Nguyễn Quang A giới thiệu.
19/8/2024
Bản tiếng Việt PDF file:
https://drive.google.com/file/d/1VHJ_8_83o6XNXnuRgaYHe9qqaaHZp-U_/view?usp=sharing
Cuốn Age of Revolutions – Progress and Backlass from 1600 to the Present (Thời Cách mạng với tiêu đề phụ Tiến bộ và Giật lùi từ 1600 đến nay) của Fareed Zakaria, do W. W. Norton & Company xuất bản tháng Ba năm 2024, và cuốn sách này đang là cuốn bán chạy nhất theo New York Times.
Những người xem CNN chắc không lạ Fareed Zakaria, một học giả, nhà báo Mỹ gốc Ấn Độ xuất sắc, tác giả của nhiều sách bán chạy nhất. Ông đưa ra khái niệm nền dân chủ phi-tự do (illiberal democracy) trong một bài phân tích sâu sắc từ cuối năm 1997 và viết cả một cuốn sách The Future of Freedom: Illiberal Democracy at Home and Abroad bàn về hiện tượng này trong năm 2003. Khái niệm này được thủ tướng Hungary Orbán Viktor công khai chấp nhận trong bài phát biểu của ông năm 2014, phát triển và thực hành trong thực tiễn. Và mọi người cứ nghĩ Orbán Viktor chính là tác giả của dân chủ phi-tự do, tuy Fareed Zakaria đã đưa ra khái niệm này và phân tích kỹ về nó từ 17 năm trước! Tất nhiên, cuốn sách này cũng nhắc đến dân chủ phi-tự do trong lịch sử của các cuộc cách mạng kéo dài từ 1600 đến tận ngày nay.
Những thay đổi công nghệ, những thay đổi trong đời sống kinh tế-xã hội dẫn đến sự thay đổi về dân chúng cảm thấy mình là gì, tức là sự thay đổi về bản sắc, sự thay đổi văn hóa. Khi có những sự thay đổi mạnh như thế về cấu trúc xã hội luôn có sự phản ứng dữ dội, sự giật lùi nhằm cản những sự thay đổi đó. Các xã hội khéo quản lý các lực kéo theo những sự tiến bộ và các lực giật lùi này là các xã hội thành công hay có cách mạng thành công; ngược lại là những cuộc cách mạng thất bại. Fareed Zakaria đặc biệt lưu ý đến các nguyên nhân và diễn tiến của các cuộc cách mạng và ông phân loại chúng thành các cuộc cách mạng thành công và thất bại. Tất nhiên, trong hơn bốn thế kỷ qua có vô số cuộc cách mạng, ông chỉ điểm qua một số cuộc cách mạng quan trọng nhất: các cuộc cách mạng thành công ở Hà Lan và Anh và những cuộc cách mạng thất bại ở Pháp và Nga (thậm chí cách mạng tháng Mười Nga “vĩ đại” mà người Việt chúng ta từng ca ngợi trong gần thế kỷ qua là cuộc cách mạng thất bại theo chân cách mạng Pháp không được ông bàn chi tiết, cũng như cách mạng Mỹ mà ông liệt kê như sự kế tiếp của cách mạng Anh và phần nhiều như cách mạng thoát khỏi thuộc địa).
Theo tác giả, cách mạng thành công nếu là cách mạng hữu cơ, từ dưới lên, tức là những sự thay đổi chính trị thực ra chủ yếu ghi nhận những thay đổi về cấu trúc xã hội do công nghệ, sự phát triển kinh tế-xã hội gây ra rồi (và sau đó tạo điều kiện cho những sự thay đổi “ở bên dưới” đó.) Loại cách mạng thành công này bắt đầu với cách mạng tự do ở Hà Lan, cách mạng Công nghiệp ở Anh và sự tiếp tục của nó tại Hoa Kỳ.
Cách mạng thất bại nếu là cách mạng từ trên xuống, tức là các elite muốn áp đặt một “thượng tầng kiến trúc” họ nghĩ là hay lên một xã hội chưa sẵn sàng và luôn dẫn đến những sự đổ vỡ đáng tiếc và bạo lực. Đó là trường hợp của cách mạng Pháp, cách mạng Nga và những cuộc cách mạng muốn “cải tạo” xã hội (và ngạo mạn hơn cải tạo “tự nhiên”) từ trên xuống theo các ý tưởng của họ xa rời với cuộc sống thực. Nói như thế không có nghĩa là các cuộc cách mạng thất bại không để lại những hậu quả lâu dài như sự phân cực, sự phân chia Tả-Hữu, v.v.
Sự phân chia Tả (Trái)-Hữu (Phải) có xuất xứ từ Pháp và đã ảnh hưởng sâu đến chính trị toàn thế giới cho đến tận gần đây. Sự phân cực Tả-Hữu gần đây được thay thế bởi sự phân cực Mở-Đóng. Rất đáng tiếc loài người quá bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng quá đơn giản hóa (trắng-đen, tả-hữu, mở-đóng) mà là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của sự phân tích. Chúng ta phải luôn ý thức về những hạn chế của sự đơn giản hóa như vậy, không phản ánh sự thực đa dạng, đa nguyên của xã hội: không có sự phân chia rạch ròi như vậy, mà có thể dùng phép ẩn dụ phổ các màu để minh họa, từ trắng-nhờ nhờ-sẫm-đến đen-và đen kịt, hay từ hồng, đỏ,… xanh, đến tím và cực tím theo nghĩa vật lý.
Trong Phần I tác giả bàn về các cuộc cách mạng của quá khứ, cách mạng khai phóng đầu tiên ở Hà Lan, nó lan sang Anh trong cách mạng Vinh quang và sự kế tiếp của nó trong cách mạng Mỹ, cách mạng công nghiệp. Đó là những cuộc cách mạng thành công. Cũng trong phần I có bàn đến các cuộc cách mạng thất bại: Cách mạng Pháp và Cách mạng tháng mười Nga chỉ được nhắc đến sơ qua.
Trong Phần II tác giả kể về những cuộc cách mạng đang diễn ra: toàn cầu hóa, cách mạng thông tin, cách mạng bản sắc và cách mạng địa chính trị.
Chuyện kể về lịch sử của tác giả giúp chúng ta có cách nhìn mới về các lực lượng khai phóng thúc đẩy sự phát triển và sự tiến bộ xã hội, nhưng nó luôn luôn đi cùng với các lực lượng bảo thủ tạo ra những sự giật lùi, những phản ứng dữ dội. Sự cân bằng khó giữ giữa các lực lượng này luôn là vấn đề cốt lõi của sự thành công hay thất bại của cách mạng vì con người cần thời gian để chấp nhận sự thay đổi, nói cách khác các lực lượng bảo thủ có vai trò của nó khiến cho sự thay đổi đừng diễn ra quá nhanh, quá đột ngột có thể phá vỡ bản thân xã hội. Tính chất khai phóng-bảo thủ của các lực lượng xã hội này có thể thay đổi theo thời gian.
Đọc cuốn sách này có thể giúp chúng ta hiểu tình hình thế giới hiện nay và có những liên tưởng đến tình hình Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua. Rất đáng tiếc phần lớn các nhà cách mạng Việt Nam đã không hiểu kỹ những chuyển biến cấu trúc của xã hội Việt Nam chưa tương ứng với hệ thống chính trị mà họ muốn áp đặt lên xã hội. Lẽ ra phải tìm mọi cách để hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế và xã hội và tiến hành cách mạng xã hội một cách từ từ, một cách hữu cơ, thì họ lại noi gương các cuộc cách mạng thất bại nhưng có nhiều hậu quả nghiêm trọng là Cách mạng Pháp và Cách mạng Tháng Mười “Vĩ đại,”muốn “cải tạo” xã hội, xây dựng một xã hội không tưởng trên một xã hội Việt Nam mà cấu trúc kinh tế-xã hội của nó vênh quá lớn với các ước vọng đó. Và thất bại là không thể tránh khỏi nhưng người ta vẫn nghĩ là thành công.
Ngoại lệ hiếm là Phan Châu Trinh với chủ trương hiện đại hóa, cách mạng hữu cơ của ông hơn 100 năm trước, nhưng ông lại bị những người Cộng sản coi thường.
Chỉ trong khảng 40 năm trở lại đây giới lãnh đạo Việt Nam mới bắt đầu thực hiện một phần chủ trương của cụ Phan, trả lại quyền tự do kinh tế cho người dân, hiện đại hóa đất nước, hội nhập vào thế giới, tức là tiến hành cuộc cách mạng hữu cơ. Đây là quá trình nên được khuyến khích, duy trì, và cải tiến từ từ.
Tôi chân thành giới thiệu cuốn Thời đại Cách mạng của Fareed Zakaria cho tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển đất nước, đến sự hiểu kỹ hơn về tình hình thế giới. Trước hết là các bạn trẻ, các sinh viên, nhà báo, đến các nhà nghiên cứu cũng như các chính trị gia Việt Nam.
Hà Nội 19-8-2024
Nguyễn Quang A
Bản tiếng Việt PDF file:
https://drive.google.com/file/d/1VHJ_8_83o6XNXnuRgaYHe9qqaaHZp-U_/view?usp=sharing
+ Có thể đọc bản tiếng Việt tại đây: Tạp Chí Dân Trí, tủ sách SOS2
https://diendantheky.net/fareed-zakaria-thoi-dai-cach-mang-nguyen-quang-a-gioi-thieu/
Không có nhận xét nào