Minh Hả/Saigon Nhỏ
17/8/2024
Sòng bạc ở Quảng Trị bị bắt quả tang, với 4 công an viên là dân chơi. (Hình: báo Lao Động)
Năm 2023 và 2024, các vụ điều tra của Bộ Công An CSVN đưa ra nhiều cáo trạng, trong đó liên quan đến các quan chức ở nhiều tỉnh thành bị tội đánh bạc với số tiền phát hiện không nhỏ. Từ lúc đó, câu nói giễu cợt cũng lan truyền trên mạng xã hội với đầy ngụ ý của người dân “nhiều tiền để làm gì?”
Tạm gác những sôi nổi trong nghị trường chính sự Việt Nam, tạm gác lại những đại án tham nhũng, những vụ án đang khởi tố hoặc đang tuyên án, đang bắt giam những quan chức sai phạm từ cấp bé cho đến cấp cao, từ những cán bộ-công chức cộng sản ăn tàn phá hoại đất nước đến ăn của dân không chừa thứ gì. Có thể nói mấy ngày qua, người dân Việt Nam ít nhiều cũng được ít ngày xả stress bởi thường lặp lại câu tự hỏi tự trả lời rằng: “Tiền nhiều để làm gì?” Trả lời ngay: “Tiền nhiều để đi đánh bạc.”
Câu nói vô thưởng vô phạt này ám chỉ đến vụ án đang xảy ra liên tỉnh-thành tại miền Bắc Việt Nam. Đó là từ ngày 22 Tháng Sáu đến ngày 5 Tháng Tám 2024, Cơ quan An Ninh Điều Tra của Bộ Công An CSVN ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giam và lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú gần 20 người, với cáo buộc tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc trái phép.”
Nơi đánh bạc xảy ra tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Kiều Chi nhánh Hà Nội- King Club (Tầng 1, Khách sạn Pullman, số 40 Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội) thuộc Công ty TNHH dịch vụ đầu tư và giải trí Việt Hải Đăng.
Đáng chú ý trong số gần 20 đối tượng này, ngoài Cho Choon Keun, 51 tuổi; Choi Jin Bok, 58 tuổi; và Shim Hawn Hee, 28 tuổi, đều mang quốc tịch Nam Hàn, cùng quản lý tại King Club, thì hầu hết những đối tượng còn lại là những thương gia, lãnh đạo tập đoàn doanh nghiệp lớn, cán bộ-công chức sinh sống, làm việc và công tác tại Hà Nội, Hòa Bình và Phú Thọ. Trong đó có:
-Trương Xuân Danh, 48 tuổi, Hà Nội; cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Địa Ốc Cienco 05, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh.
-Hồ Đại Dũng, 52 tuổi, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nhiệm kỳ 2021- 2026.
-Ngô Ngọc Đức, 50 tuổi, cựu bí thư TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nhiệm kỳ 2020-2025.
Những người này đều có bằng cấp học vấn từ cử nhân đại học cho đến thạc sĩ. Qua đó cho thấy họ đều có trình độ nhận thức. Điều đặc biệt những quan chức này có rất nhiều tiền, nên trị giá những ván bạc trong phòng kín này, không phải là trò chơi cò con đường phố. Bởi vậy, người dân mới òa lên với định nghĩa mới “Tiền nhiều để làm gì? Tiền nhiều để đi đánh bạc.”
Với câu nói tự hỏi tự trả lời này, người dân mỉa mai, giãn căng thẳng trong bối cảnh chính sự Việt Nam đầy ngột ngạt trong thời gian qua. Tuy nhiên, nó cũng là sự thật khó chối cãi về cán bộ-công chức đảng viên cộng sản.
Bắt quả tang một sòng bài có quan chức tham gia ở Vĩnh Phúc. (Hình: BCP)
Ai đời một phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ hay một bí thư Thành Ủy TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là những cán bộ được đảng CSVN đào tạo bài bản, hồng chuyên tư tưởng và lý luận chính trị cấp cao, tương lai có cơ hội bay cao bay xa hơn nữa trong nghị trường thì nay lại bị khởi tố, tạm giam với tội liên quan đến đánh bạc.
Cũng không thể biện minh theo lối trẻ con rằng, từ trước giờ chưa hề đụng đến bài bạc nay anh em mới vui vẻ có một chút thì xui rủi bị bắt, cần phải biết đây là cả một quá trình phạm tội. Bởi cơ quan khởi tố vụ án, không phải là cơ quan công an ở các cấp tỉnh-thành mà là cơ quan thuộc Bộ Công An, nghĩa là mức độ nghiêm trọng của vụ án đã được theo dõi từ rất lâu.
Vụ án của những quan chức đánh bạc rồi có thể tạm dừng với những kết luận quan loa của chính quyền trị tội lẫn nhau, nhưng câu hỏi vẫn còn đọng lại trong dân chúng rằng loại quan chức nào với những tiền lương được kê khai không đủ sống, lại còn những khoản dư khủng khiếp để đi đánh bạc như vậy? Họ đã làm gì để có thể thừa mứa tiền bạc như vậy?
Chuyện không là vài sự kiện, từ năm 2020, Tạp chí Luật Sư Việt Nam thảng thốt kêu lên “Cán bộ liên tục bị bắt vì đánh bạc, một hiện tượng đáng báo động.” Bài báo không cho biết con số thống kê, nhưng có một đoạn đầy “răn đe”: “Với những vụ việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc thường là bắt quả tang, có người làm chứng, thu được tiền, hiện vật trên chiếu bạc bởi vậy những người có mặt rất khó có thể chối cãi được hành vi của mình. Với số tiền đánh bạc trị giá từ 50 triệu VNĐ trở lên thì những người trong vụ việc nêu trên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ ba năm đến bảy năm tù.”
Cũng cần nhắc lại vụ án đánh bạc Rikvip bị triệt phá vào nửa cuối năm 2017. Đây là vụ án diễn ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và ở nhiều tỉnh-thành Việt Nam, với các cáo buộc “Tổ chức đánh bạc,” “Đánh bạc,” “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản,” “Mua bán trái phép hóa đơn,” và “Rửa tiền” do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu cùng với sự trợ giúp đắc lực của hai tướng công an công tác tại Bộ Công An là Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa (cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao) và Trung Tướng Phan Văn Vĩnh (tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát – Tổng Cục II, Ủy viên Đảng ủy Công An Trung Ương Việt Nam). Cần nói thêm, Nguyễn Văn Dương chính là con rể của cựu Bí Thư Thành Ủy Hà Nội ông Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị CSVN khóa X và XI).
Vụ án này, có hơn 90 bị can bị khởi tố và đưa ra xét xử vào tháng Mười Một 2018. Kết thúc vụ án, ông Vĩnh bị tuyên 9 năm tù, còn ông Hóa bị tuyên 10 năm tù với cùng tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Do tai tiếng của vụ án quá lớn, nên tại kỳ họp lần thứ 32 của Đảng CSVN vào Tháng Mười Hai 2018, diễn ra ở Hà Nội, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trung Tướng Nguyễn Công Sơn, Trung Tướng Nguyễn Văn Ba, Thiếu Tướng Lê Đình Nhường và nhiều cá nhân khác tại Cục Cảnh Sát Phòng Chống -Tội Phạm Công Nghệ Cao (C 50), Bộ Công an.
Đều đáng nói, là các vị quan chức ấy thì còn chưa bị khám phá là tham nhũng, đánh bạc, nhận hối lộ, ai cũng uốn cong lưỡi rao giảng đạo đức trước người dân, trước đồng nghiệp. Nhưng rồi khi bị bắt được quả tang, họ chỉ khóc lóc khi trung ương giảm tội, và nộp tiền để giảm án.
Tiền sai phạm được nộp lại để “khắc phục” trong năm 2023, theo báo Lao Động ngày 19 Tháng Mười 2023, lên đến 20,405 tỉ VNĐ. Tiền được nộp nhiều cho Hà Nội, chưa biết làm chuyện gì. Nhưng nhìn những con số đó, người dân lại hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?”
https://saigonnhonews.com/thoi-su/thay-gi-tren-mang/quan-chuc-cong-san-co-nhieu-tien-de-lam-gi/
Không có nhận xét nào