Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 21 tháng 8 năm 2024

    Biển Đông : Việt Nam - Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp thông qua “hiệp thương hữu nghị”

    Thanh Phương /RFI

    21/8/2024

    Trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm, hôm qua, 20/08/2024, hai nước đã ra một tuyên bố chung “về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện”. Trong tuyên bố chung, Việt Nam và Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông thông qua “hiệp thương hữu nghị”. 

    Chinese President Xi Jinping and Vietnam's President To Lam applaud during a signing ceremony at the Great Hall of the People in Beijing, China, 19 August 2024.


    Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Việt Nam Tô Lâm chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 19/08/2024. via REUTERS - Andres Martinez Casares 

    Cụ thể, bản tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước “kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được”. Giải pháp này phải phù hợp với thỏa thuận trên nguyên tắc giữa Hà Nội và Bắc Kinh, cũng như phải phù hợp với “luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Hai bên còn cam kết sẽ không có hành động “làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp”.

    Bên cạnh đó, Hà Nội và Bắc Kinh sẽ “thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và thúc đẩy bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”.

    Riêng về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Trung Quốc và Việt Nam đồng ý gia tăng trao đổi giữa quân đội hai nước “ở tất cả các cấp”, bao gồm cả lực lượng biên phòng, hải quân và cảnh sát biển. Hai nước cũng sẽ “tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "cách mạng màu", cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ.” 

    Trong tuyên bố chung, Hà Nội và Bắc Kinh nhắc lại cam kết giữa ông Nguyễn Phú Trọng, người tiền nhiệm của tổng bí thư Tô Lâm, với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11 năm ngoái, là hai nước sẽ cùng nhau xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.

    Trong chuyến thăm của ông Tô Lâm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ kết nối liên thông, công nghiệp, cho đến tài chính và y tế, đồng thời cho biết sẽ đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc. Trong lĩnh vực đường sắt, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam lập Quy hoạch các tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, giúp xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

    Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Tô Lâm kể từ khi giữ chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, qua đời ngày 19/07/2024.

    https://www.rfi.fr/vi

    Đường vào trại giam của ông Nguyễn Xuân Phúc rộng mở

    Minh Hải/VNTB

    21/8/2024

    https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/08/Nguyen-Xuan-Phuc-va-vo-1.jpg

     (VNTB) – Việc ông Phúc bị bắt giam có thể là một cơ hội để Việt Nam kiếm thêm lợi thế ở “ván bài” kinh tế-thương mại với quốc tế 

    Có thể nói, hầu hết những người quan tâm đến chính sự Việt Nam đều nhận thấy, chính sự Việt Nam đang trải qua những tháng ngày hết sức sôi động, với sự lên xuống thất thường của giới chóp bu Cộng sản Việt Nam (CSVN), đặc biệt là ở hàng “Tứ Trụ”. 

    Ngoại trừ chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ CSVN hiện do ông Phạm Minh Chính vẫn còn ngồi thì ba ghế khác ở hàng “Tứ Trụ” trong khoảng thời gian rất ngắn đã thay đổi liên tục, thất thường. Kèm theo đó là 4 ghế đã bị rút lại còn có 3.

    Những thay đổi này lại đi kèm theo những đồn đoán, những sai phạm chứ không phải vì ông Phúc, ông Thưởng, ông Huệ…cảm thấy mình không đủ năng lực đảm nhận chức vụ nên xin từ chức. Đặc biệt hiện ông Nguyễn Xuân Phúc cùng vợ là bà Trần Thị Nguyệt Thu đang bị bủa vây tứ bề những tin đồn vô cùng bất lợi. Những tin đồn được tung ra từ bị cấm xuất cản, tới bị khởi tố, bắt giam… và không được nhà nước đính chính hay chỉ trích.

    Ngày 5/4/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc với cương vị lúc bấy giờ là Thủ tướng đời thứ 8 của Chính phủ Việt Nam, theo sự điều động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN ngồi vào chiếc ghế quyền lực Chủ tịch nước thay cho ông Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, ông phúc chưa ngồi đủ nhiệm kỳ, mới được 288 ngày. 

    Vào ngày 18/1/2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức Chủ tịch nước, và người thay thế ông Phúc chính là ông Võ Văn Thưởng (SN 1970).

    Trung ương Đ CSVN và Quốc hội chấp thuận cho ông Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021-2026 với lý do theo nguyện vọng cá nhân. Nhưng mọi tin đồn về vợ chồng ông Phúc không phải là không có cơ sở. 

    Bản thân ông Phúc và bà Nguyệt Thu cùng thuộc cấp đã mắc những sai phạm như tham ô, hối lộ cả hàng trăm triệu USD trong trong các vụ đại án như: “sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á”, “Chuyến bay giải cứu”, “Vạn Thịnh Phát- SCB” và mới đây nhất là cáo buộc liên quan đến những sai phạm của Tập đoàn Trung Nam có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh.

    Liên quan vụ đại án Việt Á, vào ngày 4/2/2023, tại buổi bàn giao chức vụ ở Phủ Chủ tịch Nước, ông Phúc có phát biểu: “Gia đình tôi, vợ con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. Báo đài Việt Nam đồng loạt trích đăng phát biểu này nhưng ngay sau đó đồng loạt gỡ bỏ, kèm theo dư luận dồn dập phủ nhận lời phát biểu này của ông Phúc. 

    http://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2023/02/Nguyen-Xuan-Phuc-Viet-A.-650x406.jpg

    Riêng vụ đại án “Vạn Thịnh Phát- SCB”, đây được cho là đại án tài chính lịch sử của Việt Nam ở thời điểm hiện tại bởi số tiền các bị cáo sai phạm là quá lớn lên đến hàng chục tỷ USD. Tin đồn nói rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Trần Thị Nguyệt Thu đã nhận hối lộ của bà Trương Mỹ Lan – người đứng đầu Vạn Thịnh Phát- SCB cả 100 triệu USD. 

    Chưa hết, vào tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ thị cho Bộ Công thương thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN). Tại đây, lại phát hiện ra sai phạm của Tập đoàn Trung Nam Group có trụ sở chính ở TP.HCM và có chi nhánh tại TP.Đà Nẵng, với hai nhà máy thủy điện tại Lâm Đồng đã hoạt động 7 năm nhưng không khai báo thuế cũng như nộp báo cáo kinh doanh. 

    Thời điểm này, ông Phúc đang là Thủ tướng Chính phủ và con rể là Vũ Chí Hùng đang công tác tại Tổng Cục thuế thuộc Bộ Tài chính. Trung Nam Group và EVN bấy giờ được cho là nơi có rất nhiều thân tín của ông Phúc, được ông Phúc dung dưỡng những sai phạm.

    Trước những đồn đoán bất lợi tứ bề bủa vây, ông Phúc sẽ có hành động như thế nào? Ở đây cần khẳng định một điều, tuy đã mất hết quyền lực nhưng tầm ảnh hưởng của ông Phúc ở giới “chóp bu” hẳn vẫn còn. Có nguồn tin không chính thống tiết lộ, vừa qua vợ chồng ông Phúc – bà Thu có liên lạc với Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm xin gặp mặt riêng tại nhà nhưng bị từ chối. Ông Phúc-bà Thu sau đó tìm đến nhà ông Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình nhờ gỡ tội cho bà Thu và có sự nhận lời. Riêng các thuộc cấp cùng “nhúng chàm” với vợ chồng mình, ông Phúc thường gợi ý trốn lánh. 

    Ngày 5/8/2024 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch VCCI-đột ngột qua đời tại nhà riêng ở tuổi 64. Vợ ông Lộc cho biết ông Lộc đã tự vẫn. Bà cũng cho biết thêm, trước đó ông Lộc có đi dự tiệc tại nhà ông Phúc và được ông Phúc có khuyên nên lánh đi  xa một thời gian.

    Sau đó vài ngày, tức là vào ngày 9/8/2024, xuất hiện nguồn tin vợ chồng ông Phúc-bà Thu bị Cơ quan An ninh phi trường Đà Nẵng ngăn chặn, cấm xuất cảnh khi định ra nước ngoài thăm con cháu. Dù ông Phúc sau khi mất hết chức vụ, thuộc diện giám sát của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN nhưng vụ ngăn chặn này quả khiến cho dư luận đặc biệt chú ý và có phần kinh ngạc. Có thể nói đường vào trại giam dành cho ông Phúc nói riêng và cả vợ chồng ông nói chung trở nên quá gần.

    Câu hỏi đặt ra mà dư luận Việt Nam hiện đang tranh luận sôi nổi là, với những sai phạm động trời nêu trên, liệu rằng ông Phúc-bà Thu có bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam hay không? Đâu đó, có người cho rằng, rất có khả năng sẽ bắt bà Trần Thị Nguyệt Thu nhưng khó đụng đến ông Phúc bởi nếu bắt luôn cả ông Phúc thì đây quả là cơn “địa chấn” mà chính trường Việt Nam hiện chưa đạt đến mức thay đổi đột biến như thế. 

    Và cũng có số ít người tranh luận ngược lại rằng, với chính trường Việt Nam như hiện nay, việc ông Phúc bị bắt giam cũng có khả năng xảy ra. Bởi đây có thể là một cơ hội để Việt Nam kiếm thêm lợi thế ở “ván bài” kinh tế-thương mại với quốc tế nói chung và Hoa Kỳ-Phương Tây nói riêng, đừng quên Việt Nam đang cần Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

    Ông Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hiện đang sinh sống tại P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-duong-vao-trai-giam-cua-ong-nguyen-xuan-phuc-rong-mo/

    Trung tá công an ở Huế bị khởi tố vì lái xe khi say, gây tai nạn làm chết 1 người 

    21/08/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Tuổi Trẻ đưa tin vụ trung tá công an Trần Nam Trung bị khởi tố vì lái xe khi say xỉn gây tai nạn chết người, 20/8/2024.


    Tuổi Trẻ đưa tin vụ trung tá công an Trần Nam Trung bị khởi tố vì lái xe khi say xỉn gây tai nạn chết người, 20/8/2024. 

    Lãnh đạo sở công an của tỉnh Thừa Thiên-Huế, miền trung Việt Nam, cho biết hôm 20/8 rằng họ khởi tố trung tá Trần Nam Trung, Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp, Công an thị xã Hương Trà trong tỉnh, vì ông này lái xe trong tình trạng say xỉn, có nồng độ cồn ở mức cao, gây tai nạn chết người, hai trang tin Tuổi Trẻ và VnExpress cho hay.

    Cùng với việc khởi tố, công an tỉnh cũng tước quân hàm của ông Trung và cấm ông đi khỏi nơi cư trú, vẫn theo Tuổi Trẻ và VnExpress.

    Quyết định nêu trên được công an tỉnh đưa ra ở thời điểm được hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ tai nạn vào đêm khuya giữa hai ngày 18 và 19/7.

    Tuổi Trẻ và VnExpress tường thuật rằng vào khoảng 0h20 ngày 19/7, một xe đầu kéo container bị hỏng nằm chắn ngang một đoạn quốc lộ 1A thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tài xế xe đầu kéo nhờ một đội cứu hộ gồm 4 người cẩu xe.

    Khi họ làm việc, bất ngờ ô tô con do trung tá Trần Nam Trung cầm lái chạy tốc độ cao đâm thẳng vào nơi đội cứu hộ đang đứng, làm 1 người chết, 3 người bị thương, Tuổi Trẻ và VnExpress mô tả, dẫn lại thông tin từ công an tỉnh. Bản thân ông Trần Nam Trung cũng bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.

    Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến hiện trường ngay lập tức để điều tra. Họ đo nồng độ cồn và xác định rằng ông Trung vi phạm ở mức cao. Các bước điều tra tiếp theo cho thấy ông Trung đã sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn.

    Việc cán bộ công an lái xe khi say xỉn hoặc có dấu hiệu say xỉn và gây tai nạn nghiêm trọng, thậm chí làm chết người, đã xảy một số lần trong những năm gần đây, bao gồm vụ cán bộ cảnh sát giao thông Nguyễn Hồng Phong làm 1 phụ nữ tử vong vào tháng 5 năm nay ở tỉnh Gia Lai, vụ thượng tá Đào Văn Thêm tông xe làm 1 người thiệt mạng ở tỉnh Bình Phước năm 2022, vụ ông Hoàng Ngọc T làm chết 1 người ở Lạng Sơn năm 2020, v.v…

    https://www.voatiengviet.com/a/trung-ta-cong-an-hue-khoi-to-lai-xe-khi-say-gay-tai-nan-lam-chet-1-nguoi/7750747.html

    Vụ đưa lậu 7 người Việt vào Anh: Tài xế gốc Syria ra tòa, khai báo được trả 5.000 bảng Anh 

    21/08/2024

    VOA Tiếng Việt 


    Báo Anh Independent đưa tin về phiên xét xử một người bị buộc tội đưa lậu 7 người Việt vào Anh, 20/8/2024.


    Báo Anh Independent đưa tin về phiên xét xử một người bị buộc tội đưa lậu 7 người Việt vào Anh, 20/8/2024. 

    Tài xế Anas Al Mustafa, 43 tuổi, hiện đang bị xét xử tại Tòa hình sự sơ thẩm Lewes ở miền nam nước Anh vì bị cáo buộc đã đưa lậu 7 người Việt bằng xe van từ Dieppe, Pháp, vào Newhaven, Anh, hồi tháng 2, các trang tin Anh The Standard và Independent cho biết hôm 20/8.

    Như VOA đã đưa tin, ông Al Mustafa bị nhà chức trách Anh bắt giữ hôm 16/2 sau khi 7 người Việt kêu cứu và được giải thoát khỏi một xe tải van đông lạnh tại bến phà Newhaven ở hạt East Sussex, miền nam nước Anh, chỉ cách thủ đô London hơn 50 km.

    Những người Việt đó đã được giấu trong khoang bí mật trên xe nhưng họ cảm thấy nóng bức, ngạt thở, không chịu đựng nổi, nên đã gõ, đập vào thân xe, được các nhân viên bến phà nghe thấy và giải cứu. Cả 7 người, trong đó có 2 người bị ngất, đều đã được cho nhập viện ở Anh vào sáng 16/2.

    Tại phiên tòa hôm 20/8, bên công tố nêu ra thông tin trước bồi thẩm đoàn rằng khoang bí mật để giấu người chỉ rộng 2 mét, cao 1,94 mét và sâu có 37 cm, buộc 7 di dân lậu chỉ có thể đứng và hầu như không cựa quậy nổi, The Standard và Independent tường thuật.

    Họ không được cung cấp nước uống, đồng thời, trong không gian chật hẹp như vậy, hơi nóng từ 7 người và trạng thái thiếu không khí/ô xy đã dẫn đến tình huống nguy hiểm, vì vậy, họ đã phải kêu cứu, vẫn theo lời công tố viên.

    Nhân viên trên phà đã cố liên lạc với tài xế Al Mustafa nhưng không có hồi đáp, tiếp đến, các nhân viên dùng rìu phá vách ngăn của khoang bí mật và cứu được các nạn nhân. Nhiều hành khách trên phà cũng tham gia giúp đỡ trước khi họ được đưa đi viện.

    Ông Al Mustafa, người gốc Syria đến Anh sinh sống từ năm 2011, phủ nhận trước tòa về việc ông tiếp tay cho hành vi đưa lậu người vào Anh, vẫn theo tin trên The Standard và Independent.

    Hai trang tin Anh cho biết phiên tòa cũng được cung cấp thông tin rằng khi bị cảnh sát thẩm vấn, ông Al Mustafa khai là ông đã quay về Syria vào tháng 1, ở đó, ông đã gặp một người đàn ông tên là Badr và người này mời chào ông công việc lái xe van.

    Sau đó, ông Al Mustafa đã lái một xe van đến Liverpool và được trả công 500 bảng Anh (652 đô la Mỹ). Đến tháng 2, ông được trả 5.000 bảng để lái xe từ Bỉ đến Anh, vẫn lời ông khai với cảnh sát, được trình ra trước tòa và được The Standard và Independent dẫn lại.

    Ông nói với cảnh sát rằng ông đã không biết là có người ở trên xe nhưng vì ông được trả 5.000 bảng nên ông nghĩ rằng “có lẽ lần này có người trên xe”.

    Vẫn theo các thông tin được cung cấp tại tòa, thuyền trưởng của phà khai rằng khi tài xế Al Mustafa cuối cùng cũng xuất hiện, ông ấy “dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra” nhưng không cố gắng cùng mọi người giúp đỡ các nạn nhân mà chỉ xem điện thoại.

    Thuyền trưởng nói thêm: “Ông ấy trông ngạc nhiên. Ông ấy ở lại trong khoang để xe, không nói gì cho đến khi cảnh sát đưa lên bờ”.

    Phiên tòa vẫn tiếp tục trong những ngày tới, The Standard và Independent cho hay.

    https://www.voatiengviet.com/a/vu-dua-lau-7-nguoi-viet-vao-anh-tai-xe-goc-syria-ra-toa-khai-bao-duoc-tra-5000-bang-anh/7750374.html

    ‘Việt Nam, Việt Nam’: Người phụ nữ liên tục hét khi được giải cứu

    BBC News

    21/8/2024

    Nguồn hình ảnh, Eddie Mitchell

    Chụp lại hình ảnh, Con phà chở chiếc xe tải đông lạnh có nhóm bảy người nhập cư 

    Một nhóm bảy người được giải cứu ra khỏi một xe tải đông lạnh. Hai người trong đó đã bất tỉnh do thiếu ôxy. Một người phụ nữ, với biểu hiện “hốt hoảng”, liên tục hét “Việt Nam, Việt Nam”, báo The Independent dẫn lời kể của một người có mặt tại hiện trường.

    Đó là những gì đã xảy ra vào ngày 16/2 và được tiết lộ trong phiên tòa xét xử vụ buôn người được mở vào đầu tuần này.

    Mở đầu phiên tòa tại Tòa án Lewes Crown (hạt Đông Sussex, Anh), công tố viên Nick Corsellis KC nói rằng chiếc xe tải có một khoang ẩn có chiều rộng và cao khoảng 2 mét, chiều sâu 37cm, khiến nhóm bảy người phải chen chúc trong một không gian chật hẹp và không thể di dịch quá nhiều.

    Anas Al Mustafa (43 tuổi), tài xế xe tải, bị cáo buộc buôn lậu nhóm bảy người vào Anh bằng một chiếc xe được thiết kế đặc biệt.

    Tại tòa, Mustafa phủ nhận cáo buộc trên.

    Gào thét cầu cứu

    Theo lời khai tại tòa, mọi chuyện bắt đầu khi tiếng đập và gào thét cầu cứu do thiếu ôxy của nhóm người nhập cư phát ra từ một chiếc xe tải lạnh trên một con phà ở biển Manche đang đi từ Diepe (Pháp) đến Newhaven (Anh).

    Sau đó, nhân viên phà đã dùng rìu để phá vỡ vách ngăn bên trong xe và đưa nhóm người nói trên ra ngoài.

    Theo Công tố viên Corsellis, nhóm người nhập cư trên không được cung cấp nước uống.

    “Nhiệt độ thoát ra từ cơ thể của bảy người trong một không gian nhỏ, thiếu không khí và ôxy đã tạo ra một tình huống vô cùng nguy hiểm,” ông nói.

    “Rõ ràng là tình huống quá khẩn cấp đã buộc họ phải cầu cứu trong tuyệt vọng.”

    Theo báo The Independent, nhóm người nhập cư được giải cứu lúc 9 giờ 20 sáng ngày 16/2 (giờ Anh).

    Khi đó, hai người đã bất tỉnh, công tố viên Corsellis cho biết.

    Theo lời khai trước tòa, hành khách trên phà cũng đã giúp đỡ nhóm người nhập cư. Một y tá người Úc tên là Sari Gehle đã giúp cung cấp ôxy và giám sát y tế.

    Theo thông tin từ The Independent, bà Gehle kể rằng bà đã đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của nhân viên phà. Bà kể rằng có một phụ nữ có biểu hiện “hốt hoảng”, ôm chặt lấy cánh tay của bà và liên tục la lên: “Việt Nam, Việt Nam”. Do đó, bà Gehle cho rằng những người nhập cư này đến từ Việt Nam.

    Những người đàn ông khác nằm la liệt trên sàn. Một người đang nôn ọe, một người khác thì bị thương ở vai, bà Gehle nhớ lại.

    Tất cả mọi người đều được phát mặt nạ dưỡng khí.

    Nhóm người nhập cư sau đó đã được đưa tới bệnh viện, theo lời khai tại tòa.

    Ông Corsellis dẫn lời bà Gehle rằng khi đó bà để ý thấy có một người “trông hơi lạ”.

    Theo mô tả của bà Gehle, đó là một người đàn ông châu Á mặc áo khoác phao và “ngồi bệt dưới đất, có vẻ là đang ‘lướt’ điện thoại và trông vô cùng bình tĩnh”.

    Công tố viên Corsellis cho biết người này chính là bị cáo Mustafa.

    Theo lời khai tại tòa, thuyền trưởng phà đã khai với cảnh sát rằng người tài xế “có vẻ không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, nhưng cũng không có động thái hỗ trợ những người đang tham gia cứu nạn, trong khi cứ ngồi dán mắt vào điện thoại.

    “Ông ta có vẻ ngạc nhiên. Ông ta ngồi im trong hầm phà và không nói gì cả. Sau đó cảnh sát đã đưa ông ta đi,” Thuyền trưởng Xavier Fontenit nói thêm.

    Theo lời khai tại tòa, khi bị cảnh sát tra hỏi, ông Mustafa khai rằng mình đã được giới thiệu với một người đàn ông được gọi là Badr khi còn ở Syria vào tháng Một.

    Badr đã nhờ Mustafa lái chiếc xe tải trong vụ việc lần này.

    Ông Mustafa cho biết mình đã từng làm việc này trước đây với mức thù lao 500 bảng Anh (khoảng hơn 16 triệu đồng) để lái một chiếc xe tới thành phố Liverpool (Anh) để thực hiện cuộc kiểm tra thường niên của Bộ Giao thông vận tải Anh (MOT test).

    Nhưng lần này, mức thù lao lên tới 5.000 bảng Anh (hơn 160 triệu đồng) cho việc lái một chiếc xe tải lạnh từ Bỉ tới Anh.

    Mức thù lao đột biến

    Nguồn hình ảnh, Eddie Mitchell

    Chụp lại hình ảnh, Ông Anas Al Mustafa bị cáo buộc buôn lậu nhóm bảy người vào Anh

    Theo thông tin được công bố với bồi thẩm đoàn, Mustafa đã khai với cảnh sát rằng ông ta không biết có người ở bên trong thùng xe, nhưng mức thù lao 5.000 bảng Anh đã khiến ông ta nghĩ “có thể lần này có người bên trong”.

    Khi cảnh sát hỏi tại sao mức thù lao lên tới 5.000 bảng cho việc lái một chiếc xe tải trống, Mustafa đáp:

    “Tôi đã nói sự thật. Tôi nghĩ là có người ở bên trong.”

    “Tại sao lần này ông ta [Badr] trả 5.000 bảng ấy hả? Chắc là cùng với lý do tại sao ông ta giao xe chỉ một giờ trước khi tôi tới. Có lẽ là vì có người ở trong xe.”

    Ông Corsellis đề nghị bồi thẩm đoàn suy xét rằng liệu đây có được tính là một lời thú tội.

    “Chúng tôi cho rằng bị cáo không tiết lộ toàn bộ sự thật về sự liên quan của ông ta trong vụ buôn người,” ông nói thêm.

    Phiên tòa vẫn đang tiếp diễn

    Tình hình nhập cư của người Việt

    Tổ chức Đánh giá Di cư Cưỡng bức (Forced Migration Review - FMR) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) vào khoảng đầu năm 2024 cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng người nhập cư lậu vào châu Âu.

    Theo FMR, những kẻ vận chuyển người trái phép và các băng nhóm tội phạm sử dụng bẫy nợ để kiểm soát người di cư trong suốt hành trình, thường ép họ vào làm việc trong các xưởng bóc lột sức lao động hoặc đi bán thuốc giả.

    Sau khi nhập cư thành công, nhiều người bị bóc lột, lạm dụng.

    “Vương quốc Anh là nơi diễn ra tình trạng bóc lột nặng nề nhất. Họ bị đánh đập và bắt làm nô lệ.

    Họ bị nhốt và không được phép đi đâu cả. Có rất nhiều vụ lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và các bé gái," bài viết ngày 19/7 của Sky News dẫn lời bà Mimi Vu, một chuyên gia phòng chống nạn buôn người.

    Ngoài hoạt động nhập cư bằng xe tải, nổi cộm nhất là vụ việc năm 2019 khi có 39 người chết trong container, người Việt cũng vượt biển trái phép vào Anh.

    Theo thống kê, số người Việt Nam sang Anh bất hợp pháp bằng thuyền nhỏ trong khoảng ba tháng đầu năm nay đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Chính phủ Anh cho biết Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu có thuyền nhân vượt biển Manche.

    “Số lượng người di cư Việt Nam vượt biển vào Anh ngày càng tăng,” người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết vào ngày 14/4, theo Telegraph.

    Số người Việt Nam vượt biển Manche đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, từ 505 năm 2022 lên 1.323 năm 2023.

    Theo thống kê, trong số người vượt biển trái phép vào Anh, người Việt đứng đầu về số lượng trong năm 2024, tính tới giữa tháng Tư. 

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cdjw2l2gydro

    Hà Nội âm thầm triệt hạ hình thái “Phật giáo hầm trú”

    Bình luận của blogger Nam Việt


    20/8/2024



    Hà Nội âm thầm triệt hạ hình thái “Phật giáo hầm trú”


    Sư Thích Minh Tuệ đứng giữa những người dân khi ông đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hôm 17/5/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngSTR / AFP 

    Câu chuyện về vị sư tự do Thích Minh Tuệ, dù vẫn được hâm mộ và tìm kiếm tin tức, nhưng có vẻ mọi thứ về thầy ngày càng ít dần. Không phải là ông đang trốn lánh hay bí mật ẩn tu đâu đó, mà cóp nhặt theo các lời mô tả, công an mật đeo bám theo ông đã buộc ông đi những lộ trình ít người qua lại, và thậm chí ở địa điểm nào người dân bắt gặp và báo cho nhau biết để tìm đến, đều bị sự xua đuổi không có lý do của mật vụ đi kèm, lẫn người của chính quyền địa phương.

    Từ cuối tháng tám cho đến nay, sự mất dần tung tích của sư Thích Minh Tuệ đem lại nhiều lo lắng cho những người yêu mến ông. Mất dần ở đây, là một thủ thuật của Công an CSVN, tức thỉnh thoảng cho các YouTuber ghi được ít hình ảnh ông ở nơi hẻo lánh nào đó, rồi mất biệt, rồi lại thấy xuất hiện trên truyền hình của Nhà nước… như một cách tạo ảo ảnh về ông Thích Minh Tuệ bình an, và tự mình lẩn khuất theo ý nghĩa “ẩn tu” mà truyền thông Nhà nước gieo vào đầu dân chúng?

    Nhiều đồng tu muốn được chung đường hành khất với sư Thích Minh Tuệ đã bị ngăn cản, bị lột y phấn tảo, bị cô lập tại gia, thậm chí có người còn tiết lộ công an đến nhà đe dọa rằng theo quyết định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Nhà nước, là cấm đi khất thực.

    Ngày 14 tháng bảy, sư Thích Minh Nhuận nói trên một video với vẻ buồn rầu rằng, vì sao theo khuynh hướng như sư Minh Tuệ lại luôn bị công an, mật vụ chặn trên đường, bắt thay bỏ y bát buộc đi về nhà. “Con không vi phạm pháp luật, tại sao lại bị cấm cản như vậy?”, sư Minh Nhuận nói.

    Tại sao khẳng định sự vắng mặt trên đường khất thựccủa sư Thích Minh Tuệ và các đồng tu (có lúc đã lên đến 70 người) là điều đáng lo, bởi đó là sự ngăn chặn một phép tu được thực hành từ thời Đức Thích Ca còn tại thế, mà kinh hoàng hơn, kẻ ra lệnh ngăn chặn, phối hợp với công an vô thần, lại nhân danh là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

    Khất thực bắt buộc phải có mặt công khai trên đời sống, tiếp cận người dân. Hình thức của sư Minh Tuệ và các đồng tu là thực hành chính mạng thanh tịnh. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác. Mang theo người chỉ có Y (y phục) và Bát (đồ đựng thức ăn). Trường phái của sư Minh Tuệ và các đồng tu hoàn toàn không thể có chuyện “ẩn tu” như truyền thông nhà nước rêu rao.

    Các sư phải bắt buộc tiếp cận người đời, với nhiều mục đích, để  thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi hướng đến với mọi người, tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh… Thử hỏi với những nghĩa quan trọng như vậy, việc các sư khất thực phải tự cô lập mình, ẩn tu, chỉ là phải thuận theo sự bắt buộc, thậm chí là bạo lực của chính quyền CSVN.

    Trong một đoạn ghi âm hiếm chưa bị TikTok xóa đi, đang được lưu truyền trên mạng vào ngày 14 tháng tám, người ta nghe được sư Minh Tuệ khuyên sư Minh Tạng là đừng nản chí. Lời sư Minh Tuệ trong ghi âm “Ai ngăn cản thì nghiệp của họ rất nặng”. Từ đầu tháng tám năm 2024, gần như không ai còn nhìn thấy hình ảnh của sư Minh Tuệ xuất hiện.

    Trong một trao đổi riêng với người nhà sư Thích Tự Do ở Hải Phòng, tình trạng của sư có lẽ khó khăn hơn hết, khi công an bắt ở nhà, đi đâu phải thông báo, không được mặc y phấn tảo và còn lắp camera để theo dõi ông.

    Vì sao nói Hà Nội đang lo sợ và đàn áp hình thái “Phật giáo hầm trú” đang xuất hiện khắp nơi? Hầm trú, là cách nói lên tưởng đến sự việc Công giáo ở Trung Quốc. Giáo hội hầm trú (hay còn gọi là Địa Hạ Giáo hội) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ bộ phận người Công giáo ở Trung Quốc quyết định không liên hệ hay gia nhập vào Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc để làm tay sai cho chính quyền. Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đều lập ra các tổ chức tôn giáo để kiểm soát mọi hoạt động tín ngưỡng trong nước. Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc là tổ chức Công giáo duy nhất được nhà nước Trung Quốc phê chuẩn, bắt buộc mọi tín đồ, nhà thờ, linh mục phải gia nhập hoặc đối diện với đàn áp.

    Từ khi sư Thích Minh Tuệ xuất hiện, xã hội Việt Nam bất ngờ trước một đường lối tu tập đơn sơ và gần gũi, hoàn toàn khác với các trò đánh bóng tô sơn của Giáo hội Phật giáo nhà nước nay đã lộ nguyên hình là một tổ chức tay sai. Nhưng bất ngờ hơn, người dân lại nhìn thấy có hàng hàng lớp lớp những sư thầy và tín đồ khao khát được đẫn dường trên con đường tu tập tự do mà không phải bị sự quản lý hay thao túng từ các luận điệu giả Phật.

    Vấn đề của sư Minh Tuệ cũng như các đồng tu không phải là ý thức phản kháng chính trị, mà họ chỉ đơn thuần muốn được sống tự thân với chánh pháp, tự mình đốt đuốc, nương tựa nhau đi trên con đường đã định cho mình, và không màng danh lợi, không nguyện quy phục ai ngoài chánh lý.

    Sự đón chờ bất ngờ của quần chúng và các sư đồng tu với sư Minh Tuệ, đã khiến chính quyền CSVN hụt hẫng và lo sợ: Mọi luật lệ mà Hà Nội dựng nên qua trung gian Giáo hội Phật giáo tay sai suốt trong nhiều thập niên, đã sụp đổ chỉ trong vài ngày.

    Cuộc đàn áp im lặng đang diễn ra với sư Thích Minh Tuệ và tất cả các đồng tu. Họ bị cấm tụ họp với nhau, cấm trình bày khuynh hướng muốn hành khất tự do, và thêm nữa là nếu không thể chặn được các sư tiếp tục tu hành, thì sẽ bị ép đi vào những nơi không ai thấy. Đã xuất hiện các trường hợp vì quá mệt mỏi với đàn áp, đã bỏ sang hành khất ở Lào và Campuchia. Ngày mà các sư này biến mất hẳn, không có lời giải thích nào, cũng có thể còn không xa.

    Cũng có người bình luận rằng có thể CSVN không dám công khai hại các sư. Nhưng nếu không dùng được luật qua Giáo hội tay sai, thì đến lúc thật sự phải ra tay, họ sẽ mượn những hiểm nguy chết người trên đường đời để hành động thay, như rắn cắn, trượt té, xe đụng, thậm chí là thức ăn làm ngộ độc… để ngăn chặn những mầm mống Phật giáo Hầm trú đang dần lộ diên. Có cả một bộ sách giáo khoa dạy tận diệt Công giáo Hầm trú từ ông thầy Trung Quốc, việc áp dụng với công an CSVN là điều không khó, đối với một niềm tin mới đang lớn lên, ngoài vòng kiểm soát của nhà cầm quyền.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/underground-buddhist-groups-in-vn-08202024111737.html

    Dự án 88: Đàn áp xã hội dân sự làm suy yếu quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

    RFA
    21/8/2024


    Dự án 88: Đàn áp xã hội dân sự làm suy yếu quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

    Ba nhà hoạt động khí hậu đang bị cầm tù (từ trái sang): Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, và Ngô Thị Tố Nhiên 

    RFA edited 

    Tổ chức phi chính phủ Dự án 88 (Project 88) gần đây công bố báo cáo nói rằng Việt Nam đang thất bại trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), một phần là do việc đàn áp các tổ chức xã hội dân sự.

    Trong báo cáo mang tên “APOCALYPSE SOON?” (tạm dịch: Ngày tận thế sắp đến?) dài 56 trang bằng tiếng Anh công bố ngày 15/8, tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền ở Việt Nam cho rằng JETP- một tuyên bố chính trị được thiết lập bởi Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) nhằm giúp Việt Nam phát triển năng lượng sạch đang bị thất bại.

    JETP được thông qua và công bố ngày 14/12/2022, theo đó, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.

    Cụ thể, chín quốc gia giàu có đã cam kết huy động 15,5 tỷ đô la cho Việt Nam thực hiện các dự án năng lượng sạch. Đổi lại, Việt Nam hứa sẽ loại bỏ than và tham khảo ý kiến ​​của các tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông khi đưa ra quyết định để đảm bảo quá trình chuyển đổi được thực hiện theo cách công bằng.

    Trong báo cáo của mình, Dự án 88 kết luận rằng, cho đến nay, tất cả các bên đều không thực hiện đúng các cam kết của mình trong thỏa thuận.

    Các nhà tài trợ không giữ cam kết

    Theo tuyên bố, các đối tác JETP sẽ huy động số tiền ban đầu lên tới ít nhất là 15,5 tỷ đô la cho Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới. Trong đó, một nửa do IPG (bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đức, Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch…) cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại, nửa còn lại do Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) sẽ huy động và thúc đẩy từ nguồn tài chính tư nhân.

    Tuy nhiên, trong báo cáo, Dự án 88 cho biết các nước giàu tài trợ cho JETP của Việt Nam chỉ cung cấp 2% trong tổng số tiền đã hứa hẹn ở trên dưới dạng tài trợ không hoàn lại, số còn lại là cho vay theo lãi suất thị trường, mà Việt Nam không muốn chấp nhận vì lãi suất cao.

    Không chỉ với Việt Nam, tình trạng trên cũng xảy ra với các quốc gia khác như Indonesia và Nam Phi.

    Ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88 được dẫn lời trong báo cáo khẳng định:

    JETP của Việt Nam cho thấy những vấn đề nghiêm trọng với mô hình mà các nước giàu đang quảng bá như một giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.”  

    Ông Nguyễn Phạm Mười, một nhà quan sát thời cuộc ở Hà Nội chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

    Việc các nước đề nghị cho Việt Nam vay để chuyển đổi sang năng lượng sạch là điều tốt, nhưng mấy năm gần đây do đồng đô la Mỹ lên giá mạnh kèm theo lãi suất đô la Mỹ cao, nên Việt Nam sẽ rất lo ngại vay nợ nước ngoài, và khi làm ra điện cũng có giá thành cao, thì nền kinh tế không thể chịu nổi giá điện xanh cao. 

    Đây là khó khăn trong thực tế, làm cho việc phải cân nhắc đi vay để chuyển đổi các nguồn cung năng lượng trở nên hầu như không thể có lãi.”

    Trong phần khuyến cáo của báo cáo, Dự án 88 cho rằng các quốc gia giàu có hứa hẹn tài trợ cho Việt Nam thực hiện các dự án năng lượng xanh cần cung cấp các khoản tài trợ không hoàn lại và không đưa Việt Nam trở thành con nợ của mình.

    Ưu tiên an ninh năng lượng, Việt Nam tăng cường sản xuất điện than

    Theo kế hoạch, JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam để đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030, giảm tới 30% phát thải carbon dioxide (CO2) hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn, giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW.

    JETP cũng được trông đợi giúp Việt Nam đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại. Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.

    Tuy nhiên, Dự án 88 nói Việt Nam ưu tiên an ninh năng lượng bằng cách tiếp tục tăng cường sử dụng than hơn là chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh và sạch.

    Năm 2010, Việt Nam chỉ sản xuất được 18% điện từ than. Kể từ đó, than đã trở thành nguồn điện lớn nhất, cung cấp gần 40% nhu cầu của cả nước. Trong khi cắt giảm công suất dự kiến ​​của các nhà máy điện than trong tương lai, Chính phủ Việt Nam lại tăng sản lượng thực tế của các nhà máy hiện có.

    Ngoài ra, mặc dù việc xây dựng các nhà máy điện than mới đã chậm lại, Việt Nam hiện có 75 nhà máy và có kế hoạch xây dựng ít nhất tám nhà máy nữa.

    Vào tháng 6/2023, sau khi miền Bắc thiếu điện do nhiệt độ cao và sản lượng điện từ các nhà máy thuỷ điện suy giảm vì thiếu nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu các cơ quan chính phủ tăng sản lượng than và khí đốt.

    Để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện than, Việt Nam tăng cường khai thác và nhập khẩu than. Trong năm tháng đầu năm 2024, lượng than nhập khẩu tăng 71% so với cùng kỳ năm trước trong khi sản lượng khai thác than trong hai tháng đầu năm nay tăng 3,3%.

    Dự án 88 cũng nhấn mạnh kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Việt Nam bao gồm việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), sinh khối và amoniac, tất cả đều thải ra khí carbonic.

    Ông Nguyễn Phạm Mười cho rằng Việt Nam cần tăng sản lượng điện để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp và dân sinh. Vì không có nhiều vốn để phát triển năng lượng xanh nên Việt Nam vẫn phải chạy các nhà máy điện than.

    Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:

    Nhiều năm nay Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động bị thua lỗ liên tục, nên yêu cầu EVN hạn chế chạy nhà máy điện than là không thể, vì điện than giá rẻ mà còn thua lỗ, thì điện khí giá cao càng không có lãi. 

    Đây là vấn đề hiệu quả kinh tế. Tất nhiên là hiệu quả bảo vệ môi trường cũng quan trọng cho tương lai, nhưng với EVN thì hiện tại vẫn quan trọng hơn. Ban lãnh đạo EVN chỉ có nhiệm kỳ làm việc vài năm tới, họ không ngồi đó mà nghĩ cho 20 năm sau, nên thúc giục họ phải cắt giảm than là không thực tế.”

    Đàn áp xã hội dân sự làm suy yếu quá trình chuyển đổi năng lượng

    Theo Dự án 88, tự do lập hội và tự do ngôn luận đặc biệt quan trọng đối với chính sách khí hậu. Theo tuyên bố của Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc, các chính phủ phải “thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng mọi người có thể tham gia hiệu quả vào việc định hình các chính sách khí hậu ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.”

    Tuy nhiên, Việt Nam thường xuyên vi phạm các quyền này, đặc biệt là đối với các nhà hoạt động vì khí hậu, tổ chức nhân quyền nói với dẫn chứng là kể từ năm 2021, đã có sáu nhà lãnh đạo chủ chốt chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam bị cầm tù.

    Các nhà hoạt dộng Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng bị kết tội “trốn thuế” trong khi Ngô Thị Tố Nhiên, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu chính sách năng lượng, đã bị kết tội “chiếm đoạt tài liệu” của EVN.

    Trước khi bị bắt, họ vận động thành công Chính phủ cam kết phi carbon hóa nền kinh tế, đỉnh điểm là tuyên bố về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 vào tháng 11 năm 2021.

    Hà Nội đã bỏ tù sáu nhà lãnh đạo của phong trào khí hậu và thực sự đã hình sự hóa hoạt động chính sách năng lượng, tạo ra bầu không khí sợ hãi xung quanh hoạt động chính sách khiến các thành viên của xã hội dân sự Việt Nam không muốn tham gia vào hoạt động chính sách,” Dự án 88 nói trong báo cáo.

    Tổ chức này cũng nhắc lại việc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị 24 vào tháng 7/2023 với mục tiêu bảo đảm không có ảnh hưởng từ nước ngoài trong quá trình hoạch định chính sách và dập tắt các nỗ lực của các nhà hoạt động nhằm định hình chính sách nhà nước và thúc đẩy cải cách pháp luật.

    Do vậy, hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài, bao gồm cả tài trợ khí hậu, đã bị giữ lại trong những năm gần đây. Tính đến tháng 5 năm 2024, không có khoản tiền nào của JETP được giải ngân, Dự án 88 nói trong báo cáo.

    Bà Thục Quyên, một nhà hoạt động về nhân quyền và môi trường người Đức gốc Việt, nói với RFA về tình trạng viện trợ nước ngoài bị đóng băng:

    “Tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã bị chỉ trích mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài lại thất vọng về những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài đã gây ra bế tắc cũng như tạo cơ hội tham nhũng trong khi luật pháp không nghiêm minh gây bất ổn trong xã hội, khiến cho hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài, bao gồm cả tài trợ khí hậu, đã bị giữ lại trong những năm gần đây."

    Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của Dự án 88 nhưng không nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời email của RFA.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/project88-says-suppressing-civil-society-weakens-energy-transition-in-vietnam-08212024040844.html



    Không có nhận xét nào