Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Làm sao dựng lại công bằng, bình đẳng và hiệu quả?

    21/8/2024

    Nhà báo Nguyễn Thông bình luận về cô thủ tướng trẻ mới được lựa chọn ở Thái Lan và so sánh cách làm của quốc hội Thái với cái thể chế bùi nhùi của Việt cộng. 

    “Các nhà lập pháp Thái … không hiệp thương giới thiệu, không quán triệt việc cơ cấu, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, xét lý lịch trong sạch, tìm đối tượng có nguồn gốc ba đời bắt cua, độ tuổi bao nhiêu bao nhiêu, giàu kinh nghiệm, bằng chính trị cao cấp, học qua lớp bồi dưỡng cán bộ chiến lược, ít nhất đã 1 – 2 khóa ủy viên trung ương, con đồng chí nào, quê ở đâu, có truyền thống cách mẹ cái mạng không, …”[1]

    Thế thì làm sao dựng lại công bằng, bình đẳng và hiệu quả trên quê hương?

    Lý thuyết lựa chọn xã hội là một khuôn khổ để phân tích các quá trình ra quyết định và tổng hợp ưu tiên của tập thể người dân trong xã hội. Khung lý thuyết nầy xem xét cách kết hợp các sở thích cá nhân để phản ánh các quyết định tập thể và cách tối đa hóa phúc lợi xã hội thông qua các quyết định chung nầy. [2]

    Khung nầy khám phá các phương pháp và ý nghĩa của việc đưa ra các quyết định đại diện cho sở thích của nhóm dựa trên sở thích từng cá nhân, xem xét các làm những quyết định nầy để nâng cao tính công bằng, bình đẳng và hiệu quả của những quyết định.

    Ứng dụng - Các ứng dụng chính của khung lý thuyết lựa chọn xã hội bao gồm:

    Hệ thống bỏ phiếu: Khung lý thuyết lựa chọn xã hội phân tích các hệ thống bỏ phiếu khác nhau, ví dụ như lựa chọn phản ánh sự ưa thích hay ưu tiên của đa số dân, lựa chọn theo sắp hạng của một loạt những ưu tiên khác nhau, hay lựa chọn những người đại diện cho dân theo tỷ lệ, như số người ở các vùng của đất nước. Khung lý thuyết nầy xem xét các cách lựa chọn khác nhau để hiểu cách chúng ảnh hưởng đến kết quả và thể hiện ý chí của người dân.

    Lấy ví dụ, Việt cộng hiện nay có tổ chức một số hình thức bỏ phiếu ở nhiều cấp độ khác nhau. Các cuộc bầu cử nầy diễn ra trong một hệ thống được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sự thống trị của đảng và thiếu tính cởi mở, tính cạnh tranh và trách nhiệm giải trình như các cuộc bầu cử dân chủ ở các quốc gia theo lý thuyết lựa chọn.

    Cách ra quyết định của tổ chức: Khung lý thuyết lựa chọn có thể dùng ở diện xã hội cũng như áp dụng vào việc ra quyết định của môt tổ chức khi tổ chức ấy coi trọng giá trị công bình, bình đẳng và hiệu quả làm việc của tổ chức. Cách ra quyết định nầy được áp dụng trong quá trình ra quyết định trong các tổ chức, tổng hợp các ưu tiên của các bên liên quan khác nhau.

    Lấy ví dụ, việc thiếu cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực trong thể chế cộng sản làm suy yếu việc hoạch định và thực thi chính sách thực sự công bằng, bình đẳng và hiệu quả. Thể chế nầy đang vận hành để bảo toàn quyền lực của đảng hơn là tối ưu hóa sự công bằng hoặc bình đẳng cho người dân.

    Chính sách công: Các nguyên tắc lựa chọn xã hội cung cấp thông tin để hướng dẫn việc thiết kế các quy trình ra quyết định nhằm tổng hợp các ưu tiên đa dạng của các bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách công.

    Lấy ví, chiến dịch “đốt lò” của cựu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đến việc tiếm quyền của ông Tô Lâm có nhãn hiệu là chống tham nhũng, nhưng việc thiết kế và thực hiện chiến dịch này dường như ưu tiên sự kiểm soát của đảng và quyền lực của Tô Lâm. Cái gọi là chống tham nhũng nầy thất bại trong việc kết hợp các ưu tiên xã hội đa dạng vào quá trình hoạch định chính sách làm sạch nhà nước. Bản chất tập trung của chiến dịch và động cơ chính trị của Tô Lâm cho thấy chiến dịch nầy không phản ánh mạnh mẽ các nguyên tắc tổng hợp lợi ích của các ý kiến nhiều chiều.

    Chính sách kinh tế: Các nguyên tắc lựa chọn công bằng, bình đẳng và hiệu quả được sử dụng để đánh giá những chính sách công, như cơ cấu thuế, phân bổ các nguồn lực chăm sóc sức khỏe hay giáo dục, cũng như những lựa chọn xã hội khác dựa trên các ưu tiên tổng hợp và cân nhắc về đạo đức thông thường và tự nhiên trong dân gian.

    Lấy ví dụ như chính sách xuất khẩu lao động của Việt cộng hiện nay tuy tạo điều kiện cho đảng viên và tùy tùng của chúng ăn chận đô la trên máu và nước mắt của dân các tỉnh nghèo, nhưng chính sách xua dân đi làm các việc độc hại, dơ bẩn hay ở đợ ở nước ngoài không cân bằng việc làm ở nước ngoài với phát triển trong nước và tạo việc làm cho dân. 

    Cách thủ lợi của đảng viên cộng sản thông qua kiều hối thiếu tính bền vững lâu dài và có nhiều độc hại xã hội. Sự vắng mặt của cha mẹ và các thành viên trong gia đình có thể dẫn đến các vấn đề xã hội như trẻ em bị bỏ rơi, gia đình tan vỡ và những thay đổi trong cấu trúc gia đình và cộng đồng.

    Cơ sở lý thuyết - Khung lý thuyết lựa chọn xã hội được xây dựng trên một số nguyên tắc chính:

    Sở thích cá nhân: Giả định về cách các cá nhân xếp hạng các lựa chọn khác nhau. Ví dụ như ở trong nước, có vài người trong nhóm chóp bu quyền lực thích Tô Lâm, nhưng đại đa số dân tay làm hàm nhai chắc không thích phải chi tiền thuế quá nhiều cho công an mà chi rất ít cho y tế và giáo dục. Sở thích mỗi người dân phải được tôn trọng. 

    Cơ chế tổng hợp: Phương pháp kết hợp sở thích cá nhân thành kết quả tập thể. Các cơ chế nầy tổng hợp các thứ tự ưu tiên cá nhân để đưa ra các ưu tiên xã hội hoặc các lựa chọn chung. Trong thực tế, hầu hết các hệ thống dân chủ đều sử dụng các phương pháp tương đối đơn giản như bỏ phiếu theo đa số. Ví dụ như hiện nay những cái gọi là “bầu cử” của Việt cộng không tổng hợp sở thích của dân.

    Chức năng phúc lợi xã hội: Thể hiện cách xã hội đánh giá các kết quả khác nhau dựa trên tiện ích cá nhân. Hàm số phúc lợi xã hội là một cách kết hợp phúc lợi hoặc sở thích của tất cả các cá nhân trong xã hội thành một thước đo duy nhất về mức độ thịnh vượng của toàn xã hội. Nó giống như việc cố gắng đưa ra "điểm hạnh phúc" tổng thể cho cả một cộng đồng.

    Lấy ví dụ, thể chế cộng sản hiện nay trê quê hương không ưu tiên phúc lợi xã hội mà chỉ chú tâm vào duy trì quyền lực. Trong đầu óc của lãnh đạo đảng, những ý niệm về hạnh phúc của dân và hàm phúc lợi xã hội chỉ là những ác mộng đe dọa quyền lực của chúng - những ý kiến phản động, theo cách nghĩ của chúng.

    Nói tóm lại, lý thuyết lựa chọn xã hội giúp tạo ra các hệ thống công bằng, hiệu quả và đại diện hơn trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Các ứng dụng của nó tiếp tục mở rộng khi các xã hội phải vật lộn với những lựa chọn tập thể ngày càng phức tạp trong một thế giới toàn cầu hóa.

    Nguồn:

    1. Nguyễn Thông. Nể! Tiếng Dân 17/08/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2024/08/17/ne/.

    2. Stanford Encyclopedia of Philosophy. Social Choice Theory. Accessed 20/08/2024; Available from: https://plato.stanford.edu/entries/social-choice/.


    Không có nhận xét nào