Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam – Huyền thoại và thực tế

    Jörg Wischermann và Gerhard Will (chủ biên)

    Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

    Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

    clip_image002

    Adam Fforde 

    Chương 10
    Huyền thoại của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 

    Mở đầu

    Huyền thoại được khảo sát trong chương này được tin là có hai khía cạnh: đầu tiên, thay đổi ở Việt Nam được đạo diễn bởi Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP), và, thứ hai, Đại hội VI năm 1986 đã mở đầu công cuộc Đổi mới chính là dẫn chứng trung tâm và bằng chứng cho điều đó. 

    Trong chương này, một ‘huyền thoại’ được xem xét với nhiều đặc điểm: đầu tiên, nó được tin hoặc được xác nhận là một điều gì đó có tính xác thực – những ai không đồng ý với nó được cho là sai lầm chứ không phải chỉ đơn giản là đang nhìn mọi thứ một cách khác; thứ hai, có thể nói rằng những niềm tin này tương đối yếu khi bị thách thức bởi các phản lập luận vốn có thể được tìm thấy một cách dễ dàng nếu như người ta muốn; thứ ba, có vẻ hợp lý khi nhận định rằng huyền thoại không chỉ là một điều sai lầm, mà còn có thể được giải thích, nhằm hướng tới cố gắng hiểu được tại sao những người tin theo nó không hề đếm xỉa tới các phản lập luận. 

    Cuộc thảo luận dưới đây sẽ đưa ra các chi tiết liên quan, nhưng bản chất của huyền thoại này được trình bày một cách đơn giản: vào năm 1986, Đảng cộng Sản Việt Nam tổ chức một đại hội định kỳ, Đại hội Đảng lần thứ VI. Sự kiện này diễn ra 22 tháng sau khi Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô. Việt Nam Cộng Hòa đã bị chinh phục bằng vũ lực bởi miền bắc – Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (DRV) vào năm 1975, ba năm sau khi Hiệp Định Paris đưa tới sự rút lui của quân Mỹ và sự bỏ rơi Chính quyền miền Nam của Mỹ, đánh dấu bằng sự cắt giảm lớn viện trợ quân sự cũng như sự hồi hương của lính Mỹ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được sự giúp đỡ của khối Xô Viết và Trung Quốc theo nhiều cách thức khác nhau, và sự sụp đổ của miền nam chứng kiến quân chính quy từ miền Bắc, với xe tăng và pháo binh, dành được chiến thắng. Điều này có vẻ như là một thất bại lớn của ‘phương Tây’ trong Chiến tranh Lạnh. Sau năm 1975, Việt Nam được thống nhất, sau đó vào năm 1976 Đảng thiết lập một nhà nước duy nhất được công nhận quốc tế (Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) vốn đã tìm cách áp dụng hệ thống thiết chế kế hoạch tập trung Xô Viết, quốc hữu hóa thương nghiệp, tập thể hóa nông nghiệp, kiểm soát chặt thị trường tự do, một bộ máy chính quyền an ninh mạnh và nền tảng lý luận Marx – Lenin được giảng dạy trong các trong các trường học, giống như ở các nước ‘cộng sản’ khác. Được chỉ đạo từ Hà Nội, chuyên chính cộng sản được xác lập. Tuy nhiên cũng như ở bất cứ nơi đâu, những người cộng sản Việt Nam thấy rằng hệ thống này ‘không vận hành được’. 

    Trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế, mười năm sau công cuộc thống nhất đất nước, những người lãnh đạo cộng sản nhận ra sai lầm này, và đã thay đổi tư duy làm thế nào để phát triển đất nước. Điều này được thể hiện trong các quyết định của Đại hội VI năm 1986 với tên gọi Đổi mới. Đường hướng khái lược này sau đó được cụ thể hóa bằng chính sách, và sau một số biện pháp cơ bản chống lạm phát vào năm 1989, khi viện trợ của khối Xô Viết suy sụp thì nền kinh tế cũng bắt đầu phục hồi, và từ năm 1992 thì bắt đầu hiện tượng ‘thần kỳ kinh tế’ Việt Nam, ở đó chứng kiến từ điểm xuất phát ban đầu là các thành phố lệ thuộc vào tem phiếu thực phẩm đến tận khoảng năm 1990, cho đến khoảng năm 2009, quốc gia này đã vươn lên vị thế ‘thu nhập trung bình’, và tỉ lệ đói nghèo cho thấy sụt giảm đáng kể. 

    1.    Điều dễ thấy trong tóm lược này là, nếu bạn quyết định tin vào một góc nhìn như thế thì sẽ có một vài hàm ý, đặc biệt nếu bạn trong lĩnh vực kinh doanh, liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế, một nhà cung cấp viện trợ, hay đơn giản là hứng thú tới lịch sử đương đại:

    2.    Thứ nhất, chìa khóa của sự thay đổi này là chính sách, dựa trên đường hướng (đổi mới) của Đảng. Điều này giúp tháo dỡ nền kinh tế độc đoán của các thiết chế kinh tế Xô Viết. 

    3.    Thứ hai, nhân tố thúc đẩy sự thay đổi quan điểm của Đảng Cộng Sản Việt Nam đơn giản là họ thay đổi tư duy. Không có một gợi ý nào rằng nếu như Đại hội VI không tiến hành những gì nó đã làm, dù là bất cứ điều gì, chính thể này có thể sụp đổ: không có ‘vùng cấm’ ở miền Nam được kiểm soát bởi những người kháng cự đến cùng từ Việt Nam Cộng hòa (RoV), bộ máy an ninh của chế độ không mất niềm tin vào các lãnh đạo Đảng; không có những cuộc bạo loạn đô thị hay biểu tình của nông dân có thể đe dọa đưa tình hình ra khỏi tầm kiểm soát (ít nhất là như chúng ta đã biết). 

    4.    Thứ ba, người ta không cần biết nhiều về thập kỷ trước năm 1986, và do đó, về thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam ‘trước khi họ thay đã đổi tư duy’.

    Với tôi, có vẻ như hiển nhiên là những niềm tin này khá dễ dãi với nhiều người. Vấn đề là nó dễ dàng một cách khó chịu khi chỉ ra rằng chúng, như ai đó nói, không ‘phù hợp với thực tế’. Một hệ quả của điều này, tiếp tục một cách không mong đợi, là những sự thật khó chịu như thế thường bị đối xử bằng cách lờ chúng đi, và, trong tài liệu học thuật, đó là trường hợp trong khi một số những nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất cung cấp bằng chứng để lập luận chống lại các ‘huyền thoại’ này thì điểm yếu của các nghiên cứu này chưa bao giờ được biện luận thông qua các cuộc trao đổi.1 Chúng tôi tìm thấy một khía cạnh của nghiên cứu về Việt Nam đó là chúng được tổ chức một cách nghèo nàn và các cuộc thảo luận thì chưa xứng tầm: điều đó có vẻ song hành cùng với các xung đột tạo ra bởi những di sản quyền lực của các cuộc chiến trước năm 1975. 

    Bây giờ chương này sẽ có hai phần trước khi đến mục cuối cùng phản ánh về tình trạng đó. Thứ nhất, nó thảo luận về huyền thoại này như được tìm thấy trong ba khối văn bản: tài liệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam, của giới hàn lâm, và của các nhà cung cấp viện trợ. Thứ hai, nó thảo luận huyền thoại này từ hai khía cạnh: Các chức năng mà có vẻ như nó đang thực thi là gì? Và, điều này có hiệu lực hay không? Những phản ánh cuối cùng thảo luận góc nhìn của Kuhn rằng để cho một điều bất thường có ý nghĩa, nó chắc chắn phải nhiều hơn một điều bất thường thông thường, và đúng hơn là một thức tế thú vị, trong khi Đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố vào đầu những năm 1990 về “hiện đại hóa và công nghiệp hóa” như là mục tiêu trung tâm và nội dung của phát triển quốc gia thì các dữ liệu kinh tế chính thức cho thấy rằng nước này, trong giai đoạn kinh tế thần kỳ, đã không công nghiệp hóa mà thay vào đó là chứng kiến quá trình dịch vụ hóa, và có vẻ như là chẳng ai bận tâm.2 Vì thế có huyền thoại không được thảo luận ở đây, nhưng nó gợi ý rằng Đảng khá dễ dãi ở nhiều phương diện (nhưng không phải mọi thứ).

    Huyền thoại trong các công trình nghiên cứu

    Trong mục này, tôi sẽ thảo luận các văn bản và dung lượng trích dẫn, cụ thể là, ai dẫn Đại Hội VI và không dẫn các tác giả Lê Đức Thúy, de Vylder và Fforde, và các công trình được trích dẫn rộng rãi khác mà chúng phủ nhận huyền thoại.3 Đây là một cuộc thảo luận ‘khô khan’, nhưng phần tiếp theo tôi hy vọng sẽ mang lại nhiều sự sống động hơn về thực tế không phẳng lặng mà người Việt Nam (bao gồm cả những cán bộ cộng sản) đã trải qua.

    VCP – Đảng Cộng Sản Việt Nam

    Đảng Cộng Sản Việt Nam là Đảng Cộng sản cầm quyền vốn hướng tới giới thiệu lịch sử thông qua một tự sự của chính họ. Đảng này cởi mở một cách nổi bật trên nhiều phương diện. Ví dụ, họ xuất bản một khối lượng đồ sộ các văn bản của Đảng và Nhà nước lên trang web, sẵn sàng cho các nhà nghiên cứu như tôi thông qua ‘Thư viện Pháp luật’ 4, trang web mà bản thân nó có chức năng tìm kiếm online. Ở đó có đa dạng từ các tuyên bố được phổ biến ở phạm vi hẹp về quyền lương hưu của binh lính, và các đường biên của các vùng hành chính địa phương cho tới những nghị sự lớn của một Đảng Cộng sản cầm quyền như các văn kiện Đại hội Đảng và các quyết định của Bộ chính trị. Các kho dữ liệu online tương tự cũng được sử dụng cho các nghiên cứu phổ thông, hoặc là bởi sinh viên ở Việt Nam-những người đang tham dự bắt buộc các lớp học chính trị và cần phải ‘học gạo’ các chủ đề quan trọng. Không có điều gì trong đó là tranh luận, chỉ đơn giản là một phần của tự sựthường ngày của Đảng.5

    Một khóa học chính thức về Lịch sử Đảng luôn sẵn sàng để tải xuống.6 Đây là điều đang được dạy cho sinh viên. Tài liệu này quy trách nhiệm các vấn đề tới trước Đại hội năm 1986 cho Đảng:

    “Nguyên nhân chủ quan của … tình hình trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương7 và chính sách lớn; về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện của Đảng và Nhà nước. Xác định mục tiêu và bước đi không sát thực tế nước ta, không coi trọng khôi phục kinh tế là nhiệm vụ cấp bách; … Những sai lầm này… là sai lầm nghiêm trọng.”8 

    Đảng, trong mô tả này, đơn giản là đang chuyển đổi một cách linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, trước đó văn bản này đã xem xét một cách chi tiết các cuộc cải cách từng phần mang ý nghĩa tích cực trước đó ở những năm đầu 1980, nhưng lờ đi các phản ứng bảo thủ dành cho chúng, vì thế tránh được việc phải cung cấp một diễn giải về sự thay đổi chính trị mà vượt ra ngoài ‘các nguyên nhân khách quan’. Vì thế: 

    “Thực trạng của đất nước lúc bấy giờ đặt ra một yêu cầu khách quan và bức thiết là phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, phải có những quyết sách khoa học để ổn định tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, vượt ra khỏi khủng hoảng để tiến lên.”9 

    Đối lập với phân tích này, Đại hội VI năm 1986 được giới thiệu như là sự mở đầu của con đường Đổi mới thúc đẩy “hiện đại hóa và công nghiệp hóa” trong hai thập kỷ đến năm 2006 (khi công trình này được xuất bản).10 Fforde lập luận vào năm 2016 rằng nền kinh tế trong giai đoạn “thần kỳ kinh tế” tăng trưởng nhanh đã bắt đầu vào năm 1992, thực tế là không phải công nghiệp hóa mà là dịch vụ hóa.11

    Người ta nói rằng Đại hội này đã diễn ra giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi các chính sách sai lầm và được đánh dấu bằng siêu lạm phát. 

    “Nền kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình này làm cho trong Đảng và ngoài xã hội có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, xoay quanh thực trạng của ba vấn đề lớn: cơ cấu sản xuất; cải tạo xã hội chủ nghĩa [từ được sử dụng ở đây là ‘cải tạo’ có nghĩa là quốc hữu hóa bắt buộc và tập thể hóa nông thôn – Adam Fforde (AF)]; cơ chế quản lý kinh tế. Thực tế tình hình đặt ra một yêu cầu khách quan có tính sống còn đối với sự nghiệp cách mạng là phải xoay chuyển được tình thế, tạo ra sự chuyển biến có ý nghĩa quyết định trên con đường đi lên và như vậy phải đổi mới tư duy.”12 

    Đại hội này cũng tổng kết kinh nghiệm của các sai lầm trong quá khứ thành bốn bài học lớn:

    “Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” [Nếu dịch ít theo nguyên tác hơn thì sẽ là ‘dựa mọi thứ vào dân’ – (AF)].
    Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
    Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
    Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.”13

    Đương nhiên là điều này không hoàn toàn rõ ràng. Nó không đề cập bất cứ điều gì đến thị trường, cải cách chính trị, hay bất cứ điều gì có tính chất cấp tiến đặc biệt nào. Tài liệu này cũng thông báo rằng Đại hội Đảng giới thiệu năm phương hướng cơ bản, chúng bao gồm “dứt khoát xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa …”.14 Và, đối với sinh viên đang muốn tìm hiểu xem Đại hội này là về vấn điều gì, phần này kết luận rằng đó là sự chuyển dịch lớn về phương hướng, cho dù vẫn không có sự rõ ràng điều đó là gì.15 

    Phần tiếp theo chỉ ra các thay đổi cụ thể về chính sách diễn ra sau Đại hội: đầu năm 1987, rào cản thương mại giữa các tỉnh được dỡ bỏ; Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 8 năm 1987 ủng hộ các hoạt động tự do thương mại của các doanh nghiệp Quốc doanh (từ đây gọi tắt là SOEs); vào tháng tư năm 1988, Bộ chính trị ra Nghị quyết 10, tuy không giải tán hợp tác xã nhưng đã yêu cầu khoán sản phẩm trực tiếp đến các hộ nông dân, bảo đảm mức chia sẻ tối thiểu từ việc khoán này tới tay nông dân; và đến tháng sáu năm 1988, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tìm cách cải cách bản thân Đảng một cách sâu rộng.16

    Vì thế, tự sự này khẳng định rằng Đại hội năm 1986 là một bước ngoặt quan trọng và là hệ quả do các vấn đề trước đó gây ra bởi sai lầm của Đảng, nhưng không làm rõ sự chuyển biến từ ‘kế hoạch sang thị trường’, hay về ‘đổi mới chính trị’. Không hề đề cập đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh, việc giải tán hợp tác xã, việc bầu cử địa phương, quá trình dân chủ hóa của Gorbachev, v.v.. Thực vậy, nhìn lại từ nhận thức muộn màng của năm 2016, khi chúng ta có độ trễ thời gian để nhận thức được sự thay đổi sâu rộng từ khoảng năm 1990 đã cởi trói và nới lỏng kiểm soát văn hóa và cá nhân, thật khó để tìm thấy các mục tiêu như thế trong các trích dẫn từ tài liệu vừa rồi mà nói rằng chúng là các mục tiêu của Đại hội. Tuy thế, người ta vẫn coi nó là một dấu mốc chuyển giao lớn, và như phần trình bày bên trên đã chỉ ra, điều đó đúng là như thế đối với Đảng thông qua những điều họ đang dạy.

    Căn cứ vào phân tích này, có hai điểm nổi bật xuất hiện:

    1.    Đầu tiên, Đảng giáo dục rằng sự cần thiết của Đại Hội VI là vì các sai lầm của Đảng trong việc xây dựng và áp dụng chiến lược phù hợp, và điều đó chủ yếu, không phải hoàn toàn, do ‘nhận thức sai’ – điều được coi là các ‘sai lầm chủ quan’.

    2.    Thứ hai, trên phương diện thay đổi chính trị và chính sách đang được thúc đẩy ở Liên bang Xô Viết dưới thời Gorbachev, và sau đó là ở Đông Âu khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Đại hội VI được cho là về cái gì đó rất khác biệt. Đảng Cộng Sản Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền đã gặp phải sức ép lớn, nhưng từ góc độ chính sách như chúng ta đã xem trong trường hợp rõ ràng về mong muốn của các doanh nghiệp quốc doanh về một thị trương thương mại tự do hơn, ước mong thậm chí bắt đầu hiện diện từ đầu những năm 1960 và trở thành một phần của cuộc đấu tranh chính trị và thương nghiệp từ cuối những năm 1970 – điều mà công trình trên đây không thảo luận.

    Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, việc tạo dựng các huyền thoại được thông qua kiểm soát tài liệu giáo dục, vì thế, chúng ta có thể thấy làm thế nào mà Đại Hội VI năm 1986 với tư cách như một huyền thoại xem ra có hai khía cạnh chủ đạo liên quan tới điều đó:

    1.    Thứ nhất, nó đề xuất rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là tác giả của các chuyển biến quan trọng, đánh dấu bằng Đại hội, được định danh là Đổi Mới, và đây chính là cơ sở chủ đạo của sự ‘thần kỳ kinh tế’ hay bất cứ chuyển đổi có ý nghĩa tích cực nào từ đó, nhưng rõ ràng là đơn giản những gì diễn ra không phải như thế, tại thời điểm của Đại hội, rõ ràng là vậy.17

    2.    Thứ hai, nó giải thích các thay đổi tại Đại hội như là sự sửa sai các sai lầm trong quá khứ từ góc độ nhận thức của Đảng rằng họ đã ‘nhận thức sai lầm’, và, thông qua phản ánh thực tiễn và phân tích, giờ đây họ đã biết được điều đúng đắn phải làm.

    Các góc nhìn học thuật từ ‘Tây-Tây’18

    Vấn đề Đại hội này đã thực sự đồng thuận về điều gì – các chính sách nào đã được tuyên bố – xuất hiện nhiều nhất trong các công trình học thuật (phương Tây). Ví dụ:

    “Vào tháng Mười hai năm 1986, Đảng Cộng Sản Việt Nam (VCP) họp với các đảng viên trẻ và ít chịu ảnh hưởng của ý thức hệ hơn, những người không cam kết với chủ nghĩa xã hội như một hệ thống kinh tế, và thúc đẩy một chính sách mới được gọi là Đổi Mới.”19

    Đoạn trích này đến từ tập hợp bài Key Issues in Asian Studies [Các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Á châu] của Hiệp Hội Nghiên cứu Á châu Hoa Kỳ, một tài liệu giảng dạy rất có uy tín. Như chúng ta đã xem, bản thân Đảng Cộng Sản Việt Nam không giáo dục rằng chính Đại Hội VI thúc đẩy một loạt chính sách thống nhất, thay vào đó nó mở các cánh cửa để dẫn tới nhiều hướng đi chưa được biết tới. Nhưng đoạn trích từ Woods thì gợi ý rằng đã có một sự tự ý thức rõ ràng thúc đẩy bởi một nhóm không xác định các Đảng viên “trẻ hơn”. Đây là góc nhìn khác biệt so với điều chúng ta tìm thấy trong công trình của Lê Mậu Hãn và các tác giả,20 nhưng giống ở điểm như Đảng lập luận rằng sự thay đổi chủ chốt mang tính ‘chủ quan’ – Đảng, khi chịu sự kiểm soát của ‘những người trẻ tuổi’ này, đã thay đổi quan điểm của mình.

    Công trình của Litvack và Rondinelli năm 1999, từ Ngân hàng Thế giới (World Bank): 

    “Sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong những năm 1970 và 1980 dẫn tới một loạt cải cách chính sách kinh tế được biết tới như là đổi mới, hay đổi mới kinh tế giúp chấm dứt trượt dốc kinh tế và dẫn tới tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.” 21

    Tiếp tục là hai học giả khác, Barbieri và Bélanger:

    “Đặt giữa sự lựa chọn giữa một bên là sự sống còn của bản thân như một hệ thống chính trị và bên kia là sự chuyển hướng căn bản trong chiến lược kinh tế xã hội của mình, Đảng Cộng Sản Việt Nam – theo phương hướng đề xuất bởi các quốc gia cộng sản khác – đã cải cách hoàn toàn hệ thống kinh tế và xã hội – Đại Hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ phiếu tán thành các vấn đề trung tâm của sự chuyển đổi từ mô hình Xô Viết sang hệ thống kinh tế định hướng thị trường vào tháng Mười hai năm 1986”.22

    Mội lần nữa câu cuối cùng của đoạn trích trên đưa ra một mô tả khác, rõ ràng trắng đen hơn so với điều mà Đảng Cộng Sản Việt Nam giáo dục sinh viên. Những đoạn trích dẫn này gợi ý rằng huyền thoại về Đại Hội Đảng lần thứ VI có hai khía cạnh:

    Trước tiên, Đại Hội này rất quan trọng, xác lập vai trò của Đảng như là tác giả của các đổi mới mà bản thân chúng trở thành nguyên nhân của các thành công sau đó, và tất cả những điều này phần lớn đã đến từ khi Đảng ‘thay đổi tư duy’.

    1.    Thứ hai, rằng, thậm chí còn đi xa hơn Đảng Cộng Sản Việt Nam, những góc nhìn nước ngoài có xu thế khẳng định rằng Đại Hội thể hiện một tầm nhìn rõ ràng đối với những gì đến sau đó. Điều này đối lập với những gì đang được giáo dục cho sinh viên Việt Nam trên các lớp chính trị bắt buộc của họ. 

    2.    Trong khi công trình trích dẫn bên trên rõ ràng là có thẩm quyền khi tất cả sinh viên bậc đại học Việt Nam sẽ phải sử dụng như một phần yêu cầu bắt buộc đối với các lớp chính trị, vậy chúng ta có thể nói điều gì về sự lan tỏa của huyền thoại này như nó được truyền tải qua các đoạn trích dẫn?

    Các phần mềm hiện có cho phép tất cả tư liệu được biên mục bởi Google Scholar có thể được tìm kiếm. Một cuộc tìm kiếm tất cả các văn bản có từ khóa “Đại Hội Đảng 1986” (“1986 Party Congress”) và các từ Việt Nam, đổi và mới vào ngày 20 tháng 09 năm 2017 đưa lại 1.366 trích dẫn từ 106 công trình. Trong số này, tốp 11 công trình đã có 743 trích dẫn – hơn một nửa trong toàn bộ số trích dẫn, và một cách hợp lí chúng ta có thể coi các công trình này có ảnh hưởng và từ đó xem xét điều mà chúng có thể kết luận mà không phải tốn nhiều công sức chú ý tới phần còn lại. 

    Có hai nhóm quan điểm rất khác biệt về Đại Hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng có thể được xem nằm dọc theo một dải quang phổ, và tới điểm nào đó, nó ngày càng sáng rõ rằng liệu một tác giả cụ thể đang phủ nhận ‘huyền thoại’.

    Đối với điều này, có thể đưa thêm một đoạn trích dẫn từ công trình của Taylor năm 2013 đi tìm kiếm liên hệ giữa một cuộc thảo luận ở Trung Quốc ở thế kỷ XV về việc làm gì với vùng đất mới được chinh phục, giờ đây là miền Bắc Việt Nam, và kêu gọi cho ‘một sự khởi đầu mới’: 

    “Mục tiêu được tuyên bố của ông ấy (đó là Huang Fu – một quan chức – AF) là ‘tạo ra một khởi đầu mới’ … Ông ấy sử dụng cụm từ canh tân (tiếng Trung: gengxin … nguyên nghĩa tương đương với từ tiếng Việt là đổi mới, được dịch là ‘renovation’, vốn đã trở nên nổi tiếng như một chỉ dấu của chính sách của chính phủ ở Việt Nam từ cuối những năm 1980.)?
    Từ thế kỷ X, không một thử nghiệm thiết lập một cấu trúc lãnh đạo chính trị nào tồn tại quá vài thế hệ … Không có bất cứ sự thử nghiệm nào dẫn tới cái khác… mỗi lần … đi theo một hướng mới mà không nhất thiết phát triển từ những cái trước đó. Những thử nghiệm này mở đường, định hình, hay kìm hãm khung cảnh mà các đế chế thịnh hay suy vượt ra bên ngoài đường biên phía bắc.”23 

    Kết quả bước đầu

    ‘Điều gì đã thực sự xảy ra’, rõ ràng đây là một câu hỏi mẹo mực để có thể trả lời, căn cứ vào một loạt các ý kiến ngoài kia. Tuy nhiên, trường hợp này có vẻ là như là chúng ta có thể thấy ba ‘quan điểm’ khác biệt về ‘huyền thoại’ đó. 

    Trước tiên, ở một thái cực, Gainsborough lập luận rằng có thể đó là trường hợp ‘tất cả là sân khấu’, và những gì xuất hiện như là chính sách và hành động quốc tế thực ra là một loạt nhầm lẫn và hỗn loạn lớn.24 Điều này được ủng hộ bởi Scott và các tác giả, những người nói rằng các quan chức Việt Nam thường có xu thế “khắc họa hoàn cảnh như là những điều phải như thế thay vì là thực tế chúng ra sao”.25 Do đó, trong khi ‘rõ ràng là có điều gì đó đã xảy ra’ vào Đại hội năm 1986, việc xem xét nó thể hiện một vài ý định rõ ràng, hay người ta biết rõ con đường phía là dành cho những người sai lầm như thế. Công trình của Taylor có thể được coi là đồng thuận với điều này, khẳng định không có nhu cầu cần thiết để thay đổi, và do đó không có logic chính sách (rằng X sẽ sinh ra Y). Đối với các quan điểm như thế, ‘huyền thoại” này rõ ràng là sai lầm. 

    Thứ hai, ở một thái cực khác, chúng ta tìm thấy các góc nhìn khẳng định huyền thoại một cách mạnh mẽ. Một mặt, một vài trong số này hiển nhiên là các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế Giới (World Bank), nhưng những người khác quen thuộc với các xu hướng này, họ cũng tìm kiếm một tác giả rõ ràng hơn của sự thay đổi. Đối với các quan điểm như thế, ‘huyền thoại’ này rõ ràng là hữu ích và sẽ được mô tả như là sự thật.

    Cuối cùng, và đây có lẽ là điều thú vị nhất, đó là quan điểm ‘trung dung’, có thể được ghi nhận ở các cuộc đối thoại hiển nhiên và thảo luận mà chúng ta có thể thấy trong sự đối lập giữa Malesky và Riedel và Turley, mà một mặt phủ nhận ‘huyền thoại này’, mặt khác sử dụng nhiều lập luận để khám phá, sử dụng các lập luận ngẫu nhiên, những điều được tìm thấy.26 Điều này đưa tới sự phá hủy cả các khái niệm như ‘chính sách’ (policy) (Gillespie chỉ ra điều này một cách rõ ràng), nhưng không phủ nhận giá trị của các lập luận ngẫu nhiên. Đối với các quan điểm như thế, ‘huyền thoại’ này là sai lầm, nhưng thú vị và có thể gợi mở.27 

    Từ đây, chúng ta có thể kết luận về ‘huyền thoại’ của Đại Hội Đảng lần thứ VI, nếu khẳng định một cách đơn giản thì rõ ràng là nó sai lầm, nhưng nó có quyền lực ở đó đặt ra các câu hỏi có giá trị cho những ai đang cố gắng tạo ra các lập luận đáng tin cậy để vượt qua huyền thoại này, và họ thường tìm kiếm các giải thích ‘vượt ra khỏi chính sách’. Bây giờ tôi cung cấp một miêu tả vắn tắt về một trong số những điều đó, bất đầu từ một phân tích của Việt Nam. Độc giả nên lưu ý rằng một trong những hạn chế tới các quyền tự do được thiết lập bởi các thiết chế Xô Viết chính là sự kiểm soát mạnh mẽ lên các quan hệ kinh tế trực tiếp: các xí nghiệp quốc doanh nhận được đầu vào từ, và cung cấp các sản phẩm đầu ra của họ cho các cơ quan kế hoạch, mà không liên hệ trực tiếp với nhau. Tuy nhiên những cản trở như thế, hay rào cản, có thể bị thách thức, và hệ thống xói mòn từ bên trong. Vì có thể lập luận rằng đó là điều đã thực sự diễn ra, điều này thách thức huyền thoại về Đại hội lần thứ VI. 

    Phá rào và vượt rào: ngôn ngữ của sự chuyển đổi và chính sách

    Không có nhiều bằng chứng thuyết phục về một cam kết thực và mạnh mẽ trong số những người Cộng sản Việt Nam đối với trật tự kinh tế cần thiết cho việc áp dụng mô hình phát triển bắt đầu ở Liên Xô: kế hoạch tập trung, v.v.. Miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DRV) trước năm 1975 hiển nhiên đã bị động viên một cách mạnh mẽ cho chiến tranh, và đã nhận được một lượng lớn viện trợ kinh tế từ khối Liên Xô và Trung Quốc. Thương vong quy mô lớn ở cả hai bên gợi ý rằng các động lực [đối với cuộc chiến – ND] là rất mạnh mẽ, nhưng điều đó cho chúng ta biết ít ỏi về thực tế bên trong cấu trúc Đảng/ Nhà nước của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, và mức độ để có thể đánh giá một cách hợp rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một khu vực mà đi qua tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ.

    Khi ‘người Mỹ thất bại’, có một xu thế tự nhiên, không chỉ giữa những người Mỹ, kết luận rằng quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất hùng hậu, và điều này phản ánh sức mạnh nền tảng mà cũng có thể được tìm thấy ở các lĩnh vực khác, như là trật tự xã hội và chính trị. Douglas Pike, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Việt Nam, vì thế đề cập tới Việt Nam như là ‘nước Phổ ở Á châu’.28 Ai đó có thể đáp trả lại sự so sánh khập khiễng này – ‘vậy ai là người Ba Lan ở Á châu?’ Sự hoài nghi ở đây, một phần đến từ việc lịch sử quân sự Hoa Kỳ thường được tô vẽ bởi nhận thức rằng: chiến thắng đạt được thông qua ưu thế vượt trội nên tổn thất là điều không đáng lo, sự thất bại của Hoa Kỳ ở đây tạo ra khuynh hướng cho những nhận thức tô vẽ đó. Tư tưởng này được tăng cường bởi bằng chứng rằng các lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ thường ra các quyết định rất xa với thực tế. 

    Có nhiều bằng chứng rằng kỷ luật kinh tế bị buông lỏng, và chính sách viện trợ kinh tế Liên Xô đã giúp đỡ tình trạng này từ sớm bằng cách chuyển nhập khẩu sang hàng tiêu dùng để phân phối cho số lượng đang tăng lên của các viên chức nhà nước chứ không cần phải đẩy những người này vào phần còn lại của nền kinh tế, đặc biệt là nông dân. Nguyễn Trí thảo luận về tình hình công nghiệp quốc doanh29 và Fforde năm 198930 về tập thể hóa nông nghiệp. Cả hai bức tranh này nằm trong số những thất bại không kiểm soát để tuân theo các nguyên tắc của Liên Xô. Cả hai, được viết bởi các nhà kinh tế, rất khác biệt với các cuộc thảo luận về chiến tranh.

    Sau năm 1975, việc chiếm Sài Gòn, việc ‘cướp’ chính quyền, được tiến hành, theo Huy Đức, bằng cách xác lập một cách nhanh chóng các cấu trúc Cộng sản miền Bắc bởi một nhóm nhỏ các cán bộ cộng sản: 

    “Trước 30-4-1975, tại Sài Gòn có 735 đảng viên tại chỗ. Trung ương Cục31 bổ sung thêm 2.820 cán bộ đảng viên … Nhưng đến cuối tháng Năm năm 1975, số đảng viên đã nhanh chóng tăng lên đến 6.553 người …. [Những chiến sỹ cách mạng nằm vùng] nhanh chóng nắm giữ các vị trí then chốt của thành phố, kiểm soát Đài Phát thanh, thành lập báo Sài Gòn Giải Phóng và điều hành một hệ thống đoàn thể xuyên suốt từ Thành phố cho đến các thôn ấp.”32 

    Nhưng những người này không phù hợp với sứ mệnh của họ, theo cách hiểu tương tự như luận điểm bên trên mà có lẽ là một kết luận sai lầm rằng từ sức mạnh quân sự, sẽ mặc định về tính kỷ luật và năng lực [ở các lĩnh vực khác – ND]:

    “Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận, không ai trong số những người tiếp quản Sài Gòn năm 1975 có kiến thức về quản lý nhà nước. Mục tiêu lớn nhất đặt ra trong những ngày đầu là nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, ổn định chủ yếu bằng các giải pháp chính trị. Riêng các cơ sở kinh tế, giáo dục, y tế… thì dự định từ trong R [cán bộ từ vùng kháng chiến] là sẽ để cho các ngành, chủ yếu từ miền Bắc vào [các bộ và các cấu trúc Đảng phối hợp, kiểm soát – AF], tiếp quản những cơ sở có liên quan đến ngành mình [kinh doanh, bệnh viện, trường học, v.v.. – AF].”33 

    Do đó, điều hy vọng là tạo ra một trật tự từ tình trạng hỗn loạn, niềm hy vọng được đặt lên các các chuyên gia kinh tế từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những người mà hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp quốc doanh và hệ thống kế hoạch của họ đang trong tình trạng thiếu tổ chức và lệ thuộc vào viện trợ.34 Họ phải xoay sở để thoát ra khỏi yêu cầu vận hành kế hoạch tập trung với tính chất khắc nghiệt và các thị trường có tính phổ biến hơn những gì mà các cố vấn Liên Xô có thể hài lòng. Nhưng, mười lăm năm trước khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, họ đã chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam. Với việc tiếp cận các nguồn cung cấp gạo ở vùng châu thổ Mekong, giờ đây nhiều người kỳ vọng vào tăng trưởng nhanh dựa trên kế hoạch tập trung, tuy nhiên đó là điều đã không xảy ra. 

    Người ta có thể cho rằng sự thiếu kỷ luật này có một lịch sử dài. David Marr, trong hai nghiên cứu dài về giai đoạn 1945-46 (Marr 1997 và 2013), có thể được coi là lập luận theo hai điểm chính sau đây. Trong khi sự trỗi dậy năm 1945 phần lớn được hiểu một cách thống nhất là được tạo nên dựa trên sự đồng thuận tập thể chứ không phải sự lãnh đạo của Trung Ương Đảng Cộng Sản (hay bất cứ cơ quan nào khác). Giai đoạn đầu sau khi thành lập nước trong những năm 1945-1946 chứng kiến những người cộng sản và dân tộc chủ nghĩa Việt Nam chiếm giữ và phát triển các cấu trúc nhà nước với ít sự quan tâm đến việc tạo ra một quyền lực nhà nước ổn định và thống nhất, mà đó là một loạt phương tiện để phục vụ cho các mối bận tâm ở cả phương diện tranh đấu cá nhân trực tiếp và đấu tranh dân tộc nói chung.35 Một cách khác để hình dung điều này là ở chỗ: yếu tố chìa khóa là chế độ cai trị chứ không phải ý thức hệ của nó, và ở bên trong thể chế đó thì quan hệ cá nhân là trung tâm. 

    Những điều này cung cấp một tổng thể các kênh đan chéo và song song xen kẽ với nhau, bao quanh trật tự của hệ thống Cộng sản. Điều này làm cho các diễn viên dễ dàng để nhận ra cơ hội và chủ động tận dụng chúng. Vì thế, các vị trí có thể được dành cho con cái hay bạn bè, với hồ sơ lí lịch ‘đưa’ qua kênh Ban tổ chức Trung ương Đảng, và sức ép phải chịu đựng để bảo đảm tiếp cận các khoản sinh lợi giá trị như là kinh doanh, bệnh viện và trường học (một phần vì lương bổng, nhưng phần khác có lẽ cũng lại vì tham nhũng). Các cấu trúc quan hệ như thế đứng đàng sau và cùng tồn tại với cấu trúc chính thức của Đảng Cộng sản, và trong thực tế thậm chí chúng có nhiều quyền lực hơn, nhưng kiến trúc chính thức của chế độ cũng rất quyền lực, tạo ra những hàng rào nguy hiểm với các cuộc tấn công. 

    Một yếu tố cốt lõi của các hàng rào này – chúng hiện diện nơi nào, chúng cao bao nhiêu – chính là yếu tố kinh tế: sự cân bằng giữa việc thu các tài nguyên từ thị trường và từ kế hoạch. Những sự cân bằng như thế lan rộng khắp nền kinh tế miền Bắc, ví dụ, như nông dân bị kẹt trong các hợp tác xã Cộng sản đã thương thuyết về việc bao nhiêu sản phẩm họ được quyền kiểm soát, và họ sẽ tiến hành sản xuất theo cách thức để cuối cùng đưa chúng ra bán trên thị trường tự do, và bao nhiêu sản phẩm họ sẽ sử dụng vào việc nhận được sự chấp thuận của các cán bộ (ví như nhận được thư giới thiệu cho con em của họ), và khả năng tiếp cận đối với các sản phẩm tiêu dùng (như vải vóc Trung Quốc) v.v.. Vì thế, ví dụ, đối với Bộ Công nghiệp nhẹ ở Hà Nội, việc giành được quyền kiểm soát đối với các nhà máy ở Sài Gòn là một viễn cảnh lợi nhuận cao, một phần là vì đầu ra có thể sẵn sàng sử dụng để thu về tiền mặt và/ hoặc đầu tư trong các quan hệ hướng tới các triển vọng thuận lợi trong tương lai.

    Sự nổi lên của thị trường tự do cùng tồn tại với giá cố định và kế hoạch tem phiếu có thể truy nguyên về đầu những năm 1960 ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.36 Nông dân trong các hợp tác xã tổ chức theo mô hình Xô Viết, những người nằm dưới sự kiểm soát chính trị có thể buộc họ giao nộp sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch, tuy nhiên thực tế diễn ra khá là đối lập với điều đó. Dữ liệu chính thức chỉ ra rằng diện tích canh tác các cây lương thực chủ yếu sụt giảm từ đỉnh điểm năm 1964.37 Trong khi những sự giải thích chính thức đổ lỗi cho việc bị ném bom, báo cáo nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được đề cập bởi Đinh Thu Cúc phủ nhận điều này, trình bày rằng việc suy giảm diện tích canh tác gây ra bởi nông dân vi phạm các nguyên tắc chính sách:

    “Tình trạng xã viên lấn chiếm trái phép ruộng đất của tập thể… là tình trạng phổ biến và kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy có thực tế là ruộng đất canh tác các xã ngày càng giảm… Ở Thái Bình, trong vòng mười hai năm, diện tích canh tác toàn tỉnh hụt mất 12,6% …”38 

    Điều mà Đinh Thu Cúc đề cập đến như là ‘lấn chiếm trái phép ruộng đất của tập thể’ là, theo các báo cáo, đã được chấp nhận một cách chính thức bởi lãnh đạo chính trị của tỉnh Vĩnh Phú, và như những phê phán đó, qua công trình của Đinh Thu Cúc cho thấy rằng đây là một cuộc thảo luận chính trị về điều được tuyên bố chính thức là như thế chứ không phải là điều đã diễn ra trong thực tế.39 

    Do đó, việc phá rào như thế mang nhiều ý nghĩa, và gắn kết sâu sắc với các xung đột được thể hiện một cách mạnh mẽ ở miền Bắc trước năm 1975 như chúng ta đã xem, giữa thực tế và những miêu tả đã nói về nó. Phần lớn những gì đã được viết ra là về chủ đề này (phần lớn trong số đó là của tôi), và các tài liệu chính sách là những gì chúng phản ánh: Công Báo được tiếp cận nguyên dạng như nội dung in ấn ban đầu, và bây giờ có thể dễ dàng tiếp cận ở các thư viện online có chức năng tìm kiếm40. Với nền công nghiệp quốc doanh, Fforde cung cấp một lịch sử chính sách chi tiết, bổ sung vào đó một thảo luận sâu rộng về chúng là gì dựa theo những gì có thể tìm thấy từ báo chí công khai, và đồng thời là các bình luận từ tập hợp những người điều hành các doanh nghiệp quốc doanh.41

    Chỉ dẫn tới khái niệm ‘phá rào’ có thể được tìm thấy trong công trình của Đàm Văn Nhuệ và Lê Sĩ Thiệp, trong một lập luận thúc đẩy ý tưởng rằng hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh ở thị trường tự do, dù được cho là ‘đối lập với kế hoạch nhà nước’ thực ra là có lợi, không chỉ ở việc chúng giúp đỡ thu nhập của công nhân.42 Họ lập luận rằng việc doanh nghiệp quốc doanh kiếm lời từ sản phẩm đầu ra qua các hoạt động như thế đã phá các rào cản dựng lên bởi kế hoạch-trung ương, đã bắt đầu từ trước năm 1981, khi chính sách đã chính thức cho phép họ. ‘Các bức rào’ này có ý định ngăn cản doanh nghiệp quốc doanh giao thiệp trực tiếp thông qua thị trường với các nhà phân phối, khách hàng, và những người có thể thúc đẩy hoạt động trao đổi. Nhiều nhà kinh tế có thể lập luận rằng bên cạnh những cách thức tiến hành kinh doanh hiệu quả hơn, các mối quan hệ trực tiếp như thế rõ ràng là làm thay đổi sự cân bằng, các thương thảo, các mối quan hệ đa dạng trước đó vốn diễn ra đằng sau bề mặt của Đảng/ Nhà nước. Tuyên bố về chính sách năm 1981 đến sau Hội nghị Trung ương lần thứ VI năm 1979, mà cũng đồng thời khuyến khích việc ‘phá rào’. Động thái này diễn ra khi cắt giảm viện trợ Trung Quốc và Tây-Tây giúp những người phá rào có thể đưa ra các lập luận của mình và có thêm động lực, mặc dù từ 1980 trở đi, khối Xô Viết là người viện trợ chủ đạo duy nhất, với một chương trình hỗ trợ lớn. Trong các năm 1982 và 1984 có vẻ là các chính sách đã tìm cách hạ nhiệt hoạt động ‘phá rào’, nhưng đến đầu năm 1986, trước Đại Hội VI, chính sách đã đổi chiều để hỗ trợ chúng. Báo chí chính thống đầu những năm 1980 phản ánh đầy các mô tả chi tiết về thuận lợi và khó khăn của những việc đang diễn ra.43 Thực tế này làm cho ta dễ hiểu hơn tại sao Lê Mậu Hãn và các tác giả vào năm 2006 lại đưa ra quan điểm khác biệt và dành nhiều sự ghi nhận cho Đại hội VI, nhưng không quá nhiều đến mức bất hợp lý, căn cứ vào kinh nghiệm sống và viết về nó.44 

    Trích dẫn một câu chuyện từ Huy Đức, bà Nguyễn Thị Đồng là bí thư nhà máy dệt Thành Công (đối tượng của nhiều báo cáo) đã phải đối mặt với một đoàn kiểm tra khoảng năm 1980:

    “Tôi lấy lý luận của Đảng tôi cãi lại. Tôi bảo, các anh không giao sợi, lẽ ra tôi để nhà máy dẹp. Tôi tự xoay xở, nhà nước thu tiền mệt nghỉ sao anh bắt tôi?”. Trưởng đoàn thanh tra hỏi: “Tại sao theo quy định, tiền ăn công nhân là 700 đồng, chị dám chi 1.000?”. Bà Đồng bảo: “Ngoài giờ, lẽ ra người ta ở nhà, tôi bồi dưỡng họ chút ít rồi vận động họ làm thay vì vui chơi với gia đình, họ ăn thêm 300 đồng để làm cho nhà nước chứ có làm cho nhà họ đâu”. Ông Đức nói: “Như vậy là phá rào”. Bà Đồng nói thẳng: “Không phá rào không làm được gì hết.”45

    Trở lại và xem xét lại huyền thoại

    Có vẻ khá rõ ràng là huyền thoại này yếu ớt nhưng thú vị. Nếu chúng ta hỏi những chức năng mà nó có vẻ đang đảm nhiệm là gì, một vài câu trả lời là khả dĩ. Đối với bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam, ở một tầng bậc như chúng ta thấy từ công trình của Lê Mậu Hãn và các tác giả, có vẻ như đây là một phần của các nỗ lực bình thường để chính danh hóa nền cầm quyền của Đảng.46 Tuy nhiên, những điều này không đi quá xa, dù có một khoảng trống không quá rộng giữa câu chuyện này với những gì sinh viên, và/hay bố mẹ của họ có thể đọc từ báo chí của giai đoạn này. Điều này làm giảm sức nặng động cơ mà người ta đặt vào Đại hội năm 1986 qua những điều như là ‘nó rất quan trọng’, nhưng đồng thời cũng rất khác biệt với tuyên bố về các chính sách rõ ràng hay ‘một kế hoạch chi tiết’ cho sự thay đổi. Cuộc thảo luận và các phân tích lịch sử này giờ đã hiện diện một cách rõ ràng. Chính bài báo xuất hiện rất sớm của Đinh Thu Cúc và mô tả chi tiết sau đó của Huy Đức chỉ ra rằng những thay đổi này là căn bản, vượt ra xa và không thể dừng lại.47

    Các mô tả học thuật truyền tải huyền thoại này xuất hiện trong một thiểu số, và ở nhiều góc độ khác nhau, đó là một thiểu số thú vị, một số bị thúc đẩy bởi những gì đang diễn ra, và phần nào là các mối quan tâm ở bên lề của nước Mỹ về ‘cuộc Chiến’ và khuynh hướng tự nhiên hướng tới lập luận về đấu tranh ý thức hệ, do đó dành nhiều niềm tin hơn, chứ không phải ít đi, cho Việt Nam và các tuyên bố về ‘điều nên như thế’, và ít hơn cho các tuyên bố của người Việt Nam về ‘những điều đã thực sự diễn ra’.48 Với những ai từng đi qua xung đột vũ trang thì một sự song hành như thế có lẽ là không nằm ngoài dự đoán [xem Calder về một cuộc thảo luận chi tiết về kinh nghiệm của Liên Hiệp Anh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai].49 

    Ở một khía cạnh nào đó, người ta sẽ hỏi liệu điều này có vận hành tương tự ở nhiều nhóm khác nhau. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, điều này khó để nói, nhưng họ vẫn nắm quyền, và các xung đột chính trị gần đây như nông dân chống đối vũ trang nhắm vào quan chức địa phương cố gắng kiểm soát đất đai, có vẻ như khác biệt với những năm 1980. Với nhiều nhóm học thuật khác nhau, việc gắn với huyền thoại của Đại hội VI dường như đã không dẫn tới vấn đề lớn. Các nghiên cứu như thế cố gắng để được xuất bản, và danh tiếng của họ thực sự không bị ảnh hưởng. Đối với các nhà cung cấp viện trợ, việc sử dụng huyền thoại để hỗ trợ các nỗ lực can dự vào Việt Nam có vẻ như đã có kết quả, các nhà viện trợ đã rải ngân nhiều tiền và lương bổng đã được chi trả. Việt Nam đã đạt được vị thế thu nhập trung bình vào khoảng năm 2009 và chỉ số đói nghèo đã cho thấy những sự cải thiện mạnh mẽ. Như Thomas Kuhn trình bày, “nếu một sự bất thường gây ra khủng hoảng, nó chắc chắn phải nhiều hơn một sự bất thường thông thường”.50 

    Với tất cả những điều có vẻ như khô khan về sự ganh đua giữa giới hàn lâm và các lĩnh vực khác, thực tế là huyền thoại này có sức hấp dẫn rộng lớn hơn nhiều, vì nó đụng chạm đến một vấn đề chính trị được chia sẻ giữa các nền văn hóa: làm thế nào và tại sao các chính trị gia nên thoát khỏi một chiến lược quen thuộc mà tất cả cử tri chắc chắn nhận thức rõ, đó là tìm cách tăng uy tín nhờ vào các kết quả tích cực, trong khi tránh xa (hoặc bằng cách nào đó biến thành lợi thế) những điều tiêu cực? Những câu hỏi như thế, như một sinh viên người Đức tại Singapore của tôi nhấn mạnh, là giá trị, có lẽ có ý nghĩa hơn là câu trả lời, vì đặt ra các câu hỏi này đã là điều hữu ích. Trong một phạm vi đặc biệt: tại sao mọi người tin vào những khẳng định rằng X gây ra Y? Để bắt đầu, những người nghiên cứu đánh giá các dự án viện trợ được trả tiền để củng cố củng cố mô hình nguyên nhân – hệ quả, nhưng khi các chuyên gia được hỏi, họ có xu thế không đồng ý. Vì thế Tilley viết năm 2000: 

    “Các kết quả đan xen từ … nghiên cứu đánh giá là phổ biến. Ở một số nghiên cứu đánh giá thường khám phá ra rằng các kết quả này biến thiên.”51

    Đối với những bộ óc tỉnh táo hiện tại, các nghiên cứu như thế về những sự thật duy nhất của quan hệ nhân quả có vẻ như kỳ cục. Tiếp tục lấy các công trình về viện trợ làm ví dụ, Fforde đã thảo luận về sự kỳ lạ của lý thuyết viện trợ khi Ủy Ban Cố vấn Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) yêu cầu nhân viên viện trợ và nhà tài trợ tin rằng họ biết điều gì gây ra hệ quả nào, và nếu họ không đồng ý thì phải có ai đó đã sai lầm (xem DAC).52

    Khi được nhìn từ khung cảnh những điều diễn ra đối với văn hóa kiểm toán trong việc đánh giá các chương trình nghiên cứu khoa học, nơi mà hàng tỷ euro được giải ngân, xem Van Eijndhoven, người lập luận rằng có một xu thế chống lại việc tiêu tiền để tạo ra các tuyên bố về ‘cái gì gây ra cái gì’ (vì chúng chỉ dẫn tới tranh cãi thay vì sự đồng thuận), thay vào đó là hướng tới ‘xây dựng sự đồng thuận’ ở đó cho phép nhiều mô tả của những người có liên quan cùng đưa ra một cách cởi mở.53 Tuy nhiên cuộc hành trình tìm kiếm các chân lý quyền lực đơn nhất vẫn còn hiện hữu. Đối lập với công trình của Baker năm 2000, một xuất bản của Ngân hàng Thế giới với một tập hợp các bài viết giới thiệu bởi Bimber và Guston trên Journal Technological Forecasting and Social Change [Tạp chí Dự báo Công nghệ và Chuyển đổi Xã hội], đặc biệt là các bài viết của Norton về Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Nghị viện Liên hiệp Anh và bài viết của Hill về sự thất bại của Văn Phòng Kiểm định Công nghệ của Quốc hội (OTA).54 Hoos thảo luận về một tiếp cận mang tính biện luận hơn, thậm chí nếu không nói là tiếp cận dân tộc học cho một nghiên cứu như thế, vượt ra xa khỏi ý tưởng về những đánh giá ‘khách quan’.55

    Từ khung cảnh này của chủ nghĩa hoài nghi đương đại, ‘huyền thoại’ về Đại Hội VI có vẻ gì đó cuốn hút kỳ lạ – đó là cho đến khi người ta nhận ra rằng nó có thể hợp lý hóa các quyết định chủ yếu về an ninh quốc tế, việc phân bổ hàng tỷ dollars tiền viện trợ, và nhiều thứ khác nữa.

    Chú thích

    1

     Stefan de Vylder và Adam Fforde (biên tập), From Plan to Market: The Economic Transition in Vietnam, Boulder CO 1996, một trong những nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất về sự chuyển dịch những năm 1980, chủ yếu dựa trên một nghiên cứu tư vấn xuất bản một thập kỷ trước đó (Stefan de Vylder/Adam Fforde (biên tập), Vietnam: An Economy in Transition, Stockholm 1988), và theo hiểu biết của tôi, chưa từng bị phê phán. Khi một bản dịch của nó được giới thiệu trước một cử tọa chính thức, một câu hỏi quan trọng (được trình bày một cách ẩn ý) rằng “nếu ông nhấn mạnh đến sự không quan trọng của chính sách, tại sao sự phân kỳ của ông lại căn cứ vào các điểm chuyển giao chính trị”? 

    2

     Thomas Kuhn, The structure of scientific revolutions¸ 2nd edition (bản mở rộng), International Encyclopedia of Unified Science, Chicago 1970. 

    3

     Le Duc Thuy, Economic doi moi in Vietnam, trong: William. S. Turley/Mark Selden (Biên tập), Reinventing Vietnamese Socialism: Doi Moi in Comparative Perspective, Boulder CO 1993, trang 97-106. De Vylder/Fforde (chú thích 1). 

    4

    https://thuvienphapluat.vn/

    5

     Xem cuộc thảo luận về các định nghĩa về “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” (“socialist market economy”) trong Adam Fforde, Vietnam: economic strategy and economic reality, trong: Journal of Current Southeast Asian Affairs, 35.2/2016, trang. 3-30, đề cập tới văn bản của khóa học online: https://www.wattpad.com/2927500-l%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-h%C3%B3a-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-h%C3%B3a-g%E1%BA%AFn-v%E1%BB%9Bi, Truy cập ngày 24/10/2017 (không đánh số trang). Đề cương ôn tập cho các vấn đề ôn thi trả lời câu hỏi sau đây: “Lý luận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa là gì” là như sau: “Sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân là nhân tố quyết định sự thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Chính vì thế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân được coi là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…” [trang 22]. Các phần dịch ở đây và những chỗ khác sang tiếng Anh là của tác giả. 

    6

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chủ biên), Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng), (Tái bản lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung), Hà Nội 2006. 

    7

     Từ được sử dụng (‘chủ trương’) đề cập đến “phương hướng” chung xác lập bởi Đảng, được hiện thực hóa bởi Nhà nước thông qua các chính sách – Đảng Cộng Sản theo mô hình Xô Viết với sự phân biệt rõ ràng giữa Đảng và Nhà nước, với quyền lực tối cao được cho là thuộc về bên Đảng trong sự phân chia về chức năng. Xem Taubman về một cuộc thảo luận liên quan tới việc tái cấu trúc lại nền chính trị Liên Bang Xô Viết trong thời kỳ Khrushchev sau khi Stalin qua đời: William Taubman, Khrushchev: The Man and His Era, New York 2003. 

    8

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 146.

    9

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 146.

    10

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), Chương 5, Mục 2: trang 147 và các trang tiếp theo.

    11

     Fforde (chú thích 4). 

    12

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 147.

    13

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 147-8. 

    14

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 147. 

    15

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 149. 

    16

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5), trang 150.

    17

     Vì thế, đưa ra một trong số nhiều ví dụ, xem Nguyễn Duy Quý: “Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. So với công cuộc cải cách và chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường ở các quốc gia khác, đổi mới ở Việt Nam có những nét đặc thù riêng. … Đổi mới ở Việt Nam là quá trình thử nghiệm, trong quá trình này cái mới và cái cũ xen kẽ nhau, cái cũ không mất đi ngay mà lùi dần, có lúc, có nơi còn chiếm ưu thế hơn cái mới, nhưng xu hướng chung là cái mới dần dần được khẳng định và đưa tới thành công.” Tác giả này được đề cập bởi tài liệu là một cựu thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 

    18

     Ở đây tôi tập trung vào các công trình bằng tiếng Anh và loại trừ các công trình của chuyên gia thuộc khối Liên Xô (khối “Đông-Tây”) khi mà tôi không đọc được tiếng Nga, ngôn ngữ mà phần lớn các công trình liên quan ở đây được biên soạn. 

    19

     Shelton Woods, The Story of Viet Nam: From Prehistory to the Present, Key Issues on Asian Studies No 12, AAS Resources for Teaching about Asia, Ann Arbor 2013, trang 73.

    20

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5). 

    21

     Jenny I. Litvack/David A. Rondinelli (biên tập), Market Reform in Vietnam: Building Institutions for Development, London 1999, trang 2. 

    22

     Magali Barbieri/ Daniele Bélanger, Introduction, trong: Magali Barbieri/Daniele Bélanger (biên tập), Reconfiguring Families in Contemporary Vietnam, Stanford, 2009, trang 20. 

    23

     Keith W. Taylor, A history of the Vietnamese, Cambridge, 2013, trang 175. 

    24

     Martin Gainsborough, From Patronage to» Outcomes»: Vietnam’s Communist Party Congresses Reconsidered, Journal of Vietnamese Studies, 2.1/2007, trang 3-26.

    25

     Steffanie Scott/Fiona Miller/Kate Lloyd (biên tập), Doing fieldwork in development geography: research culture and research spaces in Vietnam, in: Geographical Research, 44.1/2006, trang 28 –40, trang 33. 

    26

     Edmund J. Malesky, Straight ahead on red: how foreign direct investment empowers subnational leaders, in: The Journal of Politics, 70.1/2008, S. 97-119. James Riedel/William .S. Turley (Biên tập), The politics and economics of transition to an open market economy in Viet Nam, oecd-ilibrary.org, OECD Development Centre Working Paper No.: 152 199, siehe: http://dx.doi.org/10.1787/634117557525.

    27

     John Gillespie, Transplanted Company Law: An Ideological and Cultural Analysis of Market-Entry, trong: Vietnam, International and Comparative Law Quarterly, 51.3 July /2002, trang 641-672.

    28

     Douglas Pike, PAVN: People’s Army of Vietnam, Boston 1986. Chương 1. 

    29

     Nguyễn Trí (chủ biên), Về tổ chức sản xuất trong công nghiệp miền Bắc nước ta, Hà Nội, 1972, nhiều phần trong sách. 

    30

     Adam Fforde, The Agrarian Question in North Vietnam 1974-79: A Study of Cooperator Resistance to State Policy, New York 1989. 

    31

     Đây là cơ quan chỉ huy của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại miền Nam.

    32

     Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, trong: Giải Phóng, tập I, Sài Gòn, 2012, trang 33. 

    33

     Huy Đức (chú thích 31), trang 33. 

    34

     Huy Đức dẫn dẫn một lãnh đạo cốt cán của Văn phòng Trung Ương chỉ ra mô hình ở Hà Nội năm 1954 khá khác biệt, do “Hồ Chủ tịch cho phép tất cả nhân viên của bộ máy điều hành cũ được ở lại với mức lương như trước mà đôi khi là cao hơn của chúng tôi” (Huy Đức, chú thích 31, trang 33.).

    35

     David G. Marr, Vietnam 1945 – The quest for power, Berkeley 1997; David G. Marr, Vietnam State, War, and Revolution (1945-1946), Berkeley 2013. 

    36

     Adam Fforde/ Suzanne Paine (biên tập), The Limits of National Liberation: Problems of Economic Management in the Democratic Republic of Vietnam, with a Statistical Appendix, London 1986. 

    37

     Fforde/Paine (chú thích 35), trang 193.

    38

     Đinh Thu Cúc, Quá trình từng bước củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc nước ta, trong: Nghiên cứu Lịch sử, 1977/175-07-08, trang 37-52; trang 40. 

    39

     Một miêu tả có tính chất tiểu thuyết hóa của khung cảnh này là về Vĩnh Phú, có thể được tìm thấy trong Văn Thao, Bí Thư tỉnh ủy – Từ cuộc đời ‘Cha đẻ khoán hộ’ KIM NGỌC, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010; và một cuộc thảo luận sống động về hiện thực mà những người quản lí hợp tác xã phải đối mặt, với một số khó khăn, ví dụ nông dân có thể trộn bùn đất với phân lợn khi giao nộp cho hợp tác xã, có thể được tìm thấy trong cuốn sách này ở trang 17. 

    40

     ví dụ như trang web www.thuvienphapluat.vn

    41

     Adam Fforde, Vietnamese State Industry and the Political Economy of Commercial Renaissance: Dragon›s tooth or curate›s egg?, Oxford 2007.

    42

     Đàm Văn Nhuệ và Lê Sĩ Thiệp. Kết hợp lợi ích của tập thể người lao động trong công nghiệp địa phương. Nghiên cứu kinh tế, trong: Nghiên cứu Kinh tế, 5.10/1981/: không có số trang. 

    43

     Fforde (chú thích 39), ở nhiều trang. 

    44

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (Chú thích 5).

    45

     Huy Đức (chú thích 31), trang 188.

    46

     Lê Mậu Hãn/Trình Mưu/Mạch Quang Thắng (chú thích 5). 

    47

     Đinh Thu Cúc (chú thích 37). Huy Đức (chú thích 31). 

    48

     Vì thế, Goscha coi nhà nước Cộng sản này như là một ‘nhà nước sinh ra từ chiến tranh’, và các xung đột ‘trên hết, như là một xung đột giữa hai khuynh hướng cạnh tranh, giữa những người thực dân Pháp và những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa” (Christopher Goscha, Vietnam – Un etat ne de la guerre 1945-1954, Paris 2011, trang 22; biên dịch của tác giả). Đối lập với điều đó, Marr có thể được coi là sử dụng khái niệm quyền lực với tính chính trị, đa diện, tính cạnh tranh và được định nghĩa từ góc độ địa phương, và thích hợp hơn nhiều với các khắc họa về Việt Nam ở đây: Marr (chú thích 34). 

    49

     Angus Calder, The People›s War: Britain 1939-1945, London 1969.

    50

     Kuhn (chú thích 2), trang 82. 

    51

     Nick Tilley, Realistic evaluation – an overview, Presented at the Founding Conference of the Danish Evaluation Society 2000, xem https://www.researchgate.net/publication/252160435_Realistic_Evaluation_An_Overview, trang 4. 

    52

     Adam Fforde, Reinventing Development: The Sceptical Change Agent, New York 2017. DAC, Criteria for Evaluating Development Assistance, xem http://www.oecd.org/dac/evaluation/daccriteriaforevaluatingdevelopmentassistance.htm 

    53

     Josee Van Eijndhoven, Technology assessment: product or process?, trong: Technological Forecasting and Social Change 54/1997, trang 269-86. 

    54

     Judy Baker, Evaluating the Impact of Development Projects on Poverty – A Handbook for Practitioners, Washington DC 2000. Bruce Bimber/David H. Guston, Introduction: the end of OTA and the future of technological assessment, in: Technological Forecasting and Social Change, 54/1997, trang 125-130. Michael Norton, The UK Parliamentary Office of Science and Technology and its interaction with the OTA, Technological Forecasting and Social Change, 54/1997, trang 215-231. Christopher T. Hill, The Congressional Office of Technological Assessment: a retrospective and prospects for the post-OTA world, trong: Technological Forecasting and Social Change, 54/1997, trang 191-198.

    55

     Ida R. Hoos, From my perspective -The Anatomy of a Decision, in: Technological Forecasting and Social Change, 60/1999, trang 295-297.

    https://vandoanviet.blogspot.com/2024/08/viet-nam-huyen-thoai-va-thuc-te-ky-10.html


    Không có nhận xét nào