Thu Hằng /RFI
12/8/2024
Chính sách phi liên kết không phải là hoàn toàn mới nhưng được cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong “ngoại giao cây tre”. Một “di sản” được ông cố vun đắp từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (14/12/2021) và được coi là một “trường phái đối ngoại” của Việt Nam.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm (P) tiếp phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/07/2024. AFP - NHAC NGUYEN
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà tại Singapore, trong một bài viết đăng ngày 24/10/2023 trên trang Fulcrum (1), nhận định “mặc dù thiếu nội dung thực chất, nhưng khái niệm “ngoại giao tre Việt Nam” đã phát triển song song với sự trỗi dậy về mặt chính trị của ông Trọng khi ông củng cố vị trí nổi bật trong hệ thống lãnh đạo tập thể của Việt Nam trong những năm gần đây. Sự trỗi dậy về mặt chính trị của ông cũng phụ thuộc vào cơ may địa-chính trị của Việt Nam, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều cạnh tranh để kéo Việt Nam về phía họ. Người ta có thể lập luận rằng “ngoại giao cây tre” của ông Trọng xuất phát từ sự tình cờ về mặt địa chính trị của Việt Nam hơn là từ sự đổi mới chính sách”.
Còn trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 06/06/2024, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý “khái niệm (“ngoại giao cây tre”) là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước” (2). Tuy nhiên, sau 14 năm, đảng Cộng Sản Việt Nam có tổng bí thư mới. Đại tướng Tô Lâm, nguyên bộ trưởng Công An, trở thành người quyền lực nhất Việt Nam khi lần lượt giữ chức chủ tịch nước và tổng bí thư, ít nhất cho đến Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XIV, dự kiến diễn ra vào tháng 01/2026.
Di sản “ngoại giao cây tre” sẽ được tiếp tục như thế nào ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Vũ Khang, chuyên về an ninh Đông Á, trường Đại học Boston (Boston Collegue), Hoa Kỳ.
RFI : Đảng Cộng Sản Việt Nam bước sang trang mới sau 14 năm lãnh đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ có thay đổi như thế nào với sự kiện này ? Chiến lược “ngoại giao cây tre” sẽ vẫn được tiếp tục ?
Vũ Khang : Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có thay đổi gì dưới thời của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm vì có hai lý do chính.
Thứ nhất, ngoại giao Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có mục tiêu đầu tiên, đó chính là kiềm chế và trấn an được Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc vẫn đang ổn định nên Việt Nam không có nhu cầu để phải có những thay đổi lớn trong ngoại giao. Nếu Việt Nam có những hành động thay đổi lớn trong chính sách “ngoại giao cây tre”, nhất là Việt Nam muốn mở rộng quan hệ ngoại giao đối với những nước “thù địch” với Trung Quốc thì điều đó có thể khiến Trung Quốc phật lòng. Và trong trường hợp đấy, Việt Nam sẽ phải hứng chịu những đáp trả không cần thiết từ Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp hiện nay, Việt Nam với Trung Quốc hoàn toàn không có những lý do gì để hạ quan hệ ngoại giao song phương. Cho nên Hà Nội không có lý do gì để mà thay đổi đường lối “ngoại giao cây tre” hiện giờ.
Lý do thứ hai, chính sách đối ngoại của Việt Nam từ xưa đến nay vẫn do Bộ Chính Trị quyết định chứ không phải là do một cá nhân, bất kể cá nhân đấy có là tổng bí thư hay là chủ tịch nước đi chăng nữa. Cần phải hiểu rõ là chính mô hình của Bộ Chính Trị này tạo điều kiện cho một tập thể lãnh đạo, ra quyết sách, quyết định của đất nước, chứ không phải là một cá nhân. Cho nên, chừng nào các thành viên còn lại trong Bộ Chính Trị không muốn thay đổi đường lối chính sách “ngoại giao cây tre” hiện giờ thì việc thay đổi nhà lãnh đạo cấp cao nhất là tổng bí thư cũng sẽ không có tác động lớn đối với đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam.
RFI : Như anh vừa nêu phần nào, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm hiện giờ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam nhưng dường như lại không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, điều này có thác động như thế nào đến ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là với Trung Quốc và Hoa Kỳ ?
Vũ Khang : Thực ra kinh nghiệm đối ngoại không quá quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay. Nhất là khi các quyết sách ngoại giao của Việt Nam được thông qua bởi Bộ Chính Trị chứ không phải một cá nhân. Tóm lại, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm có thể không có kinh nghiệm ngoại giao nhiều như những người tiền nhiệm nhưng không có nghĩa là những người đồng chí ở trong Bộ Chính Trị hoặc những nhà hoạch định chính sách dưới quyền của ông Tô Lâm trong nước cũng không có kinh nghiệm ngoại giao nào cả.
Có thể hình dung ra rằng ông Tô Lâm như là một người đại diện lớn nhất cho chính sách đối ngoại của Việt Nam chứ ông cũng chỉ là một nhân tố quyết định chính sách đối ngoại. Cho nên kinh nghiệm ngoại giao của ông Tô Lâm, mặc dù về tương lai sẽ quan trọng, nhưng hiện giờ trong bối cảnh Việt Nam đang có sự thay đổi lớn về thượng tầng lãnh đạo, thì kinh nghiệm ngoại giao không phải là ưu tiên quan trọng nhất lúc này. Và cần phải nhấn rõ rằng kinh nghiệm ngoại giao cần phải được đúc kết về lâu về dài. Nhiều nhà lãnh đạo, kể cả những tổng thống của Mỹ hay những nước phương Tây khác, khi họ lên chưa chắc họ cũng đã có kinh nghiệm ngoại giao. Nhưng trải qua những lần công tác hay là những cuộc gặp quốc tế, họ dần trở nên bạo dạn hơn và có những tiếp xúc giúp cho họ có thêm kinh nghiệm để đối đáp với những đối tác nước ngoài.
Điểm tiếp theo, đó là về mặt quan điểm chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam không thay đổi, cho nên đấy mới là điều mà Mỹ với Trung Quốc muốn nghe nhất thời điểm này, hơn là kinh nghiệm ngoại giao của ông Tô Lâm. Bởi vì thực ra Mỹ với Trung Quốc đều hiểu rằng là chừng nào Việt Nam còn duy trì một vị trí trung lập, kinh nghiệm ngoại giao của người đứng đầu hệ thống đảng và nhà nước không quá là quan trọng.
RFI : Với nhiều nước Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là Đức và Slovakia, khủng hoảng ngoại giao liên quan vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin cũng như là những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, có còn là rào cản trong mối liên hệ với nhà lãnh đạo quyền lực nhất hiện nay không ?
Vũ Khang : Các nước phương Tây vẫn giương cao ngọn cờ dân chủ, nhân quyền khi có những trao đổi qua lại với chính quyền Việt Nam. Đây cũng là một cách để họ có thể ép Việt Nam phải có những nhượng bộ về ngoại giao. Họ có thể sử dụng những lá bài này để lên án Việt Nam trên trường quốc tế nhằm làm tổn hại uy tín của Việt Nam. Tuy vậy, việc sử dụng ngọn cờ dân chủ, nhân quyền cũng chỉ là một trong rất nhiều phương thức để phương Tây bảo vệ quyền lợi của họ trong quan hệ với Việt Nam.
Chính việc dân chủ, nhân quyền cũng chỉ là một trong nhiều phương thức tạo điều kiện cho phương Tây. Đôi khi họ đặt những quyền lợi cốt lõi của họ, quyền lợi về kinh tế hoặc là quyền lợi về chính trị, lên trên cả những giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền. Đơn cử Mỹ chẳng hạn, trong quá khứ, Mỹ cũng đã rất nhiều lần cho thấy là họ cũng không ngần ngại hợp tác, tăng cường quan hệ với nhà nước độc đảng nếu các nhà nước độc đảng đó có chung lợi ích với Mỹ.
Và chính Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đánh tín hiệu với chính quyền của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm là họ coi trọng, muốn hợp tác với chính quyền mới của ông khi phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell đã đến Việt Nam và dự lễ tang của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi dự lễ tang, ông đã có cuộc gặp với ông Tô Lâm. Chính cuộc gặp với một nhà lãnh đạo mới của Việt Nam cũng khẳng định rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng không muốn những hiểu lầm, những sự kiện trong quá khứ làm tổn hại mối quan hệ giữa EU và nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.
Cần phải nói rõ vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng đi lên, nhất là khi Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến những nước “bớt thù nghịch hơn” như Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, chính Liên Hiệp Châu Âu cũng không có lý do gì để một chuyện trong quá khứ hoặc những vấn đề dân chủ, nhân quyền làm tổn hại tương lai, lợi ích của họ khi chính họ cũng nhìn ra được rằng mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam đang là xu thế toàn cầu và đang là một xu thế có lợi cho kinh tế của phương Tây.
RFI : Mới đây, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã điện đàm với tổng thống Nga và hai bên khẳng định về mối quan hệ song phương. Trong thời gian tới, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga sẽ đi theo hướng như nào ?
Vũ Khang : Trước khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, vào tháng 07/2024, ông Tô Lâm đã là người đại diện cho chính quyền Việt Nam đón tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc Nga gửi lời trao đổi với ông Tô Lâm trong tuần vừa rồi (ngày 08/08/2024) về việc Việt Nam và Nga muốn tăng cường quan hệ ngoại giao, thực ra không có gì là mới hay bất ngờ bởi vì từ xưa đến nay, chính sách đối ngoại của Nga luôn luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác châu Á quan trọng song song với Ấn Độ khi mà Nga và Việt Nam có mối quan hệ quân sự từ rất lâu và quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ gặp phải khủng hoảng đến mức trầm trọng như quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hoặc với Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh Việt Nam cũng nhận thấy rằng “ngoại giao cây tre” cần phải được liên tục phát triển và nhấn mạnh, thông qua việc Việt Nam tăng cường quan hệ với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga, việc Việt Nam và Nga có cuộc điện đàm để tái khẳng định chuyến thăm của ông Putin đến Hà Nội là một điều rất bình thường và cũng là một điều nằm trong chính sách đối ngoại “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Sự kiện đó cũng muốn tái khẳng định rằng chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam dưới thời tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm sẽ không có gì thay đổi so với thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Vũ Khang, trường Đại học Boston, Hoa Kỳ.
*******
(1) Nguyen Phu Trong’s ‘Bamboo Diplomacy’: Legacy in the Making?
(2) Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Không có nhận xét nào