Header Ads

  • Breaking News

    Tướng công an Vũ Hồng Văn làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

    BBC News

    08/8/2024

    Nguồn hình ảnh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương

    Chụp lại hình ảnh, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn

    Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vừa được Bộ Chính trị điều động giữ chức phó chủ nhiệm cơ quan này. Ông Hồng Văn nguyên là Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ thuộc Bộ Công an. 

    Quyết định này được Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú trao cho ông Vũ Hồng Văn tại kỳ họp thứ 45 của ủy ban này vào sáng ngày 8/8. 

    Ông Vũ Hồng Văn là tướng công an gần đây nhất được thăng tiến trong hệ thống Đảng, theo sau việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư và trước đó là Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc được bổ nhiệm làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

    Ông Hồng Văn và ông Duy Ngọc đều cùng quê Hưng Yên với ông Tô Lâm.

    Theo tiểu sử trên trang Quốc hội, ông Văn sinh năm 1976, đã công tác trong Bộ Công an từ năm 1995, kinh qua nhiều chức vụ gồm: phó chính ủy, phó tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ thuộc Bộ Công an (ông đã nhận Huân chương Quân công hạng nhì ở vị trí này).

    Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 vào tháng 10/2023, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn đã được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

    Ngày 30/10/2023, Ban Bí thư đã ký quyết định điều động Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) - Bộ Công an, đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

    Tại buổi lễ chúc mừng Thiếu tướng Vũ Hồng Văn nhận nhiệm vụ mới vào tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh việc điều động này là xuất phát từ "yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và kiện toàn cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương". 

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

    Việc xử lý cán bộ cấp lãnh đạo cao, gồm cả các ủy viên Bộ Chính, đều dựa trên báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

    Từ đầu năm 2024 đến nay, có tới năm ủy viên Bộ Chính trị, hai trong số này thuộc "Tứ Trụ", đã phải xin thôi chức vì "vi phạm những điều đảng viên không được làm", theo báo cáo và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

    Năm người này gồm: Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. 

    Ủy ban này còn có chức năng "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc yêu cầu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật và Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đảng viên".

    Ví dụ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng đề nghị kỷ luật ông Trần Tuấn Anh, ông Lê Thanh Hải (cựu bí thư TP HCM), ông Trịnh Đình Dũng (cựu phó thủ tướng), ông Mai Tiến Dũng (cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)...

    Tuy nhiên, không phải Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng kỷ luật ai thì người đó sẽ bị kỷ luật, ví dụ trường hợp ông Trần Tuấn Anh. 

    Tuy có những vi phạm nhưng ông Tuấn Anh xin thôi chức và không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào, hình thức thường được gọi là "hạ cánh an toàn". 

    Vào ngày 10/7, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú thông báo rằng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 44 tổ chức đảng và 164 đảng viên (trong năm 2024).

    Trong đó, có 13 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, 17 cựu ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và 19 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; cho thôi giữ chức vụ 19 người. Theo ông Tú, số liệu này tăng cao so với nhiệm kỳ Đại hội 12.

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương là những ban đảng đóng vai trò đắc lực, chủ chốt trong công cuộc "đốt lò" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

    Vào tháng 6/2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký Quyết định 165 của Bộ Chính trị ban hành quy trình ba bước xem xét, thi hành kỷ luật với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

    Quyết định này nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kỷ luật cán bộ cấp cao. 

    Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam không có thẩm quyền bắt giữ, thẩm vấn đảng viên. Thay vào đó, Cơ quan điều tra của Bộ Công an - được xem là thanh bảo kiếm của Đảng - làm nhiệm vụ này.

    Chuyển biến nhân sự trong Bộ Công an

    Chưa đầy hai tháng, Bộ Công an đầy quyền lực đã có nhiều chuyển biến nhân sự cấp cao, quan trọng. 

    Bộ Công an đã có tân bộ trưởng Lương Tam Quang. Bộ này cũng có ba vị tướng được bổ nhiệm các chức vụ cấp cao, lãnh đạo trong hệ thống đảng và nhà nước (ông Tô Lâm, ông Nguyễn Duy Ngọc, ông Tô Ân Xô). 

    Sự thăng tiến cấp cao nhất là cựu Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước vào ngày 22/5 và chính thức trở thành tổng bí thư sau cuộc bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 3/8. 

    Với sự bổ nhiệm này, ông Tô Lâm vừa là lãnh đạo đảng vừa là nguyên thủ quốc gia. Trong quá khứ, chỉ có các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh và gần nhất là ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cả hai chức vụ này. 

    Ngày 30/7, Trung tướng Phạm Thế Tùng được bổ nhiệm chức danh thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Ông Tùng từng là trưởng Công an huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.

    Ông Tô Lâm rời ghế bộ trưởng Công an thì người được chọn để thay ông là Thượng tướng Lương Tam Quang, người được bổ nhiệm vào ngày 6/6. Ở cương vị này, ông Quang sẽ điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò”. 

    Việc ông Quang chưa là ủy viên Bộ Chính trị mà đã làm bộ trưởng công an là một "ngoại lệ chưa từng có" kể từ năm 1975.

    Một nhân vật khác cũng được đánh giá "phá vỡ thông lệ" là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc. 

    Vào ngày 3/6, ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng, đã được Bộ Chính trị phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng khi chưa là ủy viên Ban Bí thư.

    Theo thông lệ, người đảm trách chức vụ này thường nằm trong Ban Bí thư vì tính chất đòi hỏi của công việc.

    Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là đầu mối phối hợp chương trình công tác, các cuộc làm việc của những nhân vật chủ chốt trong Đảng, gồm tổng bí thư, thường trực Ban Bí thư và một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chưa kể, vị trí này còn có nhiệm vụ giúp thường trực Ban Bí thư xử lý công việc hằng ngày của Đảng.

    Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc không nằm trong Ban Ban Bí thư mà được phân công nhiệm vụ này cho thấy đây là điều "phá vỡ thông lệ", giống như Thượng tướng Lương Tam Quang chưa vào Bộ Chính trị đã thành bộ trưởng Công an.

    Ông Lương Tam Quang, ông Nguyễn Duy Ngọc, ông Phạm Thế Tùng và ông Vũ Hồng Văn đều là đồng hương Hưng Yên với Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm.

    Ngoài những người này thì Trung tướng Tô Ân Xô, nguyên là người phát ngôn của Bộ Công an, cũng nhận nhiệm vụ mới tại Văn phòng Chủ tịch nước, theo thông báo của Bộ Công an ngày 1/6. 

    Ngoài là người phát ngôn, ông Tô Ân Xô còn từng là trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và đảm nhiệm nhiệm vụ người phát ngôn Bộ Công an. Như vậy, với công việc mới ở Văn phòng Chủ tịch nước, ông sẽ tiếp tục phục vụ ông Tô Lâm. 

    Vào ngày 6/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt. Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường thì ông Nguyễn Duy Ngọc cũng có mặt. 

    Ông Tô Ân Xô cũng tham gia. 

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgrlzqvyz6o


    Không có nhận xét nào