Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam trong năm 2025
22/8/2024
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Tô Lâm duyệt đội quân danh dự tại lễ đón tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân Bắc Kinh ngày 19 tháng Tám.
Tổng Bí thư — Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trung Quốc chỉ sau hai tuần giữ cương vị mới. Mười bốn thỏa thuận ký kết trong dịp này, cùng với các thỏa thuận trước đây, có tầm ảnh hưởng không chỉ đối với quan hệ song phương.
Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 20/8 viết: “Vào thời đại mới, hai bên sẽ không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy hiện đại hóa phù hợp với tình hình mỗi nước…” [1]. Đoạn trích dẫn khiến độc giả nhớ lại lời tiên tri của Karl Marx: “Tất cả những gì vững chắc sẽ tiêu tan như mây khói; tất cả những gì thiêng liêng đều bị phỉ báng, và rốt cuộc, mọi người đều buộc phải nhìn nhận những điều kiện thực tế của đời sống và mối quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo” [The Communist Manifesto]. Thật bất ngờ, trích dẫn này từ “Tuyên ngôn Cộng sản” cũng được lấy làm đề tựa cho tác phẩm “Age of Revolutions” của Fareed Zakaria, học giả — nhà báo Mỹ nổi tiếng gốc Ấn Độ, và cuốn “Thời đại của các cuộc cách mạng” ấy đang là tác phẩm bán chạy nhất hiện nay, theo The New York Times (2). Còn việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chào đón tân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước [TBT—CTN] Tô Lâm bằng 21 loạt đại bác, và xem Việt Nam là ưu tiên trong “ngoại giao láng giềng” của Trung Quốc, lại là câu chuyện không mấy bất ngờ. Tương tự, cũng chẳng bất ngờ tý nào khi chiều ngược lại, ông Tô Lâm coi hợp tác với Trung Quốc là “lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Hà Nội”.
Sáng 19/8, theo Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, TBT—CTN Tập Cận Bình cam kết với TBT—CTN Tô Lâm, Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc chiến lược chặt chẽ và trao đổi cấp cao với Việt Nam, kiên quyết ủng hộ lẫn nhau, tích cực tìm cách mở rộng sức mạnh giữa “Sáng kiến Vành đai - Con đường” [BRI] và chiến lược “Hai hành lang, Một vành đai kinh tế”, đẩy nhanh “kết nối cứng”, là cơ sở hạ tầng đường sắt, đường cao tốc và cảng biển; và tăng cường “kết nối mềm”, là hải quan thông minh, xây dựng chuỗi cung ứng và công nghiệp an toàn và ổn định [3]. Báo Nhân Dân của ĐCSVN có phóng sự khá chi tiết về lễ đón chính thức và hội đàm cấp cao, tại đó TBT—CTN Tô Lâm đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chất lượng vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam; tăng cường hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có nhiều ưu thế như kinh tế xanh, kinh tế số. Việt Nam cũng đã chốt lại cam kết của TBT—CTN Tập Cận Bình sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, mở rộng các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc [4].
Theo Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm của TBT—CTN Tô Lâm là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa hai nước trong năm nay. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã đi sâu bàn thảo về xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung”. Hai bên đã ký kết 14 thỏa thuận là nhằm bổ sung vào hàng chục thỏa thuận đã ký năm ngoái khi ông Tập đến thăm Hà Nội. Có nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kiểm nghiệm – kiểm dịch, hải quan, y tế, truyền thông, hợp tác địa phương, dân sinh. Tại các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Việt – Trung theo “Định hướng 6 hơn” [tức Lục phương châm], cụ thể hóa các nhận thức chung và các thỏa thuận từ trước đến nay [5]. Tuy nhiên, theo tập quán bất thành văn, những gì phản ánh qua phân tích của giới học giả và chuyển tải qua truyền thông chỉ thể hiện phần nào tinh thần của cuộc hội đàm cấp cao giữa những người đứng đầu Đảng và Nhà nước mỗi bên. Ông Tập và ông Lâm gặp nhau trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang thực sự ở “giữa mùa giông bão”. Vì vậy, giới quan sát tin rằng, hai vị Đảng trưởng không thể né tránh những vấn đề trong nội trị và quan hệ quốc tế của cả hai bên.
Tầm bao quát của 14 thỏa thuận nói trên phần nào phản ánh quan hệ Việt – Trung bước vào giai đoạn mới. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Các tuyến đường sắt kết nối được cho là rất thiết yếu đối với chuỗi cung ứng, khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc Việt Nam từ nay trở thành một bộ phận trong chiến lược BRI có thể trở thành “mối bận tâm” của Hoa Kỳ và phương Tây. Bởi vì, BRI cùng với “Sáng kiến phát triển toàn cầu” lâu nay đã trở thành mô thức “Đồng thuận Bắc Kinh” – tăng trưởng dựa vào vai trò của nhà nước – hoàn toàn đối nghịch với “Đồng thuận Washington” là mô hình phát triển kinh tế dựa trên thị trường tự do và nền chính trị dân chủ, pháp quyền [6]. Hơn nữa, ở đây không chỉ liên quan đến mô hình phát triển, mà đó còn là nguồn gốc xung đột giữa hai trật tự thế giới: Không gian “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” [FOIP] đối chọi lại không gian “Vành đai con đường” [BRI] trên toàn cầu. Cho dù gần đây, Bắc Kinh đã buộc phải điều chỉnh quy mô trên thế giới đối với BRI.
Trở lại với chuyến thăm Trung Quốc của TBT—CTN Tô Lâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc) Vu Hướng Đông nhấn mạnh, đây là dịp để các lãnh đao hai nước hội đàm trực tiếp, cùng lên kế hoạch nhằm thúc đẩy hơn nữa xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung – Việt” có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu, thực chất… (7). Tuy nhiên, hình ảnh hai vị Nguyên thủ thưởng thức trà lần này không thấy toát lên cái không khí “trà dư tửu hậu” như thời ông Trọng sang Bắc Kinh lần trước (8). Và giới quan sát vẫn thấy khó nắm bắt được, đâu là điểm nhấn thực sự trong nghị trình ba ngày của chuyến công du được cho là khá vội vã, chỉ sau có hai tuần Tô Đại tướng được bầu vào cương vụ TBT. Dường như chưa có một TBT Việt Nam nào sang thăm Trung Quốc gấp gáp như chuyến công du vừa qua. Tham gia BRI bằng cách nối với “Hai hành lang, một vành đai”, nhưng làm sao để không “mắc bẫy nợ” như các nước láng giềng là bài học không dễ nuốt [9]. Chưa nói, việc củng cố vị thế trong nước của ông Tô Lâm vẫn còn thời sự lúc này. Hy vọng Đại tướng Tô Lâm học tập được kinh nghiệm của ông Tập trong việc hạ bệ nhóm Giang—Chu—Bạc thế nào cũng là vấn đề đáng tham khảo, chứ không chỉ tập trung vào những câu chuyện “đầu môi chót lưỡi” dành cho truyền thông.
Hoa Kỳ và Liên Âu đang quan sát mọi động thái ngoại giao của Việt Nam lúc này. Theo các nguồn tin chưa tiện tiết lộ danh tính, ông Tô Lâm đã nhận được lời mời từ chính phủ Mỹ. Một cuộc gặp gỡ chính thức giữa tân TBT—CTN với Tổng thống Joe Biden đang được lên kế hoạch dịp ông Tô Lâm sang New York dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân Ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao thiết kế chuyến sang Bắc Kinh của Tô Đại tướng sớm như vầy để kịp về chuẩn bị cho mùa “Ngoại giao Nguyên thủ” tại Liên hợp quốc vào tháng 9 tới đây. Thách thức lớn nhất của Tô Lâm là giữ cho “điểm tiếp nối” đừng đứt gẫy giữa tính liên tục và sự chuyển giao. Nếu nhấn quá nhiều về “tính liên tục”, hóa ra ông là chính khách may mắn? Nếu xuất hiện trước thế giới như biểu tượng của “sự chuyển giao”, Tô Đại tướng dễ trở thành mục tiêu chỉ trích từ nội bộ. Đặc biệt là bộ phận vẫn chưa giác ngộ điều Marx cảnh tỉnh gần 200 năm trước: “Tất cả những gì vững chắc sẽ tiêu tan như mây khói; tất cả những gì thiêng liêng sẽ bị phỉ báng, và rốt cuộc, mọi người đều buộc phải nhìn nhận những điều kiện thực tế của đời sống và mối quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo”.
Tham khảo:
(1) https://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-post971575.vnp
(2) https://tapchidantri.org/download/734/
(3) https://news.cgtn.com/news/2024-08-19/Xi-Jinping-holds-talks-with-Vietnam-s-top-leader-To-Lam-in-Beijing-1wbIAtL0WNG/p.html
(4) https://nhandan.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-hoi-dam-voi-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-post825631.html
(5) https://www.vietnamplus.vn/chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-thanh-cong-moi-phuong-dien-post971528.vnp
(6) https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/thong-tin-quoc-te/khong-phai-xung-dot-my-trung-trat-tu-the-gioi-moi-se-duoc-qu.html
(7) https://baoquocte.vn/hoc-gia-trung-quoc-neu-bat-3-y-nghia-lon-trong-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-283172.html
(8) https://tuoitre.vn/ong-tap-can-binh-moi-tra-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-20240819160357281.htm
(9) https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/mo-xe-bri-tu-cau-chuyen-sri-lanka-i659987/
https://www.voatiengviet.com/a/tam-bao-quat-cua-cac-thoa-thuan-viet-trung/7751679.html
Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam trong năm 2025
VOA Tiếng Việt
23/8/2024
Cửa khẩu biên giới Hữu Nghị. Photo CafeF
Hôm 22/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam, Tân Hoa Xã loan tin.
Trung Quốc sẽ xem năm 2025- năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam - như một cơ hội và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai bên mở rộng thương mại nông sản và hàng công nghiệp bằng cách tận dụng tối đa các nền tảng như Hội chợ triển lãm xuất nhập khẩu quốc tế Canton, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hà Á Đông, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), cho biết trong một thông cáo.
Theo người phát ngôn, Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các động lực hợp tác đầu tư mới trong các lĩnh vực như nền kinh tế kỹ thuật số và phát triển xanh, đồng thời tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng để đảm bảo dòng chảy thương mại thông suốt giữa hai nước.
Ông Hà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đàm phán về Phiên bản 3.0 của Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.
“Hai bên nhất trí lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung” và cùng tổ chức những chuỗi hoạt động chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 22/8.
Tổng kết những “những thành công” về kinh tế, thương mại trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18-20 tháng 8 của tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, bà Hằng nói rằng Việt Nam và Trung Quốc “nhất trí” tạo thuận lợi về thương mại, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đồng thời hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai bên đã vượt hơn 200 tỷ USD trong ba năm liên tiếp.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trong bảy tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Việt Nam đã tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 145,07 tỷ USD.
Về hợp tác đầu tư, Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài quan trọng của Trung Quốc, trang Global Times dẫn lời ông Hà cho biết hôm 22/8.
Trang này cho biết thêm rằng chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trực tiếp 1,84 tỷ USD vào Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-se-tang-cuong-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-voi-viet-nam-trong-nam-2025/7753716.html
Không có nhận xét nào