Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 28 tháng 8 năm 2024

    Thứ trưởng Mỹ phụ trách nhân quyền đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT

    RFA
    27/8/2024

    Thứ trưởng Mỹ phụ trách nhân quyền đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT

    Một số tù nhân lương tâm tiêu biểu đang bị giam cầm ở Việt Nam 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngHRW 

    Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Thứ trưởng Ngoại giao Uzra Zeya phụ trách An ninh dân sự, Dân chủ và Nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam thúc đẩy chính quyền độc đảng trả tự do cho các tù nhân lương tâm (TNLT).

    Văn bút Hoa Kỳ hôm 26/8 chia sẻ lại bài viết của bà Zeya trên mạng xã hội X về lịch trình chuyến đi sắp tới, đồng thời bày tỏ:

    “Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya thúc đẩy việc trả tự do cho các tác giả/nhà văn bị cầm tù và kêu gọi Chính phủ Việt Nam cung cấp dịch vụ điều trị y tế cần thiết cho các tù nhân chính trị.”

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Allison Peters sẽ tháp tùng Thứ trưởng Zeya trong chuyến thăm  Maylaysia và Việt Nam trong thời gian từ 25/8 đến 31/8.

    Tại Hà Nội, Thứ trưởng Zeya sẽ nêu bật sức mạnh và sự năng động của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

    Thông cáo báo chí công bố ngày 26/8 cho hay, trong các cuộc họp với các quan chức cấp cao của Việt Nam, Thứ trưởng sẽ nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, bao gồm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hỗ trợ cho các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, và phối hợp để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm nạn buôn người và các tội phạm xuyên quốc gia khác.

    Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại thành phố New York nhân dịp này tiếp tục kêu gọi trả tự do cho các tác giả/nhà văn bị cầm tù tại Việt Nam, bao gồm cả Phạm Đoan Trang, người được trao giải thưởng Tự do Viết lách 2023 và Lê Hữu Minh Tuấn, biên tập viên của Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

    "Chúng tôi lo ngại về tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi của các tù nhân chính trị như Tuấn, người không được điều trị y tế đầy đủ,"  Văn but Hoa Kỳ nói về ông Lê Hữu Minh Tuấn đang thi hành án tù 11 năm về tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền trong khi sức khỏe ngày càng xấu đi.

    Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Văn bút Hoa Kỳ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

    Giới hoạt động nói gì?

    Theo lịch trình được công bố, Thứ trưởng Zeya ngoài việc gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao của Malaysia còn có thảo luận với các tổ chức xã hội dân sự và đại diện truyền thông.

    Trong khi đó, kế hoạch của bà ở Việt Nam chỉ có các cuộc họp với các quan chức cấp cao.

    Cựu tù nhân chính trị Ngô Văn Dũng (tức Facebooker Biển Mặn), người năm ngoái thi hành xong bản án 5 năm tù giam vì tham gia phong trào biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng giữa năm 2018, cho biết tù nhân chính trị đang bị giam giữ trong điều kiện vô cùng hà khắc, như phòng giam chật chội, không được chăm sóc y tế đầy đủ và kịp thời, nhiều hạn chế trong việc nhận quà, sách vở, giấy bút…

    Về chuyến thăm của bà Zeya tới Hà Nội, ông Dũng bày tỏ hy vọng:

    “Mong bà quan tâm nhiều hơn và thúc đẩy Việt Nam trả tự do cho tất cả các anh em tù nhân chính trị. Nếu chưa kịp trả tự do thì cũng nên nâng cao chăm sóc y tế bởi vì mỗi khi mà bị bệnh, tù nhân chính trị phải làm năm lần bảy lượt đơn mới được giải quyết, và có những người không được giải quyết.”

    Ông Lê Quang Hiển, Phó trưởng ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, cho biết để nghe được những tiếng nói chân thật bà Zeya hay đại diện của Mỹ cần đến những nơi đang bị bách hại vì đòi hỏi quyền tự do tôn giáo.

    Người cũng là Tổng Thư ký Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/8:

    “Hồi trước tới bây giờ Hoa Kỳ là nước quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam rất nhiều, nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới khác.

    Ở Việt Nam, nhà nước này cho phép tự do tôn giáo đối với các tổ chức tôn giáo trực thuộc nhà nước, cho nên Hoa Kỳ đến trực tiếp để tiếp xúc với các tổ chức, những nơi bị đàn áp thì mới tìm hiểu ra sự thật.”

    Nhà hoạt động nhân quyền Quyết Hồ cho biết, nhiều quốc gia dân chủ phương Tây sẵn sàng đặt lợi ích kinh tế lên trên nhân quyền và làm ngơ cho những vi phạm tồi tệ của chính quyền Việt Nam, đặc biệt trong việc đàn áp, bắt bớ và giam giữ vô nhân đạo đối với các nhà hoạt động.

    Tuy vậy, ông vẫn trông đợi phía Hoa Kỳ có thể vận động cho các tù nhân lương tâm và buộc Việt Nam phải cung cấp dịch vụ y tế để chữa trị cho những người đang gặp vấn đề về sức khoẻ như trường hợp Trịnh Bá Tư bị nghi nhiễm lao phổi do bị giam chung với tù nhân mắc bệnh này, hay nhà hoạt động Vũ Quang Thuận bị lở loét do điều kiện giam giữ tệ hại.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pen-america-urges-us-to-pay-attention-to-vietnamese-prisoners-of-conscience-08272024050210.html

    Sau khi bị chỉ trích trên mạng xã hội, Đại học Fulbright được Bộ Ngoại giao ca ngợi

    27/8/2024

    Sau khi bị chỉ trích trên mạng xã hội, Đại học Fulbright được Bộ Ngoại giao ca ngợi

    Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm 10 năm chương trình Fulbright ở Việt Nam tại Đại học Ngoại thương ở Hà Nội hôm 10/7/2012 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBRENDAN SMIALOWSKI / POOL / AFP 

    Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/8 ca ngợi Đại học Fulbright Việt Nam là “thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", đồng thời hy vọng Đại học tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Mỹ.

    Tuyên bố chính thức này được đưa ra sau vài tuần trường đại học do Mỹ tài trợ bị mạng xã hội Việt Nam chỉ trích là nơi khuyến khích cách mạng màu ở Việt Nam, là “lò đào tạo phản động”. Những chỉ trích này đã khiến Đại học Fulbright Việt Nam phải lên tiếng phản bác.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề này đã khẳng định “Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.”

    Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập vào năm 2016 và có trụ sở chính tại TP HCM. Trường được cập giấy phép hoạt động vào năm 2017 và khai giảng khóa đầu tiên vào năm 2018. Trường vừa tổ chức lễ tốt nghiệp cho khóa sinh viên đầu tiên vào tháng 6 vừa qua với 128 cử nhân.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-mofa-praises-fulbright-university-as-a-symbol-of-vn-us-cooperation-08272024084911.html

    Công an: Cần truy tố 1 cựu bí thư tỉnh, 1 cựu thứ trưởng nhận hối lộ trong vụ Xuyên Việt Oil 

    VOA Tiếng Việt 

    28/8/2024

    Ảnh ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, trên trang web của Thanh Niên, 28/8/2024.

    Ảnh ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, trên trang web của Thanh Niên, 28/8/2024. 

    Công an Việt Nam đề nghị truy tố cựu bí thư tỉnh ủy Bến Tre, cựu thứ trưởng Bộ Công thương và nhiều cán bộ khác đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng trong vụ án gọi tắt là Xuyên Việt Oil, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và một số báo trong nước đưa tin hôm 28/8.

    Kết luận điều tra của công an được báo chí Việt Nam dẫn lại cho biết bộ này đề nghị truy tố 14 bị can về các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

    Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đối mặt với việc bị truy tố về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn; còn ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và các báo cho hay.

    Hai ông Thọ và Hải cùng 12 bị can bị xác định có vai trò trong vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại, Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, công an công bố sau cuộc điều tra vừa khép lại.

    Thanh Niên, Tuổi Trẻ và các báo dẫn thông tin từ công an viết rằng bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Xuyên Việt Oil, bị đề nghị truy tố về tội gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước và tội đưa hối lộ.

    Theo điều tra của công an, bà Hạnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là người đại diện, chủ sở hữu công ty và thẩm quyền do nhà nước giao trong việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước.

    Do đó, bà Hạnh đã gây thất thoát tổng số tiền 1.463 tỷ đồng là tài sản nhà nước. Công an chỉ ra sai phạm của bà Hạnh là đã chỉ đạo nhân viên chuyển tiền của Quỹ BOG vào tài khoản cá nhân thay vì trích Quỹ BOG theo quy định.

    Số tiền này bà Hạnh đã dùng để mua bất động sản, cho bạn bè vay hoặc chi tiêu cá nhân, ngoài ra là chi hối lộ cho một số cán bộ tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, v.v…

    Công an cáo buộc bà Hạnh đã đưa hối lộ cho 8 người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để họ giúp Xuyên Việt Oil được cấp lại giấy phép kinh doanh, hỗ trợ giao dịch với ngân hàng…, vẫn theo tin trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ và các báo Việt Nam.

    Trong hai năm 2019 và 2020, khi ông Lê Đức Thọ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank, bà Hạnh đã hối lộ ông tổng cộng 600.000 đô la (gần 15 tỷ đồng). Năm 2021, ông Thọ trở thành Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Từ đó đến năm 2022, Bà Hạnh tiếp tục hối lộ ông vài lần với giá trị tiền và quà lên đến hơn 800.000 đô la (gần 20 tỷ đồng).

    Về ông Đỗ Thắng Hải, công an cáo buộc bị can này đã nhận hối lộ 50.000 USD để giúp Xuyên Việt Oil được cấp lại giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu trái quy định.

    Các bị can khác trong vụ án, theo báo chí trong nước, dẫn thông tin từ công an, là 6 người bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ hơn 350.000 đô la, gồm Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; Hoàng Anh Tuân và Nguyễn Lộc An, hai cựu Vụ phó Thị trường trong nước; Lê Duy Minh, cựu Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM, cựu Cục trưởng Thuế Tp.HCM; Đặng Công Khôi, cựu Cục phó Quản lý giá, Bộ Tài chính; Phan Kiến Anh, cựu Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn.

    Bên cạnh đó là 5 người bị đề nghị truy tố về hành vi đưa hối lộ, gồm Nguyễn Văn Thắng, cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Xuyên Việt Oil; Vũ Trung Thành, cựu Giám đốc Vietinbank chi nhánh Thanh Xuân; Đinh Tiến Dũng, Kế toán trưởng Xuyên Việt Oil; Nguyễn Tấn Long, Trưởng phòng Kinh doanh Xuyên Việt Oil; và Đồng Xuân Dũng, lao động tự do.

    https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-can-truy-to-1-cuu-bi-thu-tinh-1-cuu-thu-truong-nhan-hoi-lo-xuyen-viet-oil/7761789.html

    Nhà tù ở Việt Nam đang là nơi ủ bệnh lao

    Thục Quyên

    27/8/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/08/images720335_DSC06789.jpg

    Nghèo đói là một trong những nguyên nhân quan trọng đóng góp cho việc lây lan và phát triển vi khuẩn lao. Môi trường sống và làm việc đông đúc, kém thông gió thường liên quan đến nghèo đói, tạo thành các yếu tố gây nguy cơ trực tiếp cho việc lây truyền bệnh lao.

    Suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố giúp bệnh lao phát triển. Nghèo đói cũng liên quan đến tình trạng kém kiến ​​thức về sức khỏe, từ đó hạn chế việc bảo vệ sức khỏe trong đời sống hàng ngày, dẫn đến nguy cơ tiếp xúc và truyền bệnh.

    Hàng năm, hiện có khoảng  10 triệu người mắc bệnh lao trên thế giới (1). Mặc dù là một căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi, nhưng vẫn có 1,5 triệu người bỏ mạng vì bệnh lao mỗi năm, khiến lao trở thành căn bệnh truyền nhiễm giết người hàng đầu ở những nước chậm phát triển.

    Tuy bệnh lao hiện diện khắp thế giới, nhưng hầu hết những người mắc bệnh lao đều sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng một nửa số người mắc bệnh lao có thể được tìm thấy ở 8 quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Nam Phi.

    Trong Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao (2) ngày 8/04/2024, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có thêm 172.000 người mới ở Việt Nam mắc lao và khoảng trên 13.000 người tử vong do lao trong năm 2022, đưa Việt Nam lên hàng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.

    Dù vậy, số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị được báo cáo hàng năm chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Nghĩa là, 40% số người nhiễm bệnh chưa được phát hiện, đang tiếp tục lây bệnh trong tình trạng vô kiểm soát.

    Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, hiện công tác chống lao còn gặp nhiều khó khăn vì 12/63 tỉnh chưa có bệnh viện lao, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên môn để triển khai các chương trình phòng chống lao. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm; nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống lao được phê duyệt muộn; nguồn kinh phí viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống lao có xu hướng giảm dần; ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế…

    Nguy cơ bệnh lao bùng phát trong các nhà tù ở Việt Nam

    Cơ sở hạ tầng vật chất của nhà tù ở Việt Nam thiếu thốn, số người quá tải và việc tù nhân di chuyển thường xuyên, đều có thể làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua không khí như bệnh lao.

    Tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động cung cấp điều trị lao kháng thuốc cho phạm nhân trong trại giam năm 2023”, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), Bộ Công an cho biết (3), theo báo cáo trong 11 tháng đầu năm 2023, các trại giam thuộc Cục C10 đã phối hợp chương trình chống lao tỉnh, tổ chức khám sàng lọc định kỳ bệnh lao cho 22 trại giam với trên 60.000 tù nhân; phát hiện và thu nhận điều trị 604 tù nhân và số tù nhân mắc lao kháng thuốc là 27.

    Trong khi đó, vẫn còn 32 trại giam chưa được sàng lọc bệnh lao vì chương trình chống lao trên địa bàn chưa có xe X-quang di động (sẽ được triển khai trong tháng 12 sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu).

    Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, tỷ lệ tù nhân mắc bệnh lao, HIV, lao đa kháng thuốc, viêm gan B, C và các bệnh lây nhiễm khác cao gấp 10 lần so với ngoài cộng đồng. Ở một số đơn vị cũng đã có các nhân viên, cán bộ  bị mắc lao và lao đa kháng thuốc.

    Trong khi  đó, cơ sở hạ tầng giam giữ cũng như trang thiết bị y tế tại các trại giam không đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhiều đơn vị bệnh xá xây dựng đã lâu, bị xuống cấp, chưa có khu cách ly, điều trị, thiếu nhân lực, thiếu các phương tiện chẩn đoán để phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm như lao, lao đa kháng thuốc.

    Nhận thức của tù nhân về bệnh lao còn hạn chế, nên nguy cơ lây nhiễm trong môi trường trại giam là rất cao.

    Những thiếu sót nguy hiểm đã và đang xảy ra tại các trại giam là những vi phạm nhân quyền.

    Cho tới nay, đã có trường hợp tù nhân bị sụt giảm cân, khạc ra máu, xin đi khám bệnh nhưng không được chấp thuận, mặc dù gia đình đã làm đơn nêu rõ xin đi khám lao.

    Một trường hợp khác, sau nhiều tuần lễ một tù nhân có triệu chứng lâm sàng mới được định bệnh lao và đưa vào nhà thương chữa trị, nhưng trại giam không đưa những tù nhân cùng phòng đi khám sàng lọc.

    Không có giải pháp kiểm soát thì không thể hy vọng đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao.

    Mạng sống của những người đang bị giam giữ trong tù nằm trong tay nhà cầm quyền.

    Vì trại giam là nơi tập trung đông người,  tù nhân có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn bình thường, có hệ thống nhiễm dịch suy yếu, lại không được hưởng sự bảo vệ y tế cần thiết, nên tù nhân được Liên Hiệp Quốc xếp loại là “nhóm dễ bị tổn thương”, và việc bảo vệ quyền con người về mặt sức khỏe của nhóm này đòi hỏi phải có những thích ứng toàn diện từ cả lĩnh vực y tế lẫn tư pháp.

    Việt Nam cam kết với thế giới sẽ chấm dứt bệnh lao năm 2035 và nhận hỗ trợ từ thế giới   

    Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường không khí, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê 2023 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam là quốc gia mang gánh nặng bệnh lao cao thứ 10 trên thế giới với tỷ lệ bao phủ điều trị thấp nhất ở khu vực châu Á.

    Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên được tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2004 (4).  Đến nay, những đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho hoạt động phòng, chống lao ở Việt Nam giai đoạn 2004-2023 là hơn 256 triệu USD. Cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu thông báo, trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu USD để phòng, chống 3 bệnh HIV/AIDS, lao và Sốt rét, cũng như tăng cường hệ thống y tế…

    Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dự trù ngân sách gần 24 triệu USD  để hỗ trợ chương trình Chấm dứt bệnh lao của Việt Nam trong 5 năm, từ năm 2020-2025 (5).

    Nhà cầm quyền cũng như người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức về hiểm họa bệnh lao hiện nay và theo dõi cũng như thúc đẩy chương trình chấm dứt bệnh lao.

    Cải thiện việc kiểm soát bệnh lao trong các nhà tù sẽ có lợi cho toàn xã hội. Các nhà tù hoạt động như một bể chứa bệnh lao, bơm bệnh vào cộng đồng dân sự thông qua nhân viên, khách thăm và những cựu tù nhân được điều trị không đầy đủ. Do đó, việc xử lý bệnh lao trong các nhà tù phải là một phần không thể thiếu của bất kỳ chính sách y tế công cộng nào, nhằm mục đích kiểm soát và cuối cùng là xóa bỏ căn bệnh này.

    Chú thích:

    (1) https://www.who.int/teams/global-tuberculosis-programme/populations-comorbidities/social-determinants

    (2) https://nhandan.vn/viet-nam-can-trien-khai-nhieu-nhiem-vu-de-som-thanh-toan-benh-lao-post803653.html

    (3) https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-phong-chong-benh-lao-tai-cac-trai-giam-post785790.html

    (4) https://nhandan.vn/quy-toan-cau-da-ho-tro-viet-nam-hon-256-trieu-usd-trong-cong-tac-phong-chong-lao-post751816.html

    (5) https://www.usaid.gov/vi/vietnam/fact-sheets/usaid-support-end-tuberculosis

    Nguồn: Tiếng Dân

    https://vietluan.com.au/120547/nha-tu-o-viet-nam-dang-la-noi-u-benh-lao/

    TP.HCM nhận gần 25.000 đơn thư tố cáo, phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/08/bo-noi-vu-de-xuat-moi-can-bo-co-mot-ma-dinh-danh.jpg

    TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tố giác, tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn) 

    Theo một báo cáo được truyền thông trong nước trích dẫn ngày 27/8, tại TP.HCM ghi nhận 24.709 đơn, thư tố cáo, tố giác, phản ánh, kiến nghị liên quan đến các hành vi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Trong đó, có 5 trường hợp yêu cầu được bảo vệ.

    UBND TP.HCM cho biết địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc bảo vệ người tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo, tố giác trong thực tiễn còn hạn chế, chưa đồng bộ và thống nhất. Các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong giải quyết yêu cầu được bảo vệ.

    Một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp, thậm chí cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có tâm lý e dè, ngại va chạm. Điều này khiến đa số đơn, thư tố cáo, tố giác liên quan đến các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là đơn nặc danh hoặc mạo danh.

    Cùng với đó, vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm trong góp ý và phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm. Việc biểu dương và khen thưởng người tố giác, tố cáo chưa tương xứng. Các biện pháp bảo vệ người tố giác chưa cụ thể, rõ ràng và thiếu hiệu quả.

    Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tố giác, tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

    Các cơ quan cần bổ sung và hoàn thiện các quy định về căn cứ, trình tự, thủ tục luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch. Điều này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng kẽ hở trong các quy định để trả thù, trù dập, phân biệt đối xử và gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.

    Pháp luật về lao động cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa và xử lý hành vi trả thù, trù dập và phân biệt đối xử đối với người tố cáo là người lao động.

    UBND TP.HCM cũng kiến nghị nghiên cứu và bổ sung các quy định nhằm phòng ngừa và xử lý các hành vi trên. Cụ thể là việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và ban hành nghị quyết về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, quy định cụ thể hình thức xử lý và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

    TP.HCM cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể hóa các quy định của Luật Tố cáo năm 2018.

    Bảo Khánh

    https://vietluan.com.au/120550/tp-hcm-nhan-gan-25-000-don-thu-to-cao-phan-anh-hanh-vi-tham-nhung-tieu-cuc/

    Rủi ro bủa vây tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 

    Phương Anh 

    Thứ ba, 27/08/2024 

    https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/news/2024/08/26/xuat-khau-1840.jpg

    Dự báo tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo của Việt Nam sẽ chững lại. Ảnh: Hoàng Anh

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại thời điểm trước đại dịch do độ trễ tác động của chính sách tiền tệ và tăng trưởng tiêu dùng chưa có bước đột phá trên thị trường toàn cầu. 

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm nay và tăng lên mức 6,5% vào hai năm tiếp theo, dữ liệu được loan báo bởi Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chiều 26/8.

    Những tháng tới, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo của Việt Nam được WB dự báo sẽ chững lại khi nhu cầu chậm lại, nhất là tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

    Triển vọng toàn cầu chưa khởi sắc

    Các chỉ số chính trong báo cáo của WB cho thấy thương mại vẫn yếu trong giai đoạn trước mắt, do chỉ số các đơn hàng xuất khẩu mới (chỉ số PMI) lĩnh vực chế biến chế tạo toàn cầu lại đang vào vùng suy giảm. 

    Cùng với đó, triển vọng toàn cầu vẫn chưa khởi sắc mạnh mẽ do độ trễ tác động của chính sách tiền tệ và tăng trưởng tiêu dùng chưa có bước đột phá. 

    Do đó, với nền kinh tế có độ mở với kinh tế toàn cầu như Việt Nam, yếu tố bất định phát sinh từ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến, đặc biệt ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, WB phân tích trong báo cáo mới nhất về Việt Nam. 

    Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, sản xuất công nghiệp mà Việt Nam có mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. 

    Không chỉ vậy, căng thẳng địa chính trị leo thang có thể ảnh hưởng thêm đến xuất khẩu. 

    Nhìn vào trong nước, trường hợp tình hình ổn định kinh tế vĩ mô yếu đi, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư.

    Thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, gây ảnh hưởng bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân – yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. 

    Ngoài ra, nếu chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của ngân hàng có thể bị suy giảm. 

    Việt Nam, một trong những quốc gia có nguy cơ dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, thiên tai gia tăng về cường độ có thể làm tăng rủi ro gây thiệt hại cho nền kinh tế. 

    “Thiếu hụt nguồn cung năng lượng có thể làm giảm tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, do Việt Nam vẫn có nguy cơ với những đợt nắng nóng, ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện ở miền Bắc, mặc dù đường dây truyền tải 500 kV dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 có thể làm giảm rủi ro này”, WB lưu ý. 

    Tạo đà cho tăng trưởng 

    Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính, ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB khuyến nghị.

    Trong điều kiện nền kinh tế chưa quay lại lộ trình tăng trưởng trước đại dịch, giải ngân đầu tư công nếu được đẩy nhanh có thể hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời, giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh.

    Trên cơ sở những cải cách trong thời gian qua, các bước tiếp theo nhằm giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương và rủi ro đối với thị trường ngân hàng vẫn rất quan trọng. 

    WB khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền có thể khuyến khích các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm cả việc phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh do quan hệ liên kết giữa ngân hàng với các tập đoàn doanh nghiệp) và can thiệp sớm (xác định sớm vấn đề và phòng ngừa xảy ra khủng hoảng lan rộng).

    Ngoài các gói kích cầu ngắn hạn, tăng cường quản lý đầu tư công cũng hết sức quan trọng nhằm xử lý những thiếu hụt phát sinh về hạ tầng – chẳng hạn về năng lượng, giao thông và vận tải – hiện đang ngày càng trở thành trở ngại với tăng trưởng. 

    Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cũng cần đẩy nhanh những cải cách cơ cấu nhằm tăng cường môi trường pháp quy trong các dịch vụ trụ cột quan trọng (công nghệ thông tin và truyền thông, điện, vận tải), để xanh hóa nền kinh tế, tạo dựng vốn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh. 

    https://theleader.vn/rui-ro-bua-vay-tang-truong-kinh-te-nua-cuoi-nam-d36700.html

    Mỹ cân nhắc dự luật Forest Act, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm 

    Trình Tiêu 

    Thứ ba, 27/08/2024 

    Dự luật Forest Act có thể sớm được Chính phủ Mỹ thông qua, nếu điều này thành hiện thực, tác động sẽ không nhỏ lên Việt Nam. 

     “Forest Act là vấn đề đặc biệt quan trọng”, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends (Mỹ), trao đổi với TheLEADER chiều 26/8.

    Tiến sĩ Phúc nói có ba điểm khác biệt lớn nhất của dự luật Forest Act so với EUDR (Quy định về phá rừng của Liên minh châu Âu).

    Thứ nhất, có 5 loại hàng hoá được kiểm soát, gồm: dầu cọ, đậu nành, sản phẩm từ gia súc, ca cao và cao su, không có cà phê và gỗ. Hiện gỗ đã nằm trong phạm vi của Đạo luật Lacey Act mà Mỹ đang áp dụng.

    Thứ hai, không có thời điểm quy định mất rừng, mà chỉ tính đối với các diện tích rừng mất bất hợp pháp. Trường hợp mất rừng do chính phủ nước sản xuất cho phép vẫn được xem xét. Ví dụ, chính phủ cho chuyển đổi rừng sang trồng cao su.

    Thứ ba, yêu cầu thông tin về vị trí địa lý nhưng có thể không quy định toạ độ cụ thể.

    Forest Act, một dự luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp của Hoa Kỳ đã được trình lại lên Quốc hội vào tháng 11 năm 2023, sau khi một phiên bản trước đó không nhận được đủ sự ủng hộ. 

    Hơn thế, bất chấp dự luật Forest Act tiến triển chậm, nước Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy yêu cầu đối với các sản phẩm được sản xuất trên đất bị phá rừng.

    Theo Trase do Global Witness, từ tháng 10/2021 đến tháng 11/2023, khoảng thời gian giữa lần đầu tiên dự luật Forest Act được trình và lần trình lại, việc nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng được chỉ định của Mỹ đã khiến nước này phải đối mặt với 123.000 ha rừng bị phá ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. 

    Diện tích 123.000 ha rừng tương đương với thành phố Los Angeles, cho thấy việc phê duyệt nhanh chóng Đạo luật có thể giúp giảm tác động của việc tiêu thụ tại Mỹ đối với rừng trên thế giới.

    Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 27,3% tổng xuất khẩu của cả nước, theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương.

    https://theleader.vn/my-can-nhac-du-luat-forest-act-viet-nam-can-dac-biet-quan-tam-d36720.html

    Dùng quy hoạch điện để điều tra pin mặt trời 

    Nguyễn Cảnh 

    Chủ nhật, 25/08/2024 

    https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2024/08/25/pin-mt-minh-hoa-1324.jpg

    Quy hoạch điện VIII, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh bị viện dẫn để phục vụ điều tra chống trợ cấp với pin mặt trời. Ảnh: Hoàng Anh

    Quy hoạch điện VIII, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đang bị viện dẫn để điều tra chống trợ cấp pin mặt trời. 

    Theo Bộ Công Thương, trong các vụ điều tra chống trợ cấp (CTC) với Việt Nam, nguyên đơn thường viện dẫn các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành năm năm, mười năm với tầm nhìn 20 năm và một số quyết định, nghị định liên quan để cáo buộc các chương trình trợ cấp cho ngành sản xuất.

    Đơn cử các vụ việc như: Túi nhựa PE năm 2009 dẫn chiếu chiến lược và quy hoạch phát triển ngành nhựa; ống thép hàn carbon năm 2011 dẫn chiếu quy hoạch phát triển ngành thép; tôm năm 2023 dẫn chiếu chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và chương trình phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030. 

    Hay gần nhất là vụ pin mặt trời cách đây vài tháng, qua dẫn chiếu Quy hoạch điện VIII và các Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

    Ba tháng trước, DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá và CTC với pin mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam. 

    Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra chương trình trợ cấp xuyên quốc gia, sau khi quy định mới về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có hiệu lực vào tháng 4 năm nay.

    Cụ thể, DOC điều tra hai chương trình “cho vay ưu đãi” và “cung cấp nguyên liệu đầu vào (polysilicon) thấp hơn giá thông thường” từ Chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp pin mặt trời. Đáng chú ý, DOC đã lựa chọn hai doanh nghiệp (có trụ sở tại Bắc Giang) làm bị đơn bắt buộc. 

    Nguyên đơn của vụ việc là Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất năng lượng mặt trời Hoa Kỳ. DOC cho biết, thời kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đề xuất là năm 2023, điều tra thiệt hại trong thời gian 2021-2023.

    Theo số liệu hải quan Hoa Kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2023 là 4,2 tỷ USD. Theo đó, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin mặt trời của Hoa Kỳ (cao nhất trong số những nước cáo buộc). 

    Đáng chú ý, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cao nhất trong 4 nước bị cáo buộc.

    Hiện tại, Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan và hai doanh nghiệp bị đơn để xử lý vụ việc. 

    Các nguyên đơn cáo buộc rằng, thông qua các chiến lược hay quy hoạch ngành (chỉ mang tính định hướng, không phải văn bản quy phạm pháp luật), Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp trong ngành. 

    Bên cạnh đó, nguyên đơn cũng cáo buộc, Chính phủ can thiệp, chỉ đạo hoạt động sản xuất (về sản phẩm, công suất, sản lượng) của doanh nghiệp ngành thông qua các chiến lược hay quy hoạch liên quan.

    Từ đây, Bộ Công thương đã kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế/giảm thiểu số lượng các cáo buộc, vụ việc CTC của nước ngoài với Việt Nam.

    Đáng chú ý có nội dung: trong quá trình ban hành các kế hoạch/quy hoạch ngành cần cẩn thận và lưu ý tới rủi ro các văn bản có thể trở thành nguồn chứng cứ khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trong tương lai – gây bất bất lợi cho doanh nghiệp và ngành nếu bị điều tra, áp thuế.

    Trong quá trình xây dựng các văn bản mới, cần tránh dùng các thuật ngữ mang tính “chỉ đạo”, “giao”, thay vào đó là “định hướng”, “dự báo”, tránh liệt kê dàn trải các chính sách ưu đãi trong quy định mà nên tập trung vào các giải pháp thực sự cần thiết, Bộ Công Thương khuyến nghị.

    Thống kê cho thấy, tính chất và phạm vi điều tra CTC của nước ngoài ngày càng phức tạp và bao gồm nhiều nội dung chưa từng có tiền lệ. 

    Năm 2020, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra vấn đề định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ vụ việc CTC với lốp xe, Ấn Độ tự khởi xướng điều tra CTC đối với ống đồng. Còn năm nay, hồi tháng 5 vừa qua lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ CTC với pin mặt trời từ Việt Nam.

    Được biết, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng và tập trung ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như pin mặt trời 4,2 tỷ USD, tôm 800 triệu USD đến thấp như túi dệt 60 triệu USD, đĩa giấy 9 triệu USD.

    https://theleader.vn/dung-quy-hoach-dien-de-dieu-tra-pin-mat-troi-d36695.html

    Việt Nam thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định mua bán than từ Lào

    27/8/2024

    Việt Nam thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định mua bán than từ Lào

    Hình chụp hôm 14/10/2022 cho thấy tàu chở than gần nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở Hải Dương (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến thực hiện Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước.

    Trang thông tin điện tử Bộ Công thương cho biết, vào sáng ngày 27/8, tại trụ sở Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, các đơn vị chức năng của Bộ về việc hợp tác mua bán than với Lào.

    Phát biểu tại hội nghị này, ông Diên cho biết, buổi làm việc này nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào.

    Trước đó, vào cuối tháng 7/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chủ trì một hội nghị tương tự và giao nhiệm vụ cho các Tập đoàn, Tổng công ty và các cơ quan chức năng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “giúp bạn cũng là giúp mình”.

    Hiệp định mua bán than giữa Lào và Việt Nam nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định cho Việt Nam vào khi nhiệt điện than vẫn chiếm đến hơn 40% tổng sản lượng điện cả nước, đồng thời hỗ trợ Lào phát triển ngành than.

    Theo quyết định kế hoạch cho sản xuất điện năm 2024 của Bộ Công Thương, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than cần cung cấp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện. Trong đó, ngoài nguồn cung trong nước, Việt Nam dự kiến nhập khoảng 26 triệu tấn than.

    Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam trong năm 2023 là đạt hơn 51 triệu tấn, tương đương hơn 7,1 tỷ đô la. Hiện, Úc là nước cung cấp than nhiều nhất cho Việt Nam với sản lượng gần 20 triệu tấn, tiếp theo là Indonesia và Nga.

    Dù Lào có trữ lượng than lớn nhưng việc nhập khẩu than từ Lào vào Việt Nam hiện gặp khó khăn do vấn đề cơ sở hạ tầng ở biên giới hai nước như thiếu kho chứa, hạ tầng giao thông hạn chế dẫn đến chi phí vận chuyển cao khiến giá than từ Lào không cạnh tranh bằng các nước khác.

    Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị hôm 27/8 vừa có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý với chủ trương của UBND tỉnh này xem xét chấp thuận dự án kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông) để đẩy mạnh nhập khẩu than từ Lào.

    Truyền thông Nhà nước dẫn thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, dự án kho bãi có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng do Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất, với mục tiêu là kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải...

    Theo báo Tuổi Trẻ, hiện nay khối lượng than đá nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) - La Lay (tỉnh Salavan, Lào) rất lớn, cao điểm lên tới 12.000 tấn/ngày, với khoảng 500 lượt xe qua lại.

    Tiềm năng nhập khẩu than đá giữa Lào và Việt Nam qua cửa khẩu La Hay được đánh giá là rất lớn, có thể đạt 500 triệu tấn trong vòng 50 năm tới, theo báo Tuổi Trẻ.

    Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang đề ra cam kết chuyển dịch sử dụng nhiên liệu từ than sang các nhiên liệu khác thân thiện với môi trường nhằm đạt được mục tiêu đặt ra với quốc tế là đưa phát thải ròng về không vào năm 2050.

    Tuy nhiên, trong một báo cáo mới được công bố hồi giữa tháng này của tổ chức Dự án 88, Việt Nam dường như đang thất bại trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) khi Việt Nam đang ưu tiên an ninh năng lượng bằng cách tiếp tục tăng cường sử dụng than hơn là chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh và sạch.

    Năm 2010, Việt Nam chỉ sản xuất được 18% điện từ than. Kể từ đó, than đã trở thành nguồn điện lớn nhất, cung cấp gần 40% nhu cầu của cả nước, theo Dự án 88. Trong khi cắt giảm công suất dự kiến ​​của các nhà máy điện than trong tương lai, Chính phủ Việt Nam lại tăng sản lượng thực tế của các nhà máy hiện có.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-push-forward-implementation-of-coal-import-agreement-with-lao-08272024083659.html


    Không có nhận xét nào