Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Kỳ - Cuộc đua tổng thống Mỹ: Khi đời tư biến thành ‘vũ khí chính trị’

    Hoàng Dạ Lan/Tạp chí Luật Khoa

    12/8/2024



    Bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang trên đường đua vào Nhà Trắng. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa. 

    Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, những yếu tố nào quyết định sự thành bại của các ứng viên? Đảng phái, lập trường chính trị, thông điệp và chính sách? Hay kinh nghiệm chính trị, thành tựu cá nhân và chiến lược vận động của người ứng cử?

    Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ.

    Thực tế, cử tri còn rất quan tâm đến đời sống cá nhân của các chính trị gia. Bên cạnh đó, các đặc điểm về nhân khẩu học của ứng viên như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, vùng miền, trình độ học vấn, v.v cũng đóng vai trò quan trọng.

    Cử tri muốn người đại diện giống hay khác mình?

    Do là nơi tiếp nhận các làn sóng di cư từ châu Âu, châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, xã hội Mỹ là một tập hợp phong phú của nhiều nhóm chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa. Sự đa dạng này là một phần quan trọng của căn tính quốc gia và tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của đời sống chính trị.

    Theo Giáo sư Chính trị học Priscilla Southwell (Đại học Oregon), có hai quan niệm trái ngược nhau khi bàn về mối tương quan giữa người đại diện và cử tri ở khía cạnh nhân khẩu học.

    Thứ nhất, “đại diện tương đồng” (actual representation), tức người đại diện mang các đặc điểm nhân khẩu học tương tự với cử tri. Những người ủng hộ quan niệm này cho rằng sự tương đồng tạo ra khả năng thấu hiểu và kết nối tốt hơn giữa cử tri và chính trị gia, từ đó nâng cao chất lượng đại diện.

    Ví dụ, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sắp tới giữa Donald Trump và Kamala Harris, một cử tri là phụ nữ gốc Á tin rằng một chính trị gia da màu và có cùng giới tính với mình mới có thể thấu hiểu hoàn cảnh, nhu cầu và đưa ra các chính sách có lợi cho nhóm người như cô. Vì vậy, cử tri này quyết định sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.

    Thứ hai, “đại diện bất tương đồng” (virtual representation), tức người đại diện không mang các đặc điểm nhân khẩu học tương tự với nhóm bầu ra mình. Những người ủng hộ quan niệm này lập luận rằng một chính trị gia không nhất thiết phải là người da màu thì mới đấu tranh cho quyền lợi của người da màu, cũng như không cần phải trải qua cuộc sống nghèo khổ thì mới có thể đại diện cho những người yếu thế trong xã hội.

    Những người có quan điểm này thường lấy ví dụ về cuộc đời và sự nghiệp của Thượng Nghị sĩ Ted Kennedy (1932-2009) để minh chứng cho luận điểm của mình. Ông được sinh ra trong gia tộc Kennedy danh giá, có nhiều thành viên giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ. Ông là em trai của Tổng thống John F. Kennedy và Thượng Nghị sĩ Robert F. Kennedy.

    Trong thời gian phục vụ cho Thượng viện Mỹ từ năm 1962 đến 2009, Ted Kennedy nổi tiếng với việc đấu tranh cho các vấn đề xã hội và công bằng. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua nhiều đạo luật như Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (Affordable Care Act), Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật (Americans with Disabilities Act) và Đạo luật Quyền Bầu cử (Voting Rights Act). Tóm lại, Ted Kennedy là một ví dụ điển hình cho khái niệm “đại diện bất tương đồng”, vì ông đã sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để làm việc vì lợi ích của những người không có cùng xuất thân hay hoàn cảnh sống như ông.

    Việc hiểu rõ hai quan niệm về đại diện giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình bầu cử Mỹ.

    Mỗi cử tri có thể có quan điểm khác nhau về đại diện và thế nào là một người đại diện tốt. Nhân khẩu học cũng không phải là yếu tố duy nhất quyết định hành vi bầu cử. Tuy nhiên, trong một xã hội đa dạng như Mỹ, các yếu tố như xuất thân, chủng tộc, giới tính, tôn giáo và độ tuổi của ứng viên có thể tạo ra những thuận lợi hoặc khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và thuyết phục các nhóm cử tri khác nhau. Ngược lại, chính trị gia cũng có chiến lược xây dựng hình ảnh của bản thân và tạo dựng liên minh sao cho phù hợp với nhóm cử tri mà họ muốn thu hút.

    A screenshot of a graph


    So sánh cấu trúc dân số Mỹ theo chủng tộc vào năm 2010 và 2020. Tỷ lệ người da trắng giảm, trong khi tỷ lệ người gốc Á, gốc Mỹ Latinh và đa chủng tộc tăng. Nguồn: CNN.

    Cuộc sống cá nhân có ảnh hưởng đến hiệu quả công việc?

    Cho đến những năm 1960, đời sống cá nhân của các chính trị gia thường không được đưa tin trên báo chí. Có một sự hiểu ngầm trong làng báo rằng những bê bối cá nhân của các chính trị gia, trừ khi có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ công, thì không phù hợp để đưa tin.

    Franklin Delano Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Mỹ, đã có mối quan hệ ngoài hôn nhân kéo dài nhiều năm với Lucy Mercer. Mối quan hệ của họ chỉ được công chúng biết đến rộng rãi khi cả hai đã qua đời và nhiều tài liệu cá nhân được công bố. 

    John F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của Mỹ, cũng được biết đến là có nhiều mối quan hệ ngoài hôn nhân. Một trong những nhân tình của ông là nữ diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe. Tương tự như trường hợp của Franklin Roosevelt, báo chí thời bấy giờ xem việc đưa tin về đời sống cá nhân của các chính trị gia là không phù hợp. Chuẩn mực xã hội thời đó đặt nặng việc duy trì hình ảnh tổng thống như một thiết chế trang nghiêm và đáng kính.

    Tuy nhiên, các chuẩn mực này trong làng báo dần thay đổi vào cuối thập niên 1960.

    Việc Tổng thống Lyndon Johnson che giấu thông tin về tình hình chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate dưới thời Tổng thống Richard Nixon đã làm công chúng dần mất niềm tin vào chính phủ và các quan chức cấp cao.

    Vụ bê bối Watergate có liên quan đến việc đột nhập, đặt thiết bị nghe lén và lấy cắp tài liệu tại trụ sở Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, với mục đích hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của Nixon.

    Việc các phóng viên điều tra như Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ The Washington Post khám phá và phơi bày vụ Watergate cho thấy báo chí có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của chính phủ.

    Năm 1972, Giáo sư Chính trị học James David Barber xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “The Presidential Character: Predicting Performance in the White House” (tạm dịch: "Tính cách Tổng thống: Tiên đoán chất lượng công việc trong Nhà Trắng"). Theo đó, Barber khẳng định rằng phẩm chất cá nhân và thế giới quan của tổng thống có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đưa ra quyết định và chất lượng công việc của họ. [1]

    Cuốn sách được xuất bản khi Tổng thống Nixon ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên và chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử. 

    Trong cuốn sách, Barber mô tả Nixon là người có tính cách “tiêu cực - chủ động”, đặc trưng bởi tham vọng lớn và làm việc chăm chỉ, nhưng lại có cái nhìn tiêu cực về thế giới và bản thân, dẫn đến các quyết định chính trị không lành mạnh. Barber cũng nhận xét Nixon có tích cách độc lập, nhưng có nhiều nỗi bất an và ông có xu hướng tập trung quyền lực, duy trì quyền kiểm soát. Tổng thống cũng thường xuyên dùng lời lẽ châm chọc, sắc bén để giải tỏa sự tức giận. 

    Đúng như nhận xét của Barber, những đặc điểm tính cách này làm trầm trọng hóa những khó khăn mà ông Nixon phải đối mặt ở nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt là khi vụ Watergate vỡ lở.

    Quốc hội cáo buộc Nixon cản trở công lý và lạm dụng quyền lực, cuối cùng buộc vị tổng thống phải từ chức vào tháng 8/1974 để tránh một cuộc luận tội toàn diện.

    Việc Nixon mất chức đã làm rạng danh Barber và cuốn sách của mình. Ông trở thành tác giả có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực tâm lý học chính trị tại Mỹ.

    Mô hình phân tích tâm lý của tổng thống mà James Barber đề xuất đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, lý thuyết của ông đã đặt nền tảng cho quan điểm “con người cá nhân = con người chính trị” (the “personal = political” argument). 

    Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng nếu chính trị gia có nhiều bê bối trong cuộc sống cá nhân, chẳng hạn như gian lận thuế, ngoại tình, vi phạm pháp luật, v.v. thì những mặt tối trong tính cách sẽ bộc lộ và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công việc một khi họ nắm quyền. Do đó, cử tri và các nhà phân tích cần chú ý đến khía cạnh tâm lý, đạo đức và tính cách của ứng viên trước khi bỏ phiếu bầu họ vào vị trí quyền lực.

    Kể từ thập niên 1970, sự phát triển của truyền thông cùng với những thay đổi trong chuẩn mực báo chí đã làm mờ ranh giới giữa công việc và đời tư của các chính trị gia.

    Thêm vào đó, công chúng ngày càng đòi hỏi cao hơn về sự minh bạch và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo. Đây cũng là lý do để báo chí đưa tin nhiều hơn về đời tư của các chính trị gia.

    Một trong những vụ bê bối tình ái lớn nhất trong lịch sử chính trị đương đại Mỹ là mối quan hệ ngoài luồng giữa Tổng thống Bill Clinton và thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Khác với các bê bối tình ái của các tổng thống trước đây như Franklin Roosevelt và John Kennedy, sự kiện này đã gây ra xáo trộn lớn trong nền chính trị Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của Clinton và tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong công luận.

    Quá trình lựa chọn phó tổng thống

    Trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ, lựa chọn ứng viên phó tổng thống là một trong những quyết định hệ trọng nhất. Người này phải giúp tăng cường hình ảnh và sự hấp dẫn của ứng viên tổng thống, đồng thời thu hút sự ủng hộ từ các nhóm cử tri khác nhau nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của liên danh.

    Ứng viên phó tổng thống nên có nhiều quan điểm chính trị tương đồng với ứng viên tổng thống để đảm bảo sự thống nhất về mặt ý thức hệ. Người này cũng nên có khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm chính trị phong phú để sẵn sàng đảm nhận vị trí tổng thống khi cần thiết.

    Ngoài ra, hai yếu tố về đời tư và đặc điểm nhân khẩu học cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lựa chọn.

    Trong hệ thống chính trị phân cực sâu sắc như ở Mỹ, tất cả những điểm yếu của ứng viên sẽ bị các chính trị gia đối thủ lợi dụng và khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Do đó, việc thẩm định các ứng viên phó tổng thống là một trong những quá trình soi mói và toàn diện nhất. Ngoài quan điểm, kinh nghiệm và thành tích chính trị, các ứng viên còn bị “soi” nhiều vấn đề cá nhân khác, bao gồm tài sản, hồ sơ thuế, lý lịch tư pháp, tình trạng sức khỏe, lịch sử hẹn hò, tình trạng hôn nhân, những phát biểu và bài đăng trên tài khoản mạng xã hội, v.v. [2]

    Quá trình thẩm định còn bao gồm các cuộc phỏng vấn kéo dài kèm theo nhiều tình huống giả định để đánh giá năng lực phản ứng của ứng viên. [3] Tất cả nhằm đảm bảo rằng mọi khía cạnh của ứng viên đều được kiểm tra kỹ lưỡng, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện điều bất ngờ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tranh cử.

    Ngoài ra, ứng viên có thể được lựa chọn để thu hút các nhóm nhân khẩu cụ thể, chẳng hạn như phụ nữ, các nhóm thiểu số, cử tri trẻ tuổi hoặc cử tri khu vực nông thôn.

    Gần đây, Phó Tổng thống Kamala Harris đã chọn Tim Walz, thống đốc bang Minnesota, làm “phó tướng” cho mình. Tim Walz lớn lên từ một thị trấn nhỏ vùng nông thôn bang Nebraska. Ông có kinh nghiệm phục vụ 12 năm trong Hạ viện và là dân biểu đại diện cho một khu vực nông thôn vốn có khuynh hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa.

    Do đó, Walz được kỳ vọng sẽ tái lập thành tích và giúp liên danh tranh cử nhận được sự ủng hộ của nhóm cử tri da trắng ở vùng nông thôn. [4] Điều này là rất quan trọng vì trong hai cuộc bầu cử trước đó vào các năm 2016 và 2020, nhóm cử tri này đã ủng hộ mạnh mẽ cho Donald Trump.

    Kamala Harris là một chính trị gia có xuất thân đa sắc tộc. Mẹ của bà là người nhập cư gốc Ấn Độ, còn cha là người nhập cư gốc Jamaica. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, việc Joe Biden chọn bà làm đối tác giúp liên danh cân bằng hơn và thu hút phiếu bầu từ các cử tri nữ và cử tri da màu. Đến năm 2024, Kamala Harris chọn Tim Walz, một phiên bản trẻ hơn của Joe Biden, để tiếp tục duy trì sự cân bằng này.

    Trông người rồi ngẫm đến ta

    Việc đánh giá và lựa chọn người đại diện là một quá trình quan trọng, phản ánh mong muốn và kỳ vọng của công chúng đối với lãnh đạo đất nước.

    Trong một xã hội tương đối đồng nhất về mặt chủng tộc như Việt Nam, yếu tố này của người đại diện có thể ít quan trọng hơn so với Mỹ.

    Vậy còn những yếu tố nhân khẩu học khác thì sao?

    Bạn có muốn người đại diện của mình, chẳng hạn như đại biểu Hội đồng Nhân dân hay đại biểu Quốc hội, có điểm tương đồng với mình về độ tuổi, giới tính, vùng miền hay trình độ học vấn không?

    Người đại diện tốt cần có những phẩm chất nào? Trong Quốc hội Việt Nam hiện nay, có đại biểu nào thể hiện những phẩm chất này không?

    Mặc dù truyền thông ở Việt Nam bị chính quyền kiểm soát gay gắt, nhiều chi tiết về đến đời sống cá nhân của các chính trị gia vẫn được lan truyền qua mạng xã hội và các kênh thông tin phi chính thống.

    Vậy tính cách và đời sống cá nhân của chính trị gia có ảnh hưởng đến sự ủng hộ của bạn dành cho họ không?

    Liệu họ có cần minh bạch tài sản cá nhân, nguồn gốc thu nhập và các mối quan hệ kinh doanh không?

    Suy cho cùng, những câu hỏi này không chỉ dành cho người đại diện, nó còn dành cho chính chúng ta và những giá trị mà chúng ta muốn thấy trong xã hội.

    https://www.luatkhoa.com/2024/08/cuoc-dua-tong-thong-my-khi-doi-tu-bien-thanh-vu-khi-chinh-tri/


    Không có nhận xét nào