Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói rõ về khả năng Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Bắc Kinh
14/8/2024
VOA Tiếng Việt
Ông Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương ở Hà Nội ngày 3/8/2024.
Hôm 13/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này chưa thể cung cấp bất kỳ thông tin nào về tin cho rằng tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm có thể sẽ đến thăm Bắc Kinh.
Khi được phóng viên Reuters đề nghị đưa ra bình luận về khả năng diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lâm Kiếm, nói: “Hiện tại tôi không có thông tin nào để chia sẻ”.
“Trung Quốc và Việt Nam là một cộng đồng chia sẻ tương lai, mang ý nghĩa chiến lược”, ông Lâm Kiếm nói. “Tổng Bí thư Tập Cận Bình vừa gửi điện chúc mừng ông Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”, theo cổng thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/8.
Ngoài ra, ông Lâm Kiếm còn cho biết Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác” với Việt Nam, dưới sự chỉ đạo chung chiến lược giữa lãnh đạo cao nhất của hai đảng và hai nước, nhằm phấn đấu đạt được tiến bộ vững chắc hơn trong việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam chia sẻ tương lai.
Như VOA đã đưa tin, hãng tin Reuters hôm 12/8 dẫn lời ba quan chức am tường cho biết Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào ngày 18/8 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm tổng bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền vào đầu tháng 8.
Bộ ngoại giao Việt Nam không trả lời ngay khi VOA đề nghị họ bình luận về khả năng ông Tô Lâm đến thăm Trung Quốc.
“Việc ông Lâm chọn thăm Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là lãnh đạo đảng không có gì đáng ngạc nhiên”, ký giả Sebastian Strangio nhận định trên tạp chí The Diplomat hôm 13/8. “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam vào năm 2008 và theo thông lệ, Trung Quốc là điểm đến nước ngoài đầu tiên của các tân tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Ông Tô Lâm được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư vào ngày 3/8, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hai tuần trước đó.
Sau khi ông Tô Lâm đảm nhận chức vụ quyền lực nhất ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đều chúc mừng ông.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-trung-quoc-khong-noi-ro-ve-kha-nang-tong-bi-thu-to-lam-tham-bac-kinh/7741574.html
Dân chủ Việt Nam chết nghẹt trong bàn tay của Tô Tổng
Vũ Nam Nhân /Saigon Nhỏ
13/8/2024
Công an diễn tập đàn áp đám đông. (Hình: CAND)
Nhanh chóng nắm quyền bằng bạo lực, Tô Lâm lên ngôi trên sự hãi hùng của toàn bộ quan chức Bộ Chính Trị.
Bằng việc sử dụng chính công cuộc đốt lò để triệt hạ hết các đối thủ của mình, theo đánh giá của giới quan sát chính trị, quyền lực của ông Tô Lâm hiện nay là “tuyệt đối,” cộng với tuổi đời còn “khá trẻ,” ông có thể ngồi thêm trọn hai nhiệm kỳ.
Ông Tô Lâm có xuất thân từ ngành công an, trước khi ngồi ghế chủ tịch nước, rồi trở thành tổng bí thư đã nổi tiếng với các chiến dịch đàn áp mạnh mẽ. Trong suốt sự nghiệp, ông chỉ đạo nhiều chiến dịch bắt bớ và đàn áp các nhà báo, nhà hoạt động xã hội, và các nhà bất đồng chính kiến.
Sự kiện ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư khiến nhiều người lo ngại rằng giấc mơ dân chủ của Việt Nam đang ngày càng trở nên xa vời hơn. Việc một tướng công an trở thành tổng bí thư của đảng cũng cho thấy sự thăng tiến của ông không chỉ là một thay đổi lãnh đạo, mà còn là tín hiệu rõ ràng về việc chính quyền tiếp tục duy trì và củng cố quyền lực nhà nước thông qua kiểm soát và đàn áp.
Từ hiện tượng Venezuela: Một so sánh thực tế cho Việt Nam
Sự kiện tân tổng bí thư lên nắm quyền diễn ra đồng thời với các cuộc biểu tình dân chủ tại Venezuela, nơi người dân vẫn đấu tranh mạnh mẽ chống lại chế độ Maduro. Mặc dù tới lúc này, cuộc bầu cử dường như vẫn chưa ngã ngũ, nhưng sự kiện này lại một lần nữa khiến người dân trong nước náo nức, như đã nhiều lần háo hức nhìn sang Hong Kong, Thái Lan, Myanmar. Thậm chí có người đã mơ ước rằng sau Venezuela sẽ tới… Việt Nam, vì cùng có chữ cái bắt đầu bằng chữ V.
Thế nhưng, chỉ với một so sánh thực tế khi nhìn vào cuộc đấu tranh dân chủ của Venezuela từ những năm 2014-2015, phe đối lập đã hơn một lần tuyên bố nắm quyền cùng hàng triệu người xuống đường, với sự ủng hộ của các nước phương Tây, các quốc gia láng giềng châu Mỹ. Chế độ độc tài của Maduro vẫn tồn tại cho tới cuộc bầu cử hiện nay bất chấp tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế, lạm phát, biểu tình và phản đối của người dân.
Nhìn gần hơn với các quốc gia láng giềng Việt Nam: Tại Thái Lan, các phong trào biểu tình đòi hỏi dân chủ từng liên tục kéo dài; hay tại Myanmar, từng có hàng triệu người xuống đường để đòi hỏi dân chủ. Thực tế, phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ đến gần được tới mức thấp nhất của những ví dụ như vậy trên thế giới, thì nói gì tới tạo ra sự chuyển biến và áp lực lên nhà cầm quyền.
Khó khăn muôn bề
Phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam những năm qua được đánh giá là đang đi xuống và mất lực. Cùng với sự gia tăng đàn áp là sự đi xuống của phong trào, không có những gương mặt hay ý tưởng mới xuất hiện, không có hoạt động hay vận động xã hội đang chú ý, các gương mặt kỳ cựu và dũng cảm lần lượt bị tù hoặc buộc phải trốn ra nước ngoài.
Sau đại dịch COVID-19 cùng khủng hoảng kinh tế, việc nền kinh tế khó khăn khiến không chỉ người đấu tranh gặp nhiều trở ngại mà còn làm mất đi nguồn lực và sự ủng hộ của những người hỗ trợ cho phong trào. Đúng như ngạn ngữ Việt Nam có câu “phú quý sinh lễ nghĩa,” khi bản thân cuộc sống đang gặp khó khăn, việc tự cứu bản thân mình đã là khó, nói gì tới giấc mơ hay lý tưởng xa xôi cho quốc gia, dân tộc.
Cùng với sự gia tăng đàn áp của ông Tô Lâm khi nắm quyền tại bộ công an, trước khi trở thành tổng bí thư, công an Việt Nam đã có rất nhiều chiến dịch đàn áp và gửi thông điệp rõ ràng tới những nhà hoạt động tại Việt Nam, nhiều người bị bắt cóc, đánh đập, sách nhiễu với thông điệp rất rõ ràng: Công an CSVN không nương tay và sẵn sàng “đàn áp tới chết” với những người hoạt động. Đối mặt với sự gia tăng này, giới hoạt động trước kia tại Việt Nam nếu không chọn giải pháp đi tị nạn, đều phải đối mặt với nhà tù. Đó là thông điệp rõ ràng của Tô Lâm.
Tương lai mờ mịt
Phong trào dân chủ tại Việt Nam từng trải qua nhiều lần bùng lên nhưng chưa tạo ra được chuyển biến đáng kể. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô những năm 90, sự bùng nổ internet và thông tin cùng phong trào tại Hong Kong và Myanmar những năm 2014-2016, phong trào dân chủ tại vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, cũng chưa tích lũy đủ năng lượng để tạo ra sự chuyển biến lớn nào khả dĩ đặt nền móng cho một chuyển biến rõ ràng và thay đổi trong tương lai.
Trái lại với phong trào dân chủ, sau mỗi lần thế giới biến động, giới lãnh đạo và cầm quyền tại Việt Nam lại học hỏi và gia tăng những năng lực kiểm soát người dân, khiến cho những chuyển biến tiếp theo lại khó khăn hơn trước rất nhiều. Cùng với sự gia tăng về công nghệ kiểm soát, thông tin, truyền thông… người dân trong nước hôm nay càng ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Một tương lai bị “bóp nghẹt” từ hành động tới tận tư tưởng là hoàn toàn có thể xảy ra như trong tiểu thuyết. Là một người quá nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát, đàn áp, ông Tô Lâm hiểu rõ và biết rõ phải làm sao để kiếm soát và gia tăng kiểm soát, thể hiện rất rõ qua việc tích cực thu thập dữ liệu điện tử của người dân, gia tăng kiểm soát về mặt công nghệ đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các giao dịch điện tử. Người dân giờ đây nếu không bị đẩy vào nhà tù thực tế, thì cũng đang nằm gọn trong nhà tù điện tử của CSVN.
Những năm tháng sôi động đã qua nhưng cuộc đấu tranh dân chủ của Việt Nam vẫn chưa đạt đủ mức tích cực cần thiết, và nay với sự lãnh đạo của Tô Lâm, một người nổi tiếng tàn bạo, giấc mơ dân chủ của Việt Nam càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/dan-chu-viet-nam-chet-nghet-trong-ban-tay-cua-to-tong/
Việt Nam tăng nhập khẩu than tới 30% trong tháng 7, đạt mức cao nhất trong 13 tháng
14/8/2024
VOA Tiếng Việt
Một công ty khai thác than ở Quảng Ninh, Việt Nam (16/9/2011, REUTERS/Kham/ENERGY SOCIETY)
Dẫn số liệu mới nhất do Hải quan Việt Nam công bố, hai trang Mysteel Global và sxcoal.com cho biết hôm 13/8 rằng lượng than đá mà Việt Nam nhập khẩu trong tháng 7 lên đến 7,05 triệu tấn, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10,8% so với tháng trước.
Thống kê cho thấy số lượng nêu trên đạt mức cao nhất trong giai đoạn 13 tháng tính đến hết tháng 7 năm nay, nhưng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục là 7,26 triệu tấn của tháng 6/2023, vẫn theo các bài đăng của Mysteel Global và sxcoal.com.
Trang Mysteel Global nói rằng họ nhận thấy sự gia tăng này phù hợp với cam kết của chính quyền Hà Nội về việc tránh để xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm nay, với giải pháp là tăng cường nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu cao trong nội địa, đặc biệt là nhu cầu của ngành sản xuất điện, trong mùa hè.
Dựa vào dữ liệu của hải quan Việt Nam, Mysteel Global và sxcoal.com cho hay kim ngạch nhập khẩu than của Việt Nam đạt giá trị tổng cộng là 838 triệu đô la trong tháng 7, tăng 14,7% so với tháng 6.
Mysteel Global tính toán ra rằng phần lớn than mà Việt Nam nhập khẩu là từ Australia và Indonesia, chiếm khoảng 67% tổng khối lượng.
Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu 2,63 triệu tấn than từ Australia trong tháng 7, cao hơn gấp đôi con số của tháng 6, trong khi nhập khẩu từ Indonesia giảm 29% so với tháng trước xuống còn 2,08 triệu tấn, theo số liệu. Nhập khẩu than từ Trung Quốc đã giảm sâu tới 59,3% so với tháng 6, xuống chỉ còn 10.844 tấn.
Trong khi đó, Việt Nam tăng nhập khẩu than từ Nga tới 47,7% so với tháng 6, đạt 694.253 tấn trong tháng 7, trong khi nhập khẩu than từ Lào giảm 49,1% so với tháng 6, đạt 99.370 tấn trong tháng 7.
Vẫn các bài đăng của Mysteel Global và sxcoal.com dẫn số liệu cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, tổng lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 40,48 triệu tấn.
Ở chiều ngược lại, theo trang web của Ban Kinh tế Trung ương thuộc Đảng Cộng sản, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam - nước có nhiều mỏ than - đã xuất khẩu hơn 211,5 nghìn tấn than và thu về hơn 59 triệu đô la.
Trang này dẫn thông tin từ Bộ Công Thương nói rằng Việt Nam là 1 trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Tổng cục Thống kê của đất nước cho hay trữ lượng than đá tại Việt Nam là khoảng 50 tỉ tấn. Phần lớn than khai thác trong nước đều phục vụ cho việc sản xuất điện, xi măng, luyện kim, hóa chất…
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tang-nhap-khau-than-30-phan-tram-trong-thang-7-cao-nhat-13-thang/7741960.html
Khó bắt giam Nguyễn Xuân Phúc, nhưng bắt bà Thu thì được
13/8/2024
Chánh Thành
(VNTB) – Nếu làm đúng quy trình thì Tô Lâm khó có thể bắt giam ông Phúc nhưng Tô Lâm hoàn toàn có thể đưa “nguyên đệ nhất phu nhân” vào tù
Mạng xã hội những ngày qua lan truyền thông tin Tô Lâm đang muốn bắt giam Nguyễn Xuân Phúc với cáo buộc nhận 100 triệu tiền đô la tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan trong đại án Vạn Thịnh Phát. Các đồn đoán cho rằng Tô Lâm muốn làm được những thứ mà Nguyễn Phú Trọng chưa làm được để vượt qua cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm để lại. Tuy nhiên, không dễ bắt ông Phúc đúng quy trình.
Luật ngầm: không bắt giam uỷ viên bộ chính trị
Trong hệ thống chính trị cộng sản thì ủy viên bộ chính trị là những đảng viên cao cấp nhất. Từ khi thực hiện Đổi mới 1986 tới nay rất hiếm khi có trường hợp ủy viên bộ chính trị bị bắt giam. Một số trường hợp vi phạm nặng nề nhưng chỉ bị kỷ luật khiển trách như cựu bí thư TPHCM Lê Thanh Hải, trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình…
Có người bị kỷ luật xong vẫn được lên chức. Như ông Trương Tấn Sang (ủy viên bộ chính trị từ năm 1996-2016) bị kỷ luật năm 2003 do liên quan vụ án Năm Cam. Nhưng sau đó vẫn lên làm trưởng ban kinh tế trung ương, rồi thường trực ban bí thư, và tới năm 2011 thì lên làm chủ tịch nước.
Hi hữu lắm thì có một trường hợp bị bắt giam là cựu bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, do ông Nguyễn Phú Trọng muốn triệt hạ các thân tín của Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng quy trình đưa ông Thăng ra tòa cũng không đơn giản, đầu tiên phải huỷ tư cách uỷ viên bộ chính trị, sau đó mới khởi tố, bắt giam. Vì từ tháng 1/2016, Đinh La Thăng được bầu vào uỷ viên bộ chính trị khoá 12. Cho nên mãi tới tháng 5/2017 phe Nguyễn Phú Trọng mới tiến hành kỷ luật và cho thôi chức uỷ viên bộ chính trị của Đinh La Thăng (nhưng vẫn được làm phó ban kinh tế trung ương). Rồi tới tháng 12/2017 thì mới khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian giữ chức chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
Cũng chính vì nguyên tắc không bắt giam uỷ viên bộ chính trị này mà dù rất muốn, nhưng mãi tới chết ông Trọng cũng không thể khởi tố Lê Thanh Hải. Lê Thanh Hải là bí thư TP.HCM trong 2 nhiệm kỳ từ 2006-2016, đó cũng là 2 nhiệm kỳ ông Hải là ủy viên bộ chính trị.
Tháng 1/2020, Trần Cẩm Tú, thân tín của ông Trọng đã ra kết luận Lê Thanh Hải có liên quan tới vụ quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm. Tháng 3/2020 thì ông Hải bị cách chức “nguyên bí thư” TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015. Và phải tới tháng 5 năm nay thì mới bị cách chức “nguyên uỷ viên bộ chính trị”. Và sau khi mất chức “nguyên uỷ viên” này thì ông Hải mới có nguy cơ bị bắt giam.
Không bắt chồng thì bắt vợ
Tới đây thì cần nhắc lại ý nghĩa chữ “nguyên” của hệ thống chính trị Việt Nam. Thay vì dùng từ “cựu bí thư”, họ dùng từ “nguyên bí thư”, tức là không còn ngồi ghế đó nữa nhưng vẫn còn “nguyên” các đặc quyền, đặc lợi, vẫn còn là “vùng cấm”, chưa thể đụng tới được.
Như vậy, làm theo đúng quy trình này, muốn bắt Nguyễn Xuân Phúc thì Tô Lâm phải kỷ luật ông Phúc. Sau đó cho huỷ tư cách “nguyên thủ tướng”, “nguyên chủ tịch nước”, “nguyên uỷ viên bộ chính trị”, rồi mới có thể tiến hành khởi tố những vụ án mà ông Phúc có liên quan.
Xóa các tư cách này của ông Phúc thì rất khó vì chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, Tô Lâm vẫn có thể làm được cái mà ông Trọng chưa từng dám làm, đó là bắt giam vợ của “nguyên thủ tướng”, “nguyên chủ tịch nước”.
Bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc, bị dư luận nghi là trùm cuối trong đại án Việt Á. Trên trang Wikipedia có thông tin cho rằng bà này đã bị bộ công an triệu tập nhiều lần vì nhận số tiền 1.400 tỷ của Việt Á. Ngoài ra bà Thu cũng dính tới nhiều nghi án nhận hối lộ trong vụ “Chuyến bay giải cứu”, vụ Vạn Thịnh Phát…
Những bê bối của bà Thu là nguyên nhân chính khiến ông Phúc phải từ chức khi mới chỉ làm chủ tịch nước chưa đầy hai năm. Chỉ cần điều tra, làm rõ một trong các đại án trên thì Tô Lâm hoàn toàn có thể đưa “nguyên đệ nhất phu nhân” vào tù. Đây là điều nằm trong khả năng của Tô Lâm và cũng không phải làm trái quy trình, không cần phá vỡ các nguyên tắc ngầm của bộ chính trị.
Và đặc biệt là để người dân thấy ba chuyện. Một là Tô Lâm có thể làm được chuyện mà Nguyễn Phú Trọng chưa làm được. Hai là chỉ có người nhà của chủ tịch nước tham nhũng, chứ chủ tịch nước thì vẫn trong sạch, vẫn giữ được phần nào thể diện cho bộ chính trị. Ba là sẽ tạo ra tiền lệ mới cho đảng, cho bắt vợ, chồng con cái, người nhà của các “nguyên ủy viên trung ương.”
https://vietnamthoibao.org/vntb-kho-bat-giam-nguyen-xuan-phuc-nhung-bat-ba-thu-thi-duoc/
Báo Mỹ viết về kênh Phù Nam và mối quan hệ ‘keo sơn’ Trung Quốc – Campuchia
Băng Thanh
14/8/2024
Quốc kỳ Campuchia được treo trong lễ khởi công kênh đào Phù Nam do Trung Quốc tài trợ (ảnh: ASSOCIATED PRESS).
Cuối cùng Campuchia đã khởi công dự án kênh đào Phù Nam gây tranh cái suốt thời gian qua. Quyết định này của chính phủ Camphuchia không chỉ khiến các quốc gia láng giềng, đặc việt là Việt Nam, quan tâm và lo ngại, nó cũng thu hút sự chú ý từ truyền thông quốc tế.
Dưới đây là một bài viết của Vision Times, một tờ báo có trụ sở tại Hoa Kỳ, về những lo ngại đối với kênh đào Phù Nam và mối quan hệ đã trở thành “keo sơn” giữa chính phủ Campuchia và chính quyền của ĐCSTQ.
Vào ngày 5/8, Campuchia đã khởi công xây dựng một kênh đào Phù Nam gây nhiều tranh cãi do Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) tài trợ nhằm mục đích nối thủ đô Phnom Penh với biển.
Bất chấp những lo ngại về môi trường và căng thẳng ngoại giao tiềm tàng với nước láng giềng Việt Nam, chính phủ Campuchia đã cam kết xây dựng kênh đào Phù Nam “bất kể chi phí”.
Kênh đào Phù Nam trị giá 1,7 tỷ đô la, dài 180km được thiết kế để kết nối Phnom Penh với tỉnh Kep trên bờ biển phía nam Campuchia, mở đường vào Vịnh Thái Lan.
Kênh đào rộng 100m và sâu 5,4m này dự kiến sẽ giảm chi phí vận chuyển đến cảng biển nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville và giảm sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam.
Vision Times dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore cho biết: Dự án kênh đào Funan nhấn mạnh ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc đối với nền chính trị và kinh tế Campuchia. Tác động tiềm tàng đến môi trường của Sông Mê Kông, nơi nuôi sống hàng triệu người ở 6 quốc gia thông qua nguồn tài nguyên cá và nông nghiệp.
Vision Times cho rằng, dự án Phù Nam cũng được coi là một động thái chiến lược của đảng cầm quyền tại Campuchia nhằm tăng cường sự ủng hộ cho thủ tướng Hun Manet, con trai cựu thủ tướng Hun Sen, người đã tại vị suốt 38 năm.
Chính phủ Campuchia cho biết, ngày động thổ kênh đào Phù Nam trùng với ngày sinh nhật của Hun Sen. Theo Vision Times, lựa chọn ngày khởi công này của chính phủ Camphuchia nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của người dân đối với dự án Phù Nam.
Hàng ngàn người Campuchia mặc áo phông có hình ảnh Hun Sen và Hun Manet đã tụ tập tại địa điểm khởi công kênh đào Phù Nam, nơi treo rất nhiều các tấm biển và áp phích ca ngợi lợi ích của kênh đào này.
Các nhà quan sát cho rằng, chính quyền Trung Quốc mới là thực thể quyết định xây dựng và sở hữu dự án Phù Nam trong bối cảnh Campuchia nhiều năm qua gần như đã nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, ông Hun Manet tuyên bố rằng, Campuchia sở hữu 51% cổ phần của Phù Nam, và thực sự là chủ sở hữu của kênh này.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol đã xác nhận rằng, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, một công ty quốc doanh ở Trung Quốc, đã giành được hợp đồng xây dựng kênh Phù Nam. Điều này khiến các nhà quan sát không có nhiều niềm tin vào tuyên bố của ông Manet.
Stimson Center có trụ sở tại Hoa Kỳ đã cảnh báo về “những tác động xuyên biên giới đáng kể đến nguồn nước và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”, một vùng trồng lúa quan trọng của đất nước hình chữ S.
Báo cáo của Stimson Center có đoạn: “Cách chính phủ Campuchia truyền đạt ý định xây dựng kênh đào [Phù Nam] đang tạo ra căng thẳng ngoại giao với nước láng giềng Việt Nam”, đồng thời nói thêm rằng “Căng thẳng khu vực và tác động môi trường của dự án sẽ giảm bớt nếu Campuchia tuân thủ theo đúng Hiệp định Mekong năm 1995”.
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Phnompenh và Bắc Kinh được thể hiện rõ qua nhiều dự án do Trung Quốc đầu tư được xây dựng rải rác trên khắp Campuchia, bao gồm các khách sạn, sòng bạc, sân bay và đường sá. Gần 40% trong số hơn 11 tỷ đô la nợ nước ngoài của Campuchia là nợ Trung Quốc, điều này làm nổi bật ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh đối với đất nước này.
Vào tháng 6/2022, Campuchia và Trung Quốc đã khởi xướng một dự án mở rộng cảng hải quân tại Căn cứ Hải quân Ream, làm dấy lên mối lo ngại từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác về một tiền đồn quân sự tiềm tàng của Trung Quốc trên Vịnh Thái Lan.
Mặc dù có báo cáo cho rằng Hun Sen đã cấp cho Trung Quốc quyền xây dựng một căn cứ quân sự tại Ream vào năm 2019, người giữ vai trò thủ tướng gần 40 năm vẫn liên tục phủ nhận các báo cáo này.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu lên mối quan ngại với chính phủ Campuchia về sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc Campuchia – đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tham gia xây dựng một căn cứ không được tiết lộ tại Campuchia vào năm 2016.
Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc đã thông báo vào tháng 6 năm 2016 rằng họ đã ký một thỏa thuận khung hợp tác với bộ quốc phòng Campuchia cho “dự án mở rộng cảng” của một căn cứ quân sự hải quân không được nêu tên.
https://vietluan.com.au/120097/bao-my-viet-ve-kenh-phu-nam-va-moi-quan-he-keo-son-trung-quoc-campuchia/
Ta phải vô địch, ngay cả thua cũng ‘vô địch’
Tuấn Khanh
13/8/2024
Ngày nào, khi báo chí đất nước Việt Nam thanh bình, các nhà tâm lý học và tâm thần học nên đi thăm lại những nhà báo đương thời hôm nay, để tìm hiểu thêm về vấn nạn thủ dâm tư tưởng, công khai và lố bịch ngày càng nhiều. Đặc biệt với thể thao ở kỳ Olympic này.
Việc ca ngợi và tự hào như trẻ nhỏ không hiểu nổi nghĩa trưởng thành, ngày càng nhiều. Vận động viên bắn súng được điểm thì được mô tả ngạo nghễ là khiến cả chục đối thủ khác “khuỵu gối,” mà đến đợt bắn kế tiếp, thì chính vận động viên này cũng bị loại, khuỵu gối thật!
Chuyện khác, tay vợt thi đấu không thành công thì được “ca” là đấu xuất thần, và phải rời cuộc thi đấu sớm là “chia tay đẹp,” nhưng không rõ là đẹp ở chuyện gì.
Tôi không để tên những vận động viên này vì có lẽ chính họ cũng cảm thấy ngại ngùng với cái kiểu bơm thổi lố bịch, nhưng bất lực với trào lưu bịt mắt tự hào, lôi xềnh xệch họ vào dòng dư luận. Mà Việt Nam cũng đã có bài học điển hình tráo trở và bất nhân của báo chí Việt Nam đối với nữ vận động viên bơi lội Ánh Viên, trong lần thi đấu không thành công cuối sự nghiệp của cô. Sau một thời gian dài theo đuổi và ca ngợi những thành công của nữ vận động viên Ánh Viên trên trường quốc tế, rồi sau đó trong một trận đấu không thành công, báo chí đồng loạt cùng một giọng chỉ trích cô là kẻ “về bét”
Những chuyện nói quá, cũng như sỉ vả người không được thành công như ý, là chuyện khá quen thuộc, không chỉ ở kỳ Olympic này, mà dễ thấy nhất là với bóng đá lâu nay. Đặc biệt sự coi thường, hạ thấp đội hay người tạm thời thua cuộc với Việt Nam đã trở nên là điều “ngạo nghễ cần thiết” một cách bình thường.
Một người bạn trên Facebook nhắc tôi về cách diễn đạt của báo chí Thể thao Việt Nam trong một lần thi đấu bóng đá và thua đội bạn, sự thất bại được mô tả là “đội tuyển Việt Nam thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu”. Dường như trong cách mô tả của thể thao Việt Nam vẫn còn mùi súng đạn và niềm khao khát chiến thắng một kẻ thù.
Không nói nhưng chắc ai cũng biết, ngạo nghễ vô cớ, cũng là dấu hiệu của mặc cảm thấp kém lâu năm, nên phải bù đắp và tưởng tượng ngôn từ.
Có những ngành nghề mà khi kể ra thì rất dễ mủi lòng, như vận động viên hay nghệ sĩ xiếc. Họ sống trong một hệ thống bao cấp cầm hơi, giữ lý tưởng, nuôi hy vọng và cống hiến thầm lặng cả tuổi xuân của mình và biết trước, biết rõ khoảng bù đắp trống rỗng về sau của đời mình. Nên nói lố và phủi tay là cách ứng xử vô cùng tàn nhẫn.
Hồi đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Anh đã từng có một nghiên cứu về loài ngựa, và thí nghiệm cho ngựa đeo một đôi kính chỉ nhìn thấy màu xanh lá cây, rồi đưa mạt cưa cho ăn. Ngựa lầm mạt cưa là cỏ, nên ăn đến đoạn suýt bội thực. Nhưng rồi dù đeo mắt kính màu xanh nhưng nó vẫn nhận ra rằng đó không phải là thức ăn ngày thường của mình, nên từ chối, không ăn nữa.
Người làm báo trong thời đại hôm nay cũng nên đừng tự bịt mắt mình bằng một đôi kính màu hồng, đừng để mình bội thực với loại ma túy ảo tưởng vô địch, và vấy bẩn chữ nghĩa của cha ông để lại.
Điều quan trọng là con người, thì nên quan sát bằng cặp mắt của chính mình.
https://vietluan.com.au/120094/ta-phai-vo-dich-ngay-ca-thua-cung-vo-dich/
Tô Lâm chấp nhận tân Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam
14/8/2024
Hiếu Bá Linh
(VNTB) – Sau một thời gian chần chừ hơn một tháng, cuối cùng Tô Lâm đã chấp nhận bà Helga Margarete Barth làm Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam.
Lý do trì hoãn là vì trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Đức tại Việt Nam, bà Barth giữ chức Đặc ủy Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Đức (từ tháng 8/2019) Nhân quyền là một lĩnh vực rất nhạy cảm đối với chế độ Việt Nam hiện nay.
Hôm nay, ngày 12/08/2024, Bà Barth đã trình Quốc thư của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Như vậy, bà Barth đã chính thức bắt đầu công việc của mình trên cương vị tân Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam.
Bà Barth tốt nghiệp Lịch sử hiện đại và Văn học Đức tại Đại học Tübingen – Đức. Bà có bằng thạc sĩ về Nghiên cứu Trung Quốc (Hán học). Bà cũng theo học tại các trường đại học Erlangen và Bonn ở Đức và Đại học Sơn Đông ở Tế Nam, Trung Quốc (1983-1985).
Bà cũng từng giữ chức Phó Tổng lãnh sự Đức tại Quảng Châu (Canton) – Trung Quốc và Trưởng phòng chính trị của Đại sứ quán Đức tại Tokyo – Nhật.
Từ năm 2015 – 2019, bà là Đại sứ Đức tại Hoa Kỳ ở Washington DC.
Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ các nhà máy điện gió, điện mặt trời
13/8/2024
Minh họa: Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận
AFP
Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam vừa gửi công văn yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp hồ sơ, tài liệu của 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời trên cả nước cho mục đích điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 12/8. EVN sẽ đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an cung cấp hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế tại 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời thuộc diện điều tra.
Vào ngày 4/11 năm ngoái, Trung tướng Tô Ân Xô, lúc đó là phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết Cơ quan ANĐT vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam năm cán bộ của Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực VN.
Cả năm đều bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vẫn theo trung tướng Tô Ân Xô, năm người này bị bắt trong quá trình Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an thụ lý, điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Hai người bị khởi tố, bắt tạm giam là cán bộ của Cục Điều tiết điện lực gồm các ông Trần Quốc Hùng - phó trưởng phòng cấp phép và quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương); Trịnh Văn Đoàn - chuyên viên phòng cấp phép và quan hệ công chúng Cục Điều tiết điện lực. Ba còn lại là cán bộ của Tập đoàn Điện lực gồm Nguyễn Hữu Khải - trưởng phòng kinh doanh mua điện Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đỗ Ngọc Tuyền - chuyên viên của phòng này; Trương Hoàng Dũng - chuyên viên phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin Công ty Mua bán điện.
Trước đó vào tháng 5/2023, ông Phương Hoàng Kim (51 tuổi), nguyên Cục trưởng Điện lực & Năng lượng Tái tạo thuộc Bộ Công thương Việt Nam bị khởi tố và bị bắt giam theo cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án này tính đến lúc bấy giờ có ít nhất tám người đã bị bắt. Trong số đó có cựu Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt chỉ một ngày sau khi nghỉ hưu; và Giám đốc Công ty Mua Bán Điện, ông Nguyễn Danh Sơn.
Ông Phương Hoàng Kim được cử làm Cục trưởng Điện lực & Năng lượng Tái tạo hồi tháng 8/2017 khi cơ quan này được thành lập trên cơ sở tách từ Tổng Cục Năng lượng ra.
Vào tháng 11/2019, ông Phương Hoàng Kim được cử làm Vụ trưởng Tiết kiệm Năng lượng & Phát triển Bền vững, Bộ Công thương.
Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia được chuyển từ EVN về Bộ Công Thương
13/8/2024
Minh họa: Công nhân điện làm việc trên lưới điện tại Hà Nội hôm 14/12/2023
AFP
Lễ chuyển giao Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công thương diễn ra vào chiều ngày 12/8 ở Hà Nội.
Truyền thông Nhà nước loan tin cho biết biện pháp chuyển giao được tiến hành với kỳ vọng giúp tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành hệ thống điện; đồng thời tạo điề kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các chính sách năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Tin cho biết, tiến trình chuyển giao được tiến hành theo hai giai đoạn: giai đoạn một từ năm 2018 đến tháng 6/2023 chuyển A0 thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Một thành viên (MTV) hạch toán độc lập trong EVN; giai đoạn hai từ tháng 6/2023 đến nay.
Hôm 1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội ban hành quyết định tách A0 từ EVN và thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện & thị trường điện Quốc gia (MSMO) trực thuộc Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cũng như duyệt chủ trương chuyển giao MSMO về Bộ Công Thương.
Bộ Công thương sau khi tiếp quản A0 như vừa nêu sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát trực tiếp MSMO trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Việt Nam xuất khẩu xăng dầu mạnh sang Thái Lan trong nửa đầu năm 2024
13/8/2024
Minh họa: Một cây xăng ở Hà Nội
Reuters
Xăng dầu Việt Nam xuất sang Thái Lan tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm 2024, tăng gấp 16 lần.
Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố số liệu trong nửa đầu năm nay, Thái Lan nhập hơn 6.700 tấn xăng dầu từ Việt Nam.
Tổng kết sáu tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê Việt Nam cho thấy Việt Nam xuất tổng cộng 1,3 triệu tấn, thu được hơn 1 tỷ USD. Campuchia là khách hàng lớn nhất với hơn 222.000 tấn; tiếp đến là Hàn Quốc với hơn 132.000 tấn; rồi Trung Quốc hơn 116.000 tấn.
Hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tại Việt Nam hiện cung ứng mỗi năm 13 triệu m3 xăng dầu thành phẩm các loại. Cả hai nhà máy giúp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước.
Từ đầu năm đến trung tuần tháng 7 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 5,8 triệu tấn xăng dầu các loại với tổng kim ngạch là 4,7 tỷ USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-spent-more-than-54-bln-dollars-to-import-computers-electronics-equipment-and-parts-07312024090902.html
Việt Nam chi hơn 54 tỷ USD để nhập máy vi tính, điện tử và linh kiện phục vụ xuất khẩu
31/7/2024
Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chi 54,3 tỷ USD để nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để phục vụ chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu.
Công Thương
Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã chi 54,3 tỷ USD để nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện để phục vụ chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu.
Tổng Cục Hải quan Việt Nam công bố số liệu vừa nêu và truyền thông loan tin ngày 23/7. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng vừa nêu để phục vụ xuất khẩu tăng hơn 28%.
Trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 88 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước đó.
Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất của Việt Nam.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập số hàng thuộc nhóm vừa nêu từ Việt Nam với tổng kim ngạch xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc nhập gần 15 tỷ USD từ Việt Nam, tăng hơn 18% so với năm 2023.
Không có nhận xét nào