Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Tập cướp dầu khí, Tô Lâm cúi đầu chịu đựng

    19/8/2024

    Tôi lục tìm tài liệu bên nhà nhưng rồi cũng không tìm được tin tức gì từ báo chí trong nước về việc liệu lãnh đạo đảng có phản đối việc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông trong các cuộc họp hai bên hay không? Liệu cựu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng những lúc gặp Tập Cận Bình có phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông không? 

    Hình trên chỉ ra thái độ khúm núm của Bà Trọng trước đại biểu Trung Quốc lúc ông Trọng qua đời. Với thái độ của vợ ông như thế, ông Trọng có gan to tiếng với Tập không? Thế thì phía Việt cộng, ai “lãnh đạo” việc thương lượng những vấn đề nhạy cảm với quan chức Tàu cộng?

    Hôm qua ngày 18/08/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao trong đảng đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. [1] Hôm nay 19/08, Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. [2] 

    Lịch trình làm việc của Tô Lâm không nhắc đến chủ quyền đất nước ở Biển Đông. Những chuyên gia về Việt Nam cũng ít bàn đến chuyện Biển Đông trong chuyến đi của Lâm. [2]

    Nhưng như thế có nghĩa là Tập đang để yên chuyện Biển Đông không? 

    Tuần qua, Trung Quốc tuyên bố họ đã tìm ra môt mỏ khí khổng lồ mới nằm ở vùng nước sâu có thể thuộc về những nước khác. [3]

    Trung Quốc đã xác nhận việc phát hiện mỏ khí đốt cực lớn, cực nông đầu tiên trên thế giới ở vùng nước cực sâu. Mỏ khí này nằm ở độ sâu chôn cất trung bình 210 mét nhưng nằm dưới đáy biển có độ sâu trung bình 1.500 mét. Khi tiếp cận mỏ khí Lingshui 36-1, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc dường như đã vượt qua được những thách thức kỹ thuật cố hữu khi tiếp cận mỏ này. 

    Ước tính ban đầu là Lingshui 36-1 chứa hơn 100 tỷ mét khối hay 3,53 nghìn tỷ feet khối (Tcf) khí đốt. Giá trị thị trường của lượng khí đốt đó sẽ là 15 tỷ USD. Điều này không đưa nó vào top 10 toàn cầu nhưng cũng không xa các mỏ top nầy bao nhiêu và đây có lẽ chỉ là tiềm lực đầu tiên mà Trung Quốc có thể khai thác. 

    Nhưng ở đây có vấn đề - mỏ khí nầy có thể không thuộc về Trung Quốc trên phương diện pháp lý.

    Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn kín tiếng về vị trí chính xác của Lingshui 36-1, chỉ nói rằng “nó nằm ở vùng biển phía đông nam Hải Nam, tỉnh đảo cực nam của Trung Quốc”.

    Phía đông nam Hải Nam, có quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo nầy bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng cũng được cả Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ miền Nam Việt Nam vào năm 1974, nhưng quyền sở hữu thực sự của quần đảo này vẫn đang bị tranh chấp gay gắt.

    Nếu Hoàng Sa thuộc về nước nào đó không phải là Trung Quốc, thì vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc sẽ kết thúc nửa đường - và trong trường hợp đó, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc chỉ bao gồm các vùng nước nông, hầu như không vượt quá đường viền 200m. 

    Gần như chắc chắn rằng Lingshui 36-1 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Hoàng Sa và do đó có khả năng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc Đài Loan.

    Tất nhiên, Trung Quốc không chỉ tuyên bố rằng họ sở hữu quần đảo Hoàng Sa. Họ cũng tuyên bố sở hữu mọi thứ trong “Đường chín đoạn”. Nói cách khác, Trung Quốc nói rằng về cơ bản họ sở hữu toàn bộ Biển Đông, bất kể quyền của các nước khác xung quanh Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận vùng đặc quyền kinh tế hoặc luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

    Yêu sách về “Đường chín đoạn” đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye bác bỏ vào năm 2016, nhưng điều này không có hiệu lực lên hành vi lấn áp của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đóng các đảo và rạn san hô trên khắp Biển Đông, trong nhiều trường hợp tạo ra vùng đất nhân tạo để xây dựng các căn cứ không quân, bến cảng và các cơ sở khác – Việt Cộng cũng bắt chước làm theo kiểu nầy.  

    Sự vượt trội hải quân của Trung Quốc so với các nước trong vùng là rất lớn. Cả ba lực lượng biển của Trung Quốc – hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân đánh cá – đều có số lượng tàu lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc có cơ sở hạ tầng nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới và đang mở rộng cả hải quân và tàu buôn của họ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào kể từ Thế chiến thứ hai.

    Hành vi gần đây của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trên biển cho thấy rõ rằng nước này sẵn sàng chà đạp bất kỳ ai, sử dụng vũ lực nếu cần thiết để đối phó với những nước cản đường bành trướng của Trung Quốc. 

    Trước sự vượt trội về hải quân và hàng hải này, chính quyền Việt cộng và Philippines đã áp dụng các chiến lược khác nhau. Việt cộng đã tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi đó Việt cộng cũng đang xây dựng lực lượng hải quân của chúng; hiện có 50.000 người và hơn 100 loại tàu và tàu ngầm. Chúng đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống phòng thủ ven biển, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa, một khu vực tranh chấp nóng bỏng khác.

    Philippines cũng tham gia tương tự vào việc xây dựng mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt, chú trọng vào vấn đề này hơn so với các chính quyền trước đây. Những lãnh tụ trước của Philippines thường tìm cách nhún nhường với Trung Quốc để đạt được các ưu đãi kinh tế từ Trung Quốc. Chính quyền Philippines hiện nay cũng đã mở rộng lực lượng hải quân của mình, hiện có 35.000 người và gần 100 tàu các loại, một số được Hàn Quốc đóng, hiện đại và có năng lực.

    Sự khác biệt chính giữa Philippines và Việt Nam là Philippines đã lên tiếng nhiều hơn về những xung đột đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là về tầm quan trọng và lợi ích của việc đưa báo chí quốc tế đến hiện trường để chứng kiến và tường thuật về những hành vi côn đồ của Trung Quốc cho thế giới cùng thấy. Tranh chấp đang diễn ra ở bãi cạn Scarborough là một ví dụ điển hình khi Philippines thường xuyên tiết lộ với thế giới rằng các tàu hải cảnh và dân quân Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động gây hấn và bất hợp pháp. 

    Trở lại chuyện Tô Lâm thăm Tập Cận Bình, cho đến khi Tô Lâm đủ dũng cảm để lên tiếng về thái độ hống hách ở Biển Đông của kẻ bắt nạt dân mình, Tập sẽ tiếp tục giẫm lên đầu lãnh đạo Việt cộng. 

    Tôi không mong đợi lãnh đạo Việt cộng có thể dũng cảm như những nhà lãnh đạo dân cử của Philippines, nhưng ít nhất tôi muốn cái gọi là lãnh đạo Việt cộng đừng nhu nhược quá đáng trước thiên triều phương Bắc. Có nhiều dữ liệu để chỉ ra rằng Tô Lâm là kẻ hèn nhát, y bắt nạt những người bất đồng ý kiến một cách tàn bạo, nhưng y có thể im re về chuyện Biển Đông khi y gặp Tập. 

    Trong khi Tập cướp dầu khí của dân mình ở Biển Đông, Tô Lâm có lẽ học cách khúm núm của bà Trọng trước thiên triều phương Bắc.

    Nguồn: 

    1. BBC. Vì sao ông Tô Lâm nhanh chóng thăm Trung Quốc ngay sau khi làm tổng bí thư? 18/08/2024; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cy0nkyz1e46o.

    2. BBC. Ông Tô Lâm hội đàm với ông Tập Cận Bình: Thấy gì từ cuộc gặp ở Bắc Kinh? 19/08/2024; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c77lvx6n480o.

    3. Tom Sharpe. China’s massive new gas field probably belongs to someone else. The Telegraph 12/08/2024; Available from: https://www.telegraph.co.uk/news/2024/08/11/china-lingshui-36-1-gas-field-paracels-eez-nine-dash-line/.


    Không có nhận xét nào