Header Ads

  • Breaking News

    Dự thảo về định danh Internet của Tập làm dấy lên phản đối ở Trung Quốc

    Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping’s draft Internet ID law sparks ‘1984’ fears,” Nikkei Asia, 08/08/2024

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    12/8/2024

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/08/96.-Xi-Jinpings-draft-internet-ID-law-sparks-1984-fears.jpg

    Những lời chỉ trích đã lan truyền trên mạng rồi đột ngột biến mất vào đêm trước mật nghị Bắc Đới Hà.

    Động thái của Trung Quốc nhằm giới thiệu hệ thống định danh Internet quốc gia đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi, đặc biệt là trên mạng xã hội, với những người chỉ trích cho rằng hệ thống này sẽ chỉ tiếp tục bóp nghẹt ý kiến của cư dân mạng.

    Cuộc tranh cãi xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm về chính trị, khi cuộc họp thường niên Bắc Đới Hà của các nhà lãnh đạo đảng đương nhiệm và lão thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra tại khu nghỉ mát ven biển ở tỉnh Hà Bắc.

    Vào ngày 26/07, Bộ Công an và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã đưa ra dự thảo quy định yêu cầu người dùng Internet phải được định danh trước khi lên mạng. Bộ Công an chuyên giám sát các tổ chức cảnh sát, trong khi Cục Quản lý Không gian mạng là cơ quan quản lý Internet của đất nước.

    Các đơn vị này sẽ lấy ý kiến công chúng về dự thảo quy định trong một tháng. Chưa có quyết định nào về thời điểm hệ thống định danh sẽ bắt đầu được sử dụng, nhưng gần như chắc chắn hệ thống này sẽ được triển khai, với các yếu tố cốt lõi của dự thảo được giữ nguyên.

    Theo hệ thống được đề xuất, người dân sẽ được cấp một định danh kỹ thuật số thống nhất để sử dụng thay cho tên thật khi đăng ký tài khoản trực tuyến. Dự thảo quy định nhấn mạnh rằng việc đăng ký định danh là tự nguyện và hệ thống sẽ ngăn chặn và giảm thiểu “việc thu thập và lưu trữ quá mức thông tin cá nhân của công dân” của các công ty mạng xã hội.

    Tuy nhiên, hệ thống định danh đã ngay lập tức vấp phải những phản ứng dữ dội, đặc biệt là trên mạng xã hội, từ nhiều cư dân mạng và chuyên gia muốn giữ khoảng cách với đảng và chính phủ. Các bình luận chỉ trích hệ thống định danh đã lan truyền rộng rãi, trong đó nói rằng quá trình lấy ý kiến công chúng chỉ là làm lấy lệ, và hệ thống này sẽ được sử dụng để tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của chính phủ đối với mạng Internet.

    Nhà chức trách sau đó đã xóa các bình luận này, dù một số bài đăng vẫn còn hiện tiêu đề. Nhưng khi bấm vào tiêu đề đó, màn hình sẽ hiện ra thông báo không thể xem được bài viết do vi phạm nội quy.

    Bên dưới hình dấu chấm than, thông báo được viết ngắn gọn rằng “Không thể xem nội dung này do vi phạm.” Nó cũng nói rằng sau khi nhận được khiếu nại, bài đăng bị cho là đã vi phạm Luật An ninh mạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

    Thông báo thường sẽ nói rằng bài viết đã bị khiếu nại do nội dung vi phạm luật an ninh mạng của Trung Quốc, vốn có hiệu lực vào tháng 6/2017.

    Dù dự thảo quy định nói rằng việc sử dụng hệ thống định danh Internet là tự nguyện, nhưng các nhà phê bình lo ngại các công ty mạng xã hội sẽ dần dần nhượng bộ mong muốn của chính quyền, và ngừng cho phép mọi người sử dụng dịch vụ nếu không cung cấp định danh.

    Những người không có số định danh cuối cùng sẽ bị loại khỏi Internet.

    Ngoài ra, còn một vấn đề khác. Nếu được triển khai, hệ thống sẽ cho phép nhà nước tích hợp hoàn toàn dữ liệu cá nhân của người dùng Internet mà cho đến nay chỉ được các nền tảng thu thập và lưu trữ riêng biệt. Các nhà phê bình chỉ ra rằng: nếu dữ liệu tích hợp vô tình bị rò rỉ, thiệt hại sẽ còn nghiêm trọng hơn.

    Một số nhà phê bình cũng tin rằng chính quyền Trung Quốc cuối cùng sẽ tận dụng tối đa hệ thống định danh này để giám sát và kiểm soát gắt gao mọi thông tin trên Internet, hiện thực hóa thế giới tăm tối được mô tả trong tiểu thuyết “1984” của George Orwell, xuất bản lần đầu cách đây 75 năm.

    Một nhà phê bình viết trong một bài đăng trực tuyến: “Bảo vệ thông tin cá nhân chỉ là một cái cớ. Hệ thống mới thực sự nhằm mục đích hạn chế các cá nhân bày tỏ ý kiến của mình trên Internet.” Bài đăng này và nhiều bài viết quan trọng khác đã bị chính quyền Trung Quốc xóa sạch.

    Một số người nói rằng nếu các biện pháp kiểm soát phát ngôn trên Internet của Trung Quốc trở nên hà khắc hơn, nhà nước có thể sẽ phải dối diện với loại thất vọng dồn nén đã từng bùng nổ thành làn sóng biểu tình trên khắp đất nước vào năm 2022, dẫn đến việc chấm dứt lệnh phong tỏa zero-COVID của Trung Quốc. Người ta cũng bắt đầu chỉ ra các điểm tương đồng giữa hệ thống định danh được đề xuất và các ứng dụng mã y tế được sử dụng trong đại dịch.

    Người Trung Quốc vẫn còn nhớ rõ ký ức cay đắng về những năm zero-COVID, khi chính quyền của Chủ tịch Tập đã siết chặt quyền tự do đi lại của người dân. Các ứng dụng y tế nói trên là một công cụ quan trọng để thực thi lệnh phong tỏa của Tập.

    Vào ngày 27/11/2022, trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề, người dân Bắc Kinh đã tụ tập để cầu nguyện và cầm những tờ giấy trắng tỏ ý phản đối những hạn chế ngăn cản người Trung Quốc tự do đi lại. (Ảnh đã được chỉnh sửa lại vì lý do an ninh) © Reuters 

    Sau cùng, các sinh viên và thanh niên mất việc làm vì lệnh phong tỏa đã xuống đường để trút bỏ nỗi thất vọng chất chồng kể từ đầu năm 2020. Các cuộc biểu tình, nhanh chóng được gọi là phong trào “giấy trắng”, kêu gọi bãi bỏ ngay lập tức chính sách zero-COVID nghiêm ngặt. Một số người biểu tình thậm chí còn công khai kêu gọi Tập từ chức. Phong trào đã lan rộng một cách tự phát khắp Trung Quốc.

    Ngạc nhiên trước sức mạnh khổng lồ của giới trẻ, chính quyền Tập đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Dù phong trào thành công, nhưng những người tham gia sau đó đã bị chính quyền triệu tập. Một số người bị cảnh cáo, trong khi những người khác bị tạm giam.

    Ngay sau khi dự thảo quy định về hệ thống định danh không gian mạng được công bố, một sự kiện tương tự như phong trào biểu tình giấy trắng đã nổ ra ở tỉnh Hồ Nam. Một biểu ngữ trực tiếp đả kích Tập đã được treo trên một cây cầu dành cho người đi bộ ở huyện Tân Hóa, gây bất ngờ cho lực lượng an ninh.

    Một video đăng trên X ghi lại cảnh một biểu ngữ chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được treo trên một cây cầu đi bộ ở huyện Tân Hóa, tỉnh Hồ Nam. © Kyodo 

    Một đoạn video đăng trên X cho thấy, trên tấm biểu ngữ, Tập bị gọi là “kẻ độc tài” và “kẻ phản bội quốc gia” và yêu cầu ông phải bị cách chức. Trong video cũng xuất hiện tiếng loa phóng thanh kêu gọi “tự do, dân chủ, và bầu cử.”

    Một vụ việc tương tự đã xảy ra ở Bắc Kinh vào tháng 10/2022, ngay trước đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng. Một người biểu tình đã giăng biểu ngữ trên cầu vượt Tứ Thông, chỉ trích việc tập trung quyền lực vào tay Tập và những hành động chính trị lệch lạc khác.

    Vụ việc ở Bắc Kinh đã gây chấn động trong bộ máy an ninh của Trung Quốc, vì nó xảy ra bất chấp việc thủ đô đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước sự kiện chính trị quan trọng mà trong đó Tập đã được trao nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ ba.

    Chính quyền địa phương vẫn luôn cảnh giác trước khả năng các hoạt động chống chính phủ có thể lan rộng cùng với những ý kiến phê phán chính sách của chính phủ được đăng trên mạng. Nhưng dường như họ đã quá tải khi phải thường xuyên ngăn chặn các vụ bùng nổ dư luận khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt và những khó khăn kinh tế và xã hội khác bắt đầu gây thiệt hại cho người dân.

    Đừng để bị lừa bởi những từ “dự thảo quy định.” Kế hoạch định danh không gian mạng sẽ không bị gạt bỏ, bởi danh tiếng của hai trợ lý thân cận của Tập đang bị đe dọa: Sa hoàng an ninh Trung Quốc Thái Kỳ và Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng.

    Thái Kỳ và Vương Tiểu Hồng. (Nguồn ảnh của Yusuke Hinata và Reuters) 

    Thái là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, và là người đứng thứ năm trong hệ thống cấp bậc của đảng. Còn Vương đồng thời giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng.

    Hai người này là thành viên chủ chốt của phe Phúc Kiến, một trong hai nhóm chính trị lớn nhất hỗ trợ quá trình thâu tóm quyền lực của Tập, nhóm còn lại là phe Chiết Giang. Tập đã quen biết Thái và Vương từ thời ông còn là quan chức cấp cao ở tỉnh Phúc Kiến.

    Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, Thái đã xuất hiện tại Bắc Đới Hà vào thứ Bảy ngày 03/08 để gặp gỡ các chuyên gia nổi tiếng làm việc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật, văn hóa, và nghệ thuật, theo đó báo trước khởi đầu của mật nghị Bắc Đới Hà năm nay.

    Các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không xuất hiện trước công chúng trong một thời gian. Sau khi tất cả đã tập hợp lại, những người tham gia mật nghị Bắc Đới Hà sẽ thảo luận về các chính sách chính trị và kinh tế lớn của Trung Quốc, vốn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thế giới cả về chính trị lẫn kinh tế.

    Vẫn còn phải chờ xem các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Bắc Đới Hà sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch định danh Internet. Thông tin về bất kỳ quyết định quan trọng nào được đưa ra ở mật nghị sẽ chỉ xuất hiện một cách mơ hồ trong những ngày và tuần sắp tới.

    Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

    https://nghiencuuquocte.org/2024/08/12/du-thao-ve-dinh-danh-internet-cua-tap-lam-day-len-phan-doi-o-trung-quoc/#more-57821


    Không có nhận xét nào