Header Ads

  • Breaking News

    Phỏng vấn Nguyễn Phương Minh Phần 1

    By Nguyễn Mạnh Hùng 

    20 Tháng Bảy, 2024 

    Gồm 2 phần

    Phần 1

    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2024/04/Screenshot-2024-04-23-at-8.45.38 PM-e1713920120790.png

    Nguyễn Mạnh Hùng 

    Mục lục 

    Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

    “Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

    Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

    (Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

    PHỎNG VẤN NGUYỄN PHƯƠNG MINH

    Nguyễn Phương Minh, bút hiệu Đỗ Thái Nhiên, là cựu luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, Việt Nam.

    Cuộc phỏng vấn được thực hiên cuối tháng 8/1986 tại trụ sở báo Đồng Nai, Westminster, California.

    Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại Học George Mason.

    Tóm lược:

    Tôi gặp và phỏng vấn cựu Luật sư Nguyễn Phương Minh một ngày cuối tháng 8 năm 1986 qua sự giới thiệu của Nguyễn Thượng Hiệp (NTH), môt người bạn thân lúc đó đang làm chủ bút của tờ Đồng Nai, một tờ báo Việt ngữ ở Westminster, CA.  Chúng tôi nói chuyện ngay tại trụ sở của tòa báo.  Hiệp cũng có mặt và thỉnh thoảng xen vào vài câu hỏi. 

    Lúc đó, ông Minh mới vượt biên sang tới California và được biết như một người hiểu biết nhiều nhất về chủ thuyết Duy Dân.  Trước năm 1975, Nguyễn Phương Minh là luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn.  Khi Sài Gòn thất thủ, ông bị chính quyền mới bắt giam vì tham gia vào một tổ chức chống Cộng.  Vì được giam chung với các tù nhân “có trình độ” thuộc mọi khuynh hướng chính trị cho nên ông học được từ họ nhiều chủ thuyềt chính trị, từ Karl Marx, Dân tộc Sinh tồn, Tam dân Chủ nghĩa, tới Duy Dân.  Ông được giới thiệu về chủ thuyết Duy Dân qua một người bạn tù, con người quản lý của Lý Đông A từng du học bên Mỹ và, sau khi ra tù, ông lại tiếp tục tìm hiểu chủ thuyết Duy Dân qua thân phụ của ông bạn tù này.

    Tuy không phải là đảng viên Duy Dân, Luật sư Minh coi mình như “đệ tử của Lý Đông A về phương diện tư tưởng”.  Trong khi Nghiêm Xuân Hồng tiếc rằng Lý Đông A “không triển khai kỹ càng” được chủ thuyết của ông, Nguyễn Phương Minh tin rằng chủ thuyệt Lý Đông A, vì tổng hợp đuợc cả ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội nên “cách diễn đạt thực tại của nó luôn luôn bám với thực tại” và nó là một “hệ thống lớp lang và giải quyết vấn đề của toàn bộ loài người bắt nguồn từ từng dân tộc một”.  Trong khi Nghiêm Xuân Hồng nói một cách dè dặt thì Nguyễn Phương Minh nói thao thao bất tuyệt và khúc triết về một chủ thuyết mà ông tâm phục.   Qua cuộc phỏng vấn, Nguyễn Phuong Minh cho rằng:

    Chủ thuyết Lý Đông A ưu việt hơn chủ thuyết Mác, Khổng Giáo, Lão Giáo, Tam Dân chủ nghĩa, và Dân tộc Sinh tồn.

    Ngoại trừ tư tưởng Lý Đông A, không có tư tưởng nào có thể đóng vai trò giải độc tư tưởng Mác.

    Chủ thuyết Lý Đông A không những chỉ vạch ra con đường giải phóng dân tộc mà còn “giải phóng loài người”.  Chủ thuyết này đã “nắm được chân lý”.  Nó “không có một kẻ hở nào”. 

    Chữ “duy dân” trong lời than của Phan Bội Châu –“Dân chẳng duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân” – là nguồn cảm hứng  khiến Lý Đông A phát triển toàn bộ chủ thuyết Duy Dân của ông.

    Chủ thuyết Lý Đông A chưa hoàn tất.  Nó được viết ra “dưới hình thức một dàn bài, một bản thảo, mọi việc chưa xong.”

    Lý Đông A chỉ học hết bậc tiểu học.  Ông viết bộ Quốc Sách Thảo Án Toàn Thư năm 18 tuổi bằng lối viết của một người “không xuất thân từ học đường” nên rất khó hiểu.

    Nguyễn Phương Minh không những chỉ giải thích chủ thuyết Lý Đông A mà còn “triển khai thêm rất nhiều bằng cái hiểu biết tổng quát, nhất là bằng cái tinh thần sắp xếp, tinh thần hệ thống hóa và lý luận của một người học luật.”

    Lý Đông A đã “tuyên bố” giải tán đảng Duy Dân khoảng 1945-1946 vì xung quanh ông, “người có thiện chí thì nhiều, nhưng thiếu khả năng” và, vì thế, “nếu dấn thêm thì mình giết anh em”.

    Sau khi Lý Đông A mất tích, Lê Quang Luật “được ủy nhiệm” lãnh đạo anh em.

    Nhược điểm của phong trào Quốc Gia là thiếu một “chủ thuyết hướng dẫn” để đoàn kết các đảng phái.

    Toàn văn:

    Nguyễn Phương Minh 1 – VP-NMH-A022

    Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Thưa anh Minh, tôi sang đây để nghiên cứu về một số các đảng phái Việt Nam, đặc biệt là đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng và đảng Duy Dân.  Riêng đảng Duy Dân thì có rất nhiều sách nói về lý thuyết, nhưng tìm được người hiểu biết về Duy Dân thì rất ít.  Lý thuyết Duy Dân cũng rất trừu tượng, có ít người thấu hiểu được lý thuyết Duy Dân. Tôi may mắn được anh Hiệp giới thiệu anh là người rất rành về lý thuyết Duy Dân, mà anh cũng có cái duyên gặp một số người đặc biệt trong Duy Dân. Vì thế tôi xin anh cho phép tôi được phỏng vấn.  Cuộc phỏng vấn này sẽ thu vào tape, và đưa vào Thư viện Quốc hội sau một năm. 

    Luật sư Nguyễn Phương Minh (NPM): Tôi rất vui lòng được nói chuyện với anh Hùng về đề tài mà anh Hùng đề nghị.  Vì tôi nghĩ đây là cái cơ hội tốt để giúp cho người Việt và người khác dù không phải người Việt, quan tâm tới vấn đề chủ thuyết chính trị.

     NMH:  Dạ. Xin anh cho biết trong trường hợp nào mà anh liên hệ và biết đến chủ thuyết Duy Dân?

     NPM: Tôi biết chủ thuyết Duy Dân trong một hoàn cảnh cực kỳ may mắn và nó gồm nhiều cái may mắn gom lại để mà có thể biết được.  Tôi nguyên là luật sư ở tòa Thượng thẩm Sài Gòn cũ.  Với cái nghề này, thì tôi không bị Cộng Sản bắt cầm tù, vì không thuộc thành phần là quân đội cũ, hoặc là chánh quyền cũ.  Nhưng mà sau đó, tôi gia nhập một tổ chức chống Cộng tại Sài Gòn sau năm 75 và tôi bị bắt.  Trong thời gian bị giam cầm, tôi ở chung với rất nhiều người – có thể nói là những trí thức của Sài Gòn cũ.  Sở dĩ mà tôi được ở chung như vậy là do Cộng Sản họ chia lớp tù ra: tù có trình độ giam riêng và tù không có trình độ giam riêng.  Vì họ sợ những người tù có trình độ đầu độc – cái chữ Việt Cộng thường dùng – đầu độc những người không có trình độ.  Do vậy mà tôi ở chung với các Giáo sư đại học, các thứ trưởng và sĩ quan thường là cấp tá trở lên. 

    Trong thời gian ở tù, tôi có những năm ở xà lim và những năm ở phòng tập thể, thì tôi gặp thí dụ như Hồ Hữu Tường, anh Cao Dao Nguyễn Trần Huyên, anh Như Phong, v.v…  trong thời gian bị giam tập thể ở khám Chí Hoà.  Và cái người bạn mà tôi thân nhất là một người đã lấy Ph.D về giáo dục ở Hoa Kỳ, sau này về Sài Gòn và sau 30/04/75 thì bị Việt Cộng kết tội là tình báo giáo dục của Mỹ và anh ta bị giam.  Vì lý do an ninh cá nhân của anh này, tôi xin phép không nói tên anh ta ra. Và anh ta cho biết, anh ta học, nghiên cứu về chủ thuyết Duy Dân từ năm 14 tuổi. Sở dĩ anh ta có cái cơ may đó là bố của anh ta là người quản gia của ông Lý Đông A.  Người quản gia này có nhiệm vụ ôm cái cặp tài liệu của ông Lý Đông A đi theo Lý Đông A mỗi lần ông ta đi công tác chỗ này, chỗ kia.  Và người quản gia này lớn hơn Lý Đông A 20 tuổi.  Vào một lần cuối cùng, khi Lý Đông A vào mật khu Nga Mi ở ngoài Bắc, là cái mật khu Duy Dân Đảng tổ chức để vừa chống Pháp vừa chống Việt Minh.

    NMH: Cái đó là vùng nào anh có tôi nhớ không, Nga Mi – Hoà Bình?

    NPM: Dạ, ở vùng Việt Bắc.  Tôi không được rành lắm, nhà tôi cha mẹ, quê quán ở Nghệ An, nhưng tôi sinh trưởng ở Sài Gòn chưa bao giờ ra khỏi vĩ tuyến 17.  Và cái lần cuối cùng thì Lý Đông A đi với người quản gia và biểu người quản gia ngồi ở một cái làng ngoài, rồi Lý Đông A một mình đi vào mật khu.  Sau chuyến đó, thì mật khu bị Việt Minh tấn công và Lý Đông A mất tích.  Người quản gia này mới ôm cái cặp da đó di cư vào Nam, cho đến khi con ông ta 14 tuổi, thì ông ta bắt đầu dạy cho người con học. 

    Người con trai này sau đó được học bổng Asia Foundation qua Hoa Kỳ để học về giáo dục.  Nhưng mà anh ta nói rằng cái thời gian để mà lấy Ph.D. đó đối với anh ta rất nhẹ nhàng, và thời gian còn lại có thể nói là ba năm, anh ta mò tìm trong thư viện để phối kiểm lại xem những điều mà Lý Đông A viết có phù hợp với những hiểu biết hiện nay của thư viện hay không.  Anh ta bảo rằng là anh ta rất hài lòng là cái công cuộc tìm kiếm thư viện đó không mang lại cho anh ta một cái thắc mắc nào rằng Lý Đông A xa rời thực tại.  Trước khi nói về Lý Đông A, thì anh ta và bây giờ là tôi, khẳng định với người nghe rằng đời sống con người ta thường gồm ba hiểu biết.

    NMH: Khẳng định với người?

    NPM: Với người nghe mình, người đối thoại với mình đó.  Trước khi bạn ra đời bạn ở đâu? Bạn là gì? Đời sống hiện nay, bạn nên sống như thế nào? Chết đi bạn đi đâu? Thì cái phần số 1 và phần số 3, tức là phần trước khi ra đời và phần chết đi, chúng tôi xin miễn trả lời.  Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng loài người không nên chú tâm vào những vấn đề nó vượt qua tầm hiểu biết của loài người.  Và chúng tôi nghĩ rằng loài người, giữa người với người chỉ có thể đồng ý với nhau về thực tại. 

    NMH: Như vậy đấy là quan điểm căn bản của Lý Đông A? 

    NPM: Dạ, quan điểm căn bản của Lý Đông A.  Và những gì chúng tôi nói bao giờ cũng lấy thực tại làm chuẩn.  Chúng tôi không đưa ra những điều gọi là chúng tôi tin như thế này, chúng tôi tin như thế kia, mà chúng tôi bảo rằng chúng tôi làm như vậy, bởi vì thực tại là vậy… Dạ, đó là điểm căn bản nhất.

    NMH: Khi nói chúng tôi, anh hàm ngụ anh là…

    NPM: Là những người chấp nhận.

    NMH: Anh là người chấp nhận lý thuyết của Lý Đông A?

    NPM:  Dạ, dạ.  Chấp nhận lý thuyết của Lý Đông A.

    NMH: Tức là người Duy Dân?

    NPM: Tôi không phải đảng viên Duy Dân, nhưng tôi có thể là đệ tử của Lý Đông A về mặt tư tưởng.

    NMH: Vâng.

    NPM: Sau ba năm học trong tù, và cái điều may mắn nữa, cũng do cái tình trạng giam cầm của Việt Cộng, tôi bị giam với những cán bộ gọi là đảng ủy cao cấp tham ô của Việt Cộng, thì tôi học được chủ nghĩa Mác. Tôi bị giam với Hồ Hữu Tường, tôi học về trung lập chế, tôi học về tư tưởng trung lập, tôi học về Helvétisation, tôi học về tất cả những gì mà Hồ Hữu Tường biết.  Tôi bị giam với những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, vẫn là những đảng viên cao cấp, bởi vì trước năm 75 họ là cố vấn của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.  Sau 75, họ bất hợp tác với Cộng Sản Việt Nam, và vì vậy họ bị giam, thì những người này dạy tôi.

    NMH: Anh nói là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc ở bên Tàu đó – Trung Hoa?

    NPM: Dạ, dạ.  Thì vào tù tôi học với người này về Chủ nghĩa Mao Trạch Đông.  Có một số sĩ quan cao cấp của Đài Loan làm việc với Việt Nam Cộng Hòa từ thời Ngô Đình Diệm, thì họ thường là cấp tá cũng bị giam ở trong đó và tôi học với những người này về Chủ nghĩa Tôn Văn.  Rồi tôi học về behaviorism, tôi học về Pan-Americanism.  Có thể nói rằng tôi có cơ may tìm hiểu những chủ thuyết có liên hệ tới sinh hoạt của xã hội loài người.  Và mỗi một chủ thuyết như vậy tôi đều thấy cái ngõ bí, tôi đều thấy cái sơ hở, và khi tìm học đến cuối đường Chủ nghĩa Lý Đông A, thì đây là đáp số chung nhất. 

    Mặc dù học trong tù ba năm, cái hiểu biết vẫn rất hạn chế, tôi ra về thì người bạn tù đó chỉ cho tôi tài liệu ở đâu, lấy như thế nào.  Tôi đọc tài liệu thì quả thực không hiểu được.  Bởi vì Lý Đông A là một người bạn học cùng thời với Lê Quang Luật, với Nghiêm Xuân Hồng, nhưng mà ông ta học hết tiểu học thì ông ta vào chùa, hết tiền rồi.  Và ông ta viết một bộ sách là Quốc Sách Thảo Án Toàn Thư – từ năm 18 tuổi, cho đến năm 26 tuổi thì mất tích.  Cái bộ Quốc Sách Thảo Án Toàn Thư này là một bộ sách được viết bằng lối viết của một người không xuất thân từ học đường.  Ông ta viết theo cái suy nghĩ của một người mà người ta gọi là một bậc “sinh nhi tri chi” (sinh ra đã biết), và trình bày vấn đề theo cái bản năng tự nhiên của mình cho nên rất khó hiểu.  Tôi nhờ ông cụ quản gia của Lý Đông A giải thích cho tôi nghe những điều mà tôi đọc ở những cuốn sách như Huyết Hoa, như Thuyết Giáo, như Duy Dân Cương Thường, v.v… Và ông cụ này lại là một người cử nhân Hán Học, ông ta vẫn không có lối diễn đạt của Tây Phương.

    NMH: Như vậy người đi cầm cặp cho Lý Đông A là người có học – cử nhân Hán Học?

    NPM: Dạ.

    NMH: Mà ông Lý Đông A lại không phải là người có formal education (cái học trường ốc)?

    NPM:  Dạ, dạ.  Thì ông này lại dạy cho tôi học theo cái lối mà ông ta gọi là tâm truyền: tức là khi tôi không hiểu một chuyện gì thì cái phần giải thích trực tiếp không đáng kể, nhưng ông ta kể một câu chuyện. Chẳng hạn như Lý Đông A bảo rằng: “Cơ năng và bản vị hỗ tương nguyên nhân’’.  Tôi hỏi ông cụ là: “Cơ năng và bản vị hỗ tương nguyên nhân” nghĩa là gì? Thì ông cụ bảo rằng hồi xưa ông cụ cũng hỏi Lý Đông A câu đó, và Lý Đông A kể ra câu chuyện như thế này.  Và cứ cái kiểu như vậy, tôi học với ông cụ thêm ba năm nữa, sau đó thì tôi vượt biên.  Qua tới đảo, thì tôi vội vàng ghi chép lại tất cả những gì tôi đã học.  Bởi vì tôi biết là thời gian sau nữa, tôi không nhớ được vì có thể rất là nhiều chuyện. 

    Vừa rồi là tôi trình bày một cách khái quát nhất trong hoàn cảnh nào mà tôi tìm học được tư tưởng Lý Đông A.  Bây giờ, nói đến tư tưởng Lý Đông A, thì sỡ dĩ cái hệ thống tư tưởng này bị gọi là trừu tượng, khó hiểu, là vì Lý Đông A dùng một số cổ ngữ và một số danh từ Hán Việt, để giúp cho ông ta diễn đạt tư tưởng một cách ngắn gọn, vì tài liệu để lại nó gần như là dàn bài – nó chưa thành bài.  Và khi tôi trình bày lại, thì tôi lại trình bày cái kiểu tổng hợp của một người vừa học triết, vừa học luật.  Cái điều làm cho tôi thích thú nhất khi học Lý Đông A, là Lý Đông A bao giờ cũng trình bày vấn đề một cách có khoa học, nhưng mà cái khoa học hiểu theo nghĩa của ông ta.  Nhưng lõi cốt của vấn đề vẫn là: Khi ông ta nói đến một chữ, khi ông ta nói đến một hiện tượng, bao giờ ông ta cũng đưa yếu tố.  Cái điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của người học luật.  Ví dụ như chúng tôi học luật, chúng tôi học về tội hiếp dâm, thì lập tức chúng tôi biết ngay ba yếu tố: nạn nhân là người nữ, có bạo hành, có giao hợp.  Và khi chúng tôi biện hộ cho bị can hiếp dâm trước tòa, chúng tôi cũng xoay quanh ba yếu tố này, và tìm cách bẻ gãy một trong ba yếu tố đó, hoặc bẻ gãy cả ba.  Bất kỳ một chữ nào của Lý Đông A dùng đều có yếu tố đi kèm, và chính có yếu tố đi kèm đó mới giúp cho tư tưởng của Lý Đông A không bị giải thích theo kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.  Đó là nói chung chung về chủ thuyết Lý Đông A.  Và thật là khó khăn khi phải trình bày trong một thời gian ngắn toàn bộ chủ thuyết, bởi vì cái việc học chủ thuyết cho đến bây giờ đối với tôi là khoảng tám năm, vừa học vừa suy nghĩ và chỉ riêng chủ thuyết đó mà thôi. 

    Hiện nay, tôi đã vận dụng chủ thuyết đó để giải thích nhân quyền.  Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc được ra đời từ năm 1948, nhưng mà cho đến bây giờ thì mỗi một cá nhân, mỗi một người, mỗi một đoàn thể, mỗi một quốc gia, mỗi một chế độ hiểu nhân quyền theo một ý riêng của họ.  Và vì vậy mà nhân quyền, cái hy vọng nhân quyền được tôn trọng nó mãi mãi là ảo vọng.  Bởi vì anh với tôi vừa ký với nhau một cái hợp đồng kinh doanh, nhưng mà ngay sau khi ký, anh hiểu hợp đồng theo ý anh, tôi hiểu hợp đồng theo ý tôi, hợp đồng sẽ chẳng bao giờ được tôn trọng.  Đó là hợp đồng gồm hai người.  Huống gì cái hợp đồng về nhân quyền, mà người ta gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền: hàng trăm quốc gia ký vào, bây giờ mỗi quốc gia hiểu theo một nghĩa khác, thì cái chuyện nhân quyền nó chỉ là một bức tranh treo lên tường chơi thôi.  Bây giờ, tôi vận dụng Chủ thuyết Lý Đông A để mà minh chứng rằng loài người có thể hiểu nhân quyền một nghĩa đồng nhất và hoàn toàn phù hợp với thực tại.  Chứ không có cái kiểu là nhân quyền được hiểu theo nhiều nghĩa và nghĩa nào cũng đúng.  Bởi vì khi vận dụng Chủ thuyết Lý Đông A ra thì trong từng hiện tượng một, mỗi một hiện tượng chỉ có một chân lý mà thôi. 

    NMH: Như vậy tức là Chủ thuyết Lý Đông A cho anh một hành trang để anh lập luận?

    NPM: Dạ, dạ, đúng! 

    NMH: Kỹ thuật lập luận?

    NPM: Rất đúng, hoàn toàn đúng!

    NMH: Một kỹ thuật lập luận căn cứ vào thực tại? 

    NPM: Dạ, căn cứ vào thực tại.

    NMH: Theo phương pháp khoa học?

    NPM: Dạ. 

    NMH: Vậy cái đó với chủ thuyết Mác khác nhau ở điểm nào.  Mác cũng nói là mình lý luận thực tiễn và căn cứ vào khoa học?

    NPM: Dạ, thì khác Mác ở chỗ là Mác có nhìn thực tại, Mác nhìn không sai về thực tại, nhưng Mác nhìn chưa đủ.  Mác nhìn không sai, nhưng Mác nhìn chưa đủ, và cái chưa đủ nó trở thành cái của mình là cái sai lầm.  Chẳng hạn Mác bảo rằng: ‘’Thế giới chỉ là thế giới vật chất và những thuộc tính của nó’’.  Mác chỉ thấy vật chất mà thôi, trong khi thế giới có vật chất hợp, cho nên cái việc Mác bảo thế giới là vật chất là đúng.  Nhưng bên cạnh vật chất nó còn nhiều yếu tố khác mà Mác chưa thấy, Mác không thấy, vì vậy Mác thấy đúng mà không đủ.  Mà vận dụng cái thấy đúng không đủ đó thì nó ra cái sai, nó xa rời thực tại. 

    Tôi lấy thí dụ Mác bảo rằng “Thế giới chỉ là thế giới vật chất và những thuộc tính của nó”.  Thì bây giờ Lý Đông A trả lời như thế này: “Khi nói tới thuộc tính thì phải nói đến chánh và phụ; khi nói đến chánh và phụ, tôi cất cái phụ còn cái chánh, thì tôi mới đồng ý là cái nào là chánh cái nào là phụ, còn tôi cất một trong hai cái thì cả hai cái biến mất, thì bạn không thể bảo rằng cái nào chánh, cái nào phụ cả”.  Vâng, bây giờ dưới nhãn quan của Mác, bộ óc là vật chất, tư tưởng là thuộc tính của vật chất.  Thì bây giờ, mình tìm hiểu xem có thực sự tư tưởng là thuộc tính hay không.  Muốn biết như vậy, mình đặt cái giả sử rằng bạn có thể chỉ cho tôi xem một cái bộ óc không có tư tưởng không.  Tức là tôi cất cái thuộc tính đi, và khi tôi cất cái thuộc tính đi, tôi yêu cầu bạn chỉ cho tôi xem một cái bộ óc không có tư tưởng thì bạn chỉ có thể chỉ cho tôi xem một bộ óc của người chết hoặc bộ óc của một người bệnh hoạn. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thực tại, bởi vì mình nói, mình lý luận về thực tại, mình phải nói về một thực tại lý luận về một thực tại bình thường.  Như vậy tôi cất tư tưởng đi, bộ óc không còn ý nghĩa là bộ óc nữa.  Ngược lại không có một tư tưởng nào không được phát xuất từ một bộ óc nào đó.  Điều đó cho thấy rằng thực tại khẳng định rằng bộ óc và tư tưởng là hai mặt của một bàn tay không tách rời được.  Bạn không thể nào nói tư tưởng là chính, bạn cũng không thể nào nói bộ óc là chính, bởi vì cất một trong hai cái thì tư tưởng không có, và bộ óc cũng không có – hiểu theo nghĩa bình thường.  Hoặc là Mác bảo rằng “Tinh thần là số một, vật chất là số hai” – à xin lỗi, Mác bảo rằng là: ‘’ Vật chất là số một, tinh thần là số hai”.  Bây giờ mình tìm xem có thực là “tinh thần số hai” không, có thực “vật chất số một” không, hay có thực “tinh thần” là số một, “vật chất” là số hai không.  Mình hãy lấy thí dụ: nước biển, mây, mưa.  Tôi nói nước biển là nguyên nhân của mây, của mưa – đúng.  Anh nói mây là nguyên nhân của mưa, của nước biển – cũng đúng.  Người bạn kia bảo rằng mưa là nguyên nhân của nước biển, của mây – cũng đúng.  Vậy thì cái vòng tròn mây – mưa – nước biển, bạn bắt điểm nào làm nguyên nhân cũng được, bạn muốn đánh số 1 vào đâu cũng được.  Và cái cuộc cải vã “tinh thần” số một, hay “vật chất” số một, hay cái thuộc tính “hữu hình” số một, hay cái “vô hình” số một, cũng chỉ là cuộc cải vã mây – mưa – nước biển – vô ích! Nó không giải quyết gì cả, mà trong thực tại nó là vậy, vì mình có thể đánh số một ở bất kỳ nơi nào trong ba điểm của cái vòng tròn mây, mưa và nước biển.  Hai điều vừa trình bày cho thấy rằng tiền đề triết học của Mác hoàn toàn xa rời thực tại.  Mác và Lý Đông A đều lấy thực tại làm chuẩn, nhưng mà khác nhau ở chỗ là những điều diễn tả có bám thực tại thực sự hay không, nó khác nhau chỗ đó. Và vừa rồi, tôi trình bày cái cái…

    NMH: Cái lối suy luận?

    NPM: Dạ, cái lối suy luận của Mác về điều được gọi tiền đề triết học. Bởi vì khi nói tới, khi lấy thực tại làm chuẩn tức là bắt đầu sử dụng Biện Chứng Pháp. Biện Chứng Pháp là một phương pháp biện luận có dẫn chứng bằng thực tại.  Cho nên khi Mác bảo rằng “vật chất là số một, thế giới chỉ là thế giới vật chất mà thôi,’’ thì chúng tôi cũng phải dùng đến chính thực tại để bảo rằng thực tại không phải chỉ thuần vật chất, mà còn có những yếu tố khác nữa để bẻ gãy cái tiền đề của Mác. Thì sẵn đây đó, tôi nói thêm về ý nghĩa của tiền đề triết học mà những người quen nghiên cứu về Biện Chứng Pháp mới bắt được.  Một thí dụ về Y Khoa: chẳng hạn tôi ở tù về ốm yếu xanh xao, người ta đưa tôi vào bệnh viện.  Bác sĩ thử đàm, rồi nước tiểu, phân, rồi nghe tim, nghe phổi, v.v… Bác sĩ bảo tôi bị vi trùng lao tấn công, tức là bác sĩ đã nêu ra một cái tiền đề Y Khoa trị liệu đối với tôi, cái tiền đề Y Khoa trị liệu này rất là quan trọng.  Và sau khi nêu ra tiền đề Y Khoa trị liệu, và bác sĩ nói về các phương pháp trị lao trên thế giới, thì cái đó là khúc đuôi.  Điều quan trọng phải khẳng định cho được: tôi có thật sự bị lao hay không? Còn nếu mà tôi bị sốt rét kinh niên, mà bác sĩ nêu tiền đề lao, rồi bác sĩ nói về phương pháp trị liệu lao, tôi nhảy vào tranh luận về các phương pháp trị liệu lao – lạc đề hoàn toàn. 

    Triết học cũng vậy, triết học là một cái môn học giải thích mọi hiện tượng trong đời sống của loài người, và làm thế nào để tạo một đời sống hạnh phúc.  Và tạo đời sống hạnh phúc tức là làm thế nào để giải trừ được đau khổ, bởi vì đau khổ là hiện tượng lớn nhất.  Vậy thì tiền đề của đau khổ nằm ở đâu, tiền đề của mọi đề của mọi loại hiện tượng trong đời sống nằm ở đâu.  Trả lời được câu đó, tức là ta trả lời được tiền đề triết học.  Mác trả lời: vật chất là nguyên nhân sản sinh ra mọi hiện tượng, tức là Mác nêu tiền đề vật chất cho Triết học Mác. 

    Thì như vừa mới trình bày là tiền đề nó đã sai, đã sai lầm, đã xa rời thực tại.  Thì sau khi bẻ gãy tiền đề của Mác, thì Lý Đông A đưa ra một cái tiền đề mới.  Và chính nhờ tiền đề này, mới sản sinh ra một hệ thống triết học.  Dùng tiền đề và hệ thống triết học của Lý Đông A, tôi vận dụng ra để giải thích nhân quyền.  Bây giờ, tôi trình bày về tiền đề Triết học Lý Đông A.  Để khẳng định một cái tiền đề mới, thì có lẽ tôi nên trở lại cái tiền đề vật chất đã được trình bày ở trên.  Khi mà bẻ gãy tiền đề vật chất thì cũng bẻ gãy luôn cả tiền đề tinh thần, hay nói một rộng rãi hơn – tiền đề vô hình, hoặc là tiền đề Duy Tâm. 

    NMH:  Xem ra Lý Đông A bác cả duy vật lẫn duy tâm?

    NPM: Dạ. Nhưng mà chúng tôi lúng túng khi xài chữ duy tâm, bởi vì trong duy tâm nó bao gồm cả: duy niệm, duy thực, duy lý, duy v.v… tất cả những gì vô hình và hữu hình, tiền đề vô hình và tiền đề hữu hình.  Nói duy tâm thì có thể hiểu duy thần, duy linh, nó nhiều yếu tố lắm, yếu tố gom chung lại là vô hình và hữu hình, đó.  Thì tôi trở lại bộ óc và tư tưởng: tư tưởng là vô hình, bộ óc là hữu hình.  Và cái cách trình bày mở đầu của tôi về sự tương quan giữa bộ óc và tư tưởng; sự tương quan giữa hữu hình và vô hình cho thấy rằng hữu hình và vô hình không một yếu tố nào có khả năng đơn phương tồn tại, không có cái tư tưởng nào mà không phát xuất từ bộ óc, mà không có bộ óc nào không có tư tưởng gắn kèm.  Vậy thì cái vô hình và cái hữu hình không tách rời được, không có khả năng đơn phương tồn tại. Đương nhiên chúng tôi nhìn nhận trong thực tại có vô hình và có hữu hình, nhưng chúng tôi hoàn toàn bác khước chữ “duy”.  Không có cái duy vô hình mà sản sinh ra mọi hiện tượng, cũng không có cái duy hữu hình mà sản sinh ra mọi hiện tượng. Bởi vì vô hình hoặc hữu hình không đơn phương tồn tại thì hà cớ nào chúng ta lại tin tưởng rằng chỉ duy cái vô hình không mà thôi, hoặc là chỉ duy cái hữu hình không mà thôi, lại sản sinh mọi hiện tượng đời sống.  Thành ra bẻ gãy tiền đề duy vật, tức là bẻ gãy luôn cả tiền đề duy vô hình mà người ta thường gọi lại là duy tâm. 

    Bây giờ trình bày tới tiền đề khác, tiền đề khác vẫn xoay quanh cái câu trả lời rằng nguồn gốc của hiện tượng trong đời sống là ở đâu. Và nguồn gốc và hiện tượng đời sống thì nó có hàng triệu hiện tượng, hàng tỉ hiện tượng. Vậy thì chúng ta không thể nào mò tìm từng hiện tượng một, mà chúng ta phải làm việc theo phương pháp phân loại. Cái phương pháp này mở đầu là chúng ta hãy cầm nắm lấy ngôn ngữ của loài người nói chung.  Bởi vì ngôn ngữ của dân tộc nào bao giờ nó cũng có hai lớp: một lớp  vô hình – à xin lỗi – một lớp cụ thể và một lớp trừu tượng. Ví dụ như tôi nói: cái đồng hồ, cái bút máy, cái điện thoại. Anh trả lời là hàng hóa – nói lên trừu tượng.  Trong hàng hóa thì nó có đồng hồ, bút máy, điện thoại.  Thay vì mò tìm những từ cụ thể, tôi bước lên từ trừu tượng, mà triết học còn gọi là “phạm trù” – categories – cho nó gọn hơn để dễ phân tích.  Tôi trở lại: trâu, bò, dê, ngựa – cụ thể.  Anh kêu: động vật – trừu tượng.  Tôi nói: xoài, mít, ổi.  Anh kêu: thực vật – trừu tượng. 

    Vậy bây giờ mình nắm phạm trù mà phân tích.  Thì tôi lượm những hiện tượng nào không do loài người chủ động tạo ra, tôi để qua cột bên tay trái.  Thực vật tôi để qua bên này – tay trái, động vật cũng cùng cột. Khoáng sản, thời tiết, khí hậu, hải sản, v.v… cái gì không do loài người tạo ra, tôi để bên tay trái.  Tôi đưa lên dần dần, thì tôi tìm ra một cái phạm trù cao nhất và rộng nhất là phạm trù tự nhiên.  Vậy thì phạm trù tự nhiên là phạm trù gói gém tất cả những hiện tượng không do loài người tạo ra.  Cái này lấy từ thực tại, lấy từ những hiện tượng cụ thể bước lên phạm trù, rồi chồng chất lên nhau, chúng ta thấy phạm trù tự nhiên gói gém tất cả những hiện tượng không do loài người tạo ra.  Bây giờ, tôi lấy hiện tượng nó thuộc về sản phẩm của bộ óc: vui tôi để ở cột chính giữa; buồn, nghi ngờ, ghen tuông, ái tình, ái quốc, v.v, v.v… tôi đưa lên dần, tôi thấy một cái phạm trù cao nhất và rộng nhất – phạm trù tư tưởng.  Như vậy là tôi có hai cột.  Bây giờ, tôi tìm những hiện tượng do hai người kết hợp với nhau, hai người trở lên kết hợp với nhau tạo ra, thì tôi thấy: có hôn nhân, có giáo dục, học đường, y tế, ngoại giao, quốc phòng, báo chí, tự do, luật pháp, v.v… lên cao và rộng nhất tôi thấy phạm trù xã hội.  Như vậy tôi có thể kết luận rằng, từ hàng tỷ tỷ hiện tượng trong đời sống – những hiện tượng cụ thể, tôi bước lên những hiện tượng được diễn tả bằng phạm trù, và trước hàng triệu phạm trù, tôi xếp được ba cột: một cột là phạm trù tự nhiên, một cột là phạm trù tư tưởng, một cột là phạm trù…

    NMH: Xã hội?

    NPM: Xã hội.  Và từ trong thực tại người ta không tìm ra cột thứ tư và người ta cũng không thể nào bỏ bớt đi một cột.  Bây giờ bắt đầu vào cái việc phân tích hiện tượng.  Đây là cái gạt tàn thuốc lá bằng đá, cái gạt tàn thuốc lá này nó bằng đá – đá thuộc phạm trù tự nhiên.  Cái gạt tàn thuốc lá này do bộ óc nghĩ ra cái kiểu mài giũa cho nó bóng, nghĩ ra kiểu mẫu thuộc phạm trù tư tưởng.  Cái gạt tàn thuốc là này do một xí nghiệp chuyên sản xuất gạt tàn thuốc lá tạo ra nó, xí nghiệp thuộc phạm trù xã hội.  Vậy thì cái hiện tượng gạt tàn thuốc lá này là một cái hiện tượng trong đời sống, nó là sự tổng hợp của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Và cuộc nói chuyện giữa Giáo sư Hùng và tôi là một hiện tượng trong đời sống.  Để có thể nói chuyện thì mỗi người trong chúng ta phải sinh tồn, phải sống; sinh tồn, sự sống thuộc phạm trù tự nhiên.  Chúng ta nói chuyện để nhằm tìm hiểu thêm trong các hệ thống tư tưởng của Việt Nam, có một giá trị nào đáng kể hay không. Chúng ta hành động như vậy để chúng ta thỏa mãn cái tự ái chúng ta là người Việt chẳng hạn, cái tự hào chúng ta là người Việt chẳng hạn, tự hào thuộc phạm trù tư tưởng.  Đang khi hai người nói chuyện, thì ngồi ở một cái văn phòng, sử dụng điện, sử dụng máy ghi âm, tất cả những tiện nghi của xã hội thuộc phạm trù xã hội.  Vậy thì cuộc nói chuyện giữa Giáo sư Hùng và tôi cũng là do một sự tổng hợp của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Nếu thiếu một trong ba phạm trù đó, cuộc nói chuyện chắc chắn không thành được. 

    Và cứ lối phân tích như vậy, mọi người sẽ thấy rằng bất kỳ một hiện tượng nào trong đời sống cũng do sự tổng hợp của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Ở đây, tôi cần phải nói thêm một thí dụ khác.  Chẳng hạn dòng sông là một hiện tượng trong đời sống, cái phần nước chảy ở miền đất trũng – ở giữa hai vùng đất trũng – phần đó là thuộc phạm trù tự nhiên.  Nhưng mà chúng ta phải dùng bộ óc của chúng ta để nhận ra dòng nước, sự nhận ra do bộ óc thuộc phạm trù tư tưởng.  Khi chúng ta nhận ra dòng nước chảy qua một vùng đất nào đó, chúng ta gọi là sông, chữ sông là chữ của xã hội.  Vậy bất kỳ một hiện tượng nào cũng là do sự tổng hợp của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Và khi chúng ta gọi hiện tượng này là hiện tượng tự nhiên, hiện tượng nọ là hiện tượng tư tưởng, hiện tượng kia là hiện tượng xã hội, tức là chúng ta gọi một cách tương đối mà thôi.  Chúng ta gọi hiện tượng tự nhiên, một hiện tượng nào tự nhiên bởi vì tính, bởi vì phạm trù tự nhiên nó trội yếu, nhưng nó luôn luôn bị gắn kèm với phạm trù tư tưởng và phạm trù xã hội.  Sau khi đã phân tích ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội, sau khi đã chứng minh rằng bất kỳ một hiện tượng nào cũng do một sự tổng hợp của ba phạm trù.  Chúng ta hãy nhìn vào tự thân của mỗi người.  Tự thân của mỗi người: phần máu, xương, thịt là phần thể xác; phần tâm lý phản ứng tự nhiên, nó thuộc phạm trù tự nhiên.  Tự thân của mỗi người có bộ óc, có tư tưởng thuộc phạm trù tư tưởng.  Tự thân mỗi người có tính hướng tha, có xã hội tính, thuộc phạm trù xã hội.  Vậy thì mỗi một người đã là sự thống nhất mẫu mực của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Đó là lý do thứ nhất.

    Lý do thứ hai nếu không có người…

    NPM (tiếp): Lý do thứ nhất sau khi đã trình bày 3 phạm trù và sự liên kết của 3 phạm trù trong mỗi hiện tượng.  Tôi nói lý do thứ nhất là: Trong tự thân mỗi người nó đã có sự thống nhất mẫu mực của 3 phạm trù.  Lý do thứ nhì: Nếu không có người – không có gạt tàn thuốc lá, không có người – không có cuộc nói chuyện giữa Giáo sư Hùng và tôi, không có người – dòng sông có mà như không, Không có người – không có hiện tượng nào cả.  Nói như vậy, tôi muốn khẳng định rằng: Người chính là nguyên nhân kết hợp 3 phạm trù lại với nhau.  Đó, đó là lý do thứ hai.  Và do hai lý do vừa trình bày, Lý Đông A quyết định chọn NGƯỜI làm tiền đề của triết học chứ không phải cái duy vô hình hay duy cái hữu hình.  Tới đây, người ta thấy rõ sự khác biệt giữa Lý Đông A và Các-Mác.  Các-Mác chỉ thấy vật chất.  Vật chất nhiều lắm là 50% của phạm trù tự nhiên.  Lý Đông A thấy phạm trù tự nhiên, thấy phạm trù tư tưởng, thấy phạm trù xã hội.

    Đời sống là sự tổng hợp của 3 phạm trù.  Các-Mác chỉ thấy 50% của phạm trù tự nhiên, tức Các-Mác chỉ thấy vật chất, và chính vì Các-Mác chỉ thấy vật chất cho nên Các-Mác chỉ nghiên cứu vận động và phát triển của vật chất rồi Các-Mác kiếm ra 5 quy luật của vật chất.  Nói tóm lại là vạn vật vận động theo hình trôn ốc, phủ định của phủ định, lượng đổi chất đổi, vạn vật mâu thuẫn, vạn vật tương quan.  Rồi từ 5 quy luật này, 5 quy luật vận động phát triển của vật chất, Mác mới dùng để giải thích mọi hiện tượng của đời người: Hiện tượng lịch sử đẻ ra Duy vật Sử quan, hiện tượng kiến thiết đẻ ra kiến thiết luận, hiện tượng văn minh đẻ ra văn minh luận, hiện tượng như thế nào đó để đưa chủ nghĩa Mác vào trong đời sống đẻ ra cách mạng luận.

    Trong khi Lý Đông A tìm ra 3 phạm trù thì Lý Đông A phải nghiên cứu vận động và phát triển của tự nhiên, vận động và phát triển của tư tưởng, vận động và phát triển của xã hội; tổng hợp lại thì nó mới ra đời sống.  Nó mới có cái cách diễn tả thực tại mà luôn luôn bám với thực tại.

    Sau khi đã khẳng định được tiền đề NGƯỜI, thì Lý Đông A bắt đầu

    bước qua phần công cụ lý luận của đời sống.  Chính cái phần công cụ lý luận này nó giúp cho những người vận dụng chủ thuyết không rơi vào tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.  Và, người ta thường nói rằng chủ thuyết bao giờ cũng xa rời thực tại, chủ thuyết bao giờ cũng đưa người ta vào đường rầy hai đường thẳng song song, chủ thuyết bao giờ cũng đưa người ta vào khung gỗ.  Nhưng bây giờ thử hỏi xem trong lịch sử triết học cho đến bây giờ có bao nhiêu chủ thuyết, có bao nhiêu chủ thuyết đáng được gọi là chủ thuyết. Câu trả lời nghiêm chỉnh phải nói rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác đáng được gọi là chủ thuyết thôi nhưng nó xa rời thực tại.

    NMH: Bởi vì?

    NPM: Bởi vì Mác có cả một hệ thống lý luận chặt chẽ đi từ tiền đề tới công cụ lý luận, đi từ lý luận triết học đến vận dụng luật.  Nó đi theo cái dây xích đó thì nó mới là chủ thuyết nhưng mà vì Chủ nghĩa Mác xa rời thực tại gây cho người ta một cái tiên kiến rằng bất kỳ chủ thuyết nào rồi cũng xa rời thực tại.

    NMH: Còn Khổng Học thì sao? Không cho là một chủ thuyết được?

    NPM: Dạ.

    NMH: Khổng Học thì không cho là một chủ thuyết?

    NPM: Ờ.

    NMH: Cũng có tiền đề.

    NPM: Dạ, Khổng có tiền đề nhưng Khổng không có công cụ lý luận. Khổng chỉ có những bài giảng của của Khổng thôi.  Và chính nhờ cái công cụ lý luận nó giúp cho người ta bám thực tại nhưng không xa rời thực tại, không rơi vào tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chẳng hạn như một người học Toán Học về đường thẳng song song, trước tiên họ học về định đề Euclide, họ học định lý Thales và một số định lý về đường thẳng song song.  Sau khi học xong rồi thì người da trắng, người da vàng, người da đen hay người da đỏ đều giải một bài toán áp dụng các đường, các định lý về đường thẳng song song như nhau.  Chủ thuyết cùng vậy, cái phần công cụ lý luận là phần tim óc của chủ thuyết và cái khó là phải tìm cho ra công cụ lý luận để khi vận dụng vào nó vừa chặt chẽ nhưng vừa uyển chuyển.  Thì ở đây chỉ là một lối diễn tả trừu tượng thôi chứ còn sau khi đã trình bày chi tiết chủ thuyết, sau khi đã trình bày cặn kẽ các công cụ lý luận rồi xuống dưới phần vận dụng luận để dẫn chứng rằng phần vận dụng đó là vận dụng cái quy luật nào thì quý vị mới thấy rằng là cái vai trò tuyệt diệu của chủ thuyết, của của công cụ lý luận trong chủ thuyết.

    Như trên đã vừa mới trình bày đó là, đời sống là sự tổng hợp của phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Và phạm trù tự nhiên là mẫu số chung của 3 phạm trù.  Để cho dễ hiểu hơn, chẳng hạn như hồi còn nhỏ tôi đi học trước khi học về, đây là tôi lấy thí dụ về môn Vạn Vật Học.  Trước khi học về rắn, về rết, về thằn lằn thì chúng ta có bài học chung là loài bò sát.  Học bài về loài bò sát xong rồi mới xuống học về thằn lằn, tới rắn, tới rết.  Thì ở đây cũng vậy.  Sau khi kiếm ra ba phạm trù rồi thấy phạm trù tự nhiên là phạm trù mẫu số chung.  Phạm trù tự nhiên khi học, nó tương tự như bài lớp bò sát chung sau đó chúng ta mới học phạm trù tư tưởng và phạm trù xã hội.  Bởi vi phạm trù tư tưởng hay phạm trù xã hội đi chăng nữa đó đều bị chi phối bởi đại tự nhiên.

    Người ta thường nói rằng là vạn vật nhất thể nhưng chỉ là một lối nói trừu tượng.  Lý Đông A dùng quy luật của phạm trù tự nhiên, phạm trù tư tưởng và phạm trù xã hội để diễn tả một cách cụ thể và sinh động thế nào là tính nhất thể của vạn vật.  Và vì tính nhất thể đó cho nên chúng ta trước tiên nghiên cứu về phạm trù tự nhiên, quy luật của phạm trù tự nhiên, rồi xuống đó chúng ta dùng quy luật của phạm trù tự nhiên cộng với một vài quy luật về phạm trù nhân, xuống thêm lớp nữa phạm trù tự nhiên cộng với quy luật phạm trù nhân, cộng với quy luật của phạm trù dân thì nó ra toàn bộ đời sống.  Ở đây có một điểm trừu tượng là sự phân biệt giữa nhân và dân.  Đây là một ý niệm mà hồi trong tù tôi vẫn chưa hiểu được, mãi khi về gặp người quản gia khi tôi nghe được chữ xã hội tự tín và xã hội thực tiễn của Lý Đông A thì tôi mới khám phá ra sự khác biệt giữa nhân và dân.  Tôi lấy thí dụ thế này nếu một người không bị chi phối bởi kinh tế, bởi chủng tộc và bởi lịch sử.  Nếu loài người nói chung, nếu loài người không bị chi phối bởi kinh tế, chủng tộc và lịch sử thì người nào cũng như người nào.  Và khi bị chi phối thì “Người trở thành Dân”.  “Người không bị chi phối là Nhân”.  Và bị chi phối thì trở thành dân. Nhưng mà liên hệ Nhân –Dân nó lại luôn luôn gắn bó với nhau.  Ờ, chẳng hạn như có thể nói rằng cái nhân là những yếu tính chung nhất của loài người.  À tôi lấy một thí dụ thông hàm để cho dễ hiểu hơn chẳng hạn như thế này.  Thí dụ, về liên hệ nam nữ, về hôn nhân, về nhu cầu duy trì và phát triển nòi giống thì giữa người với động vật đều giống nhau ở điểm sinh hoạt đực-cái, sinh hoạt nam-nữ, nó là một nhu cầu.  Nhưng người khác động vật ở chỗ là trong sinh hoạt nam-nữ của người có tình cảm và yếu tố quan yếu nhất của tình cảm nam-nữ là lòng trung thành song phương nam với nữ, nữ với nam.  Và do lòng trung thành này loài người thành lập được gia đình, loài vật không thành lập được gia đình.  Đó là nhân. Nhân trong xác tính Eros.  Và người nào cũng đồng ý thôi, chủng tộc nào cũng đồng ý thôi.  Nhưng mà xuống tới xã hội thực tiễn thì có xã hội cho đa thê, có xã hội cho đa phu, có xã hội cho ly dị, có xã hội cấm ly dị, v.v… Nhưng mặc dù họ sống trong những xã hội xáo trộn như vậy loài người bao giờ cũng mơ ước có một gia đình một vợ một chồng trung thành song phương.  Thành thấy cái “Nhân” và cái “Dân” nó liên hệ chặt chẽ với nhau. 

    Bây giờ trở lại phần công cụ lý luận mình đi từng bước một, từ công cụ của của tự nhiên, của tư tưởng mà tư tưởng ở đây là nhân, của xã hội mà xã hội ở đây là dân thì chốc nữa tôi sẽ nói chi tiết tại sao gọi tư tưởng là Nhân, tại sao gọi xã hội là Dân.  Thì Lý Đông A đã tìm ra 5 công cụ lý luận của Đại Tự Nhiên, ông ta gọi là Cấu Thức Năm Điểm. Tức là khi khi giải thích Đại Tự Nhiên thì luôn luôn dùng một lần năm quy luật liên hệ chặt chẽ với nhau mà ông ta gọi là Cấu Thức Năm Điểm.  Thì dùng cái Cấu Thức Năm Điểm này người ta có thể giải thích một hiện tượng của tự nhiên, người ta có thể giải thích hiện tượng của tư tưởng ở mức chung nhất, người ta có thể giải thích hiện tượng xã hội cũng chung nhất. 

    À, quy luật 1. Ông ta dùng toàn từ Hán-Việt: Đạo-Kỷ và Tự-Kỷ là Vô sai biệt phạm trù.  Ông ấy nói hơi khó hiểu, tức là Lý Đông A quan sát thực tại và khám phá ra rằng trong thực tiễn đời sống từ Đại Tự Nhiên cho đến tư tưởng và xã hội thì bất kỳ một hiện tượng nào nó cũng cái phần vận động tự nó, cái phần vận động tự thân của nó.  Ví dụ như quả đất quay xung quanh mặt trời thì để xoay quanh mặt trời trong tự thân quả đất nó có những vận động của quả đất.  Dạ, vì qủa đất có khả năng vận động tự thân cho nên quả đất mới có một qũy đạo mà ở đây gọi là Đạo-Kỷ.  Kỷ là ta, Đạo là đường.  Đường của ta.  Tự-Kỷ, Kỷ là tự thân.  Kỷ là ta.  Cái sinh hoạt tự thân ta và đường sống của ta nó là hai ý niệm chập làm một – Vô sai biệt phạm trù, có Tự-Kỷ thì mới có Đạo- Kỷ.  Quả đất có vận động tự thân thì nó mới ra quỹ đạo.  Chẳng hạn như cuộc nói chuyện giữa Giáo sư Hùng và tôi, thì để tôi có thể nói thì tim tôi phải đập, phổi phải thở, cái sinh hoạt tự thân sức khỏe của tôi nó vẫn tồn tại, đó là Tự-Kỷ nói về về mặt sinh lý.  Dạ và tôi nói trong 1 tiếng đồng hồ, cái bài nói nó là Đạo-Kỷ.  Thì như vậy cho thấy rằng là hiện tượng tự nhiên hay tư tưởng hay xã hội bao giờ cũng bắt nguồn từ sinh hoạt tự thân để mà nó đẻ ra một cái dòng sống của nó. 

    Cái thứ 2: Chất và lượng hỗ tương với nhau. Đó là quy luật thứ 2: Chất và lượng hỗ tương bên nhau. Các-Mác lấy tiền đề là vật chất nên Mác bắt buộc phải nói rằng lượng đổi chất đổi.  Mác đã quan sát cái ấm nước sôi, nước sôi lên thì nước bốc hơi, cái lượng bốc hơi làm cho cái nước lỏng trong ống nó giảm xuống, lượng đổi.  Và cái hơi nước được hứng trong một bình chân không, bình chân không biến thành bình hơi nước.  Mác bảo rằng chất đổi.  Lượng là vật chất.  Chất là vô hình.  Chất là cái không phải là vật chất.  Cho nên Mác chọn tiền đề là vật chất bao giờ cũng lấy bắt vật chất làm số một cho nên giữa lượng và chất, Mác bao giờ cũng bảo rằng lượng đổi thì chất đổi.  Nhưng trong thực tại không phải bao giờ cũng lượng đổi là chất đổi.  Ngược lại, có những trường hợp chất đổi làm lượng đổi.  Ví dụ như một người một người tính làm cách mạng chẳng hạn, họ luôn luôn trau dồi cái kiến thức chuyên môn, cái đạo đức cách mạng tức là họ đưa cái chất lên, do họ đưa chất cách mạng lên cho nên họ có nhiều bạn bè, nhiều đồng chí, Lượng đổi, anh thấy không.  Thành thử ra trong thực tại chất đổi lượng đổi và lượng đổi là chất đổi. Cho nên để phản ánh thực tại phải nói rằng chất lượng hỗ tương nguyên nhân, chứ không thể nào chỉ nói lượng đổi chất đổi.  Đó là quy luật số 2. 

    Quy luật số 3: Vận động và kết hợp hỗ tương nguyên nhân.  À, để để nói 1 câu thì tôi phải vận bộ óc, cái lưỡi, khí quản vân vân thì nó mới ra câu nói.  Vậy thì có vận động tức là có kết hợp, có kết hợp tức là có vận động, hoặc vận động là kết hợp, kết hợp để vận động. 

    Quy luật số 3 đó, là ờ, vừa rồi thì tôi đang nói về lượng đổi chất đổi, Vận động kết hợp hỗ tương nguyên nhân và bây giờ cái thứ 3 là: Cơ năng bản vị hỗ tương nguyên nhân. Cơ năng và bản vị hỗ tương nguyên nhân.  Cơ năng ở đây là có nghĩa là một cục bộ, và bản vị là một bộ phận, một toàn phần ý nói rằng cái chung và cái riêng hỗ trợ lẫn cho nhau.  Cái riêng không số 1 mà cái chung cũng không số 1.  Giữa cái riêng và cái chung bao giờ cũng có quan hệ hài hòa với nhau thì mới tạo ra được những sinh hoạt trong đời sống.  Chẳng hạn bây giờ quan sát cái đồng hồ thì cái kim đồng hồ, cái chữ số, cái cục pin, cái sợi dây để mang đồng hồ vân vân, mỗi một cơ phận của đồng hồ bộ tác giả gọi là Cơ Năng.  Tất cả những cơ phận này kết hợp lại với nhau nó ra một Bản Vị.  Ờ, trong gia đình hồi xưa người mẹ đóng vai số 1- ờ, đó là Chế độ Mẫu hệ.  Sau đó thì người cha đóng vai số 1, sang Chế độ Phụ hệ và gia đình nào mà cưng con cái, con cái muốn gì được đó gần như theo Chế độ Tử hệ, con cái là số 1.  Nhưng mà trong thực tại đời sống người ta phải thấy rằng đời sống này, tức là cơ hội sống này, quyền lợi và nghĩa vụ của cha, cơ hội, quyền lợi và nghĩa vụ của mẹ; cơ hội, quyền lợi và nghĩa vụ của con bao giờ cũng xoay vần với nhau. Lấy quyền lợi, nghĩa vụ và cơ hội của gia đình làm chuẩn thì nó biến thành một gia đình gọi là Gia đình Cơ năng Bản vị.  Vai trò, nghĩa vụ của cha là một cơ năng, vai trò, nghĩa vụ của mẹ là một cơ năng, vai trò, nghĩa vụ và cơ hội của con là một cơ năng.  Ba cơ năng đó tổng hợp xoay vần thì nó ra cái bản vị gia đình và tìm cách hợp lý gia đình phải theo Bản vị hệ chứ không phải Phụ hệ hay là Tử hệ hay là Mẫu hệ.

    Cái gia đình Mẫu hệ hay Phụ hệ có hình dáng gia đình Kim Tự Tháp. Mẫu hệ thì người mẹ ở trên đỉnh Kim Tự Tháp, còn người bố, con cái ở dưới đáy.  Rồi gia đình Phụ hệ thì người cha lên đỉnh. Nhưng Gia đình Cơ Năng Bản vị nó đi từ gia đình Kim Tự Tháp xuống gia đình hạch tâm. Thành thử ra tôi rất lấy làm lý thú khi thấy ở Hoa Kỳ có dùng chữ nuclear family.  Như vậy là đã đi tới quy luật số 4.

    Quy luật số 5 tác giả bảo rằng là hỗ tương nguyên nhân là tự kỷ nguyên nhân là chân ý nghĩa của Đạo-Kỷ thì để hiểu rõ quy luật thứ 5 đó, tôi nhắc lại các quy luật mở đầu tức là mở đầu nói về Đạo-Kỷ và Tự-Kỷ, kế đến nói đến 3 loại hỗ tương: Chất và lượng hỗ tương nguyên nhân, Vận động kết hợp hỗ tương nguyên nhân, Cơ năng bản địa hỗ tương nguyên nhân. Ba loại hỗ tương này nó quy định cái Tự-Kỷ và quy luật 5 bảo rằng hỗ tương nguyên nhân là Tự-Kỷ nguyên nhân. Đây là một điều khẳng định sáng sủa nhất trong Công thức Năm điểm. Quy luật thứ 5 ý muốn nói rằng chính cái hỗ tương quy định cái Tự-Kỷ cho nên tôi thường lấy thí dụ khi tôi bảo tôi giỏi Toán nhất lớp tức là tôi xác định cái Tự-Kỷ của tôi là nhất lớp, có nghĩa là tôi phải thi Toán.  Thi tức là hỗ tương.  Vậy thì cái thi xác định cái nhất.  Cái hỗ tương xác định cái Tự-Kỷ.  Và trong đời sống của Đại Tự Nhiên, từ tự nhiên tới tư tưởng đến xã hội đều xoay vần theo cái đồng dạng Cấu thức Năm điểm đó và Cấu thức Năm điểm vừa mới trình bày, nó là nội dụng đích thực, cụ thể và sinh động của điều được gọi là Vạn vật Nhất thể.  Thì sau khi trình bày xong Cấu thức Năm điểm về Đại Tự Nhiên, bây giờ chúng ta bắt đầu tìm hiểu về quy luật vận động phát triển của Nhân.

    Tác giả dùng chữ Nhân để nhấn mạnh rằng Nhân là người không hề bị chi phối bởi bởi chủng tộc, kinh tế, lịch sử, bởi xác tính, nhu yếu tính, từ vệ tính và xã hội tính hoặc là bởi Duy, Thực, Trụ, Dục, Hành, Lạc, Tác và khi không bị chi phối bởi thực tiễn đời sống thì người ta nghĩ như thế nào người ta làm như vậy, tức là giữa tư tưởng và Nhân, giữa tư tưởng và đời sống của Nhân chập làm một vì vậy thay vì nói quy luật của tư tưởng, quy luật người ta bảo rằng quy luật của Nhân.  Quy luật của Nhân thì nó gồm 2 quy luật chính. Quy luật số 1 giúp cho chúng ta phân định được các khía cạnh của chân lý, các loại chân lý. Tôi nói đến 3 loại chân lý sau đó rồi tôi nói tổng hợp lại thì mình sẽ hiểu. 

    Thứ nhất, Chân lý trong tự nhiên có tính vô nguyên và tính tương đối. Tính vô nguyên là tính không có đầu mối.  Nguyên là đầu. Vô là không. Trở lại ví dụ nước biển, mây, mưa.  Muốn lấy nước biển làm đầu cũng được. Muốn lấy mây làm nguyên cũng được. Muốn lấy mưa làm nguyên cũng được.  Và khi chúng ta chọn bất kỳ điểm nào làm nguyên cũng được cả có nghĩa là liên hệ giữa nước biển, mây, mưa là liên hệ vô nguyên.  Từ đó những gì không do loài người tạo ra loài người đừng gắn cho nó cái nguyên, gắn nguyên vào thì gây ra tranh cãi và xa rời thực tại.  Tinh thần và vật chất không do loài người tạo ra, loài người đừng tìm cách gắn rằng tinh thần số 1 hay vật chất số 1.  Nói tinh thần số 1 hoặc nói vật chất số 1 tức là nguyên hóa cái vô nguyên.  Cái khía cạnh khác của tự nhiên là chân lý trong tự nhiên có tính tương đối, tức là tính thay đổi theo không gian và thời gian.  Cái nhiệt độ ở đây khác với nhiệt độ ở nơi khác, rồi áp suất ở đây vào giờ này khác với áp suất ở chỗ khác vào giờ khác vân vân hoặc là nhiều khi áp suất ở đây vào giờ này khác với áp suất cũng ở đây nhưng vào giờ khác, vì vậy mà chân lý trong tự nhiên có tính tương đối.  Ờ, một nhà vật lý học đã bảo rằng chỉ có sự tương đối là tuyệt đối.  Và câu nói này ảnh hưởng đến rất nhiều người kể cả người tri thức nhưng người ta quên rằng tác giả câu nói này là một nhà vật lý ông Albert Einstein, và Vật Lý là môn học nghiên cứu tự nhiên và chân lý của tự nhiên đương nhiên nó tương đối cho nên nhà Vật Lý nghiên cứu tự nhiên suốt đời thì cũng chỉ thấy tương đối mà thôi.  Và chỉ thấy tương đối cho nên ông ta mới bảo rằng chỉ có sự tương đối là tuyệt đối.  Câu nói này chỉ đúng với những hiện tượng của tự nhiên, chỉ đúng với khoa học là môn nghiên cứu tự nhiên nhưng qua tới NGƯỜI chúng ta tìm hiểu tới khía cạnh thứ hai của chân lý.  Tức là chân lý trong Người có tính Nhất nguyên và tính Tuyệt đối. À, con người ta khi làm bất kỳ điều gì cũng cũng bị hối thúc bởi một nguyên nhân và nhằm vào một mục tiêu, sự liên hệ giữa nguyên nhân và mục tiêu là một đường thẳng.  Tác giả gọi đường thẳng đó là nhất nguyên.  Và chỉ có con người mới có khả năng nhận ra cái nhất nguyên đó. 

    Ờ, tôi lấy một thí dụ khác.  Ờ, trong đời sống của chúng ta, ờ, có khi chúng ta thật thà, có khi chúng ta gian dối, có khi chúng ta nóng giận, có khi chúng ta hiền lành, có khi chúng ta nghi ngờ, có khi chúng ta tin tưởng, vân vân.  Nhưng mà, mỗi khi chúng ta làm làm một việc gì đó nó thể hiện nhân cách chúng ta, nó cho chúng ta một gạch ngắn, một đoạn ngắn và khi chúng ta không thể hiện được nhân cách chúng ta bỏ trống và thế là nhân cách lại cho một gạch ngắn khác và cứ như vậy cho đến khi chết đi chúng ta theo dõi đời sống của một người, chúng ta sẽ thấy rằng đời sống của người đó là một đường thẳng đứt đoạn. Ờ, cái đường thẳng đứt đoạn này, những cái đoạn thẳng mà nó lộ ra đó nó đều có hướng thể hiện nhân cách.  Vậy thì đường thẳng ngắt đoạn đó là đường thẳng nhất nguyên của nhân cách.  Ờ, và cái hệ luận kế của quy luật cho rằng trong Nhân có tính Nhất nguyên.  Là chân lý trong Nhân có tính Tuyệt đối.  Nhất thì bao giờ cũng là tuyệt.  Khi mà mình đã nhìn ra cái nhất nguyên tức là mình nhìn ra cái tuyệt đối.  À, cái tuyệt đối tức là không có cái gì đối lại được, không có cái gì có thể so sánh được.  Và trong Đại Tự Nhiên không có một chủ thể nào ngoài loài người ra có cái khả năng ý thức được cái nhất nguyên và thể hiện cái nhất nguyên.  Và không có một chủ thể nào có khả năng đó cho nên cái tính Nhất nguyên nó có giá trị tuyệt đối.  Và vì vậy tác giả bảo rằng chân lý trong NGƯỜI thì có tính Tuyệt đối.  Chân lý đối với Nhân thì nó có tính Tuyệt đối.  Nhưng mà Nhân thì chỉ là một một sự, chỉ là một cái lý luận giản lược thực tại để chúng ta dể hình dung.  Sự thực ra người nào cũng bị chi phối bởi kinh tế, chủng tộc và lịch sử, người nào cũng phải sống như dân.  Vậy thì dân là NGƯỜI bị chi phối bởi kinh tế, chủng tộc và lịch sử.  Nhưng mặc dầu bị chi phối, dân bao giờ cũng hướng về nhau.  Vì vậy trong tiếng Việt nó có chữ “nhân vật”.

    Ờ, trong đời sống tự nhiên của chúng ta bao giờ chúng ta cũng có một cuộc đấu tranh triền miên đối với chính mình.  Hay nói khác, cuộc đấu tranh đó là cuộc đấu tranh giữa Nhân tính và Vật tính.  Ví dụ như tệ trạng mãi dâm, đó là con người đã sinh hoạt xác tính theo kiểu động vật tức là khi nam-nữ giao hợp với nhau không có tính cảm thì đó là giao hợp của động vật.  Và ngay cả khi người ta sinh hoạt trong các nơi mãi dâm người ta vẫn vẫn có một cái xao xuyến rằng là mình nên sống trong sáng hơn, mình nên sống như thế nào đó để trong sinh hoạt xác tính phải có tình cảm.  Ờ, về mặt luân lý và đạo đức người ta thường gọi cái gọi là sự ray rứt lương tâm.  Khi mình làm một điều gì đó sai mình thấy lương tâm ray rứt.  Cái ray rứt của lương tâm đó là Nhân tính.  Cái mình đang làm là Nhân.  Tức là khi mình giằng co.  Xin lỗi khi mà mình nói cái mình đang làm là Dân là không đúng.  Khi dùng chữ “Dân” tôi không có ý, tôi không có ý nghĩ không tốt về cái chữ này. Khi tôi gọi một người là “Dân” thì ý tôi muốn nói rằng người đó đang giằng co, đang bị giằng co giữa Nhân và Vật để thể hiện cho bằng được cái nhân cách. 

    Và điều lý thú kế trong cái việc giải thích sự khác biệt giữa Nhân và Dân là Vật Tổ Rồng Tiên.  Tôi có viết một bài riêng về về Vật Tổ Rồng Tiên.  Tôi giải thích về Vật Tổ Rồng Tiên này. Tiên biểu tượng cho Nhân tính, cái này vô viết thì sẽ thấy, bây giờ tôi chỉ nói vắt tắt thôi.  Rồng biểu tượng cho sức mạnh, biểu tượng cho sự đấu tranh mà đấu tranh ở đây, đấu tranh triền miên và gay gắt nhất là đấu tranh giữa Nhân tính và Vật tính.  Rồng biểu tượng cho Dân.  Vậy thì Rồng Tiên chính là Nhân Dân. 

    Ờ, vừa rồi thì tôi đang nói tới cái chân lý trong Nhân có tính Nhất nguyên và tính Tuyệt đối.  Sau đó thì tôi nói tới Dân bị chi phối bởi đời sống thực tiễn cho nên chân lý trong Dân có tính Đa nguyên và tính Tương đối.  Đa nguyên là như thế này.  Ờ, mỗi xã hội quan niệm về hôn nhân khác nhau, mỗi gia đình quan niệm về cưới hỏi khác nhau. Nó đa nguyên.  Hoặc là ví dụ như, cùng nhau làm một cuộc lật đổ chánh phủ nhưng mà người này muốn lật đổ chánh phủ vì lý do riêng của họ, người khác có lý do khác nữa và nhiều người gom lại vì nhiều lý do nó trở thành cuộc đảo chánh.  Cuộc đảo chánh đó nó bắt nguồn từ tính Đa nguyên của xã hội cho nên xã hội, chân lý trong xã hội tức là.  Xin lỗi chân lý trong Dân, vì khi xuống tới xã hội thực tiễn thì con người không còn hành động đồng nhất nữa.  Mỗi người bị tác động mỗi kiểu.  Có người bị tác động bởi về chủng tộc, có người bị tác động bởi kinh tế, có người bị tác động bởi cả 3 yếu tố, rồi có người và mức độ tác động khác nhau ở mỗi người, cho nên người ta hành động khác nhau.  Cách hành động khác nhau, cách suy nghĩ khác nhau đó người ta gọi là Đa nguyên và cái đa nguyên đó thì nó thay đổi theo thời gian và không gian.  Nay thế này mai thế khác cho nên nó có tính Tương đối.  Sau khi đã phân định được ba loại chân lý.  Chân lý trong tự nhiên thì Vô nguyên và có tính Tương đối.  Chân lý trong Nhân có tính Nhất nguyên và tính Tuyệt đối.  Chân lý trong Dân thì có tính Đa nguyên và tính Tương đối.  Nhưng vô thực tại, vô thực tại thì 3 loại chân lý nó gắn với nhau.  Và người ta tranh cãi ở chỗ là anh nhìn 1 hiện tượng, anh thấy cái Vô nguyên, người khác thấy cái Nhất nguyên, người nọ thấy cái Đa nguyên.  Nhưng mà Vô Nguyên, Nhất nguyên và Đa nguyên vào một hiện tượng và mỗi người nhìn ở một khía cạnh và tranh cãi nhau, không đồng ý với nhau.  Chẳng hạn như tôi, cái Tự nhiên Vô Nguyên thì dễ rồi nhưng mà sự khác biệt giữa Nhân và Dân làm người ta tranh cãi.  Chẳng hạn như khi tôi nói đời màu hồng, anh nói đời màu xám, hai anh tranh cãi.  Khi tôi nói tới đời màu hồng tức là tôi nghĩ tới Nhân tính cao cả.  Anh nói tới đời màu xám tức là anh là nghĩ tới cái cuộc đấu tranh cam go giữa Nhân tính và Vật tính và nhiều khi Vật tính thắng thế.  Đó.  Và khi nhìn vào một hiện tượng mình phải thấy đủ mọi khía cạnh của chân lý thì mình mới dễ đồng ý với nhau về chân lý bởi vì 3 loại chân lý nó đều nằm trong một hiện tượng và cái mà người ta tranh cãi đó là chân lý nào là chân lý trội yếu trong hiện tượng đó, mình bốc ra cái trội yếu để mình đồng ý thế còn cái vô nguyên cũng có, cái nhất nguyên cũng có mà cái đa nguyên cũng có.  Bởi vì hiện tượng nào cũng đều do sự tổng hợp của 3 phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Và Tự nhiên thì Vô nguyên, Tư Tưởng thì Nhất nguyên, Xã hội thì Đa nguyên và nó cứ gắn với nhau như vậy và mình phải nhìn cho ra cái nào là cái trội yếu thì mình bốc cái chân lý trội yếu lên mình nói.  Và khi người ta nói đến một chân lý khác thì mình phải thông cảm rằng người ta đang còn lấy cái mặt không trội yếu chứ còn không có một cái sự gọi là gọi là gọi là khác biệt triệt để, chỉ khác biệt về cách nhìn thôi.  Đó là cái cách nhận định chân lý trong quy luật về Nhân.

    Bây giờ cái quy luật số 2 của Nhân để mà khi vận dụng vào, khi vận dụng Cấu thức năm điểm vào đời sống của nhân chúng ta không xa rời thực tại là chúng ta luôn luôn ghi nhận rằng, Nhân vận động phát triển theo hình trôn ốc có nút kết.  Ờ, Các-Mác bảo rằng là vạn vật phát triển theo hình trôn ốc.  Và lối nói theo hình trôn ốc là một lối nói tượng hình. Nó có ý muốn chỉ một hiện tượng phát xuất từ một điểm nào đấy, phát xuất từ một điểm mở rộng dần ra về Chất cũng như về Lượng. 

    Nguyễn Phương Minh 2 – VP-NMH-A023 

    NPM (tiếp): Xoay theo hình trôn ốc, tôi nhắc lại chỉ là một lối nói tượng hình.  Tôi lấy thí dụ: một hạt lúa bị phủ định bởi một cây lúa, một cây lúa bị phủ định bởi 100 hạt lúa, 100 hạt lúa bị phủ định bởi 100 cây lúa, cứ như vậy mà xoay, xoay hình trôn ốc, theo cái kiểu phát xuất từ một hạt lúa, rồi số lúa tăng dần, tăng dần, tăng dần.  Vậy thì khi nói vạn vật vận động theo hình trôn ốc chỉ là một lối diễn tả rằng mọi vận động và phát triển của vạn vật, bao giờ cũng có cái hình ảnh mở rộng cao dần về phẩm cũng như về lượng.  Nhưng mà qua tới người, vì người có sự tham dự của tư tưởng giới, cho nên trong hình trôn ốc vận động, bởi vì người cũng là một bộ phận của vạn vật, nhưng người có thể tham dự tư tưởng giới cho nên người – tức là nhân – vận động và phát triển theo hình trôn ốc có nút kết. Hình trôn ốc có nút kết – nó cũng là hình trôn ốc, nhưng mà những cái nút kết này biểu tượng cho cho sự suy nghĩ của người, nó vẫn đi hình trôn ốc.  Dạ, tôi thấy thí dụ: một con gà trống và một con gà mái, đẻ trứng ấm nở con, nó không suy nghĩ, không tính toán gì cả – cứ tới giờ thì đẻ trứng, rồi ấp, rồi nở.  Nhưng ví dụ như hai vợ chồng thành hôn với nhau, làm ăn cần kiệm, suy nghĩ tính toán, rồi sinh con, sinh con rồi tiếp tục suy nghĩ tính toán, và rồi làm ăn, rồi tiết kiệm, rồi sinh đứa con thứ hai.  Tức là mọi hành vi của người bao giờ cũng suy nghĩ và tính toán, để mà bước qua một cái bước mới.  Những cái suy nghĩ và tính toán của người đó, tất cả biểu tượng bằng nút kết.  Nút kết tức là một cái hình trôn ốc nhỏ nằm trên đường hình trôn ốc lớn. Đó là hai quy luật chung nhất của Nhân.  Tôi nhắc lại là quy luật 1: là quy luật phân biệt cái sự khác biệt giữa ba loại chân lý. Quy luật 2: là xác nhận sự tham dự tư tưởng trong vận động phát triển của người.  Cho nên vận động và phát triển của Đại Tự Nhiên nói chung thì nó có hình trôn ốc trơn.  Nhưng sự vận động và phát triển của người do sự tham dự của tư tưởng giới, nó trở thành hình trôn ốc có nút kết. Thôi bây giờ đứng trước một cái một hiện tượng, mình muốn biết rằng hiện tượng đó có ổn định hay không, thì mình phải dùng “Cấu thức năm điểm” để phối kiểm nó, cộng với những nhận định về chân lý, cộng với sự tham dự của tư tưởng giới, thì ra một hiện tượng ổn định. Cho nên bây giờ muốn phê bình một cuộc cách mạng, muốn phê bình một hành vi, muốn phê bình một câu chuyện, bao giờ người ta cũng lấy “Cấu thức năm điểm” người ta so.  Đạo-kỷ ở đâu, Tự-kỷ ở đâu, vận động kết hợp hỗ tương chưa, cơ năng bản vị hỗ tương chưa, chất lượng hỗ tương chưa, Nhất nguyên, Vô nguyên, Đa nguyên ở đâu, và có tôn trọng cái vị trí của tư tưởng trong sinh hoạt loài người hay không.  Trả lời bấy nhiêu câu hỏi và nếu trả lời được là: có, hiện tượng đó được gọi là hiện tượng ổn định và được loài người chấp nhận, còn nếu không một cái, thì thế nào cũng bị phế bỏ.  Đó là cái cách để mà mình phối kiểm hiện tượng. 

    Bây giờ qua tới cái quy luật của dân, tức là con người bao giờ cũng không phải là chỉ sống trong cái vòng, không phải con người lúc nào cũng được sống trong cái vòng không bị chi phối bởi chủng tộc, kinh tế và lịch sử.  Nhưng mà trong thực tiễn đời sống, loài người bao giờ cũng bị chi phối bởi chủng tộc, bởi kinh tế, bởi lịch sử.  Cho nên loài người phải sống ở dạng dân, tức là cái dạng đấu tranh tự mình giữa nhân cách và vật cách, và trong cuộc đấu tranh đó bao giờ cũng lấy nhân làm chuẩn.  Cho nên Nhiên – Nhân – Dân thống nhất.  Nhiên thì dễ rồi – cái tính sinh tồn của loài người, nhiên nó gồm nhiều khía cạnh lắm, nhưng mà cái gì không do loài người sáng tạo ra thì gọi là Nhiên, và Nhân Dân – Nhân đã định nghĩa rồi và dân cũng đã định nghĩa rồi. Quan sát một hiện tượng, mình sẽ thấy được cái phần nào là nhân, cái phần nào là dân, phần nào là nhiên, ba cái đó nó gom lại với nhau làm một hiện tượng, tác giả gọi là Nhiên – Nhân – Dân thống nhất.  Bây giờ, mình tìm hiểu chi tiết sau, dân vận động và phát triển như thế nào và dân có cơ trở về với Nhân hay không, thì Nhân nó có nghĩa để chúng ta có những quy luật như thế này.  Tức là Dân cũng bị chi phối bởi “Cấu thức năm điểm” của Đại Tự Nhiên.  Dân cũng bị chi phối bởi hai quy luật chung nhất của nhân, tức là: quy luật nhận định các loại chân lý, và quy luật vận động theo hình trôn ốc có nút kết.  Rồi ngoài ra Dân còn bị chi phối bởi các quy luật kể sau.  Thứ nhất: “Tĩnh động nhất khu” (tôi dùng nguyên văn của Lý Đông A), thế còn nếu khi diễn tả thì diễn tả kiểu khác, nhưng mà đây muốn nói là nói theo nguyên văn. “Tĩnh động nhất khu” thì mình phải hiểu được thế nào là tĩnh, thế nào là động.  Trong thực tại chúng ta thấy rằng vạn vật luôn luôn vận động, luôn luôn động, nhưng mà nó khác ở chỗ động ổn định và động bất ổn.  Ví dụ như ba người ngồi nói chuyện với nhau: hòa thuận vui vẻ, nhưng mà nói chuyện là động, nhưng mà tôi nói là tĩnh – tình trạng tĩnh.  Nhưng mà xảy ra một cuộc cải vã lẫn nhau thì nó kêu là động. Vậy thì vạn vật luôn luôn động, động ổn định gọi là tĩnh, và động bất ổn gọi là động.  Tôi sức khoẻ bình thường, người ta gọi sức khoẻ của tôi tĩnh, nhưng mà tôi bị cảm lạnh, rồi tôi lên cơn sốt, sức khoẻ tôi động. Và khi sức khoẻ tôi động, bao giờ cũng có khuynh hướng tìm về với sức khỏe bình thường: động bao giờ cũng có xu hướng tìm về với tĩnh. Trời mưa – bao giờ hết mưa rồi nó cũng tới nắng, giông bão – hết giông bão rồi tới thời tiết tốt đẹp.  Giông bão là động, thời tiết tốt đẹp là tĩnh, mưa là động, thời tiết tốt đẹp là tĩnh, và động bao giờ cũng tìm về với tĩnh, đó là quy luật chung của đại tự nhiên, bao gồm cả Tư tưởng, cả Nhân, cả Dân. Nhân là tĩnh, Nhân là người không bị tác động, Nhân là người thể hiện được nhân cách, vậy thì Nhân là tĩnh.  Và Dân là người luôn luôn đấu tranh giữa nhân tính và vật tính để tìm nhân cách, vậy Dân là động.  Áp dụng quy luật “Tĩnh động nhất khu”, có nghĩa là chúng ta thấy rõ ràng, dân bao giờ cũng có khuynh hướng tìm về với nhân.  Nếu không có quy luật này thì những điều chúng tôi vừa lý luận nó có vẻ không tưởng.  Nhưng mà tìm về bằng cách nào, mình biết cái hướng tìm về đó, Dân bao giờ cũng tìm cách về với Nhân, những người hư hỏng cỡ nào nữa, ít ra họ cũng cũng yêu thích những người có nhân cách.  Dù họ có hư hỏng, nhưng mà họ nghe người có nhân cách họ thích, hoặc là trong tự thân đời sống của họ, cũng có một một số lần họ thể hiện được nhân cách.  Vậy thì Dân bao giờ cũng có khuynh hướng tìm về với Nhân, Nhân là tĩnh và Dân là động. “Tĩnh động nhất khu” có nghĩa là động tìm về với tĩnh. 

    Tìm về như thế nào, tìm về thì nó có hai dạng tìm về.  Nó kêu là cái quy luật số 2 là: “Thời không nhất phiến” – tức thời gian và không gian nó là một viên, phiến là một viên.  Ý tác giả muốn nói rằng thời gian nào thì không gian đó. Ví dụ như tôi 43 tuổi: tôi có cách ăn mặc và lối nói, có tâm lý của người 43 tuổi.  Cái tuổi là thời gian, nói năng, ăn mặc, tâm lý là không gian.  Thì không gian và thời gian nó phải khớp với nhau, thì hiện tượng nó mới ổn định, còn nó không khớp thì hiện tượng đó nó bị đổ vỡ.  Cái quy luật mà “Thời không nhất phiến” này cho chúng ta thấy rằng là, cho chúng ta thấy một cách sinh động và cụ thể cái ý niệm xương sống của dịch học.  Bởi vì dịch học đưa ra một kết luận rằng đời sống nó chỉ gồm có ba dạng thôi: dạng thái quá, dạng bất cập và dạng trung.  Cái “trung” đó là cái nơi thời gian và không gian gặp nhau.  Vậy thì thời gian, vậy thì “Thời không nhất phiến” có nghĩa là “trung”.  Nhưng mà anh làm thế nào tìm ra cái “trung”? Ví dụ như nếu mà chỉ nói tôi làm việc nào đó, tôi nói tôi “trung”, người khác có thể chỉ trích tôi, việc đó sao “trung” được – cái đó thái quá.  Anh kêu ồ cái đó nó không phải “trung”, mà không phải thái quá, cái đó bất cập, và tới đó thì chịu.  Nhưng bây giờ tôi có công cụ lý luận, tôi có phương pháp lý luận, thì tôi chứng minh đây là “trung”.  Tôi chứng minh bằng cách tôi áp dụng “Cấu thức năm điểm”, tôi xác nhận là phù hợp với “Cấu thức năm điểm”.  Tôi áp dụng những quy luật của Nhân, tôi xác nhận là phù hợp với quy luật của Nhân, từ đó tôi nói đây là “trung”. Nói một cách vắt tắt như vậy, chứ còn “Thời không nhất phiến” thì phải nói dài lắm. 

    Thêm một quy luật số 3 nữa là quy luật: “Hương lửa ba sinh”. “Hương lửa ba sinh” – tức là “ba sinh”: tức là thời, “ ba sinh” tức là quá khứ, hiện tại và tương lai, nó liên hệ chặt chẽ với nhau như hương với lửa, như lửa với khói, kêu là “Hương lửa ba sinh.” Và quy luật “Hương lửa ba sinh” này, để cho thấy rằng vì nó có liên hệ chặt chẽ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, cho nên mình cũng phải thấy luôn cả cái liên hệ chặt chẽ giữa Nhân và Dân, đó.  Cái Nhân nó là cái gốc thì khi nó đẻ ra Dân thì nó có liên hệ với nhau.  Và chính vì mối liên hệ với nhau đó, cộng với cái khuynh hướng chung của vạn vật nhất thể, thì nếu mà thể hiện được cái “Cấu thức năm điểm” trong đời sống đó thì Dân trở về với Nhân. Thực hiện được năm điểm, cái “Cấu thức năm điểm” đó, thì Dân về với Nhân, và cái nhân cách nó sẽ càng lúc càng càng tròn đầy. 

    Ngoài ra đó thì nó còn có một số quy luật phụ, mà người ta kêu là hệ luận của Dân.  Ví dụ như cá nhân – tập thể, đối lập – thống nhất, những cái cặp, những cái phạm trù đối lập – thống nhất, cấp tiến – bảo thủ, đối lập – thống nhất, cách mạng – kiến thiết, đối lập – thống nhất. Những cái cặp đối lập – thống nhất đó, nó làm cái cái đối lập – thống nhất trong trong đời sống tự thân của người dân và khi thống nhất được tức là dân tìm về với Nhân.  Cái đối lập thống nhất ở đây tức là đối lập giữa nhân cách và vật cách.  Bởi vì con người ta mặc dù chống cự với vật cách nhưng không loại bỏ được vật cách, vẫn luôn luôn bị gắn bó với vật cách, nhưng phải chủ động đối với vật cách, bị gắn bó với vật cách nhưng phải thể hiện cho bằng được nhân cách, đó là tính đối lập và thống nhất trong đời sống.  Thì tất cả những quy luật mà nói vừa rồi đó, được trình bày một cách khái quát như vậy, để cho mọi người thấy rằng đời sống của Dân tìm về với Nhân, nó là một xu thế sống của loài người. Loài người đương nhiên sống là ở tình dạng Dân thôi. Nhưng mà những quy luật, từ quy luật của đại tự nhiên, cho đến của Nhân và của Dân, cho thấy rằng Dân tìm về với Nhân là xu thế sống của loài người. Và nhân quyền là gì? Nhân quyền tức là quyền được sống trong một hoàn cảnh mà Dân tìm về với Nhân không bị trở ngại, hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất.  Và muốn như vậy thì phải thay đổi kiến trúc xã hội để mà Dân nó mới tìm về với Nhân được. 

    Thì sau khi đã trình bày tới  ba lớp công cụ lý luận: của tự nhiên, của Nhân và của Dân.  Thì bây giờ mới bước tới cái phần của vận dụng luận, tức là vận dụng những lý luận kể trên để để giải thích lịch sử, nó đẻ ra cái môn Lịch sử quan; giải thích văn minh đẻ ra môn Văn minh luận; giải thích kiến thiết đẻ ra Kiến thiết luận; và giải thích phương pháp làm thế nào đưa chủ thuyết vào thực tiễn đời sống, nó sinh ra cái môn Cách mạng luận. Đó là toàn bộ hệ thống lý luận của Lý Đông A. 

    NMH: Như vậy thì Lý Đông A đã nói là toàn bộ hệ thống lý luận, thứ hai nữa là những lý luận đó căn cứ, tức là nhìn một cái sự kiện gì như một tổng thể, chứ không phải là một phân bộ, và thứ ba nữa là, như vậy, bộ lý luận đó có khuynh hướng triết lý nhiều hơn là chủ thuyết chính trị có phải không ạ?

    NPM: Không, nhưng mà xuống tới phần vận dụng luận.

    NMH: Vâng. 

    NPM: Tại vừa rồi đó. 

    NMH: Vâng, như anh nói đó, tức là thoạt nhìn ta có một triết lý, mà cái Chủ thuyết Chính trị Duy Dân nó chỉ là một phân bộ của Triết lý Tư tưởng Lý Đông A mà thôi. Vậy thì anh cho ông Lý Đông A là một triết nhân, hay là một nhà cách mạng?

    NPM: Tôi tôi bảo Lý Đông A là một nhà tư tưởng và tư tưởng chỉ có giá trị khi tư tưởng có khả năng làm thay đổi thực tại.

    NMH: Anh có thể cho tôi biết tại sao cái chủ thuyết đó lại lấy tên là Chủ thuyết Duy Dân không?

    NPM: Dạ, ngày xưa đó khi khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, thì có thể nói cái người chí sĩ mà bình thản nhất là Phan Bội Châu.  Phan Bội Châu tin tưởng vào cái cái truyền thống chống ngoại xâm của người Việt.  Phan Bội Châu nghĩ rằng 1000 năm người Trung Hoa đô hộ người Việt, rồi thì người Việt vẫn là người Việt, Trung Hoa cũng phải vậy, Pháp thì ở quá xa, dân số Pháp không bằng dân số Trung Hoa, thì rồi ra thì Pháp cũng thất bại thôi.  Sau một thời gian Pháp tới Việt Nam rồi, Phan Bội Châu mới đi chu du trong nước, để kêu gọi mọi người Việt hãy đoàn kết lại để chống Pháp.  Thì lúc bấy giờ Phan Bội Châu mới khám phá ra một sự thật đau buồn, là người Việt dưới cái thời Pháp thuộc không còn là người Việt dưới thời Hoa thuộc nữa.  Người Việt dưới thời Phan Bội Châu, một số thì hoạt động cho Việt Minh – họ bảo họ Duy vật, một số hoạt động cho những đoàn thể tôn giáo khác – họ bảo họ Duy tâm.  Và cuộc du thuyết của Phan Bội Châu thất bại. Phan Bội Châu mới than: “Dân chẳng duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân” – câu nói rất gọn.  Và Tú Xương thông cảm cái tâm sự đau buồn của Phan Bội Châu, Tú Xương mới làm một bài thơ tặng Phan Bội Châu, tức là bài “Tương Tư”.  Mà nhắc tới bài này, tôi cũng hơi mắc cỡ, bởi vì tôi là cái người vốn tự hào là yêu thích tiếng Việt, và tự nhận là giỏi tiếng Việt, nhưng mà mãi đến năm tôi 35 tuổi, tôi mới hiểu được cái bài thơ này.  Bởi vì hồi xưa mình cứ đọc bài thơ đó, mình cứ nghĩ Tú Xương nhớ người tình nào đó, nhưng mà đây là bài thơ riêng để tặng Phan Bội Châu: 

     

    “Ta nhớ người xa cách núi sông

       Người xa xa có nhớ ta không

       Sao đang vui vẻ ra buồn bã 

       Vừa mới quen nhau đã lạ lùng

       Khi nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng

       Khi riêng riêng cả đến tình chung

       Tương tư chẳng lọ là mưa nắng

       Một ngọn đèn chong trống điểm thùng”

    Thì những câu nói đó là: “Sao đang vui vẻ ra buồn bã”, đó là câu diễn tả cái cảnh du thuyết của Phan Bội Châu, ông ta gặp mọi người ông ta vui lắm, nhưng tới gần thì biết người đó hoặc là Duy tâm, hoặc là Duy vật thì: “Sao đang vui vẻ ra buồn bã”.  Và làm quen với người này người kia, chỉ để kêu gọi họ đoàn kết chống Pháp nhưng họ không có ý đoàn kết, thì: “Sao đang vui vẻ ra buồn bã”, gặp một người rất vui nhưng mà không đoàn kết được thì trở nên buồn bã, v.v… Lý Đông A bị bị xúc động bởi cái chữ ”Duy Dân” của Phan Bội Châu, ông ta mới từ cái chữ đó mới suy nghĩ ra, mới tìm ra, mới nghĩ ra là cái từ chữ “Dân” đi lên chữ “Nhân,” rồi mới tìm ra toàn bộ chủ thuyết, rồi đi từ Nhiên tới Nhân, rồi xuống Nhân thành, cái gốc của nó là vậy.  Thành thử ra cái chủ thuyết này có thể bảo rằng: chủ thuyết Duy Dân nếu nếu nhìn vào khởi điểm; có thể bảo rằng chủ thuyết  Duy Nhân nếu nhìn vào mục tiêu cụ thể; nếu bảo rằng là Duy Nhiên có nghĩa là muốn hiểu chủ thuyết này theo tinh thần đạo học. 

    Sở dĩ là tôi muốn nói đến đạo học là như thế này.  Ngày xưa Khổng Tử là cái người cố gắng suy nghĩ để tìm cho ra một cái xã hội hạnh phúc, tìm cho ra hạnh phúc của xã hội loài người, thì Khổng Tử mới cho rằng loài người đau khổ là vì xã hội loạn lạc, cho nên ổn định xã hội thì hạnh phúc sẽ đến với loài người.  Từ đó Khổng Tử mới đặt ra luật pháp và lấy “Tam cương, Ngũ thường” làm cái thang chung nhất của luật pháp. Thì Lão Tử là cái người đương thời với Khổng Tử, mới cho người tới trách cứ Khổng rằng là: “Tôi nghe tiếng ngài từ lâu, tôi kỳ vọng rằng ngài sẽ mang lại hạnh phúc cho loài người, nhưng mà kể từ khi ngài – đến cái chuyện ban hành luật pháp, thì tôi hoàn toàn thất vọng.  Đời sống nó đã quá rối ren rồi, đời sống nó đã quá phức tạp rồi, thì thay vì làm cho nó bớt phức tạp đi, ngài lại làm cho nó phức tạm hơn nữa bằng cách ban hành luật pháp.  Cho nên tôi đề nghị với ngài một cái phương cách giúp cho loài người không có vi phạm luật pháp của ngài, là ngài hãy lấy cái thang luật pháp, lấy cái hàng rào luật pháp của ngài cất vào trong kho, và hãy để cho loài người sống tự nhiên.”  Và không giải thích thế nào là tự nhiên.  Nhưng Chủ thuyết Lý Đông A giải thích cụ thể và sinh động tự nhiên của Lão học.  Và tôi có viết một bài về Tự nhiên luận, tức là đi tới, đi hướng đó là đi Duy nhiên, còn nếu mà đấu tranh chính trị thì đi Duy dân, hoặc là đi Duy nhân.  

    NMH: Thế cái Chủ thuyết Chính trị Lý Đông A có thể tóm tắt là khác những chủ thuyết chính trị đương thời như thế nào, cùng một lúc với Lý Đông A thì có Tam dân Chủ nghĩa mà Quốc Dân Đảng theo, có Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn mà Đại Việt theo, cùng lúc đó có Chủ thuyết Duy Dân, thì với cái nhãn quan so sánh, anh so sánh cái cái đặc biệt của Chủ thuyết Lý Đông A – cái Chủ thuyết Duy Dân như là một chủ thuyết chính trị khác cái chủ thuyết ấy như thế nào?

    NPM: Dạ khác với nhau ở điểm như thế này ạ.  Thoạt tiên Tôn Văn làm người chịu ảnh hưởng nặng nề của Triết học Khổng, và Tôn Văn muốn muốn cụ thể hoá cái tiền đề Khổng để mà chế ra chủ nghĩa Tôn Văn. Thí dụ như, có thể nói rằng là Khổng lấy thái cực làm tiền đề, thái cực đẻ ra lưỡng nghi, rồi tứ tượng, v,v… thì nó ra hiện tượng sống.  Nhưng mà cái cái thái cực nó trừu tượng quá, Tôn Văn mới lấy cái cái tiền đề duy sinh, cái tế bào sinh sống tiên khởi để mà bắt nó làm tiền đề. Nhưng mà lấy tiền đề kiểu đó thì Tôn Văn không tìm ra được công cụ lý luận, Tôn Văn chỉ dùng những cái bài giảng của Khổng để mà tổ chức xã hội Trung Hoa.  Và nếu mà dùng bài giảng thì mỗi người có thể giải thích cái bài giảng của Khổng mỗi nghĩa khác nhau, rồi nó cũng rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.  Vậy thì Chủ nghĩa Tôn Văn không có chủ thuyết – à không có công cụ lý luận.  Chủ nghĩa Tôn Văn là xương sống của Trung Hoa Dân Quốc. Và Việt Nam Quốc Dân Đảng là một chi phận của Trung Hoa Dân Quốc, cái điều này nó hơi (nói ra nó đụng chạm), anh thấy không? Và tìm lên nữa đi, có phải thực sự người Trung Hoa có tâm lý Đại Hán không, nếu có tâm lý đó thì nó phát xuất từ hệ thống triết học nào, câu trả lời phải là hệ thống triết học của Khổng.  Bởi vì đối với người Trung Hoa, hệ thống Khổng học là một hệ thống vĩ đại nhất và nó bắt đầu từ cái ý niệm: quân-thần, phụ-tử, phu-phụ.  Trong nội địa Trung Hoa thì quân – thần là vua – tôi, nhưng về mặt đối ngoại thì nước vua và nước tôi, thì nước Hoa và nước chung quanh.  Từ đó cái tinh thần của người Trung Hoa bao giờ cũng có vẻ kiêu hãnh đối với những dân tộc khác, mà nếu nói một cách không thiện cảm người ta bảo rằng tinh thần Đại Hán.  Rồi bây giờ Việt Nam Quốc Dân Đảng là một chi phận của Trung Hoa Dân Quốc, thì khi mà lên tới đỉnh thì gặp một tinh thần Đại Hán, thì Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ gặp bối rối về mặt lý luận, và có lẽ vì nhìn thấy cái mặt đó cho nên Đại Việt Sinh Tồn ra đời.  Đại Việt Sinh Tồn cố gắng đưa ra một cái chủ thuyết để người Việt đừng có đi theo phục vụ chủ nghĩa Tôn Văn, bởi vì phục vụ Chủ nghĩa Tôn Văn tức là đưa đẩy cái tinh thần Đại Hán.  Nhưng mà điểm này, thì mình chỉ nói trong cái vòng thuần túy lý luận, sẽ còn nói ra nữa thì nó động chạm đến các đảng khác.  Và cái Đại Việt Sinh Tồn cũng không có công cụ lý luận, thành ra cũng là lối nói chung chung. 

    Và đặc biệt Chủ thuyết Lý Đông A là một chủ thuyết như tôi đã trình bày, nó đi hệ thống lớp lang và giải quyết vấn đề của toàn bộ loài người bắt nguồn từ từng dân tộc một. Bởi vì khi nói tới Dân là nói tới thực tiễn của mỗi dân tộc và chỉ có áp dụng Chủ thuyết Lý Đông A thì các dân tộc trên thế giới mới có thể quy tụ lại một trong một cộng đồng quốc tế tốt đẹp, mẫu mực, hiểu theo nghĩa “cơ năng bản vị”.   Đứng về mặt quốc tế, mỗi một dân tộc là một “cơ năng”, và toàn bộ xã hội quốc tế là một “bản vị “.  Và thực hiện được như vậy là nhờ những liên hệ biện chứng giữa Dân và Nhân. 

    NMH: Như vậy thì Chủ thuyết Lý Đông A là một chủ thuyết quốc gia hay chủ thuyết quốc tế?

    NPM: Nó là…

    NMH: Cộng Sản chẳng hạn là chủ thuyết quốc tế là bởi vì nó chủ trương thế giới đại đồng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Sinh Tồn đều hướng về chủ nghĩa quốc gia hết. Mà Chủ nghĩa Lý Đông A lại muốn nhắm vào dân tộc nhưng mà đưa dân tộc lên cái Nhân, tức là cái gì có tính cách tổng thể thì anh xếp loại Chủ thuyết Lý Đông A là một loại chủ thuyết dân tộc hay là chủ thuyết có tính cách quốc tế?

    NPM: Câu trả lời phải là muốn bảo Chủ thuyết Lý Đông A là chủ thuyết dân tộc cũng được, mà muốn bảo Chủ thuyết Lý Đông A là chủ thuyết quốc tế cũng được.  Ở chỗ như thế này: Lý Đông A chẳng những không chủ trương xoá bỏ gianh giới, xóa bỏ vai trò của dân tộc để mà tiến lên một cái thế giới đại đồng, ngược lại Lý Đông A luôn luôn củng cố dân tộc như một “cơ năng” để xây dựng xã hội quốc tế, đó.  Cho nên nếu mà bảo rằng Chủ thuyết Lý Đông A là chủ thuyết quốc tế, tức là Lý Đông A muốn xây dựng một liên hiệp quốc theo ý nghĩa chân chính nhất, trong đó vai trò của mỗi dân tộc là chủ yếu.  Thành ra đứng về mặt nội bộ dân tộc, Chủ thuyết Lý Đông A tích cực xây dựng một dân tộc ổn định, hài hòa.  Đứng về mặt xã hội quốc tế, Chủ thuyết Lý Đông A cố gắng xây dựng một liên hiệp quốc, trong đó nhân văn phải phục hoàn, văn minh của loài người phải được phục hồi hoạt động.

    NMH: Có liên hệ gì giữa Chủ thuyết Lý Đông A và cái thuyết gọi là Thuyết Nhân Bản?

    NPM: Chủ thuyết Lý Đông A lấy ba điểm chuẩn gọi là lý tưởng Tam nhân: Nhân bản, Nhân tính, Nhân chủ.  Nhân bản gồm hai yếu tố, ở đây tôi nói yếu tố là rất thích thú, bởi vì nó liên hệ tới cái môn luật học. Mọi việc làm bởi người và vì người, bởi người là một yếu tố, vì người là hai yếu tố.  Vậy thì Nhân bản gồm hai yếu tố: bởi người và vì người. Nhân tính gồm bốn yếu tố: xác tính, nhu yếu tính, tự vệ tính và xã hội tính. Xác tính thì lấy lòng trung thành làm chuẩn, tại nếu nói xác tính không thì động vật nó cũng có xác tính, xác tính lấy lòng trung thành làm chuẩn.  Tự vệ lấy hoà làm chuẩn.  Nhu yếu lấy bình làm chuẩn, đẻ ra kinh tế bình xã.  Xã hội tính lấy tinh thần tập thể làm chuẩn.  Bốn điểm chuẩn này gộp lại thành Nhân tính.  Trong xã hội quốc nội cũng như xã hội quốc tế, nếu nhân bản luôn luôn được tôn trọng, Nhân tính luôn luôn được tôn trọng, thì loài người sẽ được đưa lên địa vị Nhân chủ. Nhân chủ có nghĩa là tự chủ chính mình, làm chủ tự nhiên và chủ động đối với xã hội, chủ động đối với tự nhiên và chủ động đối với xã hội, tạm gọi là lý tưởng Tam nhân.  Và muốn thực hiện lý tưởng Tam dân thì phải thi hành chính sách Lục dân.  Lục dân là: sáng hóa dân văn, chỉnh xúc dân trị, quảng đại dân sinh… 6 cái nhưng mà bất ngờ thì tôi quên.

    NMH: Như vậy anh nghĩ là kỳ thực Lý Đông A không những là tìm đường giải phóng dân tộc?

    NPM: Dạ, và giải phóng loài người.

    NMH: Mà lại giải phóng loài người nữa.

    NPM: Dạ.

    NMH: Dạ, vâng.

    NPM: Theo một cách hoàn toàn ổn định, hoàn toàn theo hạch tâm, chứ không có cái kiểu mà mà một quốc gia nào đó bá chủ.

    NMH: Thế về cái phương thức giải phóng, chẳng hạn hồi đó tức là Chủ thuyết Duy Dân là giải phóng nước Việt Nam. Trong các phương thức giải phóng nước Việt Nam thì Chủ thuyết Lý Đông A nghĩ đến phương thức nào… Cách mạng bạo động, hay là Cách mạng văn hoá, hay là cái gì?

    NPM: Dạ, khi mà nói tới cách mạng, khi nói chính trị bao giờ cũng nhìn vào hai khía cạnh: khía cạnh quân sự và chính trị.  Chính trị là gì, chính trị là… khi nói tới chính trị đó thì người ta phân biệt cái cái cái cách hiểu chính trị của Tây Phương và cách hiểu chính trị của Lý Đông A. Chính trị của Tây Phương thì nó là politics, nó là to polish, đánh bóng. Cho nên chính trị của Tây Phương là những cái nghệ thuật làm tuồng, làm màu, để làm thế nào đó nắm quyền cai trị xã hội, hiểu theo cái nghĩa đánh bóng của nó.  Còn chính trị Lý Đông A: chính là đúng, trị là ổn định (chứ không phải cai trị, không phải quản trị, trị đây là trái với trị loạn).  Tức là cái đường lối đúng nhất để làm cho xã hội ổn định và hài hòa, trong ý nghĩ chính trị đó, cho nên chính trị bao giờ cũng đi kèm theo giáo dục.  Hay nói cách khác giáo dục là khởi điểm và là trung điểm của chính trị, còn nghĩ tới chính trị là còn phải xúc tiến giáo dục, và giáo dục chính là mặt trận chính trị chủ yếu.  Và song song với mặt trận chính trị mà nội dung là giáo dục thì đương nhiên phải có bạo lực, cái bạo lực ở đây người ta dễ hiểu lầm là một cái – cái bạo lực của động vật.  Khi nói tới bạo lực thì người ta phải phân ra làm ba trạng thái sư dụng vũ lực thì đúng hơn.  Bình thường thái: tức là nếu mà bàng an, nếu mà ổn định thì mọi người có nghĩa vụ phải giữ quan hệ hài hoà với nhau, đó là thường thái.  Bệnh thái: tức là dùng bạo lực để ép người khác theo mình vì một quyền lợi riêng của mình, đó là bệnh thái.  Phi thường thái: tức là sử dụng bạo lực trong trường hợp không thể không sử dụng được – mà luật pháp thường gọi là phòng vệ chính đáng chẳng hạn.  Bây giờ nếu mà quân thù chiếm giữ nước tôi, tôi không thể nào ngồi năn nỉ, tôi không thể nào ngâm thơ, ca hát, để một ngày nào đó hy vọng rằng quân thù sẽ trả lại cho tôi đất nước của tôi.  Tôi bắt buộc tôi vừa giáo dục mọi người để làm thay đổi tư tưởng, vừa đưa đẩy những hành vi cứng rắn được hỗ trợ bởi vũ lực để thực hiện cuộc cách mạng. 

    NMH: Thưa anh, anh có được biết ông quản gia của Lý Đông A đó, thì anh có thể cho biết sơ sơ về thân thế ông Lý Đông A và cái đặc tính cá nhân của ông?

    NPM: Thì Lý Đông A, thì tôi chỉ biết rằng là ông ta mất tích năm 26, giờ này vẫn có người đồn là ông ta còn sống – nhưng mà tôi nghĩ đó chỉ là lời đồn thôi.  Vào khi ông ta mất tích thì ông ta vẫn còn là độc thân.  Còn gia đình nông dân bình thường – thì chỉ có người anh hay em gì đó, tôi không được rành lắm.

    NMH: Tính tình – anh có nghe ông quản gia nói?

    NPM: Tính tình thì…

    NMH: Tính tình và cái đường lối của ông – gọi là leadership style.

    NPM: Dạ, thì ông ta bảo rằng là khi nhận định một người trong sinh hoạt chính trị hay trong sinh hoạt bình thường, bao giờ cũng ta – người ta cũng nhắm vào chuyên và hồng – nói kiểu Cộng Sản đi: chuyên và hồng.  Chuyên là chuyên môn, chuyên là khả năng chuyên môn; hồng nếu mà đứng về phương diện người Mác xít thì hồng là nhuần nhuyễn tư tưởng Mác.  Còn đứng về phương diện Duy Dân, hồng là thể hiện cho bằng được tinh thần “cơ năng và bản vị” trong đời sống.  Không có kiểu sai bảo người khác, không có kiểu chỉ huy người khác, mà luôn luôn trong quan hệ giữa người với người luôn luôn thể hiện cái tinh thần quan hệ giữa “cơ năng và bản vị”.  Cái đồng hồ nó nhiều – gồm nhiều bộ phận, nó gắn bó với nhau nó vận hành thành cái đồng hồ, và người ta không rằng thấy bất kỳ cái bộ phận nào trong đồng hồ nó có tính cách lãnh đạo cả.  Chính vì vậy cho nên khi Lý Đông A lập ra cái đảng Duy Dân, Lý Đông A giành cho mình cái vai trò gọi là Thư ký trưởng chứ không phải là Chủ tịch, hay là Đảng trưởng, ý muốn thể hiện…

    NMH: Về quan niệm của Lý Đông A đối với vấn đề nhân bản, dân chủ, thì anh cho tôi hỏi thêm anh một vài điểm mà anh nói vừa qua. Thứ nhất, anh nói là ông Khổng chủ về Thái cực, bắt đầu từ Thái cực, là cái tiền đề Thái cực, Lý Đông A cũng nói về Thái dịch, thì giữa Thái dịch và Thái cực khác nhau cái gì?

    NPM: Dạ, khác nhau về tinh thần đưa nó vào thực tiễn đời sống.  Dạ, tư tưởng của Khổng còn quá trừu tượng so với thực tiễn.  Lý Đông A dùng hệ thống công cụ lý luận đã khám phá ra để đưa Dịch học vào thực tiễn.

    NMH: Như vậy là hai người cùng – bắt đầu cùng một tiền đề, chỉ khác nhau về cái cái phương thức lý luận thôi?

    NPM: Dạ, không ạ, bên bên bên phía Khổng thì là lấy tiền đề Thái cực – một ý niệm rất là trừu tượng. Còn bên Lý Đông A lấy tiền đề là NGƯỜI.

    NMH: Thái cực tức là vận chuyển, tức là dynamics?

    NPM: Dạ, còn bên phía Lý Đông A lấy tiền đề là NGƯỜI cụ thể và sinh động.  Rồi sau người thì Lý Đông A còn tìm ra cái loài người vận động phát triển trong tự nhiên và trong xã hội, và khám phá ra những công cụ lý luận để để giải thích mọi hiện tượng sống một cách hợp lý nhưng chính xác, và hoàn toàn phù hợp về thực tại, còn Khổng thì không có phần đó. 

    NMH: Anh có nói Chủ thuyết Tôn Văn căn cứ vào Duy Sinh – tức là tế bào sinh sống đầu tiên thì nghĩa ra sao, có liên hệ gì giữa Chủ thuyết Duy Sinh với cái gọi là Tam dân Chủ nghĩa: Dân tộc, Dân sinh, Dân quyền không? 

    NPM: Bởi vì đọc về Tôn Văn, người ta thấy rõ ràng Tôn Văn chịu ảnh hưởng sâu sắc của của Khổng, và Tôn Văn là một bác sĩ cho nên ông ta muốn cụ thể hóa cái tiền đề Thái cực trừu tượng của Khổng.  Đồng thời ông ta cũng muốn chọn một cái đường lối Trung dung giữa tâm và vật, thì ông ta lấy cái Sinh, nhưng mà cái Sinh thì nó quá mông lung và trừu tượng. Bởi vì thực vật cũng Sinh, động vật cũng Sinh, mà nói chung là vạn vật là Sinh.  

    NMH: Sinh ra nghĩa là tức là living, sự sống (life)? 

    NPM: Dạ.

    NMH: Anh có nói nhiều về cái quan điểm của Lý Đông A, thì xin anh cho biết thêm về cái quan điểm dân chủ của Lý Đông A qua cái hệ thống tổ chức đấy. Anh có biết điều gì về về tổ chức của đảng Lý Đông A như thế nào để thể hiện cái tinh thần đó, “Bản vị, cơ năng” mà anh nói?

    NPM: Dạ, dạ. Thì nhắc tới dân chủ thì Lý Đông A có cái định nghĩa rất

    rõ ràng về dân chủ.  Dân chủ theo Lý Đông A phải là một hệ thống sinh hoạt quần chúng trong tinh thần – tôi nhấn mạnh chữ tinh thần – “vô chính phủ”.  Khi mà Lý Đông A nhấn mạnh cái tình thần vô chánh phủ – Lý Đông A muốn nói rằng giữa người với người chỉ có quan hệ hài hòa, chứ không có cái sự việc người này quản trị người khác, chỉ huy người khác, thống trị người khác.  Và để thực hiện cho được cái tinh thần dân chủ theo kiểu “vô chính phủ” đó thì mọi kiến trúc, mọi cấu trúc xã hội đều phải vận hành theo cái hình ảnh “cơ năng, bản vị”. Chẳng hạn như trong một đảng thì tổ đảng là đơn vị thấp nhất.  Thì cái người mà gọi là tổ trưởng đó phải hiểu là cái người đó thay mặt cho ba người, để hướng dẫn cái “bản vị” tổ đảng, rồi lên dần, lên dần, lên tới trung ương.  Và cái người đảng viên không có bầu ra cái người đại diện đảng một cách trực tiếp, mà bầu từng nấc theo “bản vị.”. 

    NMH: Tức là cũng có bầu cử nhưng mà bầu cử trực tiếp ở cơ cấu. Thế trong trường hợp Lý Đông A là Đảng Trưởng thì thì do sự bầu bán hay là?

    NPM: Tôi nghĩ rằng cái việc tổ chức đảng Duy Dân chưa hoàn hảo, ngay cả Chủ thuyết Duy Dân được viết ra cũng dưới hình thức một dàn bài, một bản thảo, mọi việc chưa xong.

    NMH: Tức Chủ thuyết Duy Dân chưa gọi là gọi là hoàn tất – bản thảo thôi. Nhưng việc anh nói là anh có khai triển thêm hay là anh có căn cứ vào bản thảo đó?

    NPM: Dạ, tôi có triển khai thêm rất nhiều bằng cái hiểu biết tổng quát, nhất là bằng cái tinh thần sắp xếp, tinh thần hệ thống hoá và lý luận của một người học luật. 

    NMH: Nhưng mà tự anh – anh chỉ đóng vai trò giải thích khoa học thêm, hay là anh có đóng góp thêm cụ thể.  Anh có nghĩ rằng… 

    NPM: Tôi tôi nghĩ rằng tôi có đi những bước cụ thể, ví dụ như…

    NMH: Tức là thêm nữa, tức không chỉ có thuần tuý giải thích, có phải không?

    NPM: Dạ, dạ.

    Nguyễn Thượng Hiệp (NTH): Cái chỗ nào mà anh thêm, cái chỗ nào là cái chỗ thuần tuý của Lý Đông A?

    NPM: Ví dụ như tôi viết về nhân quyền, có rất nhiều phần tôi thêm

    vào, vì nó dính dáng tới Luật Học. Dạ, hoặc là tôi viết về biện chứng Rồng – Tiên, đó là do cái hiểu biết của – do cái hiểu biết tư tưởng Lý Đông A, mình nhìn ngắm thực tại mình suy nghĩ thêm.

    NMH: Tức là anh áp dụng Chủ thuyết Lý Đông A để anh giải quyết một số, giải thích một số hiện tượng thực tế ?

    NPM Dạ. 

    NMH: Thưa anh, Chủ thuyết Lý Đông A đó, thì anh có thể nói là anh nghĩ rằng Chủ thuyết Marx không những nó chỉ là một chủ thuyết chính trị, mà nó còn đại diện một cái nhân sinh quan nữa.  Nhưng mà Marx không phải là một cái vũ trụ quan, trong khi những quan niệm chủ thuyết ngày xưa Lão – là một vũ trụ quan, Khổng cũng là vũ trụ quan. Chủ Thuyết Lý Đông A như vậy có phải là một vũ trụ quan không, hay chỉ là đến nhân sinh quan thôi?

    NPM: Dạ, không.  Chủ thuyết Lý Đông A đó, bởi vì trong cái phần tiền đề chúng tôi đã trình bày đó, là đời sống nó là sự tổng hợp của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.  Cái nhìn về tự nhiên – đó là vũ trụ quan, cái nhìn về tư tưởng – đó là nhân sinh quan, cái nhìn về xã hội – đó là chánh trị quan.  Rồi ba quan điểm đó, ba quan niệm đó: vũ trụ quan, nhân sinh quan và chánh trị quan, tổng hợp lại nó ra cái lý luận của Lý Đông A.

    NMH: Anh, anh đã nói rất tổng quát, rất nhiều về, thứ nhất là anh nhấn mạnh về cái cơ cấu lý luận của Chủ thuyết Lý Đông A.  Bây giờ xin anh – anh cũng đã áp dụng nó vào việc giải thích một số hiện tượng rồi.  Thì tôi hỏi anh, xin hỏi anh hai câu – hai điều.  Điều thứ nhất, là trong cái giai đoạn mà Chủ thuyết Duy Dân ra đời là giai đoạn từ 42 trở đi đó, thì chủ thuyết đó riêng về vấn đề Việt Nam, đã nhận định như thế nào về tình trạng Việt Nam, và đã đưa ra giải pháp thế nào cho cái giải pháp Việt Nam lúc đó.  Và câu hỏi thứ hai là, áp dụng cái chủ thuyết đó mà anh có bây giờ, thì anh phân tích thế nào về tình trạng của Việt Nam, và có cái những cái nhận định gì về cách thức giải quyết vấn đề Việt Nam?                                        

    NPM: Hiện nay! 

    NMH: Căn cứ vào Lý Đông A…

    NTH: Lúc đó, hiện nay.

    NMH: Không, thứ nhất là tôi muốn hỏi là ông Lý Đông A nghĩ về lúc đó, và

    bây giờ anh Minh dùng cái chủ thuyết đó nghĩ về bây giờ.  Tại vì Chủ thuyết Lý Đông A là một chủ thuyết áp dụng cho tất cả mọi dân tộc.  Nhưng mà mỗi dân tộc, nó có một điểm đặc biệt. Vậy thì, mỗi dân tộc đó căn cứ vào chủ thuyết Lý Đông A – lấy thí dụ là Dân tộc Việt Nam, thì giải thích như thế nào? 

    NPM: Dạ, dạ. Thì đối với câu hỏi thứ nhất – tức là trong hoàn cảnh chính trị của Việt Nam từ năm 1942 – vào hồi đó, Lý Đông A giải quyết như thế nào, thì đọc chủ thuyết tôi không thấy. Phải nói là tôi là cái người hoàn toàn gắn bó với Lý Đông A về mặt chủ thuyết thuần tuý mà thôi. 

    NMH: Qua những người mà anh tiếp xúc, nhất là ông quản gia – ông nói sơ về cái đường lối Lý Đông A cho Việt Nam hồi đó không, có đưa ra giải pháp chính trị gì không… hay là cái người con của ông đó?

    NPM: Thì qua những câu chuyện đối với những cái người thân cận với Lý Đông A, thì tôi thấy một điểm rõ ràng nhất là Lý Đông A thường than là không có đồng chí, không có cán bộ có khả năng, có trình độ. Xung quanh ông ta toàn là những người có thiện chí nhưng thiếu khả năng.  Và điều này làm cho Lý Đông A vô cùng bối rối, và Lý Đông A đã có rất nhiều bài thơ than phiền về cảnh này.  Dạ, rồi thì lúc nào thì tôi đưa cho anh coi những bài thơ đó.  Và trước tình trạng bối rối này, Lý Đông A vẫn vẫn canh cánh bên mình cái lòng yêu nước, vẫn cố gắng dấn thân.  Nhưng khi dấn thân vào, thì cái việc thiếu người, rõ ràng làm cho Lý Đông A không thực hiện được, cuối cùng thì Lý Đông A quyết định là phải giải tán đảng Duy Dân.

    NMH: Là có giải…

    NPM: Là tuyên bố giải tán.

    NMH: Là tuyên bố giải tán năm nào?

    NPM: Giải tán – tôi không nhớ rõ, nhưng mà trong khoảng 45-46.

    NMH: Có tuyên bố giải tán?

    NPM: Có tuyên bố giải tán. 

    Mời đọc tiếp Phần 2


    Không có nhận xét nào