria, Mozambique, and Vietnam in a Comparative Perspective, in: Journal of Civil Society, 14, 2, tr. 95-115.
Chúng tôi coi một nhà nước tư bản chủ nghĩa là nhà nước lấy quan hệ sản xuất và quan hệ sở hữu tư nhân làm nền tảng và bảo vệ các mối quan hệ đó cũng như mối quan hệ chuyên chế chính trị dựa trên chúng. Chúng tôi không nghi ngờ việc Việt Nam, xét theo tên gọi, là nền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Xét về phương diện thống trị của một cơ cấu tư bản chủ nghĩa thì Việt Nam không khác biệt một cách hệ thống với các nước láng giềng trong khu vực, như Indonesia hay Thái Lan.
Michael Krennerich, Mehr als Imitation. Auch Autokraten lassen wählen, trong: Aus Parlament und Zeitgeschichte, 67/44-45, 2017, tr. 39-44.
Dorothee Weitbrecht, Aufbruch in die Dritte Welt. Der Internationalismus der Studentenbewegung von 1968 in der Bundesrepublik Deutschland, Göttingen 2012, tr. 40 f., J. W. nhấn mạnh.
Dietrich Wetzel, trong: Daniel Cohn-Bendit/Joschka Fischer/Rupert von Plotnitz/Reimut Riche/Dietrich Wetzel, Kopfschrott oder Gefühlsheu? Eine Diskussion über Internationalismus, trong Kursbuch 57, Berlin 1979, tr. 199, nhấn mạnh trong nguyên bản.
Andreas Buro/Karl Grobe, Vietnam! Vietnam? Zur Entwicklung der Sozialistischen Republik Vietnam nach dem Fall Saigons, Frankfurt/M. 1984, tr. 10.
Tiểu sử tóm tắt của tác giả, dịch giả và biên tập viên
Dr. Bui Hai Thiem
Bùi Hải Thiêm là nghiên cứu viên chính và Trưởng Phòng quản lý các dự án nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam, là nơi ông cùng các đại biểu quốc hội và cộng tác viên của họ tham gia vào các dự án luật-chính trị khác nhau. Ngoài ra, ông còn là thành viên và thư ký Hội đồng về triết học, chính trị học và xã hội học của Quĩ phát triển Khoa học và kỹ thuật (NAFOSTED) thuộc Bộ Khoa học và Kỹ thuật, là cơ quan phụ trách việc xét duyệt và cấp phát chi phí nghiên cứu cấp quốc gia.
Ông nhận bằng Tiến sĩ về chính trị học tại đại học Queenland (UQ), Úc, nhận bằng MA về nghiên cứu quốc tế tại SOAS, Đại học London và bằng BA về quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. 2004: học bổng Chevening; 2011 Australian Award Leadership Scholar; 2012: nghiên cứu viên khoa học tại Trung tâm các quyền con người của Na Uy, Đại học Oslo; 2014: Hội viên Asia Foundation Development, 2015 Hội viên YSEALI. Ông giảng dạy về nghiên cứu phát triển của Việt Nam (Đại học Oslo-Akershus), quan hệ quốc tế (UQ) và chính sách công (VJU), luật hiến pháp so sánh (HLU) và ý tưởng chính trị (DAV). Trọng tâm nghiên cứu của ông tập trung vào các lĩnh vực xã hội dân sự, chính sách hiến pháp, các quyền con người và bầu cử ở Việt nam và các công trình nghiên cứu đã được công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín như Asian Studies Review, Asian Journal of Social Science, Asian Journal of Comparative Law, Contemporary Southeast Asia, Journal of Vietnamese Studies und Global Change, Peace and Security cũng như nhiều tạp chí của Việt Nam.
Prof. Dr. Adam Fforde
Adam Fforde là một trong những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong số những nhà nghiên cứu về Việt Nam đương đại. Ông đã công bố nhiều công trình quan trọng, trong số đó là tác phẩm cùng đứng tên với Stefan de Vylder «From plan to market: the economic transition in Vietnam» (Boulder CO: Westview 1996). Hiện nay ông là Phó Giáo sư tại Viện Victoria về nghiên cứu Kinh tế chiến lược, Đại học Victoria, Úc. Đồng thời ông cũng là Giáo sư ngoài hạn ngạch của Viện Châu Á, Đại học Melbourne – một cương vị sẽ kết thúc cuối 2020; hiện đã có dự kiến, sau đó, ông sẽ là Giáo sư danh dự ở đây. Các công trình nghiên cứu mới công bố của ông bao gồm: ‹Vietnam und COVID-19: More Mark (Zuckerberg) than Marx (https://melbourneasiareview.edu.au/vietnam-and-covid-19-more-mark-zuckerberg-than-marx/), ‹Towards a theory of ignorance›, The Journal of Philosophical Economics, 2020 13:2 137-161; ‹A public affair? Vietnam›s state enterprise sector: the ‹State Business Interest› and policy history›, Europe-Asia Studies 2020 DOI: 10.1080/09668136.2020.1770702; ‹The VCP Internal Policy and possible legacies of the VCP-CPSU relationship: some hypotheses›, Russian Journal of Vietnamese Studies, 2020, DOI: 10. 24411/2618-9453-2020-10012; ‹Critiquing ideologies – from ‹constructing socialism› to ‹socialist-oriented market economy› in contemporary Vietnam›, Europe-Asia Studies 2019 71:4 671-697.
Prof. Dr. Martin Gainsborough
Martin Gainsborough là linh mục thuộc Nhà thờ Anh, ông giữ chân tuyên úy của Giám mục Bristol và giáo sĩ tại Nhà thờ lớn Bristol. 2012-18 ông là giáo sư về chính sách phát triển ở đại học Bristol. Ông tốt nghiệp Trường Đông phương và châu Phi học ở London và bảo vệ tiến sĩ về đề tài chính trị ở Việt nam, một đất nước ông đã sống, làm việc và nghiên cứu thực địa hơn 25 năm. 2005-06, ông là cố vấn kỹ thuật cho chương trình phát triển của Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Ông là tác giả của tác phẩm Changing Political Economy of Vietnam: The Case of Ho Chi Minh City (Routledge 2003) und Vietnam: Rethinking the State (Zed Books 2010).
Prof. Dr. Martin Grossheim
iáo sư chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tại Đại học Quốc gia Seoul; nhiều xuấn bản phẩm về lịch sử Việt nam; sử dụng thành thạo tiếng Việt; đồng tác giả của hai Giáo trình tiếng Việt dành cho người Đức và một từ điển về thành ngữ và tục ngữ Việt.
Trọng tâm nghiên cứu: Lịch sử Việt Nam đương đại, nghiên cứu lịch sử và ký ức chiến tranh
Một số công bố: Ho Chi Minh. Der geheimnisvolle Revolutionär. Leben und Legende, Munich: Beck, 2011; «‘Đổi Mới’ in the Classroom? How National and World History Are Portrayed in Vietnamese Textbooks», in: SOJOURN: Journal of Social Issues in Southeast Asia, Vol. 33, No. 1 (2018): 147-80; «The Lao Động party, Culture and the Campaign against ‹Modern Revisionism›: The Democratic Republic of Vietnam before the Second Indochina War», in: Journal of Vietnamese Studies, Vol. 9, No. 1 (May 2013): 80-129.
Dr. Hoàng Đăng Lãnh
Hoàng Đăng Lãnh -Tiến sĩ ngành hóa học xúc tác. 1970-1975: Giảng viên Đại học;1975-1988: nghiên cứu viên khoa học Phân Viện Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh; 1988-2014: nghiên cứu viên khoa học Viện Leibnitz ở Berlin và Rostock. Từ 2014: nghỉ hưu; chuyên phiên dịch văn học Đức – Việt và Việt – Đức, trong số đó „Thời nắng lịm“ của Eugen Ruge, „Diệt vong“ và „Đốn hạ“ của Thomas Bernhard, „Giờ Đức văn“ của Siegfried Lenz và „Người đến từ Mariupol“ của Natascha Wodin.
Ngô Thị Bích Thu
Ngô Thị Bích Thu, sống và làm việc ở Hàn Quốc; từng là giảng viên tiếng Việt và tiếng Nhật tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội (1981-2002), giảng viên tiếng Việt tại Đại học Passau (2005-2019) và giảng viên tiếng Việt ở Campuchia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà là đồng tác giả của hai Giáo trình tiếng Việt dành cho người Đức và một từ điển về thành ngữ và tục ngữ Việt. Giải thưởng giảng viên xuất sắc của Đại học Passau (2015)
MA Nguyễn Thị Thu Thủy
Nguyễn Thị Thu Thủy hiện là giảng viên chính chuyên ngành tiếng Anh. Chị đã tốt nghiệp Cử nhân và sau đó là Thạc sỹ ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh tại Trường Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Thị Thu Thủy đã cùng Nguyễn Hồng Hải tham gia dịch tài liệu trong một số dự án.
Dr. Nguyễn Hồng Hải
Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Queensland, Australia, nhận bằng tiến sỹ chuyên ngành chính trị học tại Đại học Queensland của Australia. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam, các vấn đề chính trị và quan hệ quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; và đã xuất bản sách, bài viết nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín quốc tế, cũng như thường xuyên có các bài bình luận chính trị trên các diễn đàn học thuật.
Dr. Vu Duc Liem
Vũ Đức Liêm là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh xuất bản về nhiều chủ đề về lịch sử chính trị thời sơ kỳ hiện đại Việt Nam bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Gần đây, anh tham gia điều phối và là dịch giả của hai dự án chuyển dịch công trình: Các cộng đồng tưởng tượng: Suy ngẫm về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc của Benedict R. O’G Anderson (London: Verso, 2006) và Vẽ bản đồ nước Siam: lịch sử địa thể của một dân tộc của Thongchai Winichakul (Honolulu: University of Hawaii Press, 1994) ra tiếng Việt.
Dr. Gerhard Will
Gerhard Will đã học đại học chuyên ngành chính trị học, Trung hoa học và Đông-Nam Á học tại Berlin, Bắc Kinh và Hamburg. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài về sự phát triển của Việt Nam trong những năm 1975-79. Ngoài công tác giảng dạy tại Đaị học Tự do (FU) Berlin và Đại học Hamburg, ông còn tham gia nghiên cứu tại nhiều Viện nghiên cứu trên lĩnh vực quan hệ quốc tế. Từ năm 2001 đến 2014, ông là công tác viên khoa học tại Quĩ Khoa học và chính trị (SWP) tại Berlin; sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục là cộng tác viên của Viện này. Phạm vi quan tâm của ông bao gồm các nước thuộc lục đia Đông Nam Á. Trọng tâm nghiên cứu là các vấn đề về an ninh khu vực và quốc gia cũng như các quá trình chuyển đổi chính trị có thể quan sát thấy tại khu vực này vào các thập niên vừa qua. Công trình nghiên cứu của ông tại SWP được xuất bản năm 2014 là „Tough Crossing: Europa und die Konflikte in der südchinesischen See“.
Dr. Joerg Wischermann
Jörg Wischermann là nhà khoa học môn chính trị học và „cộng tác viên“ tại GIGA Viện nghiên cứu Châu Á ở Hamburg. Trong thời gian từ 1999 đến 2016, ông là người phụ trách và cộng tác viên khoa học của nhiều dự án nghiên cứu khác nhau do Hội nghiên cứu khoa học Đức (DFG) và Quĩ Volkswagen tài trợ nhằm nghiên cứu về sự phát triển và các vấn đề của xã hội dân sự tại Việt Nam. Ngoài ra ông còn hoạt động trong tư cách tư vấn và giám định viên tại nhiều tổ chức cấp quốc gia và quốc tế về hợp tác phát triển. Năm 2008, hai bài viết của ông về Xã hội dân sự ở Việt Nam đã được xuất bản trong „Routledge Handbook of Civil Society in Asia“, do Akihiro Ogawa chủ biên, cũng như bài viết về đề tài lao động trẻ em tại Việt Nam trong tập „Grabsteine aus Kinderhand. Kinderarbeit in Steinbrüchen des globalen Südens als politische Herausforderung“ do Walter Eberlei chủ biên. Năm 2022, bài viết của ông cùng với Đặng Thị Việt Phương và George Martin Sirait: “The state in a capitalist society: Protests and state reactions in Vietnam and Indonesia” sẽ được xuất bản trong tập “The Dragon›s Underbelly: The Economy and Politics of Globalizing Vietnam”, Singapore (ISEAS Press) do Tuong Vu/ Nhu Truong chủ biên.
Impressum
Ấn phẩm này không thể hiện quan điểm của Bundeszentrale für politische Bildung (Trung tâm của Liên bang về giáo dục công dân). Các tác giả chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung bài viết của mình. Mời bạn đọc tìm đọc các ấn phẩm khác cũng như các cơ hội tìm hiểu thêm do chúng tôi giới thiệu bằng hình thức online hay thông qua các hội thảo. Dựa vào các hình thức này, bạn đọc có thể tìm hiểu nhiều hơn về các quan điểm được mở rộng thêm, các ý kiến bổ sung cũng như phản bác xung quanh đề tài của ấn phẩm này.
Nội dung của các trang Internet được dẫn ra trong văn bản và phụ lục đều thuộc phạm vi trách nhiệm của các chủ những trang này. Bundeszentrale für politische Bildung, các chủ biên cũng như các tác giả không nhận trách nhiệm về các thiệt hại hay đòi hỏi có thể xảy ra với người sử dụng các trang này.
Bonn 2018, 2021
Bundeszentrale für politische Bildung
Adenauerallee 86, 53113 Bonn
Chủ nhiệm dự án: Benjamin Weiß, bpb
Biên tập: Ngô Thị Bích Thu, Martin Großheim; Verena Artz (phiên bản tiếng Đức 2018)
Biên dịch: Hoàng Đăng Lãnh, Vũ Đức Liêm, Nguyễn Thị Thu Thủy, Bùi Hải Thiêm
Bản đồ: Manfred Müller, mr-kartographie, Gotha
Trang trí bìa: Naumilkat – Agentur für Kommunikation und Design, Düsseldorf
Thiết kế E-Book: Naumilkat – Agentur für Kommunikation und Design, Düsseldorf
Ảnh bìa: ©FHXB Friedrichshain-Kreuzberg Museum/Jürgen Henschel (ảnh bên trái);
Reuters/Nguyen Lan Thang (ảnh bên phải)
ISBN 978-3-7425-0716-7
https://vandoanviet.blogspot.com/2024/08/viet-nam-huyen-thoai-va-thuc-te-ky-11.html
Không có nhận xét nào